Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Có hai thứ vô thường. Vô thường thô và vô thường vi tế (gross impermanence and subtle imtermanence). Mặc dù vô thường thô nói chung rất dễ nhận, song chúng ta ít khi ý thức đến những đổi thay rõ rệt đang liên tục xảy ra xung quan mình. Một ví dụ cụ thể về vô thường thô là cái kiểu chúng ta thay đổi suốt đời mình. Khi mới sanh ra đời, ta bé nhỏ yếu đuối. Ta không thể ăn đồ ăn thô cứng và hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Ít tháng sau khi ra đời, ta bắt đầu thay đổi một cách đáng kể về hình dạng, và có được tài nghệ mới. Sau một vài năm, ta biết đi, nói có mạch lạc, và ăn đồ cứng. Tuổi thơ trở thành tuổi trẻ, tuổi trẻ thành trung niên, trung niên thành lão niên, và lão niên cuối cùng đưa đến cái điển hình sống động nhất của vô thường - sự chết.

 Nói chung, ai cũng hiểu được thứ vô thường này, bởi vậy không cần phải lý luận thêm nữa để chứng minh sự có mặt của nó. Vì lý do ấy mà thứ vô thường nầy gọi là vô thường thô.

 Vô thường thô thấm nhuần tất cả, không những loài hữu tình mà cả vật vô tri giác. Chẳng hạn khi một cái nhà mới vừa xây xong, ta bảo nó còn mới. Sau nhiều tháng nó cũ đi một chút, và sau nhiều năm nó càng cũ hơn, cho đến khi cuối cùng nó sụp đổ. Một cái hoa lúc đầu tươi đẹp, nhưng chỉ sau vài ngày nó bắt đầu mất vẻ tươi mát, những cánh hoa bắt đầu rơi rụng, và cuối cùng tàn úa, rữa nát. Ngay cả cấu trúc của thế giới trong đó ta sống cũng đã từng có lúc còn mới. Từ lúc khởi thủy cho đến nay, nó đã trải qua nhiều triệu triệu năm, nhưng cuối cùng nó cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

 Những đổi thay như thế đều là ví dụ về vô thường thô. Hệ thống của thế giới chúng ta và mọi chúng sanh, mọi vật thể trong đó đều thuộc bản chất vô thường. Ta không thể tìm thấy một người nào không bao giờ già chết, hay một vật gì mãi mãi tồn tại mà không cuối cùng phải diệt vong.

 Mặc dù tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng hiểu vô thường thô, chúng ta vẫn ít khi quan sát ý nghĩa của nó, hay những hiệu quả của nó đối với chúng ta. Nếu ta quan sát một cách nghiêm túc những hiệu quả của vô thường thô, thì chắc chắn điều này sẽ mang lại những đổi thay trong đường lối suy nghĩ của chúng ta. Ta sẽ phát sinh một cảm giác khác đối với vô thường thô, và cách nó hoạt động trong đời mình.

 Chúng ta thường xem những vật quanh mình cũng như chính mình là trường cửu. Tuy nhiên đó là một cái thấy sai lầm. Nhờ quán vô thường mà ta có thể đạt được những thực chứng nội tâm và phát sinh một cảm thức đặc biệt về vô thường. Ta nên cố mà đào luyện cái cảm thức đặc biệt ấy.

 Thiền quán vô thường làm cho tâm ta và pháp hòa lẫn nhau. Nếu không quán vô thường và phát sinh tuệ giác về vô thường, thì tâm ta và pháp sẽ không bao giờ lại gần nhau. Ta có thể hiểu vô thường trên bình diện trí thức, nhưng nếu không thiền quán về vô thường thì cho dù ta có tiếp nhận thêm giáo lý khác, tâm và pháp của ta vẫn không sẵn sàng hòa hợp. Nếu xét kỹ, ta sẽ thấy rằng vô thường là phương pháp tốt nhất để chuyển hóa tâm ta thành pháp thuần túy.

 Đối với nhiều người, thật khó mà phát triển một tâm thích thú đối với pháp và lòng ước muốn thực hành pháp. Một trong những lý do chính là vì ta tưởng như mình sẽ ở mãi trên trái đất này. Vi có kiến chấp này về sự trường cửu của mình, chúng ta chỉ ưa thủ đắc những thứ làm tăng thêm tiện nghi và an ổn cho mình trên đời. Cảm giác trường cửu này càng mạnh thì càng ít có sự quan tâm đến chuyện hội nhập đời sống của chúng ta vào với pháp. Chính vì lý do này mà nói rằng mỗi khi muốn thực hành pháp, thì bước đầu tiên là phải ý thức đến vô thường.

 Như vậy quán vô thường là đều cốt yếu để thực hành pháp. Điển hình mãnh liệt nhất của vô thường là cái chết, bởi thế thật ích lợi nếu ta quan sát nó. Lúc đầu ta có thể khó mà đối mặt với ý nghĩ rằng cuối cùng, ta phải chết. Nhưng nếu ta không để ý đến cái chết thì rất dễ rơi vào ảnh hưởng của cái tư tưởng lừa dối tâm ta, khiến cho ta có cảm giác rằng mình trường cửu, sống hoài không chết.

 Mặc dù có nhiều ví dụ điển hình về vô thường thô (hay rõ rệt) mà ta có thể quan sát, song thiền quán về một cái chết là một nhân tố rất hữu hiệu khiến ta chuyên tâm thực hành diệu pháp. Bước đầu tiên của đức Thế Tôn để đạt đến giác ngộ là tư duy về vô thường. Chính nhờ năng lực của sự liễu trí (understanding) về vô thường mà đức Phật đã phát tâm mạnh mẽ tu hành diệu pháp (pure dharma), và nhờ thực hành diệu pháp, cuối cùng ngài đã đạt giác ngộ. Lần đầu tiên giảng dạy, chuyển bánh xe pháp, đức Phật đã giảng dạy lý vô thường. Ngài dạy rằng vô thường là đề mục tư duy tốt nhất cho kẻ mới học đạo (the best meditation for beginners).

 Phần lớn những trở ngại của chúng ta phát sinh đều do sự suy nghĩ rằng mọi sự - kể cả chính ta - là trường cửu. Nếu nhận chân được mọi sự kể cả chính mình đều thuộc bản chất vô thường, thì ta sẽ bớt được nhiều vấn đề. Như vậy, nhờ quán vô thường chẳng những ta giải quyết được những vấn đề tạm bợ, mà nó còn giúp cho sự tu tập của ta trở thành rất trong sáng. Thiền quán về sự chết và vô thường là phương pháp tốt nhất để đánh tan sự lười biếng. Nó cũng giúp cho chúng ta mau chóng đạt giác ngộ.

 Có thể có người nghĩ rằng vô thường là một phép quán sơ đẳng chỉ thích hợp cho những người sơ cơ (beginners), nhưng kỳ thực không phải thế. Ngay cả những vị đã tu chứng cao vẫn phải quán vô thường. Những hành giả Mật tông thường giữ những xương người như xương đùi, và những vật dụng làm bằng xương ngưòi, như chén tách bằng sọ người, để tự nhắc nhở về vô thường. Nếu một hành giả Mật tông mà không nhớ đến vô thường, thì sự hành trì Mật tông của họ chỉ có lợi ích cho đời này mà thôi. Hành trì pháp mà chỉ vì lợi ích cho đời này thì không phải là sự tu tập thuần túy. Như vậy, tư duy thiền quán về vô thường là việc quan trọng đối với tất cả mọi trình độ tu tập pháp.

 Nếu ta biết cách quán vô thưòng (how to meditate on impermanence) thì có nhiều lợi ích đặc biệt. Việc này dễ làm phát triển một cảm giác nội tâm về vô thường hơn là đối với những đề mục thiền quán khác, bởi vì có rất nhiều điển hình về tính vô thường để cho ta có thể tư duy về chúng. Bởi thế, quán vô thường là một pháp thiền có nhiều năng lực hơn các kỷ thuật khác.

Xem mục lục