Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

LXII. PHẨM ĐỒNG TÁNH

01

 

 

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đồng tánh của Đại Bồ-tát, do các Đại Bồ-tát học ở trong đó nên gọi là đồng học?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Pháp nội Không là đồng tánh của Đại Bồ-tát, pháp ngoại Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không là đồng tánh của Bồ-tát, vì các Đại Bồ-tát học ở trong đó nên gọi là đồng học. Do sự đồng học này nên họ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa Thiện Hiện! Sắc, tánh không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tánh không của thọ, tưởng, hành, thức là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Nhãn xứ, tánh không của nhãn xứ, cho đến ý xứ, tánh không ý xứ là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Sắc xứ, tánh không của sắc xứ, cho đến pháp xứ, tánh không của pháp xứ là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Nhãn giới, tánh không của nhãn cho đến ý giới, tánh không của ý giới là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Sắc giới, tánh không của sắc giới, cho đến pháp giới, tánh không của pháp giới là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Nhãn thức giới, tánh không của nhãn thức giới cho đến ý thức giới, tánh không của ý thức giới là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Nhãn xúc, tánh không của nhãn xúc cho đến ý xúc, tánh không của ý xúc là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, tánh không của các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, tánh không của các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Địa giới, tánh không của địa giới cho đến thức giới, tánh không của thức giới là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Vô minh, tánh không của vô minh cho đến lão tử, tánh không của lão tử là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Bố thí Ba-la-mật-đa, tánh không của bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, tánh không của Bát-nhã ba-la-mật-đa là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Pháp nội Không, tánh không của pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, tánh không của vô tính tự tính Không là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Chơn như, tánh không của chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, tánh không của cảnh giới bất tư nghì là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Thánh đế khổ, tánh không của Thánh đế khổ, Thánh đế tập, diệt, đạo, tánh không của Thánh đế tập, diệt, đạo là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Bốn niệm trụ, tánh không của bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, tánh không của tám chi thánh đạo là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Bốn tịnh lự, tánh không của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tánh không của bốn vô lượng, bốn định vô sắc là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Tám giải thoát, tánh không của tám giải thoát cho đến mười biến xứ, tánh không của mười biến xứ là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Pháp môn giải thoát không, tánh không của pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, tánh không của pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Tịnh quán địa, tánh không của Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa, tánh không của Như Lai địa là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Cực hỷ địa, tánh không của Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, tánh không của Pháp vân địa là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Pháp môn Đà-la-ni, tánh không của pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, tánh không của pháp môn Tam-ma-địa là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Năm loại mắt, tánh không của năm loại mắt, sáu phép thần thông, tánh không của sáu phép thần thông là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Mười lực Như Lai, tánh không của mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tánh không của mười tám pháp Phật bất cộng là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Pháp không quên mất, tánh không của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tánh không của tánh luôn luôn xả là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Trí nhất thiết, tánh không của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, tánh không của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Quả Dự lưu, tánh không của quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề, tánh không của Ðộc giác Bồ-đề là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát hạnh, tánh không của Đại Bồ-tát hạnh là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, tánh không của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật là đồng tánh của Đại Bồ-tát. Vì Đại Bồ-tát trụ ở trong đó để học nên gọi là đồng học. Do sự đồng học này họ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Khi ấy, Thiện Hiện lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì sắc chấm dứt nên học, vì thọ, tưởng, hành, thức chấm dứt nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì sắc lìa nên học, vì thọ, tưởng, hành, thức lìa nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì sắc diệt nên học, vì thọ, tưởng, hành, thức diệt nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì sắc không sanh nên học, vì thọ, tưởng, hành, thức không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không?

Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát như vậy cho đến vì hạnh của Đại Bồ-tát chấm dứt nên học, vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chấm dứt nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì hạnh của Đại Bồ-tát lìa nên học, vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật lìa nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì hạnh của Đại Bồ-tát diệt nên học, vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật diệt nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì hạnh của Đại Bồ-tát không sanh nên học, vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Như lời ông nói, Đại Bồ-tát nào vì sắc chấm dứt, xa lìa, diệt và không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì thọ, tưởng, hành, thức chấm dứt, xa lìa, diệt, không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Như vậy cho đến vì hạnh của Đại Bồ-tát chấm dứt, xa lìa, diệt, không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không? Vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chấm dứt, xa lìa, diệt, không sanh nên học là học trí nhất thiết trí phải không?

Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Chơn như của sắc có chấm dứt, xa lìa, tiêu diệt, đoạn trừ không? Chơn như của thọ, tưởng, hành, thức có chấm dứt, xa lìa, tiêu diệt, đoạn trừ không? Như vậy cho đến chơn như của hạnh Đại Bồ-tát có chấm dứt, xa lìa, tiêu diệt, đoạn trừ không? Chơn như quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có chấm dứt, xa lìa, tiêu diệt, đoạn trừ không?

Thiện Hiện đáp:

Bạch Thế Tôn! Không có. Bạch Thiện Thệ! Không có.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đại Bồ-tát nào học như vậy đối với chơn như là học trí nhất thiết trí. Thiện Hiện nên biết! Chơn như không thể chấm dứt, không thể xa lìa, không thể tiêu diệt, không thể đoạn trừ, không thể chứng đắc, Đại Bồ-tát nào học như vậy đối với chơn như là học trí nhất thiết trí.

 Lại nữa Thiện Hiện! Lúc Đại Bồ-tát nào học như vậy là học bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, là học pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không là học chơn như, cho đến cảnh giới bất tư nghì, là học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, là học bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo, là học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, là học tám giải thoát, cho đến mười biến xứ, là học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, là học Cực hỷ địa, cho đến Pháp vân địa, là học tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, là học năm loại mắt, sáu phép thần thông, là học mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, là học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, là học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, là học tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát, là học quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học bố thí Ba-la-mật-đa cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật thì nên biết đó là học trí nhất thiết trí.

Lại nữa Thiện Hiện! Lúc Đại Bồ-tát nào học như vậy cho đến học tất cả sự rốt ráo ở bờ kia thì tất cả Thiên, ma và ngoại đạo không thể làm họ hàng phục và vị ấy mau đến địa vị Bất thối chuyển của Bồ-tát, đi ở nơi nên đi là nơi mà tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tổ phụ đã đi, không đi ngược mà chuyển vận theo pháp có thể hộ trì, có thể làm pháp cần làm là xa lìa sự tối tăm, có thể giáo hóa tất cả hữu tình, khéo léo trang nghiêm cõi Phật của mình, đó là khéo học đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và vô lượng vô biên Phật Pháp khác.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học như thế là học ba lần chuyển vận mười hai hành tướng của bánh xe pháp vô thượng, là học an để trăm ngàn, trăm ức, muôn ức chúng làm cho họ nhập Niết-bàn ở cõi Vô dư y bát Niết-bàn, là học diệu hạnh chẳng dứt giống Phật, là học mở cửa cam lồ của chư Phật, là học an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình giúp họ đứng vững nơi pháp Tam thừa là học thị hiện cho tất cả hữu tình thấy cảnh giới vô vi chơn thật hoàn toàn vắng lặng, đó là tu học trí nhất thiết trí. Các hữu tình hèn kém không thể học được pháp học như vậy. Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn cứu vớt tất cả hữu tình ra khỏi nỗi khổ lớn sanh tử thì nên học như vậy.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học như vậy thì quyết định không đọa vào cảnh giới địa ngục, bàng sanh, diêm ma, ngạ quỉ, chắc chắn không sanh biên địa hạ tiện, chắc chắn không sanh vào nhà chiên-đà-la, nhà đồ tể và những nhà bần cùng hạ tiện không tuân theo giới luật, quyết không đui, điếc, câm, ngọng, cùi tay, què chân, các căn và tay chân bị tàn tật, thiếu hụt, lưng gù, điên cuồng, ung thư, hủi lát, bệnh trĩ, ghẻ dữ… không quá cao, quá thấp cũng không đen cháy, không bị các thứ bệnh ghẻ dơ bẩn.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học như vậy đời đời thường có đầy đủ quyến thuộc, hình dạng xinh đẹp, nói năng oai nghiêm, được mọi người kính yêu, nơi mà họ sanh không có việc giết hại sanh mạng cho đến tà kiến, trọn không nắm giữ tà pháp hư dối, không dùng tà pháp để tự nuôi sống, cũng không nhận các hữu tình phá giới, ác kiến, hủy báng pháp làm bạn thân.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học như thế thì chẳng sanh vào cõi trời trường thọ là nơi chìm đắm trong thú vui và ít có trí huệ. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này thành tựu thế lực phương tiện thiện xảo, do thế lực phương tiện thiện xảo này họ có thể nhập vào các tịnh lự, vô lượng và định vô sắc nhưng không theo thế lực ấy thọ sanh vào các cõi đó. Do được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa giữ gìn nên họ thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, tuy thường đạt được các tầng định nhưng ra vào tự tại và không theo thế lực của các tầng định ấy mà sanh vào cõi trời trường thọ, phế bỏ việc tu tập các diệu hạnh thù thắng của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học như vậy thì đối với mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, vô lượng, vô biên diệu pháp của chư Phật đều được thanh tịnh. Nhờ thanh tịnh họ không bị dừng lại ở địa vị Thanh văn, Ðộc giác.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu bản tánh tất cả các pháp là thanh tịnh thì các vị Đại Bồ-tát vì sao lại được thanh tịnh đối với diệu pháp của Phật?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Tự tánh các pháp xưa nay vốn thanh tịnh. Ở trong tất cả các pháp vốn có tánh thanh tịnh, các vị Đại Bồ-tát siêng năng tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thông suốt như thật, không chìm đắm, không ngăn ngại, xa lìa tất cả phiền não đắm nhiễm cho nên nói Bồ-tát lại được thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện! Tuy bổn tánh tất cả các pháp là thanh tịnh nhưng kẻ phàm phu ngu si không biết, không hiểu. Vì muốn làm cho họ hiểu biết, giác ngộ nên Đại Bồ-tát này tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào pháp nội Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không, an trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, an trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, tu hành bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo, tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ, tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông, tu hành mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng và trí nhất thiết tướng.

Đối với tất cả các pháp có bản tánh thanh tịnh, Đại Bồ-tát này học như vậy nên được thanh tịnh đối với mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác, không rơi vào địa vị Thanh văn, Ðộc giác, có thể thông suốt hoàn toàn tâm hạnh khác nhau của các hữu tình, dùng phương tiện khéo léo giúp cho các hữu tình chứng ngộ được bản tánh các pháp vốn thanh tịnh và chứng đắc được Niết-bàn hoàn toàn an lạc.

Thiện Hiện nên biết! Giống như trên mặt đất, chỗ sanh ra vàng bạc, châu báu có rất ít mà sanh ra đá, cát, ngói, gạch thì nhiều, các hữu tình cũng như vậy ít người có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghĩa là các Bồ-tát trụ vào đại thừa, phần lớn đều học pháp Thanh văn, Ðộc giác là người cầu tự lợi thuộc trung và hạ thừa.

Thiện Hiện nên biết! Giống như trong cõi người, ít người có thể tu nghiệp Chuyển luân vương, phần nhiều đều thực hành nghiệp làm vua nước nhỏ, các loài hữu tình cũng như vậy, ít người có thể tu đạo trí nhất thiết trí, phần nhiều đều thực hành đạo Thanh văn, Ðộc giác.

Thiện Hiện nên biết! Trong số các Bồ-tát cầu mong hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chỉ có ít người chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề còn phần nhiều đều rơi vào địa vị Thanh văn, Ðộc giác.

Thiện Hiện nên biết! Chúng sanh nào trụ nơi Bồ-tát thừa nếu không xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì chắc chắn đạt được địa vị bất thối chuyển, nếu ai xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì chắc chắn sẽ bị thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì vậy, Đại Bồ-tát nào muốn đạt được địa vị Bồ-tát bất thối chuyển, muốn gia nhập vào trong số Bồ-tát bất thối chuyển nên siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không được ngưng nghỉ.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tu học phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy thì trọn đời không phát sanh tâm hành keo kiệt, phá giới, giận hờn, giải đãi, tán loạn, ác huệ, cũng không phát sanh tâm hành tham dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, cũng không phát sanh tâm hành phóng dật, nhầm lẫn và các tội lỗi khác, không phát sanh tâm hành chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước nhãn xứ, cho đến ý xứ, không phát sanh tâm hành chấp trước sắc xứ, cho đến pháp xứ, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước nhãn giới, cho đến ý giới, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước sắc giới, cho đến pháp giới, không phát sanh tâm hành chấp trước nhãn thức cho đến ý thức giới, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước nhãn xúc, cho đến ý xúc, không phát sanh tâm hành chấp trước các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước địa giới, cho đến thức giới, không phát sanh tâm hành chấp trước vô minh, cho đến lão tử, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, không phát sanh tâm hành chấp trước pháp nội Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không, không phát sanh tâm hành chấp trước chơn như, cho đến cảnh giới bất tư nghì, không phát sanh tâm hành chấp trước Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, không phát sanh tâm hành chấp trước tám giải thoát, cho đến mười biến xứ, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo, không phát sanh tâm hành chấp trước pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước Tịnh quán địa, cho đến Như Lai địa, không phát sanh tâm hành chấp trước Cực hỷ địa, cho đến Pháp vân địa, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước năm loại mắt, sáu phép thần thông, không phát sanh tâm hành chấp trước mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, không phát sanh tâm hành chấp trước ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, không phát sanh tâm hành chấp trước pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, không phát sanh tâm hành chấp trước trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước quả Dự lưu, cho đến Ðộc giác Bồ-đề, không phát sanh tâm hành chấp trước tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát, cũng không phát sanh tâm hành chấp trước quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này thực hành phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thấy có pháp nào là pháp có thể nắm bắt được, do không có chỗ được nên họ không phát sanh tâm hành chấp trước các pháp như sắc…

Xem mục lục