Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Nếu có người đem bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới để mà bố thí, người ấy có được nhiều phước đức không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, nhiều lắm. Vì sao thế? Phước đức ấy tức chẳng phải là phước đức, thế nên Như Lai nói là phước đức nhiều.

Phật nói: Nếu lại có người ở trong kinh này thọ trì thậm chí chỉ bốn câu kệ, rồi vì người khác giảng nói, thì phước lại nhiều hơn người kia. Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Vì tất cả chư Phật và Vô  thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Tu Bồ Đề! Cái gọi là Phật pháp đó, tức chẳng phải là Phật pháp.

“Phước đức ấy tức chẳng phải là phước đức, thế nên (trong ý nghĩa ấy) Như Lai nói là phước đức nhiều”. Sắc chẳng phải là sắc, mà sắc là Không, trong ý nghĩa ấy, gọi đó là sắc, tức là sắc Như, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Sóng chẳng phải là sóng mà sóng là nước đại dương, trong ý nghĩa ấy, gọi đó là sóng, tức là sóng Như, không sanh không diệt, không tăng không giảm. Đây chính là sự thanh tịnh xưa nay của tất cả các pháp.

Tánh Không cũng là tánh Như, như đoạn sau nói, “Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp”. Tánh Không không phải là không có gì cả, một hư vô trọn vẹn. Tánh Không có cái biết, tức là tánh Giác. Tánh Không là tánh sáng, như chữ dùng của vua Trần Nhân Tông, hay tịnh quang (ánh sáng căn bản, TT. odgsal, Skt. prabhasvara). Thể hiện nơi giác quan, tánh Không sống động này được gọi là tánh thấy, tánh nghe ở Kinh Lăng Nghiêm.

“Phước đức tức chẳng phải là phước đức, thế nên Như Lai nói là phước đưc” có hai nghĩa:

  • Cái mà ta gọi là sự vật, thật ra chỉ là danh tướng, như sóng chỉ là danh tướng sóng, mà thật ra nó là nước. Lạc lầm vào thế giới danh tướng này, để cho chúng mê hoặc mà quên đi bản chất thật sự của chúng, đó là thế giới sanh tử. Còn nhìn ra được tất cả chỉ là danh tướng, tức thảy thảy đều Không, bèn trở lại thế giới Niết Bàn tánh Không. Đó là nghĩa Không.

Một khi đã thấy sự thật chỉ là danh tướng, chỉ đồng là tánh Không, một khi đã loại bỏ được danh tướng khoác cho mỗi sự vật, thì khi ấy sự vật xuất hiện trong tánh Như của nó, nghĩa là sự vật chính là Chân Như, ngoài mọi vọng tưởng dơ sạch, thêm bớt, sanh diệt, có không. Đó là nghĩa Như.

Quán danh tướng chỉ là vọng tưởng thì tánh Không hiển lộ. Danh tướng vọng tưởng tiêu mất chỗ nào thì chỗ đó là tánh Không, bụi hết chỗ nào thì chỗ đó là gương, chứ không phải chờ danh tướng diệt hết thì tánh Không mới hiển lộ. Ngay nơi chỗ thực hành đã có cứu cánh của sự thực hành, ngay nơi tướng vốn vẫn là tánh là như vậy.

Hoặc ngược lại quán thẳng tánh Không thì danh tướng tiêu tan, vì tánh Không vốn không có danh tướng, do đó mà không nắm giữ, không bám víu, vô minh bèn diệt.

Thọ trì chỉ bốn câu kệ, vì người khác giảng nói, thì phước đức rất nhiều, vì người này sống trong tánh Không, trong cái Vô tướng “không có pháp nhất định nào để Như Lai có thể nói”, trong thực tại “không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”.

Ở đoạn 6, “một niệm sanh lòng tin chân thật” là có được cái thấy, là ngộ tánh Không. Ở đoạn 8 này “thọ trì”, tức là thọ trì cái Thấy, không để mất cái thấy tánh Không này, đó là Thiền định. “Rồi vì người khác giảng nói” là một phần của Hạnh. Cái Thấy, Thiền định, và Hạnh đã trọn vẹn thì đó là Quả.

“Thọ trì bốn câu kệ”, thọ trì liên tục như vậy thì đây là Trí huệ. “Rồi vì người khác giảng nói”, đây là lòng Bi. Trí huệ và lòng Bi là hai yếu tố chính tạo thành con đường Bồ tát hay Bồ tát hạnh. Trong bốn giai đoạn cái Thấy, Thiền định, Hạnh, và Quả, thì cái Hạnh này đối với Đại thừa là Bồ tát hạnh vậy.

Xem mục lục