Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
(TRUYỆN KỂ CÁC VỊ CAO TĂNG TRUNG QUỐC)

Hạnh Huệbiên soạn

---o0o---
PHẦN 1





1. LÃO TỬ (LÝ NHĨ)


Sanh năm Ðinh Tỵ

Ðời Chu Ðịnh Vương năm thứ ba (604 trước Công nguyên), ngày mười bốn tháng chín, Lão Tử sanh ở nước Sở, quận Trần, huyện Khổ, làng Lại, xóm Khúc Nhơn, họ Lý tên Nhĩ, tự là Bá Dương, húy là Ðam. Ở trong thai mẹ 81 năm, xẻ hông trái mà sanh, mới sanh đầu đã bạc trắng nên hiệu là Lão Tử; sanh ở dưới cây Lý nên có họ Lý. Mặt vàng, mi đẹp, tai dài, mắt to, mũi có hai cột, tai có ba cửa, trong hội Thích Ca, Lão Tử là Bồ tát Ca Diếp. Kinh nói “Ca Diếp ứng sanh Chấn Ðán, hiệu là Lão Tử, đặt giáo không ngoài để trị quốc, mượn thuật thần tiên để trị thân”. Từ Phật diệt độ đến Lão Tử sanh là 346 năm. (1)

Lão Tử vào Lưu Sa (2)

Chu Giản Vương năm thứ tư (582 trước Công nguyên, Lý Nhĩ ra làm quan Thủ Tạng Sứ, mười ba năm đổi làm Trụ Hạ Sử, suốt năm mươi bốn năm không đổi chức. Người đời gọi là Sử Ấn. Kính Vương nguyên niên (519 trước Công nguyên, Ngài 86 tuổi, vì vương thất quá nhiều (lăng trì), ông bỏ Chu, đi về Tây vào Hàm Cốc Quan. Quan Sinh Y Hỷ thấy mây tía từ Tây đến, biết có đạo nhân sẽ đi qua, bèn rước vào làm lễ. Ngài làm Ðạo Ðức Kinh năm ngàn lời đưa cho Y Hỷ rồi vào Lưu Sa năm Nhâm Ngọ. Ðến nước Kế Tân thấy tháp chùa tự thương mình không đến kịp bèn đối trước tượng nói kệ:

Ta sinh sao quá muộn
Phật ra đời sớm quá
Chẳng thấy Thích Ca Văn
Trong lòng thường áo não.

(Ngã sinh hà dĩ vãn,
Phật xuất nhất hà tảo,
Bất kiến Thích Ca Văn,
Tâm trung thường áo não).

Không biết sau thế nào.

(1) Theo sử Trung Quốc – Chu Thư dị ký, Phật đản sanh ngày mồng tám tháng tư năm Giáp Dần, đời Tây Chu Chiêu Vương năm thứ 24 (1028 trước Công nguyên)

(2) Lưu Sa: Vùng sa mạc Taklamakan, phía Tây Trung Quốc. Trên đường sang Ấn Ðộ ngài Huyền Trang từng đi ngang đây.


2. KHỔNG TỬ


Khổng Phòng Thúc ở nước Lỗ, ấp Tưu, làng Bình, con Phòng Thúc là Bá Hạ, con Bá Hạ là Thúc Lương Hột. Ông này trước cưới con gái họ Châu sanh con là Mạnh Bì, bất tài. Sau cưới con gái họ Nhan là Chưng, cầu khẩn ở núi Ni Khâu mà sanh Khổng Tử bèn đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Tối hôm sanh (năm Canh Tuất) có hai con rồng lượn quanh nhà, Ngũ Lão giáng giáng xuống trước sân, phòng của Nhan Thị nghe tiếng nhạc trời. Khổng Tử thân cao chín thước sáu tấc; lưng rộng mười vi, tay dài quá đầu gối, xương trán gồ lên như hình chữ nhật, hà mục, hải khẩu, mặt rồng, trán vuông, hàm én, râu rồng, nhìn như cọp, lông mi có mười hai vằn, mắt có sáu mươi bốn lý. Ngày 4 tháng 11 năm thứ hai mươi mốt đời Chu Linh Vương (551 trước Công nguyên) tức năm thứ hai mươi hai đời Lỗ Nhượng Công vậy. Trên hội Thích Ca, Khổng Tử là Nho Ðồng Bồ tát, Nhan Hồi là Nguyệt Quang Bồ tát. Kinh nói: “Trong cõi Diêm Phù, có nước Chấn Ðán, ta sai ba Thánh ở đó giáo hóa, nhân dân từ ái, lễ nghĩa đầy đủ”. Phật diệt độ đến Khổng Tử sanh là 400 năm.

Thái Tể nhà Thương hỏi Khổng Tử rằng:

- Phu Tử là bậc Thánh chăng?

- Khâu học rộng nhớ nhiều, chẳng phải Thánh nhân.

- Tam vương là Thánh chăng?

- Tam vương khéo dùng trí dũng, Thánh thì chẳng phải chỗ Khâu biết.

- Ngũ Ðế là Thánh chăng?

- Ngũ Ðế khéo dùng nhân tín, còn Thánh thì Khâu chẳng biết.

- Tam Hoàng là Thánh chăng?

- Tam Hoàng khéo dùng thời chính (thời cơ, chính trị) còn Thánh thì Khâu chẳng biết.

Thái Tể cả kinh hỏi:

- Như thế thì ai là Thánh nhân?

Phu Tử động dung hồi lâu đáp:

- Khâu nghe phương Tây có bậc đại Thánh, không trị mà chẳng loạn, không nói mà tự tín, không giáo hóa mà tự hành, mênh mông người chẳng thể đặt tên.

3. PHẬT GIÁO VÀO TRUNG HOA

Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ tư (61 TL), Hán Minh Ðế đêm mộng thấy người vàng, thân cao hơn một trượng, cổ đeo vòng mặt trời, ngực đề chữ vạn, bay đến sân điện, ánh sáng chói lọi. Sáng lại, vua hỏi quần thần, Thái sử Phó Nghị tâu rằng:

Thần theo Chu Thư dị ký, ngày mồng tám tháng tư năm Canh Dần, năm thứ hai mươi bốn đời Chiêu Vương (Tây Chu). Sáng sớm chợt có gió lạ nổi lên, cung điện nhà cửa thảy đều chấn động, có ánh sáng năm màu vào sâu mọi chỗ, biến khắp bốn phương, màu xanh hồng. Vua hỏi Thái sử Tô Diêu đây là điềm gì? Thái sử đáp: “Tây phương có Ðại thánh nhân sanh”. Vua nói: “Ðối với đây (Trung Hoa) thế nào?” “Lúc này không có ông ta. Sau một ngàn năm, lời dạy mới đến”. Vua sai khắc lên đá để nhớ, ở trước đền thờ Nam Giao. Tính năm thì đến nay là năm Tân Dậu được một ngàn không trăm mười năm. Bê hạ nằm mộng có lẽ ứng với đấy.

Vua thầm tính rồi sai các ông Trung Lang, Tương Thái Âm, Bác sĩ Vương Ðạo, Tần Cảnh ... 18 người đến Tây Vức, thăm dò đạo này.

Hán Minh Ðế niên hiệu Vĩnh Bình năm Ðinh Mão (67 TL), Phật giáo bắt đầu vào Trung Hoa.

Xem mục lục