Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

XLI. CHO NGOẠI ĐẠO ĂN[257]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Phật dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử từ nước Câu-tát-la du hành đến nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, có các đàn-việt cúng dường Phật và chúng Tăng rất nhiều bánh. Bấy giờ, đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan:

«Ông đem bánh này chia cho chúng Tăng.»

Tôn giả vâng lời Phật dạy đem chia. Chia xong còn dư. Đức Phật bảo tôn giả đem cho người đi xin. Tôn giả vâng lời dạy của Phật đem cho mỗi người một cái. Trong số người hành khất kia có một người nữ ngoại đạo lõa thể,[258] nhan mạo xinh đẹp. Khi tôn giả A-nan phân phối bánh, bánh dính vào nhau tưởng là một, phát cho cô ta. Cô ta hỏi người đứng gần rằng:

«Bà được mấy cái?»

Người kia trả lời:

«Tôi được một cái.»

Trả lời xong bà ấy lại hỏi cô ta:

«Cô được mấy cái?»

Cô ta nói:

«Tôi được hai cái.»

Người đàn bà kia liền nói với cô:

«Tỳ-kheo đó cùng cô tư thông, cho nên cô mới được hai cái.»

Bấy giờ tôn giả A-nan nghe những lời nầy, liền ôm lòng ưu sầu. Các tỳ-kheo nghe cũng không vui.

Trong số những người tụ hội kia, có một Phạm chí,[259] nhận thức ăn này xong, lại trên đường đến Câu-tát-la. Trên đường đi gặp một người bà-la-môn chí tín, làm nghề xem tướng, hỏi:

«Ông từ đâu đến?»

Phạm chí trả lời: 

«Tôi từ Xá-vệ đến.»

Bà-la-môn hỏi: 

«Sao, trong nước Xá-vệ khất cầu thức ăn dễ dàng lắm không? Có thể còn thừa mang theo không?»

Phạm chí nói: 

«Có thể xin được.»

Bà-la-môn hỏi: 

«Xin nơi ai mà dễ được vậy?»

Phạm chí trả lời: 

«Xin từ cư sĩ trọc đầu.»

Người bà-la-môn lại hỏi: 

«Cư sĩ trọc đầu là ai?»

Phạm chí nói: 

«Chính là sa-môn Cù-đàm.»

Người bà-la-môn bất bình nói: 

«Ông là người gì mà ăn của người ta lại nói lời ác như vậy?»

Người bà-la-môn kia đến trong Tăng-già-lam, đem sự việc đã nghe kể lại cho các tỳ-kheo.

Các tỳ-kheo này đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.

Đức Thế tôn vì nhơn duyên trên tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng: 

«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn nói giới nên nói như vầy: 

Tỳ-kheo nào, cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các ngoại đạo đều có lời oán trách: 

«Một người, hai người ngoại đạo có lỗi, chớ chúng tôi đâu có tội gì mà không cho thức ăn?»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: 

«Từ nay về sau, các tỳ-kheo nào muốn cho thức ăn, nên để dưới đất mà cho, hoặc sai người cho.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy.

Tỳ-kheo nào, tự tay cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ,[260] ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Ngoại đạo: chỉ cho người lõa hình dị học.[261] 

Ba-tư-ba-la-xà:[262] là người xuất gia trong chúng ngoại đạo ấy. 

Thức ăn khư-xà-ni: thức ăn bằng rễ củ, cho đến thức ăn bằng quả, thức ăn bằng dầu cho đến thức ăn được nghiền nát.

Thức ăn:[263] cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt.

Nếu tỳ-kheo tự tay cho thức ăn đến lõa hình, nam nữ ngoại đạo, ba-dật-đề. Nếu cho mà họ nhận phạm ba-dật-đề; họ không nhận phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn cho mà không cho, hối hận, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu để dưới đất mà cho; hoặc sai người cho; hoặc biếu cho cha mẹ; [665a1] cho thợ làm tháp, người thợ làm phòng, tính theo giá trị mà trả công; hoặc bị thế lực cưỡng bức thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLII. TRƯỚC SAU BỮA ĂN ĐI ĐẾN NHÀ KHÁC KHÔNG BÁO[264]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả hào tộc là bạn thân hữu trước kia của Bạt-nan-đà Thích tử, nghĩ rằng: «Nếu Bạt-nan-đà Thích tử đến thành này, ta sẽ vì Bạt-nan-đà thiết trai cúng dường chúng Tăng.»

Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử vào đến thành. Trưởng giả biết, liền sai người đến trong Tăng-già-lam mời các tỳ-kheo sáng ngày mai thọ thực.

Trong đêm ấy, trưởng giả sửa soạn đầy đủ các đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đến báo đã đến giờ. Các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Các tỳ-kheo bảo ông trưởng giả rằng: 

«Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống đã sửa soạn xong, hãy dọn ra.»

Ông trưởng giả thưa: 

«Xin chư tôn chờ một lát. Đợi Thích tử Bạt-nan-đà đến.»

Các tỳ-kheo bảo: 

«Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống nếu đã sửa soạn xong, thì cứ dọn ra. Sao lại phải đợi? Mặt trời gần xế rồi. E rằng các tỳ-kheo thọ thực không kịp no.»

Khi ấy, ông trưởng giả thưa với các tỳ-kheo: 

«Trước đây, tôi có lời nguyện, nếu Thích tử Bạt-nan-đà đến thành nầy, tôi sẽ vì Bạt-nan-đà Thích tử thiết cơm cúng dường chúng tăng. Vậy xin chư tôn chờ một chút, đợi Bạt-nan-đà.»

Hôm ấy, Bạt-nan-đà vào giờ tiểu thực lại đến nhà khác, mãi gần giữa ngày mới lại. Khi ấy, các tỳ-kheo thấy gần quá giữa ngày, tuy được ăn uống nhưng không được no lắm.

Trong số các tỳ-kheo có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: 

«Bạt-nan-đà thích tử, sao giờ tiểu thực thầy lại đến nhà khác, gần giữa trưa mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?»

Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: 

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà thích tử, tại sao giờ tiểu thực, ông lại đến các nhà khác, gần quá giữa ngày mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: 

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, vào giờ tiểu thực[265] lại đến nhà khác, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy, trong thành La-duyệt có một Đại thần là bạn thân quen trước kia của Thích tử Bạt-nan-đà. Một hôm vị Đại thần kia có được một số quả ngọt,[266] liền sai một người và dặn rằng: 

«Bạt-nan-đà Thích tử là bạn thân quen trước kia của ta. Ngươi mang quả nầy đến trong Tăng-già-lam cho ông ấy thấy rồi nói rõ rằng, ‹Tôi với ông là bạn cũ. Nhờ ông mang số quả nầy phân chia trong chúng Tăng.›»

Người sứ kia vâng lời, mang cam đến trong Tăng-già-lam, thưa với các tỳ-kheo: 

«Thưa chư Đại đức, đây là trái cây mới, cho Tăng.»

Các tỳ-kheo bảo: 

«Nếu cúng cho chúng Tăng thì nên chia liền đi.»

Người kia thưa: 

«Vị Đại thần trong thành La-duyệt sai tôi rằng, ‹Ngươi mang số quả nầy đến trong Tăng-già-lam nhờ Thích tử Bạt-nan-đà chia cho Tăng.› Bây giờ, cần phải chờ Thích tử Bạt-nan-đà đến rồi sẽ chia cho Tăng.» 

Bấy giờ, Bạt-nan-đà sau bữa ăn đã đến nhà khác rồi. Khi trở về thì đã quá giờ, khiến chúng Tăng không dùng được số quả tươi ấy.

Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà:

«Tại sao sau bữa ăn, lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới như vậy?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: 

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thích tử Bạt-nan-đà, tại sao sau khi ăn xong, ông lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới?»

Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có nhiều chỗ thỉnh Tăng, nhưng các tỳ-kheo e sợ, không dám nhận lời thỉnh vào thành. Bạch Phật. Phật dạy: 

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo báo cho nhau để vào thành.» 

Tỳ-kheo không biết nên báo cho ai. Phật dạy: 

«Nên báo cho tỳ-kheo. Nếu ở một mình trong phòng thì báo cho vị tỳ-kheo phòng gần.»

Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, trước đó bảo nhà đàn-việt nấu canh, nấu cháo, nấu cơm; vị ấy e sợ, không dám vào thành, ngại phạm sau bữa ăn mà đến nhà khác. Bạch Phật, Phật dạy: 

«Cho phép Tỳ-kheo bệnh, không báo, được vào thành.» 

Từ nay, nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian may y đã đến. Các tỳ-kheo cần những thứ như nồi lớn, nồi nhỏ, bình, thìa, bát, búa, chén, chậu, bát nhỏ, ấm, giây phơi, đồ treo y, y-ni-diên-đà, vải lông. Các tỳ-kheo vì e sợ, nên không dám vào thành, ngại phạm không báo mà vào thôn. Đức Phật dạy: 

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi may y, không báo được vào thôn.»

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian thí y đã đến. Hoặc có chỗ đã được thí y, có chỗ đang tìm cầu. Các tỳ-kheo kia e sợ không dám vào thành, lo ngại phạm không báo mà vào thành. Đức Phật dạy: 

«Từ nay về sau, thời gian thí y cho phép các tỳ-kheo không báo vẫn được phép vào thành.»

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác [666a1] mà không báo cho tỳ-kheo khác,[267] trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y. Đó là những trường hợp đặc biệt.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Trước bữa ăn: từ bình minh xuất hiện, đến khi ăn.

Sau bữa ăn: từ khi ăn cho đến giữa ngày.[268]

Nhà: nơi có nam nữ cư trú.

Các Tỳ-kheo khác: những người sống chung đồng trong một cương giới.

Bệnh: như trên đã nói.

Thời gian may y: sau tự tứ, không thọ y Ca-thi-na thì một tháng, có thọ y Ca-thi-na thì năm tháng. Ngoài ra những khi khuyến hóa cúng thức ăn kể cả thí y, cũng thuộc về thời gian thí y.

Nếu tỳ-kheo nào báo đến thôn mà giữa đường trở lại, thời lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đi nữa, thì phải báo trở lại. Nếu tỳ-kheo nào báo đến trong thôn mà không đến chỗ đã báo đó, lại đến nhà khác, thì lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đến đó thì phải báo trở lại mới được đi.

Nếu báo đến nhà bạch y mà lại đến nơi nhà kho và tụ lạc hay phòng biên;[269] hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo-ni hay đến nhà bạch y rồi về liền cũng mất đi lời báo trước; phải báo trở lại mới được đi. Nếu tỳ-kheo đã nhận lời mời rồi trước bữa ăn hay sau bữa ăn đến nhà khác, mà không báo cho tỳ-kheo để vào thôn, trừ trường hợp đặc biệt, Ba-dật-đề. Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện trang nghiêm, muốn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, đã báo cho tỳ-kheo khác; hoặc không có tỳ-kheo, không báo;[270] đến nơi nhà kho, tụ lạc, phòng biên; hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo, đến dặn nhà bạch y được dặn báo; hoặc nơi nhiều nhà, trải tọa cụ, thỉnh tỳ-kheo; hoặc bị thế lực ép buộc; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLIII. NGỒI TRONG NHÀ ĐANG CÓ ĂN[271]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn ở đời quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc đẹp xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Khi ấy Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di.

Hôm ấy đến giờ khất thực Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà Trai ưu-bà-tư, an tọa nơi chỗ ngồi. Trong lúc ấy, Trai ưu-bà-tư tắm rửa trang điểm thân hình, phu chủ hết lòng yêu kính, nên không bao giờ rời nhau.

Phu chủ hỏi Ca-lưu-đà-di: 

«Ông cần gì?»

Ca-lưu-đà-di trả lời: 

«Tôi cần thức ăn.»

Người chồng liền bảo vợ đem thức ăn cho. Như lời nói của chồng, bà vợ đem thức ăn trao cho Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di ăn xong, vẫn ngồi một chỗ không đi. Người chồng hỏi Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Vừa rồi ông nói cần thức ăn. Đã ăn rồi, sao không đi?»

Khi ấy,Trai ưu-bà-tư ra dấu hiệu khiến Ca-lưu-đà-di đừng đi. Phu chủ của bà nổi giận nói với Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Tỳ-kheo làm trở ngại việc của ta.[272] Nói cần ăn, cho ăn rồi, sao không đi. Lại muốn làm gì đây? Tôi giao nhà cho ông mà đi. Ở lại đó, muốn làm gì thì làm!»

Người chồng giận, nói như vậy, rồi bỏ nhà ra đi.

Vào lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực vừa đến nhà đó, nghe như vậy, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn[273]?»

Tỳ-kheo khất thực ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ với các tỳ-kheo. Trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn?»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: 

«Thật sự ông có ngồi yên tại nhà đang có thức ăn?»

Ca-lưu-đà-di thưa: 

«Bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: 

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông lại ngồi yên nơi nhà cho ăn có của quý?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: 

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, tại nhà có thức ăn[274] có vật báu,[275] mà cố nán ngồi, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thức ăn: nam dùng nữ làm thức ăn, nữ dùng nam làm thức ăn, cho nên gọi là thức ăn.

Nhà: như trên đã nói.

Vật báu: Xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, kim ngân.

Nếu tỳ-kheo tại nhà có thức ăn, có vật báu, duỗi cánh tay mà đụng cánh cửa thì được ngồi. Nếu tỳ-kheo nơi nhà có thức ăn có vật báu mà cố nán ngồi, ba-dật-đề. Mù mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không mù, cũng đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma ni, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu vào trong nhà ăn có vật báu, ngồi duỗi cánh tay ra đụng cửa; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen; hoặc có người khách ở chỗ đó mà không mù không điếc, không điếc không mù; hoặc đi ngang qua mà không đứng lại; hoặc bất ngờ bệnh phát té xuống đất; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLIV. NGỒI VỚI NGƯỜI NỮ Ở CHỖ KHUẤT[276]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn là người thế tục, có quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Ca-lưu-đà-di.

Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, tự nghĩ rằng, «Đức Thế tôn cấm trong nhà có ăn có vật báu không được ngồi và được ngồi chỗ nào duỗi cánh tay ra đụng cửa.» Nên ông ngồi phía sau cánh cửa.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng với Trai ưu-bà-tư đang nói chuyện, thì có tỳ-kheo khất thực đến, nghe có tiếng Ca-lưu-đà-di đang nói, mà không thấy Ca-lưu-đà-di ở chỗ nào, bèn hiềm trách Ca-lưu-đà-di: 

«Tại sao, trong nhà có ăn [667a1] có của báu mà lại ngồi chỗ khuất khiến cho chúng tôi không biết đang làm gì?»

Khất thực tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Tại sao, trong nhà đang ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: 

«Có thật, trong nhà đang ăn có vật báu, mà ông ngồi chỗ khuất hay không?»

Ca-lưu-đà-di thưa: 

«Kính bạch đức Thế tôn, có đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: 

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, trong phòng ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?»

Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, trong nhà ăn có vật báu[277] mà ngồi nơi khuất, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thức ăn: nữ là thức ăn của nam, nam là thức ăn của nữ.

Vật báu: Xà cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, kim ngân.

Chỗ khuất: hoặc cây, tường, vách, rào dậu, hoặc y, các vật khác che ngăn.

Tỳ-kheo vào trong phòng ăn có vật báu, ngồi nơi chỗ khuất, duỗi tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy. Tỳ-kheo nào trong phòng ăn có vật báu, mà ngồi nơi chỗ khuất, ba-dật-đề. Đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu nơi nhà có ăn có vật báu mà ngồi chỗ duỗi cánh tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen biết gần bên; hoặc cùng một chỗ với người khách mà không đui không điếc; hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại; hoặc bất ngờ bị bệnh té xỉu hay bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLV. NGỒI MỘT MÌNH VỚI NGƯỜI NỮ TẠI CHỖ TRỐNG[278]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi chưa xuất gia, có thân quen với người vợ của ông bạn bạch y. Người đàn bà ấy tên là Trai,[279] có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Ca-lưu-đà-di.[280]

Đã đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, ngồi chỗ trống cùng nhau nói chuyện. Một tỳ-kheo khất thực đến, thấy Ca-lưu-đà-di cùng Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ nói chuyện, liền hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?» 

Tỳ-kheo khất thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: 

«Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?» 

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: 

«Thật sự ông có cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ trống nói chuyện hay không?»

Ca-lưu-đà-di thưa: 

«Kính bạch đức Thế tôn, đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: 

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-lưu-đà-di, sao ông lại cùng với Trai ưu-bà-tư chỗ trống nói chuyện?»

Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Người nữ: người có trí, mạng căn không đoạn.

Một mình: một người nữ, một Tỳ-kheo.

Chỗ khuất :[281] khuất đối với thấy, khuất đối với nghe.

- Khuất đối với thấy: do bụi, sương, bóng tối, mà không thấy mặt.

- Khuất đối với nghe: không nghe được tiếng nói bình thường.

Tỳ-kheo nào một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống, ba-dật-đề. Nếu đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Có hai tỳ-kheo làm bạn, hoặc có người quen biết gần bên, hoặc có người khách nơi đó mà không đui không điếc, không điếc không đui, hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại, hoặc bất ngờ bị bệnh té xuống hay bị thế lực bắt buộc, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLVI. ĐUỔI ĐI KHÔNG CHO THỨC ĂN[282]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử cùng với các tỳ-kheo khác[283] cãi nhau, bắt phải sám hối. Bạt-nan-đà ôm hận trong lòng. Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử nói với vị tỳ-kheo rằng: 

«Thầy đi theo tôi vào trong thôn. Tôi sẽ cho thầy thức ăn.»

Tỳ-kheo kia đồng ý. 

Giờ khất thực đến, Bạt-nan-đà khoác y, bưng bát, cùng với tỳ-kheo kia vào thành Xá-vệ. Dẫn đến vùng không có thức ăn. Bạt-nan-đà đi vòng quanh khắp nơi. Mãi đến khi gần quá giữa ngày, Bạt-nan-đà toan tính: 

«Nếu tỳ-kheo nầy ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Kỳ-hoàn thì đã quá ngọ.»

Bạt-nan-đà bèn nói với tỳ-kheo kia rằng: 

«Chưa từng có người nào đại ác như thầy!»

Tỳ-kheo kia hỏi rằng: 

«Tôi đã tạo ra những tội gì?»

Bạt-nan-đà trả lời: 

«Hôm nay, thầy đã làm cho tôi không nhận được thức ăn. Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.»

Bạt-nan-đà nói với tỳ-kheo này như vậy rồi, vào chỗ có thức ăn trong thành Xá-vệ nhận ăn. Trong khi tỳ-kheo kia ra khỏi thành Xá-vệ về đến Kỳ-hoàn thì đã quá giữa ngày, nên không thể ăn được, phải nhịn đói. 

Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: 

«Sao Thầy bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho thức ăn cho tỳ-kheo kia lại nói rằng, ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳ-hoàn. Đã quá giữa ngày, [668a1] cuối cùng phải nhịn đói?» 

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: 

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho thức ăn cho tỳ-kheo kia lại nói rằng, ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳ-hoàn. Đã quá giữa ngày, cuối cùng phải nhịn đói?» 

Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử rồi, bảo các tỳ-kheo: 

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, nói với tỳ-kheo khác như vầy, ‹Đại đức, hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức ăn.› Tỳ-kheo ấy cuối cùng không cho tỳ-kheo kia thức ăn, nói rằng: ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thôn:[284] có bốn loại như đã nói ở trên.

Thực: thời thực, (ăn đúng lúc)

Tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng, «Vào tụ lạc, tôi sẽ cho thầy thức ăn.» Cuối cùng tỳ-kheo kia không cho thức ăn cho tỳ-kheo nầy, lại nói, «Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.» Tỳ-kheo kia phương tiện đuổi đi đến chỗ không thấy nghe, phạm ba-dật-đề; đến chỗ không thấy mà nghe, phạm đột-kiết-la; đến chỗ không nghe mà thấy, phạm đột-kiết-la. Phương tiện đuổi đi, tự bỏ chỗ thấy nghe, phạm ba-dật-đề; bỏ chỗ thấy đến chỗ nghe; bỏ chỗ nghe đến chỗ thấy, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Trao cho thức ăn rồi bảo đi; hoặc bệnh, hoặc không có oai nghi, người thấy không vui nên nói, ‹Thầy đi! Tôi sẽ đưa thức ăn đến trong Tăng-già-lam.› Hoặc vị kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc trong chúng cử tội, hay bị tẩn, hoặc đáng bị tẫn, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, phương tiện bảo đi, không vì thù hận mà khiến đi, thảy đều không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLVII. THUỐC BỐN THÁNG [285]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, tại Thích-suý-sấu.[286] Bấy giờ, Ma-ha-nam giòng họ Thích phát nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Thí chủ cung kính các Thượng tọa, nên cúng dường thứ tốt, dù họ cần hay không cần cũng cúng.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng, «Ma-ha-nam Thích tử này, nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng, cung kính bậc Thượng tọa, cúng dường thứ tốt. Đối với chúng ta, không có lòng cung kính, nên dùng thứ xấu để cho chúng ta. Khi yêu cầu còn không cho; huống chi lúc không yêu cầu.» Rồi bảo nhau: «Chúng ta hãy đến nhà đó yêu cầu thứ khó kiếm, và loại thuốc không thể có.»[287] 

Bàn xong họ liền đến nhà của Ma-ha-nam nói rằng: 

«Chúng tôi cần thứ thuốc như vậy, như vậy.»

Ma-ha-nam nói: 

«Nếu trong nhà tôi có thì sẽ cúng dường. Nếu không, tôi sẽ ra chợ mua để cung cấp.»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng: 

«Trong nhà ông, không thể có thứ thuốc như vậy, như vậy hay sao?»

Ma-ha-nam nói: 

«Trong nhà có thì cúng liền. Nếu không, sẽ ra chợ mua để cúng.»

Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói: 

«Ông nguyện cúng dường thuốc cho chúng Tăng. Mà ông cung kính bậc Thượng tọa, nên ông cúng thứ tốt. Dù họ cần hay không cần ông cũng cúng. Còn đối với Hạ tọa, ông không ân cần cung kính, nên cho thứ xấu. Có yêu cầu còn không được; huống chi không yêu cầu? Trong nhà ông không có thuốc, tại sao ông lại nguyện cúng thuốc cho chúng Tăng? Ông là người có thiên vị, lại vọng ngữ nữa.»

Ma-ha-nam nói: 

«Trước đây, tôi có nguyện cung cấp cho chúng Tăng thuốc mà trong nhà có. Nếu trong nhà không có, sẽ ra chợ mua cho. Tại các thầy lại nói tôi là người thiên vị và lại vọng ngữ, không có lòng chí thành? Trưởng lão hãy đi đi! Từ nay trở đi tôi không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa.»

Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Ma-ha-nam Thích tử ưa cung kính, thích bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, tại sao các thầy lại mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: 

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao Ma-ha-nam Thích tử có tín tâm, ưa bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, mà các ông mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông ta không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được thỉnh cầu cúng dường thuốc bốn tháng[288] thì có thể nhận, nếu nhận quá, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh có tâm e sợ không dám nhận thuốc quá, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: 

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thuốc quá bốn tháng.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thường thỉnh cung cấp thuốc cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo có tâm e sợ không dám nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc ấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: 

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Ma-ha-nam Thích tử lại nghĩ, «Nay, ta không thể vì một hay hai người mà chấm dứt sự cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Nay, ta nên thỉnh chúng Tăng cung cấp thuốc trở lại.» Nghĩ như vậy rồi, Ma-ha-nam liền trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: 

«Nguyện xin chư Đại đức Tăng nhận lại sự cung cấp thuốc của tôi.» 

Các tỳ-kheo vì cẩn thận nên sợ, không dám nhận sự cung cấp thuốc trở lại. Bạch Phật. Đức Phật dạy: 

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận thuốc được thỉnh cầu cung cấp trở lại.» 

Các tỳ-kheo tính cọng lại những ngày trước. Bạch Phật. Đức Phật dạy: 

«Không nên tính lại những ngày trước. Nên tính kể từ ngày cung cấp trở lại.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo nhận thuốc chia phần. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận, bạch Phật, đức Phật dạy: 

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc chia phần.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo cung cấp thuốc trọn đời. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận thuốc trọn đời, bạch Phật, đức Phật dạy: 

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc trọn đời.»

Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần, thỉnh trọn đời.[289]

B. GIỚI TƯƠNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Bốn tháng: là bốn tháng mùa hạ.

Nhơn duyên:[290] nguyện cung cấp thuốc.

Bệnh: thầy thuốc bảo uống thứ thuốc đó.

Thường thỉnh: Thí chủ thưa, «Tôi nguyện thường xuyên cúng thuốc.»

Thỉnh trở lại: chấm dứt rồi, thỉnh trở lại.

Thỉnh chia phần: thí chủ đem thuốc đến Tăng-già-lam cúng rồi phân chia.

Thỉnh trọn đời: Thí chủ thưa, «Tôi sẽ cúng thuốc trọn đời.»

Thỉnh: có bốn cách. Có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc; có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn; có giới hạn thuốc, không có giới hạn ngày; ngày không giới hạn thuốc cũng không giới hạn. 

Thế nào gọi là có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc? Thí chủ có quy định thời gian mà không ấn định số thuốc. Như nói, «Tôi nguyện cúng thuốc với chừng đó ngày.» Đó gọi là thỉnh có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc.

Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, không giới hạn ngày? Thí chủ xin cúng một số thuốc, nhưng không giới hạn thời gian. Nói như vầy, «Tôi cúng loại thuốc như vậy.» Đó gọi là thỉnh thuốc có giới hạn mà thời gian không giới hạn.

Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn? Thí chủ nguyện cúng một số thuốc trong thời gian đã được ấn định. Nói như vầy, «Tôi hứa cúng thuốc như vậy trong khoảng thời gian như vậy.» Đó là thuốc và thời gian được ấn định.

Thế nào gọi là không giới hạn thuốc, không giới hạn ngày. Thí chủ xin cúng thuốc, chứ không nói số thuốc bao nhiêu và thời gian bao lâu. Nói như vầy, «Tôi xin cúng thuốc cho thầy.» Đó gọi là thỉnh thuốc và thời gian không hạn định.

Trong bốn cách thỉnh trên, thời gian có hạn định, thuốc không hạn định, và thời gian có hạn định, thuốc có hạn định, tức là thọ thỉnh bốn tháng mùa hạ.

Trong bốn cách thỉnh trên, thuốc có hạn định, thời gian không hạn định. Thời gian không hạn định, thuốc cũng không hạn định, tùy theo thời gian dâng cúng mà nhận. Tỳ-kheo kia không có bệnh, nên nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng mùa hạ. Nếu nhận quá, trừ thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời, mỗi lần nuốt là phạm một ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng; có bệnh nên nhận quá; thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

XLVIII. XEM QUÂN TRẬN [291]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vùng trong nước Vua Ba-tư-nặc, [292] người dân phản loạn, nhà Vua phải đích thân thống lãnh lục quân để chinh phạt.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đến đó xem coi quân trận. Vua Ba-tư-nặc hỏi rằng: 

«Chư tôn có mặt giữa ba quân nầy muốn làm việc gì?»

Lục quần trả lời: 

«Chúng tôi không có việc gì cả. Chỉ đến xem coi mà thôi.»

Vua Ba-tư-nặc nghe nói như vậy lòng không vui. Nhà Vua lại hỏi: 

«Muốn đi đâu?»

Lục quần nói: 

«Chúng tôi sẽ đến nước Xá-vệ yết kiến đức Thế tôn.»

Nhà Vua nói: 

«Nếu quý Đại đức đến nước Xá-vệ, xin nhân danh tôi lễ bái, thăm hỏi đức Thế tôn, rằng nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc nhằn lắm không? Tôi xin gởi gói đường phèn này dâng cúng đức Thế tôn, và quý Đại đức đem nhơn duyên nầy bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.»

Lúc Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo liền đến Tịnh xá Kỳ-hoàn ở nước Xá-vệ, kính lễ dưới chân đức Thế tôn, rồi ngồi qua một bên, nhân danh Vua Ba-tư-nặc lễ bái vấn tấn đức Thế tôn rằng: «nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc mệt lắm không? Dâng gói đường phèn lên đức Thế tôn, và đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.»

 Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: 

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ông thật là người ngu si, sao lại xem coi thế lực quân trận của nhà Vua?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bây giờ, có một vùng trong nước Vua Ba-tư-nặc, nhân dân phản loạn, nhà Vua sai hai vị Đại thần, là anh em với nhau, người anh tên là Lị-sư-đạt-đa, người em tên là Phú-la-na,[293] cầm quân đi chinh phạt. Hai vị Đại thần này khát ngưỡng, muốn diện kiến tỳ-kheo nên sai sứ đến thỉnh các Đại đức tỳ-kheo đến để hai vị gặp. Các tỳ-kheo vì có tâm cẩn thận sợ nên bảo, đức Thế tôn đã chế giới: «Nếu Tỳ-kheo nào đi xem quân trận, ba-dật-đề.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Phật bảo: 

«Nếu cần có sự cáo bạch hay được mời gọi, thì cho phép đến.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: 

Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận,[294] ba-dật-đề. Trừ nhơn duyên hợp thời.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Trận: hoặc chiến, hoặc đấu.

Quân: hoặc một quân, hai quân, ba quân, bốn quân.

- Một quân: một quân voi, một quân ngựa, một quân xe, một quân bộ. Hoặc toàn là quân ngựa, quân voi, quân bộ, quân xe.

- Hai quân: hai voi, hai ngựa, hai xe, hai bộ, hoặc gồm có voi và ngựa, hoặc voi và xe, hoặc voi và bộ, hoặc ngựa và xe, hoặc ngựa và bộ, hoặc xe và bộ.

- Ba quân: ba voi, ba ngựa, ba xe, ba bộ, hoặc voi, ngựa và xe, hoặc voi, ngựa và bộ, hoặc ngựa, xe và bộ.

- Bốn quân: bốn voi, bốn ngựa, bốn xe, bốn bộ, hoặc voi, ngựa, xe và bộ.

Tỳ-kheo kia đến xem quân trận, từ đường nầy đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường; từ thấp đến cao, từ cao đến thấp, đến mà thấy thì phạm ba-dật-đề. Đến mà không thấy, phạm đột-kiết-la.

Nếu phương tiện chuẩn bị, muốn xem mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi nơi đường trước, quân trận mới đến sau, tỳ-kheo nên tránh qua bên lề đường, không tránh phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.  

Sự không phạm: tỳ-kheo có việc cần đến; hoặc được mời đi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc đi phía trước quân trận đến sau, có tránh qua bên lề đường; hoặc đường nước, đường bộ bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực [670a1] trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không tránh bên lề đường thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

XLIX. NGỦ LẠI TRONG QUÂN[295]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo có nhân duyên đến trong quân trại và ngủ lại. Các cư sĩ thấy, bèn nói với nhau rằng: «Chúng ta vì ân ái nên ngủ đêm nơi đây. Còn các sa-môn nầy, ở lại đây có việc gì?»

Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Đức Thế tôn chế giới, khi có duyên sự mới đến trong quân trại. Sao các thầy lại ngủ đêm trong quân trại?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: 

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, có nhơn duyên mới được vào trong quân trại. Các ông không có việc gì sao lại ngủ lại trong quân trại?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại, ngủ lại hai, ba đêm; nếu quá, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo nào có nhơn duyên muốn đến trong quân trại, được phép ngủ lại hai đêm; cho đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, nên đi đến chỗ không thấy không nghe. Tỳ-kheo kia ở trong quân trận đủ hai đêm rồi; đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, không lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy, lúc bình minh xuất hiện, phạm ba-dật-đề. 

Nếu lìa khỏi chỗ mắt thấy mà đến chỗ tai nghe, phạm đột-kiết-la. Lìa chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hai đêm rồi, đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy; hoặc đường thủy, đường bộ bị đứt đoạn; hoặc nạn ác thú, hoặc đạo tặc, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt ở lại, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều được ngủ hai đêm trong quân đội; đến đêm thứ ba, khi bình minh xuất hiện, không lìa khỏi chỗ thấy nghe, không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [296]

 

L. XEM QUÂN ĐỘI CHIẾN ĐẤU[297]
A. DUYÊN KHỞI
[671a7] Khi đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo, có nhơn duyên được ở trong quân đội hai đến ba đêm. Họ lại ở trong quân đội để xem quân trận chiến đấu, xem voi, ngựa của các bên. Trong nhóm sáu này có người do xem coi quân trận chiến đấu mà bị tên bắn trúng. Các tỳ-kheo đồng bạn liền dùng y băng bó khiêng về. Các cư sĩ thấy thế, hỏi tỳ-kheo:

«Vị nầy bệnh hoạn gì?»

Các tỳ-kheo trả lời:

«Không bệnh hoạn gì cả. Vừa rồi đi xem quân trận chiến đấu nên bị trúng tên.»

Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm:

«Chúng tôi vì ân ái cho nên mới diễn tập quân trận này. Các thầy là người xuất gia, đến trong quân đội có việc gì?»

Các tỳ-kheo nghe qua, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Đức Thế tôn chế giới cho phép các tỳ-kheo có nhơn duyên đến trong quân trại, ngủ lại hai đến ba đêm. Các thầy đã ngủ trong quân trại hai, ba đêm rồi. Sao các Thầy lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, tại sao Thế tôn chỉ cho phép các tỳ-kheo, có nhơn duyên mới được đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm. Mà các ông ngủ lại trong quân đội hai, ba đêm rồi, lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?»

Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm, hoặc khi xem quân đội chiến đấu, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa,[298] ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Đấu: Chiến đấu giả, hay chiến đấu thật.

Quân: từ một binh chủng cho đến bốn binh chủng. Hoặc có quân của Vua, quân của giặc, quân của cư sĩ.

Thế lực: sức của voi hạng nhất, sức của ngựa hạng nhất, sức của xe hạng nhất, sức của bộ binh hạng nhất.

Trận:[299] có trận đồ hình vuông, có trận đồ hình tròn, có trận đồ hình bán nguyệt, có trận đồ hình ngói lợp,[300] có trận đồ hình giảm tướng,[301] trận của tượng vương, mã vương, nhơn vương.

Tỳ-kheo nào đến xem quân đội chiến đấu, thế lực của voi ngựa. Từ đường này đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, đến xem mà thấy, phạm ba-dật-đề. Xem mà không thấy, phạm đột-kiết-la.

Phương tiện chuẩn bị, muốn đến mà không đến, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi trước trên đường, quân đội đến sau thì nên tránh, không tránh thì phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: có nhơn duyên, hoặc có người mời, người thỉnh; hoặc bị thế lực bắt dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc đi trước, quân đội đến sau, tránh bên lề đường; hoặc đường bộ, đường thuỷ bị đứt đoạn, đạo tặc, ác thú, nước lụt; hoặc bị cưỡng bức bắt trói, mạng nạn, tịnh hạnh nạn; tất cả không tránh bên lề đường thảy không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục