Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

[237]     Chúng ta đã bàn sự đồng khởi của tâm, đồng khởi của tư tưởng, và đồng khởi của hiện tướng, cũng như những phương pháp để chỉ ra ba phương diện này trong kinh nghiệm. Một khi điều này đã được chỉ ra, bấy giờ chúng ta tham thiền về tâm. Tuy nhiên đôi khi sự tham thiền của chúng ta đi lạc, và có lúc, dần tiến hành tốt, nó lại không đầy đủ. Nếu hiểu những khuyết điểm tiềm tàng của tham thiền, chúng ta có thể tránh chúng và khi dạy cho người khác, chúng ta có thể giúp họ loại bỏ những lỗi lầm. Bản văn đi vào những chủ đề này trong một số chi tiết.

Khuyết điểm trong tham thiền không đúng

NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA THIỀN CHỈ TỐT

Bản văn bắt đầu bằng cách bàn luận ba phẩm tính tích cực của thiền chỉ. Thứ nhất là samadhi. Samadhi bao gồm kinh nghiệm những cảm giác thích thú của thân và tâm, sự sáng suốt cực độ, và vô niệm. Khi kinh nghiệm Samadhi chỉ ra thiền chỉ hoàn hảo, để khai triển đại ấn trọn vẹn, chúng ta phải đem những tính cách quyết định của tham thiền hoàn hảo đến chỗ trọn vẹn.

Phẩm tính thứ hai của tham thiền hoàn hảo là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm, Bodhicitta, có nghĩa “tâm của giác ngộ”. Phát Bồ đề tâm nghĩa là tham thiền của chúng ta phải được nối kết với một động lực cực kỳ trong sạch. Tham thiền thì rất thích thú, và chúng ta thực hành để kinh nghiệm chỉ cảm giác thú vị này thôi. Nhưng hạnh phúc này chỉ là tạm thời. Một tham thiền vững chắc không nhất thiết loại bỏ những phiền não hay mang đến những phẩm tính tốt của người giác ngộ trọn vẹn. Chúng ta phải thực hành theo cách loại bỏ mọi phiền não và hoàn thành mọi phẩm tính tốt.

Quan trọng hơn, nếu hoàn thành giác ngộ cho chỉ mình chúng ta thì không thể chấp nhận. Trong chỉ thế giới này, có hàng tỷ tỷ chúng sanh người và thú – trên núi, trong rừng, nơi cánh đồng, trong biển cả. Đối với những chúng sanh ấy hạnh phúc thì cực kỳ hiếm. Họ kinh nghiệm khổ đau lớn lao và không được che chở. Nếu tôi hoàn thành giác ngộ trọn vẹn của một vị Phật, tôi phải có khả năng và can đảm giải thoát cho những chúng sanh khác và chỉ cho họ con đường dẫn đến thoát khỏi khổ đau của sanh tử. Đây là thái độ chúng ta cần có khi hành thiền. Nếu chúng ta thực hành với thái độ này, nó sẽ là một thực hành rất thanh tịnh dẫn đến những kết quả rộng lớn; nếu chúng ta không suy nghĩ theo cách này, kết quả sẽ không bao la.

Có tham thiền vững chắc và tâm của giác ngộ là tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần một phẩm tính thứ ba, đó là chứng nghiệm tánh Không và vô ngã. Nếu chứng ngộ tánh Không chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn mọi phiền não và trí huệ chứng ngộ hoàn hảo và rõ ràng bản tánh của những hiện tượng sẽ hiển lộ. Không hiểu tánh Không, sự tham thiền của chúng ta sẽ làm yếu những khuôn khổ thói quen của phiền não một cách tạm thời nhưng sẽ không loại bỏ chúng.

Để chứng ngộ những chỉ dạy tinh túy của đại ấn và sự đồng khởi của tư tưởng và hiện tướng, chúng ta cần nhận biết không chỉ tâm an định, mà còn bản tánh của tâm ấy. Chúng ta cần hiểu tâm an định là thế nào không chỉ qua suy luận mà còn qua quan sát trực tiếp. Và khi chúng ta chứng ngộ trực tiếp tánh Không, chúng ta thấu hiểu bản tánh của những hiện tượng. Bởi thế, thêm vào hoàn thành thiền chỉ và phát Bồ đề tâm vĩ đại, chúng ta cũng cần thiền quán chứng ngộ bản tánh của những hiện tượng. Khi chúng ta có một số kinh nghiệm về ba phẩm tính Samadhi, Bồ đề tâm và thiền quán này, chúng ta có tham thiền có phẩm tính trọn vẹn.

Cũng rất tự nhiên khi cần kinh nghiệm những vấn đề rắc rối và lỗi lầm trong tham thiền. Sở dĩ như vậy vì chúng ta không hiểu Pháp rõ ràng, hay vì chúng ta đã ở với thầy chỉ một thời gian ngắn. Như một kết quả của những vấn đề rắc rối, chúng ta có thể trở nên kém chắc chắn về cái chúng ta đang làm, hay tham thiền của chúng ta trở nên loãng nhạt. Khi điều này xảy ra, sức mạnh tham thiền và chánh niệm giảm. Chúng ta có thể thậm chí đánh mất những điểm thiết yếu của tham thiền đến mức cái chúng ta làm không xứng đáng với tên “tham thiền”. Nhiều loại hiện tướng có thể sanh khởi và chúng ta nghĩ, “Điều này thật lạ lùng. Chúng là những dấu hiệu của tham thiền hảo hạng”, trong khi thật ra không phải vậy.

Nếu chúng ta hiểu những loại lỗi lầm ấy, chúng ta có thể xua tan chúng khi chúng đến. Dù nếu chúng không xảy ra, hiểu biết về chúng vẫn rất ích lợi.

NHỮNG LỖI LẦM DO THIẾU THIỀN QUÁN

Thiền chỉ của chúng ta có thể tiến hành cực kỳ tốt – thậm chí đến điểm hoàn thành phần nào thiên nhãn. – nhưng nếu không thực hiện trọn vẹn thiền quán, thật tánh của tánh Không của tự ngã và của những hiện tượng, chúng ta sẽ không hoàn thành thiền quán. Trong đoạn này chúng ta sẽ bàn luận những lỗi lầm hay khuyết điểm sanh khởi từ không hoàn thành thiền quán đích thật.

[238]     Tham thiền của một số học trò có thể lỏng lẻo, bởi vì họ không thấm nhập đầy đủ những chỉ dạy của thầy, họ không thể nhận biết những lỗi lầm trong tham thiền của họ. Dù họ có một thoáng thấy nào đó về đại ấn, họ không chắc chắn, và bắt đầu đánh mất nội quán đã có. Dần dần chánh niệm và cảnh giác của họ trở nên lỏng lẻo, và họ nghĩ kinh nghiệm tham thiền họ có là tham thiền đích thực, trong khi thật ra họ đang lang thang vào một ngõ hẻm mờ tối và lạc lối.

Lỗi lầm khác là cho phép sự nặng nề tối tăm của tâm sanh khởi và tăng trưởng. Dần dần những đối tượng thường xuất hiện với những thức giác quan trở nên mơ hồ không rõ ràng. Mắt không thấy sắc, tai không nghe âm thanh một cách thích đáng. Cuối cùng họ không thấy sắc hay nghe thanh chút nào. Các thức trở nên không rõ ràng và ngừng hoạt động. Dầu không đi đến mức cực độ này, nếu mất chánh niệm, một học trò sẽ cho phép tâm mất quang minh và sự sắc bén của nó, người ấy không tham thiền một cách thích đáng.

Lỗi lầm thứ ba xảy ra khi có sáng tỏ đích thực cho tâm, nhưng những phẩm tính chánh niệm cảnh giác không duy trì thích đáng được. Có một sự sống động, nhưng sự tỉnh giác của tâm về chính nó thì thiếu. Trong trường hợp này, tham thiền không tốt cũng không xấu – nó rơi vào một khoảng giữa, trung tính, vô ký, không ích lợi cũng không có hại đặc biệt.

Những lỗi lầm trở nên càng lúc càng vi tế hơn. Một lỗi lầm nữa là nghĩ rằng tham thiền về đại ấn chỉ đơn giản là một trạng thái trong đó vắng mặt tư tưởng. Thiền giả có thể khám phá không gian trung gian giữa sự tiêu tan của một tư tưởng và sự sanh khởi của một tư tưởng mới và nghĩ rằng an trụ trong không gian này là tham thiền đại ấn. Trong trạng thái ấy không có tỉnh giác về cái gì cả và không phẩm tính thực của chánh niệm hay hiểu biết. Đó không phải là tham thiền đích thực. Tính chất thiết yếu của thiền quán là trong sáng, xác quyết, hiểu biết nào đó về cách hiện hữu thực của tâm. Nếu hiểu biết xác thực ấy mà thiếu, thì thiền quán cũng thiếu như vậy. Trong thiền quán chúng ta biết rằng tâm là trống không và tánh Không ấy không phải là một cái không không có sự sống. Chính một tánh Không trong đó thích hợp để biết, thấy, tri giác và cảm nhận. Nếu chúng ta chưa khám phá tánh Không ấy, chúng ta chưa tìm thấy thiền quán đại ấn.

[240]     Bản văn diễn tả ba loại kinh nghiệm tạm thời có thể khiến thiền giả nghĩ, “tôi đã khám phá điều gì thực sự đáng kể và sâu xa. Đây là tham thiền đích thực”, và giải thích tại sao những kinh nghiệm này không phải là thiền quán đại ấn thật sự. Thứ nhất có kinh nghiệm tạm thời trong đó tâm có một cảm giác rất mạnh về lạc và an trụ trong trạng thái lạc ấy. Thứ hai, có kinh nghiệm tạm thời về tánh Không; thiền giả có thể thoát khỏi tư tưởng quá khứ, hiện tại, tương lai và an trụ trong sự không có tư tưởng ấy. Thứ ba, có kinh nghiệm tạm thời về sự xuất hiện quang minh, trong đó tâm có vẻ sở hữu đầy đủ những khả năng phi thường của nó đến độ thiền giả nghĩ, “tôi có thể thấy mọi sự bây giờ. Tôi có thể thấy những thứ ở xa. Tôi có thể thấy bên trong đầy đủ và rõ ràng. Mọi sự giờ đây trong sáng sống động với tâm tôi.” Chúng ta có thể có những kinh nghiệm ấy hoặc riêng hoặc phối hợp với nhau. Chúng rất hấp dẫn, nhưng điều cốt yếu thì thiếu. Cái thiếu là hiểu biết xác quyết về cách thế hiện hữu thực sự của tâm, nó là tính chất căn bản của thiền quán. Ở Tây Tạng hiểu biết xác quyết này được nói là “tâm đã nhìn thấy mặt của chính nó”, hay “tâm đã cắt gốc rễ của chính nó.”

NHỮNG LỖI LẦM DO THIẾU THIỀN CHỈ

Tham thiền của chúng ta có thể đến mức độ thiền quán nào đó nhưng thiếu thiền chỉ. Khi như vậy, thiền quán không trở nên rất mạnh. Trong thiền chỉ, những tư tưởng của chúng ta được bình lặng ngay tức thì, và tâm ở yên bằng phẳng và bình an. Không có loại thiện xảo tham thiền này, những tư tưởng sanh khởi sẽ có vẻ là những chướng ngại – thậm chí những tư tưởng rất vi tế cũng có vẻ làm đứt đoạn và đe dọa tham thiền. Bấy giờ rất khó tham thiền dù một thời gian ngắn. Người mới bắt đầu sẽ kinh nghiệm về loại rắc rối này của tâm và sẽ không thể an trụ dễ dàng. Thế nên tu hành thiền chỉ để nâng cấp sự vững chắc của tâm là điều quan trọng.

NHỮNG PHÊ BÌNH CỦA SAKYA PANDITA

[241]     Ánh trăng Đại Ấn ghi lại nhiều ý kiến bác bỏ của những vị khác mà tôi không bàn luận chi tiết ở đây bởi vì chúng không thích đáng cho việc thực hành tham thiền. Tuy nhiên, những bác bỏ ấy được sử dụng cho một mục tiêu quan trọng.

Sakya Pandita, một học giả uyên bác và đặc sắc với những phẩm tính tốt phi thường, đã viết hai luận đặc biệt bao gồm những phản bác của những học giả Tây Tạng khác. Luận thứ nhất về cái biết vững chắc, pramana tiếng Sanskrit, và luận thứ hai về ba nguyện – nguyện giải thoát cá nhân của Tiểu thừa, nguyện Bồ đề tâm của Đại thừa, và nguyện của Kim cương thừa. Trong luận thứ hai này, Sakya Pandita ghi nhiều phản bác về đại ấn của phái Kagyu. Những phản bác này về thực hành sai lầm đại ấn nhưng không phải về bản thân đại ấn. Ngài chỉ ra những vấn đề rắc rối và lỗi lầm của những người đã nghĩ sai lầm rằng họ đã chứng ngộ đại ấn – Những người lầm lẫn những cấp độ khác nhau mà chúng ta đã bàn, những người tin rằng họ đã khám phá bản tánh sâu xa của sự vật nhưng thật ra chưa, và những người đã nhận lãnh những thực hành không phải là phương pháp đích thực. Cuốn sách của Sakya Pandita đã chứng tỏ cực kỳ lợi ích.Ánh trăng Đại Ấn trả lời nhiều điểm này, soi tỏ những khuyết điểm và những ưu điểm của việc dạy đại ấn.

Trong luận về ba nguyện, Sakya Pandita viết, “Nếu một người ngu tham thiền đại ấn, người ấy chắc chắn sanh làm thú vật hoặc kết thúc trong cõi vô sắc.” Nhận xét này không phát hiện khuyết điểm nơi những chỉ dạy đại ấn mà ở nơi người thực hành không hiểu biết. Thật ra điều này đúng với bất kỳ tham thiền nào, chẳng phải chỉ đại ấn. Nếu chúng ta thực hành mà không biết và không hiểu thực hành thế nào cho đúng, hay nếu chúng ta gây ra lỗi lầm và không biết chúng là những lỗi lầm, những việc như vậy sẽ xảy đến. Thế nên nhận biết những lỗi lầm và không tạo ra chúng là điều quan trọng.

Những khuyết điểm của tham thiền nghiêng lệch

       Đến đây chúng ta đã thảo luận những trạng thái lỗi lầm của tham thiền trong đó học trò tạo ra một sai lầm, không biết nó, và đi chệch hướng. Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận tham thiền không đầy đủ, khiến cho chỉ một số nhân tố quan trọng là kinh nghiệm được.

Thí dụ thứ nhất là tham thiền trong đó Samadhi thì trong sáng, rõ ràng và quang minh, và chúng ta có cảm giác những sự vật là trống không. Cảm giác chủ quan này về tánh Không thì rất hấp dẫn, nhưng nó không giống như cái hiểu chân thật những sự vật y như chúng là. Có một khác biệt thật sự giữa cảm giác thoáng qua này về tánh Không và hiểu biết hoàn toàn chắc chắn, thấu suốt, xác quyết rằng những sự vật không hiện hữu như chúng xuất hiện. Nếu khuyết điểm này xảy ra, chúng ta cần khảo sát tâm chúng ta và thấy rõ ràng và trực tiếp rằng sự vật là không có hiện hữu nội tại nào. Chúng ta cần hiểu với sự chắc chắn trọn vẹn rằng tâm chúng ta không có hiện hữu về phần nó.

Một thí dụ thứ hai là tham thiền trong đó chúng ta đã khai triển một chắc chắn về tánh Không nhưng lại tin một cách sai lầm rằng cần dừng tư tưởng và hiện tướng. Ở điểm này chúng ta phải hiểu rằng những tư tưởng và hiện tướng là trí huệ đồng khởi và mục đích không phải là sự tĩnh lặng của tâm trong trạng thái không có tư tưởng hay hiện tướng. Với quan điểm những tư tưởng và hiện tướng phải được dừng lại, chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng chúng là những kẻ thù, và tham thiền của chúng ta trở nên nóng giận. Để tránh rơi vào sự hiểu lầm ấy, chúng ta cần hiểu tư tưởng đồng khởi và hiện tướng đồng khởi, để cho những tư tưởng có sanh khởi hay không, chúng ta có thể nhận biết nó là trí huệ đồng khởi.

Nếu chúng ta tin rằng tư tưởng trái nghịch với chứng ngộ, những rắc rối có thể sanh khởi trong hậu tham thiền. Bởi vì những tư tưởng và hiện tướng có thể bị đình hoãn trong tham thiền, chúng ta không thể dừng chúng khi rời bỏ ngồi thiền và trở lại với những hiện tướng của đời sống hàng ngày. Hòa nhập sự thực hành vào đời sống hàng ngày sẽ không được nếu hiện tướng và tham thiền không tương thích với nhau.

Chứng nghiệm tham thiền không khuyết điểm

[243]     “Sự vật như chúng là” ám chỉ tánh Không và thực tại. Trong đại ấn chúng ta không ám chỉ tánh Không của những hiện tượng bên ngoài mà là tánh Không của tâm. Thấu hiểu tánh Không của tâm và thực tại thì hơi khác với thấu hiểu tánh Không của những hiện tượng bên ngoài. Tánh Không của những hiện tượng bên ngoài có thể được hiểu qua cái biết do suy luận nhưng nó không thể được chứng ngộ trực tiếp. Hiểu tánh Không qua suy luận phải mất một thời gian, thế nên hành trình thì dài. Tánh Không của tâm thì chứng ngộ khá dễ hơn tánh Không của những hiện tượng bên ngoài. Tánh Không của tâm được chỉ ra trong cái mà những dòng guru dòng Karma Kagyu gọi là tâm bình thường (TT. Tamal gyi shepa)

Cách tốt nhất để hiểu tâm bình thường là nghĩ rằng “tâm như nó là”. Một số người nghĩ tâm bình thường có nghĩa là một tâm có những phiền não, nhưng đó không phải là cái chúng ta muốn nói ở đây. Tâm bình thường nghĩa là tâm trống không và quang minh. Chỉ khi chúng ta bắt đầu đụng chạm uốn nắn tâm mà chúng ta trở nên mê mờ và lầm lỗi, và phiền não sanh khởi. Thế nên khi nói đến tâm bình thường, chúng ta đang nói đến một tâm không cần phải thiết kế, chế tạo, và để y nguyên như nó là.

TẠI SAO NÓ ĐƯỢC GỌI LÀ TÂM BÌNH THƯỜNG

[244]     Từ “tâm bình thường” được áp dụng cho bản tánh chân thật của tâm bởi Gampopa và những thiền giả vĩ đại và thành tựu khác. Ý của các ngài là, khi chúng ta thực hành đại ấn, chúng ta không tìm cách khôi phục lại cái gì bị che đậy, không cố gắng vứt bỏ những chướng ngại ngăn chúng ta có được cái gì. Thay vì thế, chúng ta chỉ đơn giản tìm kiếm bản tánh của tâm chúng ta, nó ở ngay trong tâm chúng ta. Có cái gì dễ đi vào hơn nó?

Chúng ta dễ nghĩ rằng bản tánh của tâm thì cực kỳ tinh tế, cực kỳ tinh khiết, hoàn toàn phi thường, và chúng ta cần xa lánh mọi sự cũ kỹ và quen thuộc để đến một cái gì chưa từng kinh nghiệm trước đây. Nhưng như thế là thiết kế, tạo tác; chúng ta sẽ không bao giờ khám phá bản tánh của tâm theo cách ấy. Thế nên để xua tan những quan niệm sai lầm như vậy, từ tâm bình thường được dùng để chỉ rằng nó đang và đã luôn luôn chỉ là bản tánh của tâm không có bất kỳ sửa sang tạo tác nào.

NHỮNG TÍNH CÁCH CỦA TÂM BÌNH THƯỜNG

[245]     Trong một bình giảng, Gampopa nói, “Tâm bình thường thì không bị thấm dơ bởi bất kỳ sắc tướng nào, không rối ren bởi bất kỳ phóng chiếu cho là có thật nào, và không bị che khuất bởi mờ đục, chán nản, hay tư tưởng.” Tâm bình thường, ngài tiếp tục, thì không nhiễm ô bởi Pháp, không lấm dơ bởi thức thế gian, và không bao phủ trong một tâm nặng nề. Không nhiễm ô thậm chí bởi bất kỳ phương diện nào của Phật pháp nghĩa là tâm chúng ta không nhiễm ô bởi những hệ thống triết học của phân tích và suy luận, như suy nghĩ cái gì hiện hữu hay không hiện hữu. Tâm không thao tác hay tạo tác theo kiểu này, cũng không bị tác động bởi những kinh nghiệm tạm thời xảy ra khi thực hành. Thế nên tính cách đầu tiên là tâm không phải là cái gì mới cần được chế tạo.

Tính cách thứ hai của tâm bình thường là nó không chất đầy sự ồn ào của những phiền não hay sự lan man của tâm. Tâm bình thường thì không chế tác, thoát khỏi những lo toan như vậy.

Tính cách thứ ba của tâm bình thường là quang minh; nó không bị bao phủ trong một trạng thái mờ đục, tối tăm của tâm hay trong sự ý niệm hóa.

Nói gọn, chúng ta có thể nói rằng tâm bình thường không bị biến chất bởi cái gì khác – nó chỉ là chính nó. Không cần cố gắng để thoát ra khỏi cái chúng ta xem là xấu hay xoay nó về cái chúng ta xem là tốt. Nếu chúng ta chứng ngộ tâm bình thường, cái này được gọi là “trí huệ biết chính nó”; nếu không chứng ngộ nó, cho dù nó luôn luôn ở đây, thì được gọi là “vô minh đồng khởi”.

CÁI NGƯỜI TA THAM THIỀN VỚI TÂM BÌNH THƯỜNG

[247]     Chúng ta tham thiền về tâm bình thường bằng cách nhận biết nó là tâm bình thường. Chúng ta biết nó là cái gì – trống không và quang minh. Qua sức mạnh của những khuynh hướng thói quen chúng ta mất dấu của tâm bình thường. Chúng ta duy trì sự nhận biết tâm bình thường bằng chánh niệm và cảnh giác. Như thế Gampopa nhấn mạnh sự thực hành tâm bình thường chỉ đơn giản là không trở nên xao lãng và lang thang khỏi nó.

Nếu tâm bình thường là phổ quát và không tạo tác, thì cái gì để phân biệt một thiền giả với một người không tỉnh giác về tâm bình thường? Gampopa giải thích rằng dù tâm bình thường là bản tánh của cả hai thiền giả và người thế gian, nhưng người thế gian đã không nhận lãnh những chỉ dạy về nhận biết và làm việc với tâm bình thường, trong khi với thiền giả thì có. Không nhận biết tâm bình thường, người thế gian kinh nghiệm mọi loại quan niệm nhị nguyên, còn thiền giả nhận biết tâm bình thường nên giải thoát khỏi mọi quan niệm nhị nguyên, và mọi kinh nghiệm trở thành một kinh nghiệm của đại lạc.

Gampopa cũng bàn luận người thực hành Pháp mà không có những chỉ dạy về tâm bình thường, nghĩa là người khai triển hiểu biết và những phẩm tính tốt qua một con đường quy ước hơn. Khi so sánh với thiền giả có những lời chỉ dạy và thực hành tâm bình thường, chúng ta sẽ nói rằng người thực hành Pháp bình thường thì không khác nhiều với người bình thường thế gian.

Chúng ta sẽ không tốn một số thời gian để ghi nhận cái gì không phải là tâm. Đúng ra chúng ta cần thấy nó là cái gì mà không có gì thêm hay bớt. Tâm bình thường không bị nhiễm ô. Nó không phải là một việc tạo ra cái gì mà Pháp cho là tốt, như trí huệ hay quang minh. Tâm bình thường là tâm như nó là, không có sự can thiệp của đam mê hay gây hấn. Đó chỉ là tâm chúng ta tự nhìn thấy nó. Đó không phải là một việc nhìn cái gì khác, hay cố gắng an định chính nó hay làm cái gì cả. Chỉ đơn giản là tâm chúng ta nhìn vào chính nó và nghỉ ngơi trong đó. Và cách điều này được duy trì và mở rộng là qua chánh niệm. Chánh niệm nhận xét tư tưởng nào đó dâng trào và sắp đưa chúng ta đi và chỉ là không đi với nó.

Chẳng hạn, tôi nói cái ly nước trên bàn trước mặt tôi là một cái ly. Tôi thấy nó là một cái ly. Nếu tôi phân tích nó một cách khái niệm, tôi sẽ ngừng và nghĩ về nó, và rồi nói đây là một cái ly và nó chứa đầy nước. Tôi có thể đi vòng vo như vậy. Ngược lại, tôi có thể chỉ thấy một cái ly và nước. Nếu tôi cường điệu, tôi có thể nói nó không chỉ là thủy tinh, nó là kim cương; và nó không chỉ là nước, mà là cam lồ chữa lành của những bổn tôn. Ngược lại, tôi có thể nghĩ rằng cái này không có tên là ly và tạo thành bằng cát, và đây không phải là nước, mà là thuốc độc. Tôi có thể trở nên kích động về nó. Nhưng đó không phải là cái chúng ta đang nói. Chúng ta đang nói chỉ nhìn và thấy nó là một cái ly và có nước trong đó.

Cũng như thế với tâm chúng ta. Chúng ta không phải nhìn vào nó và cường điệu nó bằng cách nói nó kỳ diệu thay hay ghê tởm quá. Nó chỉ là tâm chúng ta, và không cần nghĩ về nó là tốt hay xấu. Nó chỉ là cái nó là, tất cả là vậy.

Xem mục lục