Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục
KINH TIỂU BỘ TẬP I 
Khuddhaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2543 - 1999

Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ)
Itivuttaka
Chương 01

 

Chương Một - Một Pháp

Phẩm I

(I) (Ek I, 1) (It. 1)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Tham, này các Tỷ-kheo, là một pháp, các Thầy hãy từ bỏ! Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Với tham bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(II) (Ek I, 2) (It. 1)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Sân, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:

Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(III) (Ek I, 3) (It. 2)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Si, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với si bị si mê
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(IV) (Ek I, 4) (It. 2)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Phẫn nộ, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với phẫn nộ phẫn uất.
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ðây là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(V) (Ek 1,5) (It. 3)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Gièm pha, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với gièm pha, gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(VI) (Ek1,6) (It.3)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Mạn, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với kiêu mạn kiêu căng,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ kiêu mạn ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(VII) (Ek I, 7) (It. 3)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri tất cả, ở đây tâm không ly tham, từ bỏ, không thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri, liễu tri tất cả, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Ai hiểu, rõ biết được,
Tất cả là tất cả,
Ðối với tất cả chỗ,
Không có sự tham đắm,
Vị như vậy chắc chắn,
Liễu tri được tất cả,
Và có thể vượt qua,
Tất cả mọi đau khổ.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(VIII) (Ek I, 8) (It. 4)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Người bị mạn chi phối,
Do bị mạn trói buộc,
Nên hoan hỷ sanh hữu,
Do không liễu tri mạn,
Nên đi đến tái sanh.
Những ai đoạn diệt mạn,
Giải thoát, mạn hoại diệt,
Họ thắng mạn trói buộc,
Họ vượt qua nhiếp phục,
Tất cả mọi đau khổ.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(IX) (Ek I, 9) (It. 5)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Với tham, bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(X) (Ek I, 10) (It. 5)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Sân, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng liễu tri Sân, ở đây, tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Phẩm II

(XI) (Ek II, 1) (It. 6)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri Si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với si, bị si mê,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ không bao giờ,
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XII) Ek II, 2) (It. 7)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với phẫn nộ phẫn uất,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XIII) (Ek II, 3) (It. 7)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu trí Gièm pha, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với gièm pha gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ, gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XIV) (Ek II, 4) (It. 7)

 

Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một triền cái nào khác, do bị bao trùm bởi triền cái ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, lưu chuyển. Này các Tỷ-kheo, tức là Vô minh triền cái. Này các Tỷ-kheo, bị bao trùm bởi Vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài chạy dài, lưu chuyển.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa naỳ. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Không có một pháp khác,
Quần sanh bị bao phủ,
Ngày đêm chạy lưu chuyển,
Như bao phủ bởi si
Và ai đoạn diệt si,
Ðâm thủng khối u ám,
Họ không lưu chuyển nữa,
Trong họ, nhân không còn.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XV) (Ek II, 5) (It. 8)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một kiết sử nào khác, do bị cột bởi kiết sử ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển, này các Tỷ-kheo tức là ái kiết sử. Này các Tỷ-kheo, bị cột với ái kiết sử, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài lưu chuyển.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Người có ái làm bạn,
Thời gian dài, lưu chuyển,
Không vượt được lưu chuyển,
Sanh hữu vậy hay khác.
Ai biết nguy hiểm này,
Biết ái tác thành khổ,
Bỏ ái, không chấp trước,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Bỏ gia đình xuất gia,
Sống nếp sống như vậy.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XVI) (Ek II. 6) (It. 9)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành nội chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là Như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tác như lý tác ý, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Vị Tỷ kheo hữu học,
Hành như lý tác ý,
Không một pháp nào khác,
Nhiều lợi ích như vậy.
Ðể đạt cho bằng được,
Lợi ích thật tối thượng.
Vị Tỷ kheo như lý,
Tinh tấn và tinh cần,
Có thể thành đạt được,
Sư đoạn diệt khổ đau.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XVII) (Ek II. 7) (It. 10)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành ngoại chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là làm bạn với thiện. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Tỷ-kheo làm bạn thiện,
Tôn kính và kính trọng,
Làm theo những lời nói,
Của bạn bè thân hữu, 
Tỉnh giấc và chánh niệm,
Vị ấy sẽ tuần tự,
Ðạt được sự hoại diệt,
Tất cả mọi kiết sử.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XVIII) (Ek II, 8) (It. 10)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại bất hạnh cho nhiều người, đem lại bất lợi cho nhiều người, đem lại không lợi ích cho nhiều người, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. 

 

Thế nào là một pháp? Phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chúng Tăng bị phá hoại, thì có những tranh luận với nhau, có những mắng nhiếc lẫn nhau, có những ngăn cách lẫn nhau, có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đấy, những người không hòa hợp, không đi đến hòa hợp và những người có hòa hợp, sự nhất trí đi đến nơi khác.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục,
Trú đến trọn cả kiếp,
Người phá hòa hợp Tăng.
Ưa thích phá hòa hợp,
An trú trên phi pháp,
Rơi rớt, vượt ra khỏi.
An ổn khỏi khổ ách;
Kẻ phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng hòa hợp,
Bị nung nấu trọn kiếp,
Trong cảnh giới địa ngục.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XIX) (Ek II, 9) (It. 11)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. 

 

Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Hạnh phúc là chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Giúp đỡ, ưa hòa hợp,
Thích hòa hợp, trú pháp
Không rơi rớt, vượt khỏi,
An ổn khỏi khổ ách,
Kẻ tạo được hòa hợp,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trọn kiếp được an vui,
Trong cảnh giới chư Thiên.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XX) (Ek II, 11) (It. 12)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Ở đây này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người ác ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng người này bị rơi vào địa ngục. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy ác ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm ác ý, như vậy ở đây một số loài hữu tình su khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi ác, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Biết được tâm ác ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này.
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Sẽ bị sanh địa ngục,
Vì tâm nó ác độc,
Tùy theo lấy những gì,
Tương xứng bị rơi xuống,
Như vậy được tương xứng,
Do nhân tâm ác ý,
Chúng sanh đi ác thú.

Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

 

 

Phẩm III

(XXI) (Ek III, 1) (It. 13)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-há nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người thiện ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng, người này được sanh lên thiên giới. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy thiện ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm thiện ý, như vậy ở đây, một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Biết được tâm thiện ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này,
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Người ấy sẽ được sanh,
Lên thiên giới thiện thú,
Vì tâm có thiện ý,
Tuỳ theo lấy những gì,
Tương xứng được lãnh thọ,
Như vậy được tương xứng.
Do nhân tâm thiện ý,
Chúng sanh đi thiện thú.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XXII) (Ek III, 2) (It. 14)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Này các Tỷ-kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỷ-kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp và hoại kiếp. Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm; Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên. Tại đấy Ta là Phạm Thiên, Ðại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực. Này các Tỷ-kheo, ba mươi sáu lần Ta đã là Thiên chủ Ðế Thích. Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy? ". Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Ðây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay đựơc đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự ".

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Hãy để cho vị ấy,
Học tập về công đức,
Công đức là lạc căn,
Tối thượng trong tương lai,
Hãy tu tập bố thí,
Sống nếp sống an tịnh,
Và tu tập từ tâm.
Sau khi đã tu tập,
Các pháp này như vậy,
Tức là cả ba pháp,
Khiến an lạc sanh khởi,
Bậc Hiền trí được sanh
Trong thế giới an lạc,
Thế giới không sân hận.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XXIII) (Ek III,3) (It. 16)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại hai lợi ích, an trú ngay hiện tại và lợi ích cho tương lai. 

 

Thế nào là một pháp? Không phóng dật trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại được hai lợi ích, an trú ngay trong hiện tại và lợi ích cho tương lai.

 

Thế Tôn đã nói lên lợi ích này. Ở đây, điều này được nói đến.

Bậc Hiền trí tán thán,
Không phóng dật hành thiện,
Bậc Hiền không phóng dật,
Ðem lại hai lợi ích,
Lợi ích ngay đời này,
Và lợi ích tương lai
Bậc trí do thắng trí,
Chứng đắc được lợi ích,
Nên được gọi bậc trí.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XXIV) (Ek III, 4) (It. 17)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Các xương của một người, này các Tỷ-kheo, chạy dài, lưu chuyển có thể lớn như một đồi xương, một chồng xương, một đống xương, như núi Vepulla này, nếu có người thâu người lượm xương lại, gìn giữ chúng không làm chúng hủy hoại.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.

Chồng chất như xương người,
Chỉ sống có một kiếp,
Chất đống bằng hòn núi,
Bậc Ðại sĩ nói vậy,
Ðống xương ấy được nói,
Lớn như Vepulla,
Phía Bắc núi Linh Thứu,
Thành núi Magadha,
Người thấy bốn sự thật,
Với chân chánh trí tuệ
Khổ và khổ tập khởi
Sẽ vượt qua đau khổ
Con đường Thánh tám ngành,
Dẫn đến khổ tịnh chỉ,
Người ấy phải luân chuyển,
Tối đa là bảy lần,
Là vị đoạn tận khổ,
Ðoạn diệt mọi kiết sử.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XXV) (Ek III, 5) (It. 18)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe.

 

Phàm một người nào đã vi phạm một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào vị ấy không làm được. Thế nào là một pháp? Này các Tỷ-kheo, tức là rõ biết mà nói láo.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Người nào đã nói láo,
Là vi phạm một pháp,
Không kể đến đời sau,
Không ác gì không làm.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(XXVI) (Ek III, 6) (It. 18)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh có thể biết như Ta đã biết, quả dị thục của sự san sẻ bố thí họ sẽ không thụ hưởng nếu họ không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh tâm của họ và an trú. Dầu là miếng cuối cùng của họ, dầu là miếng ăn tối hậu, họ sẽ không thọ hưởng nếu họ không san sẻ, khi có người nhận của họ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh không biết như Ta đã biết quả dị thục của san sẻ bố thí họ sẽ thọ hưởng, không có bố thí, và uế nhiễm xan tham ám ảnh tâm của họ và an trú.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đấy, điều này được nói đến.

Nếu các hàng chúng sanh,
Có thể biết như vậy,
Như bậc Ðại ẩn sĩ,
Ðã nói, tuyên bố lên,
Qua dị thục lớn thay,
Của san sẻ bố thí!
Nhiếp phục uế xan tham,
Với tâm thật thanh tịnh
Ðúng thời họ bố thí,
Ðối với các thánh nhân,
Tại đây bố thí vậy,
Có quả thật to lớn
Cho nhiều các thức ăn,
Kính lễ người đáng kính,
Từ đãy xả, từ bỏ,
Ðịa vị làm con người,
Các người làm bố thí
Ðược đi đến cõi Trời,
Họ đi đến cõi trời,
Tại đấy chúng hoan hỷ,
Với mọi điều sở thích,
Họ thọ hưởng như ý,
Vị không có xan tham,
Ðược thọ hưởng đầy đủ,
Quả dị thục của chúng,
Nhờ san sẻ bố thí.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(XXVII) (Ek III, 7) (It. 19)

 

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

 

Này các Tỷ-kheo, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. 

 

Này các Tỷ-kheo, ví như ánh sáng của chùm sao, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng vượt quả ánh sáng của chùm sao chói sáng, bừng sáng, và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. 

 

Này các Tỷ-kheo, ví như vào tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, trên bầu trời thanh tịnh, các mây được quét sạch, mặt trời mọc lên trên bầu trời, phá tan mọi tối tăm ở hư không, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. 

 

Ví như này các Tỷ-kheo, vào tháng cuối mùa mưa, vào tiết mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên trời không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. 

 

Ví như này các Tỷ-kheo, khi đêm đã gần tàn, sao mai chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Ai tu tập từ tâm,
Không phóng dật chánh niệm,
Các kiết sử giảm thiểu,
Nhờ thấy sanh y diệt.
Nếu tâm không độc ác,
Ðối với một hữu tình,
Với từ tâm như vậy,
Vị ấy là bậc Thiện,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối tất cả hữu tình,
Bậc Thánh tự tác thành,
Công đức thật vô lượng.
Ai chiến thắng quả đất,
Ðầy dẫy những hữu tình,
Bậc vua chúa chơn chánh,
Như các vị tiên nhân,
Tổ chức khắp mọi nơi,
Ðủ các loại tế đàn,
Lễ tế đàn với ngựa,
Lễ tế đàn với người,
Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Lễ chốt cửa dẹp lại,
Họ không tác thành được
Một phần thứ mười sáu,
Với người khéo tu tập,
Tâm ý thật từ mẫn,
Như ánh sáng mặt trăng,
Thắng sáng mọi vì sao,
Ai không có giết hại,
Không khiến người giết hại,
Không có chinh phục người,
Không khiến người chinh phục,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Vị ấy không hận thù,
Ðối với bất cứ ai.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.


Xem mục lục