Do Đức TENZIN GYATSO Dalai Lama thứ mười bốn
Dịch và biên tập bởi Jeffrey Hopkins
Đồng biên tập: Lati Rinpochay
Phụ tá biên tập: Barbara Frye
Tantra cho thực hành
Cần yếu phải ổn định ý nghĩa của kinh điển với lý luận trong sáng. Ý nghĩa của những đoạn được nói ra chỉ cho một số hành giả cần được giải thích và ý nghĩa của những đoạn cực kỳ tinh tế phải được thấu nhập ; điều này thì khó khăn, và một số có nguy cơ bị hiểu lầm. Ngoài ra, đối với nhiều người thì vô số sách của kinh và tantra không trình bày như những giáo huấn, và họ thỏa mãn bằng cách chỉ nhìn một phần đoạn của con đường. Những người khác thì có thể phân tích rất nhiều điểm nhưng không thể, dù họ đã học, phân biệt những điểm quan trọng. Những người biết một cách tổng quát thực hành ra sao nhưng không có một cố gắng nào cho thực hành. Những người trong ba trường hợp này không thể thực hành tantra đúng nghĩa.
Tsongkapa đã thấy rằng nếu những ý nghĩa của vô số kinh điển được tập họp lại, ổn định với lý luận trong sáng, và giới thiệu trong trình tự thực hành, nhiều chúng sanh đã sống trong ảnh hưởng của những trường hợp xấu ở trên có thể được giúp đỡ. Say mê bởi những giải thích tuyệt vời của những nhà tantric Ấn và Tạng như Nagarjuna và những đứa con tinh thần của ngài và bậc toàn trí Bu-tošn, Tsongkapa đã nhiệt tình gom góp lại những giải thích này để hiệu đính những khiếm khuyết và bỏ bớt những chỗ không thích hợp trong sự trình bày của những lama cổ thời.
Viết một cuốn sách về Mật Chú thừa không giống với viết một cuốn sách về Trung Quán hay về những lời dạy những con đường bao gồm trong kinh Bát Nhã Ba la mật. Những chủ đề của Mật Chú thừa không phải để trưng bày như món hàng mà để thực hành một cách bí mật. Nếu không thế, thì thay vì giúp đỡ, có nguy cơ làm hại nhiều người phát sanh hiểu lầm. Ví dụ, có người không thể thực hành tổng quát bốn tantra và đặc biệt Tantra Yoga Tối Thượng lại chỉ muốn hành Mật chú. Một số người, dù họ có lòng tin, không thật sự biết rõ ràng những trình bày Phật giáo về cái thấy, thiền định và hành xử. Những người khác biết những chủ đề này rõ ràng nhưng không thể giữ những lời nguyện, duy trì đức tin và dũng mãnh trong tâm thức. Không có sự hiểu biết này và khả năng này, thực hành con đường Mật chú là không thể.
Ở Ấn Độ một vị guru đầy đủ thẩm quyền chỉ dạy những giáo lý Mật thừa cho vài đệ tử, nghiệp và những nguyện vọng của họ phải phù hợp và ngài biết về họ rõ ràng. Những guru truyền trực tiếp cho các đệ tử, và khi họ có khả năng thực hành với nhiều nỗ lực những giáo lý đã nhận được, những kinh nghiệm và chứng ngộ tâm linh tương ứng sẽ phát sanh. Trong cách đó mà giáo lý của bậc Điều Ngự được xúc tiến và sự lợi lạc của chúng sanh được thành tựu. Tuy nhiên ở xứ tuyết Tây Tạng những yếu tố này đã vắng mặt trong một chừng mực nào đó. Mật thừa đã phổ biến rất rộng và dân chúng đã tìm nó vì sự nổi tiếng của nó, không xem xét họ có khả năng thực hành nó hay không.
Người ta khôn ngoan nếu dù muốn cái tốt nhất, người ta vẫn xem xét cái tốt nhất có thích hợp không. Những người Tây Tạng muốn cái tốt nhất và cho rằng họ có thể thực hành cái tốt nhất. Kết quả là, Mật thừa nổi tiếng ở Tây Tạng, nhưng cách thực hành thì không giống như sự thực hành đúng cách và ẩn dấu của những người Ấn Độ và như thế chúng ta không thể hoàn thành những thành tựu của Mật thừa như được diễn tả trong những tantra ; dấu ấn của sự thực hành Mật thừa đã không xuất hiện. Như có nói trong truyền thống truyền miệng của Tây Tạng, ‘Một người Ấn Độ thực hành một hóa thần và thành tựu một trăm ; một người Tây Tạng thực hành một trăm hóa thần và không thành tựu ngay cả một.’
Không tốt khi bắt đầu vào nhiều việc khác nhau, nói là ‘Cái này tốt, cái kia tốt,’ cầm cái này, cầm cái kia, và không thành công cái nào cả. Nếu bạn không tham muốn nhiều và nhắm vào cái gì thích hợp, bạn có thể hiện thực hóa những tiềm năng tương ứng và trở thành một người lỗi lạc trong cái đó. Với thành công, sức mạnh hay dấu ấn của sự thực hành ấy sẽ phát sanh.
Đặc biệt ngày nay, Mật thừa đã trở thành một chủ đề được lưu tâm, nhưng chỉ là một mục tiêu để tìm hiểu. Từ quan điểm của một hành giả, nó hình như đã trở thành một đối tượng của tiêu khiển và đã đạt đến mức mà người ta không thể biết nó giúp đỡ hay làm hại. Nhiều bí mật đã được phổ biến ; nhiều người diễn thuyết đã giải thích tantra, và nhiều cuốn sách được dịch. Dù Mật thừa được hoàn thành trong bí mật, nhiều cuốn sách đã xuất hiện, chúng là một pha trộn của chân và giả.
Tôi nghĩ là tốt đẹp nếu có những biện pháp và cơ hội có thể xóa tan những ý niệm sai lầm ấy. Một cách tổng quát, dịch một cuốn sách Mật thừa để bán trong tiệm sách thì không thích hợp, nhưng trong lúc này và trong hoàn cảnh này, khi không xóa sạch những ý niệm sai lầm thì lỗi lầm còn lớn hơn là phân phối những bản dịch. Nhiều thông tin được viết sai về Mật thừa đã phổ biến rộng rãi ngày nay, và bởi thế, tôi nghĩ rằng dịch và phân phối một cuốn sách có thẩm quyền có thể giúp cho xóa đi những gán ghép sai lầm này. Đây là lý do cho sự giải thích công trình của Tsongkapa này của tôi.
Nếu Mật thừa được thực hành công khai và được dùng cho mục đích thương mại, bấy giờ những tai nạn sẽ xảy ra cho người thực hành ấy, ngay cả lấy đi mạng sống của người ấy, và những hoàn cảnh bất lợi cho sự phát sanh kinh nghiệm và những chứng ngộ tâm linh trong dòng sống của nó sẽ xảy ra. Với những cuốn sách loại khác, không trầm trọng lắm nếu có một lỗi lầm, nhưng với những cuốn sách Mật thừa thì rất nghiêm trọng khi sai lầm trong giải thích hay trong dịch thuật. Hơn nữa, nếu mắc phải lỗi lầm loan báo điều bí mật cho người chưa đủ chín chắn, thì có nguy hiểm là thay vì giúp đỡ, nó sẽ gây tai hại. Có nhiều câu chuyện rằng có những người bắt đầu làm những chuyên luận về Mật thừa nhưng đã không thể sống trọn vẹn đời họ và những người mà sự tiến bộ bị hỗn lại vì viết một cuốn sách về Mật thừa.
Một người đã thực hành những giai đoạn của Kinh và muốn nhanh chóng đạt đến trạng thái của một vị Phật thiêng liêng nên đi vào Mật thừa để được cung cấp dễ dàng sự thành tựu Phật tánh. Tuy nhiên, bạn không thể tìm kiếm Phật tánh cho chính bạn, dấn thân vào Mật thừa để trở nên khác thường. Với một vị hướng dẫn tâm linh như một người bảo hộ, bạn cần tu hành những con đường chung, đi vào sự thực hành của những người khả năng nhỏ và trung bình – nhận ra sự khổ và phát triển mong muốn từ bỏ sanh tử luân hồi. Rồi bạn phải tu hành lòng đại bi, nó là sự không thể chịu đựng khi thấy những khổ đau của những người khác mà không hành động để giảm trừ nó. Chúng sanh muốn hạnh phúc nhưng không có khả năng hạnh phúc ; họ không muốn khổ đau nhưng bị đày đọa bởi khổ đau. Bạn phải phát triển đại bi và tình thương từ chính nơi sâu thẳm của lòng bạn cho mọi chúng sanh đang lang thang trong sanh tử của ba cõi – dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Bạn cần một tâm thức rất mạnh mẽ mong muốn giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau và những nguyên nhân của khổ.
Qua những sức mạnh đã tích tập và những tập khí trải qua nhiều kiếp, một số người có một tâm tốt ngay khi còn trẻ ; họ có lòng bi không chịu đựng nổi đối với côn trùng đang hiểm nguy chờ chết và đối với những người đang bị khổ hành hạ ; họ có một cảm giác say mê của lòng vị tha. Những người như thế cần đi vào Mật thừa để nhanh chóng đạt đến Phật tánh.
Không phải mọi người đều có thể thực hành tantra, mà chỉ có những ai đã làm hành động tốt trải qua nhiều đời, những ai dù còn nhỏ đã có một ý tưởng mạnh mẽ cứu giúp, và có những tập khí tốt thì nên tìm sự trợ giúp của một người hướng dẫn tâm linh. Qua những lời dạy tinh túy của vị ấy, đệ tử với cố gắng trải qua nhiều tháng nhiều năm nâng cao tâm thức tốt ấy đến những mức độ ngày càng cao. Cuối cùng, dầu đang đi, lang thang, nằm hay ngồi, nó cũng có một sức mạnh lớn của tâm thức tìm kiếm làm cái gì cần phải làm để giúp đỡ người khác. Nó mong muốn rất mạnh mẽ đem đến sự giúp đỡ lớn lao cho những người khác một cách tự nhiên, không cố gắng, như một vị Phật. một người như thế thích hợp để đi vào và cần đi vào Mật thừa để nhanh chóng đạt đến Phật tánh.
Nếu bạn đang tìm kiếm sự đầy đủ tạm thời về thực phẩm và áo quần cho chính bạn và cho những người khác, chỉ tìm những mục tiêu tạm thời của cuộc đời này, tránh bệnh tật tạm thời, đạt đến một sự dư dật tài sản hay một danh tiếng tạm thời hay nhiều tiền, chắc chắn có những biện pháp cho sự thành đạt tạm thời về thịnh vượng, cho sự làm dịu tạm thời bệnh tật và đau đớn, và cho sự có được danh tiếng tạm thời. Bạn có thể tham lam và lừa dối, đôi khi chân thật và có lúc nói dối, khi thì tranh đấu khi thì không. Đấy là những biện pháp tạm thời, và ngày nay nhiều người đang tiến hành theo cách ấy. Nếu đó là ý định của bạn, bạn không cần Đại Diễn Giải của Mật thừa của Tsongkapa.
Nếu ngược lại, bạn không cho cái hệ thống này của những bậc đàn anh của thế giới là đầy đủ, nếu bạn thấy những hoạt động ấy là vô nghĩa, trống rỗng, nếu bạn biết rằng chúng chẳng giúp ích cho những đời tương lai hay những mục đích cao hơn, nếu bạn biết rằng ngay cả bạn giàu có ban nhiêu trong đời này, cũng khó mà có hòa bình trong tâm, và nếu bạn đang tìm kiếm hòa bình của tâm cho bạn và những người khác, thì rất quan trọng phải cải thiện tâm thức bạn.
Nhiều lời dạy đã được đề ra cho mục đích này, nhưng chúng ta nói rằng chỉ có vị đạo sư là Phật đã dạy một cách mạnh mẽ và có sức thuyết phục rằng chúng ta cần quý trọng những người khác hơn chính chúng ta và chúng ta cần phát triển một ý định dứt khoát làm cho chúng sanh an trụ trong một trạng thái thoát khổ và những nguyên nhân của khổ. Mọi hệ thống tôn giáo của thế giới đều dạy một phương cách để đem lại chút bình an cho tâm thức và tẩy trừ những phương diện thô trược của dòng tâm thức. Chúng tạo ra sự cải thiện trực tiếp hay gián tiếp một tâm thức tốt lành và lòng vị tha, nhưng trong các hệ thống đó, hình như chỉ có Phật giáo trình bày những biện pháp chuyển hóa tâm thức thành cái thiện tối hậu bằng rất nhiều lý giải, kinh điển và quan kiến. Tôi không nói Phật giáo là tốt nhất bởi vì tôi là một người Phật giáo. Tôi nghĩ rằng nếu xem xét một cách thành thật, người ta sẽ nghĩ như vậy, nhưng dù là cái tốt nhất, cũng không có nghĩa là mọi người cần phải là Phật giáo. Tất cả không có cùng một tính khí và quan tâm. Tất cả nên có cái tốt nhất, nhưng vì không phải tất cả đều có thể thực hành cái tốt nhất, nên cần thiết là mỗi người tuân theo một con đường phù hợp với tính khí, quan tâm và khả năng của riêng mình.
Nếu quả thật là mỗi người nên là một người theo Phật giáo, thì mỗi người nên là một người theo Tantra, và mỗi người nên theo Tantra Yoga Tối Thượng bởi vì nó là cái tốt nhất, bởi thế Vajradhara chỉ đã dạy Tantra Yoga Tối Thượng. Thật vậy, ngài làm như thế nếu ai ai cũng có thể thực hành nó. Nhưng với người mà Tantra Yoga Tối Thượng không thích hợp thì ngài dạy Tantra Yoga. Với người mà Tantra Yoga không thích hợp ngài dạy Tantra Thực Hiện. Với người không hợp với Tantra Thực Hiện, ngài dạy Tantra Hoạt Động. Với người không hợp với Tantra Hoạt Động, ngài dạy theo kinh điển trong đó ngay cả danh từ Mật thừa cũng không có.
Trong kinh điển ngài dạy những Kinh Bát Nhã Ba la mật nêu lên cái thấy Trung Đạo, và với những người không hợp cái này, ngài dạy những kinh điển trình bày cái thấy của Duy Tâm (Duy Thức, Chittamatra). Ngài nêu lên Thừa Độc Giác có thể cứu giúp cho nhiều người nữa, và để cứu giúp thêm nữa, ngài lại nêu lên Thừa Thanh Văn, và trong đó còn có những lời nguyện dành cho tăng, ni, tập sự và hai loại giới nguyện cho cư sĩ. Trong loại giới nguyện thấp nhất của cư sĩ, có sự chấp nhận đảm đương tất cả năm điều giới hay bốn hay ba hay hai hay chỉ một điều, hay chỉ duy trì sự quy y ; có nhiều người có thể làm điều này.
Đức Phật đã nêu lên, phù hợp với tính khí và quan tâm của những người không thể thực hành những phương diện sâu xa nhất của con đường ngài, vô số hình thức của những cấp bậc từ lời nguyện quy y của một người đời thường cho đến sự tu hành trong Kim Cương Thừa của Tantra Yoga Tối Thượng. Từ nhiều lý do, rộng và sâu, Phật giáo có nhiều con đường và kỹ thuật cho sự chuyển hóa tâm thức thành sự thiện tối hậu.
Để đi vào thừa sâu xa của Mật Chú người ta phải biết những cái chính yếu của Kim Cương Thừa, và vì lý do này, Tsongkapa diễn giải những giai đoạn của con đường của thừa này. Trong mười tám bộ sách toàn tập của ngài, Đại Diễn Giải những Giai Đoạn của Con Đường Chung cho các Thừa và Đại Diễn Giải của Mật Thừa là quan trọng nhất. Nhiều cuốn sách của ngài viết về những chủ đề tuyển chọn trong tantra – giai đoạn phát sanh, giai đoạn thành tựu, ban phép quán đảnh nhập môn, hoàn thành những hoạt động đặc biệt… – nhưng cuốn trình bày một cách thứ tự những điểm chính yếu của cả bốn tanra là Đại Diễn Giải của Mật Thừa (phần thứ nhất của nó nằm trong Phần Hai của cuốn sách này).
Khi một sự trao truyền miệng giải thích Đại Diễn Giải của Mật Thừa được ban cho, người nghe cần có những quán đảnh nhập môn vào bốn tantra – ví dụ quán đảnh nhập môn của Đại Bi cho Tantra Hoạt Động, của Tỳ Lô Giá Na cho Tantra Thực Hiện, của Sarvavid cho Tantra Yoga, hay của Samvara, Guhyasamaja hay Bhairava trong một mạn đà la bằng bột màu cho Tantra Yoga Tối Thượng. Ít nhất, người ta nên có một nhập môn của Tantra Yoga Tối Thượng trong một mạn đà la bằng bột màu hay vẽ trên vải. Cũng thế, khi một sự trao truyền bằng miệng được ban cho thì những lama tạo nên dòng truyền thừa cần được nhận biết.
Đầu đề
Đầu đề đầy đủ của Đại Diễn Giải của Mật Thừa là Những Giai Đoạn của Con Đường đi đến một Đạo Sư Điều Ngự và Tỏa Khắp, một Vajradhara Vĩ Đại : Phát Giác Tất cả những Chủ Đề Bí Mật. Nó chỉ ra những nội dung của cuốn sách. ‘Điều Ngự’ thường có nghĩa là người đã chiến thắng những ma thô và tế, và trong trường hợp của Mật thừa, ‘Điều Ngự’ ám chỉ sự chinh phục đối với hình tướng nhị nguyên lầm lạc. Những che chướng cùng cực vi tế làm ngăn ngại toàn giác (nó là cái biết trực tiếp và đồng thời mọi hiện tượng và cách thế hiện hữu của chúng) chỉ được đề cập trong giáo lý của Tantra Yoga Tối Thượng, con đường Mật thừa thứ tư và cao nhất. Những che chướng này là những nhiễm ô của hình tướng nhị nguyên sai lầm, chúng được gọi là xuất hiện, tăng trưởng và cận đạt. Người đã chinh phục những cội nguồn ấy của sai lầm nhờ những đối trị của chúng là một bậc Điều Ngự. Một người như thế đã hoàn toàn vượt qua những che chướng thô và tế để đến giải thoát và toàn giác trong dòng tương tục riêng của nó và cũng có thể tạo ra sự chinh phục những che chướng này trong những chúng sanh khác, nhờ đó họ vượt qua những nguyên nhân của khổ đang hành hạ họ.
Một bậc Điều Ngự là ‘Tỏa Khắp’ theo cách người phát sanh mọi dòng Phật, bậc Hộ Trì Nguyên Thủy, Vajradhara, tỏa khắp vào mọi dòng, cũng như Vairochana, Akshobhya, Ratnasambhava, Amitabha và Amoghasiddha. Hàng trăm, năm, và ba dòng tuyệt hảo, tất cả đều gồm trong một nền tảng phát sanh là Báo Thân, Vajradhara bí mật vĩ đại, bởi thế ngài được gọi là ‘Đạo Sư.’ Bởi vì ngài tỏa khắp và là đạo sư của mọi dòng, Vajradhara là Đạo Sư Tỏa Khắp.
Kim Cương (vajra) là cái tốt nhất của đá ; có những kim cương tượng trưng ở bên ngoài, như là chày kim cương và chuông dùng trong nghi lễ, và có những kim cương chúng là những ý nghĩa tượng trưng. Về cái sau, một kim cương chung cho bốn bộ tantra là tính cách không khác biệt của phương tiện và trí huệ trong một thực thể. Phương tiện là sự tuân theo cái bao la – thân thể của một bổn tôn – kết hợp với một nguyện vọng vị tha đạt đến giác ngộ. Trí huệ là sự hiểu biết tánh Như của hiện tượng đúng như nó thật là. Như vậy, chỉ theo Tantra Yoga Tối Thượng, một kim cương là sự không khác biệt trong một thực thể cái phương tiện – đại lạc – và trí huệ – sự chứng ngộ tánh Không. Vì trì giữ (dhara) một kim cương như thế trong dòng tương tục của mình, ngài được gọi là Vajradhara (Kim Cương Trì). Ngài là ‘vĩ đại’ bởi vì không có gì cao hơn. Bản văn của Tsongkapa là một trình bày những con đường dẫn đến trạng thái của một Vajradhara vĩ đại, không phải cái chính yếu đủ loại của con đường trong những tập hợp không liên hệ nhau mà là một sự xếp đặt trong thứ tự của thực hành. Bởi vì những cái chính yếu này phải được thực hành trong bí mật, che dấu đối với những người không thích hợp với chúng, mà những cái ấy được gọi là những chủ đề bí mật của Thừa Mật Chú.
Tsongkapa đặt tiêu đề này cho cuốn sách của ngài vì nó trình bày khúc chiết một cách đại cương, dầu trích dẫn luận lý và kinh điển, những giai đoạn của con đường nhờ nó người ta có thể tiến bộ đến địa của một Vajradhara vĩ đại, một đạo sư tỏa khắp trên mọi dòng phái.
Tôn kính
Mở đầu, Tsongkapa bày tỏ sự tôn kính chung đến những lama kim cương của ngài – vị đầu trong đó là Kay-drup-kyung-po-hlay-pa – và đặc biệt đối với Manjushri (Văn Thù) tôn nghiêm mà nhờ vào lòng tốt của ngài, Tsongkapa đã thấu hiểu những yếu chỉ của kinh và tantra. Chữ Sanskrit của tôn kính theo ngữ nguyên có nghĩa là ‘tìm kiếm cái bất khả hoại’ và bao gồm hoạt động của thân, ngữ và tâm thức ; nó có nghĩa là ‘Con đặt hy vọng của con vào ngài’. Ngài bày tỏ sự tôn kính vượt trên dòng những kiếp sống của ngài đến những lama bi mẫn, các ngài biết những cái chánh yếu của con đường và rồi đến vị guru đặc biệt là Manjushri.
Bởi vì Manjushri là hình thức tự nhiên của trí huệ của tất cả những bậc Điều Ngự, người ta nương nơi ngài như bổn tôn đặc biệt để tăng trưởng trí huệ phân biện chân lý. Trí huệ phân biện nhờ đó mà tăng trưởng không cách nào khác. Tsong-kapa và Manjushri trực tiếp gặp nhau, như hai người. Nguyên là, Tsongkapa thiền định ở Ga-wa-dong miền trung Tây Tạng để thành tựu một cuộc gặp gỡ với Manjushri. Ở Ga-wa-dong có một vị lama phái Kampa tên là Umapa Pawodorje, vị này đã từng dưới sự chăm sóc của Manjushri nhiều đời và niệm thần chú Manjushri, om a ra pa tsa na di, ngay từ trong bụng mẹ. Vị này đã sanh ra trong một gia đình chăn cừu nghèo khó, và một hôm đang chăn đàn cừu ông gặp một Manjushri đen, sau đó trí huệ ông tăng trưởng. Khi Tsongkapa gặp Lama Umapa ở Ga-wa-dong, ngài có thể hỏi Manjushri những vấn đề tánh Không sâu xa và những công hạnh rộng lớn của đại bi trong kinh và tantra qua Lama Umapa.
Có một bức vẽ Manjushri trên tường chỗ ẩn cư của Tsong-kapa ở Ga-wa-dong, và từ sự tăng tiến của thiền định của ngài, một ánh sáng lớn phát ra từ trái tim của Manjushri. Đó là lần đầu tiên Tsongkapa thấy Manjushri, và sau đó theo mong muốn, ngài đã gặp Manjushri, người đã dạy ngài những điểm khó trong những giai đoạn của con đường. Bởi thế, Tsongkapa tỏ lòng tôn kính với phần thấp nhất của thân thể Manjushri, là hai bàn chân.
Trong sự quy y thông thường, một khi ý định tạm thời của chúng ta đã thỏa mãn, chúng ta không cần đến nguồn gốc của sự quy y nữa. Ở đây Tsongkapa quy y không phải vì một mục đích bề ngoài vụn vặt, mà vì mục đích tối hậu đạt đến quả của giải thoát toàn triệt khỏi khổ và những nguyên nhân của khổ, và bởi vì đó không phải là việc trong vài năm hay cả một đời, ngài bày tỏ tôn kính trong tất cả mọi đời. Điều này chỉ ra rằng con đường phải được thực hành trong bối cảnh quy y từ đời này sang đời khác cho đến khi thành Phật.
Sự biểu lộ tôn kính
Những cuốn sách thường chia ra ba phần, biểu lộ tôn kính, thân bản văn và kết luận. Đã đảnh lễ các vị lama của ngài một cách tổng quát và Manjushri một cách đặc biệt, Tsong-kapa bắt đầu sự biểu lộ tôn kính với những vị hướng đạo tâm linh. Thường thường những biểu lộ tôn kính để cho chư Phật và Bồ tát ; tuy nhiên, Chandrakirti lấy đại bi như là đối tượng tôn kính trong Bổ Trợ cho Trung Đạo (Madhyamakavatara) của ngài, và Maitreya lấy Mẹ, Trí Huệ ba la mật, như là đối tượng tôn kính trong Trang Hoàng cho những Chứng Ngộ (Abhisamayalamkara) của ngài. Ở đây, Tsongkapa lấy những lama như là đối tượng tôn kính. Điều này bởi vì cần thiết nương dựa vào một lama (guru) để hoàn thành sự tiến bộ qua các địa và con đường, và đặc biệt cực kỳ quan trọng phải nương dựa vào một vị hướng đạo tâm linh có thẩm quyền để tu hành những con đường của Mật thừa. Nếu người ta nương dựa vào một lama trong một thời gian dài với sự kết hợp của niềm tin và kính trọng, người ta có thể học nhanh chóng và dễ dàng những con đường vượt khỏi sai lầm và những nhiễm ô của việc chỉ tìm kiếm lợi lạc cho riêng mình. Những vị hướng dẫn tâm linh dạy từ lòng đại bi, không phải từ muốn có tiếng tăm hay sung túc ; các vị dạy không một chút sai lạc những con đường mà Phật đã dạy.
Tiếp theo Tsongkapa tán thán và bày tỏ tôn kính đối với Vajradhara, Người Bảo Hộ Nguyên Thủy. Vajradhara, không hề lìa trạng thái cảnh giới của Chân Như, nó là sự diệt mất của mọi tạo tác ý niệm và nhị nguyên, xuất hiện qua sự hiện thân như cầu vồng, phát sanh vô số hóa thần ở vô biên cõi nước, tịnh và bất tịnh, trong nhiều hình thức, bất cứ cái gì thích hợp để đào luyện cho người tu. Pháp thân một đức Phật có hai phương diện, một Trí Huệ Pháp Thân và một Tự Nhiên Pháp Thân. Tâm của Vajradhara, trí huệ bổn nguyên bổn nhiên, là Trí Huệ Pháp Thân hằng hằng trong định Chân Như như hư không tồn tại. Lãnh vực rốt ráo của Chân Như, trạng thái diệt mất mọi tạo tác – vừa tự nhiên thanh tịnh vừa sạch hết các nhiễm ô ngoại sanh ¬– là Tự Nhiên Pháp Thân.
Một Bồ tát phát sanh ý muốn đạt đến Phật tánh cho sự tốt đẹp của những người khác ; bởi thế, ý định hiện thực hóa Pháp thân là vì sự lợi lạc cho người khác. Tuy nhiên, cái trực tiếp xuất hiện với người tu hành không phải là Pháp thân mà là các Sắc thân ; như thế, cần thiết giúp đỡ những người lưu lạc bằng các Sắc thân, chúng được một vị Phật lưu xuất ra mà không khuấy động Pháp thân vốn vô niệm, vô nhị nguyên và không cần phải thi thố, cố gắng hay nghĩ tưởng. Những Sắc thân xuất hiện tự nhiên phù hợp theo nhu cầu của hành giả.
Cái vi tế hơn của những Sắc thân là Báo thân, và cái thô hơn là những Hóa thân, trong đó có loại bị ngăn ngại và không bị ngăn ngại, về phương diện vật lý. Như thế, sự bày tỏ tôn kính này nhằm đến Ba Thân : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, hay Bốn Thân : Tự Nhiên thân, Trí Huệ thân, Báo thân và Hóa thân. Theo Tantra Yoga Tối Thượng, Tự Nhiên thân cũng có thể được xem là một cái do sản sanh và không nhất thiết là một cái không do sản sanh, như nó được xem như vậy trong những hệ thống kinh điển, bởi vì trí huệ tịnh quang của đại lạc nó là Trí Huệ Pháp thân cũng được nói là một Tự Nhiên thân. Báo thân là sự biểu hiện của khí và tâm. Các Hóa thân xuất hiện trong vô số cõi tịnh và uế, đôi khi với một hình thức thô. Tsongkapa tán thán và biểu lộ sự tôn sùng đến Vajra-dhara như thế, chúa tể hay thủ lãnh của những mạn đà la.
Tiếp theo ngài đảnh lễ Vajrapani, đạo sư của sự bí mật, người lãnh đạo của những vị mang giữ những thần chú hiểu biết và là người trông coi các tantra. Vajrapani sưu tập mọi yếu chỉ bí mật, nhiều và đủ loại giáo huấn mà Vajradhara tuyên thuyết từ sự hiểu biết chính xác về bản chất, quan tâm và tiềm năng của những người tu hành. Tsongkapa bày tỏ sự tôn kính đối với Vajrapani, khởi lòng đại bi của ngài và gợi ý ma quỷ bên trong và bên ngoài hãy thận trọng.
Rồi Tsongkapa lấy Manjushri, ngài là mẹ, cha và con của tất các bậc Điều Ngự, như là đối tượng đặc biệt để tôn sùng. Ngài là mẹ của tất cả chư Phật trong ý nghĩa ngài là tinh túy của tất cả mọi trí huệ ; là cha của chư Phật trong ý nghĩa ngài mang lấy hình tướng của những hướng đạo tâm linh và làm cho chúng sanh phát khởi nguyện vọng vị tha đạt đến giác ngộ vô thượng ; và là con của chư Phật trong ý nghĩa ngài đảm đương hình tướng của những Bồ tát như ngài đã làm trong chúng hội của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khi một người tu hành làm ngài bằng lòng, Manjushri có thể, chỉ với một ánh mắt nhìn, ban cho trí huệ phân biện chân lý bằng cách làm tăng trưởng nhanh chóng sự chứng ngộ, như thắp một ngọn lửa. Tsongkapa nói rằng khi nghe một chuyện kỳ diệu như vậy, ngài đã nương dựa vào Manjushri như bổn tôn đặc biệt của ngài một thời gian dài và sẽ không từ bỏ Ngài trong mai sau, không có một quy y nào khác. Tsongkapa bày tỏ sự tôn kính đến Manjushri như một kho tàng của trí huệ, khởi phát lòng đại bi của mình qua việc tán thán và cầu xin Ngài ban cho kết quả của những gì mình mong ước.
Hứa tạo luận
Theo sự yêu cầu đặc biệt của Kyap-chok-pel-sang và Sošnam-sang-po, Tsongkapa hứa tạo ra bản văn vì những lý do đã nói ở trên. Để làm việc này, ngài cầu xin lòng bi mẫn của những Dakini Sanh Trong Cõi Phàm, Bẩm Sinh và Sanh Từ Thần Chú ban cho ngài những công hạnh, như mẹ cho con mình. Những Dakini Sanh Trong Cõi Phàm thì được sanh ra với thân thể máu thịt ; những Dakini Bẩm Sinh đã đạt đến sự thực hiện giai đoạn thành tựu trong Tantra Yoga Tối Thượng ; những Dakini Sanh Từ Thần Chú chưa đạt đến giai đoạn thành tựu nhưng ở trong sự thực hiện giai đoạn phát sanh. Theo cách giải thích khác, những Dakini Sanh Trong Cõi Phàm đã đạt đến tịnh quang về phía chủ thể (mức độ thứ ba trong năm mức độ của giai đoạn thành tựu) ; những vị Bẩm Sinh chứng đắc kém hơn nhưng vẫn còn ở trong giai đoạn thành tựu ; và những vị Sanh Từ Thần Chú thì ở trong giai đoạn phát sanh. Tsong-kapa yêu cầu những vị nữ trông coi tantra hãy thương cảm ngài và chinh phục mọi chướng ngại để cho sự trình bày trong sáng về giáo lý Mật thừa và, khi thấy mục đích của công việc ngài làm, ban cho những công hạnh và hoạt động làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.