Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

LXV. PHẨM THẬT NGỮ

01

 

 

Bấy giờ trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tôi nói như vậy, khen như vậy, thọ ký như vậy là thuận với thật ngữ, pháp ngữ của Thế Tôn, đối với pháp, tùy theo pháp có phải là thọ ký chân chánh không?

Lúc ấy Phật bảo:

- Kiều-thi-ca! Ông nói như vậy, khen như vậy, thọ ký như vậy, thật là thuận với thật ngữ, pháp ngữ của Thế Tôn, đối với pháp, tùy theo pháp đó thật là sự thọ ký chân chánh.

Lúc ấy, trời Đế Thích lại bạch Phật:

- Thật hiếm có thưa Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện có nói điều gì cũng đều dựa vào pháp không, vô tướng, vô nguyện, dựa vào bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, cũng dựa vào bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, dựa vào tám giải thoát cho đến mười biến xứ, cũng dựa vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, dựa vào bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng dựa vào nội Không cho đến vô tính tự tính Không, dựa vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, cũng dựa vào địa vị Đại Bồ-tát, dựa vào pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, cũng dựa vào năm loại mắt, sáu phép thần thông, dựa vào mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng dựa vào pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, dựa vào trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, cũng dựa vào tất cả hạnh của Đại Bồ-tát, dựa vào quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

Bấy giờ, Phật bảo trời Đế Thích:

- Kiều-thi-ca! Cụ thọ Thiện Hiện trụ ở pháp không, quán bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa còn bất khả đắc huống gì người thực hành bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa làm sao có thể nắm bắt, quán bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo còn bất khả đắc, huống gì người tu tập bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo làm sao có thể nắm bắt; quán bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc còn bất khả đắc huống gì người tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc làm sao có thể nắm bắt, quán tám giải thoát cho đến mười biến xứ còn bất khả đắc, huống gì người tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ làm sao có thể nắm bắt; quán Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo còn không thể nắm bắt huống gì người trụ nơi Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo làm sao có thể nắm bắt; quán nội Không cho đến vô tính tự tính Không còn bất khả đắc huống gì người trụ ở nội Không cho đến vô tính tự tính Không làm sao có thể nắm bắt; quán chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì còn bất khả đắc, huống gì người trụ ở chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì làm sao có thể nắm bắt; quán pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện còn bất khả đắc, huống gì người tu pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện làm sao có thể nắm bắt; quán Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa làm sao có thể nắm bắt; quán pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa còn bất khả đắc huống gì người tu pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa làm sao có thể nắm bắt; quán năm loại mắt, sáu phép thần thông còn bất khả đắc huống là người làm phát sanh năm loại mắt, sáu phép thần thông làm sao có thể nắm bắt; quán mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng còn bất khả đắc huống gì người làm phát sanh mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng làm sao có thể nắm bắt; quán pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả còn bất khả đắc huống gì người làm phát sanh pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả làm sao có thể nắm bắt; quán trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng còn bất khả đắc huống gì người làm phát sanh trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng làm sao có thể nắm bắt; quán tất cả hạnh Đại Bồ-tát còn bất khả đắc, huống gì người có thể thực hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát làm sao có thể nắm bắt; quán quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật còn bất khả đắc huống gì người có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật làm sao có thể nắm bắt; quán trí nhất thiết trí còn bất khả đắc huống gì người có thể đạt được trí nhất thiết trí làm sao có thể nắm bắt; quán bánh xe chánh pháp còn bất khả đắc huống gì người có thể vận chuyển bánh xe chánh pháp làm sao có thể nắm bắt; quán ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp còn bất khả đắc, huống gì người dùng tướng hảo này để trang nghiêm thân làm sao có thể nắm bắt; quán pháp không sanh, không diệt còn bất khả đắc huống gì người có thể chứng pháp không sanh, không diệt làm sao có thể nắm bắt. Vì sao?

Kiều-thi-ca! Đối với tất cả các pháp, cụ thọ Thiện Hiện trụ ở chỗ viễn ly, trụ ở chỗ vắng lặng, trụ ở chỗ vô sở hữu, trụ ở chỗ vô sở đắc, trụ ở chỗ rỗng không, trụ ở nơi vô tướng, trụ ở nơi vô nguyện. Kiều-thi-ca! Đối với tất cả các pháp, cụ thọ Thiện Hiện trụ ở những nơi rất thù thắng như vậy. Kiều-thi-ca! Việc trụ ở nơi rất thù thắng của Thiện Hiện so với chỗ trụ của Đại Bồ-tát đã thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, cho đến không bằng một phần rất nhỏ. Vì sao?

Kiều-thi-ca! Trừ chỗ trụ của Như Lai, đối với chỗ trụ của Thanh văn và Độc giác thì chỗ trụ vào việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát là hơn hết, là thù thắng, là tôn quý, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là ở trên, là vô thượng, là không gì sánh bằng. Vì sao?

Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát nào muốn đứng trên tất cả hữu tình thì nên đứng ở chỗ thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao?

Kiều-thi-ca! Các vị Đại Bồ-tát trụ ở chỗ này thì hơn hẳn địa vị Thanh văn, Ðộc giác, chứng nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, có thể mau viên mãn tất cả Phật pháp, vĩnh viễn đoạn trừ sự nối tiếp của tập khí phiền não có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường làm lợi lạc tất cả hữu tình.

Bấy giờ trong chúng có vô lượng vô số trời Tam thập tam nghe lời Phật dạy sanh vui mừng cực độ. Mỗi vị cầm hoa thơm vi diệu ở cõi trời rải dâng lên Như Lai và các Bí-sô.

Lúc ấy sáu trăm Bí-sô ở trong chúng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, che kín vai trái, quỳ gối phải sát đất, khom người cung kính chấp tay hướng Phật chiêm ngưỡng dung nhan của đức Thế Tôn không chớp mắt. Nhờ thần lực của Phật, trong lòng bàn tay của mỗi vị tự nhiên tràn đầy hoa thơm vi diệu. Các vị Bí-sô vui mừng cực độ vì gặp việc chưa từng có. Họ đều đem hoa này rải lên dâng Phật và các Bồ-tát.

Sau khi đã rải hoa, họ đều phát nguyện: Chúng con xin nhờ sức thiện căn thù thắng này để được thường an trụ vào việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là chỗ mà Thanh văn, Ðộc giác không thể trụ được và mau đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vượt hẳn địa vị Thanh văn, Ðộc giác.

Bấy giờ, biết ý tăng thượng muốn đạt đến đại Bồ-đề quyết không thối lui của các Bí-sô, đức Thế Tôn liền mỉm cười. Như thường pháp của chư Phật, từ miệng ngài phóng ra đủ loại ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím, bích, lục, vàng, bạc, pha lê chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Ánh sáng đó thu dần và nhiễu quanh thân Phật ba vòng rồi chui vào trên đảnh.

Sau khi thấy điềm lành này, Khánh Hỷ vui mừng cực độ rời khỏi chỗ ngồi đảnh lễ Phật và chấp tay thưa:

Bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà ngài mỉm cười, chư Phật mỉm cười chẳng phải là không có lý do, cúi xin Như Lai thương xót nói cho con biết.

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Trong kiếp Tinh Dụ ở đời vị lai, các Bí-sô này sẽ được làm Phật có cùng hiệu là Tán Hoa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Minh Hạnh Viên Mãn Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Trượng Phu Điều Ngự Sĩ Thiên Nhơn Sư Phật Thế Tôn Bạt-già-phạm. Họ có tuổi thọ, chỗ ở, quốc độ và các đệ tử Bí-sô tất cả đều giống nhau.

Các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này từ lúc mới sanh đi xuất gia cho đến sau khi thành Phật dù ở chỗ nào, dù ngày hay đêm cũng thường có mưa hoa thơm vi diệu năm màu. Vì lý do này ta mỉm cười. Vì vậy, này Khánh Hỷ! Đại Bồ-tát nào muốn trụ ở nơi tối thắng thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát nào muốn đứng ở chỗ của Như Lai thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khánh Hỷ nên biết, thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy vào đời trước hoặc từ trong loài người qua đời mà sanh trở lại nơi đây, hoặc từ cõi trời Đỗ-xử-đa qua đời, sanh vào loài người. Vào đời trước, hoặc ở trong loài người, hoặc ở trên trời, do đã từng nghe giảng rộng Bát-nhã ba-la-mật-đa nên vào đời này người ấy có thể siêng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Khánh Hỷ nên biết! Như Lai thấy thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào có thể siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không đoái hoài thân mạng, tài sản thì đúng là Đại Bồ-tát.

 

Xem mục lục