- Sao gọi là ngoại đạo?
Ngoại đạo chẳng qua chỉ là một thuật ngữ trong kinh điển Phật giáo, mà Phạn ngữ gọi là Ðê Tha Ca (Tirthaka) để chỉ các đạo giáo khác đạo Phật, hoặc có nơi, có lúc gọi là ngoại đạo, ngoại học, ngoại pháp.
Duy Ma Nghĩa Ký quyển một(7) nói: “pháp ngoại vọng kế, tự xưng ngoại đạo” (vọng chấp các pháp bên ngoài, thì gọi đó là ngoại đạo).
Trong “Tam Luận Huyền Nghĩa”(8) thì nói: “chí diệu hư thông,mục chi vi đạo, tâm Tu đạo ngoại, cố danh ngoại đạo (hiểu sai chân lý vi diệu, mà cho đó là đạo, vậy là tâm đạo chơi bên ngoài đạo, nên gọi là ngoại đạo). Còn Thủ Lăng Nghiêm Kinh Nghĩa Sớ, quyển hai thì nói “bất nhập chánh lý, đản tu tà nhân, danh vi ngoại đạo” (không hiểu chánh lý, tu theo tà nhân, thì gọi đó là ngoại đạo).
Phàm các đạo giáo bên ngoài Phật giáo được giới Phật tử gọi là ngoại đạo. Tiếng “ngoại đạo” ở đây không có hàm ý khinh mạn. Ðối với các học giả ngoài Phật giáo, không ai từ bỏ chính thân mình để cầu an ổn nơi đạo giáo khác. Vì vậy, ở đây hàm ý có ai đó hướng đến đạo giáo khác với Phật giáo để cầu đạo, tức người đo là ngoại đạo.
Hai chữ “ngoại đạo” được dùng trong Thánh điển Phật giáo phạm vi của nó rất rộng. Ở chương một, phần giới thiệu về Bà La Môn giáo, về sáu phái triết học, về lục sư ngoại đạo, và tổng quan về sau mươi hai kiến v.v... đều gọi là ngoại đạo. tất cả họ ít nhiều cũng từng có giao thiệp với Phật giáo.
Phật giáo xuất hiện và trưởng thành trong hoàn cảnh được bao quanh bởi ngoại đạo. Sự diệt vong, sự biến chất của Phật giáo tại Ấn Ðộ cũng trong trạng huống bị bao phủ bởi ngoại đạo. Ðiều đó, Thánh điển A Hàm, A Tỳ Ðạt Ma của Bộ phái, trong các luận thư của các nhà Ðại thừa thấy được nên đã sử dụng luận biện một cách sắc bén đả phá ngoại đạo, như vậy cho thấy Phật giáo luôn không ngừng đấu tranh để phát triển. Sau cùng là Mật giáo, trên thực tế thì Phật giáo Mật giáo là đã bị ngoại đạo đồng hóa, về mặt tâm lý thì cho là Phật giáo Mật giáo để hàng phục ngoại đạo, nhưng đó chỉ là cách nói cường điệu. Chung cuộc, vận mệnh Phật giáo Mật thừa bị ngoại đạo tiêu diệt bởi sự tiếp thụ này.
Xin lược thuật những giao thiệp chính yếu giữa Phật giáo và ngoại đạo.
- Phật giáo với Kỳ Na Giáo.
Ni Kiền Tử Nhã Ðề Tử (tức Ni Kiền Ðà Nhã Ðề Tử) được nói đến trong kinh A Hàm, là để chỉ Ma Hay Tỳ Lư (Ðại Hùng) Tên vị tổ khai sáng Kỳ Na giáo. Do đó, Phật giáo thường gọi đồ chúng Kỳ Na giáo là ngoại đạo Ni Kiền Tử. Ông ra đời sớm hơn đức Thích Tôn, khu vực giáo hóa của ông và đức Thích Tôn đại loại tương đồng. Do đó, sự giao thiệp giữa hai giáo đoàn đương nhiên là có diễn ra.
Ấn tượng bên ngoài, thì Phật giáo và Kỳ Na giáo có vẻ tương tự giống nhau. Nhưng về bản chất giáo lý thì không.
Trước hết là nói về điểm tương đồng; đólà cả hai đều phủ định địa vị thần thánh của kinh Vệ Ðà. Cả hai đều không thừa nhận nhân cách”Thần” của Bà La Môn giáo, và đề xướng vô thần luận. Hai vị giáo chủ đều xuất thân là vương tử thuộc tộc Sát Ðế Lợi. Cả hai vị khai tổ này được tôn xưng là Ðại Hùng, là Thế Tôn, là Mâu Ni, được người đời cường điệu xưng tụng theo tư tưởng Luận Vương và chủ nghĩa không sát sinh, lại giống nhau về việc tổ chức giáo đoàn Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.
Lại nói về những khác nhau giữa hai giáo chủ: vấn đề kết tập Thánh điển giữa hai tôn giáo không giống nhau; lịch sử truyền thừa của hai tôn giáo cũng khác nhau; Kỳ Na giáo chủ trương nhị nguyên luận, là mệnh (tinh thần) và phi mệnh (vật chất) và đứng trên lập trường “sinh khí luận” với chủ trương vô ngã, và phủ định linh hồn thường trụ, trong khi Phật giáo đứng trên lập trường “Duyên sinh luận” với chủ trương vô ngã và phủ định linh hồn thường trụ. Kỳ Na giáo lấy chủ nghĩa “sinh thiên” làm giải thoát, Phật giáo lấy chứng Niết bàn ngay trong hiện thực làm giải thoát; Kỳ Na giáo dùng chủ nghĩa khổ hạnh làm phương pháp tu đạo, trong khi Phật giáo thì lấy giới - định - huệ tam học làm nấc thang cho tiến trình tu đạo. Tuy vậy, nhưng Kỳ Na giáo và Phật giáo lại giống nhau trong việc dùng từ, như “nghiệp”, “lậu”, dù áo nghĩa của mỗi bên cókhác biệt.
Trên bình diện thực tế, thì cả Kỳ Na giáo lẫn Phật giáo đều không được dung nạp vào truyền thống tôn giáo Ấn Ðộ. May là tuy Phật giáo bị diệt vong tại Ấn Ðộ, nhưng lại được rộng truyền ở các nước ngoài, còn Kỳ Na giáo tuy chưa được truyền ra nước ngoài như Phật giáo, nhưng nhờ vào giáo điều tu khổ hạnh rất khắc khe, nên đã không bị Ấn Ðộ giáo đồng hóa. Tu khổ hạnh cuối cùng vẫn cảm được lòng người, vì vậy mà Kỳ Na giáo đến nay vẫn còn được truyền bá tại Ấn Ðộ.
- Ấn Ðộ giáo.
Như trước đã trình bày, Ấn Ðộ giáo (Hindulsm) là sự kết hợp giữa kinh Vệ Ðà của Bà La Môn giáo với “Bạc Già Phạn Ca” của tín ngưỡng dân gian mà thành.
Trước tiên xin đề cập đến sự phục hưng của tôn giáo Vệ Ðà. Ước chừng có bốn nhân tố:
1. Từ sau vương triều Giới Nhật, trong thời gian chừng năm trăm năm, thời gian này tăng lữ Phật giáo gia nhập Mật giáo, khiến sinh hoạt tăng đoàn ngày càng trở nên hủ bại.
2. Tăng lữ Phật giáo tập ttrung vào nghĩa lý nặng tính chất “không đàm”. Chỉ phát triển ở những trung tâm học thuật như tại chùa Na Lan Ðà v.v... và lơ là việc đi sâu và sinh hoạt của quần chúng dân gian để mở rộng việc hoằng hóa.
3. Học và hiểu được giáo nghĩa Tứ thánh đế, Bát chánh đạo của đức Phật, đối với đa số người không phải là chuyện nghe là hiểu được, chưa nói là hiểu được có thực hành được hay là không. Hàng “ngu phu dung phụ” hằng ngày sinh hoạt và sống trong đời thường với đầy những khốn nạn, họ chỉ mong ngóng có một vị chúa cứu thế đến để đưa họ lên trời.
4. Thuyết “Tứ tánh bình đẳng” của Phật giáo đã làm phá sản đặc quyền của giới tăng lữ Bà La Môn giáo,vì thế họ vẫn luôn nuôi chí khôi phục dù trải qua thời gian dài một nghìn năm, lúc này nhân khi Phật giáo bị bại lạc, thì đấy lại là tâm lý mong đợi của một số tăng lữ Bà La Môn giáo, nên họ liền kết hợp tín ngưỡng dân gian, dung hợp triết lý Phật giáo làm xuất hiện tư thái mới cho Ấn Ðộ giáo.
Lại nói về nội dung của Ấn Ðộ giáo: căn do của Ấn Ðộ giáo là từ thần thoại trong kinh Vệ Ðà, và thần thoại Sử Thi mà ra. Họ tin rằng thần Ðại Phạm Thiên (Brahman) là đấng duy nhất tối cao. Có khi họ gọi Ðại Phạm Thiên là Ðại Tự Tại Thiên (Ìsùvara) để chỉ vị thần sáng tạo vũ trụ. Có khi họ gọi Ðại Phạm Thiên là thần Thấp Bà (SÙiva), để chỉ vị thần phá hoại vũ trụ, có khi họ gọi Ðại Phạm Thiên là thần Duy Tu Nô (Vaisnava) tức thần bảo hộ, tuy nhiều lập trường như vậy, nhưng rốt ráo duy nhất vẫn là Ðại Phạm Thiên. Ấn Ðộ giáo tin vào các thần này, nên họ lễ kính hóa thân của thần cũng như vật tượng trưng của thần. Họ lấy nhân vật lịch sử là Tù trưởng Hắc Thiên (Krishn) trong “Ðại Chiến Thi” và nhân vật lịch sử là vương tử Ma La, trong “Ma La Sở Hành Truyện” và gán cho cả hai là hóa thân của thần Duy Tu Nô. Thậm chí còn cho rằng đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo cũng là hóa thần của vị thần đứng hàng thứ chín trong số các Thần của Ấn Ðộ giáo, nên họ cúng lễ bái Phật Thích Ca Mâu Ni; ngoài ra Ấn Ðộ giáo cũng tiến hành việc tu đính và bổ sung giáo nghĩa và giới luật, điều nay khiến những người chưa từng hiểu gì về Phật giáo thì nghĩ Ấn Ðộ giáo bao dung luôn cả Phật giáo, cùng lúc họ cũng thu nạp luôn những tín đồ thiển kiến của Phật giáo.
Như vậy, chính là do Ấn Ðộ giáo lấy nhân vật trong sử thi tạo thành hóa thân của thần Duy Tu Nô, lại còn miêu tả tù trưởng Hắc Thiên, cũng như cố sự của Kha Bích Tư Ái, rồi lấy đó làm kinh điển và được coi như thần thánh. Nhân đấy, trong miếu tự của Ấn Ðộ giáo có hội họa hình tượng cảnh nam nữ ôm nhau giao hội một cách bẩn thỉu. Ấn Ðộ cũng đem thần Tự Tại Thiên phối ngẫu với nữ thần, và gọi nữ thần là Ô Ma (Umà), còn thần Thấp Bà họ cho phối ngẫu với nữ nhân và gọi là Ðỗ Nhĩ Gia (Durgà). Xin cũng đừng quên việc nam nữ ôm nhau trong trạng thái tương giao tức tư thế giao hoan. Ðiều đó theo quan điểm văn hóa của nhân loại học, thì tự nó có ý nghĩa hết sức trang nghiêm đứng đắn, vấn đề này xin được nói đến ở chương sau.
- Ấn Ðộ Giáo hấp thu Phật Giáo
Ở phần trươc có nói đến việc tân Bà La Môn giáo hấp thụ ở Phật giáo nhiều thứ. Giờ xin đơn cử một việc: đoạn cuối tiết một của chương này, có nói một vị học giả của phái Vệ Ðàn Ða, đó là Thương Yết La A Xà Lê (700-750 tây lịch), tư tưởng của ông thường được các học giả đời sau của phái Chánh thống cho là “giả trang của Phật giáo” - (Pracchanna Buddhism). Tư tưởng nổi tiếng nhất của ông là thuyết “huyễn thuyết” (Màyàvàda), với thuyết này; ông chủ trương hiện tượng giới là hư huyễn, Phạm Thiên là tối cao, là siêu việt tất cả hiện tượng, là vô hạn, là thực tại, là tinh thần. Do huyễn lực của Phạm Thiên mà thành nguyên lý của hữu hạn hóa, đó là nhân cách của Thần Tự Tại, nhờ vào huyễn lực mà sáng tạo tất cả mọi hiện tượng của thế giới, đấy là sứcc sáng tạo của Thần Tự Tại; hiện tượng giới là cái được sáng tạo, đối với Ðại Phạm Thiên tối cao mà nói, thì thế giới hiện tượng chỉ là hữu hạn, là phi thực tại, phi tinh thần; tính hư huyễn của phi thực tại, của hiện tượng giới, được gọi là “huyễn tính”.
Khảo sát áo nghĩa của “Huyễn thuyết”, thì trong các điển tịch chính thống của Bà La Môn giáo không tìm thấy có ý vị nào tương đương với thuyết “Huyễn tính” cả, nhưng kinh Bát Nhã của Phật giáo đến Trung Luận của Long Thọ thì ý vị tương tự với Huyễn Thuyết là rất nhiều, tỉ như kinh Ma Ha BátBa La Mật(9) dùng mười thí dụ để thuyết minh “tính không” của các pháp; tất cả pháp như huyễn, như ánh lửa, như trăng dưới nước, như hư không, như tiếng vang, như thành Kiền Ðạt Bà, như cảnh trong gương, trong mộng, như ảnh, như hóa. Qua đó, có khả năng là Thương YếtLa A Xà Lê tá dụng (mượn dùng) thuyết Tánh không của Phật giáo mà phát triển thành thuyết Thần tạo hóa của ông, và đặt cái tên là Huyễn thuyết.
Thứ nữa, Thương Yế La A Xà Lê còn thiết đặt nên lập trường “nhị đế”, và dùng nó để phát huy triết học của ông. Ông cho rằng do nhờ lập trường chơn đế mà biết có Thượng Phạm (Thượng Phạm chỉ cho Bản Thể), Thượng Phạm sản sinh thượng trí, chỉ có thượng trí mới biết được chân thực tối cao của Phạm Thiên. Do đó, theo ông tất cả thế giới hiện tượng đều là hư vọng; còn về lập trường tục đế, nhờ mà biết có Hạ Phạm (Hạ Phạm chỉ cho thần Tự Tại, hoặc thần Sáng Tạo), Hạ Phạm sản sinh hạ trí, nhờ hạ trí mà biết sự sáng tạo của Hạ Phạm nên nói tất cả hiện tượng giới là thực tại.
Khảo sát ý vị của thuyết “nhị đế” này, thì thấy căn nguyên của thuyết có xuất xứ từ Trung Luận của Long Thọ, đặc biệt là luận Ðại Trí Ðộ quyển ba mươi tám(10), có đoạn: “vị thế đế cố, thuyết chúng sinh vô sở hữu” (vì thế tục đế, cho nên nói có chúng sinh; vì đệ nhất nghĩa đế mà nói, thì chúng sinh không do đâu mà có).
- Kết quả của sự giao thiệp.
Thời ấy, Ấn Ðộ giáo nhờ dung nạp rất nhiều dạng văn hóa trong dân gian của Ấn Ðộ sau đó mới phục hưng, họ hiệu đính, san định lại kinh điển và khắc bản in thành giáo điều; có những giáo điều hạn chế hành vi, tư tưởng của tín đồ, và tín đồ Ấn Ðộ tự nhận chỉ có tôn giáo của họ là độc tôn cao thượng. Họ quan niệm rằng chỉ có “Thần” của người dân họ là đệ nhất tối tôn, và đất nước Ấn Ðộ của họ cũng là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Theo họ, không quốc gia nào trên thế giới ưu tú như quốc gia họ, kết quả Ấn Ðộ giáo trở thành quốc giáo của dân tộc Ấn Ðộ.
Nói về Phật giáo sau thời kỳ vua Giới Nhật, Phật giáo nhận thấy thế lực phục hưng của Ấn Ðộ giáo là cực kỳ lớn mạnh, nên cũng thuận theo yêu cầu của dân gian bằng cách Phật giáo hóa những gì đặc sắc của Ấn Ðộ giáo. Làm vậy, là vì bấy giờ các luận sư Phật giáo không còn đủ sức để thủ thắng Ấn Ðộ giáo về mặt biện luận. Nhưng lại “vũ trang” về mặt tâm lý. Ðó là lý do xuất hiện những thần Kim Cang với vẻ mặt phẫn nộ, tức sự xuất hiện của thần Kim Cang Tát Ðỏa có nhiều đầu nhiều tay. Phật giáo tạc tượng Kim Cang Thủ Bồ tát với chân bên hữu dẫm lên Ðại Tự Tại Thiên, chân bên tả dẫm lên Tự Tại Thiên đang trong tư thế giao hợp với nữ thần. Ấn Ðộ giáo thờ rất nhiều thần, và các thần của Ấn Ðộ giáo không vị nào là không bị Kim Cang Tát Ðỏa hàng phục.
Tất cả việc làm vừa nêu của Phật giáo là nhằm biểu lộ trạng thái tâm lý đương thời chứ không là gì khác. Những khổ tâm đó của Phật giáo đương thời như thế nào, cuối chương sau sẽ rõ.
(1) Năm 330-379 sau Công nguyên.
(2) Năm 380- 414 sau Công nguyên.
(3) Năm 535 đến năm 730 tây lịch
(4) Ðại Chánh Tạng-50, cuối trang 321.
(5) Ðại Chánh tạng-50, cuối trang 337.
(6) Ấn Ðộ Chí Phật giáo, tiết I, chương 13, của pháp sư Ấn Thuận.
(7) Ðại Chánh tạng-38, đầu trang 428.
(8) Ðại Chánh tạng-45, giữa trang 1.
(9) Ðại Chánh tạng-8, đầu trang 217.
(10) Ðại Chánh tạng-25, trang 336.