Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN NĂM ĐIỀU KIỆN CỦA NHẬN THỨC (Ngũ Ấm-五陰)*

 

______*"Năm Điều kiện Nhận thức: Ngũ Ấm-五陰-Skandhas". Chữ "Ấm-陰" do Cưu Ma La Thập (hay có lẽ trước nữa) dùng để phiên âm chứ không dịch nghĩa từ chữ Skandha (tập hợp, nhóm, tụ hội...), Huyền Trang dùng chữ "Uẩn-蘊" với nghĩa "Tích chứa, tích lũy, góp" (nguyên ngữ: chất cỏ-bộ Thảo-艸 lại để dễ đốt). Một số các học giả phương Tây dịch khái niệm Skandha là "Tập hợp-Aggregates". Thuật ngữ Skandha trong kinh điển Phật giáo không sử dụng biệt lập như khái niệm "Aggregates" của Anh ngữ, mà chỉ có ý nghĩa trong liên kết với Pratyaya-Duyên-緣-"điều kiện tạo tác", Hetu-Nhân-因-"Nguyên Nhân tạo tác, Nhân tố tạo tác" và một số các thuật ngữ liên quan khác (như "Duyên Khởi", "Duyên sinh", "Lục căn", "Lục Trần", "Thập nhị nhân duyên"...). Đó là một chuỗi những khái niệm liên hoàn, mà mỗi khái niệm chỉ có ý nghĩa khi chúng liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống giáo lý nền tảng của Phật giáo. Với ý nghĩa này, "Năm Điều kiện Nhận thức: Ngũ Ấm-五陰-Skandhas" gồm:

 1. Rùpa-skandha_Sắc Ấm-色陰: Nói chung tất cả những gì tồn tại ở ngoại giới mà con người ta có thể nhận thức được, căn nguyên (source) của nhận thức Cần phân biệt với chữ "Rupa-Sắc" nói chung này (như là "Thê-體"-ý nghĩa vốn nội hàm trong khái niệm này),và "Rupa-Sắc" trong Danh sắc-名色-nama-rupa (như là "Dụng-用"-ý nghĩa biểu hiện trong cách dùng riêng) với nghĩa: "biểu tượng"(symbol) của sự vật mà nhận thức có được như là một hình ành trong tâm thức (mental image), không phải là chính sự vật đó.

 2. Vedanà-skandha_Thọ Ấm-受陰: Tụ hội của những cái được thụ nhận từ Sắc Ấm, thông qua cảm giác với những dạng riêng biệt của giác quan (màu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác nóng, lạnh...). Những dạng thức thông tri riêng biệt này được tổng hợp lại để thành:

 3. Samjnà-skandha_Tưởng Ấm-想陰: Ý niệm, ý tưởng về sự vật ngoại giới có được trong tâm thức con người, cũng chính là "khái niệm" *(concept) về sự vật với sự phân biêt jnhững "thuộc tính" (những dạng thức riêng biệt có từ Vedanà-skandha-Thọ Ấm) của chúng. Những "thuộc tính" (predicates) này là do tâm thức con người biện biệt ra vời những phạm trù tương phản (nóng-lạnh, tối-sáng, có-không có, thường hằng-đứt đoạn, sinh-diệt...). Sự vất tự nó vốn không có những tương quan biện biệt có tính nhị nguyên này, đó chỉ là những tương quan có tính tương đối mà tâm thức phân biệt được, để có thể nhận thức được thế giới bên ngoài, cái này với cái kia. Những tương quan biện biệt có tính nhị nguyên này là thiết yêu, bởi vì không thiết lập ra chúng, thì con người không thể nhận thức được cái gì cả, không có tri thức, không có khoa học, không có cả nền văn minh nhân loại. Như thế, cũng không có "Thế gian giới" và cả Phật Pháp. Phật pháp chỉ xác nhận những điều kiện nhị nguyên này như là "những cái có tính cách giả đinh" (Giả Danh-假名, Hypothetischer Realismus: Thực Tại Luận có tính cách Giả Thuyết, xem chú thích ở phẩm 15.4) chứ không phủ định nó.

 4. Samskàra-skandha_Hành Ấm-行陰: Đây là một trong những khái niệm được cho là "khó hiểu" nhất của Phật giáo. Kinh điển Hán văn thường dịch là "Hành-行" (ngay cả trong các văn bản rất cổ) với những ý nghĩa tương quan có thể có của chữ này như: 1. Nguyên ngữ: "bước đi, đi"; 2. "hành vi, hành động, thi hành..."; 3. Đọc là "Hạnh": "phẩm hạnh, phẩm tính...", cả ba nghĩa này điều mang tính chất khái quát chung chung, không nói lên tính cách đặc thù nào của Samskara ("Samskara" không liên quan gì đến "hành động, hành vi" hay "phẩm hạnh, đức hạnh" cả vì những ý nghĩa này đều có tính cách cụ thể, biểu hiện khả kiến. Nếu có tương quan, thì chỉ tương quan với nguyên ngữ "bước đi" với nghĩa gián tiếp như là "cái bắt đầu, với tính năng động"). Còn một khả năng khác có thể nghĩ tới là: Khi mới bắt đầu dịch kinh điển Pali và Sanskrit sang Hán văn, người Hán không tìm được từ nào trong chữ Hán cổ (vốn rất nhiều hạn chế) tương đương với "Samskara", nên họ chỉ phiên âm với chữ "Hành-行" chứ không dịch nghĩa , giống như trường hợp của thuật ngữ "Ấm-陰". Như thế, thì cà thuật ngữ "Hành Ấm-行陰" đều là hai từ phiên âm chứ không có nghĩa. Cũng cùng trường hợp đối với các học giả phương Tây, hiện nay họ cũng chưa thể khẳng định được phải dịch "Samskara" với nghĩa nào cả. Giáo sư Levi chỉ có thể khẳng định "Samskàra-skandha" một cách chung chung, như là: một tập họp những tính cách không có trong những Ấm khác. Bà Rhyce Device cho rằng việc sử dụng các thuật ngữ hoặc khái niệm tương đương cho “samskara” (cũng như cho các từ khác như rupa-Sắc, dharma-Pháp...) chỉ là bước đầu mà thôi.

 Xuyên qua những kiến giải rất khác nhau giữa các tông phái, nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau, những gì mà chúng ta có thể biết được về "Samskara" là:

 a. Cái bắt đầu chuyển động, bắt đầu có tính chất tích cực của tâm thức. Tức là: Điểm xuất phát của tâm thức tạo tác như là một nguyên nhân, từ đó sẽ hình thành ra kết quả trong một quá trình sinh diệt;

 b. Như là một "điều kiện hội tụ" với những tính cách khác với những "điều kiện hội tụ" khác (theo ý kiến của giáo sư Levi). "Tính cách khác" này chính là tính tích cực của cái "bắt đầu chuyển động"(a).

 c. Như là một yếu tố thuộc về tâm thức (“Citta-Samprayukta-Samskara” hay “Caitta”, Tâm Sở Pháp-心所法), nó có tương quan tương tác vơi Ý thức, chịu tác động bởi ý thức và tác động vào ý thức.

 d. Như là một hiện tượng bên ngoài định hướng của chính tâm thức (Citta viprayukta Samskara”-Tâm bất tương ứng hành pháp 心不相應行法), nó thuộc những tính cách của quá trình Sinh (Jati), trụ (Sthiti), dị (Jara) và diệt (Rnityata).

 Với những ý nghĩa này, thì "Samskara" vừa có ý nghĩa "Tác-作: cái tác động và nhận chịu tác động" và vừa có ý nghĩa "Vi-爲: gây nên, làm nên, dấy lên", như là một tác nhân tích cực, năng động  trong quá trình tạo tác của tâm thức. Với ý nghĩa này, bản dịch Việt ngữ tạm dịch "Samskara" là "Tác Vi_作爲". Đây chỉ là một nỗ lực đi tìm một dụng ngữ khả dĩ tiếp cận với "Samskara", chứ không phải đưa ra một định nghĩa về nó. Hơn nữa, để tránh những ngộ nhận mà thuật ngữ "Hành-行" có thể gây ra trong tiếng Việt (như là "Hành động", "Hành vi"...Hiện tượng tâm thức hay nhận thức không hề có cái gì là hành động hay hành vi cả...)

 5. Vijnàna-skandha_Thức Ấm-識陰: Nói chung về cái "nhận biết"-Thức -識 theo nghĩa rộng, trong đó có cả Ý thức với ý hướng tính (intention) của nó, hay A-lại-da thức theo cách hiểu của Duy Thức luận, vốn cũng là một cái gì có năng động (xem chú thích chi tiết ở Phẩm 17.3). Tính năng động của Ý Thức, trong tương quan tương tác với tính năng động của Tác Vi: Cái "Biêt" dẫn đến Tác Vi tạo tác, và Tác Vi đến lượt nó lại dấy lên một cái "Biết" tương ứng, hai cái này tác động lẫn nhau trong quá trình liên lũy của tâm thức.

 Tuy nhiên, ý nghĩa quyết định vẫn nằm trong Tác Vi: cái khởi đầu tác tạo, như là một nhân tố tác tạo, còn Ý Thức chỉ "tác dộng" chứ không "tác tạo". Chính Tác Vi vừa có tính cách như một loại phản xạ có điều kiện, vừa có tính cách như một loại cơ chế "kích hoạt liên tiếp" khiến cho cả guồng máy tâm thức hội tụ năm loại điều kiện hoạt động liên tục : tiếp xúc với ngoại giới, tiếp nhận thông các loại thông tin, tổng hợp các thông tin này lại thành hình ảnh, biểu tượng, khái niệm ngôn ngữ, "xử lý" chúng theo một định hướng nhất định, dưới tác động của ý thức". Nếu ví dụ bằng một hình tương cho dễ hiểu (ví dụ thôi), thì toàn bộ tâm thức hoạt động giống như một máy vi tính: trong đó Tác Ví chính là bộ "xử lý" trung ương-CPU theo một điều kiện nhất định của Ý thức, như là phần mềm đã được "lập trình" sẵn, sau khi "xử lý" xong tại tiếp tục ghi những điều kiện mới vào "bộ nhớ" (tạm cho là A-lại-da thức) nằm trong Ý thức, cứ như thế mà tiếp diễn. Đây chỉ là ví dụ để dễ hình dung, trên thực tế, thế hệ máy tính hiện nay không thể so sánh với tâm thức con người được, với những chức năng mà máy tính chưa thể có được: "Tự ý thức" về chính nó, tự phát sinh ra trạng thái buồn, vui... và tìm cách duy trì cái nó "yêu thích" và "đau khổ" vì không có chúng, và trên hết, máy tính hoàn toàn không thể có (và mãi mãi không bao giờ có) khả năng tự giải thoát chính nó ra khỏi những điều kiện_là những "điều kiện hội tụ" hình thành nên chính nó, một cái máy.

 Tất cả những skandha-"Điều kiện Hội tụ" trên đều có tương quan trực tiếp với nhau trong một ý nghĩa liên hoàn, đồng thời liên hoàn với những ý nghĩa của Duyên Khởi Luận và Thập Nhị Nhân Duyên Luận và những khái niệm khác trong Phật giáo quan. Với ý nghĩa liên hoàn chặc chẽ như thế, bản dịch Việt ngữ này cố gắng chuyển thành những khái niệm liên hoàn gấn nhất trong Việt ngữ:

 _"Hetu-Nhân-因": "Nguyên nhân tạo tác, Nhân tố tạo tác, Tác nhân"---"Pratyaya-Duyên-緣": "Điều kiện Tạo tác", "Tương quan Tác tạo và Bị Tác tạo--->"Skandhas-Ấm-五陰": "Điều kiện Hội tụ", "Điều kiện Nhận thức"--->"Samskara-Hành-行": "Tác vi", "Tác vi tạo tác"--->"Phala- Quả-果": "Kết Quả tạo tác"--->"Karma-Nghiệp-業": "Quá trình Tích lũy Tạo tác"--->"Samskrita dharma-Hữu vi Pháp-有爲法": "Tất cả những gì có tác tạo và bị tạo tác", "Cái có tương quan Tác tạo"...Tất cả những dụng ngữ này đều có tương quan với ý nghĩa của chữ "Tác-作": "tạo tác" từ ý nghĩa của "Tác vi", chính là yếu tố khởi động tạo tác duy nhất của tâm thức, căn nguyên dấy lên ngọn lửa bập bùng của Sinh Diệt (còn "hành vi", "hành động", "phẩm hạnh"... chỉ là kết quả biểu kiến cụ thể lộ ra ngoài).

 ______

 

1

若離於色因

色則不可得

若當離於色

色因不可得

4.1

Nếu rời khỏi nguyên nhân tạo tác (Nhân-因) ra "tồn tại" (Sắc-色), *

Thì không thể nhận thức được cái gì "tồn tại" cả.

Nếu rời khỏi "tồn tại",

Thì cũng không thể nhận thức được nhân tạo tác của nó.

_______*"Tồn tại" (Sắc-色): Chữ "Tồn tại" được đóng dấu ngoặc kép ở đây, với ý nghĩa: Tồn tại đối với nhận thức của con người, cái "được cho là tồn tại", chứ không phải là cái vốn tự nó tồn tại như là nó. "Tồn tại", vì thế có nghĩa là: "Tồn tại" trong tâm thức của con người_Tâm Sở Pháp-心所法. Đây mới chính là trọng điểm mà Nagarjuna muốn phá hủy, chứ không phải những tri thức của thế gian về mọi "tồn tại", vốn là cái vô cùng cần thiết cho cuộc sống con người. Đây là điểm cần minh định rõ ràng tách bạch. Bởi vì nếu hiểu nghĩa của chử "Sắc-色" ở đây một cách chung chung, như là một cái gì đối lập với "Không-空" cũng một cách chung chung, thì vô hình trung, dễ đi đến chỗ ngộ nhận cho rằng Phật pháp là môt cái gì bi quan yếm thế, không cần đến mọi tri thức của thế gian (như người ta vẫn thường ngộ nhận). Trong Trung Luận, chính Nagarjuna cũng nhiều lần minh định điều này (phẩm 14.9, 22.16...).

 

2

離色因有色

是色則無因

無因而有法

是事則不然

4.2

Nếu rời khỏi tác nhân của "tồn tại", (Sắc-色) mà "tồn tại" vẫn cứ tồn tại,

Thì "tồn tại" không có tác nhân (Nhân-因).

Không có nguyên nhân tạo tác ra mà vẫn tồn tại như là "một cái gì có tạo tác" (Hữu vi Pháp-有爲法),

Thì việc này không thỏa đáng.

 

若離色有因

則是無果因

若言無果因

則無有是處

4.3

Nếu rời khỏi "tồn tại" mà vẫn cứ có nhân tạo tác ra nó,

Thì nguyên nhân tác tạo (Nhân-因) không có kết quả tạo tác (Quả-果).

Nếu cho rằng: Nhân không có Quả,

Thì lập luận này không có căn cứ.

 

若已有色者

則不用色因

若無有色者

亦不用色因

4.4

Nếu đã có cái gì "tồn tại" rồi,

Thì không cần đến nhân tạo tác ra nó nữa.

Nếu không có cái gì "tồn tại" cả,

Thì cũng không cần đến nhân tạo tác ra "tồn tại".

 

無因而有色

是事終不然

是故有智者

不應分別色

4.5

Không có tác nhân mà vẫn có cái gì được cho là "tồn tại",

Nói cho cùng: Việc này không thỏa đáng.

Vì thế, con người có trí tuệ,

Không nên định phân biện biệt những cái được cho là "tồn tại".

 

若果似於因

是事則不然

果若不似因

是事亦不然

4.6

Nếu kết quả tác tạo giống với nguyên nhân tạo tác,

Thì điều này hẳn không thỏa đáng.

Quả nếu không giống với Nhân,

Thì việc này cũng không thỏa đáng.

 

受陰及想陰

行陰識陰等

其餘一切法

皆同於色陰

4.7

Những gì Thụ nhận từ giác quan (Thọ Ấm-受陰) và những Khái niệm hình thành giác quan (Tưởng Ấm-Tưởng Ấm-想陰),

Cho đến Tác vi tạo tác (Hành Ấm-行陰) và Ý thức tác tạo (Thức Ấm-識陰),

Và tất cả những gì tương quan trong nhận thức con người,

Đều cùng ý nghĩa như những gì tâm thức cho là "Tồn tại" (Sắc Ấm-色陰).

 

若人有問者

離空而欲答

是則不成答

俱同於彼疑

4.8

Nếu có người truy vấn về những điều trên đây,*

Mà tùy tiện trả lời theo ý dục, tách rời khỏi ý nghĩa căn để của tính Không.

Thì cách trả lời ấy không đi đến đâu,

Cũng lưng chừng như cách đặt câu hỏi vậy.

_______*"Nếu có người truy vấn...", Hán văn: "Nhược nhân hữu vấn giả-若人有問者", câu này đồng nghĩa với câu 9a của kệ tiếp theo, với cách hàm nghĩa tinh tế của Cưu Ma La Thập trong chữ "Vấn-問: Hỏi":

 8a: "Vấn-問": Hỏi, theo cách chung chung, hỏi chỉ để cho biết khơi khơi. Và người trả lời cũng đáp tùy tiện lững lờ lưng chừng, lấy cái này để giải thích cái kia, thì cả cách hỏi và cách trả lời đều như nhau: chẳng đi đến đâu.

 9a: "Nan vấn-難問": hỏi một cách bức thiết, người hỏi thực tâm muốn tìm câu trả lời để hóa giải những vấn đề nhân sinh nan giải của mình. Mà người trả lời không có khả năng trả lời rốt ráo ngọn nguồn, thì cũng chẳng đi đến đâu: Câu hỏi vẫn cứ y nguyên là câu hỏi.

 Liên kết kệ 8 và kệ 9, chúng ta có được một ý nghĩa tiền ẩn khác: Chỉ khi nào người hỏi đặt trọng tâm vấn đề nhân sinh của mình vào câu hỏi một cách bức thiết, và người trả lời cũng đi đến chỗ tận cùng rốt ráo có thể hóa giải được vấn đề nhân sinh, thì lúc ấy mới có thể thành lập được quan hệ thực sự của hỏi và đáp. Không tính, không phải là một tri thức đê "biêt" (thức-識) theo cách: cái này khác cái kia, nên dựa vào cái này để "biết" cái kia. Không tính-空 chỉ có ý nghĩa khi người ta đối diên với toàn bộ vấn để nhân sinh mà không giải quyết được: Đối với toàn bộ vấn đề nhân sinh ấy, Không tính mới có thể có ý nghĩa căn để, ngọn nguồn, tự nó là câu trả lời. Không tính không phải là Không tính của một "cái gì"_trường hợp này thì chỉ có ý nghĩa "Không có"-Không-空, đối lập với "Có"-Hữu-有, thuộc về Thức-識. Không tính là Không-空 đối với toàn bộ những cái "được cho là có", căn để của toàn thể những cái "được nhận thức giả định là có" (trong đó có cả "Thức"-識), để có thể "nhận ra"(Giác-覺) tính Không toàn thể này, thì phải vượt lên trên cả Thức, để nhìn ra cái toàn thể ấy bằng một cái nhìn khác, gọi là Tuệ-慧. Không tính tự nó là câu trả lời tối hậu, nhưng không có người trả lời_bởi vì "người trả lời"-"chủ thể" chỉ thuộc về "Thức"-識 thôi).

 

若人有難問

離空說其過

是不成難問

俱同於彼疑

4.9

Nếu có người đưa ra vấn nạn,

Mà thuyết giảng tùy tiện, tách rời ý nghĩa căn để của tính Không.

Thì vấn nạn ấy không được giải quyết,

Vẫn lưng chừng ở chỗ đã hoài nghi.

Xem mục lục