Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

LXXVII. PHẨM THIÊN ĐẠT

01

 

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát làm sao để hoàn toàn thông suốt thật tướng của các pháp?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát giống như người được biến hóa không thực hành tất cả kiết sử tham sân si, không thực hành sắc uẩn cho đến thức uẩn; không thực hành nhãn xứ cho đến ý xứ; không thực hành sắc xứ cho đến pháp xứ; không thực hành nhãn giới cho đến ý giới; không thực hành sắc giới cho đến pháp giới; không thực hành nhãn thức giới cho đến ý thức giới; không thực hành nhãn xúc cho đến ý xúc; không thực hành các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra; không thực hành địa giới cho đến thức giới; không thực hành nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; không thực hành các pháp do nhân duyên sanh ra; không thực hành vô minh cho đến lão tử; không thực hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thực hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; không thực hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; không thực hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; không thực hành pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; không thực hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; không thực hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; không thực hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ; không thực hành Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; không thực hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; không thực hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; không thực hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; không thực hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; không thực hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; không thực hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; không thực hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; không thực hành quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề; không thực hành tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; không thực hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; không thực hành trí nhất thiết trí, không thực hành pháp nội pháp ngoại; không thực hành tùy miên và các phiền não trói buộc; không thực hành pháp thiện pháp ác; không thực hành pháp hữu ký, pháp vô ký; không thực hành pháp hữu lậu, pháp vô lậu; không thực hành pháp thế gian, pháp xuất thế gian; không thực hành pháp hữu vi và pháp vô vi; không thực hành Thánh đạo và kết quả của Thánh đạo; cũng giống như vậy lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát hoàn toàn không thực hành đối với tất cả các pháp. Đó là hoàn toàn thông suốt thật tướng của các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Làm sao người được biến hóa có thể tu Thánh đạo?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Người được biến hóa nương vào việc tu Thánh đạo không nhiễm không tịnh, cũng chẳng luân hồi sanh tử trong các cõi.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát làm sao hoàn toàn thông suốt tất cả các pháp đều không phải là việc thật?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Ý ông nghĩ sao? Tất cả những người được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biến hóa ra có thật sự làm việc không, dựa vào việc thật này có nhiễm có tịnh và sự luân hồi sanh tử không?

Thiện Hiện đáp:

- Không thưa Thế Tôn! Người được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biến hóa ra chẳng có thật sự chút nào, dựa vào việc ấy chẳng có nhiễm có tịnh và cũng không có việc luân hồi sanh tử.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Cũng như vậy lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát hoàn toàn thông suốt thật tướng của tất cả các pháp, thấu rõ các pháp đều không thật sự.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như huyễn hóa phải không? Tất cả nhãn xứ cho đến ý xứ đều như huyễn hóa phải không? Tất cả sắc xứ cho đến pháp xứ đều như huyễn hóa phải không? Tất cả nhãn giới cho đến ý giới đều như huyễn hóa phải không? Tất cả sắc giới cho đến pháp giới đều như huyễn hóa phải không? Tất cả nhãn thức giới cho đến ý thức giới đều như huyễn hóa phải không? Tất cả nhãn xúc cho đến ý xúc đều như huyễn hóa phải không? Tất cả các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra đều như huyễn hóa phải không? Tất cả địa giới cho đến thức giới đều như huyễn hóa phải không? Tất cả nhân duyên cho đến tăng thượng duyên đều như huyễn hóa phải không? Tất cả các pháp do nhân duyên sanh ra đều như huyễn hóa phải không? Tất cả vô minh cho đến lão tử đều như huyễn hóa phải không? Tất cả bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa đều như huyễn hóa phải không? Tất cả bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc đều như huyễn hóa phải không? Tất cả bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo đều như huyễn hóa phải không? Tất cả pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện đều như huyễn hóa phải không? Tất cả pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không đều như huyễn hóa phải không? Tất cả chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều như huyễn hóa phải không? Tất cả Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo đều như huyễn hóa phải không? Tất cả tám giải thoát cho đến mười biến xứ đều như huyễn hóa phải không? Tất cả Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa đều như huyễn hóa phải không? Tất cả Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa đều như huyễn hóa phải không? Tất cả tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa đều như huyễn hóa phải không? Tất cả năm loại mắt, sáu phép thần thông đều như huyễn hóa phải không? Tất cả mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều như huyễn hóa phải không? Tất cả ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ đều như huyễn hóa phải không? Tất cả pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả đều như huyễn hóa phải không? Tất cả trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều như huyễn hóa phải không? Tất cả quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề đều như huyễn hóa phải không? Tất cả tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật đều như huyễn hóa phải không? Tất cả pháp thiện pháp ác, hoặc pháp hữu ký pháp vô ký, hoặc pháp hữu lậu pháp vô lậu, hoặc pháp thế gian pháp xuất thế gian, hoặc pháp hữu vi pháp vô vi đều như huyễn hóa phải không?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Sắc v.v… các pháp đều như huyễn hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu tất cả các pháp đều như huyễn hóa thì các pháp được biến hóa đều không thật, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến không thật, hữu vi, vô vi do đó cũng không tạp nhiễm, thanh tịnh, cũng không luân chuyển các nẻo sanh tử, cũng không theo pháp ấy để được nghĩa giải thoát thì làm sao các Đại Bồ-tát có sử dụng thù thắng đối với các hữu tình?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Ý ông nghĩ sao? Xưa kia, lúc hành Bồ-tát đạo có thấy hữu tình có thể thoát khỏi các nẻo địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, nhơn, thiên không?

Thiện Hiện đáp:

- Không thưa Thế Tôn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Xưa kia, lúc hành Bồ-tát đạo, các Đại Bồ-tát không thấy có hữu tình nào có thể thoát khỏi ba cõi. Vì sao? Vì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát thông suốt thấy rõ tất cả các pháp đều như huyễn hóa, đều chẳng thật có.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu các Đại Bồ-tát thông suốt thấy rõ tất cả các pháp đều như huyễn hóa, hoàn toàn chẳng có thật thì vì việc gì mà các Đại Bồ-tát tu hành sáu Ba-la-mật-đa; vì việc gì mà tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; vì việc gì mà tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; vì việc gì mà tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; vì việc gì mà an trụ vào pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; vì việc gì mà an trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; vì việc gì mà an trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; vì việc gì mà tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ; vì việc gì mà tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; vì việc gì mà tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; vì việc gì mà tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; vì việc gì mà tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; vì việc gì mà tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; vì việc gì mà tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; vì việc gì mà tu hành tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; vì việc gì mà tu hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; vì việc gì mà thành thục hữu tình; vì việc gì mà trang nghiêm cõi Phật?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu các hữu tình có thể tự thấu rõ tất cả pháp đều như huyễn hóa, hoàn toàn chẳng có thật thì các Đại Bồ-tát không cần phải trải qua ba vô số kiếp vì các hữu tình mà tu hành những hạnh khổ khó làm của Bồ-tát. Do các hữu tình không thể thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, hoàn toàn chẳng có thật cho nên Đại Bồ-tát phải trải qua ba vô số kiếp, vì các chúng sanh mà tu hành hạnh khổ khó làm của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát không thể thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, hoàn toàn chẳng có thật thì không cần trải qua ba vô số kiếp vì các hữu tình mà tu Bồ-tát hạnh, trang nghiêm cõi Phật, thành thục hữu tình. Do Đại Bồ-tát thấu rõ như thật tất cả pháp đều như huyễn hóa, hoàn toàn chẳng có thật cho nên vị ấy trải qua ba vô số kiếp vì các hữu tình tu sáu Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật và chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như bóng dáng, như ảnh, như quáng nắng, như thành Càn-thát-bà (ảnh ảo), như việc biến hóa thì hữu tình được biến hóa ra trụ ở chỗ nào mà các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cứu giúp họ ra khỏi?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Hữu tình được biến hóa ra trụ ở danh tướng phân biệt hư vọng, các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cứu giúp họ ra khỏi danh tướng phân biệt hư vọng ấy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Những gì là danh, những gì là tướng?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Danh chỉ là khách, chỉ là nghĩa được hiển bày ra một cách giả tạo, nghĩa là đây gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; đây là nhãn xứ cho đến ý xứ; đây là sắc xứ cho đến pháp xứ; đây là nhãn giới cho đến ý giới; đây là sắc giới cho đến pháp giới; đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; đây gọi là nam; đây gọi là nữ; đây gọi là nhỏ; đây gọi là lớn; đây là địa ngục; đây là bàng sanh; đây là cõi quỷ; đây là người; đây là trời; đây là pháp thiện; đây là pháp ác; đây là pháp hữu ký; đây là pháp vô ký; đây là pháp hữu lậu; đây là pháp vô lậu; đây là pháp thế gian; đây là pháp xuất thế gian; đây là pháp hữu vi; đây là pháp vô vi; đây là quả Dự lưu; đây là quả Nhất lai; đây là quả Bất hoàn; đây là quả A-la-hán; đây là Ðộc giác Bồ-đề; đây là tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; đây là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; đây là phàm phu; đây là Thanh văn; đây là Ðộc giác; đây là Bồ-tát; đây là Như Lai.

Thiện Hiện! Tất cả tên gọi như thế là biểu hiện của các nghĩa, chỉ là giả tạo nên tất cả danh đều chẳng thật có. Các pháp hữu vi cũng chỉ có danh. Do đó vô vi cũng chẳng có thật. Phàm phu ngu si vọng chấp ở trong đó. Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, với bi nguyện huân tập trong tâm, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa giúp xa lìa vọng chấp đó, bằng cách dạy: danh là do vọng tưởng phân biệt phát sanh, cũng là do các duyên hòa hợp giả lập ra, các ông không nên chấp trước ở trong đó. Danh không có thật sự, tự tánh đều rỗng không, đâu có người trí chấp trước pháp không?

Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa bằng phương tiện thiện xảo vì các hữu tình giảng dạy đã trừ bỏ danh pháp.

Thiện Hiện! Đó là danh, còn tướng có hai loại. Phàm phu ngu si chấp trước ở trong đó. Những gì là hai? Đó là tướng của sắc và tướng của vô sắc. Thế nào là tướng của sắc? Đó là có sắc hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc kém, hoặc hơn, hoặc xa, hoặc gần tự tánh của tất cả pháp như vậy đều rỗng không. Phàm phu ngu si phân biệt chấp trước cho đó là sắc. Đó gọi là sắc tướng.

Tướng vô sắc là: Ở trong các pháp có sắc vô sắc, phàm phu ngu si chấp tướng phân biệt sanh các phiền não gọi là tướng vô sắc. Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bằng phương tiện thiện xảo, dạy các hữu tình xa lìa hai tướng, lại dạy họ an trụ vào cảnh giới vô tướng. Tuy dạy họ trụ vào cảnh giới vô tướng nhưng không làm cho họ rơi vào kiến chấp hai bên, cho rằng đây là tướng đây là vô tướng. Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bằng phương tiện thiện xảo, giúp các hữu tình xa lìa các tướng, thực hành cảnh giới vô tướng mà không chấp trước.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu tất cả pháp chỉ có danh tướng, tất cả danh tướng đều là giả lập do sự phân biệt hư vọng phát sanh, ở trong đó hoàn toàn không có chút gì thật có thể nắm bắt thì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vì sao đối với các thiện pháp, Đại Bồ-tát có thể tăng tiến, cũng có thể giúp người khác tăng tiến thiện pháp. Do các thiện pháp tuần tự tăng tiến nên vị ấy có thể tuần tự làm viên mãn các địa, cũng có thể an lập các loài hữu tình giúp họ trụ vào quả ba thừa tùy theo căn cơ của họ?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu trong các pháp có chút ít thật sự, chẳng phải chỉ giả lập ra có danh tướng thì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát phải không tăng tiến đối với thiện pháp, cũng không giúp người khác tăng tiến thiện pháp. Do trong các pháp không có chút gì thật sự chỉ có các danh tướng giả lập, cho nên lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát có thể tự tăng tiến đối với thiện pháp, cũng có thể giúp người khác tăng thêm thiện pháp; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; cũng có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn tám giải thoát cho đến mười biến xứ; cũng có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để viên mãn trí nhất thiết trí; có thể dùng vô tướng làm phương tiện để thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật.

Thế nên, Thiện Hiện! Do tất cả pháp không có chút gì thật sự chỉ có các danh tướng giả lập nên các Đại Bồ-tát không phát sanh điên đảo, chấp trước trong đó, có thể dùng vô tướng làm phương tiện để tự làm tăng tiến các thiện pháp, cũng có thể giúp thiện pháp của người khác được tăng tiến.

Lại nữa Thiện Hiện! Nếu trong các pháp có tướng thật pháp lượng bằng đầu lông thì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát chẳng cần hiểu biết vô tướng, vô niệm cũng không có tướng tác ý vô lậu và đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, an lập hữu tình vào pháp vô lậu, do các pháp vô lậu đều vô tướng, vô niệm, vô tác ý. Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bằng phương tiện thiện xảo, an lập hữu tình vào pháp vô lậu mới được gọi là việc lợi ích cho người khác một cách chơn thật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu tất cả pháp có tánh vô lậu chơn thật, vô tướng, vô niệm, vô tác ý thì vì sao ở trong các Kinh, Thế Tôn đã nhiều lần nói: Đây là pháp hữu lậu, đây là pháp vô lậu, đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi, đây là pháp hữu tránh, đây là pháp vô tránh, đây là pháp lưu chuyển, đây là pháp hoàn diệt, đây là pháp Thanh văn, đây là pháp Ðộc giác, đây là pháp Bồ-đề, đây là pháp Phật vậy?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Ý ông nghĩ sao? Tánh của pháp hữu lậu cùng với tánh của các pháp vô lậu, vô tướng có khác nhau không?

Thiện Hiện đáp:

- Không thưa Thế Tôn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Ý ông nghĩ sao? Tánh của pháp Thanh văn cùng với tánh của các pháp vô lậu, vô tướng có khác nhau không?

Thiện Hiện đáp:

- Không thưa Thế Tôn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tánh của các pháp hữu lậu há chẳng phải là tánh của pháp vô lậu, vô tướng, vô niệm sao?

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy, thưa Thế Tôn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tánh của các quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề há chẳng phải chính là tánh của pháp vô lậu, vô tướng, vô niệm sao?

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy, thưa Thế Tôn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Vì lý do này nên biết tất cả pháp đều là vô tướng, vô niệm, vô tác ý, không hai không khác.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát nào học tất cả pháp vô tướng, vô niệm, vô tác thì thường có thể tăng trưởng pháp lành đã được làm như là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; hoặc pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; hoặc pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; hoặc chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; hoặc Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; hoặc tám giải thoát cho đến mười biến xứ; hoặc Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; hoặc tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; hoặc năm loại mắt, sáu phép thần thông; hoặc mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; hoặc thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật. Tất cả các Phật pháp này đều nhờ học vô tướng, vô niệm, vô tác ý mà được tăng trưởng.

Vì sao? Vì ngoài ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện các Đại Bồ-tát không cần phải học pháp nào khác nữa. Vì sao? Thiện Hiện! Vì ba môn giải thoát bao gồm tất cả pháp lành vi diệu. Vì sao? Vì giải thoát môn Không quán tự tướng tất cả pháp đều là Không. Giải thoát môn vô tướng quán tất cả pháp xa lìa các tướng. Giải thoát môn vô nguyện quán tất cả pháp xa lìa các ước nguyện. Các Đại Bồ-tát dựa vào ba môn này có thể tóm thu tất cả pháp lành thù thắng. Lìa ba môn này thì các pháp lành thù thắng cần phải tu học không sanh trưởng được.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào có thể tu học ba môn giải thoát này thì có thể học sắc uẩn cho đến thức uẩn; cũng có thể học nhãn xứ cho đến ý xứ; cũng có thể học sắc xứ cho đến pháp xứ; cũng có thể học nhãn giới cho đến ý giới; cũng có thể học sắc giới cho đến pháp giới; cũng có thể học nhãn thức giới cho đến ý thức giới; cũng có thể học nhãn xúc cho đến ý xúc; cũng có thể học các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra; cũng có thể học địa giới cho đến thức giới; cũng có thể học nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; cũng có thể học các pháp do nhân duyên sanh ra; cũng có thể học vô minh cho đến lão tử; cũng có thể học pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; cũng có thể học chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; cũng có thể học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; cũng có thể học bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; cũng có thể học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cũng có thể học bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; cũng có thể học tám giải thoát cho đến mười biến xứ; cũng có thể học Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; cũng có thể học tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; cũng có thể học năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng có thể học mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng có thể học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; cũng có thể học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng có thể học thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật; cũng có thể học vô lượng vô biên các Phật pháp khác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát nào có thể học ba môn giải thoát này thì có thể học sắc uẩn, thọ, tưởng, hành, thức uẩn?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát nào có thể biết như thật về tướng hoặc sanh, hoặc diệt, hoặc chơn như của sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì gọi là có thể học sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết như thật về sắc tướng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát biết như thật sắc hoàn toàn có lỗ hổng, hoàn toàn có khe hở, giống như bọt nước, tánh không bền chắc. Đó là Đại Bồ-tát biết như thật về sắc tướng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết như thật về sự sanh diệt của sắc khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát biết như thật lúc sắc sanh không từ đâu đến, lúc diệt thì không đi về đâu, tuy không đến không đi nhưng nó tương ưng với sanh diệt. Đó là Đại Bồ-tát biết như thật về sự sanh diệt của sắc khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết rõ như thật chơn như của sắc lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biết như thật chơn như của sắc không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, thường như tánh của nó, không hư vọng, không biến đổi nên gọi là chơn như. Đó là Đại Bồ-tát biết như thật về chơn như của sắc khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết rõ như thật về tướng của thọ khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát biết như thật thọ hoàn toàn như ung nhọt, hoàn toàn như mũi tên, chóng sanh, chóng diệt, giống như bong bóng nước, hư dối không trụ, do ba pháp hòa hợp sanh ra. Đó gọi là Đại Bồ-tát biết như thật tướng của thọ.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết như thật về sự sanh diệt của thọ khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát biết như thật lúc thọ sanh không từ đâu đến, lúc diệt thì không đi về đâu, tuy không đến không đi nhưng nó tương ưng với sanh diệt. Đó là Đại Bồ-tát biết rõ như thật sự sanh diệt của thọ khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết rõ chơn như của thọ khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát biết như thật chơn như của thọ không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, thường như tánh của nó, không hư vọng, không biến đổi nên gọi là chơn như. Đó là Đại Bồ-tát biết như thật về chơn như của thọ khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết rõ như thật về tướng của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát biết như thật tưởng giống như sóng nắng, không thể nắm bắt do nhơn duyên khát ái nên phát sanh tưởng này một cách hư vọng, rồi dựa vào đó phát ra lời nói. Đó gọi là Đại Bồ-tát biết như thật về tướng của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết như thật về sự sanh diệt của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát biết như thật là lúc tưởng sanh không từ đâu đến, lúc diệt thì không đi về đâu, tuy không đến không đi mà tương ưng với sanh diệt. Đó gọi là Đại Bồ-tát biết như thật về sự sanh diệt của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát biết như thật về chơn như của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát biết như thật chơn như của tưởng không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, thường như tánh của nó, không hư vọng, không biến đổi nên gọi là chơn như. Đó gọi là Đại Bồ-tát biết như thật về chơn như của tưởng khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

 

Xem mục lục