Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

IV- CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT

Kinh : Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy : vì không thấy bên trong thân, nên tâm không ở trong thân. Vì thân và tâm cùng biết một lần, không thể rời nhau nên tâm không riêng ở ngoài thân được. Nay tôi suy nghĩ, biết tâm ở một chỗ!”

Phật bảo : “Chỗ ấy ở đâu ?”

Ông Anan bạch Phật : “Cái tâm Hay Biết ấy đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài. Theo như tôi xét nghĩ, thì nó nấp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu ly úp vào hai con mắt, con mắt tuy là có vật úp vào nhưng không bị trở ngại, con mắt ấy vừa thấy thì liền phân biệt được ngay. Cái tâm hay biết của tôi không thấy bên trong là vì tâm ấy ở nơi con mắt; nhưng lại thấy bên ngoài rõ ràng không ngăn ngại, vì tâm nấp sau con mắt”.

Phật bảo Ông Anan : “Theo chỗ ông nói : tâm nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly. Vậy thì người kia đang khi lấy chén lưu ly úp vào hai mắt, trông thấy núi sông thì có trông thấy chén lưu ly không ?”

- Thưa Thế Tôn, đúng thế, người ấy đương khi lấy chén lưu ly úp vào hai con mắt thật có thấy chén lưu ly.

Phật bảo Ông Anan : “Nếu tâm ông nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, thì khi trông thấy núi sông sao không trông thấy con mắt? Nếu thấy con mắt, thì con mắt cũng là ngoại cảnh, không thể mắt liền thấy mà tâm liền biết được. Nếu không thấy được con mắt, thì sao lại nói rằng tâm nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly ? Vậy, nên biết rằng ông nói cái tâm Hay Biết nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, thật không đúng vậy”.

Thông rằng : Luận Bát Thức Quy Củ nói “Kẻ ngu khó phân biệt được Căn và Thức”. Vậy thì Căn và Thức khó phân biệt từ xưa rồi. Nếu nói Căn chẳng phải là Thức thì Căn tự là Căn, Thức tự là Thức. Thức thường thấy cái Căn. Nếu nói Căn tức là Thức, thì người chết kia, con mắt cũng hiện còn, tại sao chẳng thấy. Cho nên biết rằng năm Căn chỉ là vật sắc trong suốt soi cảnh vật mà thôi, còn Thức thì hiểu biết phân biệt. Chủng Tử và Hiện Hành của hai thứ huân tập chẳng giống nhau. Năm Căn tức là sắc pháp, là Tướng Phần của Thức Thứ Tám, đủ cả hai nghĩa Chấp (Giữ) và Thọ (Lãnh), có tánh vô ký và trắng sạch suốt. Năm Thức thuộc về tâm pháp, tức là Kiến Phần của Thức Thứ Tám, đủ cả ba Tánh (Thiện, Ác, Vô Ký), hay hiểu biết rõ ràng gọi là Tánh Cảnh thuộc về Hiện Lượng, nên Luận nói “Tánh Cảnh, Hiện Lượng thông ba tánh”. Đến Thức Thứ Sáu mới có Phân Biệt, thuộc về Tỷ Lượng(77), Phi Lượng(78). Đây là chỗ phân biệt giữa Căn và Thức.

Ông Anan nói rằng “Căn ấy vừa thấy liền phân biệt ngay” là đúng. Nhưng nói tiếp “Cái tâm nấp ở trong Căn như chén lưu ly úp lên mắt”, thì sai. Vì, nếu quả như khi chén lưu ly úp lên mắt, thì mắt thấy núi sông cũng thấy được chén lưu ly, cũng thế, tâm khi thấy núi sông, cũng phải thấy con mắt. Nay tâm chẳng thấy con mắt, tức là rõ ràng tâm chẳng phải ngầm ẩn trong con mắt. Ví dụ để so sánh của ông chẳng chân thật, chính thuộc Phi Lượng. Xét chỗ chỉ bày của Ông Anan thì cái tâm Tri Giác chỉ là sáu Thức Phân Biệt vậy. Sáu Thức này do đâu khởi ra ? Đó là do sự truyền tống, chuyển đưa của Thức Thứ Bảy và do sự hàm tàng, chứa giữ của Thức Thứ Tám. 
Dầu cho sự phân biệt dễ bỏ, mà Hành Ấm khó trừ. Dầu cho Hành Ấm dễ tiêu, mà chủng tử khó chuyển hóa.

Nay đối với sáu Thức Phân Biệt mà Ông Anan còn chưa biết chỗ ở của chúng, huống hồ lại biết được cái Thức Thứ Bảy và Thức Thứ Tám ? Chỗ ở còn không biết, nói gì đến chuyện đem binh đi đánh dẹp? 

Kinh này mới đầu phá hang ổ của sáu Thức, nên mới có bảy chỗ trưng bày của Tâm. Sau cùng công kích các cơ quan đầu não của Thức Thứ Tám, cho đến lúc Thức Ấm hết sạch. Đây là đại lược việc chuyển Thức thành Trí. Văn sau của kinh nói rằng “Tuy để được Sáu tiêu(79) hết, dường còn chưa mất cái Một(80)”. Đến khi Một, Sáu đều tiêu, rồi không chỗ dựa, mới nhìn lại cái đoạn “Nấp trong con mắt giống như lấy chén lưu ly mà úp” này, lại không phát ra một tiếng cười lớn hay sao ! Tuy nhiên, nếu khéo thí dụ, thì không gì mà chẳng được !.

Xưa, Trung Ấp Hồng(81) thiền sư, có Ngài Ngưỡng Sơn đến tạ ơn truyền Giới, xong rồi hỏi rằng : “Cái nghĩa Phật Tánh như thế nào ?” 

Tổ Ấp đáp : “Tôi sẽ nói một ví dụ cho ông : giống như cái nhà có sáu cửa sổ, trong ấy có nhốt một con khỉ lớn, ở ngoài có con khỉ lớn kêu rằng : “Đười ươi”, thì con ở trong liền ứng đáp. Y vậy, cả sáu cửa đồng kêu vang, đồng ứng đáp”. 

Ngài Ngưỡng Sơn(82) lễ tạ rồi đứng lên thưa rằng : “Nhờ ơn Hòa Thượng thí dụ, không gì chẳng rõ. Lại còn có một sự : nếu con khỉ ở trong mê ngủ, con khỉ lớn ở ngoài muốn cùng gặp nhau, thì làm sao ?”

Tổ Ấp bước xuống khỏi chỗ ngồi, nắm tay Ngài Ngưỡng Sơn nhảy múa mà nói : “Đười ươi cùng ông gặp nhau rồi đó. Ví như con tò vò làm tổ trên lông nheo con muỗi, hướng về ngã tư đường mà hô hoán rằng : “Đất rộng người thưa, tương phùng ấy ít”.

Tổ Vân Cư(83) Tích nói rằng : “Khi ấy mà Trung Ấp không được một lời nói ấy của Ngưỡng Sơn, thì làm gì có Trung Ấp !”

Tổ Trung Thọ Trù nói : “Có người nào định được đạo lý này chăng ? Nếu định chẳng được thì chỉ là kẻ bắt tay chơn của tinh hồn làm trò hý lộng. Nghĩa Phật Tánh ở tại chỗ nào ?”

Thiền sư Huyền Giác(84) nói : “Nếu chẳng phải là Ngưỡng Sơn, làm sao được thấy Trung Ấp. Hãy nói đâu là chỗ Ngưỡng Sơn được gặp Trung Ấp ?”

Tổ Thiên Đồng tụng rằng :

Nhà tuyết ngũ vùi năm sắp hết
Cửa rêu đêm chẳng mở, thâm u
Vườn rừng khô lạnh xem biến đổi
Gió xuân thổi dậy luật Đồng Khôi(85).

Bài tụng này rõ ràng ca ngợi chỗ ngủ của Ngài Ngưỡng Sơn, chẳng đọa vào sự khô chết. Đó tức là chỗ Ngài Trung Ấp và Ngưỡng Sơn gặp nhau, quả là cái cảnh giới Một, Sáu điều tiêu, nhưng cái chuyện “Vườn rừng biến thái như luật Đồng Khôi” với lại “Tay chân tinh hồn” thì khác nhau biết bao !

Xem mục lục