Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

XXVI. PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

04

 

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ngài thường nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nương vào nghĩa nào được gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì có khả năng đạt đến bờ giác, là cứu cánh của tất cả pháp, nương vào nghĩa này gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Do tất cả Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa này để đạt đến bờ giác, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì nương theo lý thắng nghĩa phân tích các pháp nên không có chút sở đắc nào, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì bao trùm tất cả chơn như, pháp giới, pháp tánh, nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì không có pháp nhỏ nào mà nó tương ưng hoặc chẳng tương ưng, hoặc có sắc hoặc không sắc, hoặc có thấy hoặc không thấy, hoặc có đối hoặc không đối, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, không sắc, không thấy, không đối, một tướng gọi là vô tướng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa này có khả năng sanh tất cả pháp lành thù thắng, sanh tất cả trí tuệ biện tài, đưa đến các quả vui thế gian và xuất thế gian, chiếu soi tất cả nghĩa lý sâu xa, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Do nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa này chắc thật, không lay động, không hư hoại, nương nghĩa này nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì tất cả ác ma và quyến thuộc của ma, hàng Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo Phạm chí, bạn ác, oán thù đều không thể phá hoại được. Vì sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nói tự tướng tất cả pháp là Không, nên các ác ma không thể làm gì được.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát nên theo nghĩa chơn thật này mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tức là tự tướng tất cả pháp đều Không, nên tất cả ác duyên không làm lay động, không hư hoại.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Vì muốn hành nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nên các Đại Bồ-tát đem vô sở đắc làm phương tiện để thực hành các nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã; cũng hành các nghĩa khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, các nghĩa pháp trí, loại trí, thế tục trí, tha tâm trí, tận trí, vô sanh trí, như thuyết trí.

Như vậy, này Thiện Hiện! Vì hành nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nghĩa và phi nghĩa đều bất khả đắc. Đại Bồ-tát hành nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vì hành nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên các Đại Bồ-tát phải suy nghĩ: Ta chẳng nên hành tham dục phi nghĩa, chẳng nên hành sân hận phi nghĩa, chẳng nên hành ngu si phi nghĩa, chẳng nên hành kiêu mạn phi nghĩa, chẳng nên hành tà kiến phi nghĩa, cho đến chẳng nên hành tất cả kiến thú phi nghĩa. Cũng chẳng nên hành tham dục, sân hận, ngu si, kiêu mạn, tà kiến, kiến thú và các pháp nghĩa khác.

Vì sao? Vì chơn như, thật tế của tham, sân, si v.v… không cùng các pháp là nghĩa hay phi nghĩa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Vì hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nghĩa lý sâu xa nên các Đại Bồ-tát phải suy nghĩ: Ta chẳng nên hành nghĩa, phi nghĩa của sắc; chẳng nên hành nghĩa, phi nghĩa của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến chẳng nên hành nghĩa, phi nghĩa của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; chẳng nên hành nghĩa, phi nghĩa của trí nhất thiết trí.

Vì sao? Vì khi ta đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tìm nghĩa, phi nghĩa của tất cả pháp đều bất khả đắc.

Thiện Hiện nên biết! Nếu chư Phật ra đời hoặc chẳng ra đời, thì các pháp, pháp giới, pháp trụ, pháp định, vốn vẫn thường trụ, không có pháp đối với pháp là nghĩa hay phi nghĩa.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên lìa sự chấp trước nghĩa, phi nghĩa để hành nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không cùng với các pháp là nghĩa hay phi nghĩa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đối với các pháp hữu vi, vô vi đều không có làm, chẳng ơn, chẳng oán, không ích, không tổn. Vì lý do này nên không cùng các pháp là nghĩa hay phi nghĩa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải chư Phật, hàng đệ tử và tất cả Hiền Thánh đều lấy vô vi làm hướng đến hay không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Tất cả Hiền Thánh đều lấy vô vi làm nơi hướng đến. Nhưng pháp vô vi ấy không cùng với các pháp làm lợi ích hay tổn hại. Ví như hư không, chơn như, thật tế không cùng các pháp làm lợi ích hay tổn hại. Các pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, không cùng các pháp làm lợi ích hay tổn hại. Cho nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa không cùng các pháp là nghĩa hay phi nghĩa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải các Đại Bồ-tát cần học Bát-nhã ba-la-mật-đa vô vi mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Các Đại Bồ-tát không cần phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vô vi mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, đem pháp không hai làm phương tiện.

Thiện hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Có phải nhờ vào pháp không hai để được pháp không hai không?

Phật dạy:

- Không.

Thiện hiện thưa:

- Vậy thì nhờ vào hai pháp có được pháp không hai không?

Phật dạy:

- Không.

Thiện hiện thưa:

- Nếu không hai pháp, không nhờ hai pháp, đắc pháp không hai, thì các Đại Bồ-tát làm sao đạt được trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Pháp hai hay không hai đều bất khả đắc. Vì vậy, sở đắc trí nhất thiết trí chẳng nhờ vào hai pháp để được pháp không hai. Nhưng pháp vô sở đắc có khả năng đạt vô sở đắc.

Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và trí nhất thiết trí đều bất khả đắc, không đắc mà đắc mới gọi là thật đắc.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là sâu xa, các Đại Bồ-tát có thể làm việc khó làm như: Đối với hữu tình bất khả đắc này và sự hoạt động của hữu tình bất khả đắc, vì hữu tình mà cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ví như có người trồng cây giữa hư không là việc rất khó. Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với hữu tình bất khả đắc và sự hoạt động của hữu tình bất khả đắc, vì hữu tình mà cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là việc rất khó.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất sâu xa. Các Đại Bồ-tát có thể làm việc khó làm như: Đối với hữu tình bất khả đắc này và sự hoạt động của hữu tình bất khả đắc, vì hữu tình mà cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát mặc dù không thấy có thật hữu tình và sự hoạt động chơn thật của họ. Nhưng các hữu tình ngu si điên đảo chấp là thật có, trầm luân sanh tử, chịu khổ vô cùng. Vì sự cứu độ họ nên các Bồ-tát cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Được Bồ-đề rồi dùng phương tiện thiện xảo để độ thoát họ. Ví như có người trồng cây chỗ đất tốt, mặc dù người ấy không biết gốc, thân, nhánh, lá, hoa, quả của cây này ai sẽ hưởng. Khi trồng cây rồi, tùy thời tiết, người ấy siêng năng tưới bón, chăm sóc, giữ gìn. Về sau thân cây này to lớn, gốc, thân, nhánh, lá, hoa quả sum suê, được nhiều người dùng đến, chữa lành bệnh, được an vui. Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, mặc dù không thấy có quả vị Phật, có hữu tình, nhưng vì hữu tình nên cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, lần lần tu hành sáu pháp đạt đến bờ giác và vô lượng pháp phần Bồ-đề khác. Đã viên mãn rồi mới chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khiến hữu tình thọ dụng nhánh, lá, hoa, quả ở cây Phật đều được lợi ích.

Thiện Hiện nên biết! Sự lợi ích của nhánh lá có nghĩa là các hữu tình nương cây Phật này để được thoát khổ cảnh giới ác thú.

Sự lợi ích của hoa nghĩa là các hữu tình nương cây Phật này, được sanh vào dòng đại tộc Sát-đế-lợi, cho đến sanh vào đại tộc Cư sĩ, hoặc sanh vào cõi trời Tứ thiên vương, cho đến sanh vào cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Sự lợi ích của quả nghĩa là các hữu tình nương cây Phật này chứng được quả Dự lưu cho đến quả Độc giác Bồ-đề, hoặc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Các hữu tình này được Bồ-đề rồi lại dùng nhánh, lá, hoa, quả, cây Phật làm lợi ích cho loài hữu tình khác, khiến họ cũng thoát khỏi ác thú, được vui nơi cõi trời, người, lần lần an trụ trong ba thừa, vào cõi Niết-bàn.

Thiện Hiện nên biết! Mặc dù các Đại Bồ-tát làm việc lợi ích lớn như vậy, nhưng không thấy có thật hữu tình được Niết-bàn, chỉ thấy sự dứt bặt các khổ vọng tưởng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với hữu tình bất khả đắc và sự hoạt động của họ, nhưng để trừ vọng tưởng điên đảo này mà cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do nhân duyên này nên nói các ngài làm việc rất khó nhọc.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát nên biết đúng như Phật. Vì sao? Vì nhờ các Đại Bồ-tát này mới đoạn trừ vĩnh viễn các nỗi khổ trong cảnh giới địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, cũng có thể đoạn trừ vĩnh viễn nỗi khổ không an ổn, bần cùng, hèn kém trong ba cõi.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Các Đại Bồ-tát phải biết như Phật, nếu thế gian này không có chúng Bồ-tát hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì không có ba đời mười phương chư Phật, cũng không có Độc giác và các Thanh văn, không thể đoạn trừ vĩnh viễn các nỗi khổ trong địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, không an ổn, bần cùng, hèn kém trong ba cõi.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Đúng như lời ông đã nói. Các Đại Bồ-tát phải biết như Phật.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Ông nên biết, các Đại Bồ-tát tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Vì sao? Vì nếu do chơn như này tạo ra Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thì do chơn như này tạo ra Độc giác.

Nếu do chơn như này tạo ra Độc giác thì do chơn như này tạo ra Thanh văn.

Nếu do chơn như này tạo ra Thanh văn thì do chơn như này tạo ra tất cả Hiền Thánh.

Nếu do chơn như này tạo ra tất cả Hiền Thánh thì do chơn như này hoạt động sắc uẩn.

Nếu do chơn như này tạo ra sắc uẩn thì do chơn như này tạo ra thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Nếu do chơn như này tạo ra thọ, tưởng, hành, thức uẩn thì do chơn như này tạo ra nhãn xứ.

Nếu do chơn như này tạo ra nhãn xứ thì do chơn như này tạo ra nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.

Cứ lần lượt như vậy, cho đến nếu do chơn như này tạo ra quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật thì do chơn như này tạo ra trí nhất thiết trí.

Nếu do chơn như này tạo ra trí nhất thiết trí thì do chơn như này tạo ra cảnh giới hữu vi.

Nếu do chơn như này tạo ra cảnh giới hữu vi thì do chơn như này tạo ra cảnh giới vô vi.

Nếu do chơn như này tạo ra cảnh giới vô vi thì do chơn như này tạo ra tất cả pháp.

Nếu do chơn như này tạo ra tất cả pháp thì do chơn như này tạo ra tất cả hữu tình.

Nếu do chơn như này tạo ra tất cả hữu tình thì do chơn như này tạo ra tất cả Đại Bồ-tát.

Như vậy, này Thiện Hiện! Hoặc là chơn như của Như Lai, chơn như của Độc giác, chơn như của Thanh văn, chơn như của tất cả Hiền Thánh, chơn như của tất cả các sắc, chơn như của các pháp, chơn như của hữu tình, chơn như của tất cả Đại Bồ-tát, chơn như ấy như thật, đều không sai khác. Do không khác nên gọi là chơn như.

Đối với chơn như đây, các Đại Bồ-tát tu học viên mãn, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Ông nên biết, chúng Đại Bồ-tát tức là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, vì tất cả hữu tình đều lấy chơn như làm định lượng vậy.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát cần nên học chơn như Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này. Nếu các Đại Bồ-tát ấy học chơn như Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì có thể học chơn như tất cả pháp. Nếu có thể học được chơn như tất cả pháp thì có thể viên mãn chơn như của tất cả pháp. Nếu có thể viên mãn chơn như của tất cả pháp, thì đối với chơn như của tất cả pháp được tự tại. Nếu đối với chơn như của tất cả pháp được tự tại, thì có thể khéo biết căn tánh hơn kém của tất cả hữu tình. Nếu có thể khéo biết căn tánh hơn kém của tất cả hữu tình, thì có thể xét biết rõ một cách đúng đắn sai khác của tất cả hữu tình. Nếu có thể xét biết rõ một cách đúng đắn sai khác của tất cả hữu tình, thì biết rõ sự tạo nghiệp và thọ quả báo của tất cả hữu tình. Nếu biết tất cả sự tạo nghiệp và thọ quả báo của hữu tình, thì viên mãn nguyện và trí. Nếu viên mãn nguyện và trí, thì có thể tịnh tu Diệu trí trong ba đời. Nếu có thể tịnh tu Diệu trí trong ba đời, thì có thể viên mãn trí nhất thiết trí. Nếu có thể viên mãn trí nhất thiết trí, thì có thể hành hạnh Bồ-tát không điên đảo. Nếu có thể hành hạnh Bồ-tát không điên đảo, thì có thể thành thục hữu tình. Nếu có thể thành thục hữu tình, thì có thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Nếu có thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thì có thể chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã mong cầu. Nếu có thể chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã mong cầu, thì có thể chuyển bánh xe diệu pháp như thật. Nếu có thể chuyển bánh xe diệu pháp như thật, thì có thể an trụ chúng sanh vào đạo ba thừa một cách chắc chắn. Nếu có thể an trụ chúng sanh vào đạo ba thừa một cách chắc chắn, thì mới có thể dẫn dắt chúng sanh vào cõi Vô dư y bát Niết-bàn.

Như vậy, này Thiện Hiện! Vì thấy tất cả công đức tự lợi, lợi tha như vậy, nên các Đại Bồ-tát mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nỗ lực dõng mãnh không thối chuyển để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn làm lợi ích cho các hữu tình, có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đúng như pháp, thì được thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... đều lễ kính.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Nếu các Đại Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu hành đúng như pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thì được thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... đều cung kính, cúng dường.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát khắp vì tất cả hữu tình làm những việc lợi ích, có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì được bao nhiêu phước?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát này được phước vô lượng, không thể tính đếm hay thí dụ được.

Thiện Hiện nên biết! Giả sử tất cả hữu tình đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới Phật, đều hướng đến địa vị Thanh văn, Độc giác. Ý ông thế nào? Các hữu tình này phước đức có nhiều không?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Họ được phước vô lượng, vô biên.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Phước đức của họ đạt được so với phước đức của một vị Bồ-tát đạt được do phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, mà ông đã hỏi thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến trăm ngàn, triệu ức phần cũng không bằng một. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, Độc giác đều nương vào các Đại Bồ-tát mà có, chẳng phải Đại Bồ-tát nương Thanh văn, Độc giác mà có.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Hãy tạm gác lại việc phước đức đạt được của tất cả hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới do hướng đến bậc Thanh văn, Độc giác, giả sử tất cả hữu tình đầy trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ Tịnh quán địa. Ý ông thế nào? Các hữu tình này phước đức có nhiều không?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Họ được phước vô lượng, vô biên.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Phước đức của họ đạt được so với phước đức của một Đại Bồ-tát đạt được do phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, theo lời ông hỏi thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến cũng trăm ngàn, triệu ức phần không bằng một. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, Độc giác đều nương vào các Đại Bồ-tát mà có, chẳng phải Đại Bồ-tát nương Thanh văn, Độc giác mà có.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Hãy tạm gác việc phước đức đạt được của tất cả hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ Tịnh quán địa, giả sử tất cả hữu tình đầy trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ Chủng tánh địa, hoặc Đệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Độc giác địa. Ý ông thế nào? Các hữu tình này phước đức có nhiều không?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Họ được phước vô lượng, vô biên.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Phước đức của họ so với phước đức của một Đại Bồ-tát đạt được do phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, theo lời ông hỏi thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến trăm ngàn, triệu ức phần không bằng một. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, Độc giác đều nương vào các Đại Bồ-tát mà có, chẳng phải Đại Bồ-tát nương Thanh văn, Độc giác mà có.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới Phật, đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình. Phước đức của chúng Đại Bồ-tát này đạt được so với phước đức của một vị Đại Bồ-tát trụ vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến trăm ngàn, triệu ức phần không bằng một.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới Phật, đều trụ Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Phước đức của chúng Đại Bồ-tát này đạt được so với phước đức của một Đại Bồ-tát do hướng đến Bồ-đề thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến trăm ngàn, triệu ức phần không bằng một.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới Phật, đều hướng đến Bồ-đề. Phước đức của chúng Đại Bồ-tát này đạt được so với phước đức của một Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến trăm ngàn, triệu ức phần không bằng một.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải tư duy pháp gì?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thường chánh tư duy về trí nhất thiết tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trí nhất thiết tướng lấy gì làm tánh? Duyên vào đâu? Tăng thượng gì? Hành tướng gì? Có tướng gì?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Trí nhất thiết tướng lấy vô tánh làm tánh, không tướng, không nhân, không chỗ cảnh giác, không sanh, không hiện.

Lại nữa, câu hỏi của ông về trí nhất thiết tướng duyên vào đâu, tăng thượng gì, hành tướng gì, có tướng gì? Thiện Hiện nên biết! Trí nhất thiết tướng lấy vô tánh làm chỗ duyên, lấy chánh niệm làm tăng thượng, lấy vắng lặng làm hành tướng, lấy vô tướng làm tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ riêng trí nhất thiết tướng lấy vô tánh làm tánh, hay là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy vô tánh làm tánh?

Nói rộng cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng lấy vô tánh làm tánh, hay cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng lấy vô tánh làm tánh?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Chẳng những trí nhất thiết tướng lấy vô tánh làm tánh, mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy vô tánh làm tánh. Cho đến cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng lấy vô tánh làm tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì lý do nào mà trí nhất thiết tướng lấy vô tánh làm tánh? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy vô tánh làm tánh, cho đến cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng lấy vô tánh làm tánh?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Do trí nhất thiết tướng không có tự tánh, pháp nào không có tự tánh thì pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng không có tự tánh. Pháp nào không có tự tánh thì pháp ấy lấy vô tánh làm tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì lý do nào trí nhất thiết tướng không có tự tánh. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng không có tự tánh?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Do trí nhất thiết tướng không có tự tánh hòa hợp. Nếu pháp không có tự tánh hòa hợp, thì pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến cảnh giới hữu vi và cảnh giới vô vi cũng không có tự tánh hòa hợp. Nếu pháp không có tự tánh hòa hợp, thì pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Vì lý do này nên các Đại Bồ-tát biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy không, vô tướng, vô nguyện làm tự tánh. Vì lý do này nên các Đại Bồ-tát biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy chơn như làm tự tánh, nói rộng cho đến lấy cảnh giới bất tư nghì làm tự tánh. Vì lý do này nên các Đại Bồ-tát biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp ấy đều vô tánh thì các Đại Bồ-tát mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, được thành tựu những phương tiện thiện xảo nào mà có thể hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật? Nói rộng cho đến thành tựu những phương tiện thiện xảo nào mà có thể thực hành trí nhất thiết trí, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này được thành tựu phương tiện thiện xảo vi diệu, mặc dù biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, nhưng vẫn tinh tấn thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Tuy tinh tấn thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, nhưng vẫn thông suốt tất cả hữu tình, các cõi Phật và đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này mặc dù hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, học đạo Bồ-đề, nhưng vẫn biết được bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, đạo Bồ-đề này đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Nói rộng cho đến tuy hành trí nhất thiết trí, học đạo Bồ-đề, nhưng vẫn biết trí nhất thiết trí và đạo Bồ-đề đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này tu sáu độ đạt đến bờ giác, học đạo Bồ-đề như vậy, nói rộng cho đến tu hành trí nhất thiết trí, học đạo Bồ-đề như vậy, nhưng nếu chưa thành tựu mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên các pháp khác của Phật, thì gọi là học đạo Bồ-đề chưa viên mãn.

Nếu Đại Bồ-tát học đạo này đã được viên mãn, thì cũng viên mãn Ba-la-mật-đa. Vì pháp Ba-la-mật-đa viên mãn, nên trong một sát-na tương ưng Bát-nhã liền có thể chứng đắc trí nhất thiết tướng.

Bấy giờ, tất cả tập khí phiền não nhỏ nhặt vĩnh viễn không còn phát sanh, nên gọi: Đoạn sạch không còn gì, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Lại nữa, Bồ-tát này dùng Phật nhãn thanh tịnh vô ngại quán các pháp trong mười phương ba đời còn chẳng đắc Vô huống gì đắc Hữu.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, quán tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Này Thiện Hiện! Đây gọi là các Đại Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo vi diệu. Nghĩa là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, quán tất cả pháp còn chẳng đắc Vô huống gì đắc Hữu.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Khi tu bố thí, đối với việc bố thí, người nhận, vật thí cùng tâm Bồ-đề thì chẳng thấy không huống gì thấy có.

Đại Bồ-tát tu tịnh giới, đối với tịnh giới này, hoặc đối tượng giữ tịnh giới, kẻ trì tịnh giới, tâm giữ tịnh giới còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Đại Bồ-tát khi tu an nhẫn, đối với pháp an nhẫn này, đối tượng tu an nhẫn, người tu an nhẫn, tâm tu an nhẫn, còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Đại Bồ-tát khi tu tinh tấn, đối với sự tinh tấn này, đối tượng tu tinh tấn, người hành tinh tấn, tâm tu tinh tấn, còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Đại Bồ-tát khi tu tịnh lự, đối với pháp tịnh lự này, đối tượng tịnh lự, kẻ hành tịnh lự, tâm tu tịnh lự, còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Đại Bồ-tát khi tu Bát-nhã, đối với pháp Bát-nhã này, đối tượng tu Bát-nhã, kẻ hành Bát-nhã, tâm tu Bát-nhã, còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Nói rộng cho đến khi chứng trí nhất thiết trí, đối với trí nhất thiết trí này, hoặc người đắc được, hoặc do đây được và nơi chốn, thời gian đạt được còn chẳng thấy không huống gì thấy có.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này nghĩ: Các pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh.

Pháp vô tánh, bản tánh nó vốn như vậy, chẳng phải Phật, Thanh văn, Độc giác làm ra, cũng không có ai làm, vì tất cả pháp đều không tác giả, đều lìa tác giả.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải các pháp lìa tánh các pháp hay sao?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy!

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều lìa tánh pháp thì làm thế nào pháp lìa đó biết được pháp lìa là có hoặc không?

Vì sao? Vì pháp không không thể biết được pháp không, pháp có không thể biết pháp có, pháp không không thể biết pháp có, pháp có không thể biết pháp không. Như vậy, tất cả pháp đều lấy vô vi làm tánh thì làm thế nào Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ rõ các pháp có hoặc không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát tùy theo thế tục chỉ rõ các pháp có hoặc không, chẳng phải tùy thuộc vào thắng nghĩa.

Thiện hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế tục và thắng nghĩa có khác nhau không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ngoài thế tục không có thắng nghĩa. Vì sao? Vì chơn của thế tục tức là thắng nghĩa. Do các loài hữu tình điên đảo vọng chấp, đối với pháp chơn như này không biết, không thấy. Các Đại Bồ-tát vì lợi ích chúng sanh, tùy theo tướng của thế tục chỉ rõ các pháp có hoặc không, không dựa vào thắng nghĩa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đối với năm uẩn, các hữu tình vọng tưởng thật có, không biết nó chẳng phải thật. Còn các Đại Bồ-tát vì lợi ích chúng sanh nên chỉ rõ các uẩn hoặc có hoặc không, để chúng sanh nhân đây thấu suốt các pháp như uẩn v.v… chẳng có, chẳng không và chẳng muốn họ chấp vào thật hữu vô tướng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát này đã siêng năng tinh tấn lìa các chấp có, không, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và vì các chúng sanh đã làm những việc lợi ích to lớn.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói các hạnh Bồ-tát, các hạnh đó là gì?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Hạnh Bồ-tát nghĩa là vì cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà hành, hoặc làm những việc lợi ích cho chúng sanh. Đó gọi là hạnh Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành hạnh Bồ-tát với đối tượng nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên đối với Không của sắc hành hạnh Bồ-tát, nên đối với Không của thọ, tưởng, hành, thức hành hạnh Bồ-tát. Nói rộng cho đến đối với Không của trí nhất thiết hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của thành thục hữu tình hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của Đà-la-ni nhờ biện tài mà dẫn phát để hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của Đà-la-ni nhờ văn tự mà dẫn phát để hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của Đà-la-ni nhờ vô văn tự để ngộ nhập mà hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của cảnh giới hữu vi hành hạnh Bồ-tát; đối với Không của cảnh giới vô vi hành hạnh Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát khi tu hành hạnh Bồ-tát, như Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đối với các pháp không có hai tướng.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy gọi là bậc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì hữu tình mà hành hạnh Bồ-tát.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói Phật-đà ở khắp nơi, vậy tên Phật-đà y vào nghĩa nào để nói?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vì có thể giác ngộ nghĩa chơn thật nên gọi Phật-đà, giác ngộ được pháp chơn thật nên gọi Phật-đà. Đối với nghĩa chơn thật có thể hiểu thông suốt, có thể hiện Đẳng giác nên gọi Phật-đà. Đối với các pháp, giác ngộ hoàn toàn thật tánh của nó, tận cùng tánh của nó nên gọi là Phật-đà. Như thật khai ngộ cho tất cả hữu tình xa lìa các điên đảo nên gọi Phật-đà.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói Bồ-đề ở khắp nơi, vậy tên Bồ-đề này y vào nghĩa nào để nói?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Bồ-đề có nghĩa là Không, là chơn như, là thật tế, là pháp giới, là pháp tánh.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giả lập danh tướng, đặt bày ngôn ngữ để làm cho giác ngộ chơn thật, đưa đến tối thượng, tối diệu nên gọi Bồ-đề.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Bồ-đề là chơn thật, chẳng hư dối, chẳng biến đổi.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Bồ-đề nghĩa là không thể phá hoại, không thể phân biệt.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Giác ngộ sự thanh tịnh chơn chánh của chư Phật nên gọi Bồ-đề.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Do đây chư Phật đối với tất cả pháp, tất cả chủng tướng hiện Chánh đẳng giác nên gọi Bồ-đề.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Dựa vào giả tướng đặt bày lời nói của thế tục, không thật có nên gọi là Bồ-đề.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát vì Bồ-đề nên tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, khi tích tụ các căn lành vị ấy đối với pháp nào làm lợi ích, hoặc làm tổn hại, làm tăng hoặc giảm, sanh hoặc diệt, nhiễm hoặc tịnh?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát vì Bồ-đề nên tu sáu pháp Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, khi tích tụ các căn lành, vị ấy đối với tất cả pháp không làm lợi ích hay tổn hại, không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này vì Bồ-đề nên tu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp đem vô sở duyên làm phương tiện, nên không làm lợi ích, tổn hại, không làm tăng giảm, không làm sanh diệt, không làm nhiễm tịnh mà được hiện tiền.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì Bồ-đề nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp đem vô sở duyên làm phương tiện, chẳng làm lợi ích, tổn hại, chẳng tăng giảm, chẳng sanh diệt, chẳng nhiễm tịnh. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm thế nào để nhiếp lấy các pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, và làm thế nào nhiếp cả trí nhất thiết tướng để vượt qua bậc Thanh văn, Độc giác và bậc phàm phu, thẳng vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, tu hành Đại Bồ-tát, lần lần chứng đắc trí nhất thiết trí này?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không dựa vào hai, gìn giữ bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến không dựa vào hai cho nên lần lần sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không dựa vào hai, gìn giữ bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng không dựa vào hai, nên lần lần chứng đắc trí nhất thiết trí. Đại Bồ-tát làm thế nào từ lúc mới phát tâm cho đến cuối cùng, luôn luôn tăng trưởng pháp lành thù thắng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát dựa vào hai thực hành thì các pháp lành chẳng được tăng trưởng. Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu muội đều dựa vào hai, tuy phát sanh pháp lành nhưng không được tăng trưởng. Còn các Đại Bồ-tát chẳng dựa vào hai nên từ lúc mới phát tâm cho đến cuối cùng thường tăng trưởng pháp lành thù thắng.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Căn lành của các Đại Bồ-tát vững chắc không thể khuất phục. Dù thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... cũng không thể phá hoại, không thể làm rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác, không bị các pháp ác bất thiện của thế gian dẫn dắt, sai khiến các pháp lành do hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết trí không được tăng trưởng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát không nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không hai.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát vì căn lành nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chăng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không phải vậy. Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát chẳng vì căn lành mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, cũng không vì căn chẳng lành mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì đúng pháp như vậy, nếu các Đại Bồ-tát chưa gần gũi cúng dường, cung kính chư Phật Thế Tôn, nếu các căn lành chưa được viên mãn hoàn toàn, nếu không được bạn lành chơn thiện hộ trì thì chắc chắn không thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào các Đại Bồ-tát gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, làm cho căn lành viên mãn hoàn toàn, được nhiều bạn lành chơn tịnh hộ trì, mau chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, được nghe Phật thuyết Khế kinh cho đến Luận nghĩa. Nghe rồi thọ trì, đọc tụng, ôn tập cho được thông suốt hoàn toàn. Đã thông suốt hoàn toàn rồi mới tư duy đúng lý. Đã tư duy rồi hiểu thấy rõ ý nghĩa sâu xa. Thấy rõ ý nghĩa sâu xa rồi mới có thể thông đạt hoàn toàn, thông đạt được Đà-la-ni phát sanh hiểu biết vô ngại, cho đến chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Dù sanh ở chỗ nào đối với giáo nghĩa chánh pháp đã được nghe, thọ trì chẳng quên mất, trồng nhiều căn lành với chư Phật. Nhờ năng lực giữ vững căn lành nên vị ấy chẳng đọa vào ác thú, sanh chỗ an vui. Lại nhờ giữ vững căn lành nên an vui thanh tịnh, thường không điên đảo, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Lại nhờ giữ vững căn lành nên không xa lìa bạn lành chơn tịnh, đó là chư Như Lai, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn cùng những người hay khen ngợi Phật, Pháp, Tăng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, làm cho căn lành viên mãn hoàn toàn, tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh, mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí phải siêng năng, tinh tấn gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thành tựu viên mãn căn lành thù thắng, phục vụ bạn lành chơn tịnh không bao giờ nhàm chán.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu như các Đại Bồ-tát chẳng gần gũi cúng dường chư Phật, không thành tựu căn lành thù thắng, không tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh, thì có thể chứng đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát chẳng gần gũi cúng dường chư Phật, không thành tựu căn lành thù thắng, không tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh thì chẳng xứng đáng nhận tên Ma-ha-tát, huống gì có thể chứng đắc trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì có Đại Bồ-tát gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, trồng nhiều căn lành, tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh, còn chưa thể chứng đắc trí nhất thiết trí, huống gì là chẳng gần gũi cúng dường chư Phật, chẳng trồng căn lành, chẳng tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh mà có thể chứng đắc trí nhất thiết trí sao. Nếu Đại Bồ-tát ấy có thể chứng đắc trí nhất thiết trí thì nhất định không có việc ấy.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn nhận tên Bồ-tát Ma-ha-tát (Đại Bồ-tát), muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí thì thường nên gần gũi cúng dường chư Phật, trồng nhiều căn lành thù thắng một cách rốt ráo, tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh không sanh nhàm chán.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì có Đại Bồ-tát cũng gần gũi cúng dường chư Phật, trồng nhiều căn lành, tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh, nhưng không chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát này xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên tuy có gần gũi cúng dường chư Phật, có trồng nhiều căn lành, tận lực phục vụ bạn lành chơn tịnh nhưng vị ấy không thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là phương tiện thiện xảo? Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo phải làm việc gì để chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, trong lúc tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, hoặc cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, hoặc bố thí cho những người khác hay loài người chẳng phải người v.v... thì Đại Bồ-tát này được thành tựu tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí. Như vậy, Đại Bồ-tát này hành bố thí mà không tưởng mình hành, không nghĩ có người nhận, cũng không nghĩ tất cả ngã hay ngã sở. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này quán tất cả pháp tánh tướng đều Không, không sanh khởi, không thành tựu, không chuyển, không thể nhập vào tướng của pháp, biết tất cả pháp không tác động, không có khả năng thể nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này được thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, luôn luôn tăng trưởng căn lành thắng diệu. Nhờ tăng trưởng căn lành này nên có thể hành bố thí Ba-la-mật-đa để thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Mặc dù hành bố thí nhưng Bồ-tát vẫn không mong cầu quả báo của sự bố thí, tức là chẳng tham đắm quả báo thù thắng của sanh tử, chỉ vì cứu hộ kẻ chưa được cứu hộ và muốn giải thoát người chưa được giải thoát, nên các vị ấy siêng tu tập bố thí Ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, để thọ trì tịnh giới, tâm không phát sanh tham, sân, si, không bị tùy miên ràng buộc, cũng không phát sanh các pháp bất thiện làm ngăn ngại Bồ-đề, như là xan tham, ác giới, phẫn hận, giải đãi, tâm loạn, yếu suy, ác tuệ và ngã mạn v.v…, cũng không phát sanh tác ý tương ưng với Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này quán tất cả pháp tánh tướng đều Không, không khởi, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả pháp không tác, không động vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy thì tăng trưởng căn lành thắng diệu. Nhờ căn lành này tăng trưởng, Đại Bồ-tát có thể hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Mặc dù hành tịnh giới nhưng các vị ấy vẫn không mong cầu quả báo của sự tịnh giới, tức là chẳng tham đắm quả báo thù thắng sanh tử, chỉ vì cứu độ người chưa được cứu hộ và muốn giải thoát người chưa được giải thoát, nên các vị ấy siêng tu tịnh giới Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Mỗi mỗi đều nói rộng ở trước.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, dùng phương tiện thiện xảo, đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí để vào bốn tịnh lự và bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đại Bồ-tát này tuy đối với tịnh lự, vô lượng, vô sắc vào ra tự tại nhưng không nhận lấy quả dị thục ấy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đầy đủ phương tiện thiện xảo tối thắng, quán tánh tướng các tịnh lự, vô lượng, vô sắc đều Không, không sanh, không thành, không chuyển, không diệt, nên thể nhập vào các pháp tướng, biết tất cả pháp không tác, không động vào các hành tướng. Nếu Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, thì tăng trưởng căn lành thắng diệu. Nhờ căn lành này tăng trưởng, Đại Bồ-tát có thể hành tịnh lự, vô lượng, vô sắc. Do hành tịnh lự, vô lượng, vô sắc nên các vị ấy có thể tự tại thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, dùng phương tiện thiện xảo, đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tuy hành kiến đạo sở đoạn, tu đạo sở đoạn nhưng không chịu chứng quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này quán tánh tướng của tất cả pháp đều Không, không khởi, không thành, không chuyển, không diệt nên thể nhập vào tướng các pháp, biết tất cả pháp không tác, không động vào các hành tướng. Nếu Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo tối thắng thì mới tăng trưởng căn lành thù thắng. Nhờ căn lành này tăng trưởng, nên Đại Bồ-tát có thể hành tất cả pháp phần Bồ-đề, vượt qua bậc Thanh văn, Độc giác, nhập địa vị Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát.

Đây gọi là Vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát, và cũng do có pháp nhẫn này nên Đại Bồ-tát có thể tự tại thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tuy tự tại vào ra theo chiều thuận nghịch đối với tám định giải thoát, chín định thứ đệ nhưng không chứng đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Vì sao?

Vì Đại Bồ-tát này quán tánh tướng của tất cả pháp đều Không, không khởi, không thành, không chuyển, không diệt nên thể nhập vào tướng các pháp, biết tất cả pháp không tác, không động vào các hành tướng. Nếu Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo tối thắng thì mới tăng trưởng căn lành thù thắng. Nhờ căn lành này tăng trưởng, Đại Bồ-tát có thể tự tại thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, chứng được địa vị Bồ-tát Bất thối chuyển, được thọ ký nhẫn.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tinh tấn tu hành mười lực Như Lai và vô lượng, vô biên các pháp khác của Phật, nhưng nếu chưa thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thì vẫn chưa chứng đắc trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này quán tánh tướng của tất cả pháp đều Không, không khởi, không thành, không chuyển, không diệt nên thể nhập vào tướng các pháp, biết tất cả pháp không tác, không động vào các hành tướng. Nếu Đại Bồ-tát này đầy đủ phương tiện thiện xảo tối thắng, thì mới tăng trưởng căn lành thù thắng. Nhờ căn lành này tăng trưởng, Đại Bồ-tát có thể tự tại thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, lần lần chứng đắc trí nhất thiết trí. Như vậy, gọi là phương tiện thiện xảo.

Nếu Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo mà lại thực hành các thiền định thì mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí. Phương tiện thiện xảo thù thắng như vậy đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thành tựu. Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Xem mục lục