Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Lama Tsongkhapa vô song nói như thế này về các yoga tantra tối thượng :

Với các thánh triết của Ấn Độ linh thiêng,

Hai hệ thống yoga tantra tối thượng

Lừng lẫy như mặt trời và mặt trăng

Là tantra dương Guhyasamaja và

Yogini tantra âm Heruka Chakrasamvara,

Cả hai đều có các bản gốc và giải thích.

Giữa những yoga tantra tối thượng,

Các giáo huấn tối cao đức Phật ban cho,

Cái rộng lớn nhất là Guhyasamaja vinh quang, vua của các tantra.

Sự thấu hiểu con đường cao cả của Guhyasamaja

Ban cho sự hiểu biết không sợ hãi, tự tin

Về tất cả các lời dạy của đức Phật.

Người ta nói rằng các yoga tantra âm tối thượng

Là không thể tính đếm ;

Nhưng trong tất cả, cái chính yếu và tối cao

Là Heruka Chakrasamvara,

Một truyền thống tantra dương cao như một trang sức

Ở trên đầu ngọn cờ chiến thắng.

Một hệ thống yoga tantra tối thượng quan trọng khác,

Với cách thế độc nhất trình bày con đường

Là hệ thống Kalachakra, ‘Luân xa của Thời Gian’,

Nó căn cứ trên Tóm tắt Tantra Kalachakra

Cùng với sớ giải của nó là Ánh sáng không vết mờ.

Ba truyền thống chính của yoga tantra tối thượng được liệt kê ở đây bởi Lama Tsongkhapa : Guhyasamaja, Heruka Chakrasamvara và Kalachakra.

Thường thường được thêm vào một cái thứ tư, hệ thống Vajrahairava, có tên khác là Yamantaka, ‘Người tiêu diệt cái chết’. Dòng này không được Tsongkhapa đề cập riêng biệt, vì sự tương tự của nó với truyền thống Guhyasamaja.

Các yoga tantra tối thượng được xếp làm ba loại, là dương, âm và không hai (nghĩa là vừa cả hai yếu tố dương âm cân bằng). Đôi khi thêm vào ba loại ấy, các tantra dương còn được chia thành ba thứ căn bản : các thứ chủ yếu dừng sự tham muốn làm con đường ; các thứ chủ yếu dùng sự hung hăng ; và các thứ chủ yếu dùng sự hôn mê của tâm thức như là sức mạnh cho con đường đến giác ngộ.

Khi nói đến những từ này, thì Guhyasamaja là yoga tantra tối thượng thuộc dương dùng tham muốn và đam mê như là con đường đến giác ngộ. Yamantaka là yoga tantra tối thượng thuộc dương dùng sự hung hăng và giận dữ như là con đường. Heruka Chakrasamvara là một tantra âm, và hầu hết dùng tham muốn như là con đường.

Còn đối với Kalachakra, các đạo sư Tây Tạng cổ thời xếp nó là một tantra không hai trên căn bản là nó kết hợp các kỹ thuật dương và âm cân bằng nhau. Tuy nhiên, trong phái Gelukpa nó được xếp như là tantra âm, bởi vì tính tập trung vào giáo lý tánh Không của nó.

Khi giải thích bài thơ của Lama Tsongkhapa ở trên, Dalai Lama thứ Mười Ba bàn luận giáo lý Mật thừa về nguyên nhân thể chất nó phù hợp với bản chất của sắc thân của một vị Phật, tức là rupakaya. Đây là mức độ vi tế của năng lực trên đó tâm thức cỡi lên từ đời này sang đời khác, giống như một người cỡi trên một con ngựa. Những năng lực vi tế này tạo thành các thân huyễn bất tịnh và rồi các thân huyễn thanh tịnh. Những nguồn giáo lý chính giảng giải các phương pháp để đạt đến thân huyễn này là các tantra dương, mà cái rộng lớn nhất là truyền thống Guhyasamaja.

Rồi ngài nói đến như thế nào cái nguyên nhân phù hợp với bản chất của Pháp thân Phật là mức độ vi tế nhất của tâm thức ; cái này được phát sanh như là tâm thức ánh sáng thanh tịnh (clear light), cái thì tương tự, cái thì thực sự. Những nguồn giáo lý chính giảng giải các phương pháp để chứng ngộ Tịnh Quang này là các tantra âm. Cái rộng lớn nhất của dòng tantra âm là trình tự Heruka Chakrasamvara. (Kalachakra cũng là yoga tantra âm tối thượng, dầu cho, như chúng ta sẽ thấy sau này, nó không dùng các thuật ngữ như là ‘thân huyễn’ và ‘tịnh quang’.)

Tiến trình nhập môn của các yoga tantra tối thượng khác biệt đáng kể với ba tantra cấp thấp. Hầu hết các sự nhập môn của yoga tantra tối thượng bắt đầu các thủ tục tiêu chuẩn của vị thầy, ngài phân tích, ấn định và tẩy tịnh địa điểm hành lễ. Rồi ngài thiết lập sự bảo vệ và phong cúng. Tiếp theo là nghi thức dành cho thổ thần, cho các hóa thần mạn đà la, phong cúng ‘cái bình’ nhập môn, thúc đẩy, gia trì dòng hiện sinh của các đệ tử vân vân. Trong giai đoạn cuối này (gia trì cho đệ tử) gồm sự dạy dỗ cách thiết lập động lực chân chánh, nhận sự nhập môn bên trong, sự thỉnh cầu của đệ tử xin được bảo vệ cho đến khi đạt đến giác ngộ, lập các lời cam kết, ban phước cho ba cửa (thân, khẩu, ý), gieo thẻ bói toán, uống nước trong bình, được trao cho cỏ kusha và dải băng tay huyền bí, làm nảy sanh sự hoan hỷ tán thưởng, và được dạy làm thế nào hiểu nghĩa các giấc mộng tiên tri.

Các đệ tử thỉnh cầu được nhập môn. Rồi họ được trao cho một miếng vải bịt mắt, y phục của hóa thần, và một tràng hoa. Họ phát quyết định của Bồ tát, nhận các nguyên tắc của năm gia tộc Như Lai, được dạy cho phát khởi tâm trùm khắp và được giao cho lời tuyên thệ giữ bí mật. Tất cả mọi điều này diễn ra ngoài bức màn mạn đà la.

Họ vào trong màn. Để tạo lập công đức bên ngoài, họ nhiễu quanh mạn đà la, lễ lạy và được đặt vào trong mối liên kết huyền bí. Để có công đức bên trong họ quán tưởng nhận được cơn mưa cam lồ trí huệ. Vị thầy đọc tụng chân ngôn, và các đệ tử ném hoa để suy đoán vào trong mạn đà la. Rồi họ được ban cho sự nhập môn tràng hoa.

Đây là giai đoạn vào trong mạn đà la khi còn bịt mắt. Tiếp đó, các đệ tử được dạy cởi băng bịt mắt. Bây giờ, họ đã có đủ sự trưởng thành tâm linh cần thiết để được nâng đỡ, và họ tiếp tục nhận được bốn sự nhập môn : cái bình, bí mật, trí huệ và lời thiêng liêng.

Cái đầu tiên, sự nhập môn cái bình gồm năm sự nhập môn tiêu chuẩn năm gia tộc Như Lai, và cũng như sự nhập môn đặc biệt kim cương sư. Tất cả chúng được gọi là sự trao truyền quyền lực ‘cái bình’ vì mỗi giai đoạn của buổi lễ được kết thúc bằng sự rảy nước từ cái bình lễ nhập môn.(1)

Hầu hết mọi hệ thống yoga tantra tối thượng đều có sáu giai đoạn căn bản này của nhập môn ‘cái bình’ (nghĩa là năm nhập môn năm gia tộc Như Lai và một kim cương sư). Tuy nhiên, một vài sách chia nhỏ ra nữa các tiến trình này, và trong các truyền thống khác này sự nhập môn cái bình có thể gồm đến chín hay mười một giai đoạn.

Qua sự tiếp nhận các nhập môn này, người đệ tử trải nghiệm sự tịnh hóa mọi ám chướng thô và vi tế của thân, cũng như các bám chấp vào hình tướng thế gian. Họ được trao quyền lực để thiền định các yoga giai đoạn phát khởi vận hành và cử hành các hoạt động khác nhau về mạn đà la. Hiệu lực để thành tựu Hóa thân (mirmana kaya) một vị Phật được thiết lập.

Tiếp theo là sự nhập môn bí mật. Ở đây người đệ tử dựa vào sự sử dụng chất bí mật đặc biệt, và trải nghiệm sự tịnh hóa mọi ám chướng thô và tế của khẩu, cũng như bám chấp cho rằng năng lực và thần chú là riêng khác. Họ được cho phép trau dồi thân huyễn, thực thể danh sắc quy ước, và thiền định các yoga hoàn thành thân thể ấy, gọi là các yoga biệt lập thân, khẩu và tâm thức. Hiệu lực để thành tựu Báo thân (sambhoga kaya) của một vị Phật được thiết lập.

Sự nhập môn thứ ba được gọi là sự nhập môn trí huệ. Nhờ nó, tâm thức được tịnh hóa khỏi mọi ám chướng thô và tế, đặc biệt là sự ám chướng ngăn che tri giác về mọi hình tướng (tất cả thực tại) như là sự khởi sanh trong trò chơi đùa giỡn của lạc phúc và tánh Không. Người ta được quyền thiền định về các yoga ‘ánh sáng thanh tịnh’ (tịnh quang) tương tự và thực sự, tức là thực tại tối thượng. Hiệu lực của Pháp thân (dharma kaya) của một vị Phật được thiết lập.

Thứ tư là sự nhập môn lời thiêng liêng. Ở đây trí huệ của lần nhập môn thứ ba được dùng để chỉ ra bản tánh của trạng thái đại hợp nhất. Mọi nhiễm ô thô và tế của thân, khẩu và tâm thức đồng thời được tịnh hóa. Đặc biệt, những chủng tử của sự làm cho méo mó gây ra do bám trước vào tính nhị nguyên được xóa sạch. Người ta được quyền thiền định về các yoga của giai đoạn thành tựu sự bất phân của hai mức độ của chân lý, nghĩa là bản tính bất phân của thân huyễn và tịnh quang. Hiệu lực được thiết lập để hiện thực hóa trạng thái giác ngộ hoàn toàn, và để thành tựu svabhavikakaya, thân tinh túy của một vị Phật.

Đó là bốn nhập môn tạo thành phần chính của lễ trao truyền ban cho quyền thực hành một hệ thống yoga tantra tối thượng thích hợp. Mọi hệ thống trong loại tantra này chứa đựng bốn cái ấy trong cách này hoặc cách khác.(2)

Như chúng ta sẽ thấy sau này, lễ nhập môn Kalachakra thì tỉ mỉ hơn hầu hết các hệ thống yoga tantra tối thượng khác.

Ngài Panchen Lama thứ Nhất đề cập đến các nhập môn Kalachakra như sau trong Một nguyện vọng để hoàn thành các giai đoạn của con đường Kalachakra vinh quang :

Đã nhận được các nhập môn Mật thừa

Đi vào như một đứa trẻ, cũng như các nhập môn bốn thế gian và bốn xuất thế gian

Nó tịnh hóa dòng tương tục của tâm thức khỏi các nhiễm ô

Và gieo trồng các chủng tử của bốn thân

Nguyện rằng tôi an trụ một cách tốt đẹp

Trong các kỷ luật và thực hành Mật thừa.

Như thế trong truyền thống Kalachakra lễ nhập môn gồm có ba nhóm. Nhóm thứ nhất được biết như là ‘bảy nhập môn của sự đi vào như một đứa trẻ’, và thể hiện một cách thức tượng trưng khác một cách đáng kể với cách được dùng trong các tantra chính yếu. Giống như bốn nhập môn trong mỗi nhóm của hai nhóm còn lại, bốn nhập môn có cùng tên như được trình bày trong các tantra chính yếu, dầu cho các tính chất và chức năng của chúng đôi khi có khác.

Sự tiếp cận mà người ta có thể dùng đối với các yoga tantra tối thượng, cũng như những lợi lạc từ đó, được Dalai Lama thứ Bảy diễn tả khéo léo(3) :

Rút vào chiều sâu của tâm bạn những nước

Của bốn sự trao truyền quyền lực Mật thừa

Chúng có hiệu lực rửa sạch mọi tội lỗi và nhiễm ô.

Thế rồi dưới sự hướng dẫn của một vị thầy phẩm cách

Đi vào con đường hoàn thiện đã được chứng minh giá trị

Bằng truyền thống khẩu truyền sống động

Và rót đầy tâm thức bởi sự hân hoan vĩnh cửu.

Nội quán nhìn thấy thế giới như mạn đà la,

Và điệu múa của cặp phối ngẫu đẹp đẽ tuôn trào.

Tâm thức an trụ trong thiền định được tập trung vào

Sự tỉnh giác trẻ trung về Không và Lạc,

Và sự xuất thần bay vút tự do

Trong mọi tình huống đều được chứng nghiệm.

Khi đã nhận được các sự nhập môn, người ta tiếp tục tu hành các yoga của hệ thống thích hợp.

Xem mục lục