Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Cái tối cao của tất cả những con đường Phật giáo là Kim Cương thừa mật truyền, con đường những mantra bí mật được đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy trong hình tướng huyền bí là Phật Vajradhara thần lực.

Tuy nhiên người ta không thể đi vào sự thực hành của thừa này mà trước tiên không có được những sự truyền pháp làm cho chín muồi, trưởng thành thân khẩu ý của mình để tu hành cũng như những nhập môn và ban phép lành làm nảy sanh các khả tính khác nhau, như là khả năng tăng trưởng những phẩm chất người ta có thể có…

Những vị thầy mong muốn dẫn dắt đệ tử có may mắn đi qua những thiền định và các truyền thừa kinh văn của con đường bí mật này phải đầy đủ một sự hiểu biết và kinh nghiệm sâu xa phù hợp với những kiến giải của các đại luận văn Mật thừa.

Sự trang sức của người thầy là viên ngọc do đã nhận được những trao truyền của dòng phái thích hợp phù hợp với những giảng giải rõ ràng từ những đạo sư và thiền giả đủ phẩm cách. Người thầy không dẫn dắt đệ tử một cách tùy hứng, mà phải hướng dẫn họ qua mọi giai đoạn của sự truyền pháp lực và thiền định một cách chính xác như trong kinh điển truyền thống đã chỉ ra.

Không phóng tâm hay loạn tưởng, vào lúc lễ truyền pháp thật sự, người ta phải triệt để thực hiện sự phát sanh quán tưởng chính mình như vị thần bổn tôn của mạn đà la, cũng như sự phát sanh của mạn đà la bên ngoài.

Những đệ tử sẽ tắm rửa, rồi vào mạn đà la, và dâng cúng hoa. Quán tưởng vị guru là một không cách hở trong bản tánh và hình tướng, với hóa thần của mạn đà la, họ cúng dường trong quán tưởng mọi thứ đáng giá trong thế giới này, như là thân mình và thân người khác, tài sản v.v…, cũng như mọi điều tốt đẹp của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Điều luật quan trọng nhất cho vị thầy là lời của Lama Atisha không gì sánh(1) :

Khi ban sự chỉ dạy tâm linh cho người,

Hãy có tâm đại bi vị tha.

Điều đó nghĩa là, tiên khởi của vị thầy khi sửa soạn để soi sáng con đường tâm linh là siêu vượt mọi tư tưởng bề mặt, bên ngoài như mong muốn sở hữu hay danh tiếng, thay vào đó là an trụ trong tư tưởng cao cả làm lợi lạc cho người khác.

Căn bản của người đệ tử được nêu ra trong một kinh(2) :

Nghe đúng đem lại hiểu biết trọn chân lý ;

Nghe đúng dẫn dắt thoát xa mọi tiêu cực, xấu ác ;

Nghe đúng đưa đến tự do khỏi mọi đau
khổ ;

Nghe đúng thành tựu trong Niết Bàn.

Một kinh khác thêm :

Hỡi đứa con của gia đình cao cả, nếu người nghe tốt, trí huệ sẽ khởi sanh. Nếu ngươi có trí huệ, sự tà vọng của tâm thức sẽ biến mất. Khi người ta không còn sự tà vọng của tâm thức, Ma vương không còn có thể chiến thắng.

Như đoạn kinh gợi ý, nếu người ta hướng năng lực vào việc nghe các chỉ dạy tâm linh, người ta sẽ có một hiểu biết về các phẩm chất nội tại để trau dồi và cái tiêu cực để vượt thắng. Một khi sự hiểu biết căn bản này được phát sanh người ta có thể bắt đầu làm việc cho sự phát sanh các phẩm chất tâm linh như rộng lượng, giới luật, và trí huệ.

Trong bối cảnh ấy, đạo sư Vira viết(3) :

Người có nguyện vọng tâm linh cao nhất

Thường xuyên nghe vài giáo huấn.

Bằng cách liên tục tích tập từng ít,

Lâu trước khi số nhiều được thu hoạch.

Điều gì xảy ra cho một bình chứa

Được đặt ở trong một cơn mưa

Của những hạt nước nhỏ

Rơi hoài không ngừng dứt ?

Từ thí dụ rõ ràng này

Chúng ta có thể thấy rõ ràng, hỡi đức Vua,

Rằng người ta nên thường xuyên vui thích

Nghe những lời giáo huấn tâm linh.

Chúng ta nên nghe rất nhiệt thành từng câu giáo huấn mà chúng ta có dịp may nghe được, lâu trước khi chúng ta có thể qua đến bờ bên kia của sự nghe và của hiểu biết.

Giá trị lắng nghe thánh pháp đã được đại Lama Tsongkhapa xác định :

Khi nghe các giáo huấn thiêng liêng

Hãy tự xem bạn là rất may mắn.

Hãy biểu hiện một gương mặt rạng rỡ với niềm vui

Và một nụ cười toát ra vui thích ;

Hãy nghe với một tâm linh thoát khỏi ba lỗi lầm

Ba lỗi lầm như ba sự hư hỏng của một cái nồi.

Khi nào chúng ta tham dự một buổi thuyết pháp hay truyền pháp Phật giáo, trước tiên chúng ta phải phát sanh một tâm vui vẻ bằng cách thiền tưởng những kết quả tốt lành của sự nghe Pháp. Dấu hiệu bên ngoài của tham thiền này là một khuôn mặt rạng rỡ bởi niềm vui, một nụ cười toát ra sự vui thích, và một tính cách kính trọng.

Đây là căn bản để nghe pháp với một tâm thoát khỏi ba lỗi lầm, chúng giống như ba thứ nồi – một cái nồi bị lật úp, một cái nồi bị nhiễm chất độc, và một cái nồi có lổ lủng dưới đáy.

Để cho tâm thức lang thang theo các đối tượng bên ngoài một cách hư vọng khi nghe Pháp thì cũng giống như rót nước vào một cái nồi lật úp. Nghe Pháp khi nắm giữ những tư tưởng không trong sạch, như là tưởng tượng ra các lỗi lầm của thầy, tự phụ kiêu căng, ý nghĩ thích thú sở đắc lạc thú vô thường hay năng lực thần thông thuộc thế gian do lạm dụng các giáo huấn… thì giống như rót nước vào một cái nồi có chất độc. Cuối cùng, nếu đệ tử có một tâm thức chú ý và một hoạt dụng sáng tạo nhưng không cố gắng giữ lại cái đã được nghe dạy, sự trao giáo lý cho người ấy thì cũng giống như rót nước vào trong một cái nồi có lổ lủng ở đáy.

Hãy giữ mình đối với ba thái độ lầm lỗi này nếu bạn muốn có được lợi lạc tối đa từ sự dấn thân vào thánh pháp.

Người ta phải nghe Pháp để có thể đạt được một trạng thái chứng ngộ hầu góp phần giải thoát những chúng sanh khỏi biển cả đau khổ sanh tử. Động lực phải là đạt được trí huệ của một vị Phật, một con người toàn giác, chứ không phải là đạt được sung túc hay uy tín ; để chiến thắng kẻ thù là vọng tưởng của chính mình, chứ không phải học hỏi như là phương tiện để thành công hơn trong tranh luận và biện giải ; để thiện xảo một cách đầy kính cẩn trong tinh túy của giáo pháp, chứ không phải ăn cắp một trò lừa bịp huyền bí từ thiện tri thức.

Kinh điển dạy chúng ta như thế.

Nếu chúng ta rút gọn từ các kinh và tantra tất cả lời khuyên dạy chính yếu về việc làm thế nào để nghe Pháp, giáo điều trọng yếu nhất sẽ là duy trì tư tưởng này, ‘Bằng mọi phương tiện có thể, tôi phải cố gắng thành tựu cấp bực quý giá của Phật tánh toàn mãn, sự giác ngộ không gì sánh, sự đạt đến vô thượng, để làm lợi lạc cho chúng sanh vô biên như hư không. Chỉ vì hiện thực mục đích này mà tôi dấn mình vào hoạt động kỳ diệu của Pháp.’

Trong trường hợp một sự truyền pháp hay nhập môn Mật thừa, người ta thay thế câu cuối cùng bằng, ‘Chỉ vì hiện thực mục đích này, tôi tham dự sự kiện này của Pháp Kim Cương thừa, con đường bí mật.’

Tư tưởng này thiết lập động lực và sự phát tâm toàn hảo, cái đầu tiên của bốn điều kiện toàn hảo đối với thực hành Mật thừa.

Thứ hai chúng ta phải tạo ra môi trường toàn hảo. Quán tưởng rằng nơi chỗ của sự kiện Mật thừa là ngôi nhà thiên thánh bất khả tư nghì sinh từ trí huệ bổn nguyên xuất hiện tự nhiên của vị thần thiền định. Ở trung tâm của cung điện kỳ diệu này, ngồi trên một ngai do tám con sư tử vô úy chống đỡ là vị thầy Mật thừa của mình. Ngài là một, không cách lìa trong bản tánh và hình tướng với vị thần thiền định.

Điều kiện toàn hảo thứ ba là chúng toàn hảo. Quán tưởng rằng bạn và tất cả những người khác hiện diện là năm vị Phật thiền định, các Bồ tát khác nhau v.v…

Cuối cùng chúng ta cố gắng kinh nghiệm sự hoạt động toàn hảo. Quán tưởng rằng lời nói của thầy âm vang như lời hát du dương của Phạm Thiên, gởi đến những đám mây giáo huấn cho những đệ tử thuận với nhu cầu tâm linh cá nhân của họ.

Thái độ chung đối với vấn đề nghe thánh pháp được diễn tả trong Những lời dạy chọn lọc của đức Phật :

Người trí trong thế giới này

Làm vững chắc niềm tin và trí huệ,

Bởi vì chúng là những viên ngọc tối thượng

Chiếu sáng mọi thứ khác.

Hai viên ngọc lớn nhất trong thế giới này là ý định không lay chuyển hướng đến đích và sự soi thấy thấu suốt. Chúng vượt trội hơn cả những viên ngọc như ý, vì chúng nhổ gốc mọi khổ đau của sanh tử và các cõi thấp, vì chúng nhanh chóng đem đến sự thấu đạt cấp bậc tâm linh cao và chứng ngộ rốt ráo.

Về hai phẩm chất này (tức là tin và trí), rất cần thiết vun bồi cái trước, vì đức tin làm người ta trở nên một đồ chứa thích hợp để nhận Pháp.

Chuyên biệt hơn, người ta phải vun bồi ba loại niềm tin : tin vững chắc, nó hiểu biết ý nghĩa của các quy luật không sai chạy của nhân quả, và biết rằng các hành động tốt và xấu của thân, khẩu, ý tạo ra hạnh phúc và đau khổ tương ứng ; tin trong sạch, nó khởi ra do sự nhận biết những phẩm chất tốt đẹp của các đạo sư, Tam Bảo… và đem lại sự trong sáng cho tâm thức ; và tin ước nguyện, nó nỗ lực tiến bộ trên những cấp bực của giải thoát.

Đó là ba loại niềm tin tổng quát cần được trau dồi.

Niềm tin đặc biệt của con đường Mật thừa được biết một đoạn trong Tantra của Susiddhi :

Người ta phải thấy vị thầy Mật thừa của mình

Thật sự là một vị Phật toàn hảo.

Những đệ tử với sự kính trọng khôn ngoan như thế

Nắm được sự chứng đắc trong bàn tay mình.

Mọi kinh điển và tantra đều nói rằng trau dồi một định hướng tâm linh là gốc của mọi kinh nghiệm tôn giáo. Bởi thế hãy phát khởi niềm tin trong sạch với thầy và bổn tôn thiền định của bạn và tạo lập niềm tin vững chắc vào Pháp của Con Đường Bí Mật.

Loại tin tưởng này cần được duy trì suốt mọi sự kiện về Pháp, và cũng khắp mọi hoạt động hàng ngày. Nếu khác đi người ta sẽ không thể quét sạch bùn nhơ của tâm thức, và do đó không nắm chắc được nền tảng của con đường. Bởi thế hãy cố gắng trong những phương pháp thấm nhuần đức tin vào Pháp.

Những phương pháp ấy là gì ?

Phương pháp chính được đề cập đến trong chương về niềm tin trong bản văn Những lời dạy chọn lọc của đức Phật :

Chớ nương dựa vào những người không đức tin,

Họ giống như những cái giếng khô.

Đào bới trong một cái giếng khô

Chúng ta chỉ rút ra được mùi hôi thối.

Người trí nương dựa vào những người có đức tin,

Họ giống như những cái hồ rộng lớn

Đầy nước mát lạnh trong trẻo

Và thoát khỏi mọi cặn bùn.

Những người sơ học phải cố gắng sống với người thông lợi có cả hai thứ niềm tin đối với Pháp và chánh niệm với Pháp. Họ phải nghe đi nghe lại các thầy Đại thừa giảng giải thánh pháp, và phải chiêm nghiệm ý nghĩa của điều đã được nghe cho đến khi đạt đến hiểu biết chắc thực.

Bản văn Lời chỉ dạy của Vajrapani cho đại thành tựu giả Karmavajra nhấn mạnh :

Hỡi Karmavajra, nghĩ rằng người ta kinh nghiệm được một linh kiến về hóa thần thiền định và phát sanh một kinh nghiệm cao siêu khi chưa phát triển một tương quan có hiệu lực với đạo sư là tự đánh lừa mình. Nghĩ rằng đã xả bỏ sự ham mê thế gian khi không có niềm tin vào sự thiền định về vô thường và cái chết là tự lừa dối mình.

Tương tự, chỉ là tự lừa mình khi nghĩ rằng người ta không tạo nghiệp xấu dầu cho không có niềm tin thực sự vào định luật nhân quả nghiệp báo ; khi nghĩ rằng người ta quay lưng với sự nghiện ngập sanh tử dầu cho không thiền định triệt để về lầm lỗi của sự ham mê sanh tử ; khi nghĩ rằng người ta đã phát khởi từ bi và Bồ đề tâm mà không có một vi trần nào quan tâm đến kẻ khác ; và khi nghĩ rằng người ta hiểu được tánh Không khi chưa thấy bản chất hư vọng của các sự vật danh tướng.

Hỡi Karmavajra, nếu con mong cầu Pháp tối thượng hãy tiếp cận nó với lòng tin.

Cái gì là những nguyên nhân phát sanh niềm tin ? Niềm tin khởi sanh khi quán tưởng bổn sư như là một vị Phật thứ hai. Nó khởi sanh khi ở chung với người hướng về Đạo. Nó khởi sanh khi thiền quán về vô thường và cái chết. Nó khởi sanh khi nhìn vào những khuyết điểm của sanh tử.

Và nếu trên căn bản của các hiểu biết này, chúng ta nhìn vị guru như một chiếc thuyền nhờ đó chúng ta có thể giải thoát mình khỏi sanh tử và sau đó chúng ta cố gắng thực hành theo lời dạy và không làm hư hỏng mối quan hệ tâm linh với thầy, các lợi lạc lớn lao sẽ tăng trưởng.

Đặc biệt, vào lúc thọ nhận những truyền pháp hay nhập môn Mật thừa, chúng ta phải nhìn vị guru và hóa thần thiền định không cao hơn hay thấp hơn nhau. Tiến vào các giai đoạn khác nhau của nhập môn, như thỉnh cầu ba lần sự truyền pháp…, với một quán tưởng cả hai là cùng một bản chất bất khả phân.

Điều rất quan trọng là tán thưởng những nhân duyên căn bản của một cuộc đời tâm linh đầy ý nghĩa. Trong bối cảnh ấy, đạo sư Atisha không gì sánh viết :

Sự tái sanh này với tự do và thiện căn

Rất khó tìm kiếm được.

Có được trở lại nó sẽ khó khăn.

Bởi thế hãy dùng nó để thực hành Pháp

Và như thế làm cho đời con có ý nghĩa.

Đức Phật đã đến đây, một thánh chúng nở rộ ;

Con đã có một tái sanh làm người hy hữu,

Và đã gặp vị thầy khó gặp.

Chớ làm cho tất cả những điều ấy thành hư vô.

Điều này nói rằng, chúng ta đã thành tựu được một tái sanh làm người quý giá với tự do và thiện căn đủ cho thực hành Pháp, một hình tướng khó đạt được. Chúng ta cũng đã gặp kinh và tantra quý giá của Phật, và những người bạn Đạo và những bậc thầy có khả năng giảng giải chúng cho chúng ta. Bây giờ chúng ta có cơ hội nghe Pháp, tư duy ý nghĩa của nó và thiền định về nó, chúng ta hãy cố gắng nắm bắt được tinh túy của nó.

Nếu như chúng ta có thể chắc chắn có lại được một đời người như thế sau khi chết, có lẽ không cần cố gắng lớn lao để thực hành bây giờ. Chúng ta có thể làm việc để đạt đến giải thoát và con đường toàn giác trong một đời sau.

Nhưng thật sự những khả năng có lại được một thân người trong những đời sau rất là mong manh nếu chúng không dùng được cuộc đời chúng ta đang có.

Giờ đây chúng ta đã gặp gỡ Pháp, chúng ta phải cố gắng phát sanh ánh sáng của trí huệ để trau dồi thiện tâm và nhổ bật mọi điều xấu trong chúng ta.

Về sự thực hành Pháp, hãy nhớ những lời của Panchen Lama (thứ Nhất) vĩ đại và toàn giác :

Khi chúng ta chỉ ngón tay

Phía dưới cổ họng để phân tích

­Bản chất của những lối đi trước kia của chúng ta,

Chúng ta thấy một con cáo mang bộ lông sư tử ;

Chúng ta giả vờ với Pháp nhưng không thực sự thực hành nó.

Khi tâm thức bị tiêu tán và chế ngự bởi hư vọng, làm sao những tư tưởng cao siêu có thể sanh ra ? Hãy để riêng tư tưởng thiện qua một bên, ngay một tư tưởng trung tính cũng hiếm hoi. Hơn nữa, thân, khẩu, ý chảy thành một dòng tối tăm và xấu tệ không gián đoạn.

Với động lực bị hư vọng mạnh mẽ kiểm soát, ngay cả sự cố gắng thực hành Pháp của chúng ta cũng thường kết thúc không có gì ngoài nghiệp xấu với những vị thầy tâm linh.

Cái xấu giống như một dòng sông lớn chảy xuống, mà cái tốt thì giống như cố gắng đẩy nước trở lên : người ta đẩy mãi nhưng tiến bộ thì nhỏ và đứt quãng. Ngay khi chúng ta cố gắng mãnh liệt với niềm tin mạnh mẽ, cũng phải có nhiều nỗ lực để vượt qua các khuôn khổ của các vòng sanh tử thấp kém.

Đạo sư Nagarjuna nói :

Từ hạnh ác đau khổ xảy đến

Và mọi cõi sanh tử thấp thỏi.

Từ hạnh thiện sự tự cải thiện xảy đến

Và hạnh phúc trong các đời sau.

Nói cách khác, khi nghiệp nhân xấu, nghiệp quả là tái sinh và khổ đau ở cõi thấp ; và khi nghiệp nhân tốt, nghiệp quả là tái sanh và hạnh phúc ở cõi cao. Quy luật thì không sai chạy.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tái sanh ở các cõi thấp không đến nỗi tệ lắm, vì sau khi hình thức đời sống ở đó chấm dứt, bạn sẽ lại chết và rồi một lần nữa có một tái sanh cao.

Hãy nhớ những lời của Shantideva trong Một hướng dẫn vào Bồ tát đạo :

Nếu người ta tiếp tục trong cái ác,

Một tái sanh làm người sẽ không có được.

Nếu một tái sanh làm người không tìm ra,

Cái xấu hơn là cái tốt vẫn tiếp tục.

Nếu bây giờ chúng ta không tu tạo

Khi chúng ta có sức mạnh để làm điều đó

Thì khi sau này chúng ta bị che chướng bởi cảnh khổ

Ngập tràn trong ba cõi thấp,

Làm sao chúng ta có thể làm nữa ?

Nếu bây giờ tôi không tu tạo điều tốt

Mà chỉ tích góp thêm điều xấu,

Thì trong một trăm triệu kiếp

Tôi sẽ không nghe được ngay cả danh từ hạnh phúc.

Những người tái sanh vào các cõi thấp không có trí huệ để có thể hiểu cần phải trau dồi cái gì và chối bỏ cái gì. Rồi nhiều nghiệp xấu tích góp thêm, và thành ra rất khó cho tư tưởng tốt sanh khởi. Kết quả là khi cuộc đời trong một cõi thấp chấm dứt, người ta lại tiếp tục có một tái sanh khác vào cõi thấp và trong nhiều kiếp lạc loài trong vòng lẩn quẩn. Làm thế nào nguyên nhân cho các cõi cao được bồi đắp ?

Hơn là để cho mình đi từ ánh sáng đến những vòng vô tận của bóng tối, hãy dùng đời làm người này để đi từ ánh sáng đến ánh sáng lớn hơn, từ hạnh phúc đến hạnh phúc sâu xa hơn.

Bạn có thể nghĩ : ‘Tốt lắm, tôi sẽ cố gắng hoàn thành lợi lạc vĩnh cửu. Nhưng trước hết, tôi phải nhắm vào các quan tâm đến cuộc đời này.’

Hãy nhớ lại chương về vô thường trong Những lời dạy chọn lọc của đức Phật :

Tôi đã làm cái kia, tôi đang làm điều này,

Và rồi tôi sẽ làm cái đó :

Người ta sắp đặt các kế hoạch như thế.

Nhưng cái chết xảy đến bất ngờ

Với bệnh tật và già yếu.

Chúng ta có thể vạch ra một kế hoạch đầy cả hàng trăm năm tới, nhưng không có sự chắc chắn nào kế hoạch gì sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, thân thể này dần dà hư hoại và càng gần với cái chết mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc. Sự tráng lệ của nó phai nhạt dần, khả năng các giác quan giảm sút, trí óc mất nhanh nhạy.

Những cái ấy chỉ là một dòng khổ đau của tiến trình già lão. Và vào lúc chấm dứt, chúng ta chỉ có thể trông chờ cái chết.

Chúng ta giống như một người sống trong rừng sâu với sư tử, cọp, rắn độc và các thứ khủng khiếp khác, các thú dữ chúng không thể sống hòa hợp với nhau và không có tình thương để làm sự sống.

Khi người ta ở trong một nơi như thế, nơi mà cái chết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thật chẳng khôn ngoan ngồi yên một cách tự mãn.

Bên ngoài, mọi lực lượng tác hại của nhân và phi nhân ngồi rình rập chúng ta, chờ đợi nghiệp quả xấu của chúng ta chín muồi để có thể tác động vào thân thể, đời sống, tài sản, hạnh phúc… của chúng ta. Bên trong, bốn đại của thân – đất, không khí, lửa và nước – và ba cái chính yếu – khí, mật, dịch – tự bản chất mang khả năng thường trực bệnh hoạn, và giống như thú dữ trong rừng sâu luôn luôn đánh lộn nhau để chiếm ưu thế. Khi một thứ chế ngự các thứ khác, sự khổ đau của bệnh tật và có thể cả cái chết phủ ập lên chúng ta.

Bạn có thể nghĩ : ‘Nhưng ngay lúc này thân tâm tôi đầy đủ sức khỏe’ ; nhưng đó cũng không phải là lý do vững chắc để tự mãn. Như bậc Vĩ Đại Thứ Năm (Dalai Lama) nêu ra :

Tóc đen trở thành trắng như tuyết,

Khuôn mặt trắng thành đen như đêm,

Thân lớn lên thẳng giờ cong như cái cung,

Và các đối tượng giác quan không đem lại thích thú.

Đây là áp lực của tuổi già.

Không người yêu dấu nào, không người cứu trợ nghề nghiệp nào có thể giúp ;

Sự vật của quá khứ cũng mất đi, và

Bạn bè thân thuộc chờ đợi phần thừa kế.

Đây là người sứ giả mang theo

Một lời mời của Thần Chết.

Hãy thẩm xét tình trạng hiện tại của thân thể bạn. Sự kiện trong quá khứ nó không bao giờ ngừng lớn lên và phát triển là một triệu chứng nó ở trong sự phủ chụp của các yếu tố dẫn chúng ta qua bờ bên kia, vùng đất của Tử Thần.

Đặc biệt trong thời đại băng hoại này, khi đời người quá ngắn ngủi, khó gặp một người lớn hơn năm hay sáu mươi tuổi : và ngay dù chúng ta có sống lâu hơn, khi chúng ta khấu trừ thời gian tiêu pha trong thời trẻ, tuổi già, bệnh tật, ngủ nghỉ… chẳng còn bao nhiều dành cho thực hành Pháp. Có lẽ khoảng một hai năm được dành cho thực hành nghiêm túc. Và hầu hết đời người đã tiêu pha trong vô nghĩa. Trích dẫn Một lá thơ cho vua Kanika :

Thần Chết đến bất ngờ

Cho những ai mất chánh niệm tỉnh giác.

Chớ chờ để ngày mai ;

Hãy thực hành thánh pháp ngay bây giờ.

Nói rằng ‘Tôi sẽ làm điều đó ngày mai’

Không phải là cách của người khôn ngoan.

Không nghi ngờ gì cái chết là bất ngờ,

Và con sẽ bị rút lại thành hư vô.

Không chắc gì bàn tay không báo trước của Thần Chết vô tình sẽ không rớt trên chúng ta năm này, tháng này, hay ngay cả giờ này. Mặt trời sẽ mọc sáng mai có thể tìm thấy thân thể chúng ta trong một nhà xác hay trên một giàn hỏa thiêu với bạn bè thân thuộc cử hành đám tang chúng ta. Ai có thể biết điều này không xảy ra cho y?

Đại Lama Tsongkhapa nói :

Người ta có thể nói điều gì

Nó không bị thần chết nuốt chửng sao ?

Khi đây là số phận chắc chắn của tôi,

Ôi tâm trí, làm sao ngươi có thể ngồi yên ?

Hãy bỏ qua những việc làm vô nghĩa

Bề nào chúng cũng phải bỏ đi vào lúc chết

Bất kể bao nhiêu năng lực đã đổ ra cho chúng.

Thay vào đó, hãy nghĩ làm sao để tiến bộ

Trên con đường của giác ngộ.

Với tư tưởng này hãy làm vững chắc

Những phẩm chất tâm linh như là khiêm hạ,

Chánh niệm, tỉnh giác và sự sáng sủa của tâm thức,

Và thuần hóa cái tâm khó thuần hóa.

Rồi vào lúc chết, tâm sẽ an trụ trong niềm vui.

Hoặc một người có thể là một tu sĩ học giả thông thạo ngũ minh, một đại thành tựu giả có thần thông, một nhà vua cai trị với toàn quyền trên dân chúng, một chiến sĩ với sức mạnh và khéo léo trong chiến đấu, hay một điền chủ sống dưới sức nặng của các thệ ước gia đình, thì vào lúc chấm dứt cũng sẽ không thoát khỏi cái chết.

Từ giây phút đầu tiên sinh ra, mọi người đều đi vào con đường dẫn đến cái chết, bất kể họ cao, trung bình hay thấp.

Không chắc chút gì khi nào cái chết xảy ra với chúng ta. Bởi thế phóng tâm theo những công việc thế tục thì giống như một tử tội chết vào ngày mai mà tiêu phí thời gian hôm nay cho những việc chỉ có lợi cho cuộc đời này. Thật là bi thảm biết bao !

Cái gì làm lợi lạc và cái gì làm hại cho đời này và những đời sau ? Như chương về nghiệp trong Những lời dạy chọn lọc của đức Phật khuyên bảo :

Nếu con sợ, khổ đau

Và không muốn hưởng thọ đau đớn,

Thì hãy chớ tạo nghiệp xấu

Một cách công khai hay thầm lén.

Và,

Điều xấu không giống như sữa,

Có thể thình lình biến đổi bản chất.

Nó giống như than nóng trong tro

Làm phỏng cháy người non nớt, y đã quên chúng từ lâu.

Nghiệp xấu không giống như một võ khí,

Chưa chắc đã làm hại người mang.

Nó là một lực lượng mang vào tương lai,

Sớm hay muộn cũng giáng xuống người mang nó.

Một nghiệp xấu rất mạnh mẽ nảy sanh kết quả đau khổ ngay trong đời này. Nhưng dù nghiệp không chín trong đời này nó cũng sẽ không mất tiềm năng trong một trăm a tăng kỳ kiếp. Thời gian nào đó nó sẽ biểu lộ và đem lại khổ đau trên người mang nó.

Cũng vậy, nghiệp tốt tức thời đem đến một mức độ của năng lực tạo tác và hạnh phúc cho tâm thức, và trong tương lai sản sinh ra một tái sanh dẫn đến sự thực hành Pháp hơn nữa.

Hãy tự hỏi, ‘Nghiệp tốt nào tôi đã sản sanh ? Nghiệp xấu nào tôi đã sản sanh ? Điều gì tôi đang làm bây giờ, và điều gì tôi định làm trong tương lai ?’

Những cửa qua đó chúng ta thu góp nghiệp trắng và đen là thân, khẩu và ý. Tuy nhiên một hành động của thân và khẩu là tốt hay xấu chỉ tùy thuộc vào trạng thái của ý, của tâm thức.

Điều này được chỉ ra bởi đạo sư Aryadeva trong Lột vỏ những tấm màn của Tâm :

Đặt đôi giày trên đầu của Phật

Phát sanh từ một động lực tốt

Và lại lấy chúng đi :

Cả hai dẫn đến tái sanh làm một vị vua.

Bởi thế một hành động là công đức hay
tội lỗi

Chỉ tùy thuộc vào trạng thái của tâm.

Điều này ám chỉ đến một câu chuyện nổi tiếng về một người, khi thấy một giọt nước trên đầu tượng Phật, đã đặt đôi giày lên đó để bảo vệ tượng. Một người thứ hai thấy vậy, cho là không thể được vì đôi giày là dơ bẩn, bèn lấy chúng đi. Cả hai người đã sanh ra một nghiệp tốt như nhau, và cả hai đã tái sanh như những con người vĩ đại.

Như thế, thật quan trọng thấy rõ ràng bản chất động lực, phát tâm của chúng ta trong mọi hoạt động.

Ý nghĩa thiết lập nền tảng cho một thái độ tốt trong mọi hoạt động được đại đạo sư Geshey Potawa nhấn mạnh :

Mọi giáo lý của Phật và chư Tổ

Đều là những phương pháp để cải thiện tâm thức.

Khi tâm ý không thay đổi, các thực hành của thân và khẩu

Chẳng sanh ra giải thoát, dầu người ta kiên trì một trăm kiếp.

Mọi thực hành của văn, tư, tu

Chỉ là những dụng cụ để chuyển hóa tâm thức.

Tóm tắt, mọi giáo lý của ba thừa do đức Phật soi sáng, gồm tất cả giáo lý của kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa và bốn loại tantra, thật sự chỉ là những phương tiện và kỹ thuật để tu tâm. Từ đó chúng ta nên dùng chúng chỉ cho mục đích ấy.

Mỗi hoạt động giáo pháp của chúng ta – hoặc học hỏi, tư duy, thiền định hay chỉ là đọc kinh – phải được dùng như một phương pháp để thuần hóa tâm thức. Rồi thì Pháp trong lý thuyết và thực tại lối sống của hành giả sẽ không bao giờ mâu thuẫn với nhau. Điều này cực kỳ quan trọng.

Nếu chúng ta dùng sự tiếp cận thực dụng này thì bất cứ điều gì chúng ta học hỏi đều ích lợi, bất cứ lời dạy nào đều thích ứng, và chúng ta có thể thấy mỗi một dòng kinh đều lợi lạc cho chúng sanh tức khắc hay lâu xa.

Mọi giáo lý cao, trung bình, và thấp do đức Phật ban cho thích hợp với khả năng, thái độ và khuynh hướng nghiệp của các loại chúng sanh khác nhau, hầu hết biện pháp nằm trong giáo lý Đại thừa từ thời nguyên thủy.

Bản chất của Đại thừa được diễn tả bởi đạo sư Ấn Độ vĩ đại Shaddhakaravarma :

Bồ Tát thừa có hai con đường : Ba la mật đa thừa, hay là Thừa Trí Huệ Siêu Việt nhân ; và Thừa Guhyamantra, Thừa của các Mantra Bí Mật quả.

Nghĩa là, Đại thừa gồm có hai thừa riêng biệt : Ba la mật đa thừa, hay là thừa (cung cấp thiền định) về những nguyên nhân (của giác ngộ), cũng gọi là Thừa của những Dấu Hiệu ; và thừa Guhyamantra, hay Kim Cương thừa, thừa (cung cấp những thiền định) về những kết quả (của giác ngộ).

Tuy nhiên sự thực hành cái trước chỉ tạo ra giác ngộ sau ba a tăng kỳ kiếp tu hành khó khăn. Tóm tắt, nó là một cuộc du hành dài lâu và gian khổ.

Nhưng nếu trong thực hành, chúng ta phối hợp Kim Cương thừa với Ba la mật đa thừa thì sau một thực hành ngắn, thích hợp chúng ta có thể đến đích của sự bồi đắp thiện căn và vượt qua cái xấu, cái tiêu cực ; và có thể nhanh chóng và dễ dàng đạt được trạng thái Vajradhara toàn khắp chỉ trong một đời.

Kim Cương thừa là con đường rất nhanh chóng ; nhưng để đi vào đó trước tiên chúng ta phải tu hành dòng tâm thức của chúng ta qua những kỷ luật của con đường thông thường, Ba la mật đa thừa, cho đến một mức độ vững chắc. Chỉ khi đó chúng ta mới nên đi vào con đường các mantra bí mật.

Như Tantra Gốc của Chakrasamvara Vinh Quang nói :

Khi các thực hành về các kinh (đã mạnh mẽ), chân trời của các yoga bí mật là (trong tầm mắt).

Cũng như Những Bài Ca Kim Cương nói :

Những kriya tantra dành cho những hành giả giản dị.

Trên đó là các charya tantra ;

Rồi là yoga tantra tối thượng cho những người tối thượng ;

Và trên hết là vô thượng tantra.

Bậc thầy ban cho một truyền pháp hay nhập môn nên giải thích cho đệ tử bản chất thật và sự xếp hạng của hệ thống tantra đang được giới thiệu. Vị ấy cũng giải thích những tích cách phân biệt của nhiều dòng truyền thừa còn tồn tại, và thuật lại lịch sử ngắn gọn của dòng phái. Cũng ích lợi nói rõ những lợi lạc và mục đích của buổi lễ trao truyền, bản chất của mạn đà la được giới thiệu, tác dụng của Kim Cương Sư ban cho pháp lực, những tính cách đòi hỏi ở đệ tử nhận sự truyền pháp, và những giai đoạn thủ tục phải theo. Các thủ tục này có thể được hiểu biết từ các kinh văn tổng quát của Mật thừa hay từ bản văn đặc biệt của dòng phái.

Nếu vị thầy không đủ thì giờ cho một sửa soạn tỉ mỉ như thế thì vị ấy có thể giản lược cái trên thành một giải thích chính xác và những phẩm tính đặc biệt của hóa thần thiền định trong pháp được truyền.

Một trong những bước tiên quyết quan trọng trong các lễ truyền pháp và nhập môn là nắm giữ thệ nguyện Bồ đề tâm, lời nguyện căn bản và ưu tiên hướng đến giác ngộ. Đây là một điểm quan trọng bởi vì sự thực hành hệ thống nào của Kim Cương thừa chỉ là một phương pháp của Đại thừa khi hành giả tu hành nó trên nền tảng của Bồ đề tâm.

Điều này được Lama Tsongkhapa chỉ rõ :

Khi sự tu hành tâm linh

Không kết hợp với Bồ đề tâm,

Nó không sản sanh ra lạc phúc của Phật tánh.

Bởi thế người trí trau dồi Bồ đề tâm tối thượng.

Và :

Có một giáo lý Đại thừa chưa đủ. Hành giả phải có tổng quan Đại thừa. Hơn nữa, phẩm chất đưa đến cái tổng quan này không gì khác hơn là Bồ đề tâm : nếu người ấy có Bồ đề tâm, người ấy là một nhà Đại thừa ; nếu không có, anh ta không ở trên Con Đường Lớn. Bởi thế hãy tận lòng trau dồi Bồ đề tâm.

Như nói ở đây, nếu chúng ta có Bồ đề tâm, chúng ta là người Đại thừa và mọi thực hành của chúng ta đều trở thành Đại thừa.

Mặt khác, dùng một phương pháp gọi là Đại thừa mà không có nền tảng Bồ đề tâm thì giá trị nhỏ thôi. Nếu dù sự buông bỏ của chúng ta có lớn đến nỗi chúng ta thấy sự đam mê sanh tử chẳng khác gì một hầm lửa khủng khiếp, hay dù chúng ta đã thiền định hàng trăm kiếp về bản tánh tối hậu của hiện thể, cái thấy rộng lớn như bầu trời, hay dù chúng ta có tu hành siêng năng các hệ thống Mật thừa sâu xa bằng cách nhận các sự truyền pháp, tham dự các buổi thuyết pháp và dấn thân vào các yoga Mật thừa đầy năng lực, tâm thức chúng ta cũng không chạm đến con đường Đại thừa khi thiếu Bồ đề tâm.

Như Kinh Hoa Nghiêm nói :

Hỡi thiện nam tử, Bồ đề tâm là cái tinh túy nhất của những giáo lý Phật dạy.

Nếu chúng ta muốn có một hoa hay trái gì, chúng ta phải trồng hạt tương ứng. Người ta không thể trồng hạt táo để mong có một cây vạn thọ. Bồ đề tâm là hạt giống làm sinh ra mọi con đường Đại thừa ; nó tạo ra, duy trì và làm viên mãn những phẩm chất của một vị Phật.

Những hiệu quả lợi lạc của Bồ đề tâm được diễn tả trong nhiều Kinh, Mật và kệ. Đại Bồ tát Shantideva cho một tóm tắt hùng biện về chúng :

Nó là thuốc trường sanh tối thượng.

Để hủy diệt Thần Chết,

Một kho tàng vô tận để lấy đi

Sự nghèo đói của mọi chúng sanh.

Nó là phương thuốc hiệu năng tối thượng

Để làm lành mọi bệnh của chúng sanh,

Một cây cho bóng mát cho kẻ lữ hành

Lang thang mãi trên những con đường của cuộc sống.

Nó là cái thang dẫn ra khỏi

Những trạng thái kinh khủng của khổ đau,

Một mặt trăng soi sáng trong tâm thức

Làm tiêu tan nỗi khổ của vọng tưởng.

Nó là mặt trời vĩ đại quét sạch

Vô minh che ám tâm thức chúng sanh,

Và là tinh chất của bơ có được

Bằng cách đánh đều sữa Pháp.

Khi những đệ tử không có nền tảng tâm linh bên trong này, mà chỉ ban cho họ một truyền pháp hay nhập môn, họ cũng không thể được phép nhìn ngay cả một mạn đà la hay ấn. Như Tantra của sự truyền pháp Vajrapani nói :

Hỡi Văn Thù Sư Lợi, nếu những đệ tử nào đã thiền định và đạt đến một mức độ của Bồ đề tâm, họ là những Bồ tát ở trong cổng vào của Kim Cương thừa nhờ các đường lối Bồ tát của họ. Họ đáng được ban cho sự truyền pháp của đại trí huệ và đưa vào mạn đà la. Nhưng những đệ tử không có tiêu chuẩn Bồ đề tâm sẽ không được phép nhìn mạn đà la. Ngay cả họ cũng không được chỉ cho ấn hay mật chú. Bởi thế điều kiện tiên quyết để nhận lãnh một truyền pháp hay nhập môn là người ta phải phát khởi một động lực thanh tịnh đặt nền tảng trên Bồ đề tâm.

Điều này không có nghĩa là chỉ đọc tụng một vài câu kệ, vì làm sao câu chữ có thể thay thế cho một trạng thái của tâm ? Nó có nghĩa là thực sự phát khởi Bồ đề tâm từng bước, giống như một người thợ mộc xây một căn nhà.

Bồ đề tâm đích xác là gì ? Tôn sư Maitreya nói rõ :

Bồ đề tâm là mong muốn giác ngộ hoàn toàn

Để hoàn thành lợi lạc cho thế gian.

Ý nghĩ mong mỏi đạt đến trạng thái Phật tánh viên mãn để có thể làm lợi lạc tốt nhất cho tất cả chúng sanh là hiện tượng gọi là Bồ đề tâm.

Để phát triển trạng thái tâm thức này người ta phải vun bồi hai phẩm chất : tư tưởng quan tâm đến chúng sanh và tư tưởng quan tâm đến giác ngộ. Một lá thơ cho một đệ tử nói về cái thứ nhất :

Thú vật ăn cỏ mềm khi đói

Và uống nước ngon khi khát ;

Làm sao nói được rằng chúng làm thế để làm lợi lạc cho người khác ?

Nhưng có những con người cao cả

Chỉ quan tâm đến lợi lạc cho thế gian.

Như mặt trời, họ chiếu soi toàn thể đất đai,

Như chính đất đai, họ nâng đỡ

Sức nặng của muôn loài chúng sanh.

Những người vĩ đại này, thoát khỏi những quan tâm cá nhân,

Cố gắng đem mùi vị hạnh phúc đến cho người khác.

Động lực của một con ngựa thì luôn luôn đơn giản : nó tìm cỏ để xua đuổi cơn đói, và nước để hết khát. Tóm tắt, nó chỉ nghĩ đến nhu cầu riêng. Đây là phẩm chất chung của hầu hết mọi loài.

Nhưng phẩm chất tâm của một con người cao cả là người ấy quay lưng lại với lợi ích riêng và chỉ nghĩ đến những phương cách làm lợi lạc cho người khác.

Như thế, người ấy giống như mặt trời không mệt mỏi chiếu soi sự sống của chúng sanh ở trong bốn châu, giống như đại địa mang chở sức nặng của mọi loài sống trên mặt đất. Những Bồ tát có phẩm chất ấy không thích thú những công việc cho riêng mình nữa. Họ chỉ quan tâm đến những phương pháp tạo ra được lợi lạc và hạnh phúc cho chúng sanh nhiều vô biên.

Tại sao chúng ta phải phát triển một thái độ vị tha ? Bởi vì trong khắp sanh tử không có một chúng sanh không mong muốn hạnh phúc và không muốn tránh khổ đau, dầu là nhỏ nhất. Tuy nhiên, vọng tưởng và vô minh đã chế ngự chúng ta và chúng ta bị đẩy một cách vô vọng vào việc hủy diệt chính hạnh phúc và an lành của mình.

Mỗi một chúng ta là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình. Bị bức bách bởi vô minh riêng của mình, thương và ghét, chúng ta tích tập một dòng nghiệp xấu liên tục không dứt. Mỗi một hành động của thân, khẩu, ý chúng ta hình như chỉ làm sanh thêm những nguyên nhân cho tái sanh vào các cõi thấp.

Kết quả là, có nhiều chúng sanh sanh vào địa ngục, nơi đó phải trải nghiệm sự đau khổ lớn lao do nóng, lạnh và sự hành hạ dữ dội ; một phút giây khổ sở ở đó còn vượt hơn toàn bộ khổ đau của tất cả nhân loại.

Những người khác trở thành những con ma bị hành hạ, dầu cho có tìm cả hàng trăm năm, cũng hiếm khi tìm ra một bãi nước bọt khô để ăn hay uống. Sự đau khổ của họ vì đói, khát, lạnh, nóng… không thể tưởng tượng.

Lại còn những người khác sanh làm súc sinh và chịu khổ kinh khủng vì sự ngu si, làm lụng việc nhà… Không thể phát khởi những sự tu hành tâm linh, họ có ít cơ hội để làm việc cho giác ngộ.

Ngay cả những chúng sanh được sanh ra trong các cõi cao cũng chịu nhiều đau khổ lớn lao.

Ví dụ trong cõi người, có sự đau khổ không có được điều mình muốn, sự đau khổ phải được giữ gìn căng thẳng cái mình đã thu thập được, phải gặp những người và hoàn cảnh trái ý, phải xa lìa một người thân yêu…

Bậc hiền triết tối thượng Vasubandhu viết :

Mọi khổ đau của các cõi thấp

Điều biểu lộ trong cuộc đời của con người.

Chúng ta có địa ngục thống khổ dữ dội,

Tính cách ngạ quỷ bần cùng,

Và những khổ đau của súc sanh bị sai sử

Bởi những người khác mạnh hơn và xảo quyệt.

Những khổ đau này chảy như một dòng sông liên tục.

Có những người nghèo cùng về vật chất,

Người khác, dù giàu có, lại nghèo cùng trong sự toại nguyện.

Những khổ đau mãnh liệt của sự bần cùng này

Tấn công và giết chết người giàu cũng như người nghèo.

Những khổ đau tinh thần và thể xác của con người là những kinh nghiệm địa ngục của nó, và sự nghèo khó và bần cùng là kinh nghiệm của nó như là một ngạ quỷ. Người bị sử dụng bởi người khác mạnh hơn, không hơn, người ấy cũng nghèo về thức ăn hoặc chỗ ở, hay dầu giàu có mà không biết đến toại nguyện, thỏa lòng với tình trạng vật chất của mình, hay người bị người khác tấn công hay giết chết, họ đều trải nghiệm bản chất của sự đau khổ của súc sanh.

Về quyền lực và vinh quang được tái sanh làm chư thiên, Vasubandhu viết :

Khi vọng tưởng vô minh còn hiện diện,

Nghiệp xấu tiếp tục khởi sanh

Và lúc chấm dứt bị sa xuống.

Những người không cảnh giác này chẳng phải đáng được thương hại sao ?

Thật là người bệnh mắc chứng kinh niên

Mà chẳng biết hiện trạng của chính mình.

Người bị chế ngự bởi tham chấp, giận dữ, kiêu căng, ghen ghét… bị kẻ thù xấu nhất hạ gục. Và với sự chiến bại ấy, nó tích lũy một dòng nghiệp xấu. Rồi khi cuộc đời chấm dứt, nó rớt vào các cõi thấp như một mũi tên rơi xuống đất. Đây là bản chất của cái chết của chư thiên cõi dục.

Ngay trong suốt đời sống, chư thiên cũng trải nghiệm nhiều thống khổ. Họ có sự đau khổ của thân xác phải thường xuyên chiến đấu với các loài chống lại chư thiên, các bất toại nguyện khác nhau của tâm thức gắn liền với đời sống cõi trời, sự lo buồn vì chứng kiến sức lực giảm dần…

Những thiên ở cõi thấp của dục giới cũng đau khổ kinh khủng. Như những thống khổ đã tả ở trên, họ đau khổ trong tuổi già vì thấy những dấu hiệu của sự chết xuất hiện. Họ sớm hiểu rằng họ phải bỏ lại lâu đài cõi trời, bạn bè, người thương, và trạng thái lạc thú thường trực, và phải xuống trở lại trong các cõi thấp của đời sống, nơi mà khổ đau bao trùm toàn bộ.

Bản chất thật sự của đời sống các cõi trời ở trên cõi dục được đại đạo sư Vira diễn tả :

Mọi sự trong ba cõi này

Đều cháy mãi trong ngọn lửa vô thường ;

Một ngọn lửa cháy bừng trong rừng

Thiêu rụi những đóa hoa và cây cối.

Chư thiên ở chót đinh của sanh tử,

Tâm thức thường trực méo mó sai lầm,

Bị thắt trong thòng lọng của cái chết

Như một con voi bị cột xích.

Phạm Thiên, chúa của cõi trời Phạm Thiên,

Trụ trong lạc phúc của thiền định,

Rồi cũng bị vô thường đánh ngã

Và rơi như một dòng thác qua vách đá.

Một Ngàn vị thiên và

Một trăm đế vương vũ trụ

Đều gặp gỡ giờ khắc của cái chết

Như ngọn đèn cầy trong cơn bão.

Dù người ta có được tái sanh trong vô sắc giới ở trên đỉnh của ba cõi sanh tử, thì khi giờ chết đến, người ta cũng bị dẫn đi như một con voi với sợi xích quanh cổ. Phạm Thiên, vị trời vĩ đại, người chỉ kinh nghiệm lạc phúc của thiền định, cũng tiến về cái chết ngay từ lúc sinh ra, như một dòng sông chảy về biển cả.

Tất cả họ đều phải chết, chẳng để lại gì và chẳng đem theo gì. Như một ngọn đèn sáp trước cơn gió dữ, cuộc đời của một đế vương vũ trụ cũng thình lình tắt mất. Khi thời gian đến, vẻ hào nhoáng của của ngài cũng hiện ra những dấu hiệu của cái chết. Bởi thế ngài Nagarjuna cao cả viết rằng :

Sau vui sướng là đau khổ đến,

Sau đau khổ là vui sướng đến.

Thế giới chúng sanh này thường trực xoay vần

Giữa hai đối cực ấy.

Bất cứ lạc thú gì người ta kiếm được trong sanh tử, một ngày nào đó nó sẽ chấm dứt và khổ đau thay chỗ. Đây là bản chất của thế gian. Sự Diệt Khổ nói :

Trong đời này chúng ta bú sữa

Nơi vú mẹ mình,

Nhưng trong một đời khác

Chúng ta uống máu bà

Và ăn thịt nơi thân thể bà.

Bánh xe sanh tử xoay tròn như thế.

Chúng ta quên hàng trăm người

Đã từng phục vụ tốt đẹp chúng ta,

Cũng như hàng trăm người

Mà chúng ta đã từng phục vụ.

Bánh xe nghiệp đưa chúng ta đời này qua đời khác, một phụ nữ mà chúng ta đã sống vì sữa của bà trở thành một con thú chúng ta ăn thịt, và người tôi tớ trở thành một lãnh chúa có quyền hạn lớn lao với chúng ta.

Ngay trong đời này những mối tương quan với người khác của chúng ta cũng thay đổi một cách dữ dội. Một chút tán tỉnh chuyển một kẻ thù thành bạn ; và một ít lời nói nặng biến bạn thành thù.

Những quan hệ bạn bè và thân thuộc có may mắn lắm cũng không vững bền. Đại đạo sư Chandragomin viết :

Lúc bắt đầu, sự đam mê sanh tử

Và thuốc độc ngọt ngào thì giống nhau :

Cả hai đều cho lạc thú khi dùng chúng.

Khi chấm dứt, sự đam mê sanh tử

Và thuốc độc ngọt ngào thì giống nhau :

Cả hai gây ra đau khổ không thể chịu đựng.

Cả hai thứ, đam mê sanh tử và thuốc độc

Tượng trưng cho bóng tối của mê lầm,

Và các hậu quả của cả hai đều rất khó

Chống lại và né tránh.

Nếu chúng ta phân tích bản chất của hai cái

Thuốc độc và đam mê sanh tử,

Cả hai đều độc và đều khủng khiếp.

Thuốc độc làm chúng ta trúng độc trong đời này ;

Sự đam mê làm chúng ta trúng độc trong đời khác.

Mọi chúng sanh tự nhiên dùng những đối tượng của giác quan, như là các hiện tượng hình sắc… để tìm kiếm giữ gìn hạnh phúc. Tuy nhiên khi chúng ta trộn lòng khát ái và bám chấp vào tiến trình tự nhiên ấy, kết quả cũng giống như trộn thuốc độc vào thức ăn. Thức ăn còn có thể có vị ngon, nhưng thay vì duy trì đời sống nó lại dẫn đến cái chết.

Đam mê sanh tử đặt nền tảng trên sự bám chấp làm hại chúng ta trong đời này. Nó làm chúng ta vô cảm và đông cứng, phá hoại những tương quan xã hội và tạo những chướng ngại cho hạnh phúc và thành công. Nó làm nảy sanh chuỗi giận dữ không chấm dứt đối với những người đe dọa chúng ta, lo âu mức sống của chúng ta sẽ sụt giảm, những hy vọng triền miên để phát triển mức độ vật chất… Cuối cùng tâm thức không còn khoảng trống để biết đến an bình và trong sáng.

Tiến trình thì khó đảo ngược. Người ta càng đam mê trong những nghiện ngập sanh tử thì sự đắm trước vào chúng càng lớn, và kết quả tiến trình trở nên mạnh mẽ đến nỗi nó làm mờ con mắt trí huệ phân biệt cái gì nên làm cái gì nên tránh.

Điều này lại tích tập thêm mọi nghiệp xấu, sản sinh hàng trăm tái sanh trong khổ cảnh những đời sau. Như thế, giống như uống thuốc độc, đam mê là một nguyên nhân của khổ lớn.

Hơn nữa, sự thỏa mãn giác quan chỉ có thể kéo dài trong một thời gian giới hạn. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, và hoàn cảnh bên ngoài thường lên xuống như thủy triều.

Khi không hiểu trọn vẹn điều này, sự khao khát, đam mê hình thành và chúng ta mất tiêu trong vọng tưởng uống thuốc độc có vị ngọt ngào. Có điều gì đáng thương hơn ! Diễn tả kinh nghiệm của Bảy Trinh Nữ nói :

Không có một kinh nghiệm nào

Mà chúng ta không từng trải qua trong các đời trước

Như chư thiên ở các cõi cao,

Vậy mà chúng ta vẫn còn lang thang vô nghĩa.

Không có ai trong chúng ta có thể nói mình chưa bao giờ sinh ra trong loài người, hay chư thiên của cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Tuy nhiên dẫu đã hàng trăm lần như thế, chúng ta vẫn còn chưa tìm thấy thỏa mãn. Chính vì chúng ta đã trơ lì để được ban cho lợi lạc. Buồn thay chúng ta tự cho phép mình tiếp tục lang thang không kết quả trong vòng sanh tử luân hồi !

Bất kể hình thức đời sống nào mà chúng ta khoác vào, nếu nó sinh ra từ những nguyên nhân của nghiệp và vô minh thì chúng ta sẽ chịu những khổ đau thân xác của sanh, bệnh, chiến đấu với kẻ thù, những chướng ngại… cũng như những đau khổ tâm thức là không toại nguyện và lầm lạc.

Bởi thế mà nói rằng kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta chính là sự kết hợp của năm uẩn nhiễm ô. Acharya Aryadeva vĩ đại đã viết :

Thân xác cho chúng ta lạc thú

Cũng là bình chứa khổ đau.

Dễ dãi với thân xác mình và dễ dãi với kẻ thù

Là hai hành động ngang nhau.

Bồ tát Shantideva hùng vĩ cũng nói :

Nguyên nhân duy nhất làm tăng trưởng mọi thứ làm hại tôi,

Kẻ thù làm tổn hại mãi hoài cho tôi,

Trú ngụ thường trực trong tâm tôi.

Thế thì làm sao tôi có thể hài lòng với thế gian này ?

Nếu những quỷ sứ canh tù của địa ngục

Và mọi năng lực xấu làm hại tôi

Hiện hữu chính trong tâm tôi,

Làm sao tôi có thể bằng lòng mãi ?

Bất kỳ một kẻ thù bên ngoài nào đáng sợ đến đâu khả năng của nó để phá hoại chúng ta cũng chấm dứt cùng với đời này. Nhưng kẻ thù Vô minh vọng tưởng đã trôi chảy thành một dòng không đứt đoạn từ vô thủy trong tâm ta, và sẽ tiếp tục trôi chảy cho đến khi nào chúng ta loại trừ được nó.

Một kẻ thù bên ngoài chỉ có thể làm hại chúng ta trong một thời gian và hoàn cảnh nào đó. Nhưng kẻ thù Vô minh tạo ra tất cả sự đau khổ không cùng trong ba cõi. Như thế sức mạnh của nó thì không thể so sánh.

Kẻ thù bên ngoài sẽ không tìm thấy cơ hội làm hại chúng ta nếu chúng ta qua xứ khác. Nhưng kẻ thù Vô minh trú ngụ ngay trong tâm chúng ta, thế nên lìa tránh nó một khoảnh khắc cũng là rất khó.

Qua một vài bước tiến làm thân chúng ta có thể chuyển một kẻ thù thành bạn ; nhưng chúng ta càng tử tế, xử tốt với các vọng tưởng vô minh của chúng ta bao nhiêu, chúng càng làm hại chúng ta bấy nhiêu.

Chúng giống như những kẻ sát nhân không thương xót luôn luôn rình rập chúng ta từ khoảng cách của chúng, thận trọng chờ đợi cơ hội hạ thủ.

Khi đó là tình cảnh thường trực của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hài lòng ngồi yên ? Như Tantra do Subahu thỉnh cầu ghi nhận :

Bị cuốn trôi bởi sức mạnh của nghiệp và vô minh,

Họ hết sức, bất lực và bị hiểm nguy.

Không định hướng họ dạt từ đời này sang đời khác

Phù hợp với sức mạnh của tập nghiệp.

Mặc dù bản ngã không thực sự hiện hữu và bởi thế nó không có sức mạnh thực sự nào chế ngự chúng ta, tuy nhiên chúng ta bị chế ngự bởi vô minh và chấp ngã. Nó thống trị dòng tâm thức chúng ta từ vô thủy, dẫn chúng ta từ đời này sang đời khác. Vô vọng chúng ta đã lang thang khắp sanh tử, một mình sinh ra, một mình chết đi, và một mình trải nghiệm đau khổ.

Không ai khác có thể mang lấy số phận giùm chúng ta. Không ai có thể thực sự bảo vệ chúng ta. Hoặc chúng ta dừng hay đi, điều đó không do sức mạnh của quyết định chúng ta định đoạt, mà do nghiệp lực và vô minh của chúng ta.

Bốn trăm bài kệ nói :

Vô thường làm hại mọi thứ,

Và ai bị vô thường tàn phá đều không thể vui.

Bởi thế nói rằng, mọi sự vô thường

Tự bản chất đều đau khổ.

Mọi cõi và hình thức đời sống của sanh tử, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, đều vô thường. Bất cứ cái gì vô thường đều có lỗi lầm tan rã thường trực. Bất cứ cái gì có một lỗi lầm đều có tiềm năng làm xao động một tâm thức không hoàn hảo. Sự chuyển động của tâm thức tự bản chất là thất vọng và đau khổ.

Như thế tất cả chúng sanh vô tận trong ba cõi tự bản chất đều vướng mắc vào thất bại. Tuy nhiên mỗi chúng sanh đã từng là một người mẹ của tôi trong vô số kiếp về trước, mang tôi trong bào thai và chăm lo cho tôi hơn chính bà. Khi ấy bà bảo vệ tôi khỏi các yếu tố tổn hại và làm tất cả những gì có thể cho tôi. Trong nhiều đời trước mỗi một chúng sanh là mẹ tôi đã hy sinh thân thể và ngay cả đời sống cho tôi.

Nhưng hiện giờ trí nhớ của chúng ta về những đời đó đã bị che mờ vì sự tác động của cái chết, trung ấm và tái sanh.

Làm thế nào tôi liên kết với tất cả chúng sanh, những bà mẹ có lòng tốt bao la ấy ? Lời cầu nguyện trong bảy mươi câu kệ viết :

Khi tôi thấy sự vui sướng làm vui thích người khác

Mong rằng tôi phát sanh niềm vui cao hơn để chia xẻ cùng sự vui sướng của họ,

Và trụ trong hoan hỷ định

Như là đứa con yêu quý độc nhất của tôi được hạnh phúc.

Mong tôi siêu vượt giận dữ và luyến ái,

Những nguyên nhân gây tổn hại hay thiên vị người khác ;

Và nguyện tôi chăm lo cho mọi chúng sanh trong ba cõi,

Như hướng về những nhu cầu của đứa con mình.

Chúng ta phải vui theo (tùy hỷ) sự may mắn của chúng sanh họ sớm có được một địa vị hay kinh nghiệm đáng ưa thích, dù cho đó là một điều họ chỉ có cho chính họ. Hãy nhìn người khác thành công với lòng từ ái vui vẻ của một bà mẹ đối với đứa con duy nhất. Chỉ ham muốn hạnh phúc cho những người khác.

Đối xử với một vài người bằng luyến ái và những người khác bằng ghét bỏ là ngu si. Thay vào đó, chúng ta mong muốn rằng những ước ao và nhu cầu của họ được toại nguyện, và phải cố gắng bằng những phương tiện trừ khử sự đau khổ của họ và phát triển hạnh phúc của họ.

Một hướng dẫn vào Bồ tát đạo cho những lời khuyên sau :

Bất cứ khi nào mắt bạn nhìn thấy một chúng sanh,

Hãy nhìn nó với chính trực và tình thương.

Hãy nghĩ : ‘Nhờ vào những chúng sanh

Tôi có thể đạt đến Phật tánh viên mãn.’

Mọi điều tốt đẹp hiện hữu, từ sự vui sướng thoáng qua của cuộc đời này cho đến sự siêu xuất của Phật tánh viên mãn, chỉ khởi sanh tùy thuộc vào lòng tốt của những chúng sanh khác.

Hãy nhìn mỗi người bạn gặp như là một người bạn và thân thuộc. Hãy thấy mọi chúng sanh qua cặp mắt của niềm vui, và nắm lấy mỗi cơ hội để tìm cầu hạnh phúc cho họ.

Tuy nhiên, dù hạnh phúc và thịnh vượng của chúng sanh đều được đầy đủ, nhưng một người còn bị giới hạn trong xích xiềng của sanh tử vẫn không thể làm điều gì thực sự để cứu giúp người khác.

Bồ tát Tokmey Zangpo viết(4) :

Có một vị trời thế gian nào có năng lực bảo vệ chúng ta

Khi chính vị ấy bị cùm xích

Trong nhà tù của ba cõi ?

Vị trời thế gian mạnh mẽ nhất, bị giới hạn trong cùm kẹp của sanh tử luân hồi, cũng không đủ khả năng để làm lợi lạc trọn vẹn cho những chúng sanh khác. Những bậc A La Hán Thanh Văn hay Bích Chi Phật cũng không thể, dù các vị đã thoát khỏi mọi xiềng xích.

Ai có khả năng này ? Câu trả lời được đưa ra trong một câu kệ của Thánh nhân Nagarjuna :

Đảnh lễ những bậc Toàn Giác, những vị Phật,

Các ngài luôn luôn là bạn của chúng sanh,

Những vị giải thoát khỏi mọi lỗi lầm

Và nghiêm sức bằng mọi toàn hảo.

Nếu người ta đạt đến trạng thái Phật tánh viên mãn thoát khỏi mọi lỗi lầm, nó hiểu biết trực tiếp mọi mặt của các phẩm tính cần phải trau dồi và lỗi lầm cần phải vượt thắng trong sự truy tìm giác ngộ, và về mặt thân xác được nghiêm sức bằng các tướng hảo của sự hoàn thiện, chỉ nhìn thấy là đã được lợi lạc, rồi người ta siêu vượt khỏi sự phân biệt giữa hấp dẫn và ác cảm đối với chúng sanh vô biên. Người ta sẽ nhìn tất cả chúng sanh bằng một lòng đại bi bình đẳng, và khả năng làm lợi lạc cho họ thật sự. Hãy nghĩ, ‘Tôi sẽ làm mọi cố gắng để đạt đến trạng thái toàn lợi lạc này.’

Tóm tắt, động cơ phải là : ‘Vì sự lợi lạc tối hậu cho chúng sanh vô biên như hư không, tôi phải đạt đến trạng thái của một vị Phật không gì sánh, toàn hảo và thanh tịnh.’ Đây là phương diện nguyện vọng của Bồ đề tâm.

Đặc biệt, vào lúc nhận một sự truyền pháp hay nhập môn, người ta phải phát khởi nguyện vọng này nhờ vào nghi thức thích hợp.

Quan trọng là trong lễ nhập môn cần duy trì một cái thấy thanh tịnh không ố bẩn bởi luyến ái về các hình tướng bình thường. Căn nhà để truyền pháp không thể xem như sự xuất hiện bình thường của nó, mà là cung điện bất khả tư nghì của cõi trời, hiện thân của trí huệ của vị thần thiền định.

Vị thầy phải được nhìn thấy như là thân tướng thực sự của vị thần. Những bánh cúng xếp đặt trên bàn thờ phải được thấy như là chính các thần của mạn đà la.

Rồi quán tưởng thỉnh mời những guru hiện tại và quá khứ của toàn bộ dòng phái, các vị thần thiền định, chư Phật, Bồ tát, những daka, dakini, các vị hộ pháp và tất cả những đối tượng để quy y ở bầu trời trước mặt. Phát sanh lòng tin vững chắc vào thần lực thật sự của các đối tượng để quy y và quy y tất cả các ngài.

Tiếp theo quán xét các hiệu quả tiêu cực của nghiệp xấu bạn đã tích tập trong đời này và các đời trước, cho đến khi bạn cảm thấy hối tiếc mạnh mẽ như bạn đã uống thuốc độc. Quyết định không bao giờ tái phạm vào điều xấu ngay với giá cả cuộc đời mình. Trên căn bản của tâm quyết định này, hãy biết rõ tất cả khuyết điểm và thất bại trước sự chứng minh của thánh hội được quán tưởng.

Rồi thiền định với sự vui sướng về việc tùy hỷ các điều tốt đẹp của bạn và những người khác, cho đến khi bạn cảm thấy xuất thần như một người ăn mày tìm ra được một kho tàng khổng lồ.

Với những điều trên như là những sơ bộ, bạn khởi lên ý nghĩ, ‘vì chúng sanh vô biên như hư không, tôi phải cố gắng bằng mọi phương tiện có thể để đạt đến trạng thái quý giá Phật tánh không gì sánh, viên mãn, toàn hảo.’

Đây là sự tham thiền cần phải theo khi đọc tụng những câu kệ về Bồ đề tâm trong những tiến trình sơ bộ của mỗi buổi lễ Mật thừa.

Đối với sự truyền pháp thật sự, bởi vì căn bản của nó là sự chuyển hóa của đệ tử thành một vị thần thiền định, một vị Phật, người ấy phải thực hiện những sự quán tưởng thích hợp trong suốt nghi lễ một cách chính xác như đã được diễn tả trong các bản văn Mật thừa được trao truyền.

Những điều mờ tối của nghi thức phải được vị thầy làm sáng tỏ bằng cách rút từ những bản phụ giảng không có lỗi lầm thái quá, thiếu sót hay sai lầm.

Buổi lễ phải theo những giai đoạn truyền thống gồm thọ nhận những lời thề và cam kết của hệ thống, dâng tạ mạn đà la, phát nguyện và kết thúc với những bài kệ hứa hẹn tốt lành.

Khi vị thầy truyền pháp là một đệ tử tu chứng cao cấp của Mật thừa, những thủ tục bình thường không cần phải theo. Vị thầy như vậy hoàn toàn có thể dẫn dắt buổi lễ sao cho thích hợp nhất với tâm thức của các đệ tử và tính chất lúc ấy.

Như vậy tôi kết luận bài minh giải ngắn ngủi này về những phẩm chất tâm linh căn bản chúng phải được trau dồi như là một sơ bộ để nhận các nhập môn Mật thừa, các nhập môn ấy làm chín muồi và sửa soạn thân, khẩu và tâm ý của đệ tử và mở cánh cửa cho Kim Cương thừa đầy thần lực.

Bản văn này được dùng như một cẩm nang để đọc cho đệ tử như một sơ bộ cho lễ truyền pháp hay nhập môn. Nếu nó có vẻ dài dòng cho một vài dịp thì có thể rút gọn bằng cách bỏ qua những trích dẫn và chỉ đọc phần chính, những đoạn bình luận rải rác chỉ thích hợp cho sự hiểu biết của các đệ tử đặc biệt :

Khi những hạt giống của xa lìa và Bồ đề tâm

Đã được trồng vững chắc trong đất của đệ tử nhiệt thành,

Chúng sẽ làm ẩm ướt tâm thức họ bằng cam lồ của trí huệ

Bằng đi vào Kim Cương thừa mật truyền,

Và cây của ba thân giác ngộ lớn lên.

Nguyện những dòng nước sạch của sự hiểu biết tâm linh

Trong ba phương diện của ba con đường

Chảy ra từ miệng của những vị thầy uy tín,

Và phát hiện cho chúng sanh của thế giới này

Con đường siêu vượt mọi bất toàn.

Nguyện thế giới này đầy những hành giả

Thành tựu trong học hỏi, chiêm nghiệm và thiền định

Về những giáo lý tối thượng Mật thừa do đức Phật ban bố ;

Và nguyện ngọn lửa của trí huệ và nhiệt thành

Cháy bừng với sức mạnh không bao giờ cạn.(5)

Xem mục lục