Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

 

CHƯƠNG XVII
TÁC DỤNG CỦA TÂM TRÍ
 
Khi các ngài quan sát tâm trí các ngài, các ngài chẳng những chỉ quan sát những từng lớp gọi là “thượng tầng” mà các ngài lại phải xem xét cả vô thức : các ngài ngắm nhìn những gì tâm trí tác động trên thực tế, có phải thế không ? Đó là đường lối duy nhất mà các ngài có thể khảo sát . Đừng nên cưỡng chế chồng chất lên trên tâm trí , bắt buộc tâm trí phải làm thế này, phải làm thế kia, phải nghĩ hay hành động thế nào, vân vân ; làm như thế chỉ là quyết đoán suông thôi. Nghĩa là khi các ngài nói rằng tâm trí phải như thế này hoặc phải như thế kia thì các ngài không còn tìm tòi, không còn suy tưởng nữa ; hoặc nếu các ngài trích dẫn uy thế của ai đó, lúc ấy các ngài đã chấm dứt hết mọi suy tưởng, phải thế không ? Nếu các ngài trích dẫn đức Phật, Chúa hoặc XYZ, các ngài không còn truy tìm không còn suy tưởng, không còn khảo sát nữa. Do đó, mình phải tránh tất cả những thứ ấy. Các ngài phải xua qua một bên tất cả những xảo diệu của tâm trí, nếu các ngài muốn xét vấn đề bản ngã cùng với tôi.
Tác dụng của tâm trí là gì ? Muốn tìm hiểu điều này, các ngài phải biết những gì tâm trí đang tác động trên thực tế. Tâm trí các ngài làm gì ? Đó chỉ là một tiến trình của tư tưởng , phải thế không ? Nếu không thì tâm trí đâu có hiện hữu ở đó. Khi mà tâm trí không tư duy, một cách ý thức hay một cách vô thức thì không còn ý thức nữa. Chúng ta phải tìm hiểu những gì tâm trí hoạt động hàng ngày trong đời sống chúng ta và những gì thuộc tâm trí mà chúng ta không ý thức, tất cả những sinh hoạt ấy của tâm trí đã quan hệ gì, có tương giao gì với những vấn đề của chúng ta . Chúng ta phải nhìn tâm trí trong trạng thái hiện thể của nó, tâm trí đang là tâm trí, chứ không phải là tâm trí trong trạng thái mình muốn nó phải là thế nào đó theo tư ý của mình.
Vậy, tâm trí là gì, lúc nó đang tác dụng ? Trong thực tế, đó là một tiến trình cô lập phải thế không ? Bới sâu vào căn rễ, phải nhận rằng đó chính là bản chất của tiến trình tư tưởng . Đó là tư tưởng trong hình thức cô lập thế mà vẫn giữ tính cách tập thể. Khi các ngài xem xét chính tư tưởng của các ngài, các ngài có thấy rằng đó là một tiến trình cô lập phân tán rời rạc . Các ngài suy tư tùy thuận theo những phản ứng của các ngài, những phản ứng của ký ức, của kinh nghiệm các ngài, của kiến thức, của tín ngưỡng các ngài . Các ngài phản ứng lại thuận theo tất cả những thứ ấy, phải thế không ? Nếu tôi nói rằng phải cần thực hiện một cuộc cách mạng tận căn rễ, các ngài sẽ phản ứng lại ngay. Các ngài sẽ phản đối chữ “cách mạng” nếu các ngài có những cổ phần to lớn, về mặt tinh thần hay về những mặt khác. Thế là phản ứng các ngài tùy thuộc vào kiến thức các ngài, tín ngưỡng các ngài, kinh nghiệm các ngài. Đây là một sự kiện quá hiển nhiên. Có nhiều hình thức phản ứng đa dạng. Các ngài nói “tôi phải có tinh thần huynh đệ”, “tôi phải có tinh thần cộng tác”, “tôi phải có tình thân hữu”, “tôi phải tử tế, rộng lượng”, vân vân. Những lời lẽ này là gì ? Tất cả những thứ này đều là phản ứng ; nhưng phản ứng căn bản của tư tưởng vẫn là một tiến trình cô lập. Các ngài đang ngắm tiến trình tâm trí của các ngài, mỗi người đang tự ngắm nhìn mình, nghĩa là đang ngắm chính hành động mình, tín ngưỡng, kiến thức , kinh nghiệm. Tất cả những thứ này tạo ra sự an ninh, tăng trưởng củng cố tiến trình tư tưởng. Tiến trình này chỉ củng cố cái "tôi" , tâm trí, bản ngã – dù gọi là đại ngã hay tiểu ngã thì cũng thế. Tất cả tôn giáo của chúng ta , tất cả những sự phê chuẩn xã hội , những lề luật đều nhắm vào việc củng cố cá thể, bản ngã cá thể, hành động phân hóa ; và chống đối lại cá thể là chính thể độc đoán. Nếu các ngài đi sâu vào thế giới vô ý thức thì tiến trình ấy cũng vận hành y như thế. Trong thế giới vô thức này, chúng ta là tập thể bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, thời tiết, xã hội, cha mẹ, cố tổ. Trong thế giới vô thức này cũng hiện hữu cả lòng tư dục muốn được chủ thể, muốn thống trị trên cương vị của một cá thể, của cái "tôi".
Phải chăng tác dụng của tâm trí chỉ là một tiến trình cô lập, như chúng ta đã thấy rõ và như chúng ta đã sinh hoạt mỗi ngày ? Phải chăng các ngài đang tìm kiếm sự giải thoát cá nhân ? Các ngài đang trở thành một nhân vật quan trọng nào đó trong tương lai hoặc ngay trong đời sống này, các ngài đang trở thành một vĩ nhân, một đại văn nhân. Toàn thể khuynh hướng chúng ta chỉ là phân hóa, phân ly. Tâm trí có thể nào tác động một cách khác không ? Tâm trí có thể nào không còn suy tưởng theo phạm trù phân ly chia rẽ, bưng bít, đóng kín, rời rạc ? Không thể thực hiện được như vậy. Thế là chúng ta sùng bái tâm trí, tâm trí trở nên quan trọng một cách phi thường. Phải chăng các ngài đã biết rõ rằng khi mà các ngài trở nên khá gian xảo, khá tinh ranh, nhanh nhẹn và học hành sỏi đời một nhúm thì các ngài lại trở thành quan trọng biết bao trong xã hội ? Các ngài thấy rằng các ngài sùng bái những kẻ “thượng trí” những luật sư, những giáo sư đại học, những nhà hùng biện, những đại văn sĩ, những kẻ thuyết giải và thuyết trình ; các ngài đã rèn luyện trí thức và trí óc.
Tác dụng của tâm trí chỉ là phân tán, chia rẽ ; nếu không thế thì tâm trí không hiện hữu. Vì chúng ta đã tôi luyện tiến trình này trong bao nhiêu thế kỷ, cho nên chúng ta thấy rằng chúng ta không thể nào cộng tác hợp lực được nữa ; chúng ta chỉ còn bị cưỡng ép, xô đẩy, bức bách bởi thế lực uy quyền, bởi sợ hãi lo âu về đường kinh tế hoặc tương giao. Làm thế nào có thể hợp lực cộng tác với nhau được, khi mà sự kiện này là hiện trạng ngày nay, chẳng những ở mặt ý thức thôi mà cả mặt sâu thẳm thầm kín trong tiềm thức, ở những động lực, những ý định, những sự tìm kiếm đeo đuổi ?
Làm sao có được sự liên kết thông minh để thành tựu bất cứ việc gì ? Vì điều này gần như không thể thực hiện được, cho nên những tôn giáo và những đảng phái xã hội có tổ chức đã cưỡng ép cá nhân qui thuận theo một số hình thức kỷ cương giới luật nào đó. Rồi chính kỷ luật trở nên có tính cách cưỡng chế mệnh lệnh, nếu chúng ta muốn liên kết với nhau để làm việc chung nhau.
Chỉ khi nào chúng ta hiểu cách vượt lên trên sự suy tưởng phân hóa, tiến trình củng cố khoa trương cái "tôi" và cái “của tôi”, không phân biệt hình thức tập thể hay cá thể, chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể sống hòa bình được, không còn xung đột liên miên và không còn chiến tranh tiếp diễn. Vấn đề chúng ta là làm thế nào chấm dứt tiến trình phân hóa của tư tưởng. Tư tưởng có bao giờ phá tan được bản ngã, khi tư tưởng chỉ là tiến trình của ngôn thức và của phản ứng ? Tư tưởng chỉ là phản ứng thôi ; tư tưởng không sáng tạo gì cả. Tư tưởng có thể nào tự hủy diệt ? Đó là điều chúng ta muốn được vỡ lẽ ra. Khi tôi suy tưởng đại loại như vầy : “tôi phải tài chế, phải có kỷ luật”, “tôi phải suy tư một cách thích đáng hơn”, “tôi phải thế này hay thế kia”, thì tư tưởng đã cưỡng ép, tự thúc đẩy, tự tài chế để trở thành một cái gì đó hay không trở thành một cái gì đó – Phải chăng đây chỉ là một tiến trình cô lập ? Do đó, tiến trình này không phải là sự thông minh nhập diệu tác động một cách toàn diện và chỉ sự thông minh toàn diện này mới có thể đem đến sự hợp lực liên kết thực sự.
Làm thế nào các ngài chấm dứt tư tưởng ? Hay đúng hơn làm thế nào tư tưởng cô lập, rời rạc, phiến diện có thể chấm dứt ? Các ngài bắt đầu làm thế nào đây ? Kỷ luật của các ngài có thể chấm dứt tiêu trừ tư tưởng không ? Cố nhiên các ngài đã không thành công từ lâu rồi, nếu làm được việc ấy các ngài sẽ không hiện diện ở đây.
Xin các ngài khảo sát tiến trình kỷ luật, thực ra đó chỉ là một tiến trình tư tưởng , tiến trình của sự qui thuận  khuôn phép, đàn áp tài chế, kiểm soát, thống trị - tất cả mọi điều này đã tác động đến vô thức và sau này chính sự thực sẽ lộ chân tướng khi các ngài càng thêm tuổi tác. Vì từ lâu đã cố gắng tự kiềm chế một cách vô ích, chắc các ngài phải thấy rằng kỷ luật hiển nhiên không phải là tiến trình có thể phá hủy được bản ngã. Không thể phá hủy tiêu trừ bản ngã bằng kỷ luật, bởi vì kỷ luật chỉ là một tiến trình củng cố bản ngã. Tuy thế mà những tôn giáo của các ngài vẫn hỗ trợ tiến trình này ; tất cả sự tham thiền, trầm mặc, tất cả lời quyết đoán của các ngài đã được xây dựng trên tiến trình này. Kiến thức sẽ phá hủy được bản ngã không ? Tín ngưỡng sẽ phá hủy được bản ngã không ? Nói khác đi, những gì chúng ta đang làm, bất cứ hành động nào chúng ta đang làm để bứng rễ bản ngã, những hành động này có thể thành công không ? Phải chăng tất cả mọi hành động này đều là phung phí vô ích, bởi vì hành động vướng trong tiến trình tư tưởng , tức là tiến trình cô lập, tiến trình phản động ? Các ngài làm gì khi các ngài ý thức tận cội rễ sâu thẳm rằng tư tưởng không thể tự chấm dứt ? Cái gì xảy ra ? Các ngài hãy tự ngắm nhìn bản thân. Khi các ngài ý thức trọn vẹn sự kiện này, cái gì xảy ra ? Các ngài hiểu rằng bất cứ phản ứng nào cũng đều bị qui định triền phược, và vì qui định ràng buộc nên không thể nào có được tự do ở ngay từ đầu hoặc ở cứu cánh – và tự do là luôn luôn ở bước đầu chứ không phải ở cuối cùng.
Khi các ngài ý thức rằng bất cứ phản ứng nào cũng là một hình thức của sự qui định và chỉ lưu diễn bản ngã trong những đường lối khác nhau, khi ý thức được như vậy thì cái gì xảy ra trên thực tế ? Các ngài phải sáng suốt minh bạch về việc này. Tín ngưỡng, kiến thức, kỷ luật, kinh nghiệm, trọn vẹn tiến trình thâu đạt kết quả hoặc cứu cánh tham vọng, trở nên một cái gì đó trong đời sống này hoặc đời sống tương lai – Tất cả mọi sự này đều là tiến trình cô lập, tiến trình phá hoại, khốn cùng, chiến tranh, các ngài không thoát được hành động tập thể, dù các ngài có thể bị đe dọa về những trại tập trung và bao nhiêu việc khác đại loại như vậy. Các ngài có ý thức về sự kiện này ? Trạng thái tâm trí của trí óc chúng ta là gì, khi chúng ta nói :”Việc ấy là thế”. “Đó là vấn đề của tôi”, “Đó, đúng như tình trạng của tôi bây giờ”, “Tôi thấy được tác động kiến thức và kỷ luật , còn tác động của tham vọng thì sao ?” Cố nhiên nếu các ngài thấy được như vậy thì một tiến trình khác đã vận hành rồi.
Chúng ta đã thấy đường lối vận hành của trí năng nhưng chúng ta không thấy đường lối vận hành của tình yêu. Đường lối vận hành của tình yêu không thể tìm thấy được qua trí năng. Trí năng, tất cả những phụ thể của trí năng, tất cả lòng khao khát của trí năng, tất cả tham vọng, tất cả đeo đuổi, phải chấm dứt ngay để tình yêu được hiện hữu. Các ngài không biết rằng mỗi khi các ngài yêu thương, hợp lực cộng tác, các ngài không hề nghĩ đến bản thân ? Đó là hình thức cao nhất của sự thông minh – không phải lúc mình yêu thương, đứng từ vị thế cao ngó xuống hay lúc các ngài đang được một địa vị cao cấp, yêu thương như vậy chỉ có nghĩa sợ hãi . Khi các ngài góp phần vốn vào đó để được lời lãi thì không thể nào có thương yêu được ; đó chỉ là tiến trình bóc lột, xuất phát từ sợ hãi lo âu. Do đó, tình yêu chỉ có thể xuất hiện khi tâm trí không hiện hữu nữa. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta phải hiểu toàn thể tiến trình của tâm trí, tác dụng của trí óc.

Chỉ khi nào chúng ta biết yêu thương nhau thì mới có thể thực hiện được sự cộng tác hợp lực, mới có thể thực hiện tác dụng thông minh diệu dụng, mới có thể thực hiện sự liên kết thân ái trong bất cứ vấn đề nào. Chỉ có lúc ấy mới có thể tìm thấy Thượng đế là gì, chân lý là gì – Thế mà chúng ta vẫn cố gắng tìm kiếm chân lý bằng trí năng, bằng sự bắt chước mô phỏng – đó chỉ là sùng bái ngẫu tượng hư thần. Chỉ khi nào các ngài loại bỏ triệt để tất cả cơ cấu của bản ngã, loại bỏ với lòng giao cảm ; chỉ lúc ấy sự thiên thu vĩnh cửu, phi thời gian, vô lượng, vô hạn, mới xuất hiện. Các ngài không thể đi đến Thiên Thu ; chính Thiên Thu đi đến các ngài.

Xem mục lục