Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

6
NHỮNG THỰC HÀNH KẾT THÚC 

OM VAJRASATTVA ARGHAM… SHABDA PRATICCHA HUM SVAHA
OM VAJRASATTVA OM AH HUM

Trí huệ thiêng liêng bất nhị… Con xin lễ lạy ngài.

Vì vô minh và mê lầm, con đã không thực hiện hay làm hư hại các lời thệ nguyện của con. Vị Thầy Thiêng liêng, người có oai lực giải thoát cho con, người thầy nội tâm của con, người cầm chày Kim cương, bản chất của ngài là Đại Từ Bi, Bậc của tất cả chúng hữu tình trôi lăn trong sanh tử, con xin quy y ngài.

Vajrasattva nói : “Hỡi người con gia đình thánh thiện (của ta), các điều bất thiện và các điều che ám của con, cũng như các thệ nguyện đã không thực hiện được hay bị bỏ dở, tất cả đều được tịnh hóa sạch sẽ.” Rồi ngài tan vào trong con. Ba cửa (thân, khẩu, ý) của con trở nên là một không hề tách biệt với thân, khẩu, ý thiêng liêng của Vajrasattva.

Theo sau sự trì mật chú, chúng ta lại thực hiện tám vật cúng dường bên ngoài và sự cúng dường bên trong, đọc lời tán thán Heruka Vajrasattva như ở trước, và dâng lời khẩn cầu.

Bạn bày tỏ với Heruka Vajrasattva rằng vì mê muội do vô minh sinh ra, nên bạn không biết những gì bạn đã và đang làm, và bạn đã tạo nghiệp ngược lại với năng lực tinh khiết của samaya – lời hứa thiêng liêng – của bạn. Thực ra, trong khi bạn đang sống ở tu viện hay trung tâm thiền định, bạn không thể đánh giá được những tiến bộ mà bạn đạt được. Chỉ khi nào bạn trở về nhà hay về thành phố thì sự thật của chính bạn mới bày ra được. Trong khi bạn tu tập ở nhóm, bạn cảm thấy rất mãnh liệt và bạn cho rằng sẽ dễ duy trì được nếp tu tập hàng ngày, chẳng hạn thức sớm để thiền định buổi sáng và vân vân.

Nhưng khi bạn trở về nhà, bạn ngủ dậy trễ, rồi trò chuyện, lập kế hoạch trong ngày với bạn bè, ăn sáng… và đột nhiên đã tới chín giờ sáng, thôi, không còn đủ thời giờ để thiền định vì bạn phải vội đi làm. Rồi, ăn trưa, thời gian uống trà, ăn tối, và cuối cùng đã quá trễ không thiền định được cho buổi tối. Và rồi, cứ như vậy tới lúc đời bạn chấm dứt. Điều mà bạn thực sự cần có là trí huệ, nhưng bạn chẳng làm gì để được có nó. Bạn dùng toàn bộ thời gian để làm việc kiếm tiền. Bạn chẳng dành một cơ hội cho trí huệ. Hãy phân tích cuộc sống một ngày của bạn và bạn sẽ thấy cuộc sống luân hồi sanh tử của bạn nó kỳ cục như thế nào.

Cũng không phải bạn thực sự muốn hủy hoại chính mình, bạn cũng không ngu muội đến nỗi bạn muốn bỏ qua năng lực phúc lạc của trí huệ siêu việt. Nhưng bạn đã làm cho thế giới bên ngoài thích thú đến nỗi bạn phải dành trọn thời gian nhìn ngắm nó. Do đó, bạn không bao giờ tự cho mình cơ hội được ngồi xuống và thiền định về thế giới bên trong của bạn. Thế giới bên ngoài ngày đêm trôi qua, nó không ngừng quay. Và mặc dầu bạn không muốn nhưng trí huệ Pháp của bạn sa sút.

Điều đó cũng giống như những gì xảy ra ở tu viện Kopan của chúng ta ở Nepal này. Vào mùa mưa, trời mưa nhiều đến nỗi có quá nhiều nước. Rồi đến khi nắng gắt, lần lượt nước bị khô đi chỉ còn lại bụi đất bị gió thổi bay. Trí huệ Pháp của bạn cũng giống như nước vậy, nó bốc hơi cho đến khi trong tâm bạn còn lại là bụi bặm nhiễm ô. Bạn tự hỏi : “Tôi thực sự đã nghĩ rằng tôi đã có một cái gì đó nhưng giờ đây chẳng có gì ở trong tâm cả. Đã có điều gì xảy ra ?” Bạn cảm thấy trống rỗng bên trong. Có trí huệ ở đó nhưng bạn không cho nó một cơ hội. Không thể nào trí huệ xuất hiện trong vòng một ngày được. Trước hết bạn phải cắt đứt các vọng niệm cũ, rồi “xung động” của trí huệ sẽ từ từ mọc lên đễ dẫn dắt bạn.

Khi các người học đạo đã sống và tu tập Pháp ở phương Đông, trở về nhà ở phương Tây thì chính điều đó sẽ xảy ra. Bất cứ trí huệ nào họ đã đạt được đều sa sút, thậm chí họ không để ý đến sự sa sút đó. Họ không thể hiểu sự sa sút đã xảy ra như thế nào, họ gần như không thể tin có sự sa sút như vậy. Rồi họ lý giải : “Ồ ! cái tôi đã học được từ các lama chỉ là một việc của Đông phương. Nó không có tác dụng ở Tây phương được.” Cái gì không tác dụng ? Nếu bạn không sử dụng nó thì làm sao nó có tác dụng được ? Nếu bạn sử dụng trí huệ của Đức Thế Tôn thì nó sẽ tác dụng, nếu bạn không dùng nó thì nó không tác dụng. Nó sẽ rỉ sét ! Và cũng rất khó khám phá những sự tăng hay giảm rất vi tế trong trí huệ ; bạn phải hết sức nhạy cảm và quán sát kỹ lưỡng. Như vậy bạn sẽ để ý thấy tâm của bạn thăng trầm như thế nào.

Nếu bạn không bén nhạy, nếu bạn không quán sát tâm bạn, bạn sẽ không bao giờ để ý thấy được tâm đang làm cái gì. Đây là cách mà con chó ứng xử. Tâm của con chó chao đảo “lên xuống” một ngàn lần mỗi ngày nhưng vào buổi tối con chó không có cách nào để phân tích các sự việc mà nó đã kinh qua trong ngày. Nó không thể nhớ lại được. Con chó cũng không thắc mắc tự hỏi xem tâm của nó đang phát triển hay đang thoái hóa, và bạn cũng như vậy. Bạn không nên giống như vậy. Trong khi bạn quá bận tâm với những phóng chiếu ảo tưởng của “cái tôi” của bạn thì cuộc đời của bạn đang cạn kiệt.

Ở phần hai của việc dâng lời khẩn cầu, bạn quy y vị lama của bạn, người có oai lực giải thoát chúng hữu tình. Người Ấn và người Nepal dùng chữ lama để chỉ cho bất kỳ người Tây Tạng nào. Ở trong sách này, chữ lama có nghĩa thật của nó là người thầy tinh thần, hay là guru. Trong tâm, ngài cầm một chày kim cương “bên trong” có trí huệ siêu việt phúc lạc, bản chất ngài là Đại từ, Đại bi và ngài là người lãnh đạo của tất cả chúng hữu tình.

Rồi thì Heruka Vajrasattva trả lời bạn, ngài nói : “Con của ta, tất cả những điều bất thiện, những thứ che ám, những lời cầu nguyện thiêng liêng đã không thực hiện, đều được tịnh hóa hoàn toàn.” Sau đó, Dorje Nyem-ma tan vào trong ánh sáng và ánh sáng tan vào trong tim của Heruka. Rồi Heruka Vajrasattva cũng tan vào ánh sáng, và ánh sáng đi vào kinh mạch trung ương của bạn và tan vào tim bạn. Ba cửa thân khẩu ý của bạn và ba cửa thân khẩu ý thiêng liêng của ngài Heruka Vajrasattva trở thành làm một không tách biệt. Bạn tồn tại trong cái “một hợp nhất” hưởng thụ phúc lạc của kinh nghiệm tánh Không với tập trung nhất tâm trọn vẹn hoàn toàn siêu việt khỏi tất cả vọng niệm nhị nguyên phân biệt chủ thể khách thể. Đây là sự hưởng thụ cao nhất có thể được.

Trong khi bạn nói lời cầu nguyện, bạn nên thiền định. Sau khi hoàn tất lời cầu kinh, bạn hãy tiếp tục thiền định tập trung nhất tâm vào cảm giác về cái một và không có mọi vọng niệm nhị nguyên như cái này cái nọ, “tôi là…” Rất có thể bạn đã để ý thấy trong những lễ puja các vị tăng Tây Tạng tụng ngâm những lời kinh rồi ngừng, rồi tụng ngâm rồi ngừng, cứ như thế. Một số người có lẽ đã cho là kỳ quặc, nhưng thật ra các vị tăng đó đang thiền định về những điểm quan trọng của sự thực hành, chứ không phải chỉ tụng đọc lướt qua mà không tạm ngừng lại để suy nghĩ. Khi bạn tu tập sadhana Heruka Vajrasattva, bạn cũng nên làm theo cách đó. Và sau khi hồi hướng bạn không nên đứng ngay dậy và chạy vội ra khỏi phòng, mà nên ở lại một lúc trong tập trung nhất tâm về nhất thể của bạn với Heruka Vajrasattva, người đã hoàn toàn là một với vị thầy guru của bạn.

Phải bảo đảm là bạn thấu hiểu trí huệ thiêng liêng của thân, khẩu, ý thánh thiện của Heruka mà không hề phóng tưởng “Tôi là…” Và như tôi đã nhấn mạnh ở trước, bạn cũng đừng có những mong đợi như là “Ồ ! hôm nay có lẽ tôi sẽ thấy Heruka Vajrasattva.” Điều này không chỉ không cần thiết mà cũng còn giúp nảy nở sự mê tín dị đoan của bạn. Do đó, bạn hãy từ bỏ những tư tưởng như vậy. Đặc biệt khi ẩn tu, bạn cũng dừng lo lắng sợ bị đau ốm. Chính sự lo âu đó sẽ làm cho bạn đau ốm. Bạn hãy chỉ việc thư giãn, và có lòng tin lớn lao vào vị Guru Heruka Vajrasattva và vào nhân quả.

Hồi hướng

Bởi công đức này, nguyện tôi nhanh chóng trở thành Heruka Vajrasattva và dẫn dắt mỗi một chúng sanh vào cảnh giới giác ngộ thiêng liêng của ngài.

Xem mục lục