Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

VII. CẤT CHÙA LỚN[75]        


A. DUYÊN KHỞI
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở trong vườn Cừ-sư-la,[76] tại nước Câu-thiểm-di.[77] Khi ấy, Vua Ưu-điền[78] nói cùng Tôn giả Xiển-đà,[79] là bạn tri thức thân hữu, rằng:

«Tôi muốn làm cho ngài một cái nhà. Ngài muốn cái nhà đó đẹp như thế nào cũng được. Địa điểm nào tốt có thể xây cất phòng xá, cũng tùy ý ngài chọn.»

Tôn giả trả lời: 

«Tốt đẹp thay!»

Lúc bấy giờ, gần thành Câu-thiểm-di có cây thần là Ni-câu-luật.[80] Nhiều người qua lại, cũng như voi ngựa xe cộ thường nghỉ mát dưới gốc cây đó. Tôn giả Xiển-đà đến chặt cây kia để cất nhà lớn. Các cư sĩ thấy vậy, đều chê trách: «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, đoạn mạng chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng ta biết Chánh pháp. Như vậy làm gì có Chánh pháp. Cây đại thọ tốt đẹp như vậy, nhiều người tới lui, voi, ngựa, xe cộ thường nghỉ mát dưới gốc cây đó, mà lại đến chặt để làm nhà lớn.»

Lúc ấy, trong số các tỳ-kheo nghe được, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng: «Cây đại thọ tốt như vậy, nhiều người tới lui, voi ngựa xe cộ thường đến nghỉ mát dưới gốc cây, sao lại đến chặt để làm nhà lớn?»

Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy trình lên đức Phật, một cách đầy đủ.

Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp các tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố ý hỏi Xiển-đà:

«Có thật ngươi đã làm sự việc như vậy chăng?»

Xiển-đà thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, sự việc đúng như vậy.» 

Đức Thế tôn quở trách: 

«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các Tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, cần phải mời các tỳ-kheo khác đến chỉ định nơi chốn. Các tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các tỳ-kheo đến để chỉ định nơi chốn, tăng-già-bà-thi-sa.

C. THÍCH TỪ
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Lớn: dùng nhiều tiền của và vật liệu.[81]

Có chủ: hoặc một, hai hoặc số đông người.

Làm cho mình: vì thân mình mà làm.

Chỗ nguy hiểm: là chỗ có hổ lang, sư tử, các thú dữ, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo không bị các loài trùng kiến hay các loài thú gây não hại, thì nên dọn khu đất cho bẳng phẳng; hoặc có gốc cây, đá, gai gốc, thì hãy sai người đào bỏ. Hoặc có hang, hầm, mương, rãnh, ao, ngòi, thì hãy cho người lấp đi. Hoặc sợ nước ngập, hãy làm đê để chắn. Hoặc chỗ đất có người nói là của họ, thì nên cùng xử đoán, chớ để người khác tranh cãi. Đó gọi là chỗ không bị nguy hiểm.

Chỗ bị bít lối: nghĩa là nơi không đủ cho chiếc xe chở cỏ[82] quay đầu để tới lui, như vậy gọi là chỗ bị bít lối. 

Tỳ-kheo này xem coi, nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối rồi, đến trong Tăng cởi bỏ giày dép, trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch:

Đại đức tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến trước Tăng, xin chỉ định cho chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Lúc bấy giờ, chúng tăng nên quan sát tỳ-kheo nầy có thể tin cậy được không? Có trí tuệ không? Nếu có thể tin cậy, có trí tuệ, thì nên tác yết-ma cho phép cất. Nếu không thể tin cậy, không có trí tuệ, thì nên cử một số tỳ-kheo, hoặc sai tỳ-kheo có trí tuệ, đáng tin cậy, đến nơi đó để xem xét. Nếu nơi đó có nguy hiểm, bị bít lối thì không nên cho. Nếu không có nguy hiểm mà bị bít lối thì cũng không nên cho. Nơi có nguy hiểm mà không bị bít lối cũng không cho. Chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối mới cho. Nơi chốn đã ổn định như vậy rồi, trong chúng sai một người có khả năng như đã nói tác yết-ma. Nên tác bạch:

Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến trước Tăng xin chỉ định nơi không nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận chỉ định cho tỳ-kheo tên là..., chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Đây là lời tác bạch:

Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến Tăng xin chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Chư đại đức nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối thì im lặng; ai không đồng ý xin nói. Tăng đã thuận cho [587a1] tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối rồi, nên im lặng. Việc ấy ghi nhận như vậy.

D. PHẠM TƯỚNG
Vị tỳ-kheo cất phòng nên biết, từ khi khởi công đặt đá, đắp đất, hay vắt bùn, cho đến khi trét bùn sau cùng, hoàn thành toàn bộ, mà không được Tăng chỉ định nơi chốn, nơi nguy hiểm, bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, chỗ có nguy hiểm nhưng không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la.

Tăng không chỉ nơi chốn mà cất nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn mà cất nơi có nguy hiểm, bị bít lối, phạm hai đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn mà cất nơi có nguy hiểm, nhưng không bị bít lối, phạm một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, mà cất nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, nhưng cất nơi không nguy hiểm, không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu tỳ-kheo, Tăng không chỉ định nơi chốn, nơi có nguy hiểm, bị bít lối, cất phòng lớn, có thí chủ cất cho mình, cất xong, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; cất không thành, phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Nếu sai bảo người cất thì phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; không thành phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Vì người khác khởi công xây cất nhà mà hoàn thành thì phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la; cất mà không thành phạm ba đột-kiết-la.

Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tăng không chỉ định nơi chốn, sanh nghi, phạm thâu-lan-giá. Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng là chỉ định nơi chốn, phạm thâu-lan-giá.

Tăng đã chỉ định nơi chốn, tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, sanh nghi, phạm thâu-lan-giá. Có nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm; bị bít lối, tưởng có bị bít lối, đều cũng dùng năm câu như vậy. 

Tỳ-kheo-ni, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: tăng chỉ định nơi chốn, cất nơi không nguy hiểm, không bị bít lối, vì Tăng, vì Phật đồ, giảng đường, am bằng tranh, am bằng lá, cái thất nhỏ đủ dung thân, vì nhiều người xây cất thất thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục