Kinh Văn:
Hán Văn: Sa-môn vấn Phật: "Hà giả vi thiện? Hà giả tối đại?"
Phật ngôn: "Hành Đạo, thủ chân giả thiện. Chí dữ Đạo hợp giả đại."
Dịch Nghĩa: Một vị Sa-môn hỏi Phật: "Điều gì là thiện? Điều gì là tối đại?"
Đức Phật dạy: "Thực hành Đạo và giữ bề chân thật, là thiện. Chí và Đạo hợp nhau, là đại."
Lược giảng:
Chương thứ mười bốn giảng rõ rằng không có gì tốt hơn sự tu hành chân chánh, và đó là điều tối thiện (lành nhất). "Đại" tức là sự chứng đắc đạo lý chân thật. Đây chính là điều tối đại (lớn nhất) vậy.
Một vị Sa-môn hỏi Phật: "Điều gì là thiện? Điều gì là tối đại?" Có một thầy Sa-môn thỉnh vấn Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế-Tôn! Việc gì là tốt nhất, đáng làm hơn hết? Việc gì là vĩ đại nhất, quan trọng nhất và nên làm nhất?"
Đức Phật dạy: "Thực hành Đạo và giữ bề chân thật, là thiện." Đức Phật trả lời thầy Sa-môn ấy rằng: "Nếu ông có thể tu hành theo Phật pháp chân chánh thì đó là điều tốt nhất. Đừng nên tu theo bàng môn ngoại đạo. Thế nào là Phật pháp chân chánh? Đó là không ích kỷ, chí công vô tư, không thiên vị, không phân biệt mình với người. Chúng ta không nên có lòng vị kỷ và cũng đừng mưu cầu lợi lộc riêng tư. Nhất cử nhất động, chúng ta đều nên thực hành Bồ-tát Đạo, làm lợi ích cho chúng sanh. Hễ mình hiểu được điều gì cũng muốn giảng giải cho người khác cùng hiểu, và nếu mình được lợi lạc thì cũng mong cho người khác được như mình. Không ích kỷ và không mưu cầu lợi lạc cho riêng bản thân mình - đó là tối thiện, là điều tốt lành nhất vậy.
"Thực hành Đạo, giữ bề chân thật" tức là giữ gìn chân lý, chứ không giữ cái pháp hư vọng, không thật. Tu hành thì phải hiểu rõ chân lý. Không hiểu chân lý thì không phải là "giữ bề chân thật." Giữ được sự chân thật là điều tốt đẹp nhất.
"Chí và Đạo hợp nhau, là đại." Khi chí nguyện của quý vị và đường Đạo mà quý vị đang tu hành có thể hợp lại thành một, thì quý vị sẽ chứng được quả vị thánh nhân. Quý vị có thể chứng quả A-la-hán hoặc thực hành Bồ-tát Đạo. Đó là tối đại vậy!