Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Trong chương bốn cuốn Shingta Chenpo, về nhân quả của hành động, Longchen Rabjam chia nghiệp làm hai phạm trù, những hành vi sanh tử và những đức hạnh giải thoát. Để minh giải những hành vi sanh tử ngài đặt tên cõi giới tối hậu là “nền tảng phổ quát”, nó là một trạng thái trung tính đối với sanh tử và niết bàn. Khác với sự giải thích trong phần trước, ngài chia nó thành hai phương diện thay vì bốn : nền tảng phổ quát tối hậu của sự hợp nhất và nền tảng phổ quát của những dấu vết khác nhau của sanh tử với gốc rễ của nó, không giác ngộ (vô minh) và tám thức. Mặc dù nền tảng phổ quát tự nó là một thực thể không có phân chia, nó xuất hiện như là hai bởi vì hai phương diện đặt nền trên nó, như đất vẫn y nguyên nhưng vì ngày và đêm mà nó xuất hiện là sáng và tối. Ngài cũng giải thích tiến trình nhân quả của hành động trong trường hợp mười hành vi bất thiện với gốc rễ của chúng là vô minh. Pema Karpo và Thegchod Dzod có những cách xếp loại khác nhau và những ý nghĩa khác nhau đối với những nền tảng phổ quát.

BẢN CHẤT CỦA NGHIỆP

Đâu là lý do hạnh phúc của khổ đau xảy ra cho mỗi cá nhân khi lưu lạc trong vòng luân hồi nhọc nhằn ? Đó là vì nghiệp…. Kết quả của những nghiệp khác nhau, hợp tạo bằng những điều kiện (duyên) khác nhau làm nhân, của mỗi cá nhân chín muồi trong hình thức những luân lạc và những tài nguyên cá nhân, cũng như những kinh nghiệm sướng khổ. Trong Karmasataka có nói :

Emaho ! Thế giới khởi lên từ nghiệp.
Hạnh phúc và khổ đau là những tranh vẽ của nghiệp.
Sự hình thành của nghiệp xảy ra khi những điều kiện đã trọn vẹn.
Nghiệp lại sản sinh ra những kết quả hạnh phúc và khổ đau.

Và :

Nghiệp trong trăm đại kiếp
Sẽ không cạn kiệt, và khi thời gian đến
Với duyên hoàn cảnh tụ hội,
Chắc chắn những hậu quả sẽ được trải nghiệm với chúng sanh.

Trong Kinh Pháp Hoa có nói :

Nghiệp sáng tạo như một nghệ sĩ,
Nghiệp tạo hình như một vũ sư.

Có hai phạm trù của nghiệp sanh tử nhìn từ quan điểm những hậu quả của chúng. Thứ nhất là những ngiệp xấu hay bất thiện hạnh, chúng tạo ra khổ đau. Thứ hai là những nghiệp của những hành vi đức hạnh phối hợp với công đức, chúng tạo ra hạnh phúc trong sanh tử.

NGHIỆP SANH TỬ

Sanh tử được tạo ra bởi mười thiện hạnh và mười ác hạnh…. Ác hạnh phát sinh những khổ đau và sự tái sanh trong những nơi lưu lạc thấp và với thiện hạnh người ta có được tái sanh ở những nơi lưu lạc cao và giữa những chúng sanh hạnh phúc.

NỀN TẢNG CỦA NGHIỆP, NỀN TẢNG PHỔ QUÁT VÀ NHỮNG THỨC

Tóm tắt : Những nghiệp có căn cứ ở đâu và được chứa giữ ở đâu ? Tất cả những nghiệp của cả sanh tử lẫn giác ngộ được đặt nền trên nền tảng phổ quát như là hột giống. Trong kinh Jam-dPal Ye-Shes Dri-ma Med-Pa’i có nói : “Nền tảng phổ quát là nền tảng của tất cả. Nó là căn bản của sanh tử và sự dừng dứt của sanh tử (niết bàn) và là căn bản của giác ngộ.”

Cõi giới tối hậu của tánh Như được xem là nền tảng phổ quát, căn bản của những phân chia, và nó là phương diện của trạng thái trung tính không thể phân chia (đối với sanh tử và niết bàn).

Phương diện tánh giác (Rig-Pa), bản tánh của cái vốn không hợp tạo, và tự nhiên đặt nền trên trạng thái của cõi giới tối hậu, được gọi là nền tảng phổ quát tối hậu hợp nhất.

Bởi vì không thấu hiểu, chứng ngộ nó (tánh giác bổn nhiên của cõi giới tối hậu của tánh Như), những yếu tố sanh tử như là tám thức và những khuynh hướng tập khí của chúng được thiết lập và phối kết đặt nền trên nó. Phương diện này được gọi là nền tảng phổ quát của những dấu vết khác nhau. Với mọi phạm trù hợp tạo của những hành động đức hạnh và không đức hạnh đặt nền trên nền tảng phổ quát của những dấu vết này, những kinh nghiệm khác nhau về hạnh phúc và khổ đau khởi lên….

Trong Chi Tiết : Tất cả những hiện tượng của những nghiệp bất thiện và của nghiệp thiện nhưng kém cỏi, chúng là những nhân và quả của sanh tử, được đặt nền trên nền tảng phổ quát trung tính, và tất cả nghiệp thiện phối hợp với giải thoát, nó đưa tới tự do của niết bàn và những chứng ngộ của con đường giác ngộ, cũng đặt nền trên đó. Phương diện những nghiệp thiện phối hợp với giải thoát và thuộc về chân lý của con đường, chúng là hợp tạo và ngẫu sanh, được đặt nền trên nền tảng phổ quát của những dấu vết như là nguyên nhân cho tự do. Quả của tự do đặt nền trên tinh túy (Rigs), như sự sáng tỏ của mặt trời bởi vì sự tan mây đặt nền trên chính mặt trời….

Trong Tâm, nó vốn tự do như hư không, hiện diện một cách nguyên sơ những cõi tịnh độ và những phẩm tính của chư Phật trong hình thức hai dòng, chúng là bản tánh đức hạnh vô thủy (nghĩa là Phật tánh). Nó là căn bản của tự do, và nó là căn bản của niết bàn.

Về sự chứng đắc tự do, có bốn phương diện cần hiểu : (a) Căn bản của tự do là bản tánh thiết yếu hay tinh túy. (b) Nguyên nhân của sự tự do là phương tiện những đức hạnh phối hợp với giải thoát và phương tiện tịnh hóa những nhiễm ô khỏi bản tánh thiết yếu. (c) Kết quả của tự do là trở thành Phật tánh thoát khỏi mọi nhiễm ô và đạt được những phẩm tính của Phật tánh. (d) Phương diện cần thoát khỏi là tám thức với những thói quen của chúng, vì chúng đặt nền trên nền tảng phổ quát của những dấu vết.

Trong kinh điển mật thừa bốn phương diện này được biết là căn bản của sự tịnh hóa, phương tiện của sự tịnh hóa, kết quả của sự tịnh hóa và phương diện cần được tịnh hóa. Ngôn từ thì khác nhưng nghĩa của chúng không khác. Như thế, trên bản chất không giác ngộ của nền tảng phổ quát của những dấu vết, nguyên nhân của sanh tử bất tịnh với những thức và những phương diện đức hạnh hợp tạo đưa đến giải thoát, đều có vẻ đặt nền trên đó một thời gian lâu dài mà thực sự không được đặt nền (ở đâu cả). Từ quan điểm của chúng sanh, cõi giới tối hậu là căn bản của những phẩm tính của niết bàn, và nó được gọi là nền tảng phổ quát tuyệt đối.

Tinh túy của nền tảng phổ quát tuyệt đối là tánh không, bản tánh của nó là sự sáng tỏ, lòng bi của nó (nghĩa là năng lực biểu lộ) là toàn khắp, và những phẩm tính của nó là thành tựu tự nhiên như những viên ngọc như ý. Nó không bị ô nhiễm cũng không lìa ô nhiễm. Nó là nghĩa tuyệt đối, sáng rỡ từ trạng thái bổn nguyên, cái thấy về sự không trộn lẫn và không chia tách của những thân và những trí huệ. Dù về quan điểm sự thanh tịnh của bản tánh của nó, nó được ví dụ như hư không, thoát khỏi những đặc tính, tánh không, không hợp tạo và v.v…., nó không phải không là gì cả, một rỗng không cùng cực, bởi vì nó là một trạng thái tự nhiên thành tựu của những thân sáng rỡ và những trí huệ, và nó sự giải thoát và tánh không của mọi yếu tố sanh tử.

Trong kinh Ghananyuha có nói :

Dĩa (mạn đà la) mặt trăng vô nhiễm
Hằng không vết dơ và tròn đầy.
Nhưng trong liên hệ với những ngày của thế giới
Nó được tri giác như có khuyết có đầy.
Cũng thế, nền tảng phổ quát tối hậu
Hằng ở với Phật tánh
Và tánh này dưới dạng nền tảng phổ quát
Đã được chỉ dạy bởi Như Lai
Những người ngu không biết nó,
Bởi vì những thói quen của họ, thậm chí thấy nền tảng phổ quát
Như là có những hạnh phúc và khổ đau
Và những hành động và nhiễm ô phiền não.
Bản tánh của nó là thanh tịnh và không nhiễm,
Những phẩm tính của nó như những viên ngọc như ý,
Không có những biến dịch cũng không những diệt dứt.
Người nào thấu hiểu nó thì đạt giải thoát….

Có nhiều từ đồng nghĩa cho nền tảng phổ quát tối hậu theo căn bản, nguồn gốc và nguyên nhân cho giải thoát, như nền tảng phổ quát tối hậu, đức hạnh của bản tánh tối hậu vô thủy, Phật tánh, bản tánh, bản tánh quang minh của tâm, cõi giới tối hậu, nghĩa của tánh Như, cái Như tự nhiên thanh tịnh, trí huệ ba la mật v.v….

Phương diện những thói quen tập khí của sanh tử đặt nền trên tâm (Sems-Nyid, nghĩa là trạng thái trung tính của nền tảng phổ quát) được gọi là nền tảng phổ quát của những dấu vết. Tại sao ? Bởi vì nó là căn cứ của sự tích tập những nghiệp đức hạnh, không đức hạnh, giải thoát và giác ngộ, chúng không hiện hữu trong bản tánh chân thật từ trạng thái bổn nguyên mà khởi lên một cách ngẫu sanh. Nó là căn bản của cả nghiệp thiện và bất thiện, bản chất của nó là vô minh, và nó trung tính đối với nghiệp thiện và bất thiện.

Một số người nói rằng nền tảng phổ quát không phải là vô minh bởi vì nó là căn bản của tất cả năm độc (gồm cả vô minh) cũng như của giác ngộ. Đó đích thực là một sự hiểu sai. Nó không phải là vô minh của năm độc. Mà nó là sự không giác ngộ bẩm sanh khởi lên từ lúc mê lầm dẫn vào sanh tử, và nó cũng được gọi là vô minh. Cũng thế nó cần được khảo sát xem nó có là căn bản của giác ngộ hay không. Nó không phải là căn bản của cả tinh túy lẫn trí huệ của Phật, bậc sở hữu hai sự thanh tịnh, sự thanh tịnh từ trạng thái bổn nguyên và sự thanh tịnh thoát khỏi những nhiễm ô ngẫu sanh, bởi vì nền tảng phổ quát phải chuyển hóa thành trí huệ. Kinh Suvarnaprabhasottama nói “Nền tảng phổ quát được chuyển hóa là tinh túy, thân tối hậu.”

Trong Byung-bZhi Zad-Pa’i rGyud có nói “Nền tảng phổ quát đã tịnh hóa là cõi giới tối hậu.” Nền tảng phổ quát của những dấu vết không phải là căn bản của bản tánh (Khams), vì nó chỉ là căn bản hay nguyên nhân của sự thoát khỏi những nhiễm ô. Thế nên chức năng của nó không gì khác hơn chỉ là căn bản của sự trở nên giác ngộ qua tu hành trên con đường hợp tạo tích tập công đức và trí huệ. Những tích tập đó thuộc về phạm trù “chân lý của con đường”, và chúng là tạm thời và như huyễn, bởi vì chúng đặt nền trên nền tảng phổ quát của những dấu vết. Sự tu hành làm tổn hại cho nền tảng phổ quát của những dấu vết như thế nào khi dựa trên nó ? Như ngọn lửa đặt nền trên sáp thiêu hủy chính sáp và ngọn lửa đặt nền trên gỗ thiêu cháy chính gỗ, bằng cách đặt nền trên nền tảng phổ quát của những dấu vết, con đường của hai sự tích tập tịnh hóa những thói quen của sanh tử và xóa hết những vết dơ khỏi bản tánh thiết yếu, và khiến giác ngộ được đạt đến trọn vẹn, như nó vốn là một cách nguyên sơ. Bởi thế, hai sự tích tập được xem là những điều kiện thanh tịnh. Từ đó, những đối trị, những phương tiện của những tịnh hóa (hai sự tích tập) cũng sẽ bị thiêu rụi bởi vì chúng là những đức hạnh do tâm thức nghĩ ra….

Trong Madhyamakavatara có nói “An lạc (thành tựu) do thiêu sạch toàn bộ nhiên liệu của những chủ đề để tìm hiểu là thân tối hậu của chư Phật….”

Những đồng nghĩa với nền tảng phổ quát của những dấu vết là không giác ngộ bẩm sinh (vô minh bẩm sinh), sự che ám vô thủy, tối tăm vĩ đại, sự ‘không biết’ hiện diện một cách bổn nguyên v.v….

Tâm (Sems-Nyid), cõi giới vô thủy, hiện diện như hư không : từ quan điểm giải thoát đặt nền trên nó, nó được biết như là nền tảng phổ quát tối hậu và từ quan điểm nó là căn cứ của sanh tử, nó được biết như là nền tảng phổ quát của thói quen tập khí. Và từ cõi giới vô thủy, hạnh phúc và khổ đau của đủ loại hình tướng xuất hiện của sanh tử và niết bàn, và những lỗi lầm và đức hạnh khởi lên. Trong bình giảng về Uttaratantra có nói :

Cõi giới tối hậu của thời gian vô thủy vô chung
Là chỗ ở của tất cả các pháp.
Nhờ sự hiện diện của Nó (trong họ), mỗi một chúng sanh
Có thể đạt được niết bàn.

SỰ PHÂN CHIA CỦA NỀN TẢNG PHỔ QUÁT VÀ TÁM THỨC

Nền tảng phổ quát của những dấu vết khác nhau, trạng thái trung tính (đối với thiện và bất thiện), thì giống như một tấm gương. Về thức của nền tảng phổ quát (trong Jam-dPal Ye-Shes rGyan), có nói “Tâm (Sems) là thức của nền tảng phổ quát. Nắm hiểu ngã tính là tư tưởng.” Nó giống như phương diện sáng tỏ của một tấm gương. Năm thức của năm cửa giống như sự khởi lên của những phản chiếu trong gương. Khởi lên trước tiên, sự phân tích về cái tri giác của năm cửa giác quan như “cái này là cái này” là ý thức của tâm. Theo nó sự khởi lên của những xúc tình ghét thương…. hay trung tính đối với những đối tượng là thức bị ô nhiễm của tâm.

Một số vị thầy nói rằng sáu thức không tích tập nghiệp nếu người ta không phân tích những tri giác với thức ô nhiễm của tâm, bởi vì chúng không được tạo thành bởi ba độc. Những nhận xét này cần phải xem xét. Khi người ta theo đuổi con đường cái thấy thiền định và hạnh, sau khi chứng ngộ bản tánh của những hiện hữu hiện tượng, sẽ có một trạng thái như vậy (không sinh ra bất cứ nghiệp nào), nhưng người mà tâm chưa đạt đến một mức độ như vậy thì còn vô minh và họ sẽ tạo ra nghiệp xấu.

Phương tiện sản sinh ra nghiệp là khả năng của tâm thức và năm khả năng của các giác quan với những căn cứ của chúng. Những cái sản sanh ra nghiệp là tâm thức ô nhiễm, tâm thức thiện và tâm thức trung tính. Căn bản trên đó những nghiệp được tích tập là nền tảng phổ quát (của trạng thái trung tính). Thức của nền tảng phổ quát cung cấp không gian cho sự phát triển, duy trì, suy tàn…. của nghiệp. Trong đại bình giảng về Mahayanasutralamkara của Acarya Sthiramati có nói :

Tâm thức và năm khả năng (năm căn) như nhãn căn là chỗ vào, những cửa của nghiệp. Những tâm thức thiện bất thiện và trung tính là những cái sản sanh ra nghiệp. Sáu cái tri giác, như sắc, là những đối tượng của nghiệp. Thức của nền tảng phổ quát cung cấp không gian cho sự sanh ra nghiệp. Nền tảng phổ quát là căn bản, như nơi chốn và nhà ở của nghiệp.

Ở đây thức của nền tảng phổ quát là phương diện của giác quan, nó trong sáng nhưng không nhận thức đối tượng hay chủ thể. Từ cái này những giác quan (những thức) của năm cửa vào khởi lên. Nhãn thức là phương diện của một giác quan, nó thấy đối tượng như là sắc, nhưng những tư tưởng phân tích còn chưa khởi lên. Cũng thế, những giác quan chỉ thấy một cách tổng quát, những đối tượng tương ứng, thanh, hương vị, xúc như là những đối tượng của những giác quan tai, mũi, lưỡi, và thân trong khi những tư tưởng còn chưa khởi lên (là những thức của chúng).

Những xuất hiện trong suốt khởi lên từ đối tượng tri giác của năm cửa vào hay một hình thức tương tự của tri giác khởi lên (trước những giác quan) là hiện tượng (Ch’os, S. dharma, pháp), và nó cũng là thức của tâm. Ở đây, phương diện của đối tượng là những hiện tượng và phương diện của sự khởi lên những hiện tượng ấy trong những giác quan được gọi là thức…. Thức khởi lên tức khắc ngay điểm chấm dứt của phương diện thức của nền tảng phổ quát và sáu giác quan, năm thức của cửa vào tri giác đối tượng lúc trước được gọi là tư tưởng (Yid). Trong Abhidharmakosa có nói : “Thức khởi tức khắc sau sự dừng dứt của sáu thức là tâm.”

Chẳng hạn, khi một sắc được tri giác, phương diện của đối tượng thấy một cách rõ ràng trong suốt mà không có sự nắm bắt là thức của nền tảng phổ quát, và phương diện của sự khởi lên của sắc cho các giác quan là nhãn thức. Lìa bỏ (hay di chuyển khỏi) hai trạng thái này được gọi là sự dừng dứt của chúng, và rồi sự khởi lên của tư tưởng khoảnh khắc, “Đây là sắc” tức là tư tưởng (Yid) hay tâm (Sems). (Trong một số văn cảnh, Sems được giải thích là thức của nền tảng phổ quát.) Cái tư tưởng khoảnh khắc này chuyển động rất nhanh và không nghĩ một cách vi tế, thế nên nó được gọi là “không tư tưởng” (rTog-Med). Nó cũng được gọi là cái được tri giác hay (hay tư tưởng thuộc về đối tượng) vì nó thấy đối tượng trước tiên. Sau đó, sự phân tích vi tế (về cái được tri giác đã khởi lên) được gọi là người tri giác (hay tư tưởng thuộc về chủ thể). Dù người ta trước tiên thấy những cái được tri giác, nếu người ta không tiếp tục nó bằng cách phân tích (qua người tri giác), sẽ không sản sanh ra nghiệp. Tất cả các bậc thánh triết đều chấp nhận điều này.

NHỮNG THỨC SẢN SANH RA NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO

Do nghiệp thiện, bất thiện và trung tính với những tư tưởng phân biệt của cái được nắm bắt và người nắm bắt dạng thô, người ta rơi vào cõi dục. Sự tham thiền trong trạng thái nhập định mà trạng thái này không phải là bản tánh thiết yếu, và trong đó cái được tri giác xuất hiện nhưng không có tư tưởng khởi lên, sẽ tích tập nghiệp trong nền tảng phổ quát để tái sanh trong cõi sắc. Sự tham thiền về không tư tưởng (vô niệm) bằng cách ngăn ngừa những tri giác, sẽ gieo những hạt giống nghiệp trong nền tảng phổ quát để sanh ra trong cõi vô sắc….

Tâm người ta chảy một dòng nhất niệm mà không có bất kỳ tư tưởng nào đến một đối tượng là trạng thái của nền tảng phổ quát. Giai đoạn thấy biết những cái được tri giác một cách rõ ràng, trong suốt mà vẫn không có tư tưởng về chúng là thức của nền tảng phổ quát. Giai đoạn tri giác bất kỳ cái gì trong nhiều cái được tri giác, chúng đã khởi lên rõ ràng (trước bất kỳ giác quan nào) là những thức của năm cửa vào. Khi người ta tri giác bất kỳ đối tượng nào, trong giai đoạn đầu, trong một khoảnh khắc, nó khởi lên như một cái được tri giác, rồi trong giai đoạn hai, người phân tích trộn lẫn với phiền não khởi lên như người tri giác, như thế lần lượt chúng là thức của tâm và thức bị ô nhiễm của tâm.

NHỮNG TRẠNG THÁI NHẬN THỨC KHÁC NHAU

Có những cấp độ khác nhau của nhận thức, chúng không nối kết với giải thoát và chúng đều ở trong trạng thái nền tảng phổ quát. Đó là (a) nhận thức nó ở trong trạng thái tham thiền, một an định nhất niệm vững chắc, (b) nhận thức ở trong trạng thái tham thiền về sự sáng tỏ và vô niệm, vững chắc và là một quán chiếu thiên lệch (Chag-mThong), và (c) nhận thức thô khởi lên theo sau những xuất hiện của những đối tượng với những điều kiện thống trị là sáu khả năng giác quan. Những nghiệp thiện và bất thiện tích tập qua ba loại nhận thức này làm mê lầm chúng sanh lần lượt vào cõi vô sắc, cõi sắc và cõi dục…. Lý do là vì chúng không đưa đến giải thoát và không siêu vượt khỏi người nắm bắt và cái được nắm bắt. Ở đây trạng thái tham thiền vô niệm là cái được nắm bắt và tham thiền về nó một cách nhất tâm không dao động là người nắm bắt. Sự tham thiền thanh tịnh là như sau : dù nó là một thiền định về phương tiện thiện xảo của lòng bi và về trí huệ thoát khỏi những cực đoan, nó không có sự ý niệm hóa ra chủ thể và đối tượng và không có sự thiền định được chỉ định là “trong trạng thái này”. Thế nên nó thuộc về bản tánh không thể nghĩ bàn. Dù trong tham thiền này người ta thành tựu hỷ, lạc, những thần thông và trí biết trước, không nên bám luyến vào sự thích thú với nó, mà chúng cũng không phải là cái được nắm bắt như hình tướng.

THỨC NÀO CÓ VAI TRÒ CHỦ YẾU TRONG BA CÕI

Những thức khác nhau có những vai trò khác nhau như chánh hay phụ trong cõi của chúng và những cõi của các thức khác…. Trong bình giảng về Kun-gZhi Dang Ye-Shes brTag-Pa của Acarya Budhaguhya có nói :

Trong cõi dục, bảy thức như nhãn thức, là chánh và các thức khác (nền tảng phổ quát và thức của nền tảng phổ quát) là phụ. Trong cõi sắc, thức của nền tảng phổ quát và những thức của những cửa vào (những thức của năm khả năng, của tâm và của tâm nhiễm ô) là chánh và cái kia (nền tảng phổ quát) là phụ. Trong cõi vô sắc, bản thân nền tảng phổ quát là chánh và những cái khác (tám thức) không hoạt động.

SỰ TAN VÀO CỦA CÁC THỨC

Một người của cõi dục đi ngủ, trước hết những thức của năm cửa vào và của tâm nhiễm ô tan vào thức của tâm. Thức của tâm tan vào thức của nền tảng phổ quát và rồi một trạng thái sáng tỏ và vô niệm khởi lên trong một lúc. Một số đạo sư của Tân Tantra xác nhận rằng những người nào có thể đạt đến trạng thái này và có thể tham thiền về nó, sẽ hưởng thọ bản tánh tối hậu của sáng tỏ mà không có giấc mộng nào. Thức của nền tảng phổ quát tan vào nền tảng phổ quát vô niệm. Rồi trên sự hòa tan của nền tảng phổ quát vào cõi giới tối hậu, những tri giác thô và tế tiêu tan và bản tánh tối hậu, tức là sự hợp nhất của tánh không và sự sáng tỏ, thoát khỏi mọi tạo tác, khởi lên. Nếu người ta thực hiện được điều này, bấy giờ mọi mê lầm sẽ bị đánh bại…. Rồi các thức khởi sanh trở lại. Từ cõi giới tối hậu khởi lên nền tảng phổ quát, từ nền tảng phổ quát khởi lên thức của nền tảng phổ quát và từ đó thức của tâm khởi lên một mình. Ở điểm này, nhiều loại giấc mộng (như những hiện tượng) khởi lên và người ta nắm hiểu những hiện tượng, những đối tượng của ‘tâm thức của những thói quen’.

HỢP NHẤT VÀ PHÓNG CHIẾU CỦA CÁC THỨC TRONG NHỮNG TRẠNG THÁI KHÁC NHAU

Ngủ là thời gian khi tất cả các thức hợp nhất với nền tảng phổ quát, và không có sự phóng chiếu ra ngoài của thức nào. Khi mộng, thức của tâm khởi lên từ thức của nền tảng phổ quát. Đó là thời gian khi thức phóng chiếu nhẹ nhàng ra ngoài và nền tảng phổ quát và thức của nền tảng phổ quát và tâm hợp thành một thực thể. Khi người ta thức dậy, những thức của người ta phóng chiếu ra ngoài từ nền tảng phổ quát và nền tảng phổ quát với tám thức hợp thành một thực thể.

TÓM KẾT

Tâm (Sems-Nyid) sáng rỡ là căn bản và nguồn gốc của mọi hiện hữu. Trong Tâm không có sự khác biệt giữa sanh tử và niết bàn, và chúng thì không thể phân cách và đồng một vị. Thế nên nó là bản tánh tối hậu của hợp nhất, là Phật tánh và là nguồn gốc của sanh tử và niết bàn. Trong Doha có nói :

Chỉ tâm là hạt giống của tất cả.
Đối với chúng sanh, nó phóng chiếu sanh tử và niết bàn ;
Nó cung cấp quả trái ước nguyện :
Tâm như viên ngọc như ý, tôi xin kính lễ.

Trong Kinh Ghanaryuha có nói :

Những giai đoạn khác nhau của con đường là nền tảng phổ quát.
Phật tánh (Như Lai tạng) cũng là đó.
Tinh túy ấy, được chỉ định là nền tảng phổ quát,
Mà Như Lai đã khai thị.
Ngài tuyên bố tinh túy là nền tảng phổ quát.
Nhưng người mê mờ không hiểu nó.

Vì bản tánh này là nguyên nhân của những hoàn thiện như những thân và những trí huệ (của Phật quả), nó được gọi là nền tảng phổ quát tối hậu không vết nhơ. Vì nó là căn bản của sanh tử, nó được gọi là nền tảng phổ quát của những dấu vết nhơ bẩn. Tinh túy của căn bản, nền tảng phổ quát là một, nhưng nó chia thành hai bởi vì những phẩm tính khác nhau đặt nền trên nó….

Trong bản tánh của mặt trăng, không có tăng không có giảm, nhưng bởi vì những hoàn cảnh, trong bốn châu lục chúng ta thấy những khác nhau có khuyết có tròn. Cũng thế, trong bản tánh của Tâm sáng rỡ sau khi giác ngộ không có hạnh phúc thực cũng không có khổ đau thực, nhưng chúng sanh trong sanh tử tri giác những thực thể khác nhau, như những cõi lưu lạc cao và thấp. Nếu người ta tu hành nghĩa tuyệt đối, đó gọi là đạt được sự hoàn thiện của nền tảng phổ quát như là nghĩa tuyệt đối….

Những nghiệp được sản sanh bởi những mê lầm của thức tâm không giác ngộ. Trong kinh Udanavarga có nói : “Tâm là thủ lĩnh và nhanh nhẹn. Tâm là người tiền phong của mọi sự.”

Vì những vọng tưởng và do không biết bản tánh thường trụ, người ta trở nên lệ thuộc vào những xuất hiện bất tịnh mà như huyễn. Để làm sụp đổ sanh tử như mộng như huyễn, người ta phải chứng ngộ Tâm thường trụ và thiền định về con đường không sai lầm của giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu, phương tiện và trí huệ, để đạt được bản tánh thiết yếu trong trạng thái bổn nguyên, như nó vốn là vậy xưa nay.

VÔ MINH, GỐC RỄ CỦA NGHIỆP

Tất cả chúng sanh mê lầm trong sanh tử do đặt nền móng cho cái được nắm bắt (đối tượng) và người nắm bắt (chủ thể) bởi không thấu hiểu bản lai diện mục của Tâm. Trong Bát nhã ba la mật có nói : “Tất cả mọi chúng sanh căn cơ thấp, trung bình và tốt đều khởi lên từ vô minh (không giác ngộ). Bậc Thiện Thệ đã nói như vậy.”

Những chúng sanh của những cõi thấp kém, trung bình, cõi người và cao hơn là cõi chư thiên đều kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau do những nghiệp khác nhau của họ tạo ra. Gốc rễ của nghiệp là vô minh đi cùng ba độc và các nghiệp bất thiện và thiện tạo ra những kết quả hạnh phúc và khổ đau của sanh tử.

NGƯỜI TẠO RA NGHIỆP, NHỮNG ĐỨC HẠNH CÔNG ĐỨC VÀ NHỮNG HÀNH VI KHÔNG ĐỨC HẠNH

Những nghiệp đức hạnh tạo ra hạnh phúc và tái sanh trong những cõi lưu lạc hạnh phúc, và những nghiệp không đức hạnh tạo ra khổ đau và tái sanh trong những cõi thấp.

(A) NHỮNG NGHIỆP BẤT THIỆN

Có mười hành vi bất thiện khiến người ta rơi từ những cõi cao xuống những cõi thấp và chúng chỉ gây ra khổ đau. Đó là :
Ba nghiệp bất thiện của thân :
Giết, lấy của không cho, và tà dâm.
Bốn nghiệp bất thiện của ngữ :
Nói dối, nói chia rẽ, lời thô ác và lời vô nghĩa.
Ba nghiệp bất thiện của tâm :
Tham lam, ác ý và tà kiến.

Những hậu quả của những nghiệp bất thiện

Tóm tắt : Những nghiệp bất thiện được phát sanh qua đối tượng, ý định, tư tưởng và cố gắng bất thiện. Chúng sản sanh ra ba phạm trù hậu quả. Trong những kinh điển, chúng được xếp loại thành những hậu quả của sự chín muồi (là hậu quả chính), tương hợp và nổi trội (hay môi trường). Trong những luận giảng, có bốn phạm trù, cọng thêm hậu quả lũy tích….

(1) Hậu quả của sự chín muồi : Trong kinh Arya-saddhar-masmrtyupasthana có nói :

Sự chín muồi của hậu quả của một nghiệp nhỏ (trong mười nghiệp bất thiện) tạo ra sự tái sanh trong cõi thú, của một nghiệp vừa tạo ra sự tái sanh trong cõi quỷ đói và của một nghiệp nặng là tái sanh vào địa ngục.

(Sau khi hoàn tất kinh nghiệm của hậu quả của những nghiệp xấu như là hậu quả của chín muồi trong ba cõi thấp, dầu được tái sanh vào một cõi cao hơn nhờ những nghiệp thiện khác, người ta còn phải kinh nghiệm ba hậu quả sau đó nữa) :
(2) Hậu quả của sự tương hợp : Nó có hai phạm trù : hậu quả tương hợp của nguyên nhân và hậu quả tương hợp của những kinh nghiệm….

(a) Về hậu quả tương hợp của nguyên nhân, trong kinh Karmasataka có nói :

Bởi vì một người đã quen với những nghiệp bất thiện dù sau khi đã kinh nghiệm hậu quả của sự chín muồi, nó sẽ sanh ra nơi nào có thể dựa vào những hành vi bất thiện và thực hiện theo đuổi chúng.

(b) Hậu quả tương hợp của kinh nghiệm : trong hậu quả này có hai loại cho mỗi cái của mười nghiệp bất thiện.

Trong kinh Karmasataka nói :

Dù một người tái sanh trong cõi trời hay cõi người (nhờ những hành vi đức hạnh khác), nó vẫn còn phải kinh nghiệm những hậu quả sau đó như sau : có một cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bệnh bởi vì nghiệp giết trong quá khứ, có ít tài sản và phải chia xẻ chúng cho những kẻ thù vì lấy của không cho, có một người hôn phối không hấp dẫn và phải chia xẻ người ấy với những người khác vì nghiệp ngoại tình, bị những người khác lừa đảo lường gạt vì nói dối, có những người sống chung xấu và bất hòa vì nghiệp vu khống, nghe những chửi mắng và (dù khi người ta nói dịu dàng) khiêu khích bởi vì đã nói lời thô ác, lời nói không được coi trọng và không được tin cậy vì đã nói vô nghĩa, trở nên tham lam và không toại ý vì tính thèm khát, ít có lợi ích mà chỉ có thiệt hại vì ác ý, và bị bao bọc bởi những quan điểm xấu và xảo quyệt vì tà kiến….

(3) Hậu quả nổi trội : Trong Semnyid Ngalso có nói :

Hậu quả nổi trội ám chỉ những hậu quả trên môi trường.
Khi người ta ở trong sanh tử bị những yếu tố bên ngoài điều khiển :
Do giết (người ta sinh) vào một xứ sở xấu xí
Nơi thuốc thang, cây trái, ngũ cốc, thức ăn thức uống v.v….
Sẽ cho ít bổ dưỡng, khó tiêu hóa và dễ độc hại.
Do lấy của không cho, sanh vào một xứ sở không có ngũ cốc,
Nơi có những hiểm nguy sương mù, mưa đá, nạn đói.
Do ngoại tình, sanh giữa chỗ phân và nước tiểu, dơ bẩn, hôi thối.
Trong một xứ sở chật hẹp, đáng sợ không vui vẻ.
Do nói dối, sanh vào một xứ sở xung đột và kinh hãi
Nơi sự sung túc không bảo đảm và người ta bị người khác lừa dối.
Do nói lời chia rẽ, sanh vào một xứ sở đi lại khó khăn, núi sông hiểm trở,
Với nhiều hoàn cảnh không thuận lợi.
Do nói lời thô ác, sanh vào một xứ sở vô đạo đức, đầy sỏi đá, gai góc,
Bụi bặm, rác rưởi, ngũ cốc nghèo nàn, một môi trường gồ ghề, muối mặn.
Do lời vô nghĩa, sanh vào vùng ngũ cốc và trái cây không chín, bốn mùa bất ổn,
Nơi không có gì vững bền và lâu dài.
Do tham lam, sanh vào những xứ sở mùa màng ít mà nhiều vỏ trấu,
Những thời tốt đẹp chuyển thành xấu.
Do ác ý, sanh vào một xứ sở nơi hạt và trái có vị đắng cay,
Nơi có những người cai trị độc tài, bọn cướp, người hoang dã và rắn rít….
Nhiều hoàn cảnh gây họa hại của thiên nhiên.
Do tà kiến, sanh vào những xứ sở nơi không có nguồn chất liệu quý giá
Và ít cây thuốc, hoa và trái.
Nơi không có những chỗ nương tựa quy y, người bảo hộ hay năng lực hộ trì….

(4) Hậu quả lũy tích : Trong Arya-saddharma-smrttyupas-thana có nói : “Những người vô minh và đã phạm những hành vi xấu trong quá khứ sẽ tăng thêm những hành vi xấu của họ và sẽ chịu khổ hơn.”

Kết luận

Trong Vinayagama có nói :

Những nghiệp bất thiện như thuốc độc, dù nhỏ nhưng tạo khổ lớn lao. Chúng giống như người hoang dã phá hoại những công đức tích tập được. Bởi thế, người ta cần cố gắng từ bỏ những hành vi không đức hạnh và dấn thân vào những hành vi đức hạnh.

(B) NHỮNG NGHIỆP THIỆN

Chỉ sự vắng mặt của mười nghiệp bất thiện không trở thành mười nghiệp thiện bởi vì thiếu sự điều phục của tâm làm theo mười nghiệp thiện. Sự từ bỏ mười nghiệp bất thiện là mười nghiệp thiện khi phối hợp với sự tích tập công đức.
Những hậu quả của những nghiệp thiện

Theo những hậu quả chín muồi của chúng, những đức hạnh nhỏ đưa đến sự tái sanh trong cõi người, những đức hạnh cỡ trung sanh vào cõi thiên của dục giới, và những đức hạnh lớn, phối hợp với tham thiền, sanh vào những cõi sắc và vô sắc. Do những hành vi đức hạnh người ta thành tựu hạnh phúc của những cõi cao và niêm kín những cửa vào cõi thấp.

DUYÊN SANH

Nhân bên ngoài

Đó là những xuất hiện thuộc đối tượng của tâm thức, những xuất hiện là những hiện tượng bên ngoài như những hình tướng núi non, tường vách, đất, nước, lửa, không khí và không gian, chúng được xem là những phẩm tính phụ của các nguyên tố hay những hình dạng của các nguyên tố. Những cái này phát triển trong nhân loại khác nhau qua những nhân duyên chung và riêng biệt của chúng, như vải từ sợi và len từ sợi len. Nó được gọi là duyên sanh của những hiện tượng bên ngoài, bởi vì chúng khởi lên do nương dựa lẫn nhau và xuất hiện như những vật vô tri bên ngoài.

Nhân bên trong

(a) Nhân tương thuộc

Tiến trình từ vô minh khởi lên các hình thành (hành)…. cho đến già và chết là duyên sanh bên trong.

Mười hai nhân duyên sanh lẫn nhau là : (1) không giác ngộ (vô minh) : Nó là sự không biết trọn vẹn tinh túy tuyệt đối, bản tánh tuyệt đối, bản tánh vốn thanh tịnh và là những hiện tượng mang tính cách vô minh. Từ đây khởi lên sự hình thành của nghiệp, tạo thành nghiệp của sanh tử. (2) Hình thành của nghiệp : Những hành vi đức hạnh phối hợp với công đức, mười nghiệp bất thiện, và những nghiệp trung tính của thân, ngữ, tâm, chúng bị che ám bởi vô minh, là sự hình thành. (3) Thức : Bây giờ, thuận theo nghiệp được hình thành (nó được gieo trong thức của nền tảng phổ quát), người ta đi vào một trong sáu nẻo lưu lạc và phát triển nhận thức đặc trưng của cõi đó. (4) Danh và sắc : Bấy giờ khi thức vào trong cõi lưu lạc của nó nhờ sự gặp gỡ của tâm, năng lực (rLung) và tinh chất trắng và đỏ của cha mẹ, người ta thiết lập năm uẩn : “bốn danh” – thọ, tưởng, hành, thức – và “sắc”. Khi vào bụng mẹ, danh và sắc được thiết lập…. (5) Những giác quan : Bấy giờ mắt, tai, mũi, lưỡi thân và tâm phát triển…. (6) Xúc : Bấy giờ sự gặp gỡ của những đối tượng, những khả năng giác quan và sự tác dụng của tâm thức là tiếp xúc. (7) Thọ : Từ xúc khởi lên thọ. (8) Từ thọ khởi lên khao khát (ái) thọ ấy. Khao khát có ba thứ : khao khát cái thích (khao khát tham muốn), khao khát bỏ cái không thích (khao khát ghét bỏ) và khao khát trung tính…. (9) Thủ : Từ khao khát khởi lên bám nắm…. (10) Trở thành (hữu) : Từ bám nắm khởi lên trở thành. Sự khởi lên năm uẩn, là sự trở thành…. (11) Sanh : Từ trở thành khởi lên sanh…. (12) Từ sanh khởi lên già, chết.

(b) Duyên Phụ Thuộc Bên Trong

Bởi vì trong mười hai mắt xích nhân duyên này, cái trước gây ra sự tiếp nối của những cái sau, nó được gọi là nhân duyên tương thuộc. Bởi vì những sự phát sanh tương thuộc này được phát triển nhờ sự gặp gỡ các bốn đại bên trong và thức, chúng được gọi là phát sanh từ những nhân duyên tương thuộc.

Xem mục lục