Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

1 (221) Khi đã rời sân giận, dứt ngã mạn, lìa mọi kiết sử trói buộc, không còn ưa thích gì danh và sắc, không còn dính mắc gì để người này rơi vào say đắm nữa.

2 Rời ngay khi tâm sân vừa khởi, rời ngay khi tâm tham vừa khởi, người tinh tấn lìa ngay tất cả si mê, sẽ nhận ra hạnh phúc khi thấy được sự thực.

3 Rời được tâm sân, giấc ngủ sẽ an bình; rời được tâm sân, sẽ dứt được sầu khổ. Tỳ khưu hãy phá hủy tâm sân, vốn là cỗi nguồn thuốc độc; người trí nói rằng, ai thắng được tâm sân sẽ không còn sầu khổ.

4 Không gì tốt hơn làm chủ tâm sân của mình. Đó là lời dạy quan trọng, vì khổ theo sân, như phỏng theo lửa.

5 Có tính sân, lại ưa tham, không tự chế, không lìa sắc dục, sống không biết đủ, sẽ không được ai tin cậy.

6 Sức mạnh những kẻ si mê thực sự không phải sức mạnh. Người không biết chánh pháp sẽ khó tới toàn hảo.

7 Người có sức mạnh nhưng kham nhẫn với người yếu, ta gọi đó là người kham nhẫn nhất trong cõi người, luôn luôn lắng nghe, tôn trọng kẻ yếu.

8 Người nào, chủ của nhiều người khác, nhưng kham nhẫn với người yếu, ta gọi đó là người kham nhẫn nhất trong cõi người, luôn luôn lắng nghe, tôn trọng kẻ yếu.

9 Người quyền thế, bất kể bị gây gỗ, vẫn giữ kham nhẫn, ta gọi đó là người kham nhẫn nhất trong cõi người, luôn luôn lắng nghe, tôn trọng kẻ yếu.

10 Biết đối thủ đang giận dữ, nhưng mình tự giữ được tâm tịch lặng, sẽ giữ cho bản thân mình và người khác xa khỏi nguy hiểm lớn.

11 Biết đối thủ đang giận dữ, nhưng mình tự giữ được tâm tịch lặng, sẽ làm lợi ích cho cả bản thân mình và người khác.

12 Hành xử như thế sẽ lợi ích cho mình và người khác, kẻ không biết chánh pháp sẽ nghĩ “Kẻ đó là ngu.”

13 Lời thượng nhân dạy là kham nhẫn vì sợ hậu quả xấu; bậc trí nói, kham nhẫn là hạnh đệ nhất, kham nhẫn đối với lạm dụng và khiêu khích, đối với lời nói sỉ nhục.

14 Kẻ ngu là người nổi giận và nghĩ là chiến thắng vì dùng lời nói thô bạo, sẽ luôn luôn thảm bại trước người có lời nói kham nhẫn.

15 (224) Hãy nói sự thật; chớ nên nổi giận; hãy bố thí cho người xin dù là một chút. Ai giữ ba hạnh này sẽ được vào cõi tịnh độ của chư thiên.

16 Người sân hận sẽ không thấy cảnh nào an lành; nếu người muốn lìa sinh tử, chớ nói lời giận dữ nào.

17 Người đã từng giận dữ, lại để giận dữ nữa, đó là tội lỗi; nhưng ai đã từng giận dữ, sau đó không còn nổi giận nữa, là người chiến thắng lớn.

18 (223) Hãy lấy không sân chinh phục sân hận, lấy thiện chinh phục bất thiện, lấy bố thí chinh phục lòng tham, lấy sự thật chinh phục sai trái.

19 Người được điều phục và sống đời ngay chính, làm sao có thể sân hận nữa? Người trí, với trí tuệ toàn hảo và đã giải thoát, không còn thấy sân hận nữa.

20 Bậc thượng nhân luôn luôn thân cận những người đã ly sân, lìa ác tâm; những ai còn giữ ác tâm và sân hận sẽ bị như núi đè nặng.

21 (222) Ai ghìm được cơn sân đang khởi dậy, như lái xe đúng trên đường, ta gọi là người đánh xe giỏi; trong khi đám đông bất thiện chỉ cầm cương hờ thôi.

Hết Phẩm 20, về Sân

Ghi nhận: Phẩm này nói về nguy hiểm của sân hận, và ca ngợi những ai lìa được tâm sân hận. Người biết ngăn chận tâm sân được ví như người biết lái xe đi trên đường, còn người buông lung sân hận chỉ là người cầm cương ngựa nhưng không thực sự lái xe, vì lúc đó lái xe chính là cơn sân hận. Kinh nói, người ly sân là được thánh quả Bất Lai (A Na Hàm), sẽ rời cõi này để vào cõi ngũ tịnh cư thiên.

Trong phẩm này cũng nói về nhiều hạnh cần phải tu dưỡng, như ly sân, nói sự thật, kham nhẫn, bố thí…

Xem mục lục