Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Tin là một cửa vào căn bản và rộng lớn của kinh Hoa Nghiêm. Kinh nói trong phẩm Hiền Thủ, thứ 12:

Tin là nguồn đạo, mẹ công đức
Nuôi lớn tất cả những pháp lành
Dứt trừ lưới nghi, khỏi dòng ái
Khai thị đạo Niết bàn vô thượng.
Tin không nhiễm dơ, tâm thanh tịnh
Là cội cung kính, trừ kiêu mạn
Là pháp tạng sung túc đệ nhất
Là tay sạch sẽ nhận pháp lành.
Tin hay rộng lượng, không bỏn xẻn
Tin hay hoan hỷ nơi Phật pháp

Tin làm tăng trưởng thêm phước trí

Tin bảo đảm đến được giác ngộ.
Tin khiến sáu căn sạch, sáng, bén
Sức tin kiên cố không hư hoại
Tin hay cắt đứt gốc phiền não
Tin hay chuyển thành công đức Phật.

Bài kệ còn rất dài, chỉ để nói về một chữ Tin. Có thể nói, Tin là Tu, và Tu là Tin. Đức tin này là “pháp tạng sung túc đệ nhất”, nghĩa là gồm đủ tất cả Phật pháp. Như thế, đức tin cũng cần được hỗ trợ bởi tất cả các pháp khác.

Tin làm cho tâm thanh tịnh, vì xóa sạch được sự chấp ngã và chấp pháp, là hai che chướng khiến chúng ta không ngộ nhập được pháp giới Hoa Nghiêm. Tất cả mọi pháp môn trong kinh Hoa Nghiêm đều đặt trên một đức tin căn bản: “Tâm, Phật, và chúng sanh; cả ba không sai khác”.

Chương thứ nhất là những bài kệ tán thán Đức Phật Thích Ca và pháp thân của Ngài là Phật Tỳ-lô-giá-na của các Thiên vương, các Thần vương, các Thần chủ và các Đại Bồ tát. Có thể nói rằng tất cả vũ trụ này, các cõi và các chủ cõi đều tán thán Phật, với lòng sùng tín, sùng mộ không bờ bến. Tán thán Chánh báo, tâm giác ngộ của Phật, và Y báo, quốc độ trang nghiêm với đủ thứ báu trải khắp vũ trụ.

Các Đại Bồ tát tán thán công hạnh của Đức Phật tu khắp Phật pháp, đầy đủ hai sự tích tập trí huệ và công đức.
Như sự cúng dường rộng lớn:

Ngày xưa Phật tu Bồ đề hạnh
Cúng dường mười phương vô lượng Phật.

Công đức:

Công đức Như Lai rộng vô lượng
Tất cả trang nghiêm từ đây sanh.

Các ba-la-mật:

Oai thần của Phật khắp mười phương
Thị hiện rộng lớn vô phân biệt
Hạnh đại Bồ đề ba la mật
Từ xưa đầy đủ đều khiến thấy
Xưa khởi đại bi với chúng sanh
Tu hành Bố thí ba la mật
Do đây thân Phật rất tốt đẹp
Chúng sanh thấy Phật đều mừng rỡ.

Sự thuyết pháp giáo hóa chúng sanh bằng mọi phương tiện khắp pháp giới:

Các ngài nên xem nơi chốn này
Nhiều thứ diệu bảo dùng trang nghiêm
Hiển bày biển nghiệp của chúng sanh
Khiến họ biết rõ chân pháp tánh.
Cùng khắp mười phương tất cả Phật
Những cội Bồ đề đều viên mãn
Tất cả đều hiện trong đạo tràng
Diễn nói pháp Như Lai thanh tịnh.
Tùy lòng ưa thích của chúng sanh
Nơi ấy vang ra tiếng vi diệu

Như trên Phật tòa đã diễn thuyết
Mỗi mỗi pháp môn đều nói đủ.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)

Một khi đạt đến trọn vẹn Pháp thân, mà Pháp thân thì khắp cả vô biên, nên tất cả tích tập trí huệ và công đức của Phật đều khắp cả pháp giới. Sự tu hành của các Bồ-tát về sau là tu hành trong biển ba thân Phật đã thành, trong biển Quả của Phật, Biển Quả ấy là biển công đức, biển trí huệ, biển đại bi, biển đại nguyện, biển đại hạnh…

Tu trong pháp giới Hoa Nghiêm là tu trong biển Quả ấy. Để chứng nghiệm được điều ấy, phải có đức tin và sùng mộ. Tu trong pháp giới Hoa Nghiêm là tu hạnh Phổ Hiền, hạnh (Hiền) mở ra khắp cả pháp giới (Phổ).

Chúng ta thấy mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền có nhiều yếu tố tình cảm hơn yếu tố lý trí . Yếu tố tình cảm là đức tin, lòng sùng mộ, sự nhiệt thành, lòng từ bi… Mười hạnh nguyện Phổ Hiền là: lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, rộng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, vui theo công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, thường theo Phật học, hằng thuận chúng sanh, khắp đều hồi hướng.

Chúng ta thấy động lực đi tham học của Đồng tử Thiện Tài là sự sùng mộ, lòng cầu đạo nhiệt thành đối với pháp thân, thân của tất cả chư Phật. Cũng từ sự sùng mộ Phật và Pháp ấy, Thiện Tài sùng mộ những Đại Bồ tát, những vị thầy, những thiện tri thức trên suốt con đường cầu học.

Thiện Tài đã nghe theo lời dạy của Bồ tát Văn Thù khởi hành từ phương Nam. Cuối cùng gặp lại đức Văn Thù trước khi thấy được Bồ tát Phổ Hiền, mà thân ngài hiển hiện toàn bộ pháp giới Hoa Nghiêm. Trên đường đi, khi gặp gỡ từng vị thiện tri thức, Thiện Tài có những hành động, tình cảm cho chúng ta thấy lòng sùng mộ đối với một vị thầy, từ cách thưa hỏi cho đến sau khi từ giã thì tư duy về vị thầy như thế nào. Với thiện tri thức thì “xu hướng, chiêm ngưỡng, rất tôn trọng, nguyện thường được thân cận để thờ phụng, cúng dường, mong cầu, lòng rất khát ngưỡng…”

Chẳng hạn, khi từ giã trưởng giả Giải Thoát:
“Lúc đó Đồng tử Thiện Tài đảnh lễ dưới chân trưởng giả, đi vòng theo bên phải, quán sát xưng dương ca ngợi, tư duy chiêm ngưỡng, buồn khóc rơi lệ, nhất tâm ghi nhớ nương y thiện tri thức, thờ kính thiện tri thức, do thiện tri thức mà được thấy Nhất thiết trí. Với thiện tri thức chẳng có lòng chống trái, không giả dối. Với thiện tri thức tâm thường tùy thuận. Nơi thiện tri thức tưởng là mẹ hiền vì rời bỏ tất cả pháp vô ích, nơi thiện tri thức tưởng là cha lành vì xuất sanh tất cả pháp thiện. Tư duy rồi từ tạ mà đi”.

“Đồng tử Thiện tài nhất tâm chánh niệm lời dạy của trưởng giả Giải Thoát, quán sát lời dạy, ghi nhớ, tư duy, thâm nhập môn pháp giới không thể nghĩ bàn của trưởng giả…” (Phẩm Nhập pháp giới, thứ 39).

Mỗi lần gặp một thiện tri thức, Thiện Tài được “nhiếp thọ, thủ hộ, được xoa đầu, được nghe, thâm nhập, được an trụ, tăng trưởng…”.

Khi gặp Bồ tát Di Lặc, Thiện Tài được Bồ tát ca ngợi “đã phát Bồ đề tâm, có thể tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, được chư Phật đồng hộ niệm”. Rồi Bồ tát dạy thêm về Bồ đề tâm bằng một lối nói tán thán, sùng mộ. Ở đây chỉ xin ghi ra ít câu:

“Bồ đề tâm như hạt giống vì có thể sanh tất cả Phật pháp. Bồ đề tâm như mặt trăng sáng vì diệt trừ tất cả bệnh lòa vô minh. Bồ đề tâm như cây kềm vì có thể nhổ tất cả gai thân kiến. Bồ đề tâm như đệm ngồi thiền vì có thể mở tất cả dây trói của sanh tử. Bồ đề tâm như tài bảo vì trừ tất cả sự nghèo cùng. Bồ đề tâm như gương sáng vì hiện khắp tất cả hình dạng pháp môn. Bồ đề tâm như mạng căn vì giữ gìn thân đại bi của Bồ tát… Tóm lại, phải biết Bồ đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp”.

“Này thiện nam tử! Bồ đề tâm thành tựu vô lượng vô biên cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết công đức tối cao. Nếu có chúng sanh phát Vô thượng Bồ đề tâm thì được công đức tối cao như vậy. Vì thế ngươi đã được lợi lành lớn, vì ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, đã được công đức lớn như vậy”.

Phát Bồ đề tâm, đi trên con đường Phật đạo thì được sự gia trì của chư Phật, chư Đại Bồ tát:

Mười phương tất cả bậc Tự tại
Thảy đều hộ niệm trí căn bản
An trụ trí này cũng rốt ráo
Tất cả Phật pháp từ đây sanh.
(Phẩm Thập địa, thứ 26).

Tin con đường Phật đạo thì phát được thệ nguyện, và thệ nguyện khiến người tu được chư Phật gia hộ, vào trí địa của chư Phật:
“Chư Phật tử! Thệ nguyện của các Bồ tát khéo quyết định, không tạp, chẳng thể thấy, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, khắp tất cả cõi Phật, suốt khắp cả vị lai, cứu độ tất cả chúng sanh, được chư Phật gia hộ, vào trí địa của chư Phật ba đời”. (Phẩm Thập địa, thứ 26).

Sự phát tâm Bồ đề, phát Bồ tát nguyện, hành Bồ tát hạnh sẽ gặp gỡ và tiếp thông với sự gia trì, gia hộ của chư Phật, chư Đại Bồ tát. Với sự tiếp xúc, tiếp thông ấy, hành giả đi vào và thâm nhập pháp giới Hoa Nghiêm.

Tại sao đức tin, sùng mộ đối với pháp giới Hoa Nghiêm đưa đến sự ngộ nhập pháp giới? Đức tin và sùng mộ đưa chúng ta đến đối tượng, tiếp xúc, tương thông và hòa nhập vào đối tượng. Đây cũng chính là chức năng của thiền định và thiền quán: hợp nhất với đối tượng thiền định và thiền quán. Chính đức tin và lòng sùng mộ đưa chúng ta vào Thập Tín, bước đầu của con đường Bồ tát. Đây cũng là bước cuối cùng của con đường đó, như chúng ta thấy khi Thiện Tài gặp đức Di Lặc, đức Văn Thù và đức Phổ Hiền.

Trong bài kệ của Bồ tát Hiền Thủ nói về Tin ở trên, chúng ta trích thêm một đoạn:

Tin là giống công đức không hư
Tin hay sanh trưởng cây Bồ đề
Tin hay thêm lớn trí tối thắng
Tin hay thị hiện tất cả Phật.
Cứ theo công hạnh nói thứ tự
Tin là hơn hết rất khó được
Ví như trong tất cả thế gian
Nếu thường tin thờ ở chư Phật
Thì hay trì giới và tu học
Thì hay đầy đủ các công đức


Nếu được lòng tin không thối chuyển
Người này sức tin không dao động
Nếu được sức tin không dao động
Thì được sáu căn sạch, sáng, bén

Nếu được hiểu quyết định, tối thắng
Thì được chư Phật thường hộ niệm
Nếu được chư Phật thường hộ niệm
Thì hay phát khởi Bồ đề tâm.

Khởi từ Tin, và cứ lần lượt như vậy, đức tin đi suốt hết con đường Phật đạo:

Thì khắp mười phương chỗ chư Phật
Đáng thọ quán đảnh được vị cao
Nếu khắp mười phương chỗ chư Phật
Đáng thọ quán đảnh được vị cao
Thì được tất cả Phật mười phương
Tay lấy cam lồ rưới lên đảnh.
Nếu được tất cả Phật mười phương
Tay lấy cam lồ rưới lên đảnh.
Thời thân đầy khắp như hư không

An trụ bất động khắp mười phương…

Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy có chương Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, nhưng Thập tín thì không có một chương riêng. Sở dĩ như thế vì Thập tín có mặt trong tất cả mọi chương của kinh, ít nhất từ chương đầu cho đến chương Sơ phát tâm công đức.

Tin và phát tâm đi liền nhau. Tin thì phát tâm, và phát tâm tức là tin. Tin và phát tâm là tin và phát tâm trong ba thân của Phật Tỳ-lô-giá-na; do đó tin và phát tâm bèn tức thời tương ưng với Phật.

“Do phát tâm nên thường được tất cả chư Phật ba đời nhớ nghĩ, sẽ được Vô thượng Bồ đề. Liền được tất cả chư Phật ba đời ban diệu pháp. Liền cùng tất cả chư Phật ba đời thể tánh bình đẳng. Đã tu pháp trợ đạo của tất cả chư Phật ba đời. Thành tựu lực, vô úy của tất cả chư Phật ba đời. Trang nghiêm Phật pháp bất cọng của tất cả chư Phật ba đời. Được trọn vẹn trí huệ thuyết pháp của tất cả chư Phật ba đời”.

“Tại sao vậy? Vì phát tâm như vậy sẽ được thành Phật”.

“Nên biết, người này đồng với chư Phật ba đời, bình đẳng với cảnh giới của chư Phật, bình đẳng với công đức của chư Phật, được trí huệ chân thật, một thân cùng vô lượng thân rốt ráo bình đẳng của chư Phật”. (Phẩm Sơ phát tâm công đức, thứ 17).

Đức tin phá tan những chướng ngại ngăn che, khiến chúng ta có thể trực tiếp ngộ nhập pháp giới Hoa Nghiêm của chư Phật:
“Lúc vừa phát tâm liền được tất cả chư Phật mười phương đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo hóa điều phục chúng sanh trong tất cả thế giới, liền có thể vào tánh của tất cả pháp giới, liền có thể giữ gìn chủng tánh Phật, liền có thể được trí huệ quang minh của tất cả Phật”. (Phẩm Sơ phát tâm công đức, thứ 17).

“Tâm, Phật, và chúng sanh; cả ba không sai khác”. Thế nên, khi tin thanh tịnh, phát tâm thanh tịnh, nghĩa là không có sự ngăn che của bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, không có phiền não chướng và sở tri chướng, khi ấy “liền cùng tất cả chư Phật ba đời thể tánh bình đẳng”.

Tất cả các địa chỉ có một nền tảng là Phật địa, tức là Phật Tỳ-lô-giá-na. Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác đều được thành lập trên Phật địa tức là Phật Tỳ-lô-giá-na vốn đã viên thành. Cho nên ở bất cứ đâu trong các địa, chúng ta đều có thể gặp gỡ, tương thông với Phật địa một cách trọn vẹn. Đó là ý nghĩa những chữ “liền” của tin và phát tâm trong chương Sơ phát tâm công đức.

Ở đây, nói theo tính cách viên dung vô ngại của kinh Hoa Nghiêm, “một Phật địa là tất cả các địa, tất cả các địa là một Phật địa”.

Thế nên khi Bồ tát Pháp Huệ nói về công đức của sơ phát Bồ đề tâm, “có các Bồ tát nhiều bằng số vi trần của mười ngàn cõi Phật phát tâm Vô thượng Bồ đề. Chư Phật đều thọ ký cho họ: qua khỏi ngàn bất khả thuyết vô biên kiếp, đồng xuất thế thành Phật trong một kiếp và đồng hiệu Thanh Tịnh Tâm Như Lai, ở những thế giới khác nhau”.

Khi đã tin và phát tâm được, thì dầu có “ngàn bất khả thuyết vô biên kiếp” cũng chỉ ở trong một Phật Tỳ-lô-giá-na, cũng chỉ ở trong “Tâm, Phật, và chúng sanh; cả ba không sai khác”.

Vì lợi thế gian phát đại tâm
Tâm đó khắp cùng cả mười phương

Chúng sanh, quốc độ, pháp ba đời
Phật và Bồ tát, biển tối thắng
Rốt ráo hư không khắp pháp giới
Chỗ có tất cả những thế giới
Thuận với Phật pháp đều qua đến
Phát tâm như vậy không thối chuyển

Đã trụ Như Lai tánh bình đẳng
Khéo tu vi diệu phương tiện đạo
Nơi cảnh giới Phật sanh tín tâm
Được Phật quán đảnh tâm không bám.
Thường nhớ nghĩ báo ân đức Phật
Tâm như kim cương không chướng ngại
Có thể rõ biết công hạnh Phật
Tự nhiên tu tập hạnh Bồ đề.
(Phẩm Sơ phát tâm công đức, thứ 17).

Với tin thanh tịnh, phát tâm thanh tịnh, phạm hạnh thanh tịnh, người ấy bước ngay vào pháp giới thanh tịnh, tức là Phật Tỳ-lô-giá-na, pháp giới tánh, tức là tánh Không, quang minh, như huyễn. Khi ấy, “lúc sơ phát tâm liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

“Quán sát (thật tướng của tu phạm hạnh) như vậy, nơi thân không chỗ giữ, nơi tu không chỗ bám, nơi pháp không chỗ trụ. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không tịch, không người làm hành động, không kẻ thọ báo, đời này chẳng động chuyển, đời kia chẳng cải đổi. Như vậy, trong đây pháp nào gọi là phạm hạnh? Phạm hạnh từ chỗ nào đến? Của ai? Do ai làm? Là có? Là không? Là sắc? Là chẳng phải sắc? Là năm ấm? Là chẳng phải năm ấm?”.

“Quán sát như vậy, vì pháp phạm hạnh bất khả đắc, vì pháp ba đời đều không tịch, vì chỗ y không thể bám nắm, vì tâm không chướng ngại, vì chỗ hành do phương tiện không hai tự tại, vì thọ pháp vô tướng, vì quán pháp vô tướng, vì biết Phật pháp bình đẳng, vì đủ tất cả Phật pháp. Như đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh”.

“Lại phải tu tập mười pháp, tức là mười trí lực của Như Lai. Phải quán sát mỗi trí lực. Trong mỗi trí lực có vô lượng nghĩa đều phải học hỏi. Sau khi nghe phải khởi tâm đại từ bi, quán sát chúng sanh mà chẳng bỏ lìa, tư duy các pháp không có thôi dứt, thực hành nghiệp vô thượng không cầu quả báo, rõ biết cảnh giới như huyễn mộng, như bóng như vang, như biến hóa”.

“Nều Bồ tát nào được tương ưng với hạnh quán như vậy, ở trong các pháp chẳng sanh kiến giải nhị nguyên, thì tất cả Phật pháp chóng được hiện tiền. Lúc sơ phát tâm liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Biết tất cả pháp là tự tánh của tâm, thành tựu huệ thân giác ngộ chẳng do người khác”. (Phẩm Phạm hạnh, thứ 16).

Bài kệ trong chương Sơ phát tâm công đức chấm dứt bằng bốn câu:

Muốn thấy mười phương tất cả Phật
Muốn ban vô tận tạng công đức
Muốn diệt tất cả khổ chúng sanh
Phải nên mau phát Bồ đề tâm.

Xem mục lục