Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Thực hành cơ bản của Yoga Nội Nhiệt có năm bước liên tiếp :

(1) Quán tánh Không, hay sự Trống Rỗng của Thân.
(2) Quán những Kinh Mạch Chính, hay Nadi.
(3) Những thực tập Thở (Cái Bình).
(4) Vận dụng những Hạt (Bindu).
(5) Những thực tập về thân.

(1) Quán tánh Không, hay sự Trống Rỗng của Thân

Bắt đầu, thiền giả cần cầu nguyện Bổn Sư để được một tiến bộ vững chắc về Nội Nhiệt Tumo. Nó ngồi trong tư thế “Phật Tỳ Lô Giá Na với bảy điểm” : Xếp hai chân trong tư thế hoa sen ; đặt hai bàn tay cái này trên cái kia, ở dưới rốn ; xương sống thẳng như một mũi tên ; nghiêng nhẹ cổ để ép vào yết hầu ; đặt lưỡi ép vào nóc họng ; và hai mắt tập chú vào đầu mũi. Rồi thiền giả quán tưởng thân thể của mình trở thành thân thể của Phật Bổn Tôn – nhưng trống rỗng như một trái banh. Từ đầu đến ngón chân chỉ là trống không. Nếu nó không thể thấy toàn thân hoàn toàn trống không, nó phải cố gắng quán tưởng mỗi phần thân thể trong một lúc. Ví dụ, nó có thể quán tưởng sự trống không của cái đầu, của cổ, của hai cánh tay, của ngực… cho đến khi sự trống không toàn thể trở nên rõ ràng. Rồi thiền giả quán tưởng thân thể mình với những kích cỡ khác nhau – nhỏ như hạt cải, hay lớn như toàn thể vũ trụ, nhưng tất cả đều trống không ở trong. Nó cần thực hành điều này với sự chuyên cần nhiều cho đến lúc cái thấy về thân trống không trở nên cực kỳ rõ ràng.

(2) Quán những Kinh Mạch Chính, hay những nadi

Khi cái thấy sự trống không của thân đã rõ ràng, bấy giờ thiền giả quán tưởng Kinh Mạch Trung Ương ở giữa thân. Đầu chót phía trên của nó chạy đến đỉnh đầu, rồi cong xuống điểm giữa hai lông mày ; đầu chót phía dưới của nó chạy đến một điểm khoảng bốn ngón tay dưới rốn. Bề rộng của nó bằng sợi dây để bện thừng ; và màu của nó là ở ngoài màu trắng, bên trong màu đỏ. Thiền giả cũng quán tưởng hai Kinh Mạch khác, gọi là Phải và Trái (Roma và Junma). Bề rộng của chúng bằng thân của mũi tên ; màu của Kinh Mạch Phải là màu đỏ hơi trộn với trắng, và màu của Kinh Mạch Trái thì ngược lại. Hai kinh mạch này chạy song song và cách Kinh Mạch Chính khoảng một phân. Đầu chót phía trên của chúng cũng đến đỉnh đầu và rồi cong xuống hai lỗ mũi. Cả ba kinh mạch này đều trống rỗng, thẳng, sáng và trong suốt. Vài chỉ dạy nói rằng Kinh Mạch Trung Ương thì dày như thân của mũi tên và hai cái kia dày như thân cây lúa ; rằng Kinh Mạch Phải và Trái cần được quán tưởng như ruột một con dê, để khô rất cũ ; rằng Kinh Mạch Trung Ương phải được quán tưởng là màu xanh, Kinh Mạch Phải màu đỏ, Kinh Mạch Trái màu trắng ; những chỉ dạy khác nói rằng cả ba Kinh Mạch đều trắng ở bên ngoài và đỏ ở bên trong. Dầu những chỉ dạy này khác nhau theo nhiều cách, người ta có thể chọn một cái nào trong đó để thực hành.

Một vài chỉ dạy thêm rằng điểm chót phía trên của Kinh Mạch Trung Ương chạy đến cái Cổng của sự Thanh Tịnh(5) và đầu chót phần dưới kéo dài đến chỗ mở của bộ phận kín. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là theo các chỉ dạy đã nêu ra ở trên.

Khi ba Kinh Mạch này(6) được thấy rõ ràng, thiền giả bấy giờ quán tưởng Bốn Luân Xa(7) trong đầu, cổ họng, ngực và rốn. Luân Xa Rốn cũng được gọi là Trung Tâm Chuyển Hóa, và có 64 kinh mạch mở lên phía trên như những cái gọng của một cái dù lật ngược. Luân Xa Trái Tim được gọi là Trung Tâm Pháp, với 8 kinh mạch mở xuống phía dưới như gọng của một cái dù. Luân Xa Cổ Họng được gọi là Trung Tâm Vui Thích, với 16 kinh mạch mở ra lên phía trên. Và Luân xa Đầu, Trung Tâm Đại Lạc, có 32 kinh mạch mở về phía dưới. Bốn Luân Xa này liên hệ với, hay “nảy sanh” từ Kinh Mạch Trung Ương, như những cái nan gọng từ cây dù. Từ đầu của mỗi kinh mạch nhỏ tỏa ra bao phủ toàn thân – tạo thành vô số mạng hay là mạng lưới thần kinh. Mọi kinh mạch này đều đỏ bên trong và trắng bên ngoài, và trống rỗng bên trong. Một số người nói rằng chúng màu đỏ hay vàng, một số nói rằng Trung Tâm Cổ Họng và Rốn là màu đỏ, Trung Tâm Trái Tim màu trắng và Trung Tâm Đầu màu lục. Tuy nhiên, người ta có thể thực hành lối nào cũng được. Nếu người ta không thể quán tưởng rõ ràng chúng trong tất cả một lần, thì nên quán tưởng một phần trong một thời gian. Nhưng điểm quan trọng là làm cho cái thấy cực kỳ rõ ràng (nhất là ba kinh mạch chính và bốn luân xa). Vài chỉ dạy nói rằng thêm vào Bốn Luân Xa này, phải tính cả Luân Xa Đỉnh Đầu và Luân Xa Chỗ Kín, như vậy là có sáu cái ; một số nói người ta nên quán tưởng tất cả 72 ngàn kinh mạch trong toàn thân. Nhưng tôi nghĩ người ta có thể, hoặc không, làm việc với các Luân Xa và kinh mạch thêm vào này.

(3) Những tập thở Cái Bình

Thời gian tốt nhất để thực hành Thở Cái Bình là khi hơi thở đi qua cả hai lỗ mũi đều nhau. Nếu người ta biết rằng có nhiều không khí đi qua một lỗ mũi hơn cái kia, nó nên nằm ở phía bên kia và dùng ngón tay cái để bịt lỗ mũi ấy, bắt buộc không khí phải ra qua lỗ mũi bên kia. Sau một số hơi thở, nó sẽ thấy không khí chạy qua đều nhau nơi cả hai lỗ mũi.

Bây giờ ngồi dậy, dùng một ngón tay bịt lỗ mũi trái và thở ra một hơi dài qua lỗ mũi phải. Rồi, (sau khi thở vào) thở ra một hơi ngắn, rồi một hơi dài và êm. Thực hành điều này ba lần, rồi làm thế với lỗ mũi kia, và cuối cùng thở cả hai lỗ mũi.

Khi thở ra, thiền giả phải nghĩ rằng mọi chướng ngại, tội lỗi và bệnh hoạn trong thân được tống ra. Những ai chưa từng thực hành thực tập này nên đè lỗ mũi với ngón trỏ cùng phía và ép lồng ngực với bàn tay phía đối diện khi thở ra. Thiền giả nên đặt hai bàn tay trên hai đùi khi thở đều qua cả hai lỗ mũi. Sau mỗi hơi thở ra, nên thở vào sâu, cổ hơi cong trước khi thở ra trở lại. Đây gọi là “Hơi thở Chín Lần”, và chỉ được dùng một hay hai lần trước lúc thiền định. Nếu làm nhiều, nó sẽ bị đau đầu và rối loạn hơi thở. Nhưng đôi khi, giữa lúc thiền định, nó có thể áp dụng rất nhẹ nhàng khi cần thiết.

Bây giờ là thực hành chính của thực tập Thở Cái Bình :

Ngồi như đã dạy ở trước, xương sống thẳng. Để một cái gối hay mền dày khoảng ba, bốn phân dưới mông. Rồi hít vào một hơi thở sâu, tinh tế, ép không khí xuống phía dưới rốn, và nuốt nước bọt với không khí. Bây giờ thắt nhẹ cơ vòng của hậu môn, và giữ không khí ở Luân Xa Rốn.

Khi thiền giả đã thành thạo trong việc ép không khí xuống phía dưới, nó có thể thắt cơ vòng của hậu môn mạnh hơn trước mà không cử động bụng. Sự thực hành này – ép không khí ở trên xuống dưới, đẩy không khí ở dưới lên, và hòa trộn chúng ở Trung Tâm Rốn làm cho bụng dưới phình ra có hình cái bình hay cái lọ – bởi vì lý do ấy, được gọi là “thực tập Thở Cái Bình”.

Khi thiền giả không thể giữ không khí lâu thêm nữa, nó cần lấy thêm một hơi rất ngắn để làm dịu sự căng thẳng, chuyển vòng bắp thịt bụng ba lần, và cố gắng giữ hơi thở một lần nữa đến mức có thể. Khi không thể giữ lâu hơn, nó hơi ngẩng nhẹ đầu và để cho không khí thoát ra càng chậm càng tốt. Bốn tiến trình này được gọi là hít vào, chứa đầy, hòa tan và phóng ra.

Vài quán tưởng cần được thực hành khi thực tập Thở Cái Bình. Khi thở vào, quán tưởng những khí của Năm Đại, trong năm màu, được hút qua lỗ mũi từ một khoảng cách từ một tấc rưỡi từ mũi. Khi chứa đầy, quán tưởng không khí đi xuống qua cả hai Kinh Mạch như thổi phồng một con dê, đi qua điểm liên kết, vào Kinh Mạch Chính và giữ ở đó. Khi hòa tan, quán tưởng không khí lưu chuyển trong Kinh Mạch Chính. Khi phóng ra, quán tưởng một Hạt Bindu(8) tượng trưng Tinh Túy của Tâm Khí, phóng theo Kinh Mạch Trung Ương và thoát ra ở Trung Tâm Đầu. Sự quán tưởng phóng ra này, tuy nhiên, chỉ được làm một lần lúc bắt đầu thiền định ; làm nhiều sẽ dẫn đến rắc rối.

Theo vài vị Guru, trong quá trình phóng ra người ta cần tưởng tượng không khí rời khỏi thân thể qua điểm giữa hai lông mày. Theo lời chỉ dạy khác, cái khí của năm Đại được quán tưởng như những tia sáng Năm màu phóng xuất từ nhiều chày Kim Cương (dorje) nhỏ có chỉa ba. Những chày Kim Cương nhỏ này đi vào, hiện lên và ở trong thân trong tiến trình thở vào, thở ra và giữ lại. Một số vị nói rằng trong tiến trình hòa tan người ta trước hết cần quán tưởng không khí như tràn đầy Kinh Mạch Trung Ương, rồi đến Bốn Luân Xa, và cuối cùng mọi kinh mạch toàn thân ; nhưng điều này bị các nhà khác phê bình như là một phương pháp xấu nó sẽ làm cho không khí rò rỉ khỏi thân thể.

Không bao giờ nên bắt đầu bằng loại Thở Cái Bình đầy mãnh liệt này, bởi vì dù có thể có vài kinh nghiệm nhất thời, người ta sẽ không có lợi lạc nhiều về lâu dài ; ngoài ra, nó sẽ gặp nhiều khó khăn hiểm trở. Bởi thế một người mới bắt đầu được khuyên không nên thực hành loại Thở Cái Bình mãnh liệt ; thay vào đó, nên thực hành loại Thở Cái Bình êm dịu, nó sẽ đem lại cho thiền giả nhiều điều tốt lành mà có ít hay không có trở ngại. Cũng thế, nhất định không nên thực hành bất kỳ loại Thở Cái Bình mãnh liệt nào trước khi đã thông thạo với loại êm dịu. Cái gọi là Thở Cái Bình êm dịu tức là giữ không khí trong một lúc ngắn, buông thả không khí ra trước khi có một căng thẳng nào, rồi lập tức hít một hơi thở khác và lại giữ nó. Mọi cái này phải được lập lại từ tám đến mười lần, làm thành đầy đủ một vòng. Rồi thiền giả có thể nghỉ một lúc trước khi làm vòng khác. Người ta nên cố gắng kéo dài giai đoạn giữ hơi một cách tiệm tiến và nhẹ nhàng ; không bao giờ thở qua miệng, và khi thực hành nên tránh những chỗ không khí có khói hay xấu.

Nếu người ta có thể giữ hơi thở mà không ráng sức trong hai phút, nó được xem như đã thỏa mãn yêu cầu tối thiểu về việc chế ngự khí ; bốn phút là trung bình ; nhưng sáu phút hay hơn nữa, là yêu cầu cao nhất.

Ở đây cần nói đôi lời về dấu hiệu (tiên khởi) khi những khí đi vào Kinh Mạch Trung Ương. Điều này xảy ra khi, bất cứ lúc nào đang thiền định, hơi thở bắt đầu chảy qua cả hai lỗ mũi một cách êm ả trơn tru, rồi trở nên vi tế cùng cực, và cuối cùng hoàn toàn dừng lại. Tuy nhiên hiện tượng này cũng xảy ra khi khí bị chìm hay thất thoát. Nếu bị chìm, người ta cảm thấy tâm thức trở nên lờ mờ và uể oải ; trong trường hợp sau, nó không thể quán tưởng rõ ràng. Nhưng những hiện tượng này không xảy ra trong trường hợp khí đi vào Kinh Mạch Trung Ương. Người ta nên nhớ điều khác biệt lớn lao này.

(4) Vận dụng những Hạt

Thiền giả cần quán tưởng một hạt trắng, nhỏ (như một hạt sương), cỡ khoảng một hạt đậu Hà Lan nhỏ, lấp lánh và trong suốt, ở điểm giữa hai lông mày. Thiền giả nghĩ rằng hạt này (Tig Le hay bindu) là hiện thân của tự tâm mình, và quán tưởng nó cho đến khi nó trở nên cực kỳ rõ ràng. Rồi khi thở vào như nói ở trên, nó quán tưởng Hạt đi lên từ giữa hai lông mày đến phần cao chót của Kinh Mạch Trung Ương ; và trong tiến trình giữ lại, nó tập trung chú ý vào đó. Khi thở ra nó tưởng tượng Hạt chảy trở lại điểm giữa hai lông mày. Nó làm các thứ này trong vài lần. Rồi, nó lấy một hơi dài và đẩy không khí xuống Trung Tâm Rốn. Cùng lúc nó tưởng tượng rằng những Hạt đi xuống Trung Tâm Rốn qua Kinh Mạch Trung Ương như một hòn bi sắt nhỏ rớt qua một ống với tiếng kêu lách cách ; rồi khi giữ lại hơi thở, nó cần tập chú vào Hạt ở Trung Tâm Rốn. Khi thở ra, Hạt trở lại Trung Tâm Đầu bằng Kinh Mạch Trung Ương.

(Kiên trì phát triển thiền định này), thiền giả trước tiên quán tưởng Hạt chạy xuống chỉ tới Trung Tâm Cổ Họng cho đến khi cái thấy trở nên rất rõ ràng mà không cần cố gắng. Cuối cùng, nó quán tưởng Hạt chảy xuống đến Trung Tâm trái Tim và rồi đến Trung Tâm Rốn.

Sau khi thông thạo thực hành này, thiền giả chú tâm vào Hạt ở Luân Xa đã nói (đặc biệt là Luân Xa Rốn) và đồng thời thực hành Thở Cái Bình năm đến bảy lần. Người ta cần lưu ý rằng trong khi thở vào, các Hạt Tig Le đi xuống các Luân Xa phía dưới ; khi hơi thở được giữ lại, nó ở trong trung tâm của Luân Xa ; và khi thở ra, nó trở lại điểm giữa hai lông mày. Vào lúc cuối mỗi lần thiền định, người ta cần tập trung vào Trung Tâm này.

(5) Những thực tập về thân

Chính là nhờ những thực tập về thân mà các nút thắt trong kinh mạch được cởi mở. Chúng phát triển dòng chảy của Khí và Hạt trong những kinh mạch ; chúng cũng làm tươi trẻ, phục hồi lại những khí, kinh mạch và những hạt bị suy yếu. Bởi thế người ta cần học và thực hành những thực tập khác nhau về thân được nêu ra trong các bản văn Mật thừa, điều này cực kỳ quan trọng. Cần có chú ý đặc biệt đến sự thực hành Sáu Thực Tập Luân Phiên của Naropa – một thực tập căn bản cho Yoga Nội Nhiệt – cả lúc bắt đầu và lúc chấm dứt thiền định. Nó cũng cần thực hành các thực tập khác cho các mục tiêu đặc biệt mà nó có thể tìm thấy trong cuốn Sách Đỏ về Yoga Nội Nhiệt của tôi. (Cuốn sách này hiện giờ không tìm thấy, trong Tạng ngữ lẫn Anh ngữ – Người dịch.)

Bây giờ để thiết lập một nền tảng tốt đẹp cho Yoga Nội Nhiệt, những thực hành sau đây được nhấn mạnh :

Ngồi trên sàn, tréo hai chân, đặt một cái gối cao dưới mông, buộc một sợi dây vải để cột thắt lưng và đùi cho thân chắc vững trong lúc thiền định.

Ngồi trong tư thế “Tỳ Lô Giá Na với bảy điểm” như đã chỉ dẫn ở trước, thiền giả bây giờ thực hành cách Thở Cái Bình, nhưng không nên làm khi no quá hay đói quá, cũng không lúc giữa trưa hay nửa đêm. Lúc tốt nhất là khi hơi thở chảy đồng đều qua cả hai lỗ mũi.(9) Bởi thế, người ta nên bắt đầu thực hành khi hơi thở sắp chuyển từ một lỗ mũi này sang lỗ mũi kia, vì lúc ấy hơi thở quân bình nơi cả hai lỗ mũi. Khi quán tưởng, điều này không nên làm giảm sút sự chú tâm vào các kinh mạch, mà còn chú trọng nhiều hơn sự thấy Nội Nhiệt Tumo ở chỗ tiếp hợp của Ba Kinh Mạch phía dưới rốn. Lửa Tumo này có hình như một chữ A Tây Tạng [ ] (hay một ngọn lửa hình trứng hay quả chanh với một lưỡi nhỏ và nhọn uốn như một cái móc hay cái đầu mở nút chai). Màu nâu đỏ, rất nóng và gợn sóng, nó có thể tạo ra nhiệt và lạc trong mọi kinh mạch toàn thân.

Khi thở vào và chứa đầy, thiền giả tưởng tượng không khí chạy xuống theo Kinh Mạch Phải và Trái, và giống như gió trong một ống thổi lửa, quạt Lửa Tumo lên thật nóng ; khi hòa tan, nó nghĩ rằng mọi khí trong thân tụ vào ở đó, và tan vào Lửa Tumo này. Trong khi (“phóng ra”) hay thở ra, Lửa Tumo tiến lên qua Kinh Mạch Trung Ương.

Lửa Tumo là nền tảng của Yoga Nội Nhiệt ; bởi thế cần được quán tưởng rất rõ ràng để thực sự sản sanh ra nhiệt. Một sự quán tưởng vững chắc và rõ ràng về Tumo phải được thiết lập (trước khi người ta có thể hy vọng những tiến bộ có thực chất). Lúc bắt đầu, lưỡi lửa cháy sáng của Tumo không nên được quán tưởng hơn chiều cao của một bề ngang ngón tay ; rồi dần dần nó tăng cao lên hai, ba và bốn bề ngang ngón tay. Lưỡi lửa cháy sáng của Tumo này là mảnh và dài, có hình cái kim xoắn ; nó cũng có đủ bốn tính cách của Bốn Đại – sự cứng chắc của đất, tính ướt của nước, sức nóng của lửa, và sự di động của gió ; nhưng phẩm tính nổi bật của nó nằm nơi sức nóng mãnh liệt của nó – cái có thể làm bốc hơi các khí và sản xuất ra Lạc.

Thiền giả theo những chỉ dạy trên là đã có khả năng đặt một nền móng vững chắc cho Yoga Nội Nhiệt và sản sanh ra Nhiệt và Lạc.

Một số người nói rằng trong Yoga Nội Nhiệt, người ta cũng cần quán tưởng bốn chủng tử tự(10) trong Bốn Luân Xa. Điều này được diễn tả trong những Tantra của Hevajra và Demchog, nhưng không có trong hầu hết các tác phẩm về Sáu Yoga.

Xem mục lục