Mọi lời dạy của đức Phật đều có mục đích chính yếu là làm thuần thục và chuyển hóa tâm thức. Quan điểm của đạo Phật là khi chúng ta cải thiện tính chất tâm thức chúng ta, trí huệ chúng ta, chúng ta không chỉ làm lợi lạc cho chính mình trong nghĩa rốt ráo và phổ quát nhất, mà một cách gián tiếp chúng ta cũng làm lợi lạc lớn lao cho các chúng sanh khác. Tu luyện tâm thức là chìa khóa thành tựu bình an và hạnh phúc nội tâm vĩnh viễn.
Con đường tâm linh có thể giống như xây một ngôi nhà. Dầu cho chúng ta có bắt đầu bằng dựng vách hoặc mái, thật ra đầu tiên chúng ta phải đặt nền móng.
Tương tự, khi chúng ta tiếp cận với công việc chuyển hóa tâm thức, chúng ta phải bắt đầu bằng việc thiết lập một nền móng vững chắc. Chúng ta cảm thấy rằng bởi vì những kẻ thù thực sự của chúng sanh là những ảo tưởng của chúng ta, chúng ta hãy tức thời áp dụng sự đối trị mãnh liệt nhất để xóa sạch chúng một cách toàn diện từ gốc rễ của chúng. Tuy nhiên, sự chuyển hóa của tâm thức là một trách vụ nó chỉ có thể hoàn thành theo từng giai đoạn. Chúng ta phải bắt đầu từ khởi điểm.
Bước đầu tiên là trau dồi ý hướng tránh những lối sống tiêu cực, gây tổn hại, tự hủy cho thân, khẩu, ý. Điều này tạo ra một môi trường nội tâm trong đó chúng ta có thể hoàn thành bước thứ hai là sự loại trừ các vọng tưởng. Thứ ba, chúng ta nỗ lực nhổ bật các chủng tử hay dấu vết của vọng tưởng.
Vì lý do này, con đường Phật giáo bắt đầu bằng sự trau dồi ba cái học cao cấp là kỷ luật tự thân, thiền định và trí huệ thấu suốt tánh Không. Khi ba cái này đã vững chắc, người ta có thể hành con đường Bồ tát, trong đó người ta trau dồi nguyện vọng thành tựu giác ngộ tối thượng vì lợi lạc cho mọi chúng sanh, và trên căn bản của nguyện vọng ấy, người ta dấn thân vào sáu cái hoàn thiện là lòng rộng lượng, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Cuối cùng các phương pháp này có thể được bổ túc bởi các thực hành tâm thức, nó bắt đầu bằng nhận sự truyền pháp và các cam kết tantric, và gồm các sự tu hành đầy năng lực của yoga phát sanh và thành tựu.
Trong con đường này chúng ta có thể dần dần xây lên ngôi nhà của sự tu hành tâm linh có khả năng nhổ hết các vọng tưởng, và đưa tâm thức đến trạng thái giác ngộ rốt ráo.
Tu hành tantric mạnh mẽ hơn sự tu hành chung về kinh giáo vì một số lý do. Một trong số đó là nó bao gồm cả hai yếu tố phương tiện và trí huệ. Trong con đường kinh giáo, người ta thiền định về tánh Không, hay là tính cách vô tự tánh của các hiện tượng trong khuôn khổ của nguyện vọng đại bi để đến giác ngộ. Thiền định về tánh Không là yếu tố trí huệ, còn nguyện vọng Bồ tát là phương tiện. Tuy nhiên, trong con đường giáo thừa này, hai yếu tố ấy không thể thực hiện đồng thời trong một tâm niệm bởi một hành giả ở mức độ bình thường. Trong con đường tantric, như là phương tiện, người ta vận hành, sanh khởi mạn đà la và các thần thủ hộ, và rồi tập trung vào tánh Không của chúng. Theo con đường này, phương tiện và trí huệ sanh khởi đồng thời trong một tâm.
Trong Phật tánh, phương tiện và trí huệ, thân và tâm là một vị. Con đường tantric dùng động lực này ngay từ khởi điểm, và như thế sinh ra sự giác ngộ rất nhanh chóng. Tính cách đặc biệt của con đường tantric là nó đem một phương diện quan trọng của kết quả thực hành – tính toàn diện của Phật tánh – vào trong cơ cấu của sự tu hành ngay bây giờ. Thiền định được tiến hành cùng với sự thấu hiểu tánh Không, và chính cái tâm thức tập trung vào tánh Không này nó được phát sanh trong hình thể các thần thủ hộ của mạn đà la. Đây là đặc trưng của tất cả bốn loại tantra. Trong yoga tantra tối cao, nguyên lý này còn được vận dụng hơn nữa, hành giả sử dụng những mức độ tinh tế nhất của năng lực thân thể và của tâm thức, những mức độ mà người không tu hành không thể thâm nhập.
Ở đây ánh sáng thanh tịnh (tịnh quang) của mahamudra được dùng như nguyên nhân chất thể đặc biệt của Trí-Pháp thân Phật. Qua việc đem tịnh quang của mahamudra vào con đường tu hành, sự giác ngộ thình lình trở nên có thể. Kỹ thuật tối tinh tế này chỉ được tìm thấy trong yoga tantra tối cao.
Thông thường, một sự hiểu biết về một phương pháp tâm linh tự nó đã là một sự được ban phước ; nhưng để đi vào con đường tantric trước tiên cần phải nhận được sự ban phước của buổi lễ nhập môn từ một vị thầy có thẩm quyền truyền thừa theo một dòng không đứt đoạn. Điều này trao quyền lực cho một người để đi vào yoga tantric, và trồng những hạt giống cho sự thành tựu tương lai.
Về sau, khi người ta tu hành trong giai đoạn phát triển, vận hành và giai đoạn thành tựu, viên mãn, người ta phải y cứ vào một vị thầy đủ tư cách để áp dụng những phương pháp đầy năng lực của tantra một cách thành công. Kinh điển truyền thống khuyên chúng ta cẩn thận khi chọn thầy, dùng lý trí và trí huệ như là phương tiện, và không y cứ vào lòng tin mù quáng. Hơn nữa, dầu cho chúng ta được khuyên bảo phải duy trì lòng kính trọng và niềm tin vào vị thầy, điều ấy cũng phải trên lý trí bình thường, nếu một lời dạy của thầy có trái với sự hiểu biết của chúng ta về Pháp, chúng ta phải nêu lên băn khoăn thắc mắc một cách kính trọng và lễ độ, mà không chấp nhận một cách mù quáng. Như đạo sư vinh quang Ấn Độ Nagarjuna đã chỉ ra, niềm tin phải luôn luôn được hướng dẫn bởi thông minh và trí huệ.
Có vài quan điểm khác biệt về thời gian đích xác khi đức Phật lần đầu trao truyền giáo lý Kalachakra. Vị guru của Dalai Lama thứ Hai, Khedrub Norzang Gyatso, và các Lama khác như Taktsang Lotsawa, kết luận rằng đức Phật dạy pháp này một tháng trước khi ngài nhập diệt. Một quan điểm khác là nó được trao truyền vào năm sau khi Phật giác ngộ. Cả hai bên đã phát triển nhiều luận điểm để bảo vệ quan điểm của họ về vấn đề này, căn cứ trên nhiều nguồn gốc.
Tuy nhiên, cả hai bên đều chấp nhận rằng sự truyền thừa được đem từ Ấn Độ sang Shambhala rất sớm ngay sau khi pháp này được chỉ dạy, và nó ở lại đó cho đến khi đạo sư Chilupa tìm lại được.
Hệ thống được đem vào Tây Tạng theo hai dòng, truyền thống Dro và Rva. Về sau cả được hợp nhất bởi bậc toàn giác Buton Rinchen Drub. Chính từ đệ tử trực tiếp của Buton là Chokyi Pel mà Je Tsongkhapa nhận được sự trao truyền.
Về phần mình, Tsongkhapa thực hành và dạy Kalachakra một cách rộng rãi. Cuối cùng nó được truyền đến Dalai Lama thứ Bảy, ngài đã đóng góp một cách có ý nghĩa cho sự giữ gìn, làm sáng tỏ và trao truyền pháp này. Theo lối ấy, dòng phái được tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến với chúng ta ngày hôm nay trong một dòng chảy không đứt đoạn.
Trong hầu hết truyền thống tantric, sự nhập môn được trao cho những nhóm nhỏ các đệ tử tín căn, con số thường giới hạn trong hai mươi lăm người. Tuy nhiên, về mặt này, Kalachakra là một ngoại lệ và có một truyền thống trao truyền nó ở những tập thể công chúng lớn. Chắc chắn, không ai tham dự có đủ một căn bản bên trong để nhận được sự lợi lạc hoàn mãn của sự nhập môn, nhưng phải nên tin rằng mỗi người tham dự với một thái độ tích cực sẽ thiết lập được và làm mạnh thêm các chủng tử thiện nghiệp.
Hệ thống Kalachakra thuộc về phạm trù các yoga tantra cao cấp nhất, và bởi thế, là một giáo lý mật. Ngày xưa, mọi giáo huấn tantric được thực hành và trao truyền với một sự kín đáo cùng cực. Sự xuất bản công khai các bản văn tantric không được khuyến khích, và lối vào được hạn chế cho người nhập môn. Tuy nhiên, trong thế kỷ này, nhiều học giả Tây phương và các người nhiệt thành đã viết rộng rãi về Phật giáo tantric, thường thường không căn cứ đủ vào toàn bộ hệ thống. Kết quả là, nhiều ý niệm sai lầm liên quan đến bản chất của tu hành tantric đã được khởi ra. Hình như không có phương thuốc nào khác hơn cho tình huống là chấp nhận cho các học giả được đào tạo trong truyền thống để viết ra và dịch thuật về chủ đề.
Thêm nữa, thế giới ngày nay hình như cần một phương thuốc mạnh mẽ. Và trong tất cả giáo lý đức Phật ban bố, những giáo lý yoga tantra tối cao là mạnh mẽ hiệu quả nhất. Những phương pháp này được nói là đặc biệt thích hợp cho điều kiện hoàn cảnh mà cộng đồng nhân loại đang ở ngày hôm nay. Khi các kỹ thuật của yoga tantra tối cao được sử dụng trên các nền tảng của ba vô lậu học Giới Định Huệ, trên nguyện vọng đại bi của Bồ tát đạt đến giác ngộ tối thượng và trên sự thực hành sáu sự hoàn thiện, chúng có khả năng đạt đến Giác Ngộ trong một đời này.
Kalachakra là một trong các yoga tantra cao cấp sâu rộng nhất. Tôi dâng lời cầu nguyện rằng cuốn sách này sẽ góp phần cho sự hiểu biết và cảm kích về sự giáo huấn cao cả của đức Phật, mà Ngài đã ban cho nhân loại từ lòng đại bi sâu xa cách đây hai thiên niên kỷ rưỡi.
Ngày 10 tháng 5 năm 1991
DALAI LAMA