Sự thiền định về Deity Yoga (Bổn Tôn) có hai giai đoạn: phát triển và thành tựu. Tantra Guhyasamāja nói:
Đối với người muốn duy trì giai đoạn phát triển và đạt được giai đoạn thành tựu, Đức Phật tối thượng đã giảng dạy phương pháp này, giống như những bậc của một cái thang.
Con đường Mahamudra (Đại Ấn) năm nhánh sâu xa này là giai đoạn thành tựu của một Tantra mẹ. Vì vậy, khi thực hành giai đoạn phát triển trong thiền định Bổn Tôn, ta cũng phải tu tập một tantra mẹ, trong trường hợp này là Tantra Chakrasamvara bẩm sinh liên quan đến một Bổn Tôn nam. Và khi thực hành giai đoạn thành tựu, ta phải tu tập yoga các giọt vi tế, bốn thân, tám dấu hiệu, các kinh mạch và khí, và v.v.
Để thực hành giai đoạn phát triển, Pháp Vương Jigten Sumgön nói:
Nếu bạn không củng cố vững chắc thân bạn như thân các Bổn Tôn, thì đoàn tùy tùng của các Dakini mẹ sẽ không tụ hội. Vì vậy, hãy củng cố vững chắc thân bạn như Bổn Tôn.
Ngài Tilopa nói:
Sự giảng dạy phương thức an trụ trong thực tại có hai phần: phương pháp để thực hành con đường và các giai đoạn của sự phát sinh kết quả.
Đứng từ một quan điểm khác, sự giảng dạy phương thức an trụ trong thực tại có hai phần, là sự giảng dạy về phương thức an trụ của thân và của tâm. Phương thức an trụ của thân được đặt nền trên năm sự toàn thiện. Liên kết với năm toàn thiện là năm trí tuệ. Chúng là, Tantra Hevajra nói:
Từ mặt trăng, trí tuệ cao quý-như tấm gương; từ mặt trời, trí tuệ nhất như cao quý; từ chủng tự của Bổn Tôn và biểu tượng chính, trí tuệ cao quý của sự chứng ngộ cá nhân; với giai đoạn phát triển viên mãn, trí tuệ cao quý thuộc yếu tố các phẩm tính.
Các học giả nói rằng chúng ta phải phát khởi năm toàn thiện: sự toàn thiện từ nền tảng – tánh Không; sự toàn thiện từ các đĩa mặt trời và mặt trăng; sự toàn thiện từ các biểu tượng của tâm trí tuệ; sự toàn thiện từ các chữ, chúng là những biểu tượng của ngữ; và sự toàn thiện từ thân viên mãn.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Giai đoạn này bao gồm việc tu tập năm toàn thiện. Trước tiên, hãy phát triển Bồ đề tâm tương đối, và nghĩ:
Tôi sẽ dẫn dắt tất cả chúng sinh – các bà mẹ, bao la như không gian – tới sự thành tựu cấp độ của Đức Phật Vajradhara.
Sau đó, hãy phát khởi Bồ Đề tâm tối thượng, và nghĩ:
Om svabhawa shuddha sarva dharma svabhawa shuddho hang.
Mọi hiện tượng trở thành tánh Không; chúng có bản tánh thanh tịnh.
Đó là sự toàn thiện tự nền tảng – tánh Không.
Bốn toàn thiện còn lại được phát triển trong phương cách này: từ trong tánh Không xuất hiện các chữ xếp chồng lên nhau, chữ yam trở thành một mạn đà la gió; chữ ram trở thành một mạn đà la lửa; bam trở thành một mạn đà la nước; lam trở thành một mạn đà la đất; sum trở thành núi Tu Di; pam trở thành một bông sen trăm cánh nhiều màu sắc; āḥ và ram trở thành các đĩa mặt trời và mặt trăng.
Trên mặt trời và mặt trăng có một chày năm chấu màu xanh dương, ở trung tâm của nó là một chữ āḥ hūṃ. Biểu tượng chính – chày màu xanh dương – tượng trưng cho tâm trí tuệ; chữ āḥ hūṃ tượng trưng ngữ. Từ chữ hūṃ, ánh sáng phát ra; nó hoàn thành hai mục đích của bạn và của những người khác và sau đó quay trở lại chữ hūṃ trong chày kim cương. Nhờ sự chuyển hóa hoàn toàn của chày và chữ hūṃ, bạn trở thành Chakrasamvara, trong các phương diện nam và nữ rõ ràng. Đây là toàn thiện thứ năm, nhờ thân viên mãn.
Quán tưởng
Ta phải quán tưởng liên tục khuôn mặt, màu sắc, và v.v.. của Chakrasamvara. Rồi khi đã tin mình là những điều này, ta tan hòa chúng trở lại vào mình. Đây là ý nghĩa của Tantra Hevajra, khi nó nói: “Sự phát triển của gương mặt, bàn tay, màu sắc; từ sự tạo tác đơn thuần của chúng, chúng an trụ.”
Thiền định theo cách sau: quán tưởng mình là Heruka (Kẻ uống máu – một Bổn Tôn phẫn nộ) nam màu xanh dương, xanh như màu của bầu trời không dấu vết, ngài có một mặt và hai bàn tay, cầm chày và chuông. Ở đỉnh búi tóc trên đầu ngài là một viên ngọc trí tuệ như ý. Trên đó là một cái chày năm chấu, bên trái chày là một mặt trăng lưỡi liềm. Đầu của Heruka trang điểm năm đầu lâu khô. Cổ ngài đeo một dây chuỗi bằng ruột người, trên đó treo đầu người còn tươi, máu chảy nhỏ giọt. Ngài được trang điểm với sáu biểu tượng và sáu vật trang sức bằng xương, hạ y làm bằng da cọp. Chân phải ngài duỗi ra đứng giữa ngực của Dutsen và chân trái đạp lên đầu Jikche. Ngài làm chín cử chỉ: ba cử chỉ thuộc về thân – duyên dáng, quả cảm, và xấu xí; ba thuộc ngữ: vui vẻ, hung nộ và khủng khiếp; ba thuộc tâm: bi mẫn, ghê sợ, và an bình.
Hãy thiền định chính mình là Heruka có chín cử chỉ này. Trong lòng ngài là Vajrayogini nữ màu đỏ với hai mặt. Tóc bà được búi lại trên đỉnh đầu, trên đó là một nửa cái chày; một núm tua rủ xuống ở phía sau từ đầu tới chân. Khuôn mặt chính trông hung tợn với ba con mắt và những chiếc răng lưa thưa nghiến chặt; bà hớp mật ong từ môi Heruka. Đằng sau tai phải là khuôn mặt của một con heo; với những âm thanh ùng ục, bà áp đảo ba cõi và chiếu rọi ba sự hiện hữu. Vajrayogini (Kim Cương du già Nữ) cầm trong tay phải một lưỡi dao cong đưa ra tới vai trái của Heruka. Cánh tay trái choàng quanh cổ Heruka; bàn tay trái cầm một tách sọ người đầy máu mà bà dâng cho Heruka. Bà đeo một đồ trang sức đầu gồm năm đầu lâu khô, một vòng đầu người còn tươi cũng như năm biểu tượng và các đồ trang sức bằng xương. Bên cạnh bàn chân phải của Heruka, bàn chân trái bà cũng đạp lên giữa ngực Dutsen. Chân phải bà quấn quanh eo Heruka. Trên trán mỗi ngài có một chữ om; ở cổ họng các ngài là chữ āḥ; ở tim Heruka là chữ hūṃ và tim Vajrayogini là chữ bam.
Ánh sáng từ mỗi chữ chiếu ra, mời thỉnh các hiện thể trí tuệ thực sự như những vị mà bạn đã quán tưởng; các ngài xuất hiện và trở thành một với hiện thể thệ nguyện. Một lần nữa, ánh sáng chiếu ra từ những chữ, cầu thỉnh chư Phật của năm dòng hay bộ. Các ngài xuất hiện và ban các quán đảnh, làm tràn đầy thân bạn (được quán tưởng là một với Heruka) với cam lồ trí tuệ, tẩy sạch mọi sự ô nhiễm. Cam lồ trí huệ tràn đầy biến thành Đức Phật Akshobhya (A Súc Bệ Phật, Phật Bất Động) trên đầu bạn và biến thành Đức Phật Vairochana ( Đức Phật Tỳ Lô Giá Na) trên đầu của Vajrayogini (Kim Cương Du già Nữ). Rồi chư Phật của năm bộ tan hòa vào bạn.
Tantra Guhyasamaja nói:
Như tất cả Chư Phật và các Đấng Chiến Thắng, như các Daka và Dakini, và như tất cả chư Bồ tát, bạn phải tự an lập một cách toàn hảo.
Theo cách này, ba vị trí được thành tựu.
Những gia hộ chúng ta cần thì thuộc về thân và ngữ. Đối với sự gia hộ thuộc về thân của ta, người ta nói rằng bản tánh của sắc uẩn là Vairochara (Tỳ Lô Giá Na); bản tánh của thọ uẩn là Dorje Nyima; bản tánh của tưởng uẩn là Pema Gargi Wangchuk; bản tánh của hành uẩn là Dorje Gyalpo; và bản tánh của thức uẩn là Vajrasattva. Bản tánh của bản thân ta như Bổn Tôn chính là năm bộ Phật.
Một sự quán tưởng đi kèm theo sự gia hộ của thân ta: ở rốn của Vajrayogini là một Dorjepakmo đỏ; nơi tim ngài là một Shinjema xanh dương; nơi cổ họng ngài là một Monchyema trắng; nơi trán ngài là một Gyonchema vàng; nơi đỉnh đầu ngài là một Trakchema xanh lá cây; và ở tất cả tứ chi ngài là các Tsantika màu khói. Bản thân Heruka và Vajrayogini thì mỗi vị đều có Bổn Tôn bảo hộ.
Để nhận lãnh sự gia hộ về ngữ, ta cần trì tụng các thần chú là cốt tủy và cốt tủy nội tại của Heruka và Vajrayogini trong phương diện cha và mẹ. Thần chú cốt tủy của Heruka là: “Om shri vazra he he ru ru kam hūng hūng phat; dākini zwala samwaram svāhā. Cốt tủy nội tại của ngài là: “Om hri ha ha hūng hūng phat.” Tâm chú của Vajrayogini là: “Om om om sarva Buddha dākiniye; vazra warnaniye; vazra verotsaniye; hūng hūng hūng phat phat phat svāhā.” Cốt tủy nội tại của ngài là “Om vazraverotsani hūng phat.” Nếu như bạn trở nên mệt mỏi khi trì tụng, hãy an trụ tâm bạn trên ý nghĩa của sự thiền định.
Luận giải về Giai đoạn Phát triển
Có ba khẳng định khác nhau về giai đoạn này. Một số người nói rằng nó là sự tưởng tượng, một số cho rằng nó được gia-lực, và vẫn còn một số người nói rằng nó hoàn toàn được kiến lập. Theo quan điểm của hệ thống riêng của chúng ta thì giai đoạn phát triển không phải là sự tưởng tượng. Đó là bởi nếu giai đoạn này không thực sự hiện hữu theo một cách nào đó thì sự quán tưởng sẽ không có năng lực; trong khi nó thực sự có năng lực. Hơn nữa, theo quan điểm của chúng ta, giai đoạn phát triển không được gia lực, bởi nó không luôn luôn tùy thuộc vào các điều kiện khác. Chúng ta tin rằng giai đoạn phát triển thì hoàn toàn được kiến lập.
Tantra Guhyasamaja nói:
Nói tóm, phải biết rằng năm uẩn là năm Đức Phật, phải biết rằng suối nguồn kim cương là mạn đà la tối thượng của chư Bồ tát, địa đại là Đức Phật Lochara (vị Phật nữ biểu thị cho yếu tố đất của tất cả các chư Phật) ; thủy đại là Mamaki (vị Phật nữ biểu thị cho yếu tố nước của tất cả các chư Phật), hỏa đại là Pandara Vasini (vị Phật nữ biểu thị cho yếu tố lửa của tất cả các chư Phật) trắng, và phong đại là Samaya Tara (vị Phật nữ biểu thị cho yếu tố lửa của tất cả các chư Phật). Cần phải xác quyết rằng tất cả các sắc tướng, âm thanh, hương vị, và v.v.. là các Bổn Tôn Mật thừa.
Để thiền định về ý nghĩa của điều này, ta có thể tuân theo ba thực hành tinh thần: / thiền định về sắc tướng trong sáng; / chánh niệm về sự thanh tịnh của sắc tướng; và / hộ trì vững chắc về sự toàn thiện-kim cương rằng chính mình là Bổn Tôn.
i- Thiền định về Sắc tướng Trong sáng
Sắc tướng trong sáng (hay chói lọi) không phải là sắc tướng kết hợp bởi thịt và máu. Sắc tướng trong sáng (hay thân xác) được hiểu là ba trong ví dụ của ảo tưởng. Ngài Long Thọ nói:
Trong thân thể bạn không là không gian trống rỗng,
Không là thịt, máu hay xương,
Không là ý thức về đói khát,
Không là các bộ phận thanh tịnh và bất tịnh;
Hãy coi chúng như một cầu vồng trên bầu trời.
Trong Tantra Dākini Vajrapanjara, Đức Phật nói:
Bất cứ ai thiền định về thân tướng ta như một sắc thân huyễn hóa hay như một giấc mộng, người ấy có sự thực hành thanh tịnh; trở nên hoàn toàn quen thuộc với điều này, một hành giả như thế sẽ trực tiếp nhìn thấy ta.
Và Đức Phagmo Drupa Vinh Quang nói:
Chúng ta thiền định về thân tướng của Bổn Tôn giống như một cầu vồng để loại bỏ quan niệm về tính chất thông tục.
Vì vậy, hãy thiền định về sắc tướng trong sáng của Bổn Tôn như không có sự hiện hữu thực sự, giống như một cầu vồng.
ii- Chánh niệm về sự thanh tịnh của sắc tướng
Thực hành chánh niệm về sự thanh tịnh của sắc tướng có hai biến thể, sự thanh tịnh của các dấu hiệu tự nhiên (Sắc Thân) và sự thanh tịnh của tánh Không (Pháp Thân). Đây là ý nghĩa của công đức và trí tuệ, là các nguyên nhân.
a/ Chánh niệm về sự thanh tịnh của các dấu hiệu tự nhiên. Tantra Hevajra nói:
Ở đỉnh đầu của Bổn Tôn được quán tưởng là Đức Phật Bất Động; ở cổ họng là Đức Phật Bảo Sanh; ở bàn tay là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na; ở eo lưng là Đức Phật Bất Không Thành Tựu; ở cánh tay và chân là Đức Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa).
Như vậy hành giả thiền định về ý nghĩa của Bổn Tôn (Heruka) như được trang điểm bằng sáu món trang sức. Hãy nghĩ tưởng rằng chất thể của mỗi món trang sức của Bổn Tôn thì thanh tịnh. Theo cách này bạn sẽ đạt được mỗi kết quả của Phật quả – viễn ly và thuần thục. Nếu sự thiền định của bạn không kiên cố, những kẽ hở và lầm lạc sẽ phát sinh và trái quả sẽ không xuất hiện,
b/ Chánh niệm về sự thanh tịnh chính là tánh Không. Ngài Nāropa nói:
Sắc tướng và tánh Không –
Tánh Không và sắc tướng;
Hãy phân biệt hai thứ này là không hai,
Như mặt trăng trong nước.
Điều này nhắc chúng ta rằng ta phải hiểu giai đoạn phát triển không thực sự hiện hữu. Nếu quên điều này, chúng ta sẽ trở nên dính mắc vào sắc tướng đặc biệt – sau khi đã từ bỏ sắc tướng thông thường.
iii- Xác tín vững chắc vào sự toàn thiện-kim cương rằng chính mình là Bổn Tôn
Đây là một chú tâm kiên định vào sự toàn thiện của Bổn Tôn, được sánh với tính chất thuần tịnh và rắn chắc của một viên kim cương, và sự chú tâm không lay chuyển rằng chính mình là vị Bổn Tôn đó. Khi theo đuổi thực hành này, ta phải tin chắc mọi sắc tướng đều là thân tướng của Bổn Tôn, tin chắc mọi âm thanh là ngữ của Bổn Tôn, và tin chắc mọi tâm thức là tâm của Bổn Tôn. Tantra Hevajra nói:
Nếu hành giả đang theo đuổi phương pháp thực hành tinh thần này - yoga về sự vô ngã, nỗ lực của Heruka – thì ngay cả một chốc lát của sự thực hành khác cũng sẽ gây cản trở cho việc thành tựu kết quả.
GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU
Nếu thiền giả đi vào Tịnh quang bằng tiến trình từ từ hòa tan sau khi thiền định về sự hiện hữu không thực có, thì vào lúc cuối của thời khóa, người ấy thu thập mọi sự thành tánh Không.
Tantra Guhyasamāja nói:
Mọi sự từ đỉnh đầu tới chân tan lẫn vào trái tim; bạn đi vào yoga toàn thiện (thiền định về tánh Không). Đây là giai đoạn được gọi là hộ trì hoàn toàn. Mọi chúng sinh và các hiện tượng khác tan hòa vào Tịnh quang và sau đó tan hòa vào bạn; rồi chính bạn, như Bổn Tôn, tan hòa vào trái tim bạn. Đây là giai đoạn được gọi là hậu-tan lẫn. Giống như sương mù trên một tấm gương phai mờ đi ở khoảng giữa gương và biến mất, mọi sự cũng vậy – mạng lưới của sự hiển lộ huyễn hóa - tan hòa vào tịnh quang của tánh Không. Giống như người ta dễ nhìn thấy cá trong nước trong, mọi sự cũng vậy – mạng lưới của sự hiển lộ huyễn hóa – xuất hiện từ tịnh quang của tánh Không.
Nhờ ánh sáng của tâm đang chiếu sáng trong tim bạn, mọi hiện tượng và chúng sinh hình thành đồng thời và tan hòa vào bạn. Nền tảng của bạn (sư tử, Pháp tòa, mặt trời, mặt trăng, và v.v.) và chính bạn tan hòa thành chữ hūm ở tim bạn. Rồi chữ hūm cũng tan hòa; dấu nguyên âm u tan hòa thành chữ gốc ha, nó tan thành đường vạch ở đầu chữ, nó tan thành đường cong ở trên nó; rồi tan thành vòng tròn, vòng tròn tan thành vạch quăn ở đỉnh. Vạch quăn vỡ ra thành một trăm ngàn mảnh, mỗi mảnh tan ra cho tới khi toàn thể chữ tan hòa vào tánh Không.
Hãy quán sát tánh Không đó. Hãy tỉnh thức về nó. Hãy kinh nghiệm vị bình đẳng của mọi hiện tượng trong tánh Không.