Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Đôi khi những đại Yogi (thiền giả) ban cho những trao truyền như sự trao truyền chứng ngộ Đại Toàn Thiện qua nhiều phương tiện và chỉ thẳng khác nhau, và đệ tử đã sẵn sàng sẽ nhận sự đưa vào một cách thần diệu. Không có những lý lẽ hợp luận lý và trí thức hay những cử hành nghi lễ, mà chỉ là một sự phô diễn thiện xảo cái gì là thích hợp. Dodrup Chen Jigmed Tenpa’i Nyima viết ngài Patrul Rinpoche được Khyentse Yeshey Dorje (1800-?) đưa vào chứng ngộ Đại Toàn Thiện như thế nào :

Khi Jigmed Yeshey Dorje, Hiện Thân Quý Báu Tuyệt Hảo của Bậc Toàn Giác (Jigmed Lingpa), đang lang thang để thực hiện những pháp khổ hạnh, một hôm ngài đến chỗ Patrul Rinpoche đang ở và kêu lên : “Ô Palge (tên của Patrul Rinpoche trong dòng tu) ! Ngươi có gan chăng ? Nếu có gan, hãy lại đây !” Khi Patrul Rinpoche đến, ngài nắm tóc Patrul ném ngã xuống đất và kéo lê vòng vòng trên mặt đất. Một chút sau, một mùi rượu phát ra và Patrul Rinpoche nghĩ thầm : “Ôi, ngài ấy uống rượu. Dù một bậc lỗi lạc vĩ đại như ngài mà có thể có loại xử sự này cũng do say. Đây là lỗi của rượu như đức Thế Tôn đã nói.” Ngay lúc đó, Khyentse Yeshey Dorje thả Patrul ra và la lên : “Than ôi ! Ngươi được gọi là những người trí thức, tại sao có thể có một tư tưởng xấu như vậy khởi lên trong ngươi ? Đồ chó già.” Ngài nhổ nước miếng vào mặt Patrul và đưa ngón tay út cho Patrul xem (cử chỉ nhục mạ tệ hại nhất) và rồi bỏ đi. Thình lình Patrul thấu hiểu tất cả, “Ôi ! Ta đã mê lầm.” Đó là một sự đưa vào. Và ngài tiếp tục tư thế thiền định. (Ngay lúc đó) Patrul chứng ngộ tánh giác bổn nhiên vô ngại, trong sáng như bầu trời không mây. Sự đưa vào do Jigmed Gyalwa’i Nyugu ban cho thì trong sáng như lúc bình minh giờ đây trở thành sáng rỡ mặt trời đang lên. Về sau, Patrul Rinpoche hay nói đùa, “Chó Già” là tên bí truyền của tôi do Kushog Khyentse ban cho.” 

SỰ QUAN TRỌNG CỦA TU HÀNH QUYẾT LIỆT

Rất quan trọng là phải học hỏi và thực hành mãnh liệt. Nếu không thế, chỉ có một vị thầy tốt nhất, con đường sâu thẳm nhất, hay là một đệ tử thông thái cũng chẳng làm được gì và chỉ tạo thêm kiêu mạn trong chính mình và coi thường người khác. Đại thiền giả Milarepa, trước khi gặp gỡ đại dịch giả Marpa, đã nhận những giáo lý Đại Toàn Thiện, nhưng ngài không có tiến bộ nào trong con đường thiền định vì ngài không thực hành chúng. Tiểu sử của Milarepa thuật lại :

Milarepa đến Rongton Lhaga, một đạo sư Đại Toàn Thiện và nói : “Con là một người từ vùng Latod. Con đã phạm những hành vi cực kỳ xấu xa. Xin ngài ban cho con một giáo lý dẫn con đến giải thoát ngay trong kiếp này.” Vị Lama nói : “Giáo lý thiêng liêng của ta, Đại Toàn Thiện, là thắng lợi ở gốc, thắng lợi ở ngọn và thắng lợi ở quả. Nếu ngươi thiền định nó ban ngày, ngươi sẽ thành Phật ngày đó. Nếu ngươi thiền định nó ban đêm, ngươi sẽ thành Phật đêm đó. Đối với người phước đức đã chín muồi những liên kết nghiệp quả, thì thậm chí không cần thiền định, chỉ nghe cái ấy là đạt giải thoát. Nó là Pháp phần cho những ai thiện căn. Ta sẽ cho ngươi giáo lý ấy.” Ngài ban cho thầy những truyền pháp và giáo huấn. Bấy giờ thầy nghĩ : “Trong quá khứ khi mình thực hành bùa chú, mình đã tạo ra những biểu hiện lớn lao trong vòng mười bốn ngày. Bảy ngày đủ để làm mưa đá. Bây giờ mình đã gặp một Pháp còn dễ hơn bùa chú và mưa đá, đến độ mình thiền định nó ban ngày, mình sẽ thành Phật ngày đó, và nếu mình thiền định nó ban đêm, mình sẽ thành Phật đêm đó. Đối với người phước đức đã chín muồi những liên kết nghiệp quả, thì không cần cả thiền định. Thế thì mình phải là một người đã chín muồi những liên kết nghiệp quả.” Với sự kiêu mạn này, thầy đã dành thì giờ để ngủ mà không thiền định gì cả, và Pháp và bản thân thầy mỗi cái đi mỗi ngã. 

SỰ QUAN TRỌNG CẦN NƯƠNG DỰA VÀO NHỮNG  
KINH ĐIỂN CHÍNH THỐNG

Rất quan trọng là phải nương dựa vào những kinh điển chính thức như những tantra và những tác phẩm của Longchen Rabjam như là căn cứ và phải có những giáo huấn của thầy như là những chìa khóa. Nhưng có một số người nương dựa vào những giáo huấn từ một vị thầy và không biết gì về kinh điển, những nguồn gốc của những giáo lý. Thêm vào sự ban phước của dòng truyền chư Phật, những Vidyadhara và đạo sư, thì những kinh điển này chứa đựng nhiều cấp độ và phương tiện khác nhau của sự thực hành vừa chi tiết vừa cô đọng. Nyoshul Lungtog dạy Pema Ledrel Tsal :

Từ giờ trở đi hãy tinh lọc (những chứng ngộ của) tự tâm con bằng (cách so sánh chúng với) nghĩa của những kinh điển vĩ đại : Bảy Kho Tàng của Bậc Giác Ngộ (Longchen Rabjam) cũng như Những Tâm Yếu Của Mẹ Và Con. Có những người chỉ nghe lời của một Lama trưởng lão, bỏ qua một bên Bảy Kho Tàng và Bốn Bộ và nói “Những sách này là những trình bày văn bản. Sự trao truyền miệng không gì sánh đã được Lama này, Lama kia ban cho tôi”, và họ thêm những ý niệm mới vào cho thiền định như là, “Ở yên, chuyển động và biết”, cho sự an định với hoặc không với những tính cách. Những khuynh hướng này làm mê lầm những hành giả cao lẫn thấp là những giáo lý bị xuyên tạc do những thế lực Ma. 

GIỮ CHO KHÔNG BỊ THAO TÚNG BỞI MỘT SỐ  
KINH NGHIỆM THẦN BÍ

Khi người ta tu hành thiền định Đại Toàn Thiện, quan trọng là không bị bất kỳ loại kinh nghiệm nào thao túng, dù nó có vẻ là một dấu hiệu kỳ diệu và quan trọng, mà phải ở trong con đường thiền định không dao động, vì những kinh nghiệm ấy có thể không phải là sự chứng ngộ Đại Toàn Thiện chân thật và những đức hạnh của nó. Nyoshul Lungtog kể cho Pema Ledrel Tsal :

Một lần Patrul Rinpoche cho các huynh đệ thầy những giáo lý Ba Chu Trình về Thư Giãn và những giáo huấn kinh nghiệm về Đại Toàn Thiện, và chúng ta thực hành những thiền định về chúng trong rừng Ari ở thung lũng Do (gần tu viện Dodrup Chen). Thời gian đó tất cả những hang ổ giả dối trong nhận thức chấp thật (về ngã và pháp) của thầy sụp đổ. Mọi hiện tượng khởi lên như những pha đoạn huyễn mộng. Pema hỏi ngài : “Đó có là một chứng ngộ không ?” Ngài Lungtog trả lời : “Không phải, đó là một kinh nghiệm tốt.” 

TÂM THÀNH THẬT THÌ TỐT HƠN NHIỀU SO VỚI  
CÁI GỌI LÀ CHỨNG NGỘ CAO

Nhiều vị gọi là đại thiền giả, họ tin tưởng một cách mê mờ, nhanh nhạy cho là hoặc khoe khoang ngạo mạn rằng họ đã thành tựu những chứng ngộ cao. Nhưng thật ra chỉ có cái ngã và những phiền não của họ là tăng trưởng. Đây là bằng chứng rằng những người ấy thậm chí không làm một thực hành nào của Đại Toàn Thiện như nó được dạy mà chỉ lạm dụng nó để đánh lừa chính họ và người khác. Pema Ledrel Tsal hỏi Nyoshul Lungtog :

“Ngày nay có người nói rằng họ đã chứng ngộ tánh Không, nhưng những cảm xúc phiền não của họ không giảm. Điều đó là sao, thưa Ngài ?” Ngài trả lời : “Đấy là những tuyên bố trống rỗng. Trong thời đen tối này, có người nói, ‘Tôi đã chứng ngộ tánh không hay bản tánh của tâm và (sự chứng ngộ) cái thấy của tôi là cao.’ Nhưng thật sự họ đã tăng trưởng niềm tin của họ vào những hạnh xấu, và xúc cảm phiền não của họ thô lỗ dữ dội hơn. Họ chỉ tập chú vào truyền thống ngôn ngữ. Khi họ đối mặt với những mối nối quyết định của sanh, chết và trạng thái trung ấm, (sự tin tưởng của họ vào cái gọi là chứng ngộ cao) hóa ra còn thấp hơn sự chứng ngộ của một người (chỉ) có một tâm tốt.” 

Xem mục lục