Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

28. Ðại Sĩ thần quang

 

Phẩm này nói về thần thông, quang minh của các bậc Ðại Sĩ cõi Cực Lạc. Trong các thánh chúng, đặc biệt nêu rõ Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát là cao tột bậc nhất. Oai thần, quang minh, công đức lợi sanh của hai vị đều vượt xa các bậc thánh khác.

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan:

-  Các vị Bồ Tát trong cõi Phật ấy thảy đều nhìn suốt, nghe thấu các việc trong tám phương, trên, dưới, trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Tâm ý thiện ác của chư thiên nhân dân và các loài ngọ nguậy, bò trườn, miệng [họ] muốn nói gì, khi nào [họ] sẽ được độ thoát đắc đạo, vãng sanh [thì các Bồ Tát ấy] đều biết trước cả.  

 Giải: ‘Nhìn suốt’ là thiên nhãn thông. ‘Nghe thấu’ là thiên nhĩ thông. ‘Tâm ý thiện ác, miệng muốn nói gì’ đều biết được cả là tha tâm thông. Biết hết việc trong quá khứ là túc mạng thông; biết việc trong hiện tại, vị lai cũng thuộc về thiên nhãn thông. Do thần thông này có thể biết hết, hiểu rõ các việc chết đây sanh kia trong lục đạo một cách vô ngại. Như vậy, đoạn kinh này nói đến các thần thông của Bồ Tát cõi ấy.

 Chánh kinh: Các hàng Thanh Văn trong cõi Phật ấy thân quang chiếu xa một tầm. Quang minh của Bồ Tát chiếu trăm do tuần. Có hai vị Bồ Tát tôn quý bậc nhất, oai thần, quang minh chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới.

A Nan bạch Phật: ‘Hai vị Bồ Tát ấy hiệu là gì?’

Phật dạy: ‘Một vị tên là Quán Thế Âm, vị kia tên Ðại Thế Chí’.

 Giải: Thánh chúng có đảnh quang và thân quang; quang minh tỏa ra từ nơi thân thì gọi là ‘thân quang’.

‘Tầm’ là đơn vị đo chiều dài, tám thước là một ‘tầm’. Ðàm Loan đại sư lại bảo: ‘Người thôn quê chẳng cần biết dài, ngắn, rộng, hẹp thế nào, cứ gọi khoảng cách giữa hai cánh tay giang thẳng ra là một tầm’.

Thân quang của Thanh Văn chỉ chiếu xa tám thước (thước Tàu, chừng 0.33 cm), thân quang Bồ Tát chiếu xa mấy mươi dặm. Oai thần, quang minh của hết thảy các Bồ Tát trong cõi Cực Lạc đều thù thắng, nhưng riêng có hai vị thượng thủ là cao quý bậc nhất trong hết thảy mọi người. Một vị tên là Quán Thế Âm, một vị tên là Ðại Thế Chí. Quang minh, oai thần của hai ngài chiếu trọn tam thiên đại thiên thế giới.

‘Quán Thế Âm Bồ Tát’ còn được gọi là Quán Tự Tại. Hiểu đại khái, vị Bồ Tát ấy xem thấy người đời xưng niệm danh hiệu của ngài thì rủ lòng từ bi cứu độ nên hiệu là Quán Thế Âm. Quán khắp pháp giới, tùy theo cơ duyên từng người mà tự tại dẹp khổ, ban vui nên hiệu là Quán Tự Tại.

Hiểu cao hơn thì như sách Tâm Kinh Lược Sớ của ngài Pháp Tạng giảng: ‘Quán xét thông đạt cảnh sự lý vô ngại nên đặt tên như vậy (Quán Tự Tại). Lại do ngài tùy theo cơ duyên mà đến cứu, tự tại chẳng bỏ sót nên có tên như vậy (Quán Thế Âm). Cách giải thích thứ nhất là nói về trí, cách giải thích thứ hai là nói về bi’.

Vị đại Bồ Tát này cùng với Ðại Thế Chí Bồ Tát đứng hầu hai bên Phật Di Ðà, giúp Phật giáo hóa, thường gọi là Tây Phương Tam Thánh.

Hiển giáo coi Ðại Sĩ là đệ tử của Phật A Di Ðà, Mật giáo coi ngài là hóa thân của Phật A Di Ðà.

Lại nữa, Quán Âm Ðại Sĩ vốn chính là Chánh Pháp Minh Như Lai như kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Vô Ngại Ðà Ra Ni dạy: ‘Quán Thế Âm Bồ Tát, sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về quá khứ, đã từng thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Ðại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi hết thảy Bồ Tát, vì để an lạc thành thục các chúng sanh nên hiện làm Bồ Tát’.

Kinh Quán Âm Tam Muội cũng nói: ‘Quán Âm thành Phật trước ta, tên là Chánh Pháp Minh Như Lai, ta là đệ tử khổ hạnh’ (ta ở đây là Thích Ca Như Lai).

Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng nói: Quán Thế Âm Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước ở nơi đức cổ Phật Quán Âm Như Lai thọ pháp Như Huyễn Văn Huân Văn Tu Kim Cang Tam Muội. Từ Văn, Tư, Tu nhập tam ma địa, xoay trở lại nghe chính nơi tự tánh, đắc Vô Thượng Ðạo.

Quán kinh bảo trong viên quang trên đảnh của Ðại Sĩ có ‘năm trăm hóa Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi một vị hóa Phật có năm trăm hóa Bồ Tát. Vô lượng chư thiên làm thị giả’‘tướng bạch hào giữa hai mày có màu thất bảo, tỏa ra tám vạn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi một quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật. Mỗi một hóa Phật có vô số hóa Bồ Tát làm thị giả’.

‘Ðại Thế Chí Bồ Tát’: Bồ Tát đại trí, đại thế lực có thể đến hết thảy chỗ nên hiệu là Ðại Thế Chí. Theo kinh Lăng Nghiêm, Ðại Sĩ ‘dùng tâm niệm Phật nhập Vô Sanh Nhẫn… chẳng nhọc phương tiện tự được tâm khai… Nay ở trong cõi này (Sa Bà) nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Ðộ’. Ngài cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát là hai vị hiếp sĩ (7) của Phật Di Ðà.

Quán kinh nói: ‘Dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp hết thảy khiến họ lìa tam đồ, đắc vô thượng lực. Vì vậy, vị Bồ Tát ấy hiệu là Ðại Thế Chí’.

Kinh Bi Hoa nói: ‘Do ông nguyện giữ lấy tam thiên đại thiên thế giới nên nay ta đặt tên ông là Ðại Thế Chí’. Kinh Tư Ích cũng nói: ‘Ta (Ðại Thế Chí Bồ Tát) đặt chân xuống liền chấn động tam thiên đại thiên thế giới và cung điện ma nên có tên là Ðại Thế Chí’.

Quán kinh lại bảo: ‘Vị Bồ Tát ấy lúc đi mười phương thế giới hết thảy chấn động. Ngay trong lúc cõi đất rung động có năm trăm ức hoa báu, mỗi một hoa báu trang nghiêm, cao, rạng như Cực Lạc thế giới’.

Vì thế, Ðại Nhật Kinh Sớ quyển năm chép: ‘Giống như quốc vương, đại thần trong đời oai thế tự tại nên ngài tên là Ðại Thế Chí. Vị thánh giả ấy (Ðại Thế Chí Bồ Tát) đã đạt được địa vị đại bi tự tại đến như thế nên có tên như vậy’.

Quán kinh còn bảo: ‘Trên nhục kế của Ðại Sĩ có một bình báu, chứa đầy các quang minh, hiện đủ các Phật sự. Các thân tướng khác đều giống hệt như Quán Thế Âm không chút sai khác’.

 Chánh kinh: Hai vị Bồ Tát ấy ở trong thế giới Sa Bà tu Bồ Tát hạnh vãng sanh về cõi kia, thường ở hai bên Phật A Di Ðà; muốn đến vô lượng chỗ đức Phật trong mười phương thì cứ nghĩ tới liền đến nơi. Hai ngài hiện sống trong cõi này làm đại lợi lạc. Thiện nam tử, thiện nữ nhân trong đời nếu ai gặp nạn gấp hay sợ hãi thì chỉ cần tự quy mạng Quán Thế Âm Bồ Tát thì không ai là chẳng được giải thoát.

 Giải: Hai vị Bồ Tát ấy đều đã từng ở trong Sa Bà thế giới tu Bồ Tát hạnh, được vãng sanh về cõi kia, làm gương cho mười phương nhân dân, phổ nguyện chúng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Trong câu ‘hiện sống trong cõi này’, ‘cõi này’ chính là thế giới Sa Bà. Hai vị Bồ Tát làm như vậy vì các ngài có nhân duyên sâu đậm với chúng sanh cõi này. ‘Làm đại lợi lạc’ là nhiếp thủ chẳng bỏ người niệm Phật, khiến họ lìa tam đồ, đắc vô thượng lực, cùng sanh Cực Lạc.

Quán Thế Âm Bồ Tát được đời xưng tụng là vị Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn. Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa có nói: Chúng sanh khổ não ‘nhất tâm xưng danh thì Quán Thế Âm ngay lập tức liền xem xét âm thanh ấy, đều giải thoát cho cả’. Kinh còn nói: ‘Vị Bồ Tát Ma Ha Tát này hay ban sự vô úy cho kẻ đang trong sợ hãi, nạn gấp nên thế giới Sa Bà này gọi ngài là đấng Thí Vô Úy’. Vì vậy, ‘nếu có nạn gấp, hãi sợ’ chỉ cần chí thành quy hướng Ðại Sĩ, thiết tha chơn thành trì danh ngài thì đều được giải thoát. Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Xem mục lục