Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
Rất cần thiết phải thông đạt ý nghĩa kinh điển để không vướng vào suy luận. Ý nghĩa của mỗi bộ kinh chỉ được dành cho một căn cơ nào đó lĩnh hội, và ý nghĩa cực kỳ vi tế của kinh, đương cơ ấy phải thấu triệt. Điều nầy rất khó, và đôi khi có nguy cơ hiểu nhầm. Cũng vậy, có rất nhiều kinh sách Hiển giáo cũng như Mật giáo không trình bày chỉ như lời giáo huấn, mà chỉ trình bày cái thấy như một phần của việc tu đạo. Một số kinh khác cần được phân tích nhiều điểm trọng yếu, nhưng vốn rất khó, cho dù những kinh ấy được đem ra nghiên cứu, đều được nhận thức rõ ràng đó là những điều quan trọng. Nói chung, nhiều người biết cách thực hành nhưng không có nỗ lực trong công phu tu tập. Do vậy, sự viên chứng Mật tông, không thể dựa trên các hình thái như thế được.
 
Ngài Tông-khách-ba[1] thấy rằng nếu vô số kinh điển ấy được tập hợp lại, an định ý nghĩa để không vướng vào suy luận và đưa ra cho hành giả theo đó tu tập, thì sẽ giúp ích cho rất nhiều người vốn đã bị chi phối bởi tình trạng tệ hại nầy. Được hấp dẫn bởi những luận giải siêu việt Mật tông Ấn Độ và Tây Tạng như của Long Thụ (Nāgārjuna) và Bổ-đốn (Bu-tön; Bu-ston),[2] con người đầy trí huệ tâm linh, nên Ngài Tông-khách-ba đã có được sự khích lệ tập hợp những luận giải nầy và điều chỉnh những sai lầm thiếu sót còn tồn tại trong những luận giải trước đó của các Lạt-ma.
 
Bộ tập thành về Mật tông sẽ không giống như Bộ tập thành về Trung luận hoặc về giáo lý tu đạo trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa.1 Đề tài Mật tông không thể được trình bày như sự trao đổi hàng hoá [hay sự tương tác giáo nghĩa] mà để được thực hành một cách cẩn mật. Nếu không, thay vì sự hỗ trợ, nó sẽ trở nên nguy hại cho nhiều người do nhầm lẫn. Chẳng hạn, có người không có khả năng tu tập Bốn Mật pháp tantra2 nói chung và Vô thượng Du-già tantra nói riêng chỉ vì muốn hành trì Mật tông. Một số khác, mặc dù có niềm tin, nhưng không có nhãn quan chính xác về Phật pháp như chính kiến, tu tập và đạo đức. Những người khác thì biết rất rõ những điều nầy, nhưng nguyện lực không kiên trì, tín tâm không bền vững, tâm nguyện không mạnh mẽ. Không có chính kiến và tâm nguyện không mạnh mẽ, thì tu tập Mật tông không thể được.
 
Ở Ấn Độ, các vị chân sư (guru)[3] chỉ truyền dạy Mật pháp cho một vài người mà họ biết là nghiệp lực và tâm nguyện người ấy đã chín muồi. Vị chân sư truyền trực tiếp bí pháp cho học trò, và khi môn đệ tận lực thực hành mật pháp mà họ được giao, thì sự cảm ứng giữa kinh nghiệm tâm linh và nội chứng sẽ phát sinh. Chỉ như thế thì giáo pháp của Đấng Tối thắng mới được thẩm nhận sâu hơn và chúng sinh mới có được lợi lạc. Tuy nhiên, nơi Tây Tạng xứ tuyết thì những yếu tố nầy thiếu sót trầm trọng. Mật tông được phổ biến rộng rãi, người ta tìm đến nó vì sự nổi tiếng mà không cần tìm hiểu xem họ có khả năng tu tập pháp nầy hay không.
 
Một con người khôn ngoan, cho dù khi mong muốn điều tốt nhất, là người biết khảo sát phương thức tối ưu để khế hợp với nó. Người Tây Tạng cũng mong muốn điều tốt nhất và họ thừa nhận rằng họ có khả năng thực hành trọn vẹn. Như kết quả đã thấy, Mật tông trở nên nổi tiếng ở Tây Tạng, nhưng cách tu tập không giống như bí pháp chân chính của Ấn Độ, nên chúng ta không thể nào đạt được công phu tuyệt kỹ của Mật tông như đã được giải thích trong các pháp tantra; dấu ấn sâu sắc của pháp tu Mật tông chưa được hiển bày. Như câu nói truyền miệng của người Tây Tạng: “Người Ấn Độ một kẻ tu thì 100 người thành thánh; người Tây Tạng 100 người tu cũng chẳng thành tựu được một.”
 
Chẳng hay ho gì khi bắt đầu tu tập với nhiều tác phẩm luận giải khác nhau, rồi bảo nhau rằng: ‘Cuốn nầy rất hay; cuốn kia có vẻ được,’ rồi cầm cái nầy, nắm cái kia, và chẳng thành tựu được điều gì cả. Nếu các bạn không phát xuất từ lòng tham mà nhắm vào sự khế hợp với nguyện lực, thì bạn sẽ trực nhận được tiềm năng cảm ứng và trở thành một hành giả. Nếu thành công, năng lực hay dấu ấn sâu sắc của mật pháp nầy sẽ phát sinh.
 
Riêng trong thời đại ngày nay, Mật tông đã trở thành đề tài được quan tâm, nhưng chỉ như là đối tượng hiếu kỳ. Tuỳ theo quan niệm của người tu tập, nó sẽ trở thành một thứ để giải trí và đến mức chẳng biết điểm nào là có ích hay nguy hại. Nhiều mật pháp đã được phổ biến, nhiều người giảng thuyết về tantra, nhiều kinh sách được phiên dịch. Ngay dù Mật tông chỉ được thành tựu trong ẩn mật, mà nhiều sách đã xuất bản lại là một mớ hỗn tạp của thật và giả.
 
Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu có nhiều phương tiện và hoàn cảnh thích hợp để điều chỉnh những quan niệm sai lầm. Nói chung, dịch một tác phẩm về Mật tông đang bán trong hiệu sách thì chẳng hợp lý chút nào, nhưng trong thời điểm và trong tình thế nầy, khi không làm trong sáng những ý tưởng sai lạc, càng sai lầm nghiêm trọng hơn là tham gia vào việc dịch thuật. Nhiều hiểu lầm được gán cho Mật tông đã được đồn đoán rộng rãi, và như thế, tôi nghĩ rằng dịch hay phổ biến một tác phẩm giá trị về Mật tông có thể sẽ giúp cho sự thanh tẩy những sai lầm trùng điệp ấy. Đây là lý do để tôi luận giải về tác phẩm của Ngài Tông-khách-ba.
 
Nếu Mật tông chỉ được thực hành rộng rãi và được dùng cho mục đích thương mại, thì tai hoạ sẽ xảy ra ngay với những ai thực hành như vậy, ngay cả bị mất mạng, và tâm trạng bất an sẽ xảy ra trong kinh nghiệm tâm linh và trong liên tục thống nhất thể (continuum) của tâm thức. Với những sách ở dạng khác thì không tạo nên những sai lầm nghiêm trọng, nhưng với các tác phẩm Mật tông thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng khi chú giải hoặc dịch thuật. Lại nữa, nếu mắc phải những sai lầm khi lộ bày ra những ẩn mật cho những ai chưa đủ cơ duyên chín muồi thì thật là nguy hiểm, thay vì giúp ích thì hoá ra tai hại. Có nhiều chuyện kể về những người bắt đầu viết những chuyên luận về Mật tông nhưng không thể nào an hưởng trọn vẹn đời sống của mình, và có người thì bị gãy đổ những dự án của mình khi viết một tác phẩm về Mật tông.
 
Những hành giả đã tu tập các giai vị trong Hiển giáo và mong muốn nhanh chóng đạt được cảnh giới phước huệ trang nghiêm của chư Phật thì nên đi vào Mật thừa3 để có thể dễ dàng nhận được sự chứng ngộ Phật quả. Tuy vậy, bạn không nên tìm cầu quả vị Phật cho riêng mình, và không nên đến với Man-tra thừa[4] để thấy mình khác thường. Với một sự hướng dẫn tâm linh như là bậc thủ hộ, bạn cần phải tu tập theo lối phổ thông, theo lối công phu dành cho những căn cơ bậc hạ và trung–nhận ra khổ đau và phát tâm thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Rồi bạn phải tu tập lòng từ bi, nghĩa là không thể nào chịu đựng được cảnh khổ đau nơi người khác mà bó tay khuất phục. Con người muốn có hạnh phúc nhưng lại bị tước đi hạnh phúc; họ không muốn khổ đau nhưng bị hành hạ bởi khổ đau. Bạn phải phát khởi lòng từ bi rộng lớn từ nhiều quỹ đạo của con tim bạn đến cho mọi loài chúng sinh đang trôi lăn trong ba cõi–Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Bạn phải có một tâm nguyện rộng lớn cứu vớt mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau và cảnh giới của họ.
 
Nhờ năng lực đã được tích tập trong vô số kiếp trước, có người đã có được thiện tâm từ khi còn nhỏ; họ có được lòng từ bi vô hạn đối với những côn trùng đang có nguy cơ bị huỷ diệt và đối với loài người đang lâm vào cảnh tang thương; họ đã có ý thức sâu sắc về lòng từ bi. Những người như thế nên tu tập Mật thừa để có thể nhanh chóng đạt Phật quả.
 
Không phải ai cũng có thể tu tập Tantra, pháp nầy chỉ dành cho những người đã thực hành thiện căn trong nhiều đời trước, những người ngay khi còn nhỏ đã có tư tưởng mạnh mẽ thích cứu giúp mọi người, và dành cho những ai đã có căn lành mong cầu sự dẫn đạo tu tập tâm linh. Thông qua những chỉ thị ẩn mật của bậc đạo sư, các môn đệ nên đem hết nỗ lực thực hành qua hằng năm tháng để phát triển thiện tâm nầy đến mức ngày càng cao hơn. Cuối cùng, cho dù khi đang đi, đứng, nằm, ngồi; họ vẫn có một tâm nguyện dõng mãnh, mong làm được bất cứ việc gì để giúp cho mọi người. Họ có ước nguyện mạnh mẽ được đem đến sự giúp ích to lớn cho mọi người một cách ngẫu nhiên, không tính toán, như Đức Phật đã làm. Những người như thế nên tu tập Mật thừa để nhanh chóng đạt được Phật quả.
 
Nếu bạn chỉ mong cầu đầy đủ thực phẩm, y phục nhất thời cho mình và cho người khác, chỉ tìm cầu mục đích tạm thời trong đời nầy, như thoát khỏi bệnh tật, được giàu có sung túc hay danh vọng hoặc nhiều tiền; chắc chắn đó là những phương tiện để đạt được sự giàu có nhất thời, thoát khỏi bệnh tật đau ốm nhất thời. Và để đạt được danh vọng nhất thời, bạn phải trở nên tham lam và dối trá, có khi lương thiện và khi khác lại luống dối; có khi hung hăng và có khi lại hiền từ. Đây là những phương tiện nhất thời, và ngày nay nhiều người đang trôi theo dòng chảy nầy. Nếu đó là dự định của bạn, thì khỏi cần phải đọc Chân ngôn đạo thứ đệ[5] của Ngài Tông-khách-ba.
 
Còn nếu ngược lại, bạn không công nhận mô thức nầy của những bậc đàn anh trên đời là đủ, nếu bạn xem những hành vi trên là điên rồ nhu nhược, nếu bạn thấy rằng họ không thể nào giúp cho thế hệ tương lai tiến xa hơn, và nếu bạn nhận ra rằng dù bạn giàu có đến bao nhiêu trong đời nầy thì vẫn khó được tâm bình an, và nếu bạn là người mong cầu sự bình an tâm thức cho bạn và cho những người khác, thì rất quan trọng cần phải phát tâm.
 
Có nhiều lời giáo huấn về mục tiêu nầy, nhưng chúng ta thấy chỉ có Đức Phật dạy một cách mạnh mẽ rằng chúng ta phải yêu thương mọi người hơn chính mình và chúng ta nên phát khởi lòng từ bi vô hạn, đưa chúng sinh ra khỏi vòng khổ đau và thoát khỏi nguyên nhân gây khổ đau. Mọi lời dạy trong các hệ thống giáo lý trên thế gian đều dạy phương pháp đem đến sự bình an thuần tịnh cho tâm thức và chùi sạch những vết tích thô trược từ dòng tương tục của vọng tâm. Bằng trực tiếp hay gián tiếp, họ phát huy sáng tạo qua thiện tâm và lòng bi mẫn, nhưng trong đó dường như chỉ có món quà của Đức Phật, qua vô số giáo lý, kinh điển và chính kiến là có ý nghĩa chuyển hoá tâm thức đến mức thuần thiện. Tôi không thể nói đạo Phật là tốt vì tôi là một Phật tử. Tôi nghĩ rằng nếu ai chiêm nghiệm một cách sâu sắc thì họ sẽ thấy đúng như vậy, nhưng dù đạo Phật là tốt nhất, cũng không có nghĩa mọi người phải nên là Phật tử. Không cần phải có cùng khuynh hướng và sở thích giống nhau. Mọi người lẽ ra đều siêu tuyệt, nhưng vì không phải ai cũng có khả năng thực hành tốt nhất nên mỗi người cần phải quán sát con đường mình chọn sao cho phù hợp với khuynh hướng, sở thích và năng lực của riêng mình.
 
Nói chân thực, nếu là Phật tử, thì hãy là hành giả của Tantra thừa, và mọi người nên thực hành pháp Vô thượng du-già tantra (anutta­ra­yo­ga-tantra), vì đây là pháp cao tột nhất. Thế nên Kim Cương Trì4 chỉ truyền dạy duy nhất pháp Vô thượng du-già tantra. Ngài thực lòng truyền dạy pháp nầy nếu ai có năng lực hành trì. Còn đối với những ai không thích hợp với Vô thượng du-già tantra thì ngài truyền pháp Du-già tantra (yoga-tantra). Những ai không thích hợp với Du-già tantra thì ngài truyền pháp Hành tantra (caryā-tantra). Những ai không thích hợp với pháp Hành tantra thì ngài truyền pháp Tác tantra (kriyā-tantra). Những ai không thích hợp với pháp Tác tantra thì ngài truyền dạy kinh luận, trong đó ngay tên gọi ‘Mật tông’ cũng không được đề cập đến.
 
Trong số kinh ngài truyền dạy, kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa làm phát sinh tư tưởng Trung quán,[6] và đối với những người không phù hợp tư tưởng nầy, ngài dạy những kinh trình bày tư tưởng Duy thức.[7] Ngài đưa ra Độc giác thừa để có thể giúp cho nhiều căn cơ tu tập, lại nữa, để được giúp ích nhiều hơn, ngài còn đề ra Thanh văn thừa, trong đó gồm phát nguyện tu tập dành cho hàng tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, sa-di, sa-di ni và dành cho hàng cư sĩ. Trong hàng cư sĩ, sự phát nguyện tu tập thấp nhất gồm giữ gìn toàn bộ năm giới hoặc bốn hoặc ba hoặc hai hoặc chỉ giữ một giới, hoặc ngay cả chỉ quy y; để nhiều người có thể thực hành theo cách nầy.
 
Để khế hợp với những khuynh hướng, sở thích của những người không thể thực hành pháp môn vi diệu nhất, Đức Phật đề ra vô số hình thức tu tập cho lớp sơ cơ từ phát nguyện quy y của hàng cư sĩ hành trì Vô thượng du-già tantra của Kim cương thừa. Với cái nhìn xuất phát từ vô số luận lý rộng lớn và sâu thẳm, đạo Phật có hầu hết mọi phương pháp và kỹ thuật để chuyển hoá tâm thức đến chỗ chí thiện.
 
Để thâm nhập vào chỗ sâu mầu của Mật thừa, hành giả phải biết đến yếu tính của Kim cương thừa,[8] và vì lý do nầy, Ngài Tông-khách-ba giảng giải về tiến trình các giai đoạn tu tập. Trong 18 cuốn bao gồm toàn bộ tác phẩm của ngài, cuốn Bồ-đề đạo thứ quảng luận (The Great Exposition of the Stage of the Path Common to the Vehicles) và Chân ngôn đạo thứ đệ (The Great Exposition of Secret Mantra) là quan trọng nhất. Nhiều tác phẩm của ngài là những đề tài chọn lọc về Mật tông giai đoạn phát tâm, giai đoạn thành tựu, pháp quán đỉnh, thành tựu những công hạnh đặc biệt – nhưng tác phẩm trình bày có trình tự mô thức tinh yếu của bốn loại tantra chính là Chân ngôn đạo thứ đệ.
 
Khi luận giải nầy được giảng giải bằng khẩu quyết, thính chúng sẽ biết được khởi nguyên của bốn loại tantra–chẳng hạn, Đức Bồ-tát Đại bi đối với Tác tantra, Đức Phật Tỳ-lô-giá-na[9] đối với Hành tantra, Sarvavid đối với Du-già tantra, Cha-krasam-va-ra (samvara), Bí mật tập hội (Guhyasamaja), hay Bhaivara trong mạn-đà-la bằng phấn màu của Vô thượng du-già tantra. Ít nhất, hành giả phải được làm lễ quán đỉnh theo pháp Vô thượng du-già tantra trong một mạn-đà-la bằng phấn hay trên tấm thảm màu. Cũng vậy, khi các khẩu quyết được truyền thụ, thì các vị Lạt-ma thiết lập dòng tương tục của tâm sẽ đồng nhất với người được điểm đạo.
Xem mục lục