Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

LI. UỐNG RƯỢU[302]
A. DUYÊN KHỞI
Khi đức, đức Phật ở nước Chi-đà,[303] cùng với chúng đại tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ, tôn giả Sa-già-đà [304] vì đức Phật làm người cúng dường[305] của Phật. Bấy giờ, Sa-già-đà ghé đến chỗ ở của Phạm chí bện tóc, nói với Phạm chí rằng:

«Tôi muốn tạm nghỉ ở đây một đêm, tại phòng bậc nhất,[306] nơi trú xứ của ông. Ông có thuận ý hay chăng?»

Phạm chí trả lời:

«Không có gì trở ngại đối với tôi. Song trong phòng ấy có con độc long. Sợ nó làm tổn hại ông thôi.»

Tỳ-kheo nói:

«Miễn là ông cho phép nghỉ. Có thể nó không hại tôi.»

Phạm chí bện tóc nói:

«Phòng ấy rộng rãi lắm. Tùy ý ông cứ ở.»

Bấy giờ, trưởng lão Sa-già-đà vào phòng đó, tự trải cỏ làm nệm, ngồi kiết già, cột niệm trước mặt. Con độc long kia thấy Sa-già-đà ngồi kiết già, liền phóng khói lửa ra. Sa-già-đà cũng phóng khói lửa. Độc long giận, tuôn lửa ra nơi thân. Sa-già-đà cũng tuôn lửa ra nơi thân.

Bấy giờ, phòng kia giống như một trận cháy lớn vậy. Sa-già-đà tự nghĩ: «Nay ta có nên dập tắt lửa nơi con rồng nầy, mà không làm tổn thương đến thân nó chăng?» Nghĩ xong, Sa-già-đà liền dập tắt lửa nơi con rồng mà không thương tổn nó.

Bấy giờ, hỏa quang của độc long không có màu sắc. Còn hỏa quang của Sa-già-đà thì chuyển đổi đủ thứ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, lục bích, pha lê.

Trong đêm ấy, Sa-già-đà hàng phục con độc long này, đựng vào trong bình bát. Sáng sớm tinh sương, đem đến cho Phạm chí bện tóc, nói rằng:

«Con độc long đã bị tôi hàng phục và hiện đang đựng ở trong bình bát. Đem cho ông xem đây.»

Trong lúc đó, ông chủ Câu-thiểm-di[307] cũng đang ngủ tại nhà Phạm chí bện tóc, nghĩ rằng, «Thật là điều chưa từng có! Đệ tử của đức Thế tôn mà còn có đại thần lực như vậy, huống là Như Lai.» Ông liền thưa với Sa-già-đà rằng:

«Khi nào đức Thế tôn đến nơi Câu-thiểm-di, xin ngài cho tôi biết. Tôi muốn kính lễ đức Như Lai.»

Sa-già-đà nói:

«Tốt lắm!»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ nước Chi-đà, du hành trong nhơn gian, đến nước Câu-thiểm-di . Vị quốc chủ của nước nghe đức Thế tôn hướng dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đến nơi đó, liền cỡi xe đến nghinh đón đức Thế tôn.

Từ xa, thấy đức Thế tôn, nhan sắc đoan chánh, các căn tịnh định, tâm của Ngài vắng lặng, đạt mức tối thượng điều phục cao nhất, như con voi chúa đã được điều phục, giống như vực sâu trong vắt. Thấy vậy, tâm sanh chí tín. Với tâm cung kính, vị Quốc chủ liền xuống xe, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khuyến hóa, khiến quốc chủ được hoan hỷ. Khi ấy, quốc chủ Câu-thiểm-di nghe đức Phật nói pháp khuyến hóa, tâm đại hoan hỷ rồi, xoay lại nhìn chúng Tăng, không thấy tôn giả Sa-già-đà, liền hỏi các tỳ-kheo rằng:

«Sa-già-đà hiện đang ở đâu?»

Các tỳ-kheo trả lời:

«Sa-già-đà đi sau. Sẽ đến bây giờ.»

Khi ấy, Sa-già-đà cùng với nhóm sáu tỳ-kheo đến sau. Quốc chủ Câu-thiểm-di thấy Sa-già-đà đến, liền ra nghinh tiếp, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên.

Sa già-đà lại dùng tất cả phương tiện nói pháp khuyến hóa, khiến tâm quốc chủ hoan hỷ. Quốc chủ Câu-thiểm-di nghe Sa-già-đà dùng mọi phương tiện nói pháp khuyến hoá, được hoan hỷ rồi, bạch với tôn giả rằng:

«Ngài cần gì xin cho tôi được biết.»

Tôn giả Sa-già-đà trả lời:

«Thôi, được rồi! Như thế tức là [672a1] cúng dường tôi rồi đó.» 

Quốc chủ lại thưa:

«Nguyện xin được biết, ngài cần thứ gì.»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói với quốc chủ rằng:

«Ông biết chăng? Y, bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, đối với tỳ-kheo là vật dễ có được. Còn có vật đối với tỳ-kheo rất khó được, ông nên cho.»

Quốc chủ liền thưa:

«Đối với tỳ-kheo, vật gì là vật khó có được?»

Nhóm sáu tỳ-kheo trả lời:

«Vật cần muốn có là rượu đen [308].»

Quốc chủ nói:

«Cần thứ đó thì sáng mai đến nhận, nhiều hay ít tùy ý.»

Bấy giờ, quốc chủ kính lễ Sa-già-đà, đi nhiễu quanh rồi cáo lui.

Sáng sớm hôm sau, Sa-già-đà mặc y, bưng bát đến nhà của quốc chủ Câu-thiểm-di, an tọa nơi chỗ ngồi. Khi ấy quốc chủ đem các thức ăn ngon bổ, trong đó có cả rượu đen để dâng cúng, khiến cho được no đủ.

Sa-già-đà ăn uống no đủ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Giữa đường, bị rượu làm cho say nên té xuống đất và ói thức ăn ra. Các loài chim tranh ăn kêu la. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:

«Tại sao các loài chim kêu la như thế?»

Tôn giả A-nan bạch Phật:

«Đại đức Sa-già-đà nhận sự mời thỉnh của quốc chủ Câu-thiểm-di, ăn uống các thứ, trong đó có rượu đen, bị say nằm bên đường và ói mửa ra, cho nên các loài chim tranh ăn kêu la.»

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

«Tỳ-kheo Sa-già-đà người si nầy, ngay lúc này không thể hàng phục được con rồng nhỏ, huống là hàng phục con rồng lớn!»

Đức Phật bảo A-nan:

«Người uống rượu  có mười điều tai hại: 1. Nhan sắc xấu xí. 2. Kém sức khỏe. 3. Mắt nhìn không tỏ. 4. Hiện tướng hung dữ. 5. Phá hỏng tài sản, gia nghiệp. 6. Tăng thêm bệnh hoạn. 7. Thêm đấu tranh kiện tụng. 8. Không ai khen, tiếng xấu truyền khắp. 9. Trí tuệ giảm thiểu. 10.Thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác.

«A-nan, đó gọi là mười điều tai hại của việc uống rượu.»

Đức Phật bảo A-nan:

«Từ nay về sau, người nào đã tôn giáo pháp của Ta làm thầy thì cho dù chỉ dùng đầu ngọn cỏ thấm rượu rồi để vào miệng cũng không được.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Sa-già-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Sa-già-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, uống rượu, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Rượu : rượu nấu bằng cây,[309] rượu nấu bằng lúa, rượu nấu bằng gạo, chỉ chung cho tất cả các loại rượu bằng gạo, bằng đại mạch, hoặc các phương pháp biến chế rượu khác.

- Rượu nấu bằng cây: như rượu nước quả lê, rượu quả diêm phù, rượu mía, rượu quả xá-lâu già,[310] rượu nước quả uy nhuy[311], rượu nho.

- Rượu nước quả lê: dùng mật hay đường mía trộn vào để làm. Cho đến rượu nho cũng pha chế như vậy.

Rượu: có sắc rượu, hương rượu, vị rượu, đều không nên uống. Hoặc có loại rượu chẳng có sắc rượu mà có hương vị rượu, thì không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu, thì không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, chẳng có vị rượu, cũng không nên uống. Chẳng phải rượu mà có sắc rượu, hương vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu mà có hương rượu, vị rượu, thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có hương rượu chẳng có vị rượu, thì được uống.

Tỳ-kheo nào uống rượu, nấu rượu, hòa rượu, hoặc ăn, hoặc uống, ba-dật-đề. Nếu uống rượu có vị ngọt,[312] đột-kiết-la. Nếu uống rượu có vị chua, phạm đột-kiết-la. Ăn mem rượu, hèm rượu, đột-kiết-la.[313]

Rượu, khởi ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Rượu mà nghi, ba-dật-đề. Rượu mà không có ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Không phải rượu mà có ý tưởng là rượu, đột-kiết-la. Không phải rượu mà nghi, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nếu có bệnh như vậy, như vậy; trị các thứ thuốc khác không lành, dùng rượu để làm thuốc; hoặc dùng rượu thoa nơi mụt ghẻ; tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LII. ĐÙA GIỠN TRONG NƯỚC[314]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đang đùa giỡn trong sông A-kỳ-la-bà-đề;[315] từ bờ bên này, đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng hoặc nghịch dòng, hoặc lặn nơi này, trồi lên nơi kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau.

Vừa lúc đó, Vua Ba-tư-nặc cùng với Mạt-lợi phu nhân[316] ở trên lầu cao, từ xa trông thấy nhóm mười bảy tỳ-kheo đùa giỡn trong ao kia; từ bờ bên này đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này, trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau. Thấy vậy, nhà Vua nói với Mạt-lợi phu nhân rằng:

«Khanh xem, những người mà khanh thờ kính kia kìa.»

Lúc ấy Mạt-lợi phu nhơn liền trả lời với nhà Vua rằng: 

«Các tỳ-kheo đó tuổi còn nhỏ, mới xuất gia, ở trong Phật Pháp chưa bao lâu. Hoặc là lớn tuổi nhưng thiếu sự hiểu biết.»

Rồi Mạt-lợi phu nhơn vội vàng xuống lầu bảo bà-la-môn Na-lăng-ca[317] rằng:

Người nhân danh ta, đến trong Kỳ-hoàn thăm hỏi đức Thế tôn, đi đứng được khoẻ mạnh không? Giáo hóa có nhọc nhằn không? Đem gói thạch mật nầy dâng cúng đức Thế tôn, và đem nhơn duyên nầy trình lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.

Người bà-la-môn kia liền nhận lời của phu nhơn, đến chỗ đức Thế tôn; thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, bạch đức Thế tôn rằng:

«Mạt-lợi phu nhơn sai con đến thăm hỏi đức Thế tôn, ‹Đi đứng có vững vàng không? Nếp sống được khinh an không? giáo hóa có nhọc nhằn không? Phu nhơn gởi gói đường phèn nầy dâng cúng Thế tôn.›» Và trình sự việc lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.

Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm mười bảy tỳ-kheo, tại sao các ông đùa giỡn trong nước, nơi sông A-kỳ-bà-đề. Từ bờ bên nầy đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tát nước qua lại với nhau?»

Đức Thế tôn quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Giỡn trong nước: buông lung theo ý muốn, từ bờ nầy bơi qua bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc ngược dòng, hoặc lặn chỗ này, nổi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau, cho đến dùng bình bát đựng nước, đùa giỡn bằng mọi cách đều phạm ba-dật-đề. Ngoài nước ra, nước trái cây, nước sữa trong, hoặc rượu đắng, nước vo gạo, đựng trong đồ để đùa giỡn thì cũng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Trên đường đi phải lội qua sông, từ bờ bên nầy đến bờ bên kia; hoặc kéo cây gỗ trong nước; hoặc kéo tre, kéo nứa, lên xuống dòng nước; hoặc lấy đá, lấy cát; hoặc mất vật gì lặn xuống đáy nước để tìm, lặn xuống nỗi lên; hoặc muốn học bơi, nên phải dùng tay quạt nước, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LIII. THỌC CÙ NÔN[318]
A. DUYÊN KHỞI
[673a1] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo cù nôn một vị trong nhóm mười bảy tỳ-kheo, đến nỗi khiến cho họ mạng chung.[319]

Các tỳ-kheo nghe việc này trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, «Tại sao cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến bỏ mạng?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo! Tại sao các ông cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến phải chết?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, dùng ngón tay cù nôn nhau, ba-dật-đề

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Ngón tay: Tay có mười ngón, chân có mười ngón.

Nếu tỳ-kheo nào dùng ngón tay, ngón chân thọc lét nhau, ba-dật-đề.[320] Ngoài ngón tay ngón chân ra dùng cây gậy, chốt cửa, phất trần và tất cả các vật khác để thọc lét nhau, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, ca-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu không cố ý cù nôn; hoặc đang ngủ, cần xúc chạm để kêu dậy; hoặc ra vào tới lui, hay quét đất đụng nhằm; hoặc lấy cây gậy vướng phải; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LIV. BẤT KÍNH[321]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, có Xiển-đà[322] suýt phạm giới. Các tỳ-kheo can gián rằng, «Thầy chớ có nghĩ như vậy. Đó là điều không nên.» Xiển-đà không nghe lời các tỳ-kheo can gián, liền phạm giới.

Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng, «Nầy Xiển-đà! Tại sao, khi thầy sắp phạm giới, các tỳ-kheo can gián mà không nghe, để cho phạm?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Xiển-đà:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Xiển-đà! Tại sao các tỳ-kheo can gián mà ông không nghe theo, để cho phạm giới?» 

Dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián,[323] ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Không nhận lời can gián: người khác can, bảo đừng làm như vậy mà cứ làm, vì vậy cho nên phạm căn bản bất tùng ngữ (không nghe lời), đột-kiết-la. Nếu tự biết mình làm như vậy là sai, song cố làm, phạm căn bản bất tùng ngữ, ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: người vô trí đến can, nên nói: «Ông cần hỏi thầy Hòa thượng của ông để học vấn, tụng kinh, mà biết pháp can gián, sau đó mới có thể can gián. Khi ấy, tôi mới nghe theo.» Hoặc nói giỡn chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy lại nhằm nói việc khác; tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LV. DỌA NHÁT TỲ-KHEO [324]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Ba-la-lê-tỳ.[325] Bấy giờ tôn giả Na-ca-ba-la[326] tỳ-kheo làm thị giả đức Thế tôn, cung cấp các thứ cần dùng. Phật bảo Na-ca-ba-la:

«Ông lấy cái áo mưa đem đây. Ta muốn đến chỗ kinh hành để đi kinh hành.»

Tôn giả vâng lời, lấy áo mưa đem đến cho đức Thế tôn. Đức Thế tôn mang áo mưa, đến chỗ kinh hành để đi kinh hành.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn biến hóa làm nhà kinh hành bằng vàng,[327] rồi chắp tay đứng trước đức Thế tôn thưa rằng:

«Đức Thế tôn của con đi kinh hành! Đức Thiện Thệ của con đi kinh hành!»

Pháp thường của chư Phật, khi kinh hành, người cúng dường đứng đầu con đường kinh hành. 

Khi ấy, tỳ-kheo Na-ca-ba-la đứng nơi đầu đường đi kinh hành, biết phần đầu của đêm đã qua, bạch Đức Thế tôn rằng:

«Đầu hôm đã qua, thỉnh Thế tôn vào phòng.» 

Thế tôn im lặng. Giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy. Khi trời đã sáng tỏ, lại bạch đức Thế tôn:

«Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy, trời đã sáng tỏ. Cung thỉnh đức Thế tôn trở lại phòng.»

Bấy giờ, đức Thế tôn vẫn im lặng.

Khi ấy, Na-ca-ba-la nghĩ rằng: «Nay ta có nên dọa Phật, để khiến cho đức Phật vào phòng nghỉ hay không?» Tức thì, Na-ca-ba-la liền lật ngược chiếc y trùm lên trên đầu, đến chỗ đức Phật giả làm tiếng phi nhơn khủng bố, «Sa-môn! Ta là quỷ đây.»

Đức Thế tôn bảo rằng:

«Ta biết, đây là tâm của người ngu, cũng là người ác.»

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn bạch Phật:

«Trong chúng cũng có hạng người như vậy hay sao?» 

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhơn rằng:

«Người này ở trong đời nầy sẽ được pháp thanh tịnh.»[328] 

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn nói kệ khen Phật:

Thánh độc hành không phóng dật,

Ai khen chê không dao động;

Sư tử rống nghe không sợ,

Như gió qua cỏ không ngại.

Dẫn đạo tất cả các chúng,

Quyết định tất cả trời người.

Bấy giờ, đức Thế tôn cũng dùng kệ trả lời:

Thiên đế nghĩ ta sợ,

Nên nói lời này chăng!

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn kính lễ dưới chân Phật, rồi ẩn hình lui đi. Đêm ấy trôi qua, bình minh vừa ló dạng, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, đem nhơn duyên nầy kể lại cho các tỳ-kheo nghe và nói:

«Na-ca-ba-la nầy là người si, lại muốn dọa cho Ta sợ!»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Na-ca-ba-la rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, dọa tỳ-kheo khác, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Dọa :[329] tức là dùng sắc, tiếng, hương, vị, xúc và pháp để dọa người sợ.

- Thế nào gọi là dùng sắc khủng bố? Hoặc làm thành hình con voi, hình con ngựa, hoặc làm thành hình con quỷ, hình cầm thú. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người, khiến cho người thấy, dù sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người mà người ấy không thấy, phạm đột-kiết-la. 

- Thế nào gọi là dùng tiếng để khủng bố người? Hoặc dùng tiếng tù và, tiếng trống, tiếng ba-la,[330] tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng lạc đà kêu rống. Dùng những âm thinh như vậy để khủng bố, [674a1] khiến cho người kia nghe, dù họ sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng âm thanh như vậy để khủng bố mà người kia không nghe, phạm đột-kiết-la.

- Thế nào gọi là dùng hương để khủng bố người? Hoặc dùng hương của rễ cây, hương của cây tát-la,[331] hương của nhựa cây, hương của vỏ cây, hương của bì phu, hương lá, hương bông, hương quả, hoặc là mùi thơm hoặc là mùi thối. Nếu dùng các loại hương nầy để khủng bố người, người kia ngửi mùi hoặc sợ hoặc không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng các loại hương như vậy để khủng bố người, người ấy không ngửi, phạm đột-kiết-la.

- Thế nào gọi là dùng vị khủng bố người? Nghĩa là dùng vị trao cho người, như vị chua, vị ngọt, vị đắng, vị chát, vị mặn, vị ca-sa. Dùng những vị như vậy để khủng bố người, khiến cho họ nếm vị ấy, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Nếu đem những vị ấy để khủng bố người mà họ không thưởng thức, phạm đột-kiết-la.

- Thế nào gọi là dùng sự xúc chạm để khủng bố người? Như dùng sức nóng, sức lạnh, sức nhẹ, sức nặng, hoặc mịn, hoặc thô, hoặc trơn, hoặc rít, hoặc mềm, hoặc cứng. Dùng các vật như vậy để chạm xúc, khủng bố người, khiến cho người kia xúc chạm, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Dùng những vật xúc chạm như vậy để khủng bố, mà người không xúc chạm, phạm đột-kiết-la.

- Thế nào gọi là dùng pháp để khủng bố người? Nói với người trước, «Tôi thấy tướng thầy như vậy; hoặc thấy mộng như vậy, thầy sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu. Hòa thượng và A-xà-lê của thầy cũng sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu, hoặc cha mẹ thầy lâm bệnh nặng, hoặc qua đời.» Dùng những pháp như vậy khủng bố người, khiến họ biết, dù sợ hay không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng những pháp như vậy để khủng bố người, mà người ấy không biết, đột-kiết-la. 

Nếu tỳ-kheo dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để khủng bố người, nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Hoặc ngồi chỗ tối, không đèn không lửa; hoặc nơi nhà đại tiểu tiện. Nhìn từ xa bảo là voi là giặc, hoặc ác thú đâm ra sợ sệt, cho đến trong nhà tối chỗ không đèn, không lửa, nơi đại tiểu tiện nghe tiếng người đi; hoặc tiếng động chạm của cây cỏ, hoặc tiếng tằng hắng tạo ra sợ sệt; hoặc dùng sắc chỉ cho người, không tạo ra sự sợ sệt; hoặc dùng thinh, hương, vị, xúc trao cho người, không có ý tạo cho họ sợ; hoặc thật có việc như vậy, hoặc thấy tướng như vậy, hoặc thấy trong mộng; hoặc (thầy) sẽ chết, mất y bát thôi tu; hoặc cha mẹ bệnh nặng sẽ chết, liền nói như vầy, «Tôi thấy thầy có các biến tướng như vậy;» hoặc nói đùa, hoặc nói gấp vội, hoặc nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy lại nói việc khác; tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LVI. NỬA THÁNG TẮM [332]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ, nơi đó có một cái ao.[333] Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt[334] cho phép các tỳ-kheo được vào tắm giặt trong ao.

Một hôm, vào lúc cuối đêm khi bình minh chưa xuất hiện, nhóm sáu tỳ-kheo vào tắm giặt trong ao. Cũng vào lúc đó, khi bình minh chưa xuất hiện, Vua Bình-sa cùng với các thể nữ muốn đến nơi ao để tắm rửa. Khi nhìn, nhà Vua nghe tiếng nhóm sáu tỳ-kheo đang tắm rửa nơi ao, liền hỏi quân hầu cận hai bên rằng:

«Ai đang tắm trong ao?»

Tâu: 

«Đó là các tỳ-kheo.»

Nhà Vua ra lệnh:

«Không nên khua động lớn tiếng. Đừng để cho các tỳ-kheo không kịp tắm phải ra về.»

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng các loại thuốc bột mịn, thoa tắm với nhau, cho đến khi mặt trời mọc mà chưa tắm xong. Rốt cuộc nhà Vua không tắm được phải hồi cung. Các Đại thần đều giận và cơ hiềm. Họ nói với nhau rằng:

«Những sa-môn họ Thích này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Cuối đêm dẫn nhau vào ao nước, dùng các loại thuốc bột mịn tắm rửa nhau, mãi cho đến khi ánh sáng xuất hiện. Cuối cùng khiến nhà Vua không tắm rửa được phải hồi cung.»

Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao vào trong ao nước lúc cuối đêm, lại dùng các thứ thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến khi ánh sáng xuất hiện, khiến nhà Vua không tắm được?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vào trong ao tắm lúc cuối đêm, lại dùng thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến trời sáng, khiến cho nhà Vua không tắm được phải về?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo rằng:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo lúc trời nóng bức, thân thể bị mọc nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, e sợ không dám tắm, ngại vi phạm giới quá nửa tháng tắm.

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép các tỳ-kheo lúc trời nóng bức được tắm rửa thường xuyên. Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong số các tỳ-kheo bệnh, thân thể bị mụn nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, hoặc khi đại tiểu tiện, đổ đồ bất tịnh, e sợ không dám tắm, lo ngại phạm quá nửa tháng tắm rửa. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:

«Cho phép các tỳ-kheo bệnh được tắm rửa theo nhu cầu.» 

Từ nay, nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo khi làm việc, thân thể bị mồ hôi tiết ra hôi hám, các tỳ-kheo có tâm e sợ, không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép các tỳ-kheo lúc làm việc được tắm rửa theo yêu cầu. 

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo đi trong cơn mưa gió, thân hình bị mọc nhọt, mồ hôi ra nhớp nhúa, đất bụi không sạch, vì cẩn thận sợ không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép tỳ-kheo khi mưa gió được tắm rửa theo yêu cầu. 

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng, sanh ghẻ, mồ hôi đổ nhớp đầy bụi ô uế, không sạch, sợ và cẩn thận không dám tắm, bạch Phật. Phật dạy, «Cho phép các tỳ-kheo [675a1] khi đi đường được tắm rửa theo yêu cầu.» 

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió, lúc đi đường, đó là những trường hợp đặc biệt.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thời gian nóng: bốn mươi lăm ngày cuối mùa xuân và tháng đầu mùa hạ là thời gian nóng bức.

Bệnh: cho đến thân thể bị xú uế, như vậy gọi là bệnh.

Làm việc: cho đến như việc quét đất phía trước phòng.

Khi mưa gió: cho đến một trận gió lốc, một giọt mưa rớt trên thân.

Lúc đi đường: cho đến chỉ đi trong vòng nửa do tuần, kể cả đi tới và đi lui.

Nếu tỳ-kheo nửa tháng tắm một lần, trừ trường hợp đặc biệt; nếu quá, kể cả chỉ dội nước ướt khắp thân, ba-dật-đề; hoặc nước dội chỉ ướt nửa thân cũng phạm ba-dật-đề, hoặc chuẩn bị phương tiện muốn tắm mà không tắm; tất cả đề phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nửa tháng tắm một lần; lúc nóng, lúc bệnh, lúc làm việc, lúc gió, lúc mưa, lúc đi đường, nên tắm rửa thường xuyên; hoặc bị thế lực bắt, cưỡng bức bảo tắm thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LVII. ĐỐT LỬA [335]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở tại thành Khoáng dã.[336] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo bảo nhau, «Trước mặt Thượng tọa, chúng ta nói năng không được tự do.» Họ liền cùng nhau ra ngoài phòng, nơi đất trống, tập trung cây cỏ dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm. Bấy giờ, trong gốc cây có một con rắn độc, bị hơi lửa xông nóng, từ trong bộng cây chạy ra. Các tỳ-kheo thấy đều hoảng sợ, la hét, «Rắn độc! Rắn độc!» Rồi lấy củi đang cháy quăng lung tung. Lửa văng, cháy giảng đường của Phật.

Các tỳ-kheo nghe thấy việc này, trong đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, «Sao các Thầy cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các Thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ, nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy quăng tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của đức Phật?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ, nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy quăng tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của Phật?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cẩn thận sợ không dám tự nhóm lửa, không nhờ người nhóm. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:

«Cho phép tỳ-kheo bệnh được tự nhóm lửa nơi đất trống hay nhờ người nhóm.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo muốn nấu cháo cho tỳ-kheo bệnh, hoặc nấu canh, nấu cơm, hoặc nơi nhà ấm,[337] nơi nhà trù, nơi nhà tắm, hoặc xông bát, nhuộm y, hoặc thắp đèn, thắp hương; các tỳ-kheo đều cẩn thận sợ không dám làm. Đức Phật dạy:

«Những việc trên cho phép được nhóm lửa.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề. Trừ có nhân duyên.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Bệnh: cần lửa để sưởi ấm.

Nếu tỳ-kheo không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc đốt cỏ cây nhánh lá, gai, cây gai, sô ma hoặc phân bò, trấu… đốt bất cứ thứ gì cũng đều phạm ba-dật-đề.

Nếu lấy lửa để trên cỏ cây nhánh lá, gai, cây gai, phân bò, trấu… nếu cháy đều phạm ba-dật-đề.

Nếu lấy cây bị đốt phân nửa quăng vào trong lửa, đột-kiết-la; đốt than đột-kiết-la.

Nếu không nói với người đối diện, «Người xem cho, biết cho!» đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nói với người đối diện, «Xem cho!» Hoặc người bệnh tự nhóm lửa, hay nhờ người nhóm lửa, có nhơn duyên chăm sóc người bệnh, vì người bệnh nấu cháo, nấu canh, nấu cơm, hoặc ở nơi nhà trù, nơi nhà ấm, nơi nhà tắm; hay xông bát, hoặc nấu thuốc nhuộm y, đốt đèn, đốt hương, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LVIII. GIẤU VẬT DỤNG CỦA TỲ-KHEO[338]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Liền trong đêm đó sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sang rạng ngày hôm sau đến báo tin giờ thọ thực. 

Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim đến để một bên rồi thong thả kinh hành, chờ giờ ăn đến. Nhóm sáu tỳ-kheo rình lúc nhóm mười bảy đi kinh hành quay lựng lại chỗ để đồ, liền lấy y bát, tọa cụ, ống kim của họ giấu. Khi nhóm mười bảy tỳ-kheo nghe báo tin giờ thọ thực đã đến, thì phát hiện, nên hỏi:

«Y bát, tọa cụ, ống kim của chúng tôi để tại đây, ai đem đi đâu?»

Các tỳ-kheo khác hỏi:

«Các ông ở đâu đến?»

Nhóm mười bảy trả lời:

«Chúng tôi ở đây. Mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim để một bên, rồi đi kinh hành, chờ đến giờ ăn.»

Trong khi đó, nhóm sáu tỳ-kheo đang đùa giỡn ở trước. Các tỳ-kheo khác quan sát, thấy nhóm sáu đang đùa giỡn, khẳng định những người này lấy y bát đi giấu.

Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao các thầy lấy y, bát, tọa cụ, ống kim của nhóm mười bảy giấu đi?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông rình lúc nhóm mười bảy tỳ-kheo đi kinh hành quay lưng lại, lấy y bát tọa cụ ống kim của họ giấu đi?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết [676a1] giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, cho đến giỡn chơi, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo giấu y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo khác, hoặc sai người giấu, kể cả giỡn chơi, Ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nếu thật biết rõ vật của người kia, thể tất cho nhau mà lấy cất; hoặc để nơi đất trống, bị mưa gió làm tổn hoại nên lấy cất; hoặc người chủ của vật tánh bừa bãi, bỏ y bát tọa cụ ống kim một cách lung tung, nhằm mục đích cảnh giới họ nên lấy cất; hoặc mượn y của người kia mặc mà người kia không thu xếp, sợ mất nên lấy cất; hoặc vì y bát các vật nầy mà đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên lấy cất; tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LIX. TỰ TIỆN DÙNG Y KHÔNG HỎI CHỦ[339]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chơn thật thí[340] y cho tỳ-kheo thân hậu; sau đó, không nói với chủ mà lấy mặc.

Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống phạm hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Tại sao trước đây, các thầy đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu, sau không nói với chủ mà lấy mặc?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông, trước đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu rồi, sau không nói với chủ mà lấy mặc?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, đã cho y đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, về sau không nói với chủ mà lấy mặc,[341] ba-dật- đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y: có mười loại như trước đã nói.

Cho y: tức là tịnh thí y. Tịnh thí y có hai cách: Chơn thật tịnh thí và triển chuyển tịnh thí.

- Chơn thật tịnh thí: người cho nói, «Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão, để làm chơn thật tịnh thí.»[342]

- Triển chuyển tịnh thí: người cho nói, «Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão.» Vị được cho nên nói như vầy, «Trưởng lão nghe cho. Trưởng lão có y dư như vậy, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, tôi xin nhận.» Nhận rồi nên hỏi, «Trưởng lão muốn cho ai?» Người cho nên nói, «Cho vị có tên như vậy.» Vị kia nên nói, «Trưởng lão có cái y dư nầy, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, nên tôi nhận. Nhận rồi tôi chuyển cho Tỳ-kheo có tên như vậy. Như vậy y nầy là sở hữu của tỳ-kheo có tên như vậy. Trưởng lão vì Tỳ-kheo có tên như vậy cất giữ hộ trì, tùy ý xử dụng.»[343] 

Chơn thật tịnh thí thì phải hỏi chủ, sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không nói, tùy ý lấy dùng. Nếu tỳ-kheo y đã chơn thật tịnh thí, không nói với chủ mà lấy dùng, phạm ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nói với chủ rồi mới lấy dùng, nếu chơn thật tịnh thí. Nói hay không nói trước khi lấy dùng, nếu là triển chuyển tịnh thí.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LX. HOẠI SẮC Y MỚI[344]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mặc y màu trắng mà đi. Các cư sĩ đều cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử nầy không biết tàm quý. Thu nhận thọ dụng không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng, tôi tu chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Tại sao mặc đồ mới màu trắng mà đi, giống như nhà Vua, hay Đại thần của Vua?»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao các thầy mặc y mới màu trắng mà đi?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông mặc áo màu trắng mà đi?» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, nhận được y mới, tùy ý sử dụng một trong ba màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc; nếu không làm cho hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc lam[345] mà mặc nguyên y mới, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Mới: là y mới, hoặc mới nhận được từ người, đều gọi là y mới.

Y: có mười loại như đã nói trước.

Hoại sắc : nhuộm thành màu xanh, đen, mộc lan.

Tỳ-kheo kia nhận được y (vải) mới không nhuộm làm thành ba hoại sắc xanh, đen, mộc lan. Tỳ-kheo được y mới, không nhuộm ba màu xanh, đen, mộc lan, mà mặc y mới với màu khác, ba-dật-đề. Nếu có y kép không tác tịnh mà cất chứa, phạm đột-kiết-la. Y đơn không tác tịnh phạm đột-kiết-la. Nếu chẳng phải y, đãy đựng y bát, đãy đựng guốc dép, đãy đựng kim chỉ, giây ngồi thiền, giây lưng, mão, bít tất, nhiếp, khăn lau, khăn gói giày dép, không tác tịnh mà chứa cất đều phạm đột-kiết-la. Nếu đem y chứa nhuộm mà gởi nhà bạch y, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu nhận được y màu trắng, dùng ba màu xanh, đen và mộc lan để nhuộm. Y kép, y đơn tác tịnh rồi mới chứa. Nếu chẳng phải đãy đựng y bát, cho đến khăn gói giày dép, đều tác tịnh rồi mới chứa cất; hoặc y nhuộm rồi mới đem gởi nhà bạch y; hoặc y đã phai màu nhuộm lại, đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục