Tóm tắt
1. Hạn giữ y dư (10 ngày) 2. Lìa y mà ngủ 3. Hạn cất vải dư (1 tháng) 4. Xin y không thân 5. Nhận vải quá phần 6. Xin thêm tiền y 7. Khuyên chung tiền lại 8. Đòi quá 6 lần 9. Cầm giữ tiền của 10. Mua bán bảo vật 11. Bán mua đổi chác 12. Xin bát quá phần 13. Không thân xin nhờ 14. Bảo thợ dệt thêm 15. Cho rồi đoạt lại |
16. Cất chứa nhiều đồ 17. Giữ y cúng gấp 18. Xoay nhiều về một 19. Đòi vầy đòi khác 20. Pháp đường thành y 21. Xoay một về nhiều 22. Cúng vầy xoay khác 23. Xin vầy xoay khác 24. Chứa nhiều bát tốt 25. Chứa nhiều đồ đẹp 26. Không cho bệnh y 27. Dùng y phi thời 28. Đổi rồi đòi lại 29. Áo dày quá giá 30. Áo mỏng quá giá |
1. GIỮ Y QUÁ HẠN:
Phật ở Xá vệ chế giới tỷ kheo không được giữ quá 3 y. Vào một mùa an cư, tôn giả A nan được cúng dường một tấm y ca sa đẹp. Ngài đã có đủ y, nhưng muốn giữ cái y này để dành cúng tôn giả Ca diếp đang an cư xa chưa về, mà lại sợ phạm giới bèn đến bạch Phật. Phật hỏi: "Ca diếp chừng nào về đến?"
A nan thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, khoảng mười ngày nữa".
Phật bèn chế giới hạn cho phép chứa y dư là trong vòng 10 ngày, quá hạn ấy phải bạch tăng để làm phép "tịnh thí". Tịnh thí có hai loại, là "chân thật tịnh khí" và "triển chuyển tịnh thí". Loại một là cho đứt một người nào chưa đủ ba y. Loại hai là sau khi bạch chúng để xả y dư, đương sự nói lên tên người mình muốn cho, rồi mỗi khi cần dùng những y ấy, thì phải mượn. (Theo HT Trí Quang).
Theo Ni sư Phật Oanh thì trong pháp "chân thật tịnh thí" đương sự phải hỏi chủ mới được mặc, còn "triển chuyển" thì khỏi cần hỏi cũng mặc được, không phạm.
Chân thật tịnh thí thì ở giữa chúng, đương sự tác bạch với một vị như sau: "Bạch đại đức, tôi có y dư này chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức".
Triển chuyển tịnh thí thì bạch:
"Bạch đại đức, tôi có y dư chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức. Xin đại đức triển chuyển tịnh thí giùm tôi".
Vị thọ tịnh trong trường hợp này nên nói:
"Đại đức, xin nghe cho. Đại đức có y dư, chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi, tôi sẽ nhận".
Nhận xong lại hỏi:
"Nay đại đức muốn tôi chuyển cho ai?". Đương sự đáp: "Cho vị tên Cột".
Vị thọ tịnh nên nói:
"Đại đức, xin nghe cho. Y dư của đại đức chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi. Nay tôi nhận để cho vị tên Cột. Nhưng vị tên Cột đã có đủ y, vậy đại đức nên vì Cột mà giữ gìn y ấy, khi cần thì cứ lấy mà mặc".
2. LÌA Y MÀ NGỦ:
Phật ở Xá vệ chế giới. Nhóm 6 Tỳ kheo phạm. Một Tỳ kheo trong chùa ngày nào cũng đem nhiều y ra phơi cho khỏi hư mục. Các Tỳ kheo hỏi sao có nhiều y dư không bạch, vị ấy đáp đấy là của Lục quần Tỳ kheo nhờ giữ hộ để du hành. Phật nhân đấy nhóm tăng chế giới không được rời y ngủ cách đêm.
3. CHỨA VẢI QUÁ HẠN:
Phật ở Xá vệ chế giới. Sau khi Phật cấm chứa vải (y) dư, một Tỳ kheo có y tăng già lê bị rách, muốn sắm y khác nhưng chưa có đủ vải, mà không dám giữ những mảnh vải hiện có vì sợ phạm. Phật bèn cho phép nếu có hi vọng được thêm vải để may y, thì cho phép giữ vãi vụn chờ được thêm cho đủ. Lục quần Tỳ kheo nhân đấy đi xin nhiều vải ra phơi, các Tỳ kheo biết chuyện bạch Phật. Phật bèn chế giới cho giữ vải vụn trong vòng một tháng phải may thành y, quá hạn ấy mà còn giữ bo bo thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề.
4. XIN Y KHÔNG THÂN:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Tỳ kheo Bạt nan đà có tài ăn nói lưu loát, biết nhiều hiểu rộng, một buổi sáng sớm tình cờ gặp một ông trưởng giả mặc áp lông cừu sang trọng đi vào vườn Cấp cô độc vãn cảnh. Nghe Tỳ kheo nói chuyện quá hay, ông ta phát tâm muốn cúng dường: "Tôi muốn cúng dường đại đức, đại đức cần gì xin nói cho tôi biết?".
Bạt nan đà muốn trêu ông ta bèn nói: "Điều mà tôi cần, ông không thể nào cho được, nói ra cũng vô ích mà thôi".
Trưởng giả năn nỉ: "Không hề gì, xin đại đức cứ nói đi. Tôi sẽ đá ứng".
- "Thật không?".
- "Thật".
Bạt nan đà nói: "Tôi cần cái áo lông cừu trên người ông đang mặc".
Ông trưởng giả nói: "Cũng được, nhưng xin hãy để đến mai, tôi sẽ cho người mang đến. Vì hôm nay đi dạo sớm, tôi chỉ khoác một cái áo này ra ngoài cho mau".
Bạt nan đà bèn bảo: "Thấy chưa? Tôi đã nói là điều tôi xin, ông không thể nào đáp ứng, thì nay quả nhiên như vậy".
- "Không phải là tôi không thể cúng cho đại đức cái áo này, tôi chỉ nói là hãy để đến mai".
- "Tôi không cần nó ngày mai, tôi cần ngay bây giờ. Ông tiếc của thì cứ nói phứt đi, đừng bày đặt nói loanh quanh để từ chối".
Bị chạm tự ái, ông trưởng giả bèn cởi phăng cái y đưa cho tôn giả rồi hằm hằm ra về. Thấy ông mang giày da sang trọng, vận quần xa tanh dài láng bóng, nhưng mình lại ở trần trùng trục mà tản bộ giữa đường, không ai không ngạc nhiên. Về đến cổng, gia nhân ra chào đón thấy vậy thất kinh hỏi dồn: "Thưa chủ nhân, cái áo cừu đẹp của chủ đâu rồi? Phải chăng chủ đã bị bọn cướp đường trấn lột?".
- "Phải, ta đã bị Sa môn Thích tử trấn lột mất cái áo cừu". Thiên hạ bu tới biết chuyện, chê bai Tỳ kheo tham cầu không biết chán; dù người ta có cho cũng không nên nhận những vật đắt giá, huống hồ cưỡng bức mà xin. Khi câu chuyện này đến tai Phật, ngài bèn họp tăng chế giới: "Với người cư sĩ không thân, không được xin y".
5. NHẬN VẢI QUÁ PHẦN:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Khi các Tỳ kheo bị cướp sạch hết y phục được phép đi xin y, các cư sĩ thấy tội nghiệp bè đua nhau cúng y cho họ. Lục quần Tỳ kheo xúi những vị này nên thừa dịp ấy cứ nhận thật nhiều rồi về cho bớt anh em. Phật bèn chế giới không được nhận quá phần y mình được giữ.
6. XIN THÊM TIỀN Y:
Phật ở Xá vệ, Bạt Nan Đà phạm đầu tiên. Các Tỳ kheo đi khất thức nghe một nhà cư sĩ nọ đang bàn tính chuyện may y cúng cho Tỳ kheo Bạt Na Đà, bèn về mách lại. Bạt Nan Đà thân hành đi đến nhà ấy, nói: "Lành thay, nghe nói cư sĩ muốn cúng cho tôi, vậy hãy cúng một tấm y như vậy như vậy...". Thái độ của Bạt Nan Đà làm cư sĩ bất mãn, nhất là ông đòi một cái y đắt tiền hơn cái giá tiền y mà họ muốn cúng.
7. KHUYÊN CHUNG TIỀN LẠI:
Cũng như trên, người phạm là Bạt Nan Đà. Ông nghe lỏm biết có hai nhà cư sĩ cùng muốn cúng y, sợ họ cúng hai cái y xấu (mà ông có thể phải xả bớt một), ông bèn đến điều đình hai nhà nên chung tiền sắm một cái cho tốt. Cư sĩ chê bai, Phật chế giới.
8. ĐÒI QUÁ 6 LẦN:
Phật ở Xá vệ chế giới. Bạt Nan Đà được cúng tiền y, giao cho một cư sĩ giữ. Đến khi cần, ông đi đến cư sĩ gặp lúc ông này đang bận túi bụi công việc, sắp phải dự một phiên họp hàng năm của các thương gia, ai đi trễ bị phạt năm trăm quan tiền. Cư sĩ giữ tiền của Bạt Nan Đà năn nỉ ông ta chờ đến khi đi họp về sẽ giao tiền may y, nhưng Bạt Nan Đà nhất quyết đòi cho được, cuối cùng ông ta phải về nhà lấy, và do vậy trễ cuộc họp, phải bị phạt. Cư sĩ chê bai: "Tỳ kheo gì mà lại làm cho người ta sạt nghiệp".
9. CẦM GIỮ TIỀN CỦA:
Phật ở Xá vệ, Bạt Nan Đà phạm. Nhân Bạt Nan Đà có vàng do bà vợ một ông đại thần cúng, ông đem vào chợ gửi cho cư sĩ giữ, bị chê bai. Phật khiển trách và chế giới.
10. MUA BÁN BÁO VẬT:
Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà đem vật xin được chỗ này đến chỗ kia trong chợ mà đổi chác. Khi Xá Lợi Phất đi khất thực đến những nơi đã từng đổi chác với bcn, họ bèn hỏi: "Ông có gì đổi không? Trước đây một tỳ kheo luôn luôn có thứ này thứ khác để đổi với chúng tôi, nay ông đến tay không thì sao được?" Xá Lợi Phất về bạch Phật, Phật chế giới.
12. XIN BÁT QUÁ PHẦN:
Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà làm bể bình bát, bèn đến các nhà cư sĩ xin. Nhà nào ông cũng khai rằng bát bể, hãy cho tôi một cái mới. Các cư sĩ ai cũng hoan hỉ cúng dường. Cúng xong gặp nhau họ khoe: "Hôm nay tôi làm được việc phước đức lớn".
- "Việc gì?"
- "Cúng bát cho Tỳ kheo".
- "Cúng cho ai?"
- "Đại đức Bạt Nan Đà Thích tử!".
- "Thì tôi cũng vậy". Khi ấy họ vỡ lẽ Bạt Nan Đà đến nhà ai cũng xin bát, lấy làm bất mãn, chê bai tới tai chúng tăng.
13. KHÔNG THÂN XIN NHỜ:
Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà đi đến các nhà cư sĩ xin chỉ để dệt y tăng già lê (đại y). Sau khi xin được thật nhiều chỉ có thể may đến ba cái y, ông đem tới một người thợ dệt không thân nhờ dệt giúp. Thợ dệt trông thấy Tỳ kheo xin quá nhiều chỉ, bèn chê vị ấy tham cầu không chán.
14. BẢO THỢ DỆT THÊM:
Phật ở Xá vệ chế giới. Bạt nan đà nghe lỏm có cư sĩ đang gửi chỉ nơi một thợ dệt để dệt y cho mình bèn tức tốc đến nơi thợ dệt ấy mà hỏi thực hư. Thợ dệt xác nhận, và đưa chỉ người kia cúng cho ông ta xem. Bạt nan đà bảo, cứ dệt cho dày, tốt, rồi tôi sẽ trả thêm tiền công cho. Thợ dệt nói bấy nhiêu chỉ thì dày, tốt gì nổi, phải thêm vào mới đủ. Bạt nan đa bèn tới nhà cư sĩ nọ, nói cái y dệt cúng cho tôi còn thiếu chỉ. Gặp lúc cư sĩ vắng nhà, bà vợ đưa chỉ tốt cho tỳ kheo đem đi. Khi thợ dệt giao hàng đến nhà, cư sĩ thấy cái y có hai thứ chỉ, không như ý mình muốn cúng ban đầu, bèn hỏi vợ mới biết tỳ kheo đã đến nhà lấy thêm chỉ tốt hơn để giao cho thợ dệt. Cư sĩ nổi giận chê bai phỉ báng.
15. CHO RỒI ĐOẠT LẠI:
Phật ở Xá Vệ chế giới. Trong vườn Cấp cô độc bấy giờ có một tỳ kheo trẻ tuổi giỏi đi khuyến hóa, thường được cúng nhiều Bạt nan đà tặng cho ông này một tấm y để dụ ông ta cùng đi với mình. Sau đó, có nhiều tỳ kheo khác nói cho tỳ kheo trẻ biết hoặc Nan đà thiếu tư cách, thường bị Phật quở, và khuyên ông ta đừng đi chung. Tỳ kheo trẻ nghe lời, đổi ý không chịu đi theo Bạt nan đà nữa. Bạt nan đà giận đòi y lại, ông kia nói: "Đại đức đã cho con rồi, sau bây giờ đòi lại?"
- "Ta cho ngươi vì nghĩ rằng ngươi sẽ theo ta. Bây giờ ngươi đổi ý thì hãy trả y lại."
Tỳ kheo trẻ không trả, Bạt nan đà dùng vũ lực cưỡng đoạt y lại, bị chúng tăng chê rồi bạch lên Thế Tôn. Phật chế giới đã cho rồi không được đòi lại.
16. CẤT CHỨA NHIỀU ĐỒ:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Tỳ kheo Tất lăng già bà sa và chúng đệ tử của ông xin được nhiều vật thực, đem về chất đầy một nhà gồm những đồ chứa đủ cỡ, đựng sữa tươi, đường phèn, dầu, bơ… để ruồi bu, kiến đậu. Cư sĩ vào chùa trông thấy chê bai.
17. GIỮ Y CÚNG GẤP:
Phật ở Tỳ lan nhã, nhân lục quần tỳ kheo và Bạt nan đà mà chế giới. Thể theo lời cầu thỉnh của một Bà la môn giàu có, Phật cùng chúng tăng đến thôn ấp của ông mà an cư ba tháng mùa mưa. Sau đó, Bà la môn bị ma ám nên không nhớ gì đến chuyện đã thỉnh Phật. Suốt mùa an cư ấy Phật và chư tăng phải tạm dùng lúa ngựa để sống qua ngày. Khi sách mãn hạ an cư, Bà la môn mới nhớ tới chuyện cúng dường, bèn đến sám hối và thỉnh Phật cùng chư tăng lưu lại ba tháng nữa, nhưng Phật từ chối. Bà la môn năn nỉ xin được có một ngày cúng dường Phật và chúng tăng y thực. Phật im lặng nhận lời. Bà la môn bèn mang thật nhiều y thực thượng hạng đủ dùng cả ba tháng mà cúng dường Phật và chúng tăng trong ngày hôm đó để bù lại việc khinh suất của mình vừa qua. Lục quần tỳ kheo thấy Phật cho phép nhận y trong mùa an cư, và cấm nhận y khi an cư chưa xong, phải đợi cho đến ngày Tự tứ.
Về sau, có hai viên quan chưa đến mùa Vu lan (còn những mười ngày nữa) đã đến Tinh xá Kỳ viên xin cúng dường y gấp để đi đánh giặc, vì không kịp chờ đến ngày Tự tứ. Các tỳ kheo không dám nhận, bạch Phật, Phật nhân đấy chế giới này lần thứ hai, cho phép nhận y cúng gấp trước Tự tứ mười ngày. Quá mười ngày phải bạch trước chúng tăng để làm phép "chứa y dư", nếu không bạch thì cái y ấy gọi là y phi thời, nghĩa là nhận không đúng lúc. Y nhận đúng lúc, được phép mặc gọi là "thời y" nghĩa là y nhận từ rằm tháng bảy đến rằm tháng chạp (nếu có thọ y công đức).
18. XOAY NHIỀU VỀ MỘT:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Bạt Nan Đà biết một cư sĩ đang sắm sửa y thực để cúng cho chư tăng ở Kỳ viên tinh xá, bèn tới nhà nói: "Phật và chúng tăng đã được vua và đại thần cúng nhiều y sang quý tốt đẹp, chỉ có tôi còn thiếu. Ông cúng chư tăng thực phẩm là đủ rồi, khỏi cần cúng vải vóc làm gì". Cư sĩ làm theo lời, chỉ cúng thức ăn. Các Tỳ kheo biết chuyện, bạch Phật. Phật chế giới "không được xoay vậy người ta định cúng chư tăng về cho một mình mình".
19. ĐÒI VẦY ĐÒI KHÁC:
Phật ở Xá vệ chế giới. Tỳ kheo ni Thâu La Nan Đà dung mạo xinh đẹp, được sĩ khoái nên cô đòi gì được nấy. Vì quen được chiều chuộng nên cô yêu sách đủ điều, xin thứ này được cư sĩ đáp ứng xong cô lại đổi ý trả lại, đòi thứ khác. Nhiều lần như vậy, cư sĩ đâm chán, chê bai đồn đến tai chúng tăng.
20. PHÁP ĐƯỜNG THÀNH Y:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Nhân thấy một chúng Tỳ kheo ni ngồi giữa trời mà bố tát thuyết giới, cư sĩ chung nhau tiền đem đến cúng cho ni để làm một pháp đường (nhà để chư tăng thuyết giới bố tát hay giảng Kinh Luật Luận). Chư ni nhóm họ bàn rằng, làm nhà thuyết giới thì phải trông coi thợ nề thợ một, vật liệu... quá phiền phức, mà mỗi tháng chỉ có hai lần bố tát là cần dùng đến nhà ấy. Còn y phục thì xin kiếm khó khăn, vậy ta nên đem tiền làm pháp đường mà chia cho chúng may y. về sau, cư sĩ lại thấy chư ni ngồi bố tát giữa trời, hỏi ra mới biết tiền họ cúng làm nhà giảng đã được phân manh mún chia nhau. Cư sĩ chê bai: "Ai chả biết y phục khó kiếm? Chính vì nghe Phật dạy làm pháp đường cúng cho tứ phương tăng hành đạo thì được phước vô lượng, chúng ta mới đem tiền đến cúng làm pháp đường chứ". Giới này bao hàm sự "xoay vật cúng cho tứ phương tăng thành ra hiện tiền tăng trong chùa".
21. XOAY MỘT VỀ NHIỀU:
Phật ở Xá vệ chế giới. Bấy giờ các tỳ kheo ni ở Xá vệ nghe nói ni sư An Ổn sắp đến, họ bèn đi khắp thành phố xin tứ sự cho ni sư. An Ổn là một ni sư có danh tiếng thời bấy giờ, nên nghe nói duyên cho ni sư An Ổn thì phật tử mộ đạo ai cũng hoan hỉ cúng dường trọng hậu đủ thứ cần dùng. Nhưng rốt cuộc chờ cả tháng ni sư không đến, chư ni bèn đem phân chia cho chúng tất cả những gì đã quyên cho bà An Ổn. Chia xong thì An Ổn là dò đến, không có vật dụng bà ôm y bát vào thành để khất. Các cư sĩ thấy, bèn tới chùa hỏi: "Những vật thực và đồ dùng chúng tôi cúng cho ni sư ấy đi đâu cả rồi?". Các Tỳ kheo ni cứ thật trình bày, cư sĩ chê bai đủ điều, tới tai chúng tăng, tăng bạch Phật. Phật chế giới "hồi tác dư dụng" này, bao hàm sự "xoay đồ cúng cho một người về cho nhiều người" hay cả chúng, nghĩa là lợi dụng danh nghĩa một vị có tên tuổi để đi xin, rồi mang về phân chia cho nhiều người khác.
22. CÚNG VẦY XOAY KHÁC:
Phật ở Xá vệ, nhân ni An Ổn phạm mà chế giới. Bà đi khất thực, khi được các cư sĩ hỏi thăm về chỗ ở, bà than phiền là chật chội, ồn ào, đủ thứ. Cư sĩ chung tiền cúng cho bà làm một phòng riêng mà ở cho thanh tịnh. Sau đó, ni An Ổn đem tiền ấy sắm y để mặc, gặp cư sĩ hỏi bà vẫn kêu rêu như trước. Họ hỏi, thế thì bà chưa làm phòng riêng sao. Bà nói, tiền các vị cúng cho tôi làm phòng đã được đem may y hết rồi. Cư sĩ chê bai. Phật chế giới này, cấm cái sự "người ta cho mình tiền để làm việc này, mình lại đem làm việc khác".
23. XIN VẦY XOAY KHÁC:
Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo ni đi khắp nơi quyên tiền về làm nhà cho tăng chúng ở, khi được tiền về, lại không làm nhà mà đem chia nhau để may y, bị cư sĩ chê bai. Phật chế giới này, cấm cái sự "nhân danh một việc để xin, khi được tiền lại dùng vào việc khác".
24. CHỨA NHIỀU BÁT TỐT:
Phật ở Xá vệ chế giới. Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều bát đẹp, dùng mỗi ngày một cái không rửa, để chất từng đống. Cư sĩ vào chùa trông thấy, chê bai Tỳ kheo ở dơ và không biết tàm quý, xin bát thật đẹp về mà vứt bừa bãi như gạch vụn.
25. CHỨA NHIỀU ĐỒ ĐẸP:
Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều đồ dùng màu sắc đẹp đẽ, cư sĩ trông thấy chê bai, nói giống hàng tạp hóa.
Phụ:
Kinh Phước Cái Chánh Hạnh sở tập quyển 6 nói: "Khi Phật ở thành Vương Xá, trong vườn trúc Ca Lan Đà có con trai trưởng giả sau khi nghe Pháp, xin Phật xuất gia. Người mẹ anh ta chỉ có một con nên không muốn rời, bảo con muốn xuất gia thì hãy đợi mẹ chết đã. Người con tuân lời dạy, siêng năng làm lụng được bao nhiêu tài vật đều đem dâng mẹ, lại thường khuyên bà bố thí tu phước. Người mẹ được tài vật thì cất giữ chôn giấu, tiếc không nỡ đem cho. Nếu có Sa môn đến nhà khất thực thì mắng nhiếc nói rằng quỷ tới. Người con biết chuyện không vui càng khuyên can mẹ, người mẹ lại nói dối đã cho. Không lâu bà mẹ chết, người con mở hội bố thí rộng rãi để hồi hướng cho mẹ rồi xuất gia, tinh tấn tu hành đắc quả A La Hán. Bên bờ sông Hằng vị ấy tu thiền định trong một am cỏ, một hôm có con quỷ đến đứng trước mặt hình thể đen xấu như khúc gỗ cháy, đầu tóc lòa xòa cổ nhỏ bụng lớn, tay chân bốc lửa, kêu la gào thét. Tôn giả hỏi: "Ông là ai?".
Quỷ nói: "Tôi là mẹ ông, chết đã 25 năm, đọa vào ngạ quỷ, chịu đói khát vô cùng, không nghe đến cái tên ăn uống và nước. Có khi tôi vừa trông thấy con sông lớn, thì bỗng nó khô cạn, trông xa thấy có rừng trái cây, tới gần lại không có gì. Tôi không được lúc nào an vui. Xin tôn giả cứu vớt. Cho tôi xin chút nước uống".
Tôn giả nghe xong buồn khóc nghĩa: "Sống không tu, chết đoạ ác đạo". Bèn khuyên mẹ phát tâm hối lỗi. Quỷ cho biết chỗ chôn tài vật lúc sống, nhờ tôn giả đem tài sản ấy thết trai cúng dường và xin những sa môn thọ thực chú nguyện cho bà được thoát khổ. Tôn giả liền triệu tập thân quyến về nhà đào của cải lên, đem cúng dường tam bảo và bố thí cho kẻ ăn xin, lớn tiếng gọi tên mẹ. Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng sức oai thần gia trì và thuyết pháp, 5000 chúng sanh nghe pháp được ngộ, quỷ tháot khổ, chết ngay. Tôn giả lại nhập định quán sát, thấy mẹ sanh vào loài quỷ giàu có, bèn thuyết pháp cho bà nghe về quả báo của tham lam, khuyên bố thí. Bà quỷ phát tâm cúng dường chư tăng hai cuộn vải, nhưng tăng chưa kịp chia thì quỷ tiếc, ban đêm đến lấy trộm. Tôn giả đến nơi quỷ đòi lại. Quỷ ăn trộm lại ba lần như thế, chúng tăng cắt ra cho mỗi người một mảnh để vá áo. Quỷ cũng tới ăn trộm cái áo đi. Phật dạy, nên biết tâm bỏn xẻn thật tai hại, bị nó trói buộc vĩnh viễn đọa vào cõi xấu.
26. KHÔNG CHO BỆNH Y:
Phật ở Xá vệ chế giới. Sau khi Phật chế ba y cho Tỳ kheo và năm y cho Tỳ kheo ni, có những Tỳ kheo ni có kinh nguyệt ra nhiều, sợ phạm giới không dám giữ vải vụn nên không đủ để lót, làm dơ bẩn giường ghế. Do đó, Phật cho phép ni được mặc thêm vải (y) lót bên trong lúc bật tịnh, ngoài mặc nê hoàn tăng (quần), khi cần phải trải thêm đồ lót ghế, giường để khỏi vấy bẩn.
Ni Chiên đàn thâu na mới vừa dứt kinh nguyệt, liền khoe mình không có tư tưởng dâm dục nên không còn bất tịnh, từ nay ai cần cô sẽ cho mượn "bệnh y" tức đồ vệ sinh phụ nữ. Sau đó một Tỳ kheo ni khác cần, đến mượn thì ni cô này không cho, chính vì cô cũng đang bất tịnh, nhưng đã lỡ lời khoe khoang nên không nói lý do tại sao không thể cho mượn. Cô kia bạch chúng tăng.
27. DÙNG Y PHI THỜI: (làm y phải thời):
Phật ở Xá vệ chế giới, Lục quần ni phạm.
Y phải thời là y cúng và thọ nhận trong thời gian 5 tháng thọ y công đức, từ rằm tháng bảy đến rằm tháng chạp; ngoài thời gian ấy ra mà nhận thì gọi là y phi thời, phải "thuyết tịnh" nghĩa là đem ra giữa tăng mà xả bằng pháp tịnh thí chân thật hay triển chuyển đã nói ở giới số 1 Xả đọa ở trên.
"Thọ y công đức" là một cách Phật tưởng thưởng, cho phép chúng tăng xả hơi sau ba tháng an cư thanh tịnh. Trong thời gian thọ y công đức, có năm sự được phóng xả như sau: Một là được chứa y dư; hai lìa y ngủ; ba ăn biệt chúng; bốn ăn nhiều lần; năm đi ra khỏi dặn, vào bữa ăn sáng (tiền thực) hoặc bữa ăn trưa (hậu thực).
Nếu không có thọ y công đức thì năm việc nói trên chỉ được một tháng phóng xả từ rằm tháng bảy tới rằm tháng tám.
28. ĐỔI RỒI ĐÒI LẠI:
Phật ở Xá vệ chế giới, ni Thâu la nan đà đổi y với một cô khác, sau giận không muốn đổi, đòi lại.
29. ÁO DÀY QUÁ GIÁ:
Phật ở thành Tỳ xá ly, trong giảng đường lầu các bên sông Di hầu. Khi Tỳ kheo Ca La đến khất thực tại nhà một cư sĩ quen biết, gặp một người dòng họ Ly xa (Licchavi); ông ta phát tâm muốn cúng dường cho cô một món gì, yêu cầu cô nói ra vật dụng cô cần. Ni cô nói đã có đủ, không cần gì cả. Người Ly xa năn nỉ, cô bèn đòi một cái y quý, giá thật đắt. Người Ly xa đã không cho, lại còn rêu rao là ni tham cầu không chán, đáng lẽ dù được cho áo đẹp đắt giá cũng không nên nhận, huống hồ đi xin. (Xem chuyện số 4 ở chương này).
30. ÁO MỎNG QUÁ GIÁ:
Phật ở Tỳ xá ly, như trên. Tỳ kheo ni Bạt đà Ca tỳ la đến nhà cư sĩ mà xin một tấm y mỏng trị giá 500 tấm vải mịn (trương điệp), bị cư sĩ chê bai ham hố. Phật chế giới.
Phụ: Tỳ kheo Tất lăng dà ba sa được cúng một cái áo lông cừu đắt giá, ông mặc đi vào rừng. Bọn cướp trông thấy, đi theo ngài bén gót. Nửa đêm hôm ấy, bọn cướp đến gõ cửa chòi. Ngài nói:
- "Các ngươi muốn gì?".
- "Muốn cái áo lông cừu. Hãy đưa ra đây".
- "Được. Hãy thò tay vào song cửa sổ, ta sẽ đưa ra cho".
Tôn giả gia trì thần lực vào cái y, khiến cho bọn cướp đưa tay vào mà không tài nào lôi ra được, thất kinh kêu cứu. Tôn giả thu nhiếp thần lực, chúng bèn bỏ chạy một nước không còn dám bén mảng. Sau tôn giả về thuật lại câu chuyện, các Tỳ kheo bạch Phật. Phật lo sợ cho các Tỳ kheo đời mạt pháp không có được thần thông như tôn giả, nếu mặc y quý giá mà ở rừng thì có thể nguy đến tánh mạng. Do đó ngài chế giới này, một phần để Tỳ kheo giữ hạnh thiểu dục tri túc, trừ thói kiêu mạn (khi thân cận giới nhà giàu mà được đồ tốt), thói ràng buộc (được đồ tốt thì dễ bị ràng buộc thân tình với người cho), và nhất là thói giữ của, luôn luôn lo sợ mất mát và hiểm nguy.