Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phần này chia làm 3 tiết: tiết 1 lời khích lệ tổng quát, tiết 2 minh định giáo lý căn bản, tiêt 3 những lời giáo huấn cuối cùng.

I. Khích Lệ Tổng Quát.

Từ “các thầy tỳ kheo, đối với mọi thứ công đức...không phải lỗi của người dẫn đường": Kinh văn dạy: “Các thầy tỳ kheo đối với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù”. Mọi thứ công đức là tất cả những công hạnh được đề cập từ đầøu kinh cho đến cuối kinh, tất cả những công hạnh đó đều gom vào trong tam vô lậu học: Giới, Ðịnh và Tuệ. Những gì đức Phật dạy, ngài khuyến khích hãy nỗ lực hành trì đừng để thời gian trống rỗng và đừng để cho tâm phóng túng có cơ hội khởi lên, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, tâm lý được bảo bọc bởi chánh pháp sẽ được an ổn và thanh tịnh. Những lời nhắc nhở cuối cùng của Ðức Phật không nhằm để tôn vinh vai trò đạo sư, cũng không xuất phát từ động cơ phát triển tôn giáo hay chủ thuyết của mình, mà chỉ vì lòng đại bi thương yêu chúng sinh, thương yêu đệ tử muốn cho họ được sớm thành tựu giải thoát. Mặt khác lời nhắc nhở không phải là lời răn dạy của một vị thầy khó tính,muốn tạo một áp lực tâm lý để gây ấn tượng cho tương lai, Ðức Phật như người cha thương con, trước bước đường chia ly mong con hiểu và đi đúng con đường mà cha đã đi, vì lợi ích chính người con. Kinh văn dạy: “thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh, các con chỉ có nỗ lực thực hành”.

Thực hành bằng cách nào? Và bắt đầu từ đâu? Ðức Phật dạy: “Hoặc trong núi rừng, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các thầy hãy ở một cách thư thái trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất”. Lời dạy này của Ðức Phật tương ứng với lời dạy trong kinh tạng Pàli và Ahàm: “lựa một chỗ thanh vắng tịch mịch như núi rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy ngồi kiết già lưng thẳng, an trú niệm trước mặt" (Tượng Tích Tiểu Dụ kinh, TBK). Vấn đề lựa chọn nơi chốn tu tập, một vài vấn đề cần đặt ra:

1. Nếu một người mới vào đạo, chưa thuần thục trong giáo pháp, chua thọ giới và chưa hành trì giới luật một cách đầy đủ thuần thục , như vậy đức hạnh chưa thành tựu, mà vội vàng tìm kiếm nơi vắng vẻ để tu niệm là một điều sai lầm nguy hiểm, vì lẽ tu tập thiền quán phải dựa trên cơ sở thành tựu giới học.

2. Chọn nơi thanh vắng, tránh các ngoại duyên để chuyên tâm thiền quán là hợp lý. Người xuất gia sống ở thành phố, hoặc ở gần nơi ồn ào náo nhiệt, sống với công việc, tranh đấu, rất khó tu tập. Tuy nhiên nếu biết sắp xếp công việc, tìm nơi yên tĩnh như một căn phòng nhỏ ở trên lầu chẳng hạn, vẫn có thể tu tập tốt mà không cần phải tìm chốn hoang vu.

Phương pháp tu tập là “nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận”. Nghĩa là có chánh niệm, thường quán chiếu các đối tượng thân thể, cảm giác, tâm tư và giáo pháp; hoặc quán sát tu tập 37 phẩm trợ đạo...điều quan trọng là đừng để quên mất”, tức là tu không gián đọan, thường niệm chánh pháp. Có chánh pháp, nhớ chánh pháp và hành trì chánh pháp thì cuộc đời sẽ không trôi qua một cách vô ích, khỏi hối tiếc về sau.

Ðức Phật như vị lương y, giáo pháp như thuốc chữa bệnh, có lương y có thuốc, mà bệnh nhân không uống thì bệnh vẫn không lành, lỗi không phải do thầy thuốc mà do chính người bệnh, vì vậy Ðức Phật dạy: “Như Lai như vị lương y biết bệnh và chỉ thuốc, còn uống hay không không phải là lỗi của lương y”. Trong các kinh cũng thường gọi Ðức Phật là đại y vương. Thí dụ Ðức Phật như vị lương y rất thân thiết với đời sống con người vốn nhiều bệnh tật. Thí dụ Ðức Phật như người dẫn đường cũng rất chính xác, kinh văn Phật dạy tiếp: “Lại như người dẫn đưòng rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi thì không phải lỗi của người dẫn đường”. Lời giáo huấn rất thiết tha và nhân bản, con người là chủ nhân của chính mình, có thể tạo cho mình đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Ðức Phật không phải là một vị thần linh hay thượng đế có quyền năng ban phúc hay giáng họa, hay ban cho mình sự giác ngộ. Tương tự Ðức Phật đã dạy trong Trung Bộ kinh khi Bà la môn Ganaka Moggallana hỏi: “Do nhân duyên gì mà trong khi có sẵn Niết bàn, có bậc đạo sư dẫn dắt mà có người chứng quả có người không chứng qủa? “. Ðức Phật lấy ví dụ thành Vương Xá, có con đường đi đến thành, có người chỉ đường rành rẽ. Vậy mà có người đi lầm lạc, có người đi đến đích. Niết bàn cũng vậy, Như Lai chỉ là người chỉ đường đi đến Niết bàn (K.Ganaka Moggallana, TBK I)

Lời khích lệ của Ðức Phật đối với đệ tử rất thiết tha rõ ràng và hợp lý. Giáo pháp đã được dạy cần phải hành trì, đời sống ngắn ngủi đừng để trôi qua một cách vô ích. Phải tự mình nỗ lực tiến lên đừng ỷ lại vào ai, ngay cả chính Ðức Phật, vì Ðức Phật chỉ là người chỉ đường.

II. Minh Ðịnh Giáo Lý Căn Bản

Từ “Các thầy tỳ kheo đối với 4 chân lý...không còn hoài nghi gì nữa": Kinh văn Phật dạy: “Các thầy tỳ kheo đối với 4 chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp”. Vấn đề nêu ra là Tứ diệu đế, trong kinh Du Hành (Trường Ahàm) cũng có đoạn tương tự: “này các tỳ kheo, các ông đối với Phật, Pháp, chúng Tăng và chánh đạo có gì nghi ngờ nữa không? Ai nghi thì mau hỏi đi cho kịp thời, để sau này khỏi ăn năn, giờ đây ta vẫn còn mà giải quyết cho”.

Giáo lý tứ diệu đế được Ðức Phật coi là căn bản nhất, cốt lõi nhất trong toàn bộ giáo lý đã dạy, vì vậy ngài chú trọng đến một cách đặc biệt. Giáo lý tứ đế này bao trùm hệ thống giáo lý Phật giáo, đúng như lời nhận xét của ngài Xá Lợi Phất: “Chư hiền giả, ví như tất cả đấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứù Thánh Ðế" (Tượng Tích Ðại Dụ kinh). Vì tứ diệu đế là căn bản nên sự hiểu biết về tứ diệu đế rất quan trọng, liên quan đến pháp môn tu tập và tiến trình giải thoát. Vì vậy Ðức Phật lặp lại, nhấn mạnh để xác định tầm quan trọng của giáo lý tứ đế, mặt khác giải quyết mhững gì còn hoài nghi, chưa rõ, tạo một niểm tin vững chắc đối với 4 chân lý này. Thượng tọa Chơn Thiện trong “Phật học khái luận" cũng nhấn mạnh: “Người học phật phải ý thức sâu xa rằng Tứ Thánh Ðế chẳng những chỉ là giáo lý nền tảng mà là nền tảng nhất của các giáo lý nền tảng về mặt tôn chỉ" (PHKL T.206)

Ðức Phật hỏi 3 lần, không ai còn hoài nghi gì nữa, ngài A Nậu Lâu Ðà xác định 4 chân lý sự thật là chân lý, không thể khác được, với những ví dụ sinh động: “Mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng 4 chân lý mà Ðức Thế Tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được”. Ðiều đó nói lên sự hoàn hảo về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn của 4 chân lý.

Tác dụng và hiệu quả của 4 chân lý đã đem lại niềm tin cho các đệ tử, vì vậy không có gì phải hoài nghi về 4 chân lý ấy. Suốt trong 45 năm hoằng pháp độ sinh giáo lý ấy đã được cọ xát, thử thách ở nhiều góc độ khác nhau. Chân lý bao giờ cũng là chân lý.

III. Những Lời Giáo Huấn Cuối Cùng.

Từ “Chư tăng lúc bấy giờ... những lời giáo huấn tối hậu của Như Lai": Những lời giáo huấn cuối cùng của phần này chia làm 3 phần:

1) Ðối với những đệ tử hữu học, khi thấy Ðức Thế Tôn sắp diệt độ thì xúc động, than thở bi cảm, Ðức Thế Tôn an ủi rằng:

a- Sự có mặt của Ðức Phật ở cõi đời này nếu kéo dài thêm nữa cũng phải đến lúc ra đi: “nếu Như Lai còn ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa thì sự kết hợp nào rồi cũng phải tan rã”.

b- Những gì cần làm thì đức Như Lai đã làm xong, sứ mệnh độ sinh đã hoàn tất, sống thêm ở đời cũng không lợi ích gì nữa: “Chánh pháp tự lợi, lợi tha đã có đầy đủ. Như Lai sống cho lâu cũng không còn lợi ích gì nữa”.

c- Các đệ tử hãy nỗ lực tu tập, hành trì dù Ðức Phật của thân xác không còn nhưng Ðức Phật pháp thân thì vẫn thường trú bất diệt: “Từ nay về sau đệ tử của Như Lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường trú bất diệt”.

2) Ðức Phật giáo huấn về sự vô thường của thế giới và con người: “Các thầy tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường , có kết hợp thì có tan rã”. Giáo huấn về sự vô thường của cuộc đời để khích lệ tinh thần thoát ly, đừng bám víu vào cuộc đời. Nhìn sự vô thường của cuộc đời, có hai thái độ xảy ra, một là vì cuộc đời là vô thường nên tận dụng cơ hội để tu tập không để cho thời gian trôi qua một cách trống rỗng. Hai là vì cuộc đời là vô thường nên vội vã hưởng thụ, sống buông thả không có trách nhiệm gì, thái độ thứ hai này là của hạng phàm phu không biết thánh đạo, không xu hướng thánh đạo. Ðức Phật dạy cho hạng người thứ nhất: “Cuộc đời (vô thường) như thế, nên các thầy phải nỗ lực tinh tấn để sớm cầu tự độ đem ánh sáng trí tuệ để diệt trừ hắc ám vô minh”.

Về sự vô thường của thân thể, đức Phật dạy: “Như Lai diệt độ thì cũng như trừ được cơn bệnh khủng khiếp. Ðây là một vật tội ác và đáng bỏ, giả hiện là thân thể mà lại chìm ngập trong biển già, bệnh, sống chết" thân thể là vô thường, nếu không tu tập thì chính nó sinh nhiều tội lỗi, đối với bậc đã đắc đạo , thân thể vẫn là một gánh nặng sau cùng, vì sinh lý vật lý vẫn có những quy luật của nó.

3) Ðức Phật nhấn mạnh một lần nữa và đây là lời dạy sau cùng về bản chất của vũ trụ nhân sinh:"Hãy thường nhất tâm, nỗ lực ân cầu giải thoát. Toàn thể vũ trụ dầu pháp biến động hay không biến động đều là trạng thái bất an và tan rã”. Ngài tuyên bố đây là giáo huấn tối hậu của Như Lai. Biến động và không biến động là tất cả trạng thái động và tĩnh của thế gian, cũng có nghĩa tất cả pháp hữu vi. Lời dạy cuối cùng này cũng phù hợp với lời dạy cuối cùng trong kinh trường Ahàm: “Tất cả vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Ðức Như Lai “(kinh du hành).

Lời cuối cùng thoát lên một ánh chớp trí tuệ, khái quát bản chất đích thực của đời sống, cũng như ánh chớp loé lên của lưỡi kiếm trí tuệ chặt đứt mọi chấp thủ, mọi bám víu, mọi ảo tưởng về cuộc đời

Xem mục lục