Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Trong những giáo lý Kinh (công truyền) của Đại thừa, những cấp độ chứng đắc tâm linh trong tiến trình tu hành được chia thành mười giai đoạn (mười địa) và năm con đường. Trong những kinh Mười Địa và Năm Con Đường với Ba Mươi Bảy Phương Diện của Giác ngộ (Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo) được bàn luận chi tiết và cơ cấu ấy là căn cứ chung cho giáo lý tantra và cho Đại Toàn Thiện. Trong Shingta Chenpo, Longchen Rabjam tóm tắt sự tu hành “ba mươi bảy phương diện của giác ngộ” để hoàn thiện năm con đường.

CON ĐƯỜNG TÍCH TẬP (Tshogs-Lam)

Sự tham thiền về những chứng ngộ, chẳng hạn, của nghe, suy nghĩ và thiền định với những đức hạnh của chúng, bắt đầu từ sự khai triển Bồ đề tâm trong Đại thừa, cho đến sự khai triển của hơi nóng (nỗn địa của con đường áp dụng) trong tâm người ta, dẫn đến hòn đảo của giải thoát là con đường tích tập (tư lương vị).

Nguyên nhân : Sự đánh thức của dòng (Rigs), nó là căn cứ cho sự phát triển Bồ đề tâm.
Kết quả : Bốn con đường tiếp theo.
Ngữ nguyên : Con đường của những tích tập, vì nó chủ yếu tích tập sự nghe (nghiên cứu), suy gẫm và những công đức.
Phân chia : Có ba :

Nhỏ (Chi Phần của Con Đường Tích Tập)

Trong sự thực hành này người ta thiền định về tỉnh giác có bốn phần (Bốn niệm xứ) trong cả thiền định và sau thiền định. Đó là những tham thiền về : (i) (Thấy) những thân thể của mình và những người khác như hư không trong thời gian thiền định. Trong thời gian sau thiền định thấy thân như huyễn thuật. Người ta cũng thiền định về sự dơ bẩn của thân như là cái đối trị với tham ái. (ii) (Thấy) cảm thọ mà không có những quan niệm trong thời thiền định, và trong thời sau thiền định là như bóng cây trong nước. Người ta cũng thiền định về thấy chúng chỉ là khổ đau. (iii) (Thấy) tâm là vô sanh (trong thời thiền định) và vô thường (trong thời gian sau thiền định). (iv) (Thấy) rằng những hiện tượng chỉ là giả danh (trong thời thiền định) và chúng chỉ là huyễn (trong thời sau thiền định).

Vừa (Chi Phần của Con Đường Tích Tập)

Nó là sự thiền định về bốn sự tịnh hóa toàn hảo (bốn chánh cần), chúng là mức độ cao nhất của những kinh nghiệm tiến bộ hoàn thành qua những tham thiền ở trước. Chúng là (i) không phát sanh các pháp ác chưa sanh, (ii) đoạn tận các cái ác đã sanh, (iii) phát sanh các pháp thiện chưa sanh, và (iv) làm phát triển các pháp thiện đã sanh trong chính mình qua bốn phương tiện : Ngưỡng mộ, nỗ lực, những cố gắng và siêng năng.

Lớn (Chi Phần của Con Đường Tích Tập)

Nó là sự tham thiền về bốn bước thần diệu (bốn như ý túc) : (i) ngưỡng mộ, (ii) nghiên tầm, (iii) tập trung, và (iv) chánh niệm.

Thiền định : Trong khi tu hành Con Đường Tích Tập, với ý định hoàn thành giác ngộ, người ta có những cố gắng trong kỷ luật để niêm kín những cánh cửa của những khả năng giác quan, ăn đạm bạc, và không ngủ trong phần đầu và phần sau của đêm. Thiền giả hoan hỷ bởi vì chánh niệm trong những cố gắng chấp nhận và từ bỏ. Nó tiến lên trên con đường dẫn đến Con Đường Áp Dụng mà không có những hối tiếc nhưng với niềm tin, lòng tin và ngưỡng mộ…. với tất cả những đức hạnh khác là nguyên nhân của giải thoát. Nó hiến mình cho học hỏi, suy nghĩ và thiền định.

Thời gian : Chi phần Nhỏ của Con Đường Tích Tập là sự bắt đầu của ba vô số kiếp tu hành (trên con đường giác ngộ). Vào lúc thực hành tỉnh giác bốn phần, thời gian đạt đến Con Đường Áp Dụng là không xác định chắc chắn. Vào lúc thực hành bốn chánh cần, chắc chắn rằng sự đạt đến Con Đường Áp Dụng sẽ xảy ra trong đời kế tiếp. Vào lúc tu hành bốn bước thần diệu, chắc chắn người ta sẽ đạt đến Con Đường Áp Dụng ngay trong đời này.

Đối trị : Trong Con Đường Tích Tập, người ta thực hành cái đối trị là sự tấn công những ô nhiễm bằng cách thấy những yếu tố hợp tạo là lỗi lầm, khuyết điểm.

Đoạn trừ : Người ta từ bỏ tất cả những tham luyến trực tiếp bằng cách thấy những hiện tượng bị nhiễm ô là lỗi lầm, khuyết điểm.

Thấu hiểu : Người ta thấu hiểu một cách tổng quát hai vô ngã chủ yếu bằng sự học hỏi và suy nghĩ và trong một số trường hợp bằng thiền định.

Đức hạnh : Người ta đạt được những đức hạnh các “nhãn” và các thông và v.v….

Thiền định : Người ta thiền định về những tu hành sau đây : tự chế phục trong tập trung vào việc đi vào và rút khỏi những hoạt động thân và ngữ (thích hợp và không thích hợp) ; trí huệ của những sự học hỏi, suy nghĩ và thiền định về những lời nói và những ý nghĩa của kinh điển và những nhớ nghĩ đến Tam Bảo. Người ta thiền định về bốn Pháp Ấn, thấy rằng mọi hợp tạo đều vô thường, mọi sự có khuyết điểm là khổ, tất cả những hiện tượng là Không và tất cả chúng sanh là vô ngã. Hãy thiền định về năm công đức giải thoát : xác tín, chuyên cần, nhớ nghĩ, tham thiền và trí huệ (ngũ căn), chúng còn chưa được khai triển trong hình thức năm khả năng (ngũ căn). Người ta tham thiền về những giới luật, sự bố thí và những nhớ nghĩ về cuộc đời người đáng quý, cái chết, sự sanh ra, hơi thở vào và hơi thở ra.

Những hoạt động : Khi làm việc người ta thiền định về (chín) điều bất tịnh và tám quan niệm của những bậc đại nhân. Người ta thiền định về chúng, bắt đầu với quy y và khai phát Bồ đề tâm và hồi hướng những công đức. Những thiền định về chín điều bất tịnh là thấy thân thể mình và của những người khác thối rữa, dòi bọ ăn, tím ngắt, xanh xám, đen thui, phân rã, bị thiêu đốt, và hư thối. Như (đối trị) với tham dục người ta thiền định về sự dơ bẩn, với sân hận là thiền định về lòng từ và với si (vô minh) là về duyên sanh.

Chín quan niệm của những bậc đại nhân : Trong Nyi-Khri gZhung-Grel nói :

Chúng là những tư tưởng (1) Khi nào tôi xua tan được khổ đau của chúng sanh ? (2) Khi nào tôi dẫn dắt được người ta đang trong sự hiểm nguy của nghèo khó đến giàu có lớn lao ? (3) Khi nào tôi đáp ứng được những nhu cầu của chúng sanh với thân thể bằng thịt và máu của tôi ? (4) Khi nào tôi làm lợi lạc cho chúng sanh bằng cách sống lâu dài trong địa ngục ? (5) Khi nào tôi thỏa mãn được những mong ước của chúng sanh bằng những phồn vinh lớn lao của thế giới và sự vượt khỏi thế giới ? (6) Khi nào tôi trở thành một vị Phật và nhổ sạch gốc những khổ đau của chúng sanh ? (7) Khi nào tôi không bao giờ có những tái sanh không làm lợi lạc cho chúng sanh mà biết phân tích vị của chân lý tuyệt đối, không nói lời lơ là với lợi lạc của chúng sanh, có đời sống, thân thể, trí năng, sung túc hay oai nghi làm lợi cho những người khác và không thiết tha làm hại những người khác ? (8) Khi nào tôi chịu kinh nghiệm những kết quả của những hành vi bất thiện của những người khác và cho những người khác kinh nghiệm những kết quả của những hành vi thiện của tôi ?

CON ĐƯỜNG ÁP DỤNG [NỖ LỰC] (sByor-Lam)

Căn cứ : Những giai đoạn chót của chi phần lớn của Con Đường Tích Tập được phát sanh trong chúng sanh của sáu cõi. Trong kinh có nói rằng (Con Đường Áp Dụng hay Nỗ Lực) được phát sanh trong nhiều chúng sanh chư thiên, rồng (long) và bán thiên.

Căn cứ để thực hiện : Đó là tâm của những cõi dục hay của sáu giai đoạn định.

Nguyên nhân : Nó là giai đoạn cuối cùng của cấp độ lớn của Con Đường Tích Tập.

Tinh túy : Nó là trí huệ thế gian phát sanh bởi thiền định.
Phân chia : Có bốn : hơi nóng (nỗn địa), đỉnh cao (đỉnh địa), nhẫn chịu (nhẫn địa) và chứng ngộ tối thượng thuộc thế gian (thế đế đệ nhất địa).

Thiền định : Trong “hơi nóng” và “đỉnh cao” người ta thực hành năm khả năng (ngũ căn) : niềm tin, chuyên cần, tỉnh giác, tham thiền và trí huệ. Chúng được gọi là những khả năng vì chúng trực tiếp làm mạnh sự phát sanh giác ngộ…. Trong “nhẫn chịu” và chứng ngộ tối thượng thuộc thế gian người ta thực hành năm lực : niềm tin, chuyên cần, tỉnh giác, tham thiền và trí huệ.

Trí Huệ Bổn Nguyên : Trong bốn chi phần của Con Đường Áp Dụng có bốn trí huệ bổn nguyên :

(1) Sự đạt được ánh sáng của trí huệ bổn nguyên của “hơi nóng” của Đại thừa là cái đối trị với sự nắm bắt những đối tượng như là thật, bằng cách thấy mọi hiện tượng chỉ là những ánh sáng của tâm, một ánh sáng nhỏ phát sanh do thiền định thuộc thế gian…. Ở đây, ánh sáng nghĩa là sự nhẫn chịu của tập trung thật sự vào Pháp….

(2) Sự tăng trưởng của ánh sáng của trí huệ bổn nguyên của “đỉnh cao” là sự đạt được ánh sáng bình thường phát sanh bởi thiền định thế gian qua những nỗ lực thiền định về vô ngã với mục đích tăng trưởng ánh sáng của bản thân Pháp….

(3) Trí huệ bổn nguyên của việc đi vào một phần trong cái nhẫn tánh Như là cái đối trị cho những phóng dật đối với những hiện tượng bên ngoài (thấy chúng) như là những đối tượng, qua việc đạt được ánh sáng lớn phát sanh do thiền định về sự an trụ trong tâm thuần túy….

(4) Trí huệ bổn nguyên của chứng ngộ tối thượng thuộc thế gian (được thành tựu) “ngay trước” sự đạt đến Con Đường Thấy mà không gián đoạn (bởi bất kỳ chứng đắc nào khác). Trí huệ bổn nguyên này là sự hoàn thành trọn vẹn những thị kiến phát sanh bởi những tham thiền thế gian, vì không có phóng dật do nắm bắt những đối tượng.

Chi phần : Mỗi cái trong bốn phương diện của Con Đường Áp Dụng có ba chi phần, xếp loại như nhỏ, bình thường, và lớn….

Đối trị : Nó là sự từ bỏ những nhiễm ô bằng cách đè nén chúng. Thông thường có bốn loại đối trị : đối trị của tấn công, từ bỏ, căn cứ và sự nhổ gốc, như con đường không đứt đoạn nhổ sạch từ gốc rễ….

Đoạn trừ : Nó giảm thiểu hạt giống và những che chướng trực tiếp, và giải thoát khỏi sự suy tàn và nghèo khó của chúng sanh bình thường.

Thấu hiểu : Thấu hiểu tổng quát về hai vô ngã qua trí huệ bổn nguyên do những thiền định thế gian phát sanh.

Đức hạnh : Trong Kinh Ratnamegha đề cập đến nhiều đức hạnh như tham thiền, nhớ nghĩ và các thông.

Tối cao hơn Con Đường Tích Tập : Không có sự khác biệt giữa cái này và Con Đường Tích Tập phát sanh do thiền định, nhưng trong cái này trí huệ bổn nguyên của vô niệm thì sáng tỏ hơn và gần với Con Đường Thấy hơn.

CON ĐƯỜNG THẤY (mThong-Lam)

Trí huệ bổn nguyên của Con Đường Thấy (Kiến đạo vị) khởi hiện lúc chấm dứt của sự chứng ngộ tối thượng thuộc thế gian (của Con Đường Áp dụng) và nó xảy ra trong khoảnh khắc thứ mười sáu. Những khoảnh khắc đó là sự nhẫn của hiểu biết về các pháp, sự hiểu biết về các pháp, những nhẫn của hiểu biết theo sau đó, và sự hiểu biết theo sau đó của bốn chân lý : khổ, tập, diệt, đạo….

Căn cứ : Căn cứ hiện khởi của trí huệ bổn nguyên là như nhau trong đại chứng ngộ cao nhất thuộc thế gian (của Con Đường Áp Dụng) và ở nơi bất kỳ chúng sanh nào của sáu cõi.

Căn cứ của tâm : Nó là định thứ tư (tứ thiền).

Nguyên nhân : Sự chứng ngộ cao nhất thuộc thế gian của Con Đường Áp Dụng là nguyên nhân trực tiếp và những khía cạnh khác của Con Đường Tích Tập và Con Đường Áp Dụng là những nguyên nhân gián tiếp.

Kết quả : Nó là sự khai triển của hai con đường về sau.

Tinh túy : Có mười sáu khoảnh khắc liên quan đến (những cấp độ của) sự tịnh hóa những nhiễm ô thuộc về bản chất bởi những phần nhỏ của bốn chân lý.

Những đoạn trừ : Có mười nhiễm ô : năm nhiễm ô liên quan đến cái thấy và năm nhiễm ô không liên quan đến cái thấy. Năm cái liên quan đến cái thấy là : những cái thấy về những tổ hợp tạm thời (tôi và cái của tôi là thực), cái thấy chấp các cực biên, cái thấy sai lầm (tà kiến), thấy (một tà kiến) là tối thượng, và thấy rằng đạo đức và khổ hạnh là tối thượng (giới cấm thủ). Năm cái không liên quan đến cái thấy là : tham, sân, kiêu mạn, vô minh và nghi ngờ.

Trong cõi dục, mười đoạn trừ trở thành 40 do nhân mỗi cái với bốn chân lý. Đối với hai cõi trên (sắc và vô sắc), loại trừ sân, còn có chín nhiễm ô, và nhân chúng lên (với bốn chân lý) chúng thành 72. Thế nên tổng cộng có 112 nhiễm ô phiền não của ba cõi cần được đoạn trừ trong Con Đường Thấy….

Trong bốn định (sắc giới) và bốn định của vô sắc giới, sân không có mặt để đoạn trừ, vì tâm thức của chúng sanh được thấm nhuần bởi an định, vì họ không có chín căn cứ của sân, tư tưởng làm hại. Chín căn cứ là : (nghĩ rằng người này) đã hại ta trong quá khứ, đang hại ta trong hiện tại, và sẽ hại ta trong tương lai. Cùng cách đó, ba đối với những bạn bè mình và ba đối với những kẻ thù của mình, nghĩ rằng nó làm lợi cho kẻ thù của mình và v.v…. Mười nhiễm ô phiền não này dẫn vào con đường sai lầm. Chẳng hạn, trong trường hợp chân lý về khổ (khổ đế) : (1) do cái thấy về tổ hợp tạm thời người ta hiểu chân lý về khổ như là “tôi” và “của tôi”. (2) Do cái thấy chấp các cực biên người ta hiểu chân lý về khổ như là hiện hữu hay không hiện hữu và thường hay đoạn. (3) Do cái thấy sai lầm người ta hiểu rằng chân lý về khổ là không hiện hữu. (4) Do vô minh người ta đi vào nó mà không biết những tính cách của nó. (5) Do nghi ngờ người ta đi vào nó với nghi ngờ rằng chân lý về khổ không biết có thật hay không. Có năm cách nhiễm ô liên quan đến chân lý về khổ. (6) Tham phát sanh bám luyến. (7) Kiêu mạn phát sanh tự cao và khoe khoang. (8) Hiểu (những tà kiến) như là cái thấy tối thượng phát sanh sự nắm hiểu chúng là tối thượng. (9) Kiến giải cho đạo đức và khổ hạnh là tối thượng phát sanh sự chấp chúng như là đường lối của giải thoát và thanh tịnh. (10) Sân tạo ra ác ý đối với bất cứ cái gì không phù hợp với năm cách liên hệ này. Vì mười nhiễm ô này áp dụng cho chân lý về khổ, chúng cũng áp dụng cho ba chân lý kia. Trong trường hợp chân lý về diệt, phương diện danh xưng được liên quan đến, mà không phải là ý nghĩa….

Đối trị : Tất cả nhiễm ô phiền não của ba cõi, chúng là những đoạn trừ của Con Đường Thấy, cùng được tịnh hóa. Bốn cái nhẫn của sự hiểu biết về các pháp của bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo là một trong những hiện tượng tâm thức của chúng, nhưng chúng là bốn trong những yếu tố riêng rẽ. Khi cái đối trị khởi lên, trong chỉ một khoảnh khắc sát na, nó trở thành con đường tương tục bất đoạn, đó là cái đối trị từ bỏ cái cần đoạn trừ của Con Đường Thấy từ gốc rễ. Nó từ bỏ 112 cái cần đoạn trừ của Con Đường Thấy trong một khoảnh khắc. (Tiến trình đoạn trừ : Trong khoảnh khắc thứ nhất,) nguyên nhân phụ của những nhẫn và sự hiểu biết về thuộc tính của mỗi cái trong bốn chân lý và những đoạn trừ tương ứng hoạt động gặp gỡ nhau. Trong khoảnh khắc thứ hai, nguyên nhân thực sự (của những nhẫn và sự hiểu biết về thuộc tính của mỗi cái trong bốn chân lý) và những đoạn trừ tương ứng không hoạt động gặp gỡ nhau. Trong khoảnh khắc thứ ba, bốn nhẫn của các thuộc tính khởi lên và sự dừng diệt của toàn bộ đoạn trừ các vi tế xảy ra tự nhiên….

Bốn thuộc tính của bốn chân lý thuộc về cá nhân là những hiện tượng tâm thức như nhau. Thế nên sự giải thoát khỏi những nhiễm ô của những hình sắc của bốn chân lý trong ba cõi là con đường giải thoát (Con Đường Thấy), những cái đối trị. Tương tự, bốn nhẫn có ra từ đó và bốn hiểu biết có ra từ đó là con đường phân cách (sanh tử và niết bàn), cái đối trị xa lìa…. Những cái cần đoạn trừ này gồm trong hai che chướng, và những đối trị giải thoát người ta khỏi chúng….

Sự phân biệt của hai che chướng là : Tánh chất của khổ và v.v…., của những che chướng bất thiện hay trung tính làm cho tâm rất không an bình là “những che chướng thuộc phiền não” (phiền não chướng). Chủ thể và đối tượng của ý niệm người nắm bắt và cái được nắm bắt với bản chất ô nhiễm hay trung tính không che ám, nó không thoát khỏi sự bám luyến vào ba chu kỳ (ba luân : chủ thể, đối tượng, và hành động), là “che chướng thuộc trí thức” (sở tri chướng). Trong hai loại che chướng đó, những che chướng phiền não do vọng tưởng là những cái cần đoạn trừ của Con Đường Thấy, và những phiền não bẩm sinh là những cái cần đoạn trừ của Con Đường Thiền Định. Ý niệm thô về người nắm bắt và cái được nắm bắt, những che chướng thuộc trí thức, là những cái cần đoạn trừ của Con Đường Thấy, và những cái vi tế là những cái cần đoạn trừ của Con Đường Thiền Định….

Chứng ngộ : Nó là sự chứng ngộ trực tiếp hai vô ngã nhờ Trí huệ bổn nguyên xuất thế gian.

Những đức hạnh : Một ngàn hai và vân vân, của giai đoạn thứ nhất (địa thứ nhất, sơ địa) đã được nói ở trước.

Thời gian : Trước hết, bốn nhẫn của những thuộc tính của bốn chân lý khởi sanh đồng thời. Sau đó, bốn hiểu biết về những thuộc tính khởi sanh đồng thời. Sau đó, bốn nhẫn có từ đó khởi sanh đồng thời. Sau đó, bốn hiểu biết từ đó khởi sanh đồng thời. Thế nên, trong bốn bộ “những khoảnh khắc trong đó một hành động có thể được thành tựu” khởi sanh tất cả bốn loại thực thể với mười sáu yếu tố tách biệt của chúng, bởi vì sự chứng ngộ bốn chân lý sanh khởi tức thời và hai bộ của bốn nhẫn và hai bộ của bốn hiểu biết của chúng được khai triển liên tục. Những đoạn trừ của Con Đường Thấy được từ bỏ trong một khoảnh khắc bởi những nhẫn của những thuộc tính, và Con Đường Thấy sanh khởi trong bốn phần một cách liên tục….

Thiền định : Trong địa thứ nhất, người ta thiền định về bảy chi của giác ngộ (bảy giác chi)….

Kinh Aryabodhipaksanirdesa nói :

(1) Văn Thù, người nào thấy tất cả những hiện tượng là không có gì cả, bởi vì không có những ý niệm và sự nhớ nghĩ là chi tỉnh giác của giác ngộ. (2) Văn Thù, người nào tách biệt khỏi mọi hiện tượng mà không có những sự ý niệm hóa, vì nó không khi nào lập ra những hành vi thiện, bất thiện hay trung tính, đó là chi phân biệt của giác ngộ. (3) Văn Thù, người nào không bỏ không lấy ba cõi, vì nó đã đoạn diệt tri giác về thân, là chi tinh tấn của giác ngộ. (4) Văn Thù, người nào không phát sanh hỷ trong những sự thành lập hữu vi, vì nó đã đoạn diệt vui và buồn, là chi hỷ của giác ngộ. (5) Văn Thù, người nào có sự mềm dẻo hoàn toàn của tâm trong mọi hiện tượng, vì không có sự ý niệm hóa về những sự vật vốn không-ý-niệm hóa, là chi mềm dẻo của giác ngộ (theo Hán Việt : khinh an giác chi). (6) Văn Thù, người nào tâm họ không ý niệm hóa, vì nhờ đó mà hình dung được sự hủy diệt của những hiện tượng, là chi tham thiền của giác ngộ. (7) Văn Thù, người nào không trú trong, không trụ vào hiện tượng nào và như thế không tham luyến và không bị chúng trói buộc và giữ trung tính về mọi cái thấy được và có được niềm vui là chi bình thản của giác ngộ (xả giác chi).

CON ĐƯỜNG THIỀN ĐỊNH (bsGom-Lam)

Chính sự thiền định làm tiến triển những kinh nghiệm về những ý nghĩa của (những tu hành và những chứng ngộ) của những phương diện phù hợp với Con Đường Áp Dụng và Con Đường Thấy hiện giờ đã được chứng ngộ….

Có chín cấp độ trong con đường này : nhỏ, vừa và lớn, mỗi cái như vậy còn phân chia thành những cấp độ nhỏ, vừa và lớn….

Những cái cần Đoạn Trừ : Trong Con Đường Thiền Định có những cái cần đoạn trừ lớn, vừa và nhỏ, chúng lại được chia thành chín phần ; cái lớn của cái lớn, cái vừa của cái lớn, cái nhỏ của cái lớn, cái lớn của cái vừa, cái vừa của cái vừa, cái nhỏ của cái vừa, cái lớn của cái nhỏ, cái vừa của cái nhỏ và cái nhỏ của cái nhỏ. Chín cái phải đoạn trừ này được đoạn trừ trong chín địa, như cái “không nhiễm” (Ly cấu địa, địa thứ hai). Trong cấp độ nhỏ của nhỏ của Con Đường Thiền Định, địa không nhiễm (Ly cấu địa) những cái đoạn trừ là cái lớn của cái lớn, và trong cấp độ lớn của lớn tức địa thứ mười của Con Đường Thiền Định những cái nhỏ của cái nhỏ cần được đoạn trừ. Ở đây những nhiễm ô thô được gọi là những cái lớn cần được đoạn trừ và những nhiễm ô tế được gọi là những cái nhỏ….

Căn cứ : Căn cứ sanh ra cho sự hiện khởi của Con Đường Thiền Định thì tương tự với Con Đường Thấy. Và mỗi đời người sanh ra là thích đáng nếu nó giữ gìn trong nó những chứng đắc đã từng phát sanh trong bản thân nó….

Căn cứ của tâm thức : Hầu hết những chứng đắc của Con đường thiền định được đặt nền trên định thứ tư (tứ thiền), nhưng cũng có thể được đặt nền trên những định khác.

Nguyên nhân : Ba con đường trước là nguyên nhân của nó.

Kết quả : Đó là con đường “không tu nữa”….

Tinh túy : Từ quan điểm đoạn trừ những nhiễm ô của chín địa, có bốn cấp độ (trong mỗi địa) ; con đường sơ bộ, con đường không ngừng dứt, con đường giải thoát và con đường đặc biệt. Hai con đường sơ bộ và không ngừng dứt là những đối trị của sự từ bỏ những cái cần đoạn trừ. Con đường giải thoát là căn cứ của cái đối trị. Con đường đặc biệt là xa lìa cái đối trị. Ví dụ, (1) Chấm dứt địa thứ nhất (“con đường sơ bộ”) nó là khoảnh khắc cuối cùng trước khi trí huệ của địa thứ hai hiện khởi, “người ta trừ những phiền não biểu lộ”, chúng che ám sự hiện khởi của địa thứ hai, (2) do “con đường không ngừng dứt”, nó là sự hiện khởi của địa thứ hai, người ta “từ bỏ những lỗi lầm về giới luật của địa này từ gốc rễ”, (3) con đường giải thoát, bắt đầu từ khoảnh khắc thứ hai (của sự hiện khởi địa thứ hai), là “căn cứ của cái đối trị”, và (4) con đường đặc biệt, con đường chót của địa, là “xa lìa cái đối trị”.

Như thế, mọi nhiễm ô tương ứng với địa này được trừ bỏ khi bắt đầu từ khoảnh khắc thứ nhất đến sự tròn vẹn của địa. Tất cả những nhiễm ô của mỗi địa tương ứng được trừ bỏ vào thời gian mà mỗi địa chấm dứt.

Những đức hạnh : Giải thích ở trước….

Cách Trừ Bỏ Chín Nhiễm Ô của Chín Địa : Có sáu nhiễm ô bẩm sinh ; tham, sân, kiêu mạn, si, cái thấy có những hợp thể tạm thời (tôi và của tôi là thật), cái thấy chấp vào những cực đoan biên kiến. Chúng có thể được chia nhỏ thành hai cách khác nhau. (a) Theo quan điểm về các cõi, có mười sáu nhiễm ô. Đó là sáu nhiễm ô của cõi dục, và đối với những định (những cõi sắc) và những cõi vô sắc mỗi cõi có năm nhiễm ô, chỉ trừ sân. (b) Theo những cấp độ, có bốn mươi sáu nhiễm ô. Sáu của cõi dục, mỗi năm cái đối với bốn định và bốn cõi vô sắc. Nếu mỗi cái còn được chia nhỏ thành chín mức độ lớn, vừa, nhỏ, bấy giờ sáu nhiễm ô của cõi dục trở thành năm mươi bốn và năm nhiễm ô, ngoại trừ sân, của bốn định trở thành bốn bộ bốn mươi lăm (= 180) cái phải đoạn trừ. Tương tự, trong cõi vô sắc có bốn bộ bốn mươi lăm (= 180) nhiễm ô. Thế nên tổng cộng có bốn trăm mười bốn cái phải đoạn trừ trên Con Đường Thiền Định.

“Con Đường sơ bộ” hàng phục những cái cần đoạn trừ, “con đường không ngừng dứt” đoạn trừ chúng một cách trực tiếp, “con đường giải thoát” tạo ra căn cứ của cái đối trị và “con đường đặc biệt” xa lìa những cái đối trị….

Trong những địa này người ta thực hành Bát Chánh Đạo…. Trong Kinh Aryabodhipaksanirdesa có nói :

(1) Văn Thù, người nào thấy mọi hiện tượng mà không mất sự thản nhiên bình đẳng và với sự bất nhị thì có chánh kiến. (2) Văn Thù, người nào thấy rằng mọi hiện tượng là không bao giờ hiện hữu, chưa từng hiện hữu và hoàn toàn không bao giờ hiện hữu qua đường lối không thấy tướng thì có chánh tư duy. (3) Văn Thù, thấy mọi hiện tượng là không thể diễn tả là chánh ngữ. (4) Văn Thù, thấy mọi hiện tượng giải thoát khỏi người sáng tạo và sự được tạo là chánh hạnh (hành động chân chánh, chánh nghiệp trong Hán Việt).(5) Văn Thù, thấy mọi hiện tượng không tăng không giảm là chánh mạng. (6) Văn Thù, thành tựu mọi hiện tượng mà không có những cố gắng và tạo tác là chánh tinh tấn. (7) Văn Thù, thấy mọi hiện tượng mà không có những ý niệm và những nhớ nghĩ là chánh niệm. (8) Văn Thù, thấy mọi hiện tượng trong thiền định tự nhiên mà không động và không có những sự ý niệm hóa bởi vì chúng thoát khỏi những ý niệm hóa là chánh định.

Những giai đoạn này, theo bản tánh của chúng, thoát khỏi những ý niệm và suy nghĩ…. Nhưng chúng được phân chia riêng rẽ bởi vì sự đạt đến giác ngộ, nó là sự chuyển hóa vào trong bản tánh tối hậu, dựa trên sự tịnh hóa những mức độ của những che chướng cái bản tánh. Vào lúc thanh tịnh tối hậu, người ta thấy sự tự-sáng tỏ của cõi bổn nguyên hay Phật Vô Lượng Quang, như thấy mặt trăng tròn vì đó là ngày rằm.

CON ĐƯỜNG KHÔNG TU NỮA (Mi-Slob-Lam)

Những cái cần Đoạn Trừ : Nó từ bỏ hai che chướng tận dấu vết của chúng.
Chứng ngộ Đặc biệt : Nó chứng ngộ Pháp thân trọn vẹn một cách trực tiếp.
Những đức hạnh : Chúng làm trọn vẹn những phẩm tính vô cùng của những đức hạnh thế gian và xuất thế gian.

Mục Đích của những Con Đường và những Địa

Phật quả không gì sánh không thể đạt được cho đến khi nào người ta hoàn thành những con đường và những địa.

Hoặc Phật quả được đạt trong mười sáu đời v.v…., hay rất nhanh trong chỉ một đời, người ta phải tiến bộ qua những cấp độ của những con đường và những địa đúng như chúng là, bởi vì cần thiết các nhiễm ô (của những cấp độ khác nhau) phải được đoạn trừ, và những đức hạnh cần phải thành tựu. Ngày nay người ta nói rằng dù không dựa vào những con đường và những địa, Phật tánh sẽ có thể đạt được, và không có sự làm trọn vẹn những tích tập và sự tịnh hóa những che chướng, những con đường và những địa cùng giác ngộ sẽ được hoàn thành. Rõ ràng họ bị ai đó (Ma) ám chướng. Bởi vì họ ngược với những học giả, những đệ tử, những kinh và tantra và những bản văn vĩ đại. Bởi thế, người ta cần tinh tấn tu hành những địa và con đường thanh tịnh.

Xem mục lục