Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

ii) Giải thích tiến trình tu học giới luật

a’ Cách tu tập theo Đại thừa nói chung

1’ Xác lập nguyện ước tu học giới luật của tâm giác ngộ {Bồ-đề tâm}.

2’ Thọ giới con Phật {Bồ-tát giới} sau khi đã phát nguyện học giới luật của tâm giác ngộ.

3’ Cách thức rèn luyện sau khi thọ giới

a” Nền tảng của giới luật

b” Cách thức mà tất cả các giới luật được thu tóm trong sáu Ba-la-mật-đa

1” Thảo luận chủ đề chính, số lượng Ba-la-mật-đa cố định

(a) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định dựa trên đẳng cấp cao

(b) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định dựa trên việc viên thành hai mục tiêu

(c) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định dựa trên việc viên thành các mục tiêu của người khác

(d) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định và sự thu nhiếp của chúng đối với toàn bộ hệ thống Đại thừa

(e) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định trong khuôn khổ viên mãn của các lộ trình hay phương tiện

(f) Số lượng các Ba-la-mật-đa cố định dựa trên tam vô lậu học {giới, định, và tuệ}

2” Thảo luận phụ về thứ tự cố định của các Ba-la-mật-đa

(a) Thứ tự khởi sinh

(b) Thứ tự cao thấp

(c) Thứ tự thô lậu và vi tế

–––––––––\–––––––––

iii Giải thích tiến trình tu học giới luật

Giải thích tiến trình tu học giới luật bao gồm hai phần:

1. Cách thức tu tập theo Đại thừa nói chung (chương 8 và các chương sau đó)

2. Cách thức tu tập theo Kim Cang thừa nói riêng (Chương 27 trong Cuốn 3)

a’ Cách thức tu tập theo Đại thừa nói chung

Phần này bao gồm ba nội dung

1. Xác lập nguyện ước tu học giới luật của Bồ-đề tâm

2. Thọ Bồ-tát giới sau khi đã phát nguyện học giới luật của Bồ-đề tâm

3. Cách tu tập sau khi thọ giới (chương 8 và các chương kế tiếp)

1’ Xác lập nguyện ước học giới luật của Bồ-đề tâm

Theo giới luật biệt giải thoát giới[1] và Mật thừa, thì sẽ là không phù hợp nếu quý vị tu học giới luật trước khi thọ giới; tuy nhiên, với các Bồ-tát giới thì khác. Trước hết, quý vị tìm hiểu các điều giới kỹ càng và sau khi đã tu tập, nếu quý vị có nhiệt tâm thọ giới thì quý vị sẽ được thọ giới. Liên quan đến điểm này, Bồ-tát Địa Luận dạy rằng:[2]

Đối với những người muốn thọ Bồ-tát giới, trước hết, các người phải biết trước về các điều giới nền tảng {trọng giới} và các nguồn gốc của sự vi phạm dành cho Bồ-tát đã được dạy ở đây trong “Yếu Lược Của Các Nền Tảng Bồ-tát” trong các giáo pháp Bồ-tát tập kinh. Nếu sau khi đã thành tâm nghiên cứu và phân tích tư duy, những người này có cảm hứng, và nếu việc đó được tiến hành không bởi vì lý do của một người khác và không nhằm đua tranh với ai thì hãy biết rằng đấy là những Bồ-tát đáng tin cậy. Những người này phải nên được truyền giới luật và phải nên theo đúng nghi thức.

Đây là một phương pháp rất tốt bởi vì nếu quý vị hiểu giới luật, đưa chúng nhập tâm, tận tâm xác lập một ước nguyện hành trì và sau đó thọ giới thì đường tu của quý vị sẽ cực kỳ ổn định.

[357] Giải thích các giới luật cả ở đây lẫn phần dưới sẽ quá nhiều lời nên tôi sẽ chỉ ra chúng ở phần dưới. [3]

2’ Thọ giới Bồ-tát sau khi đã xác lập nguyện ước tu học các giới luật.

Tôi đã hoàn tất chi tiết, trong chú giải Lộ Trình Cơ Bản Đến Tỉnh Thức của tôi trong chương giới luật của tác phẩm Bồ-tát Địa Luận[4], trước tiên là cách thức thọ giới, liền sau đó cách thức để giữ gìn không bị phạm trọng giới và các giới nhẹ và sau đó làm sao tu sửa nếu chúng sa sút. Điều dứt khoát thật cần thiết là quý vị đọc và hiểu nội dung này trước khi thọ giới.

3’ Cách tu tập sau khi thọ giới

Phần này bao gồm ba nội dung:

1. Nền tảng của giới luật

2. Làm thế nào giới luật được bao hàm trong sáu Ba-la-mật-đa

3. Tiến trình tu tập các Ba-la-mật-đa (từ chương 9 trở đi)

a” Nền tảng của giới luật

Có vô số cách phân loại thật rõ ràng nhưng nếu quý vị sắp xếp Bồ-tát giới theo loại thì quý vị có thể nhập tất cả chúng vào trong sáu Ba-la-mật-đa. Do đó, sáu Ba-la-mật-đa là cốt lõi vĩ đại của mọi điểm mấu chốt về Bồ-tát đạo. Bốn phong cách thu nạp đệ tử [sự rộng lượng, nói năng dễ nghe, đeo đuổi mục tiêu và hành vi kiên định] cũng được bao hàm trong sáu Ba-la-mật-đa như được giải thích sau đây. Sự rộng lượng thì quá hiển nhiên rồi. Nói năng dễ nghe là việc trao truyền giáo huấn cho các đệ tử, lấy sáu Ba-la-mật-đa làm điểm xuất phát; đeo đuổi mục tiêu là việc xác lập cho người khác các mục tiêu của các giáo huấn này; và hành vi kiên định có nghĩa là chỉ thực hành như là các đệ tử.

Dù rằng sự thật là toàn bộ Bồ-tát đạo thì cũng được gộp vào trong các pháp tóm gọn khác như hai sự tích luỹ[5] tam vô lậu học học [giới, định và tuệ] và vv..., thì những pháp này vẫn không có khả năng sinh khởi các hiểu biết như sáu Ba-la-mật-đa có được. Do đó, sáu Ba-la-mật-đa là một bộ hoàn thiện nhất.

b’’ Cách thức mà tất cả các giới luật được thu tóm trong sáu Ba-la-mật-đa

Phần này bao gồm hai nội dung:

1. Thảo luận chủ đề chính, số lượng cố định các Ba-la-mật-đa

2. Thảo luận phụ về thứ tự cố định của các Ba-la-mật-đa

1” Thảo luận chủ đề chính, số lượng cố định các Ba-la-mật-đa

Đức Thế Tôn phác thảo sơ lược về sáu Ba-la-mật-đa và Nhiếp Chánh Thánh Giả [Maitreya][6] tạo ra tri kiến chắc chắn về những điều này bằng việc phát triển thành các điểm mấu chốt của lý do cơ bản cho việc cấu trúc nên các Ba-la-mật-đa theo với chủ ý của đức Phật. Các lời giải thích này cho thấy số lượng các Ba-la-mật-đa là cố định. Khi quý vị tin vào và kinh ngạc bởi điều này thì quý vị sẽ hiểu rằng tu tập sáu Ba-la-mật-đa là giáo huấn tối cao. Do đó, hãy tiếp thu sự thuyết phục như thế.

Luận bàn về chủ đề chính, số lượng cố định các Ba-la-mật-đa bao gồm sáu nội dung:

1. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ trạng thái cao {tức là nhắm vào việc tái sinh vào cõi người hay trời}

2. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ việc đáp ứng hai mục tiêu {của hành giả}

3. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ việc đáp ứng các mục tiêu của chúng sinh khác

4. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa và sự thu nhiếp của chúng đối với toàn bộ hệ thống Đại thừa

5. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa trong khuôn khổ viên mãn của các lộ trình hay phương tiện

6. Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ trên tam vô lậu học.

(a) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ trạng thái cao

Quý vị cần đến vô lượng liên tục các kiếp sống để hoàn tất đầy đủ các hạnh Bồ-tát hiệu quả một cách to tát. [358] Hơn nữa, để nhanh chóng thành tựu đạo pháp trong những kiếp này, quý vị cần có cuộc sống tuyệt diệu về mọi mặt. Cuộc sống hiện tại của chúng ta không tuyệt hảo về mọi mặt, chỉ có một số mặt thực sự tuyệt hảo mà thôi; chúng ta không tiến bộ được với điều đó mặc dù chúng ta vẫn thực hành giáo pháp. Quý vị cần một cuộc sống có bốn điều tuyệt diệu sau: (1) Tài lực để sử dụng [quả của bố thí Ba-la-mật-đa] (2) Một thân thể để hành động [quả của trì giới Ba-la-mật-đa] (3) Những người đồng hành để cùng hành động [quả của nhẫn nhục Ba-la-mật-đa] (4) Công việc mà quý vị có thể đảm nhiệm một khi đã tiến hành [quả tinh tấn Ba-la-mật-đa]. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, bốn loại tuyệt diệu này một mình có thể trở thành các duyên cho các phiền não, nên quý vị không thể để cho phiền não kiểm soát mình [quả của thiền định]. Bởi vì, nếu chỉ có bốn điều tuyệt diệu này thì vẫn không đủ nên quý vị cũng phải phân biệt được cái nào tiếp nhận và cái nào buông bỏ, chính xác là những điều cần làm và những điều cần bỏ [quả trí huệ Ba-la-mật-đa]. Nếu không, cũng giống như một cây tre hay cây mã đề chết đi sau khi cho quả hoặc con la chết lúc có thai, quý vị sẽ bị bốn điều tuyệt diệu này hủy hoại.

Người trí hiểu được làm thế nào sáu thứ này – bao gồm bốn điều tuyệt diệu, sự kiểm soát phiền não và tri kiến về các điều để tiếp nhận hay để buông bỏ – là các quả của những thiện nghiệp trước đây và họ lại nỗ lực đều đặn tăng trưởng các nguyên nhân lành. Trong khi kẻ dại lại sử dụng cạn kiệt các nhân lành đã tích lũy nhưng họ không tăng thêm thiện nghiệp mới, họ sẽ phải đối diện khổ đau trong tương lai.

Khi quý vị lại làm ra sáu hạnh này trong các kiếp về sau, các sản phẩm của chúng sẽ không phải là không có nguyên nhân hay được hình thành từ các nhân không hoà hợp mà đúng hơn là được hình thành từ các nhân hòa hợp là các Ba-la-mật-đa mà số lượng cố định là sáu. Do đó, trong kiếp sống này, quý vị phải liên tục tự tạo thành thói quen với việc thường xuyên nương tựa vào sáu Ba-la-mật-đa bởi vì sự ưu việt tối cao của các quả sẽ tương ứng với sự ưu việt của các nhân. Một cuộc sống với bốn điều tuyệt diệu tạo nên trạng thái cao tạm thời trong khi trạng thái cao tối hậu, vốn bao gồm từ sự tuyệt diệu tối hậu về thân thể, vv..., tồn tại ở cấp độ Phật tính. Do đó, Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận (Mahayana-sutralamkara) dạy rằng:[7]

Trạng thái cao là sở hữu của tài lực và thân thể tuyệt hảo

Bạn đồng hành và sự tiến hành tuyệt hảo

Không chịu khuất phục trước sức mạnh của phiền não

Và không bao giờ sai lạc trong hành động… [359]

(b) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ việc đáp ứng hai mục tiêu

Khi một người có cuộc sống ở trạng thái cao tu học các hạnh Bồ-tát Ba-la thì những hành động này có thể được phân chia làm hai loại: những hành động đáp ứng mục tiêu của chính người đó và những hành động đáp ứng mục tiêu của tha nhân. Do đó, có một số cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ việc đáp ứng hai mục tiêu này.

Để đáp ứng mục tiêu của tha nhân, trước hết, quý vị phải giúp họ có đồ dùng vật chất. Bởi vì chẳng có lợi lạc nào sẽ đến từ sự bố thí đi kèm theo với việc làm hại chúng sinh, nên quý vị cần giữ giới luật, vốn sẽ mang lại lợi ích lớn cho những người khác mà đó chính là trạng thái phản kháng lại với việc làm hại người khác cũng như là các nguyên nhân của việc gây hại như thế. Để mang điều này đến mức phát triển đầy đủ của nó, quý vị cũng cần nhẫn nhục để bỏ qua sự gây hại đã được tiến hành lên quý vị, bởi vì nếu quý vị mất nhẫn nhục với sự gây hại và trả thù một hay hai lần thì quý vị sẽ không thành tựu trì giới Ba-la-mật-đa thanh tịnh được. Khi quý vị không trả thù, nhờ sự nhẫn nhục của mình, quý vị giúp người khác khỏi việc tích luỹ tội lỗi và hướng thiện cho họ bằng cách cảm hóa họ với sự nhẫn nhục của quý vị. Do đó, thực hành này cũng mang lại lợi ích lớn cho người khác.

Quý vị hãy đạt đến mục tiêu của mình, là niềm hỷ lạc của giải thoát, thông qua năng lực của trí huệ. Vì quý vị sẽ không thành tựu được điều này với một tâm phân tán, quý vị phải đặt tâm mình trong trạng thái cân bằng thiền[8] qua các phương tiện của thiền định, đạt đến một tâm thức khả dụng trong đó quý vị đặt sự chú tâm của mình một cách cố ý lên một đối tượng thiền bất kỳ. Vì một kẻ biếng lười không thể làm được việc này, quý vị cần phải tinh tấn ngày đêm, không chùn bước, do đó đây là nền tảng của các Ba-la-mật-đa khác.

Để hoàn tất hai mục tiêu này, thì số lượng các Ba-la-mật-đa được cố định là sáu. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng: [9]

Những ai nỗ lực vì lợi lạc của chúng sinh

Thực hành bố thí, không làm hại và nhẫn nhục

Và hoàn toàn đáp ứng mục tiêu của chính mình

Với thiền định và giải thoát cũng như với những nền tảng của chúng.

Trong sáu hạnh này, không có sự đáp ứng đầy đủ mục tiêu của người khác[10]. Sự đề cập về “an định {bình ổn} và giải thoát” làm tách biệt giữa hai việc này như là (1) Sự bình ổn của tâm thức lên một đối tượng thiền, đây là dấu vết của thiền định và (2) Sự giải thoát khỏi luân hồi, vốn là dấu ấn của trí huệ. Hãy lưu ý không lẫn lộn định từ thiền và trí huệ. [360] Như thế, những ai khẳng định rằng sự thiền tập về việc cố định chú tâm của thiền giả trong một trạng thái thiếu vắng ý tưởng định danh là thiền tập thâm sâu thật ra đang nói về một mảng duy nhất của thiền định, vốn là một trong sáu Ba-la-mật-đa này. Quý vị phải đạt đến một tri kiến chắc chắn về sáu Ba-la-mật-đa trong tổng thể của chúng.

(c) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ vào việc viên mãn đáp ứng hoàn toàn các mục tiêu của người khác

Trước hết, quý vị phải giảm thiểu sự đói nghèo của người khác bằng cách bố thí tài sản. Kế tiếp, quý vị không được hại bất kỳ người nào và hơn nữa, phải nhẫn nhục khi bị hại. Không chút chán nản, quý vị phải hoan hỷ nhẫn nhục giúp đỡ kẻ đã hại mình. Quý vị hãy dựa vào thiền định và cảm hóa những người này bằng cách thi triển thần thông và vv.... Khi họ đã sẵn sàng thọ lãnh giáo pháp, quý vị hãy dựa vào trí huệ và đưa ra những lời thuyết giảng hay, xóa tan nghi ngại của họ và từ đó, đưa họ đến với sự giải thoát. Bởi vì quý vị thực hiện tất cả những điều này, số lượng các Ba-la-mật-đa được cố định lại là sáu. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[11]

Thông qua việc giúp người khác giảm nghèo, không hại họ

Nhẫn nhục khi bị làm hại, không chán nản khi bị làm hại

Hãy làm họ vui lòng, nói năng dịu dàng với họ

Là ngươi đáp ứng mục tiêu của tha nhân vốn đáp ứng mục tiêu của chính ngươi.

Đoạn kệ này, cùng với đoạn ở trên, nói rằng quý vị sẽ không thể đáp ứng mục tiêu của quý vị và của người khác nếu quý vị không dựa vào sáu Ba-la-mật-đa. Một khi quý vị vững tin về cách mà trong đó đáp ứng mục tiêu của quý vị và người khác thông qua sáu Ba-la-mật-đa, quý vị sẽ trân quý việc tu tập sáu Ba-la-mật-đa này.

(d) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa và sự thu nhiếp của chúng đối với toàn bộ hệ thống Đại thừa

Quý vị dửng dưng trước của cải vật chất bởi vì quý vị không bám chấp vào những thứ mà quý vị có và không theo đuổi những thứ mà quý vị thiếu thốn. Bởi vì quý vị có khả năng trì giới, quý vị thọ lãnh và tôn trọng giới luật. Quý vị kiên nhẫn với khổ đau đến từ các chúng sinh hữu tình và các pháp vô tình và quý vị nhiệt tâm với bất kỳ công đức nào mà quý vị nuôi dưỡng, do đó, chớ có nản lòng bởi bất kỳ các thứ này. Quý vị tu tập du-già không rời rạc về định từ thiền và tu tập du-già không rời rạc về tuệ giác. Sáu thứ này thu nhiếp toàn bộ các pháp tu Đại thừa mà qua đó quý vị sẽ tinh tấn nhờ sáu Ba-la-mật-đa, bởi vì quý vị hoàn tất các pháp tu này theo các giai đoạn qua phương tiện của sáu Ba-la-mật-đa và quý vị sẽ không cần gì hơn ngoài sáu Ba-la-mật-đa này. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng: [12]

Toàn bộ Đại thừa được tóm tắt trong

Việc không tham của cải

Tôn quý mà không chán nản trong hai đường

Và các pháp du-già không rời rạc.

Với điều này, thật là mâu thuẫn nếu muốn bước vào Đại thừa nhưng lại chối bỏ việc tu tập sáu Ba-la-mật-đa.

(e) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa dưới góc độ viên mãn của đường tu hay phương tiện

Đạo, hay phương tiện, để khiến không bị tham chấp vào tài sản mà quý vị đang sở hữu chính là hạnh bố thí bởi vì quý vị sẽ không bám chấp vào của cải của quý vị nữa bằng cách quen thuộc với việc cho tặng chúng đi. Phương tiện ngăn không cho quý vị bận tâm về việc tìm cách sở hữu cái mà quý vị không có là giới luật bởi vì khi thọ tỳ kheo giới, quý vị sẽ không có tất cả các mối bận tâm của việc kiếm sống. Phương tiện để không bỏ rơi chúng sinh là nhẫn nhục bởi vì quý vị sẽ không tuyệt vọng trước khổ đau do người khác hại quý vị. Phương tiện để tăng trưởng thiện hạnh là tinh tấn bởi vì quý vị sẽ tăng trưởng thiện hạnh khi quý vị tinh tấn đối với công việc mà quý vị đảm nhận. Phương tiện để xua tan vô minh là hai Ba-la-mật-đa cuối bởi vì thiền định xóa tan phiền não và trí huệ xóa tan các ngăn trở nhận thức. Như vậy, số lượng các Ba-la-mật-đa được cố định là sáu. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[13]

Không chấp thủ vào các đối tượng là một phương tiện;

Phương tiện khác là không bận tâm tìm cách sở hữu chúng

Không bỏ rơi chúng sinh, tăng trưởng các thiện hạnh

Và xua tan che chướng là những phương tiện khác.

Những lời giải thích sau đây tạo ra niềm tin vững mạnh về sáu Ba-la-mật-đa. Để không phân tâm bởi các đối tượng nhục dục, quý vị cần hạnh bố thí mà không tham chấp. Để ngăn chận các cảm nghiệm giác quan khởi sinh, quý vị cần giới hạnh, vốn hạn chế sự phân tâm bởi các sự việc vô nghĩa lý [các hành động sai lầm do bị ngăn cấm hoặc các hành động sai lầm do bản chất]. Trong hoàn cảnh có rất nhiều chúng sinh ứng xử không tốt mà quý vị có nguy cơ gặp gỡ thường xuyên, quý vị cần một cơ duyên mạnh mẽ để lấy nhẫn nhục như là một biện pháp đối trị để buông xả vì phúc lợi của họ. Nhằm tăng cường công đức trong khuôn khổ của một số lớn các hành vi và tu tập của nó trong thời gian dài, quý vị cần có hạnh tinh tấn, vốn mang lại niềm hứng khởi lớn lao và lâu dài có được từ việc quán chiếu lợi ích của các hành vi thiện đức … Nhằm đoạn diệt phiền não, quý vị cần tu tập thiền định và để phá huỷ các hạt giống và các che chướng nhận thức, quý vị cần trí huệ. [362]

(f) Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa căn cứ trên tam vô lậu học

Bản chất của việc tu tập giới luật [phần đầu tiên của tam vô lậu học] là hành trì giới luật. Tiền đề của việc tu tập giới luật là hạnh bố thí vì một khi quý vị đã có lòng bố thí, vốn giúp quý vị không coi trọng của cải, quý vị có thể tuân thủ giới luật một cách thích hợp. Phương tiện hỗ trợ tu tập giới luật là hạnh nhẫn nhục bởi vì lòng nhẫn nhục, không trả thù khi bị chửi mắng chẳng hạn, sẽ giúp quý vị nghiêm chỉnh giữ gìn giới luật. Thiền định là luyện tâm [phần thứ hai, tu tập về thiền định] và trí huệ là tu tập về trí huệ [phần thứ ba]. Hạnh tinh tấn thì được thu nhiếp trong cả ba pháp tu, do đó, số lượng các Ba-la-mật-đa được gút lại là sáu. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[14]

Đức Phật đã trình bày đúng về sáu Ba-la-mật-đa

Liên quan đến tam vô lậu học: phần đầu tiên là ba hạnh

Hai trong sáu Ba-la-mật-đa liên quan đến hai phần còn lại

Còn Ba-la-mật-đa kia được bao hàm trong cả tam học.

Với một đời sống thiện hảo, quý vị sẽ đáp ứng mục tiêu của người khác hay của chính quý vị. Quý vị thực hành một số pháp môn vì có được nhiều phương tiện khác nhau, tuỳ thuộc vào truyền thừa mà quý vị quy ngưỡng. Hãy hiểu theo cách rằng sáu Ba-la-mật-đa bao gồm và sẽ đáp ứng các phương diện nêu trên – cuộc sống, các mục tiêu, Đại thừa, các phương tiện và các tu tập. Hãy quán chiếu cho đến khi quý vị được thuyết phục thêm thật sâu cách thức sáu Ba-la-mật-đa là tổng của tất cả các điểm cốt lõi trong tu tập Bồ-tát.

Hơn nữa, có hai nguyên nhân khiến cho người ta thoạt tiên không thể vượt thoát luân hồi được là tham chấp của cải và tham chấp gia đình. Các biện pháp đối trị lần lượt là Ba-la-mật-đa bố thí và giới luật.

Một lần quý vị có thể phát khởi các tham chấp sau đây, nhưng vẫn quay đi mà không đạt đến điểm cuối cùng. Có hai lý do: khổ đau từ hành động sai trái của chúng sinh và trở nên chán nản về chiều dài của thời gian mà quý vị đã ra công. Các biện pháp đối trị lần lượt là nhẫn nhục và tinh tấn. Một khi quý vị hiểu cách thức duy trì việc xem nhẹ mọi khổ đau và nguy hại, cũng như là duy trì một nhiệt tâm để xem vĩnh hằng như là chỉ có một ngày, quý vị phải thực hành chúng theo nhiều cách khác nhau. [363] Nếu quý vị thực hiện điều này thì quý vị sẽ phát khởi được lòng nhẫn nhục và sự tinh tấn vốn có thể tác động như biện pháp đối trị các nguyên nhân khiến quý vị quay đi. Do đó, chúng rất là quan trọng. Đừng bận tâm đến vấn đề các Bồ-tát hạnh, ngay cả với mối liên hệ đến sự nuôi dưỡng thiện đức ngày nay, có nhiều người khởi đầu nhưng chỉ có một số ít không quay bước sau một thời gian bởi vì (1) khả năng chịu đựng gian khổ của họ kém cỏi (2) nhiệt tâm của họ đối với đường tu không đáng kể. Đây là hậu quả của việc không thực hành các lời dạy biệt truyền về nhẫn nhục và tinh tấn.

Có hai lý do khiến thiện đức của quý vị trở nên uổng phí ngay cả khi quý vị không quay bước sau một thời gian tu tập: đó là sự xao lãng, nó khiến quý vị không chú tâm được vào một đối tượng thiện lành trong lúc hành thiền và phát khởi trí huệ sai lạc. Biện pháp chữa trị lần lượt là thiền định và tuệ giác. Thiền định là một biện pháp đối trị bởi vì chẳng hạn ngay cả với các thực hành công đức như tụng chú hay tụng kinh hàng ngày đều là vô nghĩa nếu sự chú tâm của quý vị lang thang đến nơi nào khác. Tuệ giác là một biện pháp đối trị bởi vì nếu quý vị thất bại trong việc phát triển trí huệ để khai triển toàn bộ kho tàng tri kiến của Phật, thì quý vị sẽ sai lầm về điều cần được tiếp nhận và cái phải bị loại bỏ, ngay cả đối với điều hiển nhiên, và sau đó, tự mình sẽ hành xử sai trái. Điều này xác định số lượng các Ba-la-mật-đa là sáu trong vai trò chúng là biện pháp đối trị để loại bỏ các pháp không tương hợp với thiện đức.

Số lượng cố định các Ba-la-mật-đa được gút lại thành sáu căn cứ trên dữ liệu rằng chúng là nền tảng cho việc thành tựu từng phẩm tính của Phật. Đó là vì bốn Ba-la-mật-đa đầu tiên là tiền đề cho thiền định, nên, qua bốn Ba-la-mật-đa này, quý vị thành tựu được thiền định – Ba-la-mật-đa của sự phi phân tâm. Hơn nữa, khi quý vị nuôi dưỡng trí huệ trên cơ sở định tâm này, quý vị sẽ thấu hiểu được thực tại.

Cố định số lượng các Ba-la-mật-đa lại thành sáu về phương diện phù hợp của chúng với việc giúp đỡ chúng sinh trưởng thành cũng đồng nghĩa với điểm thứ ba [đáp ứng mục tiêu của người khác] đã đề cập trước đây.

Tôi đã giải thích ở đây các lời dạy của tôn giả Vô Trước như là đã được trình bày bởi đại sư Sư Tử Hiền {skt. Haribhadrā} [trong tác phẩm Hiện Quán Trang Nghiêm Phẩm (Abhisamayalaṃkārāloka)[15] của ngài]. Điều cực kỳ quan trọng là vững tin vào sáu Ba-la-mật-đa.

2” Thảo luận phụ về thứ tự cố định của các Ba-la-mật-đa

Phần này có ba nội dung:

1. Thứ tự khởi sinh

2. Thứ tự cao thấp

3. Thứ tự thô lậu và vi tế

 (a) Thứ tự khởi sinh

Khi quý vị có thi hành bố thí, dửng dưng và không tham chấp đối với của cải tức là quý vị hành trì giới luật. [364] Khi quý vị giữ giới để không làm điều gì sai trái thì quý vị nhẫn nhục đối với kẻ hại quý vị. Khi quý vị có lòng nhẫn nhục thì quý vị sẽ không chán nản trước gian khó; các duyên {điều kiện} để từ bỏ thiện đức rất ít, nên quý vị có năng lực để tinh tấn. Một khi quý vị tinh tấn ngày đêm, quý vị sẽ phát khởi được sự tập trung từ thiền khiến dễ dàng cho việc dụng công sự chú tâm của quý vị lên các đối tượng thiện đức của thiền. Khi tâm quý vị ở trạng thái cân bằng thiền, quý vị sẽ thấy biết thực tại một cách chính xác.

 (b) Thứ tự cao thấp

Mỗi Ba-la-mật-đa đứng trước thì thấp hơn Ba-la-mật-đa đứng sau.

(c) Thứ tự thô lậu và vi tế

Ba-la-mật-đa đứng trước dễ tu tập và thực hành hơn Ba-la-mật-đa đứng sau và do đó, thô lậu hơn Ba-la-mật-đa sau. Ba-la-mật-đa sau khó tu tập và thực hành hơn Ba-la-mật-đa trước và do đó, vi tế hơn Ba-la-mật-đa trước. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng: [16]

Bởi vì Ba-la-mật-đa sau khởi sinh phụ thuộc vào các Ba-la-mật-đa trước

Bởi vì chúng được phân thành thấp cao

Và bởi vì chúng vi tế và thô lậu

Nên chúng được thuyết giảng theo thứ tự.

 


[1]Còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (skt. Pratimokṣa) là các giới thông dụng cho tì kheo và tì-kheo ni.

[2]BA174 Bbh, Wogihara 1971:155; D4037: Wi 85a4-6. Ngag-dbang-rab-brtan (mChan 671.3-4) cho rằng “Tổng Kết Các Nền Tảng Bồ-tát” là bao gồm cả chương Bbh về giới luật lẫn Bbh tự nó.

[3]BA175 LRCM: 364.10. Toàn bộ phần về dàn bài của tiêu đề “c’’ tiến trình về việc tu học sáu Ba-la-mật-đa” bắt đầu trong chương 9.

[4]BA176 Tựa đề ở đây là Tshul khrims le'n 'grel pa.

[5]Dịch từ thuật ngữ Anh “Two Collections” ý nghĩa bao gồm hai thuật ngữ Phạn puṇyasambhāra và jñānasambhāra tương ứng với hai tích luỹ về công đức và trí huệ. Tuy nhiên, theo học giả Alexandre Berzin thì dịch thuật ngữ sambhāra thành tích luỹ hay mạng lưới (eng. collections or networks) là không được chính xác. Đúng hơn nó phải được dịch thành mạng lưới tỉnh thức thâm diệu. Như vậy thì thuật ngữ trên có thể hiểu là mạng lưới tỉnh thức thâm diệu của công đức và trí huệ. The Two Enlightenment-Building Networks. Berzin Archieves. Truy cập 18/09/2011.

<http://www.berzinarchives.com/web/en/archives/sutra/level4_deepening_understanding_path/path/2_enlightenment_build_networks.html>.

[6]Tức là người sẽ lên thay vị trí cho đức Phật Thích-ca trong tương lai. Đây là một danh xưng khác của Phật Di-lặc.

[7]BA177 Mahāyānā-sūtralaṃkāra-kārikā {Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận} (MSA): 16.2; D4020: Phi 21a6-7.

[8]Cân bằng thiền (eng. meditative equipoise) là trạng thái thiền sâu mà tại đó dòng tâm thức của hành giả không còn bị chi phối bởi các trạng thái trạo cữ và hôn trầm, tức là không còn các dao động nữa. Dòng tâm thức lúc đó được xem là không bị phân tán cũng không bị mê trầm sáng tỏ và bền vững.

[9]BA178 MSA: 16.3; D4020: Phi 21a7.

[10]BA179 Geshe Yeshe Tapkay nói rằng Tsongkhapa dường như đưa ra một mệnh đề tổng quát rằng người ta cần nhiều hơn là sáu Ba-la-mật-đa để hoàn toàn đáp ứng các mục đích cho tha nhân những pháp như là hoán chuyển ngã tha và Bồ-đề tâm.

[11]BA180 MSA: 16.4; D4020: Phi 21a7-b1.

[12]BA181 MSA: 16.5; D4020: Phi 21b1.

[13]BA182 MSA: 16.6; D4020: Phi 21M-2.

[14]BA183 MSA: 16.7; D4020: Phi 21b2-3.

[15]Tên Phạn đầy đủ của bộ luận này là Āryāṣṭa-sāhasrikā-prajñāpāramitā-vyākhyāna-abhisamayalaṃkārāloka-nāma (nghĩa là Bát Thiên Bát-nhã Ba-la-mật-đa Thích Hiện Quán Trang Nghiêm Phẩm).

[16]BA184 MSA: 16.14; D4020: Phi 21b4-5.

Xem mục lục