Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Lời chú của tác giả

Trong tập sách này, tôi đã cố gắng giảng giải những cách thức nhận ra tánh của tâm và nhấn mạnh về phần tu tập nên không trích dẫn nhiều từ Kinh tạng. Dù bản thân chưa có được kinh nghiệm thâm sâu, tôi, Mipam Tcheu Ouang, Vajreshvara (Karmapa Ouang Tchuk Dorjé đệ IX, 1556-1603) đã biên soạn tập sách này, đúng theo lời của chư Tổ quá khứ, tại Tu viện của Sho-Ka-Ouor, thể theo lời thỉnh cầu của Samdé Lama Rabjam Mawa Samten Kunga.

Có chút công đức nào, tôi xin hồi hướng cầu cho tất cả chúng sanh - cha mẹ quá khứ nhiều đời - thảy đồng thoát ly khỏi mọi cám dỗ của dục lạc và trực kiến bổn tánh.

Shoubhamastou sarouadjagatam
Nguyện cho thế giới được thanh bình an lạc

 

Lời phụ kết của dịch giả

Trước khi tu tập Ðại Thủ Ấn, hành giả cần rõ ba điều: Yểm ly, Bồ Ðề Tâm và Không tánh.

Yểm ly là chắc thực, thấy rõ sự vô thường đau khổ của cảnh đời, sanh tâm nhàm lìa, cầu giác ngộ giải thoát. Bồ Ðề Tâm là chí nguyện thành Phật để cứu độ chúng sanh là cha mẹ anh em từ nhiều đời. Không tánh (Vacuité, Sunyata) tức tánh không thực của các pháp. Hãy cẩn thận, Không tánh ở đây không phải là cái chơn không chứng đạt sau khi tu tập Ðại Thủ Ấn, mà là một khái niệm ý thức về Không tánh, nó có thể giúp hành giả thoát khỏi những khái niệm nhị biên. Ðể hiểu rõ Không tánh (trên phương diện ý thức), đọc giả có thể nghiên cứu học hỏi theo luận lý của Trung Quán (Madhyamika).

Về các pháp dự bị tu tập, có 4 pháp thuộc Mật giáo và 4 thuộc Hiển giáo. Nếu đọc giả chưa bao giờ thọ giáo với các vị Sư Lạt Ma Tây Tạng thì chỉ nên tu tập 4 pháp thuộc Hiển giáo. Trọng tâm của 4 pháp: Quy lạy, Kim Cang quán, cúng dường Mạn đà La, Bổn Sư Du Già, chính là vị Thầy Bổn Sư (Lama-racine, Root-Guru). Nếu chưa gặp hoặc chưa hoàn toàn tin tưởng một vị Thầy thì không nên tu tập 4 pháp này. Về phần tu tập chính yếu, tức Chỉ Quán (Shiné-Lhaktong), đọc giả có thể nương theo sách mà tu tập, nhưng chắc đọc giả cũng đã để ý, và trong nguyên bản cũng nhấn mạnh rằng sự chỉ đạo trực tiếp của một vị Thầy rất quan trọng và cần thiết.

Tu thiền không phải chỉ ngồi thiền không là đủ, cần phải đọc sách nghe Kinh, tham vấn học hỏi bậc Thầy, thiện tri thức. Bồ Tát Sơ Ðịa còn phải học với Bồ Tát Nhị Ðịa, Bồ Tát Thập Ðịa còn phải học với Ðẳng Giác. Ngày nào chưa giác ngộ, ngày đó còn phải tìm Thầy học đạo cho khai ngộ, được khai ngộ rồi cần phải tiếp tục nương tựa vị Thầy đó cho đến ngày chứng đạo. Ðược vậy mới sớm giải thoát, sớm phá trừ ngã chấp cho là mình đã hiểu thiền rồi tự mãn ngâm thơ vịnh khúc. Tuy nhiên, trong việc tìm Thầy cũng phải cẩn thận, dùng trí huệ xét soi, không nên nghe nói ai hay, nổi tiếng, có thế lực là vội vàng tin theo.

Vài lời nhắn nhủ bạn đạo, nếu không hợp xin vui lòng bỏ qua, tiếp tục sống đời của mình. Dù có hận thù hay yêu thương, ưa thích hay chán ghét thì nước kia vẫn chảy, mây kia vẫn trôi ...

Xem mục lục