Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Quyển Thứ Sáu (271a) Nói rõ phần còn lại của giới Tăng tàn. 5. GIỚI: LÀM MAI MỐI. Khi Phật an trú ở tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, lúc bấy giờ, có trưởng lão Tỳkheo tên Ca La, đến giờ khất thực, thầy bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đi vào một gia đình nhà nông, người mẹ trong gia đình từ xa trông thấy trưởng lão Ca La đến, liền đứng dậy ra đón tiếp, cung kính chào hỏi: - Lành thay sư phụ mới đến, đã lâu ngày không gặp, xin đừng coi xa lạ như những nhà khác, mà hãy xem như nhà mình, mời thầy vào ngồi chơi. Ca la liền vào ngồi, Khi ấy người mẹ đảnh lễ dưới chân Ca la xong, liền đứng qua một bên. Tiếp theo toàn gia nam nữ cũng đều ra đảnh lễ chân Ca La, rồi đứng qua một bên. Sau cùng, có một cậu con trai luống tuổi cũng đến đảnh lễ chân Ca La, rồi đứng sang một bên. Ca La hỏi chủ nhà: "Cậu này là con ai vậy?". Người mẹ đáp: "Nó là con trai tôi". Ca La bèn hỏi: "Ðã lập gia đình chưa?". Ðáp: "Chưa lập gia đình". Ca la nói: "Nên cưới vợ cho nó, không nên để đi ra ngoài, làm những việc tội lỗi, xấu xa. (271b) Ca La lại hỏi: "Ðã chọn được nơi nào thích hợp chưa?". Ðáp: "Có một nhà kia có một người con gái, tôi đã nhờ người mai mối đến hỏi cưới mà không được". Lại hỏi: "Vì sao không được?", Ðáp: "Họ nói như sau: Tôi muốn không có con trai mà thành có con trai, không có con gái mà thành có con gái. Tôi đưa ra một điều kiện: Người đó vừa là rể tôi mà cũng vừa là con trai tôi, thì tôi mới gả con gái". Rồi bà tiếp: "Tôi nay đâu có thể vì con gái họ mà để cho con mình đi ở rể". Ca La nói: "Như lời bà nói thì kẻ đó là người ngu. Ai lại vì con gái mà bỏ mất con mình. Như người ta thường nói: "Hễ là con gái thì phải đi đến nhà người khác. Dù sinh trong gia đình hoàng tộc, thì theo luật hôn nhân, cũng phải ra đi, như bà ngày trước cũng từ bên ngoài mà đến đây. Nhưng tôi cũng có ra vào nhà ấy, ta sẽ vì con trai bà mà cầu xin giúp cho". Bà ấy liền đáp: "Lành thay sư phụ". Thế rồi Tỳkheo Ca La bèn rời nhà này, đi đến nhà kia. Bà mẹ của gia đình ấy trông thấy Ca La đến, liền bước ra nghinh tiếp, cung kính chào hỏi: "Lành thay sư phụ mới đến, đã lâu ngày không được thăm hỏi. Xin thầy đừng coi xa lạ như những nhà khác, mà hãy xem nhà con như nhà của thầy, mời thầy vào ngồi chơi". Khi ngồi xong, bà bèn đảnh lễ dưới chân Ca La, rồi đứng qua một bên. Sau đó toàn gia nam nữ cũng bước ra đảnh lễ dưới chân thầy, rồi đứng sang một bên, Cuối cùng có một người con gái luống tuổi, đi đến đảnh lễ dưới chân Ca la. Ca La hỏi bà chủ: "Ðây là con gái nhà ai?". Bà chủ đáp: "Con gái tôi đấy". Lại hỏi: "Ðã gả chồng chưa?" Ðáp: "Chưa gả chồng" Ca La nói: "Nên sắp đặt sớm, đừng để nó đi ra bên ngoài mà rủi ro xảy ra những chuyện không hay". Rồi Ca La lại hỏi: "Ðã có ai đến xin cưới chưa?". Ðáp: "Có một gia đình kia đến xin cưới mà không gả". Hỏi: "Vì sao không gả". Ðáp: "Thưa thầy, tôi muốn rằng không có con trai mà thành có con trai, không có con gái mà thành có con gái. Tôi có một điều kiện: Chồng nó vừa là chàng rể mà cũng vừa là con trai tôi, đến nhà tôi ở, thì tôi mới chịu gả nó. Nay tôi lẽ nào vì con trai người ta mà để cho con gái mình rời khỏi nhà". Ca La nói: "Thật là quái gỡ! Bà là kẻ ngu si, Xưa nay có nghe ai nói gả con trai cho con gái bao giờ! Như bà ngày trước vì sao lại đến nhà người khác? Miệng đời thường nói: "Sinh con gái thì phải gả chồng. Dù sinh trong gia đình hoàng tộc, thì theo luật hôn nhân cũng phải rời khỏi nhà. Nhưng gia đình chàng trai kia vốn là thí chủ của tôi. Bà gả con gái cho họ thì có thể được giàu sang sung sướng". Bà mẹ liền hỏi: "Ý thầy muốn như vậy sao?" Ðáp: "Muốn như vậy". Bà liền đồng ý. Thế rồi, Ca La trở về lại nhà trai, nói với bà chủ nhà rằng: "Nhà gái đã đồng ý rồi, những gì cần làm hãy làm ngay đi". Khi ấy, cả hai gia đình đều giàu có, nên họ đưa lễ vật qua lại, rồi cử hành hôn lễ và người con gái đi về nhà chồng. Nhưng sau đó do công việc cực nhọc mà hằng ngày cô ta sinh ra mệt mỏi, nằm ngủ đến khi mặt trời mọc. (271c) Bà mẹ chồng đến gọi: "Vì sao không dậy. Mày không biết phép tắc của người vợ là phải dậy sớm quét tước, làm công việc và trông nom khách khứa sao?". Bà nhắc nhở đến lần thứ ba mà cô vẫn không nghe lời. Cho nên bà rất đau khổ, chán nản, than phiền rằng: - Vì ông Ca La mà ta phải chuốc lấy nỗi khổ này, ông đã tìm cho ta một vật không có tay chân. Bấy giờ cô vợ trẻ cũng khóc lóc than thở: "Vì ông Ca La mà ta phải chịu đựng nỗi khổ này, vì sao mà đem ta vứt vào trong hầm lửa." Khi ấy, người mẹ của cô gái nghe được, cũng giận dữ nói: "Con gái ta ở nhà dịu dàng vui vẻ, ít việc, ngày nay ở nhà chồng nhiều việc lao khổ, suốt ngày khóc lóc. Vì sao ông Ca La lại đem con gái ta ném vào một gia đình tệ ác như thế? Kết cuộc Tỳkheo Ca La làm cho cả hai nhà đều tức giận. Các Tỳkheo bèn đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Thế Tôn liền bảo gọi Tỳkheo Ca La đến. Họ liền gọi đến. Phật bèn hỏi Ca La: "Ông có làm việc đó thật chăng?" Ðáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!" Phật nói: "Ca La, ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện để chê trách việc hòa hợp dâm dục, và dùng vô số phương tiện khen ngợi sự ly dục là gì? Nay vì sao ông lại làm môi giới cho việc hòa hợp dâm dục? Ðó là việc ác. Nay nhân vì ông mà ta phải chế giới cho các Tỳkheo". Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo sống tại thành Xá vệ, phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: -- Nếu Tỳkheo nhận làm môi giới cho người khác để đưa đến hòa hợp dâm dục, hoặc cưới hỏi, hoặc là tư thông với nhau, dù trong chốc lát thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Giải thích Sứ giả: Nhận làm công việc sứ giả. Hành: Ði lại. Hòa hợp: Hòa hợp nam nữ vậy. Vợ: Làm vợ suốt đời. Tư thông: Giao hoan tạm thời. Dù trong chốc lát: Dù cho họ hòa hợp giao hoan trong khoảnh khắc, thì (Tỳkheo) cũng phạm tội Tăng già bà thi sa. Tăng già bà thi sa: Như trên đã nói. Hoặc người con gái cô độc, không cha, không mẹ, không thân thích, hoặc không có ai hết, hoặc tự lập, hoặc nương tựa người khác, hoặc nương tựa thân thích, hoặc nương tựa nhiều người... Con gái mồ côi mẹ: Người con gái không có mẹ, nương tựa vào cha mà sống, đó gọi là con gái mồ côi. Nếu có người con trai muốn xin cưới cô gái ấy làm vợ rồi nhờ Tỳkheo đến cầu hôn, mà Tỳ kheo nhận lời, thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu đến người ấy nói, thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được mà trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Con gái mồ côi cha: Có những người con gái không có cha, nương tựa mẹ mà sinh sống. Ðó gọi là con gái mồ côi cha. Nếu có người con trai muốn xin cưới cô gái ấy làm vợ, rồi nhờ Tỳkheo thay mặt đến xin (272a) cưới cô về làm vợ, mà Tỳkheo nhận làm sứ giả cho họ, thì phạm tội Việt Tỳ Ny. Nếu đến nhà ấy nói thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Ðối với người con gái không có thân thích và không có ai để nương tựa cũng như thế. Tự lập: Không cha, không mẹ, không bà con, tự nuôi lấy thân. Nếu có người con trai muốn cưới cô gái này làm vợ, bèn cậy Tỳkheo đến nói với cô gái này, mà Tỳkheo nhận làm môi giới, thì phạm tội Việt Tỳ Ny. Nếu đến nói với cô gái, thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Sống nương tựa người khác: Nếu có người con gái không có cha mẹ, sống nương tựa người khác, rồi có người con trai muốn cưới cô ta làm vợ, bèn cậy Tỳkheo làm môi giới, mà Tỳkheo nhận lời, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với người ấy thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Người con gái sống nương tựa cha, mẹ và những người khác cũng như thế. Hoặc các trường hợp con trai mồ côi không mẹ, không cha, không bà con, hoàn toàn không có ai cả, sống tự lập, hoặc nương tựa vào kẻ khác, hoặc nương tựa cha mẹ, hoặc nương tựa mọi người. Không có mẹ: Nếu đứa con trai không có mẹ, nương nhờ cha mà sinh sống, muốn xin cưới một cô gái làm vợ, bèn nhờ Tỳkheo làm môi giới, mà Tỳkheo nhận làm sứ giả thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với cô gái ấy, thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Kể cả những người không có ai để nương tựa cũng như thế. Hoặc có các trường hợp: cùng sinh trong một nhà, trước đã giao kết, trừng phạt, vua thảo khấu, dệt tơ, nấu ăn, lấy nước, không có con, vì thừa kế. Trong nhà: Nếu có người nuôi trẻ con của người khác, dạy dỗ thành người, và trong nhà cũng có một đứa con gái ruột đã đến tuổi trưởng thành liền suy nghĩ "Con gái ta nay đã khôn lớn, cần phải cho nó lấy chồng. Ngày nay, đứa con trai này do ta nuôi dưỡng cũng đã trưởng thành, vì sao ta không đem con gái mình gả cho nó, để nó trở thành chàng rể, đồng thời vừa là con trai ta?"Thế nhưng người này không thể nói ra được, bèn nhờ Tỳkheo thay thế mình nói với đứa con trai ấy như sau: "Ta đã nuôi dưỡng con, cho ăn học thành tựu, nay đã khôn lớn và ta cũng có đứa con gái sắp lấy chồng. Ta muốn con làm rể ta và đồng thời cũng là con trai ta". Nếu Tỳkheo nhận làm môi giới cho người ấy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với cậu ấy, thì phạm tội Thâu lan giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc giả đứa con nuôi ấy trước đó muốn cưới cô ấy, rồi nhờ Tỳkheo làm môi giới đến thưa với cha cô cũng như thế. Cùng sinh: Nếu có 2 anh em ruột mà anh chết, em muốn lấy chị dâu làm vợ, rồi nhờ Tỳkheo làm môi giới đến nói với chị dâu... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Trước đã giao kết: Nếu có một chàng trai cùng với vợ người thông giao, rồi người đàn bà ấy nói với chàng trai: - Nếu chồng tôi nổi giận trị tội tôi khốc liệt (272b) rồi đuổi ra khỏi nhà, thì anh hãy lấy tôi. Ðáp: "Có thể được". Khi ấy, người vợ đó cố tình xúc não chồng mình, để cho anh ta nổi giận trừng trị cô rồi đuổi đi. Chàng trai ấy biết được việc đó, nhưng không thể đích thân đến nói, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với người đàn bà ấy rằng: "Cô đã bị chồng trừng trị khổ sở rồi đuổi đi, vậy hãy đến với tôi", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc có một người phụ nữ thích một người con trai mà không thể tự nói, liền nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với người con trai ấy: "Tôi bị chồng trừng phạt nặng rồi đuổi đi, nay muốn đến anh, lấy anh làm chồng", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc có trường hợp có người đàn bà muốn tái hợp với chồng cũ mà không thể nói được, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với người chồng ấy: "Cho tôi cùng trở lại để cùng sống bên nhau, tôi hứa sẽ không phạm sai lầm nữa", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc có trường hợp người chồng muốn trở lại với vợ cũ mà không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với bà ấy rằng: "Nay cho phép cô trở về, nhưng đừng có phạm tội nữa", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả, cho đến được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Trừng phạt: Nếu vua muốn cưới con gái người ta, nhưng không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với gia đình ấy: "Tôi có thể phạt gia đình ông, rồi bắt con gái ông, nhưng tôi không muốn thế. Nếu ông cho con gái ông cho tôi, thì cô ấy sẽ được y phục, ẩm thực và những vật trang điểm tự nhiên không thiếu thứ gì, lại còn ích lợi cho nhà ông nữa", mà Tỳkheo nhận lời làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Vua thảo khấu: Tức chúa trại. Nếu chúa trại muốn lấy con gái người ta, nhưng không thể tự nói, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nhà ấy nói rằng: "Tôi là vua trong rừng, có thể gây cho ông những điều bất lợi, ông phải đưa con gái ông đến cho tôi thì cô ấy sẽ được y phục, ăn uống và các vật trang sức thoải mái và nhà ông cũng được bảo vệ", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Dệt tơ: Nếu có người quả phụ làm nghề dệt tơ lụa để sinh sống, rồi có người đàn ông muốn cưới bà ta mà không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với bà quả phụ ấy: "Tôi muốn lấy bà làm vợ". Người quả phụ ấy nói: "Nếu tôi về đó thì không thể làm việc gì khác mà chỉ biết dệt tơ thôi, nếu có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳkheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nấu ăn: Có một người đàn ông kia muốn lấy một quả phụ làm vợ, nhưng không thể đến nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳkheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy: "Hãy đến chung sống với tôi". Quả phụ nói: "Tôi chỉ có thể nấu ăn, ngoài ra không thể làm gì khác, có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳkheo nhận lời... cho đến hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, (272c) thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Lấy nước: Có một gã đàn ông muốn hỏi cưới một quả phụ nhưng không thể đến nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳkheo thay lời mình đến nói với quả phụ: "Hãy đến sống chung với tôi". Quả phụ đáp: "Tôi chỉ có thể lấy nước, ngoài ra không thể làm việc gì khác, có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳkheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Không có con: Có một người đàn ông không có vợ con muốn cưới một quả phụ cũng chẳng có chồng con gì, nhưng không thể tự mình nói ra, bèn cậy Tỳkheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy: "Hai chúng ta đều không có con cái gì, bà hãy đến sống chung cùng tôi", mà Tỳkheo nhận lời làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc bà quả phụ ấy muốn lấy ông kia nhưng không thể tự mình nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳkheo đến... thì cũng như vậy. Thừa kế giỗ quải: Nếu có người đàn ông đàn bà đều không có con cái gì, sợ sau khi chết trở thành quỉ đói không có ai kế thừa, giỗ quải, rồi người đàn ông ấy muốn lấy quả phụ đó nhưng không thể đến nói trực tiếp, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với bà quả phụ: "Bà hãy đến sống chung cùng tôi. Nếu tôi chết trước hóa thành quỉ đói thì bà cúng quải tôi. Nếu bà chết trước, thì tôi sẽ kỵ giỗ bà", mà Tỳkheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc bà quả phụ ấy muốn lấy người đàn ông đó cũng như vậy. * Hoặc có các trường hợp: Có người con gái được cha bảo vệ, mẹ bảo vệ, anh em bảo vệ, chị em bảo vệ, tự bảo vệ, dòng họ bảo vệ, nhờ tiền bạc bảo vệ, hoặc là bé gái, hoặc là quả phụ, hoặc là gái có chồng... Mẹ bảo vệ: Có người con gái sống nương tựa vào mẹ, rồi có người muốn cưới cô ta, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với mẹ cô: "Tôi muốn cưới cô này làm vợ", mà Tỳkheo nhận lời, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Trường hợp được cha bảo vệ, anh em, chị em bảo vệ cũng như thế. Tự bảo vệ: Có người con gái không có cha mẹ bà con, phải tự mình mưu sinh và trì giới, giữ mình. Rồi có người con trai muốn cưới cô ấy, liền nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Dòng họ bảo vệ: Có người con gái không có cha mẹ, phải sống nương tựa những người cùng họ hàng... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Tiền bạc bảo vệ: Nếu có người con gái nợ tiền người ta mà chưa trả đủ, rồi có người con trai muốn cưới cô ấy, bèn cậy Tỳkheo thay lời mình đến nói với gia đình cô ta: "Cho tôi cô gái này, tôi sẽ thay thế để trả món tiền mắc nợ", mà Tỳkheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Bé gái, quả phụ, đàn bà có chồng cũng như vậy. * Hoặc có các trường hợp: Có người con gái do dùng lúa mà đổi được, hoặc dùng tiền mua được, hoặc thuê nuôi bằng tiền, hoặc thuê nuôi nửa thời gian, hoặc thuê nuôi trọn thời gian (273a), hoặc ở một tháng, hoặc ở tùy hứng, hoặc do cướp được, hoặc nhận lấy vòng hoa, không có họ, chốc lát... Dùng lúa mà đổi được: Hoặc có người dùng lúa đổi được cô gái, rồi có chàng trai muốn lấy cô, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với cô ta: "Cô hãy làm vợ tôi", mà Tỳkheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Dùng tiền mua được: Giống như trường hợp trên. Thuê bằng tiền: Có người nuôi con gái người ta để lấy tiền công. Số tiền ấy trừ khoản cung cấp cô ta, còn thừa thì lấy hết. Rồi có chàng trai muốn lấy cô ấy, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nuôi thuê nửa thời gian hoặc toàn thời gian đều như thế cả. Ở một tháng: Hoặc có chàng trai muốn cưới một quả phụ làm vợ, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy, rồi quả phụ đáp: "Tôi không thể ở lâu dài được, mà chỉ có thể ở chừng một tháng, có cần thì tôi sẽ đến",... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Ở tùy hứng: Có chàng trai muốn xin cưới một quả phụ, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy, rồi bà ta đáp: "Tôi không thể ở mãi được, ý tôi chỉ muốn ở chừng ấy thời gian thôi, có cần thì tôi sẽ đến"... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Do cướp được: Hoặc có người phá xóm làng người ta, cướp được một cô gái, rồi có chàng trai muốn xin cưới cô ta, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Do nhận lấy vòng hoa: Có những nước có phong tục: Khi con trai muốn xin cưới con gái thì phải sai người đem vòng hoa đến gia đình nhà gái. Nếu họ nhận vòng hoa, thì biết họ đã đồng ý. Nếu họ không nhận vòng hoa, thì biết họ không đồng ý. Bấy giờ, nhà trai bèn nhờ Tỳkheo mang vòng hoa đến gia đình nhà gái..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Người không có họ: Hoặc có chàng trai không cha, không mẹ, không bạn bè và một cô gái kia cũng thế. Rồi chàng trai nọ muốn cầu hôn cô gái, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Trong chốc lát: Có một chàng trai kia muốn thông giao với một cô gái đoan chính trong chốc lát, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình ngỏ ý..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. * Hoặc có các trường hợp: Ðàn bà không có con, nô tỳ gái, người xuất gia, người bị bỏ (đuổi) dâm nữ, người hầu dâm nữ, dâm nữ đứng đường, người hầu dâm nữ đứng đường, cô gái bị vứt bỏ, cô gái xin được, cô gái bị thải hồi, hạ tiền nữ.v.v... Ðàn bà không con: Có những gia đình giàu có, cưới vợ cho con lúc còn bé. Sau đó, con chết, rồi nàng dâu sống nương tựa mẹ chồng cho đến lúc khôn lớn. Thế rồi có chàng trai muốn lấy cô, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với mẹ chồng: "Con bà đã qua đời, tôi nay cũng như con bà, vậy xin bà hãy cho nàng dâu bà cho tôi. Tôi sẽ cung cấp y phục ẩm thực, để nàng cùng chung sống với tôi"...(273b) cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Người đàn bà nô tỳ: Như nhiều quốc gia, có tục lệ bán bớt miệng ăn (cho con gái đi ở đợ) rồi có chàng trai muốn chuộc cô ta về làm vợ, nhưng sợ khoản tiền hơi nhiều, bèn nhờ Tỳkheo bí mật đem lời mình đến nói với cô ta: "Nay tôi chuộc cô về làm nô tỳ, nhưng kỳ thực là để làm vợ"... cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Xuất gia: Có cô gái đoan chính xuất gia với ngoại đạo, rồi chàng trai muốn cưới cô ta về làm vợ, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình để ngỏ ý..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Người bị bỏ: Bị bỏ có 2 trường hợp: hoặc bán, hoặc ly hôn. Bán: Theo luật pháp của nước Pha Lợi, hễ người vợ có tỳ vết, thì liền bị đem bán. Ly hôn: Có những quốc gia được luật pháp qui định, hễ vợ chồng sống không hạnh phúc, thì bèn dẫn nhau đến tòa án, mua 2 lá đơn ba đồng rưỡi để nhờ quan tòa xử cho ly hôn. Hoặc có người vợ trẻ tư thông với người khác, rồi cùng giao kết: "Nếu tôi được ly hôn với chồng tôi, thì tôi sẽ lấy anh". Ðáp: "Ðược đó". Rồi cô ta bỏ tiền ra lo kiện và được ly hôn. Thế rồi, chàng trai kia nghe được, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói với cô ta: "Cô đã ly hôn, vậy hãy đến làm vợ tôi"..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc giả cô ấy nhờ Tỳkheo đem lời mình đến nói với anh ta: "Tôi đã ly hôn, vậy anh hãy cưới tôi"..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Dâm nữ: Có chàng trai nhờ Tỳkheo môi giới để được tư thông với dâm nữ..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Con hầu của dâm nữ: Tức là nô tỳ của dâm nữ, cũng như trường hợp đã nói ở trên. Dâm nữ đứng đường: Có những hạng dâm nữ thường đón khách ở dọc đường, rồi một chàng trai nhờ Tỳkheo làm môi giới để mình được tư thông với cô ta..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Con hầu của dâm nữ đứng đường: Trường hợp này cũng như ở trên. Con gái bị vứt bỏ: Có người con gái bị người ta hiếp dâm có thai, rồi sau đó xuất gia trong hàng ngũ ngoại đạo, đến ngày mãn nguyệt, liền sinh ra bé gái. Người mẹ ấy bèn đem con bỏ ở ngã tư đường, rồi có người nhặt về nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Ðoạn có chàng trai muốn cưới cô ấy, bèn nhờ Tỳkheo thay lời mình đến nói giúp..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Cô gái do xin được: Có người nhiều con trai mà không có con gái, bèn xin con gái người khác đem về nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành. Rồi có chàng trai muốn cưới cô ta làm vợ, bèn nhờ Tỳkheo đến nói giúp..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳkheo phạm tội Tăng già bà thi sa. Con gái bị thải hồi: Có người con gái lúc chưa lấy chồng đã tư thông với người khác, đến khi về nhà chồng, chồng biết cô ta không phải đồng nữ (không còn trinh), bèn đuổi cô trở về nhà cha mẹ, rồi đòi lại những lễ vật trước kia. Thế rồi, người con trai từng tư thông với cô ngày trước nghe cô bị trục xuất, (273c) bèn suy nghĩ:"Người con gái này do ta mà bị trục xuất, vậy ta nên nhận lấy cô", rồi nhờ Tỳkheo đến nói với cha mẹ cô..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hạ tiền nữ: Có chàng trai muốn cưới vợ mà nạp tiền cheo chưa đủ, rồi cha mẹ cô gái ấy nhiều lần đòi tiền mà chàng trai không thể trả nổi nên không cưới được vợ, và cô gái ấy cũng không thể lấy chồng. Thế rồi có một chàng trai khác muốn cưới cô ta, bèn nhờ Tỳkheo đem lời mình đến nói với cha mẹ cô "Gả cô này cho tôi, tôi sẽ đưa tiền cho ông để ông trả lại cho người chồng trước"..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc có một chàng trai hay tớ trai của chàng nói với Tỳkheo mà Tỳkheo nghe theo lời thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với người kia, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu tự mình đến nói, hoặc sai người đến nói, rồi được hay không được mà trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc có cô gái mồ côi sống với ông bà ngoại, hoặc sống với ông bà cố ngoại, hoặc sống với cậu, hoặc sống với dì, hoặc sống với ông bà nội, hoặc sống với ông bà cố nội, hoặc sống với cậu của cha, hoặc sống với dì của cha, cũng đều như trên đã nói. * Lại có các trường hợp: Nói thẳng, nói quanh co, ra dấu, kham năng, ra vào, bệnh, nhà vua, pháp sư, bè đảng, cùng chung, phức tạp... Nói thẳng: Có một chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể cầu hôn trực tiếp được, bèn nhờ Tỳkheo làm mai mối, mà Tỳkheo nhận lời thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu gia đình nhà gái nói: "Nhà đó thuộc dòng Sát Ðế Lợi, còn tôi thuộc Bà La Môn, nhà đó thuộc Tỳ (Phệ) Xá, còn tôi là Bà La Môn; nhà đó thuộc Thủ Ðà La, còn tôi là Bà La Môn."Hoặc nói: Tôi là Sát Ðế Lợi, còn nhà đó là Bà La Môn. Tôi thuộc Tỳ Xá còn nhà đó là Bà La Môn. Tôi là Thủ Ðà La, còn nhà đó là Bà La Môn". Hoặc giả nói: "Nhà đó là Sát Ðế Lợi, còn tôi là Tỳ Xá. Nhà đó là Sát Ðế Lợi, còn tôi Thủ Ðà La". Hoặc nói: "Nhà đó là Bà La Môn, tôi cũng là Bà La Môn. Nhà đó là Sát Ðế Lợi, tôi cũng là Sát Ðế Lợi. Nhà đó là Tỳ Xá, tôi cũng là Tỳ Xá. Họ là Thủ Ðà La, tôi cũng là Thủ Ðà La..." Nếu được hoặc không được, rồi trở về báo lại thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nói quanh co: Có một chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể tự mình đến cầu hôn, bèn nhờ Tỳkheo giúp, rồi Tỳkheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới, Tỳkheo không được làm sứ giả". Miệng tuy không hứa, nhưng trong lòng mặc nhiên đồng ý, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với họ thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Ra dấu: Có chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể tự đến cầu hôn, bèn nhờ Tỳkheo đi giúp, rồi Tỳkheo nói: "Phật chế giới: Tỳkheo không được làm sứ giả, nhưng tôi sẽ ra dấu cho anh biết. Nếu anh thấy tôi mặc y phục bẩn thỉu cầm bát rổng và vỡ ngồi trên giường thấp, nói chuyện với những bọn nô tỳ thì nên biết là không được. (274a) Trái lại, nếu anh thấy tôi mặc y mới và sạch, cầm bát đẹp, ngồi trên giường lớn, miệng nói những chuyện trai gái vợ chồng với cô gái ấy thì anh nên biết đó là dấu hiệu đã thành công". Nếu Tỳkheo ra dấu như thế, hoặc được, hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Kham năng: Nếu chúng Tỳkheo đông đúc, đến nhà thí chủ thọ trai và sau khi ăn xong, Ưu bà di bạch với các Tỳkheo: "Tôi muốn cưới con gái của nhà kia về làm dâu, nhờ quí thầy nói giúp giùm tôi". Rồi các Tỳkheo nói: "Ưu bà di! Ðức Thế Tôn chế giới: các Tỳkheo không được làm sứ giả."Nhưng trong đó có hai, ba Tỳkheo lại chấp nhận làm sứ giả, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu trở về báo lại thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Ra vào: Khi Tỳkheo lui tới nhà người ta nhận sự cúng dường, rồi chủ nhà nói: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, xin tôn giả hãy ngỏ lời giúp". Tỳkheo nói: "Bà cho tôi ăn uống, tôi sẽ nói giúp cho bà". Chủ nhân nói: "Khi nào con tôi được vợ, tôi sẽ mời tôn giả dùng cơm". Tỳkheo nói: "Tôi đã mở miệng, thì không gì là không thành công. Nhưng phải mời cơm trước đã". Thế rồi, chủ nhà sửa cơm, thì Tỳkheo phạm tội Việt tỳ ni. Sau đó Tỳkheo đến nhà ấy nói: "Bà có biết không?". Chủ nhà hỏi: "Biết việc gì?". Tỳkheo nói: "Tôi có điều muốn nói, nếu bà chịu nghe lời tôi, thì tôi sẽ nói". Chủ nhân nói: "Nhưng hãy nói đi đã". Tỳkheo nói: "Có người muốn xin cưới con gái bà". Hỏi: "Ai vậy?". Ðáp: "Con trai nhà đó". Chủ nhân nổi giận nói: "Thà tôi đem con gái bỏ vào trong chỗ nước lửa tối tăm, chứ không bao giờ gả cho hạng ấy". Nếu Tỳkheo hoảng sợ liền bỏ đi, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu cô ấy vẫn chưa lấy chồng, mà Tỳkheo vì trước đó khoa trương để người ta cho ăn nên cảm thấy xấu hổ, rồi trở về báo lại rằng không được, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu cô ấy hoặc đã đi lấy chồng, hoặc đã chết, rồi Tỳkheo trở về báo lại, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Bệnh: Nếu Tỳkheo thường ra vào một nhà kia, rồi gia chủ nói với Tỳkheo: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, nhờ thầy mai mối giúp". Rồi Tỳkheo nhận lời thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu nhà ấy nói: "Con gái tôi đang bệnh, không biết sống chết lúc nào". Hoặc người con trai kia có bệnh, rồi nhà gái nói: "Con trai nhà ấy bị bệnh, không biết sống chết lúc nào! Nếu gả con cho nó, mà rủi ro nó chết, thì con gái tôi sẽ thành quả phụ". Tỳkheo lại nói: "Hễ ai mắc bệnh đều chết hết cả sao?. Rồi tự nhiên sẽ lành thôi, nên gả cho họ đi". Khi nói như vậy thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Vua: Nếu vua muốn lấy con gái người ta, bèn nói với các Tỳkheo:"Nay tôi muốn được con gái của nhà kia, (274b) nhờ chư Tăng mai mối giúp", mà tất cả chư Tăng đều hứa giúp, thì tất cả đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu tất cả Tăng chúng đều đến đó ngỏ lời, thì tất cả chúng Tăng đều phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì tất cả Tăng chúng đều phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu chúng Tăng sai sứ giả đến nói với nhà ấy, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi sứ giả nói với họ, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được rồi trở về nói lại, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu sứ giả được sai đi suy nghĩ: "Nếu ta về lại trong chúng, thì mọi người sẽ sai ta đến tâu với vua, chi bằng ta đến tâu thẳng với vua, vua sẽ biết ta". Suy nghĩ thế rồi, vị Tỳkheo ấy đi làm mai mối, và việc được hay không được mà đi đến báo với nhà vua, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Còn tất cả chúng Tăng vì trước đó đã có ý giúp nên phạm tội Thâu Lan Giá. Pháp sư: Có một gia đình Ưu bà tắc muốn cưới con gái của một Ưu bà tắc khác nhưng gia đình ấy không chịu gả, bèn nói: "Thà tôi gả con cho kẻ ngoại đạo tà kiến còn hơn là gả con cho gia đình Ưu bà tắc ấy". Bên nhà trai bèn suy nghĩ: "Ai có thể giúp ta để mà đứng ra tác hợp? Có lẽ chỉ có Sa môn có lắm phương tiện giỏi thuyết pháp mới tác hợp giúp được thôi", bèn đến tinh xá, bạch với pháp sư: "Tôi xin cưới con gái nhà ấy, nhưng họ không chịu gả". Pháp sư liền hỏi: "Họ nói thế nào?". Ðáp: "Họ nói thế này: Thà gả cho kẻ ngoại đạo tà kiến, chứ không gả cho nhà ấy". Nhờ pháp sư đem nghĩa vụ đồng đạo ra nói giúp để họ gả con cho tôi."Nếu Tỳkheo hứa khả, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu thỉnh chung đồ chúng mình đi mà họ đi, thì cả chúng phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu vào dịp thuyết pháp mồng 8, 14 và rằm hằng tháng, cả hai gia đình nhà trai, nhà gái đều đến nghe pháp, nhân dịp đó pháp sư thuyết rằng: Như trong Khế kinh Phật nói với các Tỳkheo: "Các chúng sinh tùy theo tánh mà không có lòng tin, không có lòng tin mà kết thân hảo với nhau, như thế là phạm giới; Phạm giới mà kết thân với nhau thì không có oai nghi; không có oai nghi mà kết thân với nhau là không biết xấu hổ, không biết xấu hổ mà kết thân với nhau thì sinh ra lười biếng; Lười biếng mà kết thân với nhau thì thành ra loạn tâm; Loạn tâm mà kết thân với nhau thì thành vô trí. Thế rồi những kẻ vô trí bèn kết thân hảo với nhau tùy theo chủng loại. Quá khứ, hiện tại và vị lai, các chúng sinh đều như thế cả. Ví như 2 vật hôi thối bất tịnh hòa hợp cùng nhau cũng như vậy. Và này các Tỳkheo! Các chúng sanh tùy theo mỗi loài có niềm tin vững chắc. Những kẻ có niềm tin vững chắc mà kết thân hảo với nhau như thế là trì giới; Trì giới mà kết thân hảo với nhau thì có oai nghi; có oai nghi mà kết thân hảo với nhau là biết hổ thẹn; biết hổ thẹn mà kết thân hảo với nhau thì sẽ tinh tấn; Tinh tấn mà kết thân hảo với nhau thì có thiền định; Có thiền định mà kết thân hảo với nhau thì có trí tuệ. Thế rồi những kẻ có trí tuệ cùng kết thân hảo với nhau. Quá khứ (274c) hiện tại và vị lai, các loài chúng sanh đều như thế cả. Ví như những vật trắng sạch được ướp hương thơm, rồi cho hòa hợp cùng nhau". Pháp sư thuyết pháp như thế xong, liền hỏi gia đình nhà gái: "Tôi nghe nói con trai nhà kia muốn xin cưới con gái bà, bà liền nói với họ: Thà gả con cho kẻ ngoại đạo tà kiến, chứ không gả cho nhà ấy", có đúng như thế chăng? Bà không nghe Thế Tôn nói: "Có kẻ sát nhân và lũ oan gia tay cầm kiếm sắc, lăm lăm thường tìm cơ hội để giết người"hay sao? Ðứa con oan gia của bà nên cho vào gia đình ấy, chứ không nên cho vào gia đình ngoại đạo tà kiến. Nay vì sao bà lại muốn gả con gái mình cho một gia đình tà kiến? Nếu gả cho Ưu bà tắc thì thường thường có thể gặp được các Tỳkheo trì giới thọ trai."Lúc ấy, bà ta nói: "Thưa thầy, thầy muốn như vậy sao?". Ðáp: "Muốn như vậy". Bà ấy liền nói: "Tôi sẽ gả". Nếu lúc ấy, pháp sư im lặng không nói gì cả thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu pháp sư không nhẫn nại được bèn ngồi trên tòa nói: "Nhà kia đã được rồi", thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu pháp sư xướng lớn trong đồ chúng: "Ðã được rồi"thì cũng phạm tội Tăng già bà thi sa. Cùng chung: Có các trường hợp: Nhận lời chung rồi nói riêng; nhận lời riêng rồi nói chung; Nhận lời chung rồi nói chung; Nhận lời riêng rồi nói riêng. Nhận lời chung rồi nói riêng: Tỳkheo, sau khi an cư mùa hạ xong, bèn đi đến các thôn xóm để từ biệt các gia chủ quen biết, rồi đi sang các nước khác. Bấy giờ, các Ưu bà di nơi các thôn xóm bèn nhờ cậy: "Thầy hãy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hãy hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hãy hỏi giùm vợ cho chú tôi". Như vậy các Ưu bà di mỗi người nói với Tỳkheo một lần, rồi Tỳkheo đáp: "Ðược thôi!"thì phạm một tội Việt Tỳ Ni. Nếu Tỳkheo đến nơi ấy, rồi ngỏ ý từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu Lan Giá. Nếu trở về báo lại từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Tăng già bà thi sa. Nhận lời riêng rồi nói chung: Tỳkheo sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ mà đi đến nước khác. Thế rồi các Ưu bà di có người nói với Tỳkheo: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi", có người nói: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Rồi Tỳkheo mỗi mỗi đều hứa giúp thì mỗi mỗi đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến từng nhà hỏi giùm vợ cho họ, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu Lan Giá. Nhưng nếu khi trở về chỉ thông báo một lời cho tất cả, thì phạm một tội Tăng già bà thi sa. Nhận lời chung rồi nói chung: Tỳkheo, sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ mà đi đến nước khác. Thế rồi, các Ưu bà di bèn nói với Tỳkheo: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Nếu Tỳkheo đáp chung một lời: "Có thể được", thì phạm một tội Việt Tỳ Ni. (275a) Nếu đến đó hỏi riêng từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu Lan Giá. Nếu trở về đáp chung một lời: "Ðược", thì phạm một tội Tăng già bà thi sa. Nhận lời riêng rồi nói riêng: Tỳkheo sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ, rồi có Ưu bà di nói: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Rồi Tỳkheo đáp riêng từng người: "Có thể được", thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Việt Tỳ Ni. Nếu đến nơi đó hỏi riêng từng nhà thì mỗi nơi phạm mỗi tội Thâu Lan Giá. Nếu khi trở về, báo riêng từng chỗ thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Tăng già bà thi sa. Phức tạp: Có một Tỳkheo có nhiều người quen biết, bèn dẫn đồ chúng đến một nhà xin ăn. Khi ăn xong bà chủ nhà bạch với thượng tọa: "Tôi muốn xin cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, nhờ thượng tọa nói giúp cho". Thế rồi, thượng tọa vì không am tường giới luật, bèn hứa khả, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi ấy, đồ chúng vì ít rành giới luật, sợ mất lòng họ nên không dám can gián, đến lúc rời khỏi nhà, liền chất vấn thượng tọa: "Sao thượng tọa lại làm thế?"Hỏi: "Việc gì nào?". Ðáp: "Há Thượng tọa không biết rằng đức Thế Tôn chế giới Tỳkheo không được làm mai mối cho nam nữ lấy nhau hay sao?" Thượng tọa đáp: "Không biết". Trong số đó có một Tỳkheo nói: "Thượng tọa chớ có ngỏ lời, để con nói giúp cho", thì Tỳkheo ấy phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Còn thượng tọa thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu trước đó Ưu bà di nói với đồ chúng rằng: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, xin quí thầy mai mối giúp cho". Khi ấy đồ chúng không rành giới luật liền đáp: "Có thể được", thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Thế nhưng thượng tọa cũng ít biết giới luật, sợ mất lòng họ, nên không khiển trách, ngăn chận kịp thời, đến khi ra khỏi nhà liền nói với đồ chúng: "Các ngươi bất thiện nên mới làm việc đó". Hỏi: "Làm việc gì?". Thượng tọa nói: "Các ngươi không biết rằng đức Thế Tôn chế giới các Tỳkheo không được làm sứ giả sao?". Ðáp: "Không biết". Thượng tọa lại nói: "Các ngươi đừng ngỏ lời, để ta ngỏ lời cho". Rồi thượng tọa đi làm mai mối, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Còn đồ chúng của thầy thì phạm Việt Tỳ Ni. Nếu trước đó Ưu bà di bạch chung cả đại chúng mà đại chúng đều hứa khả, thì tất cả đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu tất cả cùng đi làm mai mối, thì tất cả đều phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì tất cả đều phạm tội Tăng già bà thi sa. Có một người đàn ông có nhiều vợ, bà thì được sủng ái, bà thì bị lạnh nhạt. Khi Tỳkheo đến nhà ấy, có một bà ra đảnh lễ dưới chân Tỳkheo cung kính vấn an. (275b) Rồi Tỳkheo hỏi: "Con có được yên ổn an lạc không?". Bà liền đáp: "Ðược an lạc chỗ nào?". Hỏi: "Vì sao vậy?". Bà bèn nói: "Người đàn ông ấy (ông chồng) thường cùng ngồi, cùng nằm chung với một người, riêng con bị ông ấy bạc đãi, ví như vật dụng đã lủng, trở thành vô dụng, làm sao mà không khổ được?". Tỳkheo bèn an ủi: "Con chớ có ưu sầu. Ta sẽ bảo chồng con đối xử bình đẳng giữa các bà vợ". Rồi thầy nói với ông chồng ấy: "Ngươi không biết gì cả. Vì sao bắt chước người ta lấy nhiều thê thiếp mà không đối xử bình đẳng lại thiên vị một người cùng ngồi cùng nằm?". Ðáp: "Vậy phải làm sao?". Tỳkheo nói: "Phải xem nhau bình đẳng, chia đều công việc". Ðáp: "Tôi sẽ làm theo lời thầy dạy", thì Tỳkheo ấy phạm tội Thâu Lan Giá. Có người đã có nhiều vợ mà còn muốn tìm thêm gái trinh khác, nhưng không thể đến nói trực tiếp, bèn nhờ Tỳkheo đến nói giúp..., cho đến được hay không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Có hai vợ chồng kia gây lộn với nhau mà Tỳkheo khuyên bảo họ hòa hợp, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nhưng nếu cặp vợ chồng ấy vì việc Phật, việc Tăng mà bất hòa, gây gổ nhau, rồi vì việc phước đức mà khuyên họ hòa hợp thì không có tội. Nếu có một người đàn bà bồng con trở về nhà cha mẹ, rồi Tỳkheo đến nhà ấy, và các trai gái trong nhà ra đảnh lễ, Tỳkheo thấy hai mẹ con bà ấy, bèn nói: "Ngươi muốn ở mãi đây sao? Không nên ở lâu. Chồng ngươi xuất tiền ra cưới ngươi là để làm gì vậy? Ngươi nên trở về lại nhà ấy". Khi nói những lời ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Có người nuôi nhiều ngựa, nhưng không có ngựa giống tốt, bèn nhờ Tỳkheo đi tìm giúp con ngựa giống tốt tại một nhà kia, mà Tỳkheo nhận làm, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, có hai người Ma ha la, một người thì bỏ vợ và con trai đi xuất gia, còn một người thì bỏ vợ và con gái đi xuất gia. Họ đều đi du hành trong nhân gian, rồi trở về thành Xá vệ, cùng ở chung một phòng. Người bỏ vợ và con gái bèn suy nghĩ:"Ta phải trở về nhà thăm vợ và con gái ta". Thế rồi, thầy khoác y trở lại nhà cũ. Người vợ từ xa trông thấy Ma ha la tới, liền nổi giận nói: "Ông là tên Ma ha la bạc phước, vô tích sự, đã không thể nuôi sống vợ con mà còn trốn nghĩa vụ quan dịch, bỏ nhà đi xa. Con gái đã đến tuổi khôn lớn mà không lấy chồng được. Tôi định đến tu viện lôi ông về nhà. Nếu ông không về thì tôi sẽ bẻ gãy cặp giò ông, xem ai còn thích trông thấy ông nữa!". Lúc ấy Ma ha la bèn trở về lại trụ xứ, mặt mày bí rị, sầu khổ như khách buôn bị mất của. Bấy giờ, người bỏ vợ và con trai đi xuất gia trở về thăm nhà cũng gặp trường hợp như thế. Nhưng thầy ít trí tuệ, bèn nói với thầy kia: "Trưởng lão! (275c) Vì sao mà ưu sầu, đau khổ như thế". Ðáp: "Trưởng lão! Cần gì phải hỏi đến việc ấy!". Người kia lại nói: "Tôi muốn biết rõ những việc cần biết. Vì sao hai chúng ta cùng ở chung một phòng mà những việc xấu không cho nhau biết? Không nói với tôi thì nói với ai?".Ông Ma ha la này bèn nói rõ sự việc ở trên. Thế rồi, ông Ma ha la bỏ con trai đi xuất gia nói: "Thầy buồn rầu làm gì? Nhà tôi cũng thế thôi. Nay thầy có biết tương kế tựu kế không? Thầy có thể đem con gái mình gả cho con trai tôi". Thầy kia đáp: "Tốt". (Nếu sự kiện diễn tiến như vậy, thì) cả hai đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Thế rồi, cả hai Ma ha la sáng sớm hôm sau, khoác y trở về nhà. Thầy Ma ha la bỏ con gái đi tu nói với vợ: "Tôi đã tìm được chàng rể cho bà rồi". Bà vợ liền hỏi: "Con trai nhà ai vậy?". Ðáp: "Con trai nhà kia". Thầy Ma ha la bỏ con trai đi tu cũng nói với vợ: "Tôi đã tìm được vợ cho con bà rồi". Bà vợ hỏi: "Con gái nhà ai vậy?". Ðáp: "Con gái nhà đó". Nếu nói như vậy thì cả hai đều phạm tội Thâu Lan Giá. Lúc bấy giờ, hai đứa con trai con gái ấy đang chạy chơi trong xóm, rồi một Ma ha la chỉ cho con gái mình nói: "Thằng kia là chồng con đó". Thầy Ma ha la thứ hai cũng chỉ cho con trai mình nói: "Con kia là vợ con đó". Nếu cả hai cùng nói như thế, thì cả hai đều phạm tội Tăng già bà thi sa. Hai Ma ha la sau khi làm suôi gia với nhau, ai nấy đều hoan hỷ như người nghèo được châu báu, họ yêu kính nhau như anh em ruột. Các Tỳkheo nghe sự tình như vậy, bèn đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn, rồi hỏi rằng: "Bạch Thế Tôn! Vì sao hai thầy Ma ha la ấy sau khi kết làm suôi gia, họ rất hoan hỷ và yêu kính nhau đến như thế?" Phật liền nói với các Tỳkheo: "Hai ông Ma ha la này không những ngày nay mới làm cái việc như vậy, mà trong thời quá khứ cũng đã từng như vậy". Rồi Phật kể lại với các Tỳkheo: "Trong thời quá khứ, tại thành Ba La Nại, nước Già Thi có một người Bà La Môn, ông ta có loại đậu ma sa cũ kỹ nấu mấy cũng không chín, bèn bày trước cửa hàng để bán cho người ta, nhưng không có ai mua cả. Bấy giờ, có một người khác có con lừa đực đem ra chợ bán cũng rất khó khăn. Thế rồi, người có đậu ma sa cũ kỹ liền suy nghĩ: "Ta hãy đem loại đậu này đi đổi lấy con lừa kia đem về dùng". Bèn đến người kia nói: "Ông có thể đổi con lừa để lấy thứ đậu này được không?" Người chủ con lừa bèn suy nghĩ: "Dùng lừa đực này để làm việc gì? Ta hãy đem đổi thứ đậu ấy", liền đáp: "Có thể được". Ông ta được lừa rồi, rất hoan hỷ. Bấy giờ, người có đậu bèn suy nghĩ: "Nay ta đã được mi", liền nói kệ: "Phép Bà La Môn khéo bán buôn (276a) Khi ấy chủ con lừa cũng đọc kệ: "Này Bà La Môn, sao vui thế? Bấy giờ, người chủ con lừa nổi giận liền đọc kệ: "Trụ vững hai chân trước Người chủ đậu bèn đọc kệ nói với con lừa: "Nọc độc loài muỗi mòng Con lừa liền đáp: "Từ tiên tổ đến nay Bấy giờ, người chủ đậu biết đó là giống súc sinh tệ ác, nhưng không thể thốt lời cay đắng, trái lại còn đọc kệ ca ngợi: "Âm thanh kêu tuyệt hảo Con lừa nghe lời nói nhã nhặn thân ái liền đọc kệ: "Tôi chở được tám đấu Phật bèn nói với các Tỳkheo: - Hai người khi ấy chính là hai Ma ha la ngày nay. Còn con lừa nay là con trai của Ma ha la. Khi ấy họ đã đổi chác nhau bằng sự lừa gạt, rồi hoan hỷ, ngày nay cũng thế, lừa dối lẫn nhau để mà hòa hợp, rồi lại hoan hỷ. Rồi Phật kết luận: - Nếu Tỳkheo đứng ra tác hợp cho người nữ, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Tác hợp cho kẻ hoàng môn, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Tác hợp cho đàn ông và súc sinh, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Tác hợp cho Khẩn na la cái và khỉ cái, thì phạm tội Thâu Lan Giá. (Hết giới Tăng tàn thứ 5) 6. GIỚI: LÀM NHÀ QUÁ MỨC QUY ÐỊNH. Khi Phật an trú tại tinh xá Khoáng Dã, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỳkheo ở trong tinh xá này làm 500 cái phòng riêng, đều do họ tự đi xin vật liệu về làm. Có một Tỳkheo vào buổi sáng sớm khoác y, cầm bát vào thôn Khoáng Dã để xin vật liệu làm phòng. Lúc ấy, có một người bán tạp hóa mang những cái móc cửa ra tiệm tạp hóa mở cửa hàng định bán, thì trông thấy Tỳkheo từ xa đi nhanh đến. Người chủ tiệm liền suy nghĩ:"Vị Tỳkheo này đến đây chắc là để xin vật liệu làm phòng. Từ sáng sớm đến giờ ta chưa bán chác được gì, thì lại có người đến xin". Nghĩ thế ông bèn đóng cửa hàng trở về nhà. Rồi Tỳkheo suy nghĩ: "Ông khách buôn này thấy ta bèn đóng cửa hàng trở về nhà, chắc là biết ta đến xin vật liệu mà không muốn cho chớ gì?". Nghĩ thế rồi, thầy liền đi tắt một đường khác đón đầu ông ta, hỏi: "Lão trượng, ông định đi đâu mà không đợi tôi? Tôi biết nhờ ai để cất phòng, chỉ có nhờ ông thôi. Vì ông là người tin Phật pháp, biết có tội phước, hễ tạo nghiệp thì có quả báo..., mà không muốn cho, thì còn ai cho tôi? Lão trượng nên biết rằng đức Thế Tôn đã dạy: - Phải khởi từ tâm đối với người không muốn nghe, phải tạo phương tiện khiến cho họ nghe; Với những người không tin, phải làm cho họ tin; Thậm chí phải dùng tay kéo đầu họ, khuyên họ bố thí. Bởi lẽ, những người ấy sau khi mệnh chung sẽ sinh lên cõi trời, có sắc đẹp, sức khỏe, trường thọ và quyến thuộc đông đúc; đến khi sinh vào cõi người cũng được khoái lạc, có sắc đẹp, sức khỏe, sống lâu và bà con sum vầy, biết tu tập Phật pháp, làm tăng trưởng công đức, kiến tạo đạo quả. Này lão trượng, thế nên đức Thế Tôn nói kệ: "Làm phước hưởng quả vui, Khi Tỳkheo đọc bài kệ ấy rồi, lại nói: "Lão trượng! Ông giúp tôi cất phòng (276c) thì phước đức rất lớn". Sau khi nghe thuyết pháp, khách buôn liền bố thí ít nhiều. Thế rồi, ông suy nghĩ: "Nếu ta trở lại cửa hàng, thì sẽ có nhiều người đến xin, đã không được lợi mà còn bị lỗ vốn, chi bằng ngồi ở nhà thì mới bảo toàn được vốn liếng, hơn là ra sạp mua bán, vốn lời sẽ mất hết". Suy nghĩ như thế rồi, ông bèn trở về nhà ngồi nghỉ. Bà vợ thấy ông chồng như thế, nổi giận nói: "Vì sao ông ra chợ rồi lại quay về liền? Biếng nhác như thế thì lấy gì để nuôi sống các con, đóng tiền sưu dịch cho nhà nước?" Khách buôn đáp: - Bà chớ giận, hãy nghe đã. Sáng sớm hôm nay, tôi ra cửa hàng ngoài chợ.v.v.. nói rộng cho đến vì sợ mất vốn nên trở về nhà. Bà vợ biết rồi, liền im lặng không nói. Ðoạn nói về tôn giả Xá Lợi Phất, khi vào xóm làng khất thực tuần tự, liền đến đứng ngoài cửa nhà ấy. Bà vợ ông nhà buôn vốn là người có niềm tin sâu xa, cung kính, nên khi trông thấy Xá Lợi Phất, bèn lấy cái bát sạch bỏ đầy thức ăn, đem ra đổ vào trong bát Xá Lợi Phất, rồi đảnh lễ dưới chân, cung kính vấn an. Bấy giờ, Xá Lợi Phất an ủi, hỏi thăm: "Trong nhà sinh hoạt thế nào, có tốt đẹp không?" Bà ta đáp: "Trong nhà đều tốt cả, chỉ có việc sinh nhai bị đình đốn". Hỏi: "Vì sao như vậy?". Bà bèn đem các nhân duyên trên bạch đầy đủ với Xá Lợi Phất: "Các sinh hoạt trong nhà như ăn uống, y phục và cung cấp sưu dịch cho quan, đều trông cậy vào cái cửa hàng, nhưng nay ông chồng chỉ ở riết trong nhà, vì sợ người ta đến xin. Thực sự ông đang ở nhà mà ông bảo là đi, thực sự đang thức mà bảo là ngủ. Thầy là người mà nhà tôi cung kính, tôn trọng cúng dường, không dám giấu điều chi, nên mới thố lộ cùng thầy". Bấy giờ, Xá Lợi Phất bèn dùng nhiều cách thuyết pháp cho bà vợ ông khách buôn, khiến bà ta sinh tâm hoan hỷ. Rồi thầy trở về tinh xá, đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo: "Gọi Tỳkheo kinh doanh ấy đến đây?" Sau khi thầy được gọi đến, Phật bèn hỏi: "Có thật ông đi xin vật liệu về làm phòng, phiền lụy các thí chủ, khiến họ phiền trách với Xá Lợi Phất về việc của ông không?" Ðáp: "Có thật như vậy bạch Thế Tôn!" Phật liền khiển trách: "Ði xin vật liệu về làm phòng riêng, làm não loạn các thí chủ là ác pháp". Rồi Phật khuyến cáo các Tỳkheo: - Các thầy chớ có làm phòng riêng, khiến não loạn đến các thí chủ nữa. Vì tiền tài khó kiếm, (277a) việc bố thí cũng gian nan. Các Bà La Môn, cư sĩ xén bớt tài vật để cúng dường Sa môn y phục, ẩm thực, sàng tọa và các thứ thuốc men phòng trị bệnh, những việc đó thật rất gian nan. Phật bèn nói với các Tỳkheo kinh doanh: "Trong thời quá khứ, có một Tỳkheo tên Bạt Cừ sống ở trong rừng, đồng thời có nhiều con chim thích quân cũng đậu nơi rừng ấy, sớm chiều kêu inh ỏi, làm não loạn Tỳkheo ấy". Bấy giờ, Tỳkheo Bạt Cừ bèn đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng hầu một bên. Thế rồi, đức Thế Tôn bèn an ủi, hỏi Tỳkheo đang sống trong rừng ấy như sau: "Thế nào? Thầy ít bệnh, ít phiền não, sống trong rừng vui vẻ chứ?". Thầy liền đáp: "Bạch Thế Tôn! Ít bệnh, ít phiền não, sống trong rừng ui vẻ, nhưng vào buổi sớm mai và chiều tối, bị các con chim thích quân kêu inh ỏi, làm não loạn không thể suy nghĩ được". Phật liền hỏi Tỳkheo ấy: "Ông muốn tất cả các con chim thích quân không đến chăng?". Ðáp: "Con mong như vậy, bạch Thế Tôn!". Phật nói: "Này Tỳkheo, cứ vào buổi chiều, bầy chim thích quân bay về. Ông xin mỗi con một cái lông, rồi sáng sớm chúng bay đi, ông cũng xin như thế". Tỳkheo ấy liền bạch với Phật: "Lành thay đức Thế Tôn", bèn trở lại trong rừng, ngồi ngay ngắn suy nghĩ. Ðến khi mặt trời về chiều, bầy chim bay về kêu inh ỏi, thầy liền nói: "Này các con chim thích quân, mỗi chú cho ta mỗi cái lông, vì ta đang có việc cần dùng". Khi ấy, bầy chim bèn im lặng trong giây lát, rồi mỗi con nhổ một cái lông bỏ xuống đất. Vào buổi sáng sớm thầy cũng xin như thế. Do vậy bầy chim bèn di chuyển đến nơi khác, ngủ lại một đêm, nhưng chúng không thích chỗ ấy, nên bay về lại. Thế rồi, Tỳkheo lại xin lông chúng như trước. Mỗi con cũng đều nhổ lông cho thầy. Rồi chúng suy nghĩ: "Nay ông Sa môn này, xin một cách thật là kỳ quặc. E rằng không bao lâu nữa lông của chúng ta sẽ hết sạch và từng thớ thịt cũng sẽ rơi xuống đất, hết bay nổi nữa, biết làm sao đây?"Rồi cùng nhau bàn bạc: "Tỳkheo này thường sống trong rừng này, vậy chúng ta nên đi tìm một nơi khác để đậu, không nên trở về đây nữa". Thế rồi Phật nói với các Tỳkheo: "Loài chim là giống súc sinh, còn ghét xin nhiều, huống chi người đời. Này các Tỳkheo! Chớ có kinh doanh sự nghiệp, khiến cho các Bà La Môn, cư sĩ có tín tâm phải bỏ ra tài vật một cách đau khổ để cung cấp cho Sa môn y phục, ẩm thực, giường nằm và các thuốc men phòng trị bệnh". Các Tỳkheo liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao thầy Tỳkheo ở trong rừng ấy lại khiếp sợ sự hỗn loạn, chán ghét tiếng chim?" Phật nói với các Tỳkheo: "Thầy Tỳkheo ấy không những ngày nay khiếp sợ mà trong quá khứ cũng đã từng khiếp sợ". Các Tỳkheo hỏi: "Ðã có như vậy sao?" Phật liền bảo với các Tỳkheo: "Trong thời quá khứ có một con voi sống nơi thanh vắng trong rừng. Rồi có một cơn gió lốc thổi mạnh, làm gãy cây cối. Voi nghe (277b) tiếng cây cối đổ gãy, liền sợ hãi tuôn chạy. Sau đó, nổi sợ hãi vơi dần, voi liền đến đứng dưới một cội cây, nưhng cây ấy lại gãy nữa, voi liền bôn tẩu. Bấy giờ, có một vị thiên nhân, thấy voi hoảng chạy, liền suy nghĩ: "Vì sao con voi này lại điên cuồng chạy loạn xạ như thế?", bèn đọc kệ: "Gió trốt thổi lên cây đổ gãy, Thế rồi, Phật nói với các Tỳkheo: "Con voi thuở ấy chính là Tỳkheo ở trong rừng ngày nay". Ðoạn Phật lại nói với các Tỳkheo kinh doanh: "Trong thời quá khứ có 500 vị tiên nhân ở trong núi tuyết. Một tiên nhân ở riêng tại một chỗ có suối nước ngọt, hoa trái sum sê. Cách đó không xa, tại đầm Tát La có một con rồng đang sống. Nó thấy vị tiên nhân oai nghi tề chỉnh, sinh lòng yêu mến, bèn đến chỗ tiên nhân, thì gặp lúc vị tiên nhân đang ngồi kiết già. Rồng liền dùng thân quấn quanh vị tiên nhân 7 vòng và dùng đầu che trên đỉnh tiên nhân, rồi đứng yên.... Ngày nào cũng như thế. Chỉ có lúc ăn là không đến. Vị tiên nhân bị rồng quấn lấy thân, nên ngày đêm ngồi thẳng, không nghỉ ngơi được. Do đó, thân thể tiều tụy, sinh ra ghẻ chốc. Bấy giờ, có một người sống gần đó, thong thả mang đồ đến cúng dường tiên nhân, thấy tiên nhân gầy ốm và ghẻ chốc, bèn hỏi: "Vì sao ông như thế?". Tiên nhân liền trình bày đầy đủ sự việc kể trên. Người ấy liền nói với ông: "Ông có muốn con rồng này không trở lại nửa chăng?". Ðáp: "Muốn như vậy". Người ấy lại hỏi tiên nhân: "Con rồng ấy có đeo thứ gì không?". Ðáp: "Nó chỉ đeo chuỗi ngọc anh lạc trên cổ". Người ấy liền bảo: "Ông chỉ cần xin nó xâu chuỗi ngọc. Vì tính của rồng rất keo kiệt, nên nó sẽ không cho ông và do đó nó không đến nữa". Bày kế xong rồi, ông ta liền đi. Trong khoảnh khắc con rồng lại đến, tiên nhân bèn xin chuỗi ngọc. Rồng nghe đến việc xin ngọc, trong lòng không vui, liền từ từ bỏ đi. Hôm sau, rồng bèn trở lại. Từ xa trông thấy, tiên nhân bèn đọc kệ: "Chuỗi Ma ni ngời sáng, Khi ấy, con rồng liền đọc kệ đáp lại: "Sợ mất chuỗi Ma ni Bấy giờ, có vị trời đang ở trên hư không, liền đọc kệ: "Nhàm chán sở dĩ sinh Thế rồi, Phật liền nói với các Tỳkheo kinh doanh: "Rồng là loài súc sinh còn ghét sự tham cầu nhiều, huống gì là người. - Này các Tỳkheo! Chớ có kinh doanh nhiều việc, đòi hỏi hoài không biết chán, khiến cho Bà La Môn, cư sĩ có lòng tin phải đau xót bỏ tài vật ra cung cấp cho Sa môn như y phục, ẩm thực, giường nằm và các thứ thuốc men chữa bệnh. Ðoạn, Phật nói với các Tỳkheo: "Có mười việc làm cho người ta không thích. Ðó là: 1- Không thường gần nhau. Ðó là mười việc làm cho người ta không thích". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo đang sống tại những nơi khoáng dã phải tập họp lại tất cả, vì mười việc lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: -- Nếu Tỳkheo tự mình đi xin vật liệu về xây phòng ốc, không có thân chủ, tự bản thân mình làm, thì phải làm đúng qui định, tức là: Chiều dài 12 gang tay tu già đà, bên trong rộng 7 gang tay, phải dẫn các Tỳkheo đến xem chỗ xây phòng, nơi ấy không nguy hiểm, không có phương hại. Trái lại, nếu Tỳkheo tự đi xin vật liệu về làm phòng, không có thí chủ, tự mình làm lấy mà làm tại những nơi nguy hiểm, có phương hại, làm quá qui định, cũng không dẫn các Tỳkheo đến xem chỗ làm phòng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Giải thích Tự xin: Tự mình đi xin nhà này, nhà kia, hoặc một đồng, hai đồng cho đến trăm ngàn đồng. Phòng xá: Mức độ căn phòng mà Phật cho phép. Làm: Hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm. Không có thân chủ: Không có thân chủ nghĩa là không có người đàn ông, đàn bà, tại gia hay xuất gia là thân chủ. Tự thân: Tự chính mình. Ðúng qui định: Qui định đúng pháp. Dài: Ðo theo chiều dọc. Rộng: Ðo theo chiều ngang. Tu già đà: Vượt qua một cách khéo léo. (ám chỉ Phật) 12 gang tay: Gồm hai thước bốn tấc. Bên trong 7 gang tay: Phép làm phòng phải đo ở trong và ở ngoài, nghĩa là tính chiều dọc và chiều ngang bên trong bức tường. Ðo mức độ cao thấp của căn phòng: Tường phải cao 1 trượng 2 thước. Dẫn các Tỳkheo đến xem chỗ làm phòng: Nghĩa là chỉ chỗ đất (qui định làm phòng). Các Tỳkheo: (278a) Hoặc là chúng Tăng, hoặc là sứ giả của chúng Tăng. Tăng: Vị Tỳkheo làm phòng trước hết vào trong Tăng làm pháp yết ma xin Tăng nghe mình trình bày, rồi mới làm pháp yết ma xin cất phòng. Người làm yết ma nói như sau: - Xin đại đức Tăng lắng nghe: Vị Tỳkheo mổ giáp tự xin làm phòng, không có người giúp đỡ, tự mình làm lấy, muốn xin chúng Tăng chỉ cho chỗ (để làm). Nếu chúng Tăng thấy hợp thời, thì hãy chỉ chỗ cho Tỳkheo muốn xây phòng: - Các đại đức Tăng lắng nghe: Tỳkheo mổ giáp xin Tăng chỉ chỗ, nay Tăng đã nhận lời, nên im lặng. Việc này hãy cứ như thế mà thi hành. Thế rồi, vị Tỳkheo ấy vào trong Tăng, quì gối chấp tay nói như sau: "Ðại đức Tăng nhớ nghĩ cho! Con là Tỳkheo mổ giáp tự xin làm phòng, không người giúp đỡ, tự mình làm lấy. Nay đến trong Tăng xin phép làm phòng. Mong Tăng chỉ cho con chỗ làm phòng". Thầy phải xin ba lần như vậy. Rồi Tỳkheo làm yết ma phải nói như sau: "Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỳkheo mỗ giáp tự xin cất phòng, không có người giúp đỡ, tự mình làm lấy, đã ở trước Tăng xin chỉ chỗ làm phòng. Nếu Tăng thấy hợp thời, thì Tăng hãy chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mổ giáp này!" Rồi bạch như thế này: - Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỳkheo mỗ giáp tự xin làm phòng, không có người giúp, tự mình làm lấy, đã ở trước Tăng xin chỉ chỗ làm phòng. Nay Tăng vì Tỳkheo mỗ giáp chỉ chỗ làm phòng. Ðại đức nào đồng ý thì im lặng, ai không đồng ý hãy nói. Vì Tăng đã đồng ý chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mổ giáp, nên tất cả đều im lặng. Vậy việc này hãy cứ như thế mà thi hành". Nếu tất cả trong Tăng không có ai làm yết ma, thì tất cả Tăng phải đi đến chỗ làm phòng, rồi một Tỳkheo xướng lên giữa Tăng rằng: - Tất cả Tăng vì Tỳkheo mỗ giáp chỉ chỗ làm phòng. (nói như thế ba lần). Sứ giả của Tăng: Nếu chỗ làm phòng xa xôi, hoặc bị nước ngăn cách, hoặc lúc trời lạnh, lúc nóng bức, lúc mưa lớn, hoặc lúc tuyết rơi nhiều, hoặc trong Tăng có nhiều Tỳkheo già bệnh không đến đầy đủ được, thì khi vị Tỳkheo ấy xin Tăng chỉ chỗ làm phòng xong, Tăng phải sai 1, 2, tối đa là 3 Tỳkheo (đại diện cho Tăng). Vì không thể làm yết ma cho tất cả chúng (từ 4 người trở lên). Rồi thầy yết ma nên nói như sau: - Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳkheo mỗ giáp tự xin làm phòng, mà không có người giúp, tự mình làm lấy, đã ở giữa Tăng xin chỉ chỗ làm phòng. Nếu Tăng thấy hợp thời, thì Tăng sai Tỳkheo A, Tỳkheo B chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mỗ giáp. Rồi bạch như sau: - Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỳkheo mỗ giáp tự xin làm phòng mà không có người giúp, tự mình làm lấy, đã ở giữa Tăng xin chỉ chỗ làm phòng. Nay Tăng hãy sai (278b) Tỳkheo A, Tỳkheo B chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mỗ giáp. Các đại đức nào bằng lòng sai Tỳkheo A, Tỳkheo B chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mỗ giáp, thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. Vì Tăng im lặng, như vậy chứng tỏ Tăng đã bằng lòng sai Tỳkheo A, Tỳkheo B chỉ chỗ làm phòng cho Tỳkheo mỗ giáp. Việc này cứ như thế mà thi hành. Bấy giờ, các Tỳkheo sứ giả đến chỗ làm phòng quan sát. Nếu tại chỗ ấy có nhiều côn trùng và những cây nhiều hoa trái, thì không nên chấp nhận. Ngoại trừ sau khi quan sát mà không có những thứ đó thì như trên đã nói. Một Tỳkheo xướng rằng: - Tăng đã xem chỗ làm phòng rồi. (Nói như thế ba lần) Chỗ không nguy hiểm: Nơi ấy không có các giống côn trùng rắn rít, không có cây cối nhiều hoa trái. Chỗ không phương hại: Bốn bên mỗi bên phải dung chứa được một cái thang có 12 nấc, và khoảng cách của mỗi nấc thang là 1 khuỷu tay. Cần phải sai người làm công dọn dẹp những cỏ tranh che phủ các lối đi lại xung quanh. Nếu tại những chỗ nguy hiểm, có cây cối nhiều hoa trái, và chỗ có các loại trùng độc, rắn rít, xung quanh không dung chứa được một cái thang 12 nấc, không sai người dọn dẹp lối đi lại xung quanh bị cỏ tranh che khuất, mà Tỳkheo tự xin làm phòng, không ai giúp, tự làm lấy, cũng không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ để làm, và làm quá mức qui định, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Tăng già bà thi sa: Như trên đã nói. Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng tại những chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, cũng không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ cần làm, hoặc làm dưới mức qui định, hoặc nhờ người khác làm, đến khi làm xong, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Khi sử dụng thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Từ 2 Tỳkheo cho đến nhiều Tỳkheo cũng như thế. Nếu một Tỳkheo tự xin làm phòng, không ai giúp, tự làm lấy, lại làm tại chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, lại không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ cần làm, hoặc tự làm đúng mức qui định, hoặc bảo người khác làm, đến khi làm xong, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Khi sử dụng thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Từ 2 người trở lên đến nhiều người cũng đều như thế. Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng, không có người giúp, tự mình làm lấy, làm nhằm chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, lại không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ cần làm, làm quá mức qui định, hoặc bảo người khác làm. Khi phòng làm xong thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Khi sử dụng thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Từ 2 Tỳkheo trở lên đến nhiều Tỳkheo cũng như thế. Nếu Tỳkheo làm phòng tại chỗ không được chỉ định, hoặc ngoài phạm vi Tăng chỉ định, hoặc chỗ dự kiến chỉ định từ năm trước, hoặc tại các cù lao không phải đất cát, không phải đất có đá cuội, không phải ở trên tảng đá, không phải chỗ đất bị lửa đốt cháy; hoặc trong Tăng có một người không làm phòng, hoặc 2, 3 người không làm phòng đều không nên chỉ chỗ. (278c) Nếu những người không làm phòng trong chúng số đông thì cho phép chỉ chỗ. Nếu Tỳkheo muốn làm phòng vệ sinh mà phải dùng cái phòng đang ở để làm, thì không nên làm; hoặc phải dùng cái phòng đang chất củi để làm, thì không nên làm; hoặc phải dùng đến cái phòng ở trung tâm để làm, thì không nên làm; hoặc phải dùng cái phòng tắm để làm, thì không nên làm. Nếu Tỳkheo làm phòng riêng tại những nơi nguy hiểm, nơi có thể phương hại, chỗ không được Tăng chỉ định, làm quá mức cho phép, hoặc xây toàn bằng đất sét đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu Tỳkheo dùng gạch xây tường để làm phòng thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi làm vừa xong cửa lớn, cửa sổ thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc căn phòng được xây bằng gạch cho đến khi xây xong viên gạch cuối cùng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc được lợp bằng ngói, hoặc được lợp bằng cây, hoặc lợp bằng ván, hoặc lợp bằng xi măng, hoặc lợp bằng những viên đất sét, hoặc lợp bằng cỏ, cho đến khi lợp xong lọn cỏ cuối cùng, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu làm phòng chưa xong, nửa chừng dừng lại, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nhưng nếu làm cho đến khi hòan thành, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc trường hợp người làm phòng hay chủ phòng ở trước trong phòng, rồi sai người khác làm, cho đến lúc hoàn thành thì Tỳkheo làm phòng phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc trường hợp chủ phòng ở trước trong phòng, rồi sau đó người khác làm hoàn thành, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu Tỳkheo làm phòng ở chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, không dẫn các Tỳkheo chỉ chỗ cần làm, làm quá mức qui định và Tỳkheo chủ phòng, không xả giới, không chết, không hiến cho Tăng, rồi có một Tỳkheo nào đó hoặc nhuộm bát, may y trong đó, hoặc tụng kinh, ngồi thiền, thì tất cả những người sử dụng đều phạm tội Việt Tỳ Ni. Hai người, nhiều người làm phòng cũng như vậy. Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng tại chỗ không nguy hiểm, chỗ không phương hại, có dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ cần làm, làm dưới mức qui định, hoặc bảo người khác làm, cho đến khi làm xong, thì Tỳkheo ấy không có tội. Người sử dụng cũng không có tội. Hai người, nhiều người cũng như vậy. Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng tại chỗ không nguy hiểm, chỗ không có phơng hại, có dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ làm phòng, và làm đúng mức qui định, hoặc bảo người khác làm cho đến khi phòng hoàn thành, thì Tỳkheo ấy không có tội. Người sử dụng cũng không có tội. Hoặc hai người, hoặc nhiều người cũng như vậy. Nếu Tỳkheo dẫn các Tỳkheo chỉ chỗ làm phòng, chỗ không ngoài ranh giới mà Tăng đã chỉ định, cũng không phải chỗ đã chỉ định từ năm trước, không phải các chỗ ở trong nước như : chỗ đất cát, chỗ đất có đá cuội, hoặc trên tảng đá, không phải chỗ đất bị lửa thiêu và những người không làm phòng trong chúng Tăng không phải là 1 người, 2 người, 3 người mà nhiều người thì cho phép làm. Hoặc giả dự định làm phòng ở, (279a) dự định làm phòng rửa ráy, dự định làm hội trường, dự định làm phòng tắm, thì cho phép làm. Hoặc giả Tỳkheo ấy làm cái phòng tại chỗ không nguy hiểm, chỗ không phương hại, làm không quá mức qui định, thầy cũng có dẫn các Tỳkheo đến xem chỗ làm phòng, các Tỳkheo ấy hoặc giúp tô vách tường, hoặc trợ giúp thầy đúc gạch, chung quy tất cả những Tỳkheo trợ giúp này đều không có tội. Nếu xây (gạch) một hàng, hai hàng cho đến khi đặt cửa lớn và cửa sổ, thì Tỳkheo ấy không có tội. Hoặc dùng gạch để lợp, cho đến khi lợp viên cuối cùng, thì Tỳkheo ấy không có tội. Hoặc lợp bằng ngói, lợp bằng cây, lợp bằng ván, lợp bằng cỏ, lợp bằng xi măng, lợp bằng những viên đất sét, khi lợp đến viên đất sét cuối cùng, cũng không có tội. Nếu làm nửa chừng rồi dừng lại, thì Tỳkheo ấy cũng không có tội. Hoặc làm cho đến khi hoàn thành, thì Tỳkheo ấy cũng không có tội. Hoặc tạo phương tiện để cho người khác làm hoàn thành, thì Tỳkheo ấy không có tội. Hoặc tự làm, rồi sau đó người khác hoàn thành, thì Tỳkheo ấy không có tội. Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng tại chỗ không nguy hiểm, chỗ không phương hại, có dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ, làm không quá mức qui định, rồi Tỳkheo này không xả giới, không chết, không hiến cho chúng Tăng, các Tỳkheo hoặc nhuộm bát, may y, tụng kinh, ngồi thiền ở trong đó, thì tất cả những người sử dụng này đều không có tội. Nếu Tỳkheo làm các rạp tạm tại chỗ Phật đản sinh, chỗ Phật đắc đạo, chỗ chuyển pháp luân, chỗ năm năm đại hội một lần, vì để cúng dường những chỗ tôn quí ấy mà làm rạp bằng tranh, rạp bằng lá cây, rạp bằng các thứ cờ màn trướng thì cho phép làm. Thế nên nói: - Nếu Tỳkheo tự xin làm phòng, không ai giúp, tự mình làm lấy, mà làm quá mức qui định, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. (Hết giới Tăng tàn thứ 6) 7.GIỚI: KHÔNG MỜI TĂNG CHỈ CHỖ LÀM THẤT Khi Phật an trú tại nước Câu Xá Di, nói rộng như trên. Bấy giờ, tại nước Câu Xá Di có 500 Tỳkheo mỗi người đều làm phòng riêng. Lúc ấy, Tỳkheo Xiển Ðà không có người ủng hộ làm phòng, nhưng thầy có một thí chủ thân tín tên A Bạt Tra. Thế rồi, thầy khoác y thường dùng để đi vào xóm làng, tới gia đình ấy. Chủ nhân trông thấy thầy đến, liền cung kính đảnh lễ dưới chân, rồi cùng nhau vấn an. Ðoạn, chủ nhân hỏi: "Thưa thầy, tôi nghe nói 500 Tỳkheo tại Câu Xá Di làm 500 căn phòng riêng, vậy có ai làm phòng giúp cho thầy không?" Ðáp: "Ðúng như đạo hữu đã nghe, ai có thân chủ thì đều được phòng, riêng tôi đức hèn, phước mỏng, giống như chim kiêu trơ trụi, không có thân nhân, thì ai làm phòng cho?" Chủ nhân liền nói: "Thưa thầy, thầy đừng hận, tôi sẽ làm cho thầy", bèn cúng dường 500 đồng và bạch: "Thưa thầy, thầy hãy đem về làm phòng". Bấy giờ, Xiền Ðà liền cầm tiền ra về, tìm chỗ thuận tiện, yên ổn để làm một cái phòng lớn. Thầy dùng 500 đồng để đổ nền và xây một ít tường vách, thì tiền vật hết sạch. Thầy lại đi đến nhà ấy. Chủ nhân (279b) bèn lễ dưới chân, cùngnhau an ủi, rồi nói: "Thưa thầy, làm phòng xong chưa? Ðáp: "Mới đổ xong nền và làm được một ít tường vách thì tiền vật đều hết cả". Lúc ấy, chủ nhân lại cúng thêm 500 đồng. Xiển Ðà mang số tiền ấy về xây xong tường vách và đặt xong các cửa lớn cửa sổ, thì tiền vật cũng lại hết sạch, nên thầy đi đến thân nhân một lần nữa. Chủ nhân bèn lễ dưới chân rồi hỏi: "Thưa thầy, phòng làm xong rồi chăng?" Ðáp: "Tường vách, cửa lớn, cửa sổ làm xong, thì tiền vật cũng hết". Bấy giờ, chủ nhân hết tin tưởng, bèn nói với Xiển Ðà: "Thầy là người xuất gia mà làm căn phòng lớn làm chi. Số tiền 1000 đồng đủ để xây một căn lầu mà chỉ làm một căn phòng, vì sao không đủ? Tôn giả hãy trở về. Tôi không thể cho thêm nữa". Khi ấy, Xiển Ðà ưu sầu thầm nhủ: "Không biết dùng phương tiện gì để làm cho xong căn phòng đây". Thầy bèn nhớ đến rừng cây tát La liền tối đó định chặt cây đem về làm cho căn phòng hoàn thành. Bấy giờ, có một con quỉ đang nương thân nơi cây ấy, nói với Xiển Ðà: "Chớ có chặt cây này, nếu thầy chặt thì các đứa con trai, con gái bé thơ của tôi bị nắng mưa sương gió, không nơi nương tựa." Xiển Ðà liền nói: "Ðồ quỉ chết tiệt, hãy xéo gấp, đừng ở đây nữa, ai mà muốn thấy mặt ngươi", rồi đốn lấy cây. Khi ấy, con quỉ này liền khóc rống lên, rồi dắt các con đến chỗ Thế Tôn. Phật thấy thế, tuy biết nhưng vẫn hỏi: "Vì sao mà ngươi khóc lóc?". Ðáp: "Bạch Thế Tôn! Tôn giả Xiển Ðà chặt cái cây trong rừng mà con nương trú đem về làm phòng. Bạch Thế Tôn! Các con trai, con gái thơ dại, bé bỏng của con phải phơi thân ngoài nắng mưa sương gió, biết nương vào chỗ nào đây?" Bấy giờ, Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp cho con quỉ ấy nghe, chỉ dạy về những điều lợi ích vui vẻ, khiến mọi sầu khổ đều được đoạn trừ. Rồi Thế Tôn chỉ cho nó đến nương thân một rừng cây gần đó. Ðoạn, Phật bảo các Tỳkheo gọi Xiển Ðà đến. Họ liền đi gọi. Sau khi Xiển Ðà đến, Phật bèn hỏi rõ các việc trên: "Có thật ông làm như thế chăng?". Ðáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!". Phật nói: "Này kẻ ngu si! Ðó là việc ác. Ông không biết rằng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri hễ an trú một đêm tại nơi nào thì người ta xem cây cối xung quanh nơi ấy như là những tháp miếu. Cho nên quỉ thần thích đến cư trú. Vì sao Tỳkheo lại ác khẩu mắng họ? Xiển Ðà! Hành vi đó là phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy; không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp". Các Tỳkheo liền bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao Xiển Ðà này khéo dùng phương tiện kinh doanh khiến cho chủ nhân ấy cúng 1000 đồng tiền cũ?". Phật nói với các Tỳkheo: "Ðó chẳng phải là phương tiện khéo léo. Nếu là phương tiện khéo léo thì chỉ 500 đồng đã làm xong căn phòng, đâu phải dùng đến cả 1000 đồng!" Các Tỳkheo liền bạch với Phật: "Ðúng như Thế Tôn nói! Xét kỹ thì Tỳkheo Xiển Ðà này (279c) không có phương tiện tốt". Phật liền nói với các Tỳkheo: "Không phải ngày nay mới biết ông Tỳkheo này không có phương tiện tốt mà trong thời quá khứ cũng đã biết Tỳkheo Xiển Ðà không có phương tiện tốt". Rồi Phật tiếp: "Trong thời quá khứ có một thành phố tên Ba La Nại, nước tên Già Thi. Lúc bấy giờ, vị quốc vương dùng luật pháp cai trị muôn dân, khiến cho dân chúng an lạc không bị tai ương. Quốc vương không có con, rồi hoàng hậu bỗng nhiên mang thai, đủ mười tháng liền sinh được một bé trai, nhưng không có mắt và mũi. Sinh con được 7 ngày, nhà vua liền mở đại hội triệu tập quần thần, thầy tướng và đạo sĩ đến để đặt tên cho con. Theo phong tục của vương quốc lúc bấy giờ người ta thường dựa vào phước tướng, vào tinh tú, hoặc vào cha mẹ để đặt tên cho con. Thế nên Bà La Môn bèn hỏi mọi người: "Thân thể của vương tử có những dị tướng gì?" Một người ngồi bên cạnh đáp: "Ngày nay, vương tử này mặt mày phương phi, đoan chánh nhưng không có mắt và mũi". Bà La Môn liền nói: "Thế thì nên đặt tên cho vương tử là Kính Diện, và giao cho 4 bà vú trông nom nuôi dưỡng: Một bà lo việc xoa bóp, tắm rửa; Một bà lo việc vệ sinh; Một bà lo việc bồng bế và một bà lo việc bú mớm. Thế rồi, 4 bà vú này ngày đêm cung cấp và hầu hạ khiến vương tử như đóa hoa sen mỗi ngày mỗi tăng trưởng. Ðến lúc vương tử khôn lớn, thì vua cha mệnh chung, triều đình bèn tôn Kính Diện lên kế vị ngôi vua. Vị thái tử này vốn đã gieo trồng phước đức từ đời trước, nên tuy sinh ra không có mắt mà lại có thiên nhãn. Do đó mà có thể làm vua đủ phước đức và uy lực lớn. Nhân dân trong nước nghe thái tử Kính Diện làm vua không ai là không lấy làm kỳ quái. Bấy giờ, có một đại thần muốn thử nhà vua mà chưa gặp cơ hội, thì gặp lúc vua xuất du, đồng ra lệnh quần thần làm lại cung điện mới, cho điêu khắc chạm trổ và vẽ vời nhiều cảnh trí. Ðại thần suy nghĩ: "Bấy lâu nay ta muốn thử nhà vua, hôm nay mới gặp được cơ hội". Ông bèn dùng một con khỉ cho mặc y phục, rồi làm những dụng cụ tinh xảo (của thợ mộc), bỏ vào trong túi da, buộc vào vai nó, đoạn đem đến trước vua, nói: - Tâu đại vương, đại vương ra lệnh lập cung điện, nay thợ khéo đã đến, xin đại vương hãy chỉ bảo về phương pháp xây cất cung điện. Vua thầm nhủ: "Ông ấy muốn thử ta", liền đọc kệ: "Xem loài chúng sinh này, Thế rồi, Phật nói với các Tỳkheo: "Quốc vương Kính Diện thuở ấy, nay chính là Ta đây; và con khỉ thuở ấy, nay là Tỳkheo Xiển Ðà. Vào thời ấy ta sinh ra không có 2 mắt (280a) mà còn biết được ông ta không làm được việc, huống gì ngày nay. Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo sống tại thành Câu Xá Di phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại và chế giới như sau: -- Nếu Tỳkheo làm phòng ốc lớn, có thân chủ giúp đỡ làm cho mình, phải dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ để làm, và làm tại chỗ không nguy hiểm, không phương hại. Trái lại, nếu Tỳkheo có thân chủ làm phòng cho mình, lại làm nhằm chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, cũng không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ để làm, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Giải thích Lớn: Quá mức qui định. Phòng: Phòng ở mà Phật cho phép. Làm: Hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm. Có chủ: (Trước đã giải thích). Vì mình: Vì bản thân mình, không phải vì chúng Tăng. Dẫn các Tỳkheo chỉ chỗ để làm: Nghĩa là dẫn cả chúng Tăng, hoặc là dẫn sứ giả của Tăng, như đã nói trong trường hợp phòng nhỏ ở trên. Chỗ không nguy hiểm, chỗ không phương hại: Cũng như đã nói ở trên. Nếu Tỳkheo làm phòng tại các nơi nguy hiểm, nơi có phương hại, và không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ để làm phòng thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu một Tỳkheo làm phòng lớn tại chỗ nguy hiểm, chỗ có phương hại, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, cho đến khi phòng hoàn thành, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Khi sử dụng thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Từ 2 người trở lên đến nhiều người cũng như thế. Trừ trường hợp làm quá mức qui định, các vấn đề có tội, không có tội cũng giống như trường hợp phòng nhỏ đã nói ở trên. Thế nên nói: - Nếu Tỳkheo làm phòng ốc lớn, có thân nhân giúp làm cho mình mà không dẫn các Tỳkheo đến chỉ chỗ để làm, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. (Hết giới Tăng tàn thứ 7). 8. GIỚI: VÌ TỨC GIẬN MÀ VU KHỐNG. Khi Phật an trú tại thành Xá vệ như trên đã nói. Bấy giờ, có thầy Tỳkheo tên Ðà Phiêu Ma La Tử được chúng Tăng đề cử coi sóc 9 việc sau đâỳ: 1- Coi sóc theo thứ tự mà trao giường ghế. Ðó gọi là Tăng đề cử coi sóc 9 việc. Khi giao giường ghế cho ai thì trưởng lão dùng ngón tay út bên phải khều tim đèn cho sáng để thấy rõ các dụng cụ, rồi mới giao cho. Ðoạn, thầy sắp xếp: - Người ưa yên tĩnh thì cho ở chung với người ưa yên tĩnh. Bấy giờ, Tỳkheo Từ Ðịa và nhóm 6 Tỳkheo (Lục quần Tỳkheo) đến đòi phòng ở. Tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử đáp: - Chờ một tí, đợi các thầy ngồi ổn định, rồi tôi sẽ tuần tự giao phòng cho các thầy. Ðến khi họ ngồi xong, Ðà Phiêu bèn theo thứ lớp giao phòng cho họ. Khi nhận được phòng, nhóm 6 Tỳkheo thấy các vật dụng trong phòng như giường nằm, ghế ngồi, mền gối đều cũ kỹ, mục nát và căn phòng ăn riêng cũng xấu xí bèn cùng nhau bàn tính: - Hình như trưởng lão Ðà Phiêu Ma La Tử có tư thù với chúng ta, nên cho chúng ta căn phòng tồi tàn và thức ăn thô xấu. Nếu trưởng lão này còn sống đời phạm hạnh lâu dài, thì chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Nay chúng ta hãy vu cáo ông ta phạm tội Ba La Di. Ðoạn, họ nói với Ðà Phiêu: "Trưởng lão! Ông phạm tội Ba La Di. Chúng tôi sẽ vạch tội ông". Ðáp: "Tôi không phạm tội ấy". Họ bèn nói: "Có ai ăn trộm mà tự xưng mình ăn trộm bao giờ! Nhưng nay ông đã phạm tội Ba La Di. Thế rồi, họ đến chỗ đông người vu khống, lại đến giữa chúng Tăng vu khống tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử phạm tội Ba La Di. Ðà Phiêu Ma La Tử bèn đi đến bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn! Tỳkheo Từ Ðịa đã vu khống con phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ". Phật hỏi: "Ông có việc ấy không?" Ðáp: "Không có, bạch Thế Tôn!" Phật nói: "Này Tỳkheo, Như Lai biết ông thanh tịnh, nhưng người khác vu khống ông, vậy phải làm sao đây?" Ðà Phiêu nói: "Tuy Thế Tôn biết con thanh tịnh, không có tội, nhưng xin Thế Tôn hãy nói với ông ta khiến ông ta sinh khởi lòng tin, để khỏi chuốc lấy sự bất hạnh lâu dài". Phật liền bảo: "Hãy gọi nhóm 6 Tỳkheo đến đây". Thầy liền đi gọi đến. Ðoạn, Phật hỏi nhóm 6 Tỳkheo: "Có thật các ông vu khống Tỳkheo Ðà Phiêu Ma La Tử phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ không?" Ðáp: "Thật như vậy, bạch Thế Tôn!" Phật hỏi: "Vì sao thế?" Ðáp: Vì trưởng lão ấy giao cho chúng con căn phòng cũ kỹ đổ nát.v.v... cho đến: Nếu trưởng lão ấy còn sống đời phạm hạnh lâu dài, thì chúng ta còn phải chịu nhiều đau khổ. Do thế, chúng con vu khống ông ta phạm tội Ba La Di. Phật liền khiển trách nhóm Tỳkheo 6 người: - Ðó là việc ác. Há ta không thường bảo phải cung kính và thể hiện sự từ ái của thân, khẩu, ý đối với các bậc phạm hạnh hay sao? Nay vì sao các ông lại vu khống một Tỳkheo sống phạm hạnh vô tội, rằng ông ta phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ như thế? Ðó là phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. (280c) Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: -- Nếu Tỳkheo vì sân hận, không vui, mà vu khống một Tỳkheo vô tội thanh tịnh rằng phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ, chỉ vì muốn phá rối Tỳkheo phạm hạnh ấy, sau đó hoặc có người tra xét lại, hoặc không ai tra xét, mà tự nói: "Việc đó không có căn cứ, vì tôi tức giận nên nói như thế", thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Giải thích: Sân: 9 sự não loạn hoặc giận dữ vô cớ và cái thứ 10 là hận. Hận nghĩa là phàm phu và người còn đang học cảm thấy không vui, cho đến đối với A La Hán. Không có căn cứ: Sự việc ấy hoàn toàn không xuất hiện, cũng không thấy việc của người ấy, không nghe việc của người ấy, không nghi việc của người ấy. Ba La Di: Mỗi mỗi điều trong 4 Ba La Di. Vu khống: Việc không có mà dựng đứng lên nói là có. Ðó gọi là vu khống. Muốn phá sự thanh tịnh của người ấy: Muốn làm cho họ không phải là Tỳkheo, không phải là Sa môn, không phải là con dòng họ Thích. Hoặc muốn họ làm Sa di, làm người thế tục, làm kẻ giữ vườn, làm ngoại đạo... Sau đó hoặc có người tra xét, hoặc không ai tra xét. Tra xét: Như hỏi rằng: - "Ông thấy việc gì? Việc dâm dục chăng? Lấy trên 5 tiền chăng? Cố giết người chăng? Không có thật mà tự xưng được pháp hơn người phải không? Vì sao mà thấy? Nhân lý do gì mà thấy? Thấy ở đâu?"Ðó gọi là tra xét. Trái lại, nếu không hỏi như thế, thì gọi là không tra xét. Nếu việc ấy không có căn cứ mà chỉ vì sân hận nên nói như thế, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu Tỳkheo vì sân hận mà vu khống 2 người tương tự: Người bất tịnh và người thanh tịnh. Rồi người thanh tịnh hỏi: - Thầy thấy tôi phạm tội gì? Trong 4 việc (4 tội Ba La Di), phạm tội thứ nhất hay thứ hai? Trong 13 việc (13 tội Tăng già bà thi sa) phạm tội thứ nhất hay thứ hai? Hoặc không thấy, không nghe, không nghi, không quyết định mà đem ra vu khống người ta tại chỗ vắng hoặc giữa nhiều người, hoặc giữa chúng Tăng rằng: - Tôi thấy thầy ấy phạm tội Ba La Di. Tôi nghe thầy ấy phạm tội Ba La Di. Tôi nghi thầy ấy phạm tội Ba La Di. Nhưng thấy không thật thấy, căn bản không thật; Nghe không thật nghe, căn bản không thật; Nghi không thật nghi, căn bản không thật. Sự thấy đó là sai lầm, nghe sai lầm, nghi sai lầm, không phải thấy như vậy; không phải nghe như vậy, không phải nghi như vậy; thế mà hai người đối diện, 4 mắt nhìn nhau, vu khống trực tiếp, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu Tỳkheo vu khống Tỳkheo khác phạm các điều trong 4 tội Ba La Di, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu Tỳkheo vu khống Tỳkheo khác phạm các điều trong 13 tội Tăng già bà thi sa, thì phạm tội Ba Dạ Ðề. Nếu Tỳkheo vu khống Tỳkheo khác phạm các tội trong Ba Dạ Ðề, (281a) thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu vu khống về các tội Ba la đề đề xá ni, chúng học pháp và tội Việt Tỳ Ni, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối. Nếu vu khống Tỳkheo ni phạm các tội trong 8 Ba La Di, trong 19 Tăng già bà thi sa, thì phạm tội Ba Dạ Ðề. Nếu vu khống Tỳkheo ni phạm các tội thuộc trong 30 Ni Tát Kỳ, trong 141 Ba Dạ Ðề, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu vu khống Tỳkheo ni phạm các tội trong 8 giới Ba la đề đề xá ni, trong chúng học pháp và oai nghi, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối. Nếu vu khống học giới ni phạm các tội trong 18 pháp, rồi nói rằng: "Phải cho học giới trở lại". thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu vu khống Sa di, Sa di ni phạm các tội trong 10 giới, rồi nói rằng: "Phải cho xuất gia trở lại", thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Sau cùng đến những người thế tục, nếu Tỳkheo vu khống họ phạm các tội trong 5 giới, thì phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói: - Nếu Tỳkheo vì sân hận, không vui..., cho đến nói như vậy, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. (Hết giới Tăng tàn thứ 8)
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Ðậu chai để dành mười sáu năm
Ðốt bao nhiêu củi cũng không chín
Lớn bé nhà ngươi gãy hết răng".
Tuy có bốn chân lông đẹp tuyệt
Chở nặng đi đường hết chỗ chê
Kim châm lửa đốt không nao núng".
Thế rồi, người chủ đậu lại đọc kệ:
"Con độc sinh ngàn năm
Ðầu mọc sừng bốn tấc.
Ðánh bại con lừa ngu
Lo chi chẳng hàng phục".
Song phi hai móng sau
Hàm răng ông sẽ gãy
Ðể rồi ông sẽ hay".
Chỉ cong đuôi đề phòng
Ðuôi ngươi phải chặt đứt.
Ðể ngươi biết khổ đau".
Nghề đá hậu tuyệt hay
Nay tôi cố gìn giữ
Ðến chết không đổi thay".
Mặt trắng như tuyết pha.
Ngươi sẽ được cưới vợ
Ðể rong chơi rừng già"
Ngày đi sáu trăm dặm
Bà La Môn biết không?
Nghe được vợ mừng lắm".
Muốn gì được tự nhiên,
Vượt khỏi dòng sinh tử,
Lên tới cõi Niết bàn.
Nếu người làm việc phước
Thiên thần liền gia hộ
Nguyện gì cũng thành tựu
Ma quân không thể hại.
Ðức mỏng nhiều phiền não
Phước lớn tai họa tiêu
Phước đức mà vững chắc
Ðịnh kiên cố chóng thành.
Sinh thiên hưởng khoái lạc
Cõi người cũng tự tại.
Vì do công đức này
Ðến đâu đều tự nhiên.
Nhân phương tiện phước báo
Vĩnh ly khổ sinh tử.
Ðắc đạo đến Niết bàn
Hết trôi nổi tái sinh".
Voi kia hoảng sợ chạy điên cuồng.
Giá như gió thổi khắp thiên hạ
Bấy giờ voi ấy chạy về đâu?"
Anh lạc trang nghiêm thân.
Rồng cho ta vật đó,
Mới là tình bạn thân".
Phải cầm gậy xịt chó (để giữ gìn)
Bảo châu khó có được
Nên không đến thăm ông.
Ma ni này quí hơn
Thức ngon và châu báu.
(277c) Tôi không thể nào cho
Khẩn khoản xin làm gì?
Cầu nhiều thân ái ly
Do đó không đến nữa".
Ðều do tham cầu nhiều
Lòng tham Phạm chí hiện
Rồng liền ẩn đầm sâu".
2- Quá thường gần nhau.
3- Vì lợi mà gần nhau.
4- Người đáng yêu mà không yêu.
5- Kẻ không đáng yêu lại yêu.
6- Không tin lời nói chân thật.
7- Ưa xen vào việc người khác.
8- Mình thật sự không có uy đức mà muốn áp đảo người khác.
9- Ưa che giấu những lời nói gian tà.
10- Tham cầu nhiều quá.
Mặt nhăn nhó dáo dác.
Tánh khinh tháo nhảy nhót,
Việc thành, hắn liền phá.
Bản chất vốn như thế,
Làm sao xây cung điện?
Tàn phá cây hoa trái
Không thể gần gũi người.
Huống gì tạo cung điện.
Thả về rừng hoang thôi".
2- Theo thứ tự mà sai thỉnh đi dự hội.
3- Theo thứ tự mà chia phòng ốc.
4- Theo thứ tự mà chia y vật.
5- Theo thứ tự mà chia hương hoa.
6- Theo thứ tự mà chia dưa trái.
7- Theo thứ tự mà phân công người nấu nước.
8- Theo thứ tự mà chia các quà bánh lặt vặt.
9- Biết tùy nghi mà cử người làm được việc.
- Người khất thực cho ở với người khất thực.
- Người mặc y phấn tảo cho ở với người mặc y phấn tảo.
- Người ăn một lần cho ở với người ăn một lần.
- Người thường ngồi cho ở với người thường ngồi.
- Người ưa ngồi chỗ trống cho ở với người ưa ngồi chỗ trống.
- Người ngồi nệm cỏ cho ở với người ngồi nệm cỏ.
- Người tụng kinh cho ở với người tụng kinh.
- Pháp sư cho ở với pháp sư.
- Người học luật cho ở với người học luật.
- Tu Ðà Hoàn cho ở với Tu Ðà Hoàn.
- (280b) Tư Ðà Hàm cho ở với Tư Ðà Hàm.
- A Na Hàm cho ở với A Na Hàm.
- A La Hán cho ở với A La Hán.
- Những vị được tam minh cho ở với những vị được tam minh.
- Những vị được lục thông cho ở với những vị được lục thông.
- Những vị không có oai nghi cho ở với những vị không có oai nghi.