C. THU TƯỞNG ẤM
Kinh : “Anan, ví như có người khi nghe nói đến trái mơ chua thì trong miệng chảy nước miếng. Khi nghĩ đến đứng trên vực núi thì lòng bàn chân thấy rợn rợn. Nên biết Tưởng Ấm lại cũng như vậy.
“Anan, câu chuyện mơ chua như thế chẳng từ trái mơ mà sanh ra, chẳng phải do cái miệng mà vào. Thật vậy, Anan, nếu do quả mơ sanh ra thì trái mơ tự nói lấy, nào phải chờ đến người nói ? Nếu do cái miệng mà vào thì cái miệng tự nghe lấy, cần gì đến lỗ tai ! Nếu chỉ có lỗ tai nghe, thì nước miếng kia sao không từ lỗ tai chảy ra ! Chuyện nghĩ đến đang đứng trên vực núi lại cũng như vậy.
“Vậy, nên biết rằng : Tưởng Ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên.
Thông rằng : Tư tưởng vốn không có thật tướng, do tâm mà thành có tướng, nên gọi là Tưởng. Nghĩ tưởng đến trái mơ chua thì chảy nước miếng. Nghĩ tưởng đến vực cao thì cảm thấy lòng bàn chân rợn rợn. Trái mơ nào có miệng, chỉ có nói đến thôi, thì nước miếng do đâu mà tới ? Nên có là do Tưởng vậy. Lại nữa, trong mộng mà nói đến trái mơ chua, người nói chẳng phải là người thật, cái Nghe lại chẳng phải lỗ tai, thì nước miếng do đâu mà tới, đó là kết quả của Tưởng vậy. Nếu cái Tưởng này là tánh Nhân Duyên thì chắc là không thể ngoài trái mơ chua và miệng mà có. Nay việc nói chẳng phải là từ quả mơ, việc nghe chẳng do miệng, lỗ tai lại chẳng chảy nước miếng, mà trong miệng lại có nước sanh ra, thì rõ ràng không phải là Nhân Duyên.
Nếu cái Tưởng này là tánh Tự Nhiên, thì khi nói trái mơ chua lẽ ra lòng bàn chân phải thấy rờn rợn, nói đứng trên vực thẳm thì lẽ ra nước miếng chảy ra. Mà nay mỗi thứ đều tùy theo chủng tử, tập khí, chẳng phải không lý do mà tự nhiên có, nên rõ ràng là không phải Tự Nhiên.
Chẳng phải là Nhân Duyên, chẳng phải là Tự Nhiên, ngay đang lúc Tưởng, tức là Vô Tưởng, Như Như, một Tánh Nhiệm Mầu vậy.
Có một vị đạo sĩ hỏi Tổ Vạn Tùng : “Kẻ đệ tử này hơn ba mươi năm trừ dẹp vọng tâm mà không xong !”
Tổ Tùng nói : “Tôi có bốn câu hỏi đưa ra để tỏ cái Toàn Chân :
“Câu hỏi thứ nhất : Vọng tâm đã có từ lâu mau rồi ?
“Câu hỏi thứ hai : Xưa nay vốn có Vọng Tâm không ?
“Câu hỏi thứ ba : Vọng tâm làm sao mà đoạn ?
“Câu hỏi thứ tư : “Vọng tâm đoạn là phải hay không đoạn là phải ?”
Vị tăng lạy tạ rồi đi.
Ngài Hoàng Sơn Triệu Văn Nhụ thân cận Viên Thông quốc sư, từng có bài tụng :
“Vọng tưởng xưa nay vốn là Chân
Khi trừ lại dấy một lớp trần
Nói, suy, động, tĩnh nhờ gì đó ?
Kỹ lưỡng mà xem, ai khác đâu”.
(Vọng Tưởng nguyên lai bổn tự Chơn
Trừ thời hựu khởi nhất trùng trần
Ngôn, tư, động, tĩnh thừa thùy lực
Từ tế khán lai vô biệt nhơn).
Thuở Phật còn tại thế, có ba người anh em nghe ở nước Tỳ Da Ly có người dâm nữ tên là Am La Bà Li. Lại nghe ở nước Xá Vệ có người dâm nữ là Tu Mạn Na, lại nghe ở thành Vương Xá có người dâm nữ tên là Ưu Bát La Bàn Na. Tất cả đều tuyệt sắc. Ngày đêm nhớ nghĩ, mới mộng thấy cùng các nàng đó ân ái. Đến khi tỉnh dậy, nhớ lại mới nghĩ rằng : “Người nữ chẳng tới, ta cũng không đi, mà chuyện dâm đã thành đầy đủ”.
Nhân đó mà tỏ ngộ tất cả các pháp đều như thế cả, do đó đốn chứng Duy Tâm.
Ôi ! Như ba người ấy đáng gọi là tỏ suốt được sự hư vọng của Tưởng Ấm. Đốn chứng Duy Tâm chẳng phải là đã thấy Tánh Diệu Chân Như sao ?