Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Bài Giảng Thứ Bảy

PHƯƠNG THỨC TỰ NHIÊN ĐỂ ĐẠT QUÁN HUỆ


Trong chương này chúng ta sẽ thấy thiền định có thể thực hành bằng hai cách: một là tự nhiên sinh ra, hai là do kết quả của sự tập luyện có tổ chức. Kết quả cuối cùng của hai cách đều giống nhau: tâm trí trở thành tập trung chuyên chú (định) và thích hợp để làm công phu nội tĩnh. Nhưng có một điều cần phải chú ý: cường độ của sự chuyên chú do kết quả của thiền định tự nhiên thường là đủ và thích hợp để thực hiện nội tĩnh và quán huệ, trong khi sự chuyên chú do kết quả của tập luyện có tổ chức thường quá dư thừa, nhiều hơn mức cần có để sử dụng. Thậm chí, có thể đưa tới lòng thỏa mãn sai lầm đối với sự tập trung tâm trí ở mức cao. Khi tâm trí hoàn toàn tập trung, nó có thể trải qua kinh nghiệm hỉ lạc sung mãn đến nỗi người thực hành thiền có thể chấp thủ nó, hoặc tưởng rằng nó chính là “Đạo Quả” (kết quả của đạo). Trong khi đó, sự tập trung tâm trí phát sinh một cách tự nhiên - đủ mức và thích hợp cho công phu nội tĩnh – là vô hại, không có những bất lợi nào giống như loại thiền định do kết quả của sự tập luyện. Trong Tam Tạng Kinh có nhiều chỗ nói đến những người đạt tới tất cả những giai đoạn của Đạo và Quả một cách tự nhiên. Điều đó thường xảy ra khi có sự hiện diện của chính Đức Phật, nhưng cũng xảy ra về sau này với sự hướng dẫn của các vị đại sư khác. Những người đạt đạo đó không cần phải vào rừng để tọa thiền bằng cách chú tâm vào những đối tượng nào đó, như về sau này các sách dạy về thiền định thường mô tả.

Năm môn đồ đầu tiên của Đức Phật đã đạt quả vị A La Hán khi nghe ngài thuyết giảng về vô ngã, dù lúc đó họ không thực hành thiền định có tổ chức; cả một ngàn vị đạo sĩ đã ngộ đạo khi nghe bài thuyết giảng Chuyển Pháp Luân của Đức Phật cũng vậy. Trong những trường hợp này, quán huệ sắc bén và thâm sâu đã phát sanh một cách tự nhiên. Những thí dụ này cho thấy rõ hai điều: (1) trạng thái “định tự nhiên” (tập trung tâm trí một cách tự nhiên) có thể tự nó phát sanh trong khi chúng ta muốn hiểu rõ một câu hỏi nào đó; (2) và trí huệ phát sanh từ thiền định sẽ có cường độ mạnh và ổn cố, một khi nó đã ăn sâu bắt rễ vững chắc. Nó xảy ra một cách tự nhiên, tự động, giống như khi tâm trí trở thành chuyên chú khi chúng ta bắt đầu giải một bài toán. Giống như khi chúng ta nhắm vào mục tiêu tâm trí tự động tập trung và ổn định. Đây là tình huống thiền định phát sanh tự nhiên. Bình thường chúng ta hoàn toàn thờ ơ đối với loại định này, vì nó không có vẻ gì là thần kỳ, mầu nhiệm, hoặc đáng khâm phục. Nhưng qua sức mạnh của loại định tự nhiên này, phần đông chúng ta có thể đạt tới giải thoát. Chỉ cần xuyên qua thiền định tự nhiên chúng ta có thể đạt tới Đạo Quả, tới Niết Bàn, tới bậc A La Hán.

Vì thế, đừng thờ ơ đối với loại thiền định phát sanh tự nhiên. Đây là khả năng mà đa số chúng ta đã có sẵn, hoặc có thể phát triển dễ dàng. Chúng ta cần phải vận dụng mọi khả năng để bồi đắp và phát triển nó, khiến nó tác động một cách hoàn hảo và sanh ra những kết quả thích đáng, giống như đa số những người đã chứng ngộ được quả vị A La Hán - những người đó không biết gì về những phương pháp thiền định của thời hiện đại.

Bây giờ chúng ta hãy xét tới tính chất của những giai tầng của trạng thái thức tỉnh nội tâm dẫn tới quán huệ thấu triệt về “thế giới,” tức là thấu triệt ngũ uẩn. Giai đoạn thứ nhất là hỉ, tức là hạnh phúc tâm lý, hoặc tinh thần sung mãn. Khi hành thiện theo cách nào đó – ngay cả hành động bố thí, được coi là hình thức căn bản nhất của sự hành thiện – có thể là một cội nguồn của hỉ. Cao hơn nữa, ở giai tầng trì giới, cách cư xử qua lời nói và hành đồng hoàn toàn không có gì đáng chê trách sẽ khiến cho hỉ gia tăng. Rồi tới trường hợp của định, chúng ta phát hiện rằng có một loại hỉ liên quan tới những giai tầng thấp của định.

Tự bản thân của loại hoan hỉ này có năng lực dẫn tới sự thanh tịnh tịch mịch. Bình thường tâm trí ở trong tình trạng tán loạn, không ngớt làm nô lệ cho đủ thứ ý tưởng và cảm giác, vì bị ngoại vật lôi cuốn. Bình thường, tâm trí chúng ta lăng xăng chứ không tĩnh lặng. Nhưng khi cái hỉ tinh thần trở thành ổn cố, thì sự tĩnh lặng và kiên định tất nhiên sẽ gia tăng tùy theo mức độ của sự ổn cố. Khi sự kiên định đã trở thành hoàn hảo, thì chúng ta sẽ đạt tới trạng thái định hoàn toàn. Tâm trí trở thành tĩnh lặng, kiên định, linh hoạt, nhẹ nhàng, và thoải mái, sẳn sàng để có thể sử dụng cho bất cứ mục tiêu mong muốn nào, nhất là để diệt trừ những vô minh.

Đó chẳng phải là trường hợp tâm trí trở thành im lặng, cứng ngắc, và trơ trơ như hòn đá. Những điều như vậy không hề xảy ra. Thân thể cảm thấy bình thường, nhưng tâm trí đặc biệt tĩnh lặng và thích hợp để suy tư và nội quán. Nó hoàn toàn trong sáng, hoàn toàn lắng dịu, hoàn toàn ổn định. Nói cách khác, nó “thích hợp để công tác, sẳn sàng để hiểu biết.” Đây là trình độ thiền định mà chúng ta mong đạt tới, chứ không phải loại thiền định rất sâu khi hành giả ngồi im như hình ảnh tảng đá, không còn biết gì hết. Tọa thiền giống như vậy thì không thể thăm dò được điều gì. Một tâm trí tập trung rất sâu như vậy không thể thực hành được nội quán. Nó ở trong trạng thái vô tri thức và không có ích gì cho quán huệ. Thiền định thâm sâu là một chướng ngại lớn của việc thực hành quán huệ. Để thực hành nội tĩnh, đầu tiên hành giả phải trở về với những cấp độ thiền định nông cạn hơn; lúc đó hành giả có thể sử dụng năng lực mà tâm trí đã gặt được. Sự chuyên chú phát triển cao độ chỉ là một khí cụ mà thôi. Trong cách phát triển trí huệ theo phương pháp tự nhiên, chúng ta không cần phải đạt tới trạng thái thiền định thâm sâu và ngồi bất động. Thay vì vậy, chúng ta nhắm đạt tới một tâm trí tĩnh lặng và ổn định, một tâm trí thích hợp để công tác đến nỗi rằng khi dùng nó để thực hành quán huệ nó sẽ đạt được sự hiểu biết chính xác về toàn thể thế giới. Quán huệ phát triển tới trình độ đó là thứ quán huệ tự nhiên, giống như loại mà một số người đã đạt được trong khi ngồi nghe Đức Phật thuyết giảng Phật Pháp. Nó có khả năng dẫn tới tư tưởng và nội tĩnh thuộc loại chính xác, thuộc loại đưa tới sự hiểu biết triệt để. Nó không liên quan gì tới những nghi thức hoặc phép mầu.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng quán huệ sẽ tức khắc sanh ra. Người ta không thể tức thời trở thành một vị A La Hán. Bước thứ nhất sanh ra quán huệ có thể tới bất cứ lúc nào, tùy theo cường độ của sự chuyên chú. Tuy nhiên, quán huệ phát sanh ra có thể không phải là thứ quán huệ đích thực, bởi vì hành giả đã thực hành sai hoặc bị vây tỏa bởi quá nhiều nhãn quan sai lầm. Nhưng dù nó sanh ra cách nào chăng nữa, khi nó đã phát sanh thì quán huệ đó phải là điều gì rất đặc biệt, chẳng hạn như nó hết sức trong sáng và thâm sâu. Nếu quán huệ đạt được là loại quán huệ chính xác – tương ứng với thực tướng, tương ứng với Phật Pháp – thì nó sẽ tiến bộ, và sau cùng phát huy thành sự hiểu biết chính xác và chân thực về tất cả mọi hiện tượng. Nếu quán huệ chỉ phát triển ở mức độ nhỏ bé, nó có thể biến một con người thành một bậc A La Hán ở trình độ thấp nhất, hoặc nếu nó chưa đủ sức làm như vậy thì nó sẽ chỉ biến người đó thành một người có phẩm cách cao thượng, một thường nhân có những đức tính tốt. Nếu tình cảnh thích hợp và hành giả có đầy đủ những đức tính tốt, thì họ có thể trở thành bậc A La Hán. Tất cả là tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng dù tiến được bao xa, khi tâm trí có khả năng thiền định tự nhiên thì yếu tố gọi là “quán huệ” ắt sẽ phát sanh, và nó tương ứng nhiều hay ít với thực tướng. Phật tử chúng ta đã nghe nói tới, từng nghĩ tới, và nghiên cứu về thế giới, về ngũ uẩn, về các hiện tượng, với hi vọng sẽ hiểu được bản chất đích thực của chúng; vì vậy quán huệ mà chúng ta gặt hái được khi ở trong trạng thái yên tịnh và chuyên chú sẽ không đưa chúng ta vào con đường sai lầm; nó phải luôn luôn hữu ích.

Nhóm chữ “quán huệ thực tướng của chư pháp” có nghĩa là nhìn thấy sự vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã; nhìn thấy rằng không có đối tượng nào trên thế gian đáng được chấp thủ và bám víu vào như thể nó có tự ngã hoặc thuộc về một tự ngã, như thể nó là tốt hay xấu, quyến rũ hay đáng ghét. Ưa thích hoặc chán ghét bất cứ sự vật gì – dù cho nó chỉ là một ý tưởng hay một ký ức - tức là chấp thủ. Khi nói rằng “không có gì đáng được mưu cầu hoặc thành tựu” thì cũng giống như nói rằng “không có gì đáng chấp thủ”. Chữ “mưu cầu” có nghĩa là hướng vọng cái tâm của chúng ta vào tài vật, địa vị, kim tiền, hoặc bất cứ thứ gì hấp dẫn. Chữ “thành tựu” ở đây có nghĩa là sự ý thức về địa vị của mình như là chồng, vợ, phú hào, người nghèo, kẻ thắng, kẻ bại, hoặc con người, hoặc ngay cả tới sự ý thức về chính mình. Nếu chúng ta thật xét cho kỹ, ngay cả sự kiện “là chính mình” cũng chẳng có gì thích thú, nó chỉ là hệ lụy mà thôi, bởi vì nó là một nguồn gốc của đau khổ. Nếu chúng ta có thể hoàn toàn từ bỏ sự chấp thủ vào quan niệm về tự ngã, lúc đó “chính mình” sẽ không còn là khổ nữa. Đây tức là nhìn thấy sự vô giá trị của “danh phận” khi “là” bất cứ cái gì, và chính là trọng tâm của câu nói “là bất cứ cái gì đều dẫn tới đau khổ, tùy theo tình trạng của địa vị đó”. Nếu còn tiếp tục chấp thủ, tất nhiên phải khiến cho “cái ngã” đó tiếp tục tồn tại, ít nhất trong lòng phải tin rằng có “cái ngã” đó. Khi cho rằng có “cái ngã của mình” thì tất nhiên phải tin là có những thứ ở ngoài nó cũng tồn tại và thuộc về cái ngã của mình. Vì vậy người ta có vợ, có con, có thứ này thứ nọ. Rồi người ta có bổn phận làm chồng làm vợ, làm chủ làm tớ, v.v. Tất cả những điểm này đều cho thấy chân lý của câu nói: chấp thủ danh phận tất nhiên sẽ dẫn đến đấu tranh. Người ta không tránh khỏi sự khó khăn và đấu tranh để duy trì “danh phận” của mình, chỉ vì hậu quả của sự mê luyến mù quáng đối với sự vật và chấp thủ chúng.

Nếu chúng ta từ bỏ lòng ham muốn mưu cầu cái gì hoặc “là” cái gì thì làm sao chúng ta có thể tiếp tục sinh tồn? Ở đây, những từ ngữ “mưu cầu” và “là” được dùng để chỉ sự mưu cầu và danh phận đặt cơ sở trên những vô minh tinh thần, trên dục vọng, trên ý tưởng rằng sự vật nào đó “đáng mưu cầu, đáng là,” vì vậy tâm trí thực sự hăng say mưu cầu cái đó hoặc là cái đó. Điều đó nhất định sẽ dẫn tới phiền não, lo âu, căng thẳng, không yên tâm, hoặc ít nhất cũng phải chịu đựng một gánh nặng trong tâm trí, từ đầu tới cuối. Khi đã biết chân lý này, chúng ta sẽ luôn luôn cảnh giác, theo dõi tâm trí để tránh cho nó khỏi trở thành nô lệ cho sự mưu cầu và danh phận qua ảnh hưởng của chấp thủ. Khi ý thức được rằng trên thực tế mọi sự mọi vật đều không đáng mưu cầu hoặc thành tựu, chúng ta sẽ đủ khôn ngoan để giữ thái độ lãnh đạm đối với chúng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chưa thể hoàn toàn làm ngơ đối với sự mưu cầu và danh phận, thì chúng ta phải quan tâm và cảnh giác, để khi chúng ta đạt được hoặc trở thành cái gì đó, chúng ta sẽ có thái độ dửng dưng và không bị xáo trộn tình cảm. Chúng ta nhất thiết không nên giống như những người mắt sáng nhưng mù quáng, tai thính nhưng giống như điếc, cứ xông xáo một cách ngu muội để mưu cầu và đạt danh vị, với hậu quả là họ sẽ sa ngã vào chính cái hố thẳm của sự ngu xuẩn và chấp thủ của chính họ, và cuối cùng kết liễu cuộc đời bằng cách tự sát.

Thế gian và tất cả vạn pháp đều có đặc tính vô thường, vô giá trị và không thuộc về bất cứ ai. Người nào chấp thủ bất cứ cái gì sẽ bị nó làm khổ - ngay từ lúc đầu khi người đó bắt đầu ham muốn được sở hữu nó hoặc trở thành nó, và cũng vẫn khổ sau khi đã có nó hoặc đạt tới danh phận đó. Bất cứ ai, với tai điếc và mắt mù, bám víu vào sự vật thì sẽ phải chịu hậu quả đau khổ tương xứng, như chúng ta đã thấy xảy ra cho những kẻ mê muội trên thế gian. Thậm chí, chúng ta cũng sẽ phải chịu như vậy nếu chúng ta chấp thủ ngay cả điều thiền – là điều mà mọi người coi trọng. Nếu bất cứ ai hành thiện một cách sai lầm và chấp thủ vào nó quá nhiều, thì người đó cũng sẽ nhận được nhiều đau khổ từ điều thiện giống như là cái khổ khi làm điều ác. Vì vậy khi hành thiện chúng ta phải nhớ rằng nó có đặc tính như vậy.

Một người hoài nghi có thể đặt câu hỏi: “Nếu không có gì đáng để mưu cầu hoặc thành tựu, phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta chẳng nên làm công việc gì, chẳng nên gây dựng cơ nghiệp, địa vị, tài sản?” Bất cứ ai hiểu rõ chủ đề này có thể thấy rằng một người có chánh tri chánh kiến thì họ có khả năng thi hành bất cứ công tác nào một cách tốt đẹp hơn là một người bị lệ thuộc vào dục vọng, hoặc một người ngu si và không có sự hiểu biết. Nói một cách tóm tắt, khi nhúng tay vào chuyện gì chúng ta phải thi hành một cách có ý thức; các hành động của chúng ta bị tham dục thúc đẩy. Chúng ta sẽ gặt hái kết quả phù hợp với hành động của mình.

Đức Phật và tất cả các vị A La Hán khác đều đã hoàn toàn diệt trừ được dục vọng, nhưng quý ngài thành công khi làm bao nhiêu chuyện hữu ích hơn là những gì mà bất cứ ai trong chúng ta có thể làm. Nếu chúng ta xét những câu chuyện kể lại Đức Phật sống hàng ngày như thế nào, chúng ta thấy rằng ngài chỉ ngủ mỗi ngày bốn giờ và dành hết thì giờ còn lại để làm việc. Còn chúng ta mồi ngày dành hơn bốn tiếng đồng hồ chỉ để vui chơi. Nếu các ngài đã diệt trừ hết những vô minh sinh ra sự ham muốn mưu cầu và danh phận, thì điều gì thúc đẩy Đức Phật và các vị A La Hán làm những chuyện đó? Động lực thúc đẩy họ là sự nhận thức minh bạch, cộng với lòng từ bi. Ngay cả những hành động do nhu cầu của thân xác như nhận và ăn những thực phẩm cúng dường cũng được thúc đẩy bởi sự nhận thức minh bạch. Họ đã diệt trừ được những vô minh và sự ham muốn sống để là cái này hoặc mưu cầu cái kia; nhưng họ vẫn có thể phân biệt giữa cái gì xứng đáng với cái gì không xứng đáng làm động lực để thúc đẩy nhục thân họ đi tìm kiến thức ăn. Nếu họ tìm được thức ăn thì càng tốt; nếu không, chẳng hề chi. Khi họ lên cơn sốt, họ biết cách chữa trị, và dùng kiến thức đó để cố gắng chữa bệnh. Nếu cơn sốt quá mạnh và trấn áp họ, thì họ nhớ rằng sự tử vong chỉ là điều tự nhiên, và họ không đủ khỏe mạnh để tiếp tục sống. Đối với họ, chuyện sinh tử chẳng có gì quan trọng, họ thấy rằng chúng có giá trị ngang nhau.

Nếu muốn hoàn toàn không vướng mắc vào đau khổ, đây là thái độ tốt nhất mà chúng ta cần có. Chẳng cần phải có bất cứ cái ngã nào để làm chủ thể xác; chỉ cần sự nhận thức minh bạch là đủ để thể xác có thể sinh hoạt bằng năng lực thiên nhiên của nó. Cái gương của Đức Phật cho thấy rằng chỉ cần năng lực của nhận thức minh bạch thuần túy và lòng từ bi thuần túy là đủ để khiến cho một vị A La Hán tiếp tục sống trên thế giới này, và đáng kể hơn nữa là họ làm được những điều hữu ích nhiều hơn gấp bội so với những người vẫn còn có nhiều dục vọng. Những kẻ vô minh thường chỉ làm những gì có lợi cho chính họ, vì họ hành động do sự thúc đẩy của lòng vị kỷ. Trái lại, những hành động của các vị A La Hán là hoàn toàn bất vị kỷ, vì vậy chúng tuyệt đối trong sạch. Khi muốn mưu cầu hoặc muốn là cái gì, người ta thường hành động một cách không chính đáng, người ta lầm lẫn điều ác với điều thiện, không biết cái gì là thiện cái gì là ác. Vì vậy, chúng ta hãy làm mọi chuyện một cách thông minh sáng suốt, luôn luôn ghi nhớ trong tâm trí rằng thật ra không có điều gì đáng để mưu cầu, không có danh phận gì đáng trở thành, không có thứ gì đáng say mê, không có thứ gì đáng chấp thủ. Chúng ta hãy hành động cách nào để phù hợp với sự hiểu biết rằng bản chất của mọi sự mọi vật đều không đáng mư cầu và không đáng để trở thành. Nếu chúng ta cần phải nhúng tay vào các hoạt động, chúng ta hãy thi hành đúng cách và chính đáng. Đây là đường lối để giữ cho tâm trí luôn luôn trong sạch, thanh tịnh, vô nhiễm, và thanh thản. Nó cho phép chúng ta dấn thân vào thế giới, vào các sự việc, mà không làm cho mình bị tổn hại gì cả.

Khi một người phàm phu tục tử nghe nói rằng không có gì đáng để mưu cầu, không có danh phận gì đáng để trở thành, người đó không được thuyết phục, và y không tin tưởng. Nhưng bất cứ ai hiểu được ý nghĩa đích thực của câu nói đó, thì nó sẽ khuyến khích họ và khiến họ vui mừng. Tâm trí người đó sẽ trở thành chủ nhân của ngoại vật và độc lập đối với chúng. Người đó sẽ có thể theo đuổi những việc làm của mình trong khi biết chắc rằng họ sẽ không trở thành nô lệ của chúng. Những hành động của họ không do dục vọng thúc đẩy, và họ không bị đam mê làm mù quáng đến nỗi trở thành nô lệ cho ngoại vật. Khi muốn có bất cứ danh phận gì, chúng ta hãy luôn luôn ý thức rằng trên phương diện chân lý tuyệt đối chúng ta không thể nào sở hữu hoặc trở thành những thứ đó, bởi vì không có sự vật gì mà chúng ta có thể thực sự sở hữu hoặc trở thành, như chúng ta mong muốn. Mọi sự mọi vật đều là vô thường, bất thỏa mãn, và không bao giờ có thể đích thực thuộc về chúng ta; vậy mà chúng ta vẫn cứ mù quáng đi tìm, vẫn tham cầu và chấp thủ chúng. Nói cách khác, chúng ta hành động không chính đáng, không thích hợp với thực tướng của vạn sự vạn vật, chỉ vì chúng ta hành động trong khi không biết tới thực tướng đó. Lý do khiến chúng ta không thể chu toàn công việc của mình một cách hoàn mỹ là vì chúng ta luôn luôn quá bận tâm tới chuyện mưu cầu cái gì hoặc là cái gì, luôn luôn bị thúc đẩy bởi dục vọng. Kết quả là chúng ta chẳng phải là chủ nhân của chính mình, và không thể duy trì sự lương thiện thủy chung như nhất. Trong mọi trường hợp thất bại và tàn lụi, nguyên nhân căn bản chính là bị dục vọng sai khiến.

Mục tiêu đích thực của mọi Phật tử là phải biết rõ thực tướng của chư pháp. Đây là phương tiện mà chúng ta có thể dùng để tự giải thoát. Bất cứ chúng ta cầu mong những lợi ích phàm tục, như tiền tài, địa vị, và tiếng tăm; hoặc những lợi ích trong kiếp sau, như thiên đàng; hoặc những lợi ích siêu phàm, như Đạo Quả, con đường duy nhất để đạt sự mong cầu là bằng phương tiện của loại chánh tri chánh kiến và quán huệ này. Chúng ta dựa vào quán huệ để có thể trở thành thanh khiết qua sự thanh lọc của quán huệ chứ chẳng phải nhờ bất cứ phương tiện nào khác. Con đường giải thoát của chúng ta tùy thuộc vào quán huệ, vào thị kiến trong suốt, để thấy rằng tất cả đều không đáng được chấp thủ, tất cả đều không đáng được mưu cầu, tất cả danh phận đều không đáng được trở thành, không đáng để chúng ta phải liều mạng hoặc chịu mất tay mất chân để đạt tới. Những món vật hoặc danh phận mà chúng ta có đều chỉ thuộc vào thứ chân lý tương đối của thế gian. Theo ngôn ngữ của thế gian, chúng ta nói rằng chúng ta là cái này hoặc là cái nọ, chỉ vì trong bất cứ xã hội nào, khi giao dịch với nhau người ta cần nhận ra nhau bằng tên tuổi và chức nghiệp. Nhưng chúng ta nhất thiết không nên vì vậy mà tin rằng chúng ta thực sự là cái này hoặc cái nọ, giống như người đời tin như vậy ở giai tầng chân lý tương đối. Nếu hành xử như vậy thì chẳng khác gì những con dế; khi mặt những con dế bị bụi đất che phủ, chúng trở thành rối loạn và u mê, và chúng cắn lẫn nhau cho tới chết. Khi mặt con người bị bụi đất che phủ, khi chúng ta gánh chịu đủ thứ vô minh mê muội, chúng ta trở thành rối trí đến nỗi chúng ta làm những chuyện mà con người không bao giờ làm trong những hoàn cảnh bình thường - chẳng hạn như giết chóc lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta không được mù quáng bám vào những chân lý tương đối; thay vì vậy, chúng ta hãy ý thức rằng chúng chỉ là chân lý tương đối; chúng chỉ cần thiết đối với một xã hội mà thôi. Chúng ta cần phải biết cái thân-và-tâm này thực sự là gì, bản chất đích thực của nó là gì. Đặc biệt là chúng ta phải ý thức về sự vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã của nó, và nhất quyết không để cho chúng ta lệ thuộc vào nó.

Đối với tài sản, địa vị, v.v., mà chúng ta không thể thiếu được, hãy coi những thứ đó cũng giống như là chân lý tương đối, như vậy mới có thể thoát ra khỏi lề thói hiện hữu của những câu nói như: “Cái này là của ông A. Cái kia là của ông B”. Pháp luật lo chuyện bảo vệ quyền sở hữu của chúng ta, vì vậy chúng ta không cần phải bám lấy quan niệm về “của ta”. Chúng ta cần có đồ vật để sống một cách tiện nghi và thoải mái, chứ không phải là để cho chúng làm chủ tâm trí của chúng ta. Khi đã có lối nhận thức sáng suốt này, đồ vật sẽ trở thành tôi tớ và nô lệ của chúng ta, và chúng ta sẽ đứng bên trên chúng. Nếu tư tưởng cứ đi trên con đường tham dục và chấp thủ, khiến chúng ta cứ nghĩ tới chuyện có cái này và là cái nọ, cứ bám chặt lấy những quan niệm này, thì sự vật sẽ đứng ở trên chúng ta, và chúng ta sẽ trở thành tôi tớ và nô lệ của chúng, sẽ bị chúng khống chế. Địa vị giữa chúng ta và sự vật có thể đảo nghịch dễ dàng theo cách đó, vì vậy cần phải thận trọng, phải sắp đặt sự vật theo cách nào để chúng ta chắc chắn được độc lập và đứng ở trên sự vật. Nếu không, có ngày chúng ta sẽ thấy mình ở trong tình cảnh bi đát nhất, và cảm thấy rất ân hận cho thân phận của mình.

Khi chúng ta đã thực sự nhận thức rõ ràng rằng không có gì đáng mưu cầu, không có danh phận gì đáng thành tựu, thì sự tỉnh ngộ sẽ phát triển theo tỉ lệ thuận với cường độ của quán huệ. Đây tức là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đã là nô lệ lâu đến lúc phải cố gắng thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Đây là lúc khởi đầu của sự tỉnh ngộ, khi người ta thấy rõ rằng mình quá ngu si nên đã chấp thủ và bám víu vào sự vật, tưởng rằng sự vật đáng để họ mưu cầu và trở thành. Ngay khi tỉnh ngộ, tất nhiên người ta sẽ đạt tới một tiến trình tự nhiên và tự động của sự cởi trói, giống như một con người bị sợi dây thừng trói chặt, bây giờ được cởi ra; hoặc giống như khi chất thuốc nhuộm bám chặt vào một tấm vải nay bị tẩy sạch bằng cách ngâm tấm vải trong chất thuốc tẩy thích hợp. Đức Phật gọi loại tiến trình này – thoát ra khỏi sự chấp thủ hoặc thoát ra khỏi những đối tượng chấp thủ – là Giải Thoát. Đây là giai đoạn quan trọng nhất. Tuy chưa phải là giai đoạn cuối cùng, nhưng nó là bước quan trọng nhất để tiến tới sự giải thoát hoàn toàn. Khi một người đã có thể vượt lên tới trình độ này thì người đó chắc chắn sẽ giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.

Một khi đã bứt ra khỏi sự nô lệ, người ta sẽ không bao giờ lại trở thành nô lệ cho thế gian nữa. Người ta sẽ trở thành tinh khiến và vô nhiễm, dù trước đó có đủ thứ vô minh. Bị nô lệ vào sự vật có nghĩa là bị ô nhiễm trong thân xác, trong lời nói, trong ý nghĩ. Cởi trói ra khỏi sự nô lệ vào những hoan lạc phàm tục của thế gian là đạt tới cảnh giới thanh khiết và sẽ không bao giờ bị ô uế nữa. Một khi đã đạt được sự thanh khiết đích thực này, nó sẽ dẫn tới sự thanh thản đích thực, sẽ không còn phải chịu những tình cảnh xáo trộn và khổ tâm nữa. Đức Phật gọi trạng thái thoát khỏi sự đè nén và xáo trộn bằng một chữ giản dị là “an” (santi), nghĩa là tĩnh lặng, thản nhiên trong mọi hoàn cảnh, đích thực giống như cảnh giới Niết Bàn.

Chữ “Niết Bàn” đã được diễn dịch là “sự vắng mặt của bất cứ dụng cụ tra tấn nào”. Nó còn có nghĩa là “dập tắt hết không còn lại cái gì”. Vì vậy chữ “Niết Bàn” có hai ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất: sự vắng mặt của bất cứ nguồn gốc nào của đau khổ và thiêu đốt; thoát khỏi tất cả những hình thức của ràng buộc và đè nén. Thứ nhì: dập tắt hết, không còn nhiên liệu gì có thể gây ra thêm đau khổ nữa. Sự kết hợp những ý nghĩa này cho thấy một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi đau khổ. Chữ “Niết Bàn” còn có vài ý nghĩa hữu ích khác. Nó có thể hiểu như là sự dập tắt đau khổ, hoặc sự hoàn toàn tiêu trừ phiền não; hoặc trạng thái hay cảnh giới trong đó đã chấm dứt tất cả đau khổ, tất cả vô minh, tất cả những hành vi có thể tạo nghiệp quả. Tuy chữ “Niết Bàn” được nhiều tông phái khác nhau sử dụng, nhưng ý nghĩa của nó thường không giống nhau chút nào. Chẳng hạn như có phái coi rằng nó có ý nghĩa là “yên tịnh” và “bình thản”, vì họ coi Niết Bàn đồng nghĩa với trạng thái thiền định thâm sâu. Thậm chí có những tông phái khác coi Niết Bàn là sự thâm nhập hoàn toàn vào sự cảm thụ của cảm quan.

Đức Phật định nghĩa Niết Bàn chỉ giản dị là trạng thái giải thoát hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc nô lệ, khỏi phiền não, và đau khổ; nhờ kết quả của sự nhìn thấy bản chất đích thực của thế gian và của mọi sự mọi vật, do đó có thể từ bỏ tất cả những bám víu vào chúng. Vì vậy chúng ta cần phải nhận thấy giá trị lớn lao của quán huệ nhìn thấy rõ thực tướng của chư pháp, và quyết tâm cố gắng trau dồi trí huệ đó bằng cách này hay cách khác.

Một phương pháp là chúng ta chỉ việc khích lệ cho trí huệ tự nó phát sinh một cách tự nhiên, bằng cách chúng ta hãy ngày đêm bồi dưỡng niềm hoan lạc đến từ sự thanh khiết tinh thần, cho tới khi nào chúng ta đạt tới những phẩm chất đã mô tả trên đây. Phương pháp khác bao gồm sự phát triển sức mạnh tâm thần bằng cách thực hành một hệ thống thiền định và quán huệ có tổ chức. Phương pháp thứ nhì này thích hợp với những người có một loại cá tính nào đó; họ có thể tiến bộ rất nhanh trong những hoàn cảnh thích hợp. Nhưng chúng ta có thể thực hành cách phát triển quán huệ bằng phương pháp tự nhiên trong mọi tình huống và bất cứ lúc nào, bằng cách khiến cho lối sống hằng ngày của chúng ta thanh khiết và thành thật đến nỗi sẽ tự nhiên lần lượt phát sinh niềm hoan lạc tinh thần, sự bình thản, quán huệ nhìn thấy thực tướng của chư pháp, tỉnh ngộ, xa lìa, thoát khỏi mọi vô minh, thanh tịnh, thản nhiên, để chúng ta sẽ đích thân nếm được mùi vị của sự giải thoát khỏi đau khổ một cách vững chắc, một cách tự nhiên, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, dần dần chúng ta càng tiến gần tới Niết Bàn.

Tóm lại, thiền định và quán huệ tự nhiên – có thể giúp chúng ta đạt tới Đạo Quả - bao gồm sự thực chứng suốt ngày và hằng ngày chân lý của câu “không có vật gì đáng mưu cầu, không có danh phận gì đáng thành tựu.” Bất cứ ai muốn đạt được kết quả này cần phải cố gắng tự thanh lọc bản thân, và phát triển những đức tính cá nhân gương mẫu, do đó sẽ có thể tìm thấy niềm hoan lạc liên tục từng giây từng phút, trong việc làm và trong khi nhàn rỗi. Chính niềm hoan lạc đó sẽ đem lại sự sáng suốt và tươi trẻ, sự bình thản tâm thần; và nó sẽ tự nhiên và tự động giúp cho tâm trí có thể suy tư và nội tĩnh. Khi quán huệ lúc nào cũng thấy rằng không có gì đáng mưu cầu, không có danh phận nào đáng được thành tựu, tâm trí sẽ mất đi tất cả dục vọng đối với mọi sự mọi vật mà trước đây nó thường chấp thủ và bám víu vào. Tâm trí sẽ có thể tự giải thoát khỏi những sự vật mà nó thường coi như là “ta và của ta”, và tất cả những khát vọng mù quáng đối với sự vật sẽ chấm dứt. Khi khổ đau không còn nơi nào để trú ngụ nữa thì nó phải biến đi, lúc đó công tác diệt khổ đã hoàn thành. Đây là phần thưởng mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đạt được.

Xem mục lục