Có bốn thực hành căn bản chính yếu trong yoga giấc mộng. Dầu chúng được gọi theo truyền thống là Bốn Chuẩn Bị, điều này không có nghĩa là chúng kém quan trọng và phải được tiếp theo bởi những thực hành “thật sự”. Chúng chuẩn bị trong cái nghĩa chúng là những nền tảng mà thành công trong sự thực hành ban đầu phải nương tựa vào.
Yoga giấc mộng được nuôi dưỡng theo cách thức tâm thức được sử dụng trong đời sống lúc thức, và đây là điều bốn thực hành căn bản nhắm đến. Tâm thức được sử dụng như thế nào sẽ xác định những loại giấc mộng nào khởi sanh trong giấc ngủ cũng như phẩm tính của đời sống lúc thức. Hãy thay đổi cách thức bạn liên hệ với những đối tượng sự vật và con người lúc thức và bạn sẽ thay đổi kinh nghiệm giấc mộng. Rốt cuộc, “con người bạn” sống giấc mộng của đời sống lúc thức cũng là cùng một “con người bạn” sống giấc mộng của đời sống lúc ngủ. Nếu bạn tiêu phí suốt ngày trong sự bị đứt đoạn và bị cầm giữ bởi những tạo tác của tâm thức ý niệm, bạn cũng làm đúng y như vậy trong giấc mộng. Và nếu bạn nhiều hiện diện hơn khi thức, bạn cũng sẽ tìm thấy hiện diện đó trong mộng.
MỘT : THAY ĐỔI NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP
Một giải thích của sự thực hành thứ nhất được biết đến nhiều hơn ở Tây phương, bởi vì những nhà nghiên cứu giấc mộng và những người quan tâm đến giấc mộng đã thấy ra rằng nó giúp đỡ cho việc phát sanh giấc mộng sáng sủa minh bạch. Nó như sau : suốt ngày, hãy thực hành sự nhận biết tánh chất như mộng của đời sống cho đến khi cùng sự nhận biết đó bắt đầu biểu lộ trong giấc mộng.
Vừa thức dậy buổi sáng, bạn hãy tự nghĩ, “Tôi đang thức dậy trong một giấc mộng”. Khi bạn vào nhà bếp, hãy nhận biết nó là một nhà bếp trong mộng. Hãy đổ sữa mộng vào cà phê mộng. “Tất cả là một giấc mộng”, bạn tự nghĩ, “đây là một giấc mộng”. Hãy nhắc nhở bạn về điều này suốt ngày.
Sự nhấn mạnh cần hiện thực trên chính bạn, hơn là trên những đối tượng mà bạn kinh nghiệm. Hãy giữ sự nhắc nhở chính bạn rằng bạn đang mộng ra những kinh nghiệm của bạn : cơn tức giận bạn cảm nghiệm, hạnh phúc, mệt mỏi, lo âu – tất cả đều là phần của giấc mộng. Cây sồi bạn thích, xe hơi bạn lái, người mà bạn đang nói chuyện với họ, tất cả là thành phần của giấc mộng. Theo cách này, một khuynh hướng mới được tạo ra trong tâm thức, khuynh hướng nhìn vào kinh nghiệm như là không có bản chất, vô thường và liên hệ mật thiết với những phóng chiếu của tâm thức. Vì những hình tướng được thấy là vụt thoát qua và không bản chất, sự bám chấp giảm đi. Mỗi một cảm giác gặp được và biến cố tâm thức trở thành một sự nhắc nhở bản chất như mộng của kinh nghiệm. Cuối cùng cái hiểu này sẽ sanh ra trong giấc mộng và đưa đến sự nhận biết trạng thái mộng và sự phát triển của sáng sủa, minh bạch.
Có hai cách để hiểu lời tuyên bố rằng mọi sự là một giấc mộng. Cách thứ là xem nó như là một phương pháp để thay đổi những dấu vết nghiệp thức. Làm sự thực hành này như mọi thực hành khác, sẽ thay đổi cách người ta dấn thân vào thế giới. Bằng cách thay đổi những phản ứng thói quen và phần lớn là vô ý thức đối với những hiện tượng, thì những phẩm tính của đời sống và giấc mộng thay đổi. Khi chúng ta nghĩ đến một kinh nghiệm “chỉ là một giấc mộng”, nó sẽ kém “có thực” với chúng ta. Nó mất quyền hành trên chúng ta – quyền hành nó chỉ có bởi vì chúng ta trao cho nó quyền hành đó – và không thể quấy nhiễu chúng ta và dẫn chúng ta đến những phiền não tiêu cực nữa. Thay vào đó, chúng ta bắt đầu đương đầu với mọi kinh nghiệm với sự bình thản lớn lao hơn và sự sáng tỏ tăng trưởng, và thậm chí với sự hân thưởng lớn lao hơn. Theo nghĩa này, sự thực hành tác động một cách tâm lý bằng cách lột bỏ ý nghĩa mà chúng ta phóng chiếu lên cái vốn vượt khỏi mọi nghĩa lý ý niệm. Vì chúng ta nhìn thấy kinh nghiệm theo một cách khác, chúng ta thay đổi phản ứng của chúng ta với nó, điều này thay đổi những tàn dư nghiệp lực của hành động, và gốc rễ của việc mộng thay đổi.
Cách hiểu thứ hai là chứng ngộ rằng đời sống khi thức thực sự là như nhau với giấc mộng, rằng toàn bộ kinh nghiệm bình thường được tạo thành bởi những phóng chiếu của tâm thức, rằng mọi ý nghĩa đều là do gán cho, và rằng bất cứ cái gì chúng ta kinh nghiệm đều do ảnh hưởng của nghiệp. Ở đây chúng ta nói đang đến công việc vi tế và thắm khắp của nghiệp, vòng không cùng của nhân và quả tạo ra cái hiện tại từ những dấu vết nghiệp khí của quá khứ, công việc mà nghiệp làm qua sự quy định, điều kiện hóa liên tục từ mỗi một hành động. Đây là một cách phát biểu rõ ràng sự chứng ngộ rằng mọi hiện tượng đều trống không và rằng tự tánh bề ngoài của người và vật chất đều như huyễn. Không có một “sự vật” thực sự nào ở bất cứ nơi đâu trong đời sống lúc thức – cũng như trong đời sống lúc mộng – mà chỉ là những hình tướng không tự tánh thoáng qua, khởi lên và tự giải thoát trong nền tảng trống không và quang minh của hiện hữu. Chứng ngộ hoàn toàn chân lý của câu nói, “Đây là một giấc mộng”, chúng ta thoát khỏi những thói quen của vọng tưởng sai lầm và nhờ vậy thoát khỏi cuộc sống thấp kém của sanh tử trong đó vọng tưởng được hiểu lầm là thực tại. Chúng ta cần phải hiện diện tỉnh thức khi sự thấu hiểu này xảy ra, vì quả thực bấy giờ nó không xảy ra ở một chỗ nào khác. Và không có phương pháp nào mạnh để đem sự minh bạch vững chắc vào giấc mộng hơn là an trụ liên tục trong sự hiện diện minh bạch suốt ban ngày.
Như đã nói ở trên, một phần quan trọng của sự thực hành này là kinh nghiệm chính bản thân mình là giấc mộng. Hãy tưởng tượng chính bạn là một huyễn tưởng, như một nhân vật trong giấc mộng, với một cơ thể không có sự cứng đặc. Hãy tưởng tượng nhân cách và nhiều bản sắc của bạn là những phóng chiếu của tâm thức. Hãy duy trì sự hiện diện, cùng một sự minh bạch bạn đang cố gắng trau dồi trong giấc mộng, khi cảm giác chính bạn là không có bản chất và thoáng qua, được tạo ra chỉ bằng ánh sáng. Điều này tạo ra một mối tương quan rất khác với chính bạn, tương quan ấy là dễ chịu, linh động và khoáng đạt.
Khi làm những thực hành này, không đủ nếu chỉ đơn giản lập đi lập lại rằng bạn đang ở trong một giấc mộng. Chân lý của câu nói này phải được cảm nghiệm vượt khỏi ngôn từ. Hãy sử dụng trí tưởng tượng, các giác quan và tỉnh giác trong việc hòa nhập trọn vẹn sự thực hành với kinh nghiệm cảm thấy. Khi bạn thực hành thích hợp, mỗi khi bạn nghĩ rằng bạn đang trong một giấc mộng, thì sự hiện diện trở nên mạnh mẽ hơn và kinh nghiệm càng sống động. Nếu không có loại thay đổi tính chất trực tiếp này, hãy chắc chắn sự thực hành không chỉ trở thành một sự lập lại máy móc một câu nói, điều này chỉ có ít lợi ích. Không có huyền thuật nào khi chỉ nghĩ đến một công thức thần chú ; những lời cần được dùng để nhắc nhở chính bạn – bằng cách tăng cường sáng tỏ và hiện diện – lần nữa và lần nữa cho đến lúc việc chỉ nhớ tư tưởng, “Đây là một giấc mộng”, cũng đem lại đồng thời sự làm mạnh thêm và sáng tỏ hơn của tỉnh giác.
Đây là sự chuẩn bị đầu tiên, thấy toàn bộ đời sống là một giấc mộng. Nó được áp dụng vào khoảnh khắc tri giác và trước khi một phản ứng khởi lên. Tự nó là một thực hành hiệu nghiệm và ảnh hưởng mạnh mẽ hành giả. Hãy an trụ trong tánh tỉnh giác này và bạn sẽ kinh nghiệm sự minh bạch cả khi thức và khi mộng.
Có một cảnh cáo về sự thực hành này : quan trọng là cần phải trông nom những trách nhiệm và tuân thủ luận lý và những giới hạn của đời sống quy ước. Khi bạn tự nói với mình rằng đời sống lúc thức của bạn là một giấc mộng, điều ấy đúng, nhưng nếu bay nhảy ra khỏi cái buyn đinh bạn sẽ rơi xuống chứ không bay. Nếu bạn không đi làm, những hóa đơn không được thanh toán. Thọc tay vào lửa thì bạn sẽ bị phỏng. Cần phải đặt nền trên những sự thật của thế giới tương đối, bởi vì bao giờ còn có một cái “anh” và “tôi”, thì còn có một thế giới tương đối trong đó chúng ta sinh sống, những chúng sanh khác đang khổ đau và những hậu quả từ những quyết định chúng ta làm.
HAI : DẸP BỎ BÁM NẮM VÀ GHÉT BỎ
Sự thực hành căn bản thứ hai làm giảm hơn nữa sự bám nắm và ghét bỏ. Trong khi sự chuẩn bị thứ nhất được áp dụng vào khoảnh khắc gặp mặt những hiện tượng và trước khi một phản ứng xảy ra, sự thực hành thứ hai được xúc tiến sau khi một phản ứng đã khởi lên. Về căn bản, chúng đều cùng một thực hành như nhau, chỉ phân biệt bởi tình huống trong đó sự thực hành được áp dụng và bởi đối tượng của sự chú ý. Sự thực hành thứ nhất hướng sự tỉnh giác sáng tỏ và sự nhận biết các hiện tượng là giấc mộng đến mọi sự gặp phải : những đối tượng giác quan, những biến cố bên trong, chính thân thể mình v.v... Sự chuẩn bị thứ hai đặc biệt hướng cùng sự tỉnh giác sáng tỏ ấy đến những phản ứng xúc cảm được tạo hình khi đáp ứng với những yếu tố của kinh nghiệm.
Một cách lý tưởng, sự thực hành cần được áp dụng ngay khi bất kỳ sự bám nắm hay ghét bỏ nào khởi lên trong đáp ứng với một đối tượng hay một tình huống. Tâm thức bám chấp có thể biểu lộ thành tham, sân đố kỵ, kiêu mạn, ghen ghét, sầu khổ, thất vọng, vui vẻ, lo lắng, ngã lòng, sợ hãi, buồn chán hay bất kỳ phản ứng xúc cảm nào khác.
Khi một phản ứng khởi lên, hãy tự nhắc nhở rằng bạn, đối tượng và phản ứng của bạn với đối tượng đều là mộng. Hãy tự nghĩ, “Cơn giận này là một giấc mộng, Tham muốn này là một giấc mộng. Cử chỉ này, sầu khổ này, sự hớn hở này là một giấc mộng”. Chân lý trong câu nói này trở nên rõ ràng khi bạn chú ý đến tiến trình bên trong làm nảy sinh ra những trạng thái phiền não : bạn đang mộng ra chúng qua một sự tương tác phức tạp của những tư tưởng, hình ảnh, trạng thái thân thể và cảm giác. Phản ứng xúc cảm không nảy sinh “ngoài kia” trong những đối tượng. Nó khởi lên, được kinh nghiệm và chấm dứt trong bạn.
Có vô số kích thích khác nhau khiến bạn phản ứng : sự hấp dẫn khởi lên khi thấy một người đàn ông hay đàn bà đẹp, giận dữ với một người lái xe cắt ngang trước mặt bạn, ghê sợ hay buồn rầu nơi một môi trường bị tàn phá, lo âu về một hoàn cảnh hay con người... Chớ chỉ vỗ câu nói lên một mảnh kinh nghiệm của bạn ; hãy cố gắng cảm nghiệm một cách hiện thực tính chất như mộng của đời sống bên trong của bạn. Khi sự xác nhận này đã cảm thấy được, chứ không chỉ nghĩ đến, tương quan với tình huống thay đổi, và sự nắm bám siết chặt, đầy xúc tình với những hiện tượng được buông lỏng. Tình huống trở nên rõ ràng hơn và khoáng đạt hơn, và bám chấp và ghét bỏ được nhận biết trực tiếp thực sự là những trói buộc không thoải mái. Đây là một đối trị mạnh mẽ với trạng thái “sắp” sở hữu và ám ảnh mà phiền não tạo ra. Kinh nghiệm trực tiếp và xác thực khi sử dụng sự thực hành này để cởi mở gút thắt của phiền não là sự bắt đầu của thực hành thực sự về tánh sáng suốt và tánh linh hoạt đưa đến kết quả giải thoát. Với sự thực hành kiên trì và đầy chất lượng, ngay cả những trạng thái mạnh mẽ của giận dữ, chán nản và những bất hạnh khác có thể được mở thoát. Khi chúng có, chúng tan biến mất.
Những lời dạy thường ám chỉ đến thực hành riêng này như một phương pháp để từ bỏ những bám luyến. Có những cách tốt và không tốt để từ bỏ chúng. Đè nén chúng thì tốt ít ; bấy giờ chúng chuyển hóa thành sự huyên náo bên trong hay những kết án và không khoan thứ ở bên ngoài. Và nó cũng chống lại sự phát triển tâm linh bằng cách cố gắng thoát khỏi đau khổ qua sự phóng dật hay bằng cách siết chặt thân thể để bóp chết kinh nghiệm. Tốt là từ bỏ đời sống thế gian và trở thành một tăng hay một ni hay không tốt là tìm cách trốn thoát những kinh nghiệm khó khăn qua đè nén và tránh mặt.
Yoga giấc mộng cắt đứt bám chấp bằng cách tổ chức lại tri giác và hiểu đối tượng hay tình huống, bằng cách thay đổi cái nhìn và như thế cho phép hành giả thấy qua suốt hình tướng giả huyễn của một đối tượng thấu đến thực tại rạng rỡ, như ánh sáng của nó. Khi sự thực hành tiến bộ, những đối tượng và những hoàn cảnh không chỉ được kinh nghiệm với sự trong sáng và sinh động lớn lao hơn mà cũng còn được nhận biết như phù du, vô tự tánh và vụt thoát. Điều này phá sập tầm quan trọng tương đối của những hiện tượng và làm giảm đi sự bám chấp và ghét bỏ căn cứ trên sự yêu chuộng.
BA : LÀM MẠNH Ý ĐỊNH
Sự chuẩn bị thứ ba gồm xem lại ban ngày trước khi đi ngủ, và làm mạnh ý định quyết tâm thực hành qua suốt đêm. Khi bạn sửa soạn ngủ, hãy cho phép những ký ức ban ngày khởi lên. Bất kỳ cái gì đến trong tâm thức hãy nhận biết đó là một giấc mộng. Những ký ức khởi lên hầu hết là những kinh nghiệm đủ mạnh để ảnh hưởng đến những giấc mộng sắp đến. Trong suốt sự xem lại này, hãy thử kinh nghiệm những ký ức khởi lên như là những ký ức của giấc mộng. Ký ức thật sự rất giống với giấc mộng. Lại nữa, điều này không phải như sự đặt tên một cách tự động, một nghi lễ cứ lập đi lập lại “Đây là một giấc mộng”. Hãy cố gắng hiểu thật sự bản chất như mộng của kinh nghiệm của bạn, những phóng chiếu duy trì nó, và cảm thấy sự khác biệt của sự tùy thuộc vào kinh nghiệm là một giấc mộng.
Bấy giờ hãy phát triển quyết tâm mạnh mẽ nhận biết những giấc mộng của ban đêm xem chúng là gì. Hãy có ý định mạnh mẽ nhất có thể biết trực tiếp và sống động, khi đang nằm mộng, rằng bạn đang mộng. Ý định giống như một mũi tên mà tỉnh giác có thể theo suốt đêm, một mũi tên nhắm vào sự minh bạch trong giấc mộng. Câu bằng tiếng Tây Tạng chúng tôi dùng để chỉ sự phát sinh ý định dịch ra là “gởi một ý muốn”. Chúng ta nên có ý nghĩa đó ở đây, rằng chúng ta làm những cầu nguyện và ý định và gởi chúng đến những vị thầy của chúng ta và đến chư Phật và các bổn tôn, hứa cố gắng trụ trong tỉnh giác và cầu xin sự giúp đỡ của các ngài. Có những thực hành khác có thể làm trước khi rơi vào giấc ngủ, nhưng một cái này là đủ cho tất cả.
BỐN : TRAU DỒI TRÍ NHỚ VÀ SỰ NỖ LỰC HOAN HỶ
Thực hành căn bản thứ tư được tiến hành khi thức dậy vào buổi sáng. Nó trau dồi hơn nữa ý định mạnh mẽ và cũng làm mạnh thêm khả năng nhớ lại những biến cố của ban đêm.
Hãy bắt đầu nhìn lại hồi đêm. Chữ Tây Tạng cho sự chuẩn bị này nghĩa đen là “nhớ lại”. Bạn có mơ không ? Bạn có biết rằng bạn đang ở trong giấc mộng ? Nếu bạn đã nằm mộng nhưng không đạt đến sự minh bạch, bạn cần nghĩ, “Tôi đã nằm mộng nhưng không nhận ra giấc mộng là một giấc mộng. Nhưng nó là một giấc mộng.” Quyết định rằng lần sau bạn đi vào một giấc mộng bạn sẽ tỉnh thức về bản chất thật của nó khi còn đang mộng.
Nếu bạn thấy khó nhớ lại những giấc mộng, thì suốt ngày và đặc biệt trước khi ngủ, cần phải phát sanh một ý định mạnh mẽ nhớ lại những giấc mộng. Bạn cũng có thể ghi lại những giấc mộng trong một cuốn sổ hay với một máy thâu băng, vì điều này sẽ làm củng cố thói quen đối xử với những giấc mộng của bạn như cái gì có giá trị. Hành động sửa soạn sổ tay hay máy thu băng vào ban đêm chính là để hỗ trợ cho ý định nhớ lại giấc mộng khi thức dậy. Không khó khăn cho bất kỳ ai nhớ lại những giấc mộng một khi ý định làm điều đó được phát sinh và duy trì, thậm chí chỉ sau ít ngày.
Nếu bạn có một giấc mộng sáng sủa, hãy cảm thấy hoan hỷ với thành tựu đó. Hãy phát triển hạnh phúc liên hệ với sự thực hành và quyết tâm tiếp tục phát triển sự sáng sủa đêm tiếp theo. Hãy giữ vững ý định, dùng cả những thành công và thất bại như những cơ hội để phát triển ý định bao giờ cũng mạnh mẽ hơn để thành tựu sự thực hành. Và hãy biết rằng ngay ý định của bạn cũng là một giấc mộng.
Cuối cùng, trong thời gian buổi sáng, hãy phát sinh một ý định mạnh mẽ duy trì kiên cố trong sự thực hành suốt cả ngày. Và hãy cầu nguyện với cả tấm lòng cho sự thành công ; cầu nguyện giống như một năng lực huyền diệu mà tất cả chúng ta đều có mà thường quên dùng.
Sự thực hành này hòa trong sự thực hành căn bản đầu tiên, nhận biết tất cả kinh nghiệm là một giấc mộng. Theo cách này sự thực hành trở thành không gián đoạn suốt vòng quay ngày và đêm.
KIÊN TRÌ
Sự quan trọng của bốn chuẩn bị cho những giai đoạn sau của yoga giấc mộng không phải là phóng đại. Chúng có nhiều năng lực hơn là chúng có vẻ thế. Hơn nữa, chúng là những thực hành ai cũng có thể làm được. Về phương diện tâm lý chúng được định hướng hơn nhiều thực hành và sẽ hiện diện không khó khăn cho hành giả. Chỉ làm một thực hành trước khi vào giường có thể không hiệu quả, nhưng với sự thực hành kiên trì bốn chuẩn bị suốt cả ngày, sẽ dễ dàng hơn nhiều để đạt được sự sáng suốt trong mộng và bấy giờ tiếp tục những thực hành thêm nữa. Sử dụng những thực hành này làm cho mọi sự xảy ra thành một nguyên nhân để trở lại với sự hiện diện, và điều này đem lại lợi lạc lớn lao cho đời sống hàng ngày cũng như đưa đến thành công trong yoga giấc mộng.
Nếu bạn không có những kết quả tức thời, dù bạn phải thực hành một thời gian dài trước khi hoàn thành sự sáng suốt minh bạch trong mộng, thì cũng không nên ngã lòng. Chớ nghĩ rằng nó là vô ích và bạn không thể hoàn thành sự thực hành. Hãy nghĩ về những khác biệt khi bạn mười tuổi bạn suy nghĩ và hành động thế nào so với bây giờ – có một thay đổi thường trực liên tục. Chớ để cho mình bị kẹt nghẽn khi tin rằng những giới hạn nào bạn có trong thực hành hôm nay sẽ tiếp tục trong tương lai. Biết rằng không có gì cứ y nguyên mãi, bạn không nên tin rằng cách thức sự việc biểu lộ ra hôm nay phải là cách thức chúng vẫn phải tiếp tục.
Kinh nghiệm những phẩm tính sinh động, sáng tỏ, như mộng của đời sống cho phép kinh nghiệm của bạn trở nên rỗng rang, trong sáng hơn. Khi sự sáng suốt được khai triển trong mộng và trong thức, có nhiều tự do lớn lao hơn để kiến lập đời sống một cách tích cực, và cuối cùng để vất bỏ những quý chuộng và nhị nguyên và an trụ trong sự hiện diện bất nhị.