Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Ngô Pháp, niệm vô niệm niệm, hành vô hành hành, ngôn vô ngôn ngôn, tu vô tu tu. Hội giả cận nhĩ, mê giả viễn hồ. Ngôn ngữ đạo đoạn, phi vật sở câu, sai chi hào ly, thất chi tu du."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: " Pháp của Ta là nghĩ, nghĩ mà không nghĩ; là làm, làm mà không làm; là nói, nói mà không nói; là tu, tu mà không tu. Kẻ biết thì gần, người mê thì xa; đường ngôn ngữ đứt hết, chẳng bị vật gì ràng buộc; sai đi một ly ắt mất trong khoảnh khắc."

 

Lược giảng:

Chương thứ mười tám nói về mối tương quan giữa sự hiện hữu với sự không hiện hữu của ý niệm và tu hành.

Đức Phật dạy: "Pháp của Ta là nghĩ, nghĩ mà không nghĩ." Đức Phật dạy rằng: "Giáo pháp của Ta, về mặt ý nghĩ thì cần phải không có một ý nghĩ nào cả, ngay cả cái ý nghĩ 'không nghĩ' cũng chẳng tồn tại nữa. Do đó, Pháp của Ta được gọi là 'nghĩ, nghĩ mà không nghĩ' vậy."

"Là làm, làm mà không làm." Trong giáo pháp của Ta, tu hành cũng là dùng 'vô công dụng Đạo'1. Tu hành thì đừng nên có sự chấp trước. Phải tu hành như không tu hành vậy; thậm chí cả chữ 'hành' trong 'không tu hành' cũng chẳng còn nữa."

"Là nói, nói mà không nói." Nói tức là lời ăn tiếng nói. Chớ nên chấp trước vào ngôn ngữ, văn tự. Lại nữa, phải từ bỏ luôn cả những tư tưởng và ý niệm về sự không chấp trước vào ngôn từ.

"Là tu, tu mà không tu." Khi tu thì cũng là cái tu của 'vô công dụng Đạo' - tu mà chẳng tu, chứng mà chẳng chứng. Tu Đạo, song không có một ý tưởng gì về 'tu Đạo' cả. Những thứ này đều không nên có! Như thế tức là chẳng có bất cứ sự chấp trước nào cả; mọi chấp trước đều trở thành 'không', và ngay cả cái 'không' ấy cũng phải làm cho thành không luôn!

"Kẻ biết thì gần." Nếu quý vị thấu hiểu được đạo lý này, tức là quý vị đang ở gần với Đạo, chẳng còn cách Đạo bao xa nữa.

"Người mê thì xa." Nếu quý vị chưa hiểu rõ và vẫn còn mê muội về Đạo lý này, thì quý vị còn ở cách Đạo rất xa.

Như vậy, xét cho cùng thì Đạo là như thế nào? Để tôi bảo cho quý vị biết, đó là "đường ngôn ngữ đứt hết." Có nói cũng không diễn đạt bằng lời được, mà có nghĩ cũng chẳng đúc kết thành ý đặng! "Đường ngôn ngữ đứt hết" tức là không thể dùng lời nói để diễn tả sự kỳ diệu này; nên nói rằng:

Ngôn ngữ đạo đoạn,

Tâm hành xứ diệt.

(Dứt đường ngôn ngữ,

Diệt chốn tâm hành.)

Đường nói năng bị cắt đứt và chỗ hành sự của tâm bị đình chỉ. Những gì mà cái tâm muốn nghĩ tưởng tới cũng không còn, hết thảy mọi thứ đều trống rỗng.

"Chẳng bị vật gì ràng buộc, bởi sự vật cũng là bổn thể của Chân-như." Nếu quý vị đạt được cảnh giới này, thì quý vị sẽ thấy rằng sông, núi, đất đai, và tất cả vạn vật với muôn hình vạn trạng đều là bổn thể của Chân-như. Bấy giờ, quý vị sẽ không còn bị ràng buộc bởi sự vật nữa.

"Sai đi một ly, ắt mất trong khoảnh khắc." Đối với phương pháp tu hành này, nếu quý vị sơ hở hoặc sai lệch dù chỉ một đường tơ kẽ tóc, thì nội trong một thời gian rất ngắn ngủi, lập tức bị lạc đường ngay, tìm không thấy nữa. Cho nên, cần phải tự mình phá tan mọi chấp trước thì mới có thể đạt được cảnh giới này!

Xem mục lục