Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Mười quả vị Bồ Tát, cũng được gọi là mười bhumi (thập địa), tương ứng với giai đoạn thứ tư, là giai đoạn vun trồng hay thiền định. Ở đây giai đoạn này được chia làm mười cấp độ (quả vị). Vì thế con đường gồm có mười ba cấp độ: cấp độ của người bắt đầu, cấp độ của thực hành phát sinh từ sự khát nguyện, mười cấp độ (quả vị) Bồ Tát, và cấp độ Phật quả.

Điều ta đang thảo luận ở đây là những kinh nghiệm của bản thân các Bồ Tát. Ta chưa thành tựu những cấp độ này và không biết gì về chúng. Ta không thể nghiên cứu nhiều về chúng và chỉ có thể nghe các bậc chứng ngộ mô tả về những kinh nghiệm của các ngài cho chúng ta. Chương này cho ta một ý niệm về những gì xảy ra nếu ta may mắn thực sự thực hành một cách tinh tấn.

Điều này có thể cho ta một ý niệm về chỗ đứng hiện nay của ta. Ta có thể trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau trong việc thực hành. Trong thực tế, không điều gì mà ta không thể kinh nghiệm trong thiền định. Đôi khi ta có thể cảm thấy mình là kẻ tệ hại nhất trong những kẻ tồi tệ, kẻ ngu ngốc nhất và thấp kém nhất trong tất cả mọi người, trong khi vào lúc khác ta có thể cảm thấy mình là người cao cả nhất trong những bậc tối thượng, giống như một vị Phật toàn giác. Không có điều nào trong những kinh nghiệm này, tiếng Tây Tạng gọi là nyam, là thật có. Chúng phù du và nhất thời. Nếu ta nhìn vào điều này, ta có thể hình dung mình đã đạt được sự chứng ngộ viên mãn, bắt đầu hành động một cách thích hợp, và phạm nhiều sai lầm, là điều có thể mang lại những hậu quả thảm khốc cho bản thân ta và cho những người quanh ta. Chính là để tránh những tình huống khổ đau đó mà ta trình bày tỉ mỉ những giai đoạn này và mọi cấp độ mà chúng bao hàm.

Ở mặt khác, việc liệt kê chúng có thể làm một số người mất can đảm. Con đường tâm linh, được thiết lập bằng rất nhiều giai đoạn và cấp độ, dường như có vẻ quá dài và khó khăn đối với chúng ta. Tuy nhiên ta nên nhớ rằng đối với tất cả những vị đã đạt được bhumi thứ nhất, thời gian không còn là điều thực sự quan trọng nữa. Một Bồ Tát thực sự không còn những vấn đề nữa, như những câu kệ của Bodhicharyavatara (Bồ Tát Hạnh) mà tôi đã trích dẫn giảng rõ: “Nhờ đức hạnh của công đức, thân thể được nghỉ ngơi; nhờ đức hạnh của trí tuệ, tâm được thanh thản; vì thế, cho dù một Bồ Tát an trụ bao lâu trong sinh tử chăng nữa, ngài không bao giờ không hỉ lạc.”

Một khi ta có chút trí tuệ nhỏ bé này, khi ta đã kinh nghiệm chân tánh của các hiện tượng, tâm thức bắt đầu an bình và thoát khỏi mọi sự tham luyến hay bám chấp. Ta đã ngừng đuổi bắt hay chạy trốn các sự vật. Không còn lệ thuộc vào đau khổ và bất hạnh, ta luôn luôn mãn nguyện, hỉ lạc và thanh thản. Ta không còn bận tâm những việc trong sinh tử nữa. Tâm và các hành động của ta thuần tịnh. Thực ra, một tâm thức thuần tịnh không thể mắc phạm các ác hạnh.

Bởi các thiện hạnh nhất định mang lại những nghiệp quả tốt lành, các Bồ Tát không kinh nghiệm đau khổ thực sự. Cho dù các ngài quyết định sinh trong một thân tướng hết sức tầm thường, trong một hoàn cảnh khó khăn ở đó có rất nhiều đau khổ, ở bề ngoài các ngài có thể kinh nghiệm những định luật tương thuộc và phải chịu nhiều thử thách, nhưng trong mức độ sâu thẳm của tâm thức, là cấp độ thực sự có giá trị, thì các ngài không trải nghiệm đau khổ.

Những Bồ Tát như thế có thể quyết định lưu lại thế giới một thời gian rất dài mà không bị nó quấy rầy. Các ngài an trụ trong thế gian để giúp đỡ chúng sinh. Thành Phật không có nghĩa là ta ngừng giúp đỡ người khác; trái lại, khả năng giúp đỡ của ta tăng lên vô hạn, nhưng thành Phật không còn là điều ưu tiên của một Bồ Tát.

Gampopa đã mô tả chi tiết mười quả vị Bồ Tát (thập địa), tính chất, ý nghĩa, nơi sinh khởi, và sự tinh thông và thuần tịnh đặc biệt cũng như thực hành riêng biệt của các địa được kết hợp với từng địa. Tôi không nghĩ là cần phải đi vào chi tiết như thế, vì thế ta sẽ xem một bản tóm tắt của từng địa.

Địa thứ nhất (sơ địa) được gọi là Cực Hỉ (Hoan hỉ địa). Quả vị này được mô tả như sau: “Khi nhận ra rằng sự giác ngộ thì cận kề và điều tốt đẹp của chúng sinh được thành tựu, hành giả sẽ phát khởi sự hỉ lạc siêu việt nhất. Vì lý do đó nó được gọi là Cực Hỉ.”

Những người đạt tới quả vị này kinh nghiệm sự hỉ lạc lớn lao. Sự giác ngộ ở trong tầm tay họ, và những hành động của họ thực sự mang lại lợi lạc cho người khác. Hỉ lạc thường xuyên của họ xuất phát từ một sự xác quyết rằng họ đã bỏ lại tâm thái sinh tử và từ nay trở đi họ sẽ có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh. Ở cấp độ này, mọi mê lầm và ô nhiễm do thiếu hiểu biết hoàn toàn được tịnh hóa và giải trừ.

Tuy nhiên, những hình thức khác của sự tiêu cực như những tập quán và khuynh hướng bám rễ sâu xa không dễ gì xóa bỏ. Hãy lấy ví dụ một củ hành, ta có thể nói là chỉ có lớp vỏ đầu tiên là được bóc ra. Các Bồ Tát ở cấp độ này thực hành tất cả sáu ba la mật, nhưng các ngài đã viên mãn ba la mật thứ nhất là bố thí ba la mật.

Gampopa mô tả những khả năng đặc biệt được nối kết với địa thứ nhất này như sau. Ta có thể:

  1. Đạt được một trăm thiền định sâu xa và kinh nghiệm kết quả vững chắc của chúng,
  2. Nhìn thấy một trăm vị Phật,
  3. Vô cùng thấu suốt về những gia hộ của các vị Phật này,
  4. Làm lay động một trăm hệ thống thế giới,
  5. Viếng thăm một trăm cõi Phật,
  6. Thắp sáng một trăm hệ thống thế giới,
  7. Đưa một trăm chúng sinh đến chỗ hoàn toàn thuần thục,
  8. Sống một trăm kiếp,
  9. Thấu biết một trăm kiếp quá khứ và tương lai,

10. Khai mở một trăm cánh cửa Giáo Pháp

11. Hiển lộ một trăm hiện thân ở bất kỳ nơi nào, và

12. Hiển lộ mỗi một trong những thân tướng vật lý này khi đồng hành với một trăm Bồ Tát khác. 

Những khả năng đặc biệt này được nhân bội lên ở mỗi địa.

Địa thứ hai được gọi là Bất nhiễm (Ly Cấu địa). “Quả vị này được gọi là Bất nhiễm bởi nó không bị ô nhiễm bởi những vi phạm chánh hạnh.” Ở quả vị này, thực hành trì giới ba la mật được tinh thông và trở nên siêu việt, được đưa tới tột đỉnh của nó.

Địa thứ ba được gọi là Người Soi sáng (Phát Quang địa). “Nó được gọi là Người Soi sáng bởi trong trạng thái đó ánh sáng của Giáo Pháp và sự thiền định sâu xa rất sáng tỏ; hơn nữa, nó soi sáng những người khác với ánh sáng vĩ đại của Giáo pháp.” Đó chính là thực hành nhẫn nhục ba la mật trở thành siêu việt.

Địa thứ tư được gọi là Chói lọi (Diệm Huệ địa). “Nó được gọi là Chói lọi là bởi sự chói sáng của trí tuệ nguyên sơ, được phú bẩm bốn phẩm tính thuận lợi cho sự giác ngộ, chiếu tỏa khắp nơi và phá hủy hai che chướng.” Chính ở quả vị này thực hành tinh tấn ba la mật trở thành siêu việt.

Địa thứ năm được gọi là Khó Thực hành (Cực Nan Thắng địa), bởi ở quả vị này trí tuệ không hoàn toàn được chứng ngộ, và vì thế ta vẫn gặp những khó khăn trong việc thực hành bát nhã ba la mật. “Ở quả vị này ta nỗ lực giúp đỡ chúng sinh thành tựu một vài sự thuần thục nhưng không vượt qua được mọi phản ứng ô nhiễm đối với những sai lầm liên tiếp của họ. Địa này được gọi là Khó Thực hành là bởi cả hai việc (giúp đỡ và không phản ứng) thật khó mà thông suốt.” Ta chưa đạt được chứng ngộ toàn hảo về sự bất nhị. Bởi thế, khi cố gắng giúp đỡ những người khác và kết quả không như mong muốn, ta lo lắng – chẳng hạn thế - khi tất cả chúng sinh không đạt được giác ngộ. Từ “khó” được dùng là bởi ta sắp đạt được một cái nhìn hoàn toàn bất nhị nhưng vẫn còn một vài dấu vết của sự nhị nguyên. Sau quả vị này, mọi sự dường như thật dễ dàng. Ở giai đoạn này ta đã hoàn thiện thiền định ba la mật.

Địa thứ sáu được gọi là Được Hiển lộ (Hiện Tiền địa). “Nhờ sự hỗ trợ của bát nhã ba la mật, không có sự an trụ trên những khái niệm Niết bàn hay sinh tử. Như thế, sinh tử và Niết bàn được hiển lộ là thanh tịnh.” Ở quả vị này, ba la mật thứ sáu (trí tuệ ba la mật) được hoàn toàn chứng ngộ. Không còn sự nhị nguyên nữa. Sự tiếp cận nhị nguyên của việc nhìn Niết bàn là tốt đẹp và sinh tử là xấu xa biến mất khiến chẳng có điều bất tịnh nào còn sót lại trong cái nhìn của ta. Như thế mọi chân lý được khám phá.

Địa thứ bảy là Đi Xa (Viễn Hành địa). “Quả vị này được gọi là Đi Xa bởi nó nối kết với ‘một con đường và chỉ một mà thôi’ và ta đã đến tận đầu kia của sự hoạt động.” Sự không thể phân ly của mọi sự được chứng ngộ ở cấp độ này. Mọi đặc tính khác nhau của Giáo Pháp, các Kinh điển v.v.., không xuất hiện như tách biệt. Ta không còn nhìn thấy điều gì là riêng biệt. Từ quả vị này trở đi, những tập khí và khuynh hướng vi tế nhất của ta bắt đầu phai nhạt.

Địa thứ tám được gọi là Bất Động (Bất Động địa). “Quả vị này được gọi như thế là bởi nó không bị lay động bởi những ý niệm là hết sức nỗ lực để đạt được những đặc tính hay hết sức nỗ lực để đạt được sự vắng mặt của những đặc tính.”

Ta đạt được điều mà ta gọi là “thập lực” đối với (1) thọ mạng, (2) tâm thức, (3) tiện nghi, (4) hành động, (5) trạng thái sinh ra, (6) lời cầu nguyện, (7) các ý hướng, (8) những điều huyền diệu, (9) trí tuệ nguyên sơ, và (10) Phật pháp.

Địa thứ chín được gọi là Thông tuệ Tuyệt hảo hay Nhận thức Toàn hảo (Thiện Huệ địa). “Quả vị này là Thông tuệ Tuyệt hảo do bởi sự thông tuệ tuyệt vời, sự nhận thức rõ ràng của nó… Nó được thành tựu nhờ mười hai yếu tố như những lời cầu nguyện vô hạn… Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành tất cả mười ba la mật nói chung, ta được biết rằng các ngài chú trọng đặc biệt tới lực ba la mật.”

Địa thứ mười được gọi là Mây Pháp (Pháp vân địa). “Quả vị này được gọi là Mây Pháp là bởi chư vị Bồ Tát ở quả vị đó giống như một đám mây khiến cho một trận mưa Giáo Pháp đổ xuống chúng sinh, bằng cách đó rửa sạch bụi bặm cấu uế của họ.” Một đám mây không trầm tư: “Ta có nên mưa hay không? Trái đất này và những người này ở bên dưới ta có cần mưa của ta không? Họ có đáng được hưởng điều đó?” Không, một đám mây chỉ đơn thuần đổ mưa xuống. Cùng cách đó, ở quả vị này, mọi sự được thành tựu theo trật tự tự nhiên của các sự việc; tất cả những gì được làm đều được thực hiện một cách tự nhiên.

Bhumi cuối cùng tương ứng với trạng thái Phật quả, giai đoạn thứ năm đã được thảo luận trong tiết mục trước. “Quả vị này tương ứng với cấp độ được gọi Giai đoạn Thành tựu. Khi thiền định sâu xa như-kim cương sinh khởi, nó đồng thời tiệt trừ những che chướng bị xua tan bởi giai đoạn vun trồng (phát triển).” Ở quả vị này, mọi chướng ngại và vấn đề do những độc chất trong tâm, những cảm xúc rối loạn, và những tập khí hoàn toàn được tịnh hóa. Lòng bi mẫn và đức hạnh của ta hoàn toàn nở rộ. Ta không có gì để làm và không có gì để phát triển thêm nữa. Đây là Phật quả.

Xem mục lục