Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

Chương IV: Diệt khổ đế (Chân lý về diệt khổ)


Chân lý thứ ba là Chân lý về diệt khổ. Những vấn đề mấu chốt mà ta phải tự hỏi về việc này là: Niết-bàn[69] là gì? Giải thoát hay mokṣa là gì? Khi ta nói đến diệt hay nirodha3 thì có ý nghĩa gì? Và thật sự có thể đạt tới trạng thái diệt khổ hay không?

Nếu nói ta phải chấp nhận rằng sự giải thoát là có thể đạt được vì đức Phật có dạy điều này trong kinh điển, thì tôi không nghĩ đó là câu trả lời thỏa đáng. Có thể là hữu ích khi ta xét đến một quan điểm mà ngài Thánh Thiên (ryadeva) đưa ra trong Trung đạo Tứ bách kệ tụng. Ngài luận rằng, khi ta nói về bản chất tuyệt đối của thực tại, hay tính không, ta phải nhận thức rằng việc thấu hiểu về tính không không phải là điều phải dựa vào sự tin cậy nơi kinh điển.4 Ta có thể đạt được sự thấu hiểu đó thông qua sự phân tích biện giải và lập luận.

Phật giáo tin rằng có một loại hiện tượng hiển nhiên đối với ta và có thể được nhận biết một cách trực tiếp, nên không cần phải có bất kỳ một chứng cứ hợp lý nào về sự tồn tại của chúng.[70] Loại hiện tượng thứ nhì có thể không hiển nhiên với chúng ta, nhưng ta có thể suy biết sự tồn tại của chúng thông qua một tiến trình lập luận.[71] Hiện tượng này được biết như là “hiện tượng hơi khó nhận biết”. Tính không thuộc về loại hiện tượng này.

Vì có thể suy biết được chân lý về tính không, nên ta phải chấp nhận rằng sự giải thoát cũng có thể suy biết được thông qua tiến trình lập luận. Nói như ngài Long Thụ (Ngrjuna) là, sự hiểu biết chân thật về giải thoát phải dựa trên một hiểu biết về tính không, bởi vì giải thoát không phải gì khác hơn là sự loại bỏ hoàn toàn, hay chấm dứt hoàn toàn, của ảo tưởng và đau khổ, thông qua sự thấu triệt tính không. Khái niệm giải thoát do đó quan hệ rất chặt chẽ với khái niệm tính không, và cũng giống như tính không có thể suy biết được, sự giải thoát hay mokṣa cũng có thể suy biết được.

Do mối quan hệ chặt chẽ giữa tính không và sự giải thoát trong Phật giáo, nên phần nói về Chân lý thứ ba trong Hiện quán trang nghiêm luận[72] của đức Di-lặc (Maitreya) có đoạn bàn rất rộng về 16 loại tính không. Sự thật rằng giải thoát là một chân lý tuyệt đối (và do đó liên hệ với tính không) cũng được bàn đến rất kỹ trong các tác phẩm của ngài Nguyệt Xứng. Như vậy, dường như sự chấp nhận khả năng đạt đến giải thoát là một đáp ứng cho thấy sự hiểu biết về khái niệm tính không của chúng ta sâu đến mức độ nào.

Xem mục lục