Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Phật giáo định nghĩa giáo dục là mang lại kiến thức và kỹ năng cho một cá nhân nào đó để có thể áp dụng chúng vào những tình huống thích hợp trong cuộc sống. Đức Phật đã từng đưa ra nhiều ví dụ khác nhau về phương pháp thực hiện việc giáo dục.

Hệ phương pháp giáo dục mà đức Phật đưa ra mang tính bậc cấp. Đó là một quá trình đào tạo từng bước. Đầu tiên, người học phải bắt đầu ở cấp bậc cơ bản nhất. “Khi chúng ta dạy một học sinh, đầu tiên phải tập đếm một, đếm hai, đếm ba rồi sau đó mới tới đếm số trăm”. Phương pháp này giống như chúng ta mô tả về biển vậy: “Như độ sâu của biển cả, tuần tự thuận xuôi, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Việc giáo dục cũng như thế, đào tạo phải từng bước, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình”(1).

Trong ví dụ khác, đức Phật ví mình như là người nài voi, người huấn luyện voi, thuần hóa voi. Sau đó, bằng nhiều bài tập khác nhau, từ từ nâng cao độ khó lên để voi rừng học được cách thích nghi với môi trường mới, cuộc sống mới.

Trong cuộc sống, mỗi người có những hoàn cảnh xã hội riêng biệt, vì thế chúng ta phải thay đổi tính cách cá nhân của chính mình để phù hợp với những hoàn cảnh mới. Trường hợp của quỷ Dạ xoa Ālavaka, người thích dùng sức mạnh để uy hiếp kẻ khác. Đức Phật đã khuất phục ông ta qua cuộc tranh luận và thi đấu thần thông. Ālavaka ỷ mình có đại thần thông nên ra lệnh đức Phật đứng dậy, tránh xa chỗ ngồi của mình. Đức Phật ba lần làm theo. Nhưng đến lần thứ tư, Ngài từ chối mệnh lệnh đó(2).

Cảm thấy không thể làm khiếp sợ tinh thần của đối phương, nên quỷ Dạ xoa Ālavaka quyết định đấu trí với đức Phật: “Ông sẽ phải trả lời những câu hỏi của ta, nếu không ta sẽ vặn đầu ông, chẻ làm hai trái tim ông, bẻ chân và ném ông xuống sông”. Và Ngài đã trả lời một cách thông suốt những câu hỏi mà Dạ xoa Ālavaka đưa ra. Cuối cùng, Dạ xoa Ālavaka xin quy y làm đệ tử tại gia của đức Phật(3).

Tương tự như trường hợp của Ālavaka, đức Phật cũng dùng cách đối trị tương tự với quỷ Dạ xoa Suciloma(4). Khi gặp đức Phật, ông ta liền đe dọa: “Này Sa-môn kia, có sợ ta không?” Đức Phật trả lời: “Ta không sợ”. Sau đó, Suciloma đưa ra vài câu hỏi và cũng đã được đức Phật trả lời một cách thông suốt.

Tranh luận là phương pháp được áp dụng trong hai tình huống trên. Nhưng trước khi đặt câu hỏi, họ đã uy hiếp tinh thần đối phương bằng cách phô trương sức mạnh để lung lạc ý chí. Quỷ Dạ xoa Ālavaka ra lệnh cho đức Phật tránh xa chỗ ngồi của mình. Đức Phật đã ba lần đáp ứng, nhưng đến lần thứ tư thì Ngài từ chối. Đến lúc này Ālavaka đã nhận ra rằng sức mạnh mà ông ta sử dụng để uy hiếp đối phương đã bị vô hiệu hóa. Cũng như Ālavaka, Suciloma cũng nhận được thông điệp vô hiệu hóa sức mạnh từ câu trả lời của đức Phật: “Ta không sợ hãi”.

Ví dụ thú vị nhất về cuộc tranh luận mang màu sắc trí tuệ phải kể đến trường hợp hóa độ tướng cướp Angulimāla, tên sát nhân đã giết gần ngàn người. Tâm lý của kẻ giết người này thật không dễ đoán biết. Tuy nhiên, đức Phật muốn ‘kéo’ tướng cướp ra khỏi tư tưởng bất thiện nên Ngài đã vận dụng thần thông đi rất nhanh khiến cho Angulimāla không thể nào đuổi kịp. Và khi tướng cướp yêu cầu dừng lại thì Ngài đáp rằng: “Ta dừng bước rồi, này Angulimāla, ngươi cũng vậy, dừng lại đi”. Kinh ngạc trước câu trả lời ấy, Angulimāla nói: “Trong khi ông đang đi, này Sa-môn, sao ông bảo “Ta đã dừng lại”, còn tôi đã dừng lại rồi thì ông lại nói tôi chưa dừng. Vì thế, tôi xin hỏi ông về vấn đề này”.

Bấy lâu nay, chuỗi tư tưởng bất thiện luôn hiện diện trong tâm trí của kẻ giết người. Vì thế, cú sốc về tuệ giác này đã khiến ông bừng tỉnh, tư tưởng bất thiện ấy chợt biến mất. Biết có sự thay đổi trong tâm trí của tướng cướp, đức Phật liền giải thích để hóa độ ông: “Này Angulimāla, Ta đang dừng bước, nghĩa là Ta đã từ bỏ việc gây tổn thương cho tất cả chúng hữu tình. Chỉ có ngươi là tàn ác đối với muôn loài, vì thế Ta đã dừng bước còn ngươi vẫn chưa dừng”(5).

Đối với Visākhā, người vừa mất đi đứa cháu gái thân yêu, đức Phật đã giải thích cho bà hiểu về bản chất của cuộc sống một cách thấu tình đạt lý. Trong nỗi đau đớn tột cùng, tóc tai rũ rượi, quần áo ướt đẳm, bà gặp đức Phật và Ngài đã dạy cho bà về sự vô thường. Ngài hỏi: “Này Visākhā, bà muốn có nhiều đứa con, đứa cháu như mọi người ở thành Sāvatthi không?

“Dạ muốn” bà trả lời.

“Có bao nhiêu người đã chết trong một ngày ở thành Sāvatthi này?” đức Phật hỏi.

“Thỉnh thoảng, có mười người chết, thưa Ngài, có những ngày chỉ có chín người, tám người, bảy người… chết. Đôi khi chỉ có một người chết. Trong thành phố này, không có ngày nào mà không có người chết”.

“Vậy, này Visākhā, có bao giờ bà nghĩ mình có thể sẽ không bao giờ bị ướt tóc và ướt quần áo vì thương khóc cho người đã chết không?”

“Không, thực sự con không muốn có quá nhiều con và cháu, thưa Thế Tôn”.

Đức Phật đã dạy rằng tham ái là nguyên nhân khiến đau khổ tăng trưởng: “Ai có hàng trăm người thân thương, thì người đó sẽ có hàng trăm nỗi khổ. Những ai có chín mươi người thân thương thì sẽ có chín mươi nỗi sầu bi. Những ai không có người thân thương thì không có nỗi khổ”(6).

“Chính vì chúng ta có yêu, có ghét nên có đau khổ, có thất vọng. Ngược lại, nếu không có yêu, ghét thì đau khổ, thất vọng cũng tan biến. Hạnh phúc đến với những ai không có đau khổ. Ai đang tìm kiếm hạnh phúc không dục vọng trong thế gian này thì nên không có người thân yêu”.

Đức Phật đã phát triển một phương pháp hoàn hảo bằng việc đặt ra câu hỏi để đối phương trả lời, rồi chính họ nhận ra được cách giải quyết vấn đề một khi trả lời những câu hỏi như thế. Sau khi trả lời những câu hỏi của đức Phật, bà Visākha đã nhận ra hành động vô ích của mình.

Kinh điển cũng ghi lại nhiều trường hợp các đệ tử của đức Phật đã áp dụng phương pháp trên. Đôi khi đơn giản chỉ là một bài trắc nghiệm trí thông minh. Tôn giả Mahinda đã sử dụng bài trắc nghiệm này để kiểm tra khả năng lĩnh hội giáo lý của đức Vua đảo quốc Sri-Lanka khi Ngài đến đây. Ngài hỏi đức Vua như sau:

“Tên cây này là gì, thưa đức Vua?” Tôn giả Mahinda chỉ một cây xoài và hỏi.

“Cây này là cây xoài”.

“Có cây xoài nào khác bên cạnh cây này không?” “Có nhiều cây xoài”.

“Và có những cây khác ngoài cây xoài này và những cây xoài khác không?”

“Có nhiều cây khác nhưng chúng không phải là cây xoài”. “Bên cạnh những cây xoài khác và những cây khác không phải là cây xoài, còn có những cây khác không?” “Có cây xoài này, thưa Ngài”.

Đức Phật thường sử dụng lối so sánh ví von nhằm đưa ra ngữ cảnh tương tự để khiến cho người khác hiểu rõ ý của mình. Tỷ kheo Sona nổi tiếng là một tay đàn lão luyện. Tuy nhiên, sau khi đã trở thành đệ tử xuất gia của đức Phật, tỷ kheo Sona đã nỗ lực không ngừng để tiến tu giải thoát nhưng vẫn không đắc quả giải thoát được. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy tỷ kheo Sona như sau:

“Này Sona, hãy nhớ lại, khi còn ở nhà, ngươi đã từng là người đánh đàn giỏi đúng không?” đức Phật hỏi.

“Dạ vâng, thưa Thế Tôn”.

“Nhớ lại xem, khi dây đàn chùng, ta có thể chơi đàn và âm thanh êm dịu có phát ra không?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn”.

“Và khi dây đàn quá căng, ta có thể chơi đàn và âm thanh êm dịu có phát ra không?”

“Thật sự không, thưa Thế Tôn”.

“Nhưng khi dây đàn không căng cũng không chùng, ta chơi đàn và âm thanh êm dịu phát ra chứ?”

“Chắc rồi, thưa Thế Tôn”.

“Cũng vậy, này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động; khi tâm trí quá giãi đãi thì đưa đến biếng nhác. Do vậy, ông cần phải vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng, cũng không quá giãi đãi thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ”(7).

Vì những lý do thuộc về tâm lý khác, đôi khi lý luận mang tính lo-gic và tuệ giác này lại không phù hợp như trường hợp sau.

Kisāgotami có một đứa con duy nhất vừa mới qua đời. Bà khóc lóc, đau khổ đến tuyệt vọng. Ôm xác con trên tay đi khắp nơi nhờ mọi người tìm phương thuốc để cứu sống con mình. Đức Phật thấu rõ tâm trạng của người mẹ mất con nên Ngài bảo với bà rằng đi xin một nắm hạt cây Mù tạt từ những gia đình không có người chết. Kisāgotami đi gõ cửa từng ngôi nhà để xin hạt cây Mù tạt như lời đức Phật dạy. Bà đã nhận được nhiều hạt cây Mù tạt từ những gia đình mà mình gõ cửa. Chỉ có một gia đình trong số đó đã có người chết. Sau cuộc tìm kiếm đó, bà đã sớm nhận ra rằng việc sinh tử là chuyện đương nhiên, không phải là chuyện hiếm có. Bà đã thức tỉnh ngay sau đó, thoát khỏi khổ đau(8).

Trong một trường hợp tương tự, đức Phật đã đối xử với bà Vāseṭṭhi, một người bị rối loạn thần kinh, với tất cả tấm lòng và sự cảm thông của Ngài. Sự sợ hãi, nỗi đau buồn và trạng thái rối loạn trong tâm trí bà đã được xua tan bởi lòng từ bi của đức Phật. Sau đó, bà đã có thể lắng nghe và thâm nhập giáo pháp của đức Phật(9). Hay trường hợp bà Paṭācārā, trở nên điên loạn vì mất đứa con gái thân yêu của mình, bị dân làng xua đuổi, ném đá và gậy gộc. Chồng bà cũng như cha mẹ của bà trở nên điên dại vì cú sốc ấy. Đức Phật đã giảng cho bà về sự vô ích khi kêu gào, khóc lóc thảm thiết vì người đã chết. Sau đó, bà đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống và trở thành đệ tử xuất gia của đức Phật, cuối cùng đắc quả A-la-hán(10).

Đức Phật luôn nhấn mạnh đến việc hãy nhìn vào nội tâm trong chính con người của mình hơn là tìm kiếm sự ảo vọng bên ngoài. Việc thái tử Bhahhavaggiya đang truy tìm một thiếu nữ trẻ đẹp đã bỏ trốn, Ngài hỏi: “Này thái tử, tìm kiếm một thiếu nữ đã trốn chạy có tốt hơn là tìm ngay trong chính bản thân mình”.

Vị thái tử thông minh đã trả lời rằng: “Tốt nhất là tìm ngay trong chính bản thân mình”(11).

Đức Phật thường gặp trẻ em và sử dụng những cơ hội này để dạy bảo chúng. Ngày nọ, Ngài thấy một nhóm trẻ đang bắt cá và để chúng chết trong đồ đựng không có nước. Đức Phật hỏi đám trẻ:

“Này các con, các con có sợ đau không, và có thích bị đau không?” “Dạ, thưa Sa-môn, chúng con sợ đau và không thích bị đau” đám trẻ trả lời.

“Nếu các con sợ đau và không thích bị đau thì không nên làm bất cứ việc ác nào dù công khai hay bí mật. Nếu các con làm điều bất thiện bây giờ hoặc ngày mai thì các con sẽ không thoát khỏi khổ đau, ngay cả khi các con tìm cách trốn chạy”(12).

Trường hợp khác, Ngài thấy đám trẻ con đang lấy cây que đánh con rắn. Khi được hỏi, đám trẻ nói rằng làm như thế để con rắn không cắn chúng. Đức Phật giải thích cho chúng biết rằng nếu mình tước bỏ hạnh phúc của kẻ khác bằng bạo lực để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình thì cuối cùng không ai có được an lạc cả(13).

Đức Phật cũng dạy Rāhula, con của mình, bằng những cách so sánh ví von, những tình huống dễ hiểu. “Này Rāhula, khi con muốn làm bất kỳ hành động nào thuộc về thân, về khẩu, về ý thì nên suy nghĩ rằng, hành động sẽ làm thuộc về thân, khẩu, ý có gây hại cho chính mình, có gây hại cho người khác hay có gây hại cho chính mình lẫn người khác không? Vì một hành động bất thiện sẽ gặt hái kết quả bất thiện. Vì thế, nếu những hành động mà con nghĩ là sai, là bất thiện, gây đau khổ cho mình, cho người, cho cả hai thì không nên làm. Nếu con đang làm thì nên ngừng lại, nên thú tội, sám hối để không tái diễn trong tương lai…”(14).

Không chỉ chú ý đến phương pháp dạy mà đức Phật còn quan tâm đến người dạy, một vị giảng sư, người trao truyền kiến thức cho người khác. Có tám tiêu chuẩn mà một vị giảng sư cần phải có: “Tỷ kheo là người nghe, khiến người khác nghe; học và khiến người khác thọ trì; biết và khiến người khác biết; thiện xảo trong vấn đề thích hợp và không thích hợp (hay vấn đề kinh điển và không kinh điển) không phải là người ưa cãi nhau; có trí nhớ và không làm cho người khác nhàm chán”(15).

“Với ai không run sợ,

Đến hội chúng bạo ngôn,

Không quên lời đã học,

Không che giấu giáo Pháp,

Không nói lời nghi hoặc,

Được hỏi không phẫn nộ,

Vị tỷ kheo như vậy,

Xứng đáng đi sứ giả”(16).

Giảng dạy thông qua những hành động cụ thể là phương pháp mà đức Phật hay dùng. Sau khi đắc quả giải thoát, Ngài trở về thăm quê hương. Trước khi vào cung vua để diện kiến Phụ thân, Ngài đã đi từng gia đình để khất thực. Vua cha rất lấy làm kinh ngạc và xấu hổ vì hành động này của đức Phật. Ngài đã từ tốn giải thích cho vua cha rằng đó là truyền thống khất thực của chư Phật quá khứ. Thời bấy giờ, hành động khất thực của một người xuất thân từ giai cấp quý tộc như đức Phật bị xem là hành động bôi nhọ nghiêm trọng của hệ thống giai cấp. Giai cấp trên như vua chúa, Bà-la-môn không bao giờ chấp nhận thực phẩm từ các giai cấp thấp hơn.

Thỉnh thoảng, đức Phật đến với những người ở những vùng xa để giảng dạy, hướng dẫn hay giúp đỡ. Có những lúc, những cá nhân đến gặp Ngài để cầu xin sự chỉ dạy. Sopāka là một đứa trẻ bị ngược đãi bởi cha dượng của mình. Em bị đánh đập, sau đó người cha dượng độc ác lôi em vào nghĩa địa, cột chung với một xác chết rồi bỏ em lại một mình. Đức Phật đã đến với em vào buổi tối hôm đó khi em đang la thét vì đau đớn, kinh hoàng và sợ hãi. Ngài đã giải thoát cho em và dắt em về trú xứ của mình. Sau đó em đã được xuất gia trong Tăng đoàn của đức Phật(17). Paṇṇā và Rajjumālā là hai bé gái đày tớ đã trốn thoát khỏi gia đình chủ nhà. Họ luôn bị bà chủ đánh đập, chửi bới, kéo giựt tóc hay bị cắt tóc. Sau khi trốn thoát, đức Phật đã đến gặp họ, chỉ dạy cho họ để cải thiện vị trí xã hội thấp kém của mình(18).

Thỉnh thoảng, chúng ta bắt gặp những việc làm đầy xúc cảm mà đức Phật dành cho các đệ tử của mình được ghi lại trong một số kinh. Một vị tỷ kheo bị bệnh tiêu chảy, đức Phật không bảo các vị tỷ kheo khác đến chăm sóc cho người bệnh mà đích thân Ngài tắm rửa, lau thân thể và chăm sóc cho vị tỷ kheo đệ tử ấy(19). Một vị tỷ kheo khác tên là Tissa, toàn thân bị ghẻ lác, đầy mủ và máu, bị mọi người xa lánh thậm chí ngay cả vị tỷ kheo bạn thân của mình. Đức Phật đã ân cần lau, rửa và chăm sóc như trường hợp trên. Ngài cũng đã nhiều lần chăm sóc các đệ tử của mình như thế. Sau đó, một bài pháp thích hợp được Ngài thuyết giảng cho vị tỷ kheo có bệnh và cũng như cho toàn thể Tăng chúng(20).

Đức Phật đưa ra những lời khuyên hay sự chỉ dẫn hữu ích cho những người đang đối mặt với khó khăn. Khi vua Kosala nhận được tin hoàng hậu hạ sanh công chúa, đức vua rất buồn rầu. Ngài đã nói với đức vua rằng: Một bé gái thông minh, đức hạnh có giá trị hơn một bé trai(21). Một người cha đã thỉnh Ngài đến nhà để có những lời khuyên cho đứa con gái sắp lấy chồng của mình, và Ngài đã có những lời dạy bảo(22). Trong các câu chuyện Tiền thân của đức Phật cung cấp cho chúng ta rất nhiều những mẩu chuyện về những lời khuyên răn, dạy bảo như thế.

Bất cứ một bài giảng dạy nào được truyền đạt phải phù hợp với tính cách hay tâm trí của người tiếp nhận. Cūlaparthaka(23) một vị tỷ kheo đã tu học một thời gian khá lâu nhưng vẫn không thể hiểu được giáo pháp mà đức Phật dạy. Ông thất vọng và quyết định trở về với cuộc sống thế tục. Đức Phật đã gặp, đưa cho ông một mảnh vải trắng và yêu cầu cuộn tròn lại. Sau đó, nhìn cuốn vải, tỷ kheo Cūlaparthaka thấy xuất hiện đầy vết dơ, chợt bừng tỉnh, hiểu rõ quy luật vô thường. Đức Phật hiểu được cá tính đặc biệt của tỷ kheo Cūlaparthaka và đã có phương pháp thích hợp để giúp ông đạt được chân lý.

Phương pháp này cũng được áp dụng trong trường hợp của Khemā, một công chúa luôn quan tâm đến vẻ đẹp của mình(24). Ở đây, đức Phật dùng thần thông biến hóa ra một thiếu nữ rất đẹp, đang đứng bên cạnh Ngài. Khemā trông thấy liền nghĩ rằng: “Người phụ nữ này chắc chắn là đẹp hơn ta”. Đức Phật vận dụng thần thông khiến cho cô gái ấy từ từ lớn tuổi và cuối cùng trở thành một bà già. Sắc đẹp của một phụ nữ trẻ bây giờ đã bị thay thế bằng một thân hình già nua, tiều tụy. Kemā đã ngộ ra rằng: Sắc đẹp là vô thường. Vì thế, mối bận tâm về nhan sắc của Kemā cũng tan biến(25).

Có một trường hợp nói về cô gái làng chơi xinh đẹp tên là Sirimā mà một vị tỷ kheo trẻ đem lòng yêu mến. Khi Sirimā chết, vị tỷ kheo này rất đau khổ, bỏ ăn bỏ ngủ, không màn gì đến xung quanh. Đức Phật yêu cầu nhà vua cho giữ lại xác chết này trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, Ngài yêu cầu nhà vua triệu tập mọi người đến nghĩa địa. Vị tỷ kheo trẻ này cũng theo mọi người đến xem.

Đức Phật chỉ vào cái xác đang phân hủy và hỏi mọi người thi thể này là ai. Mọi người đáp rằng: Đó là thi thể của cô gái làng chơi xinh đẹp Sirimā. Đức Phật bảo mọi người có mặt, có ai thích lấy thi thể của Sirimā không, nếu lấy thì phải trả một ngàn đồng tiền vàng. Đó cũng là cái giá một đêm mà khách phải trả khi ở chung với cô ta. Không một ai đứng ra nhận lãnh. Đức Phật dần dần giảm giá tiền và cuối cùng những ai thích có thể không cần phải trả tiền. Thế nhưng, vẫn không có một ai đứng ra nhận lãnh. Sau đó, Ngài đã dạy rằng không có sắc đẹp nào là vĩnh hằng, là trường cửu. Bài pháp này không chỉ giúp ích cho vị tỷ kheo trẻ tuổi kia mà còn cho tất cả hội chúng đang có mặt: “Hãy xem bong bóng đẹp, chỗ chất chứa vết thương, bệnh hoạn nhiều suy tư, thật không gì trường cửu”(26).

Thỉnh thoảng, trong một tình huống đặc biệt nào đó, đức Phật chỉ cách để thực hiện một kế hoạch nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Như trường hợp của ông Bà-la-môn bị những đứa con trưởng thành và giàu có của mình bỏ rơi, không nuôi dưỡng tới nhờ đức Phật giúp đỡ. Ngài đã dạy cho ông bài kệ và bảo ông đọc to bài kệ này khi công chúng tập trung tại hội trường địa phương. Bài kệ này đã tạo ra dư luận và cuối cùng buộc những người con của ông Bà-la-môn phải nhận lại cha mình và phụng dưỡng cho ông(27).

Đức Phật chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất cho trường hợp của Nanda, người em cùng cha khác mẹ của Ngài. Nanda rất yêu người vợ sắp cưới của mình và thậm chí khi đã xuất gia, ông vẫn không thể nào tập trung để tu tập thiền quán. Đức Phật vận thần thông đưa ông lên trời. Trên đường đi, Nanda trông thấy một con khỉ cái bị nám cháy nửa người đang ngồi trên đất. Tới thiên cung, Nanda thấy các tiên nữ đẹp tuyệt trần. Đức Phật hỏi ông rằng: “Ông có so sánh gì về người yêu của mình với các tiên nữ này không?” Nanda đáp rằng: “Thưa Thế Tôn, nếu so sánh với các tiên nữ này thì cô ấy giống như con khỉ cái bị nám cháy nửa người mà chúng ta đã gặp trên đường”. “Nếu ông nỗ lực tu tập thì Ta hứa sẽ giúp ông có được những tiên nữ này” đức Phật nói.

Nanda đã bị mắc bẫy. Những người bạn đồng tu của ông bắt đầu trêu chọc và nói rằng Nanda cố gắng tu học vì được đức Phật hứa cho mấy cô tiên nữ xinh đẹp ở trên trời. Ông cảm thấy xấu hổ và từ bỏ ý nghĩ đó, tinh tấn tu tập và đã chứng được quả A-la-hán.

Thỉnh thoảng đức Phật dùng tuệ nhãn của mình để nói về một sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai khi Ngài đi giáo hóa dân chúng. Một buổi sáng nọ, Ngài cùng vị thị giả Ānanda đi ngang qua một cánh đồng và thấy một bó tiền vàng bị bỏ rơi. Một nhóm cướp đã cướp phá một ngôi nhà nào đó lấy đi vàng bạc và các vật dụng giá trị khác. Chúng đã làm rơi bó tiền vàng này khi đi ngang qua cánh đồng. Đức Phật nói với Tôn giả Ānanda: “Ông có nhìn thấy con rắn độc kia không?” Người nông dân đang cày nghe câu hỏi này và sau khi đức Phật và vị thị giả đi khỏi, ông tìm con rắn xung quanh nhưng chỉ thấy có bó tiền vàng. Ông lấy quần áo che bó tiền vàng này lại và tiếp tục cày bừa. Chủ nhân của ngôi nhà bị cướp đi tìm tài sản của mình thì phát hiện bó tiền vàng này nằm dưới đống áo quần của người nông dân và kiện ông lên vua. Đức vua phán quyết ông nông dân phạm tội và ra lệnh hành hình. Người nông dân ngơ ngác không biết nói gì nhưng lặp lại cuộc đối thoại giữa đức Phật và Tôn giả Ānanda mà ông nghe thấy sáng nay: “Này Ānanda, ông có thấy con rắn độc kia không?”, “Thưa Thế Tôn, con có thấy con rắn độc đó”.

Quan thụ lý vụ án hỏi ông nông dân về ý nghĩa câu đối thoại này và được ông kể lại những gì xảy ra vào buổi sáng. Họ thuật lại câu chuyện này với đức Vua. Vua ra lệnh trì hoãn cuộc xét xử và đi đến gặp đức Phật vào buổi chiều. Ngài đã xác nhận tất cả những gì mà ông nông dân kể. Cuối cùng, ông nông dân được phóng thích(28).

Đức Phật dành hết tâm trí của mình vào việc giáo hóa, không chỉ một cá nhân mà còn một nhóm hay một cộng đồng dân cư. Ngài chỉ dạy cho các đệ tử của mình bằng việc chế giới luật để họ áp dụng trong cuộc sống, mang lại lợi ích cho việc giải thoát. Hễ khi cần thiết, Ngài liền triệu tập hội chúng đến để giảng dạy. Thời đó, dư luận quần chúng chống lại việc người phụ nữ có vị trí trong tôn giáo đã thay đổi. Chính việc giáo dục đã thay đổi nếp nghĩ của người dân(29). Hành động trách phạt Devadatta được thực hiện sau khi người dân sống cùng thành phố với Devadatta được tuyên truyền về luật pháp và kiến thức. Vì thế, họ đã tán thành và ủng hộ việc trách phạt này.

Đôi khi, những hình ảnh hay sự kiện xảy ra trước mắt mọi người được đức Phật sử dụng để chứng minh bài thuyết pháp của mình sau đó. Câu chuyện về tỷ kheo Sāgata say rượu nằm dài trên đất lê từng bước tiến tới chỗ đức Phật được ghi lại trong luật tạng như sau(30):

“Này các tỷ kheo” đức Phật hỏi, “Trước đây, Sāgata có lễ phép và kính trọng khi đối trước Như Lai không?”

“Dạ có, thưa Thế Tôn”.

“Nhưng hôm nay, Sāgata có lễ phép và kính trọng khi đối trước Như Lai không?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn”.

“Trước đây, phải chăng Sāgata đã chế ngự con rắn hổ mang?” “Dạ vâng, thưa Thế Tôn”.

“Còn giờ đây, Sāgata có thể chế ngự rắn hổ mang không?” “Dạ không, thưa Thế Tôn”.

Sātaga có nghĩa là sức mạnh về tinh thần, vị tỷ kheo này có khả năng chế ngự những con rắn hoang dã nguy hiểm. Trong một dịp chế ngự được một con rắn, người dân mời Sātaga uống rượu để chúc mừng thành công. Đức Phật dùng hình ảnh say rượu, nằm lăn dưới đất của Sātaga để nhắc nhở các vị tỷ kheo khác về tác dụng tiêu cực của các chất làm say.

Câu chuyện của Kamāra Kassapa đưa ra thêm một bằng chứng về sự đồng cảm và hiểu biết vấn đề phi thường của đức Phật. Mẹ của Thera được nhận vào giáo đoàn Ni giới và sau đó đã phát hiện bà có thai. Nghi vấn quanh vấn đề này nổi lên liệu rằng bà đã có thai khi chưa xuất gia hay là sau khi xuất gia. Đức Phật bổ nhiệm Tôn giả Upāli đứng đầu một hội đồng để kiểm tra việc này, trong đó có Visākhā, một chuyên gia về các vấn đề về sinh lý nữ giới. Visākā đã phát hiện ra cô này mang thai từ khi chưa xuất gia(31).

Trong văn học Phật giáo có đề cập đến mười phương tiện mà qua đó một cá nhân có được sự tăng trưởng lẫn thân và tâm. Thế nào là mười: Tăng trưởng ruộng đất; tăng trưởng tài sản lúa gạo; tăng trưởng vợ và con; tăng trưởng những người làm công giúp việc; tăng trưởng các loài bốn chân; tăng trưởng lòng tin; tăng trưởng giới; tăng trưởng nghe nhiều; tăng trưởng thí; và tăng trưởng trí tuệ(32).

Sự gặt hái về kiến thức của chính bản thân là một quá trình học tập lâu dài. Nó diễn ra từ từ chứ không có việc xảy ra tức thời. “Này các tỷ kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành ngay lập tức mà trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, thực tập từ từ”(33).

Trong một mẩu đối thoại với Kāsi, một người giỏi về huấn luyện ngựa, Ngài hỏi phương pháp huấn luyện ngựa thì được Kāsi đáp rằng: “Có những con dùng phương pháp mềm dẻo, có những con dùng phương pháp cứng rắn và cũng có những con phải dùng cả hai phương pháp mền mỏng và cứng rắn”. “Sử dụng phương pháp nào nếu một con ngựa không thể áp dụng cả ba phương pháp trên” đức Phật hỏi. “Giết bỏ” Kāsi đáp.

Phương pháp giáo dục của đức Phật cũng tương tự như thế. Ngài sử dụng biện pháp mềm mỏng đối với hạng người khi dạy về các việc thiện của thân, khẩu, ý và các quả báo hạnh phúc thì họ liền tu tập. Ngài sử dụng biện pháp cứng rắn đối với hạng người khi dạy về hành động bất thiện của thân, khẩu, ý cần nên tránh vì nó gây ra quả báo tương ứng ở ba đường ác. Và một phương pháp phối hợp cả mềm mỏng và cứng rắn như trong minh họa của Kāsi. Còn loại bất trị, không thể áp dụng các phương pháp trên thì đức Phật dạy nên tránh xa(34).

Áp dụng kỷ luật, được xem như một phần của sự giáo dục, là một nền tảng thiết yếu mà Phật giáo đề cập trong việc giáo dục đào tạo con người, đặc biệt đối với giới trẻ. Nếu kỷ luật không được thiết lập, thì họ, những thanh niên khi trưởng thành sẽ có những tính cách lệch lạc và đôi khi chống lại xã hội. Môi trường xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của một con người. Kinh điển có đề cập đến những mẩu chuyện có liên quan đến vấn đề này như sau. Một con voi của nhà vua trở nên hung hãn vì sau khi nghe cuộc đối thoại lặp đi lặp lại nhiều lần của những kẻ cướp đang tụ tập gần chuồng voi(35). Một con ngựa yêu quý của nhà vua tỏ ra ủ rũ vì ảnh hưởng bởi người chăm sóc nó(36). Trường hợp hai con két được nuôi ở hai môi trường khác nhau. Một con được một nhà ẩn sĩ tu hành nuôi, còn con kia được một băng nhóm tội phạm nuôi. Con đầu tiên lớn lên nói những câu vui vẻ, dễ thương. Con thứ hai toàn phun ra những câu khó nghe, tục tĩu giống như lối hành xử của những kẻ cướp.

Đức Phật có một phương pháp duy nhất để tiếp xúc với loài vật, chim muông cũng như các loài không phải là loài người. Vào tuần lễ thứ sáu sau khi chứng ngộ dưới cội Bồ Đề, trong khi đang ngồi thiền định thì một trận mưa lớn đã đổ xuống. Lúc ấy, một con rắn hổ mang tên là Mucalinda đã dùng thân mình quấn quanh người đức Phật và dùng đầu che mưa cho Ngài.

Một dịp nọ, đức Phật trú ngụ một thời gian trong rừng gần thành phố Pārileyya, một con voi đã phục vụ cho Ngài. Kinh sách nói rằng con voi đã quét dọn chỗ cho đức Phật ngồi, thậm chí voi còn chuẩn bị nước nóng để Ngài tắm. Những con khỉ thì hái trái cây dâng cúng cho đức Phật. Ngài có vẻ như đã truyền thông với các loài vật này và khiến chúng hiểu được lời dạy của mình.

Phương pháp khoa học hiện tại của chúng ta chưa phát triển đến một mức độ cho phép chúng ta hiểu được khía cạnh duy nhất này trong hệ thống giáo dục của đức Phật, đặc biệt là cách truyền thông của Ngài với các loài động vật, chim muông và các loài không phải là người. Dĩ nhiên, với sự phát triển của khoa học và sự nghiên cứu trong tương lai, chúng ta sẽ có thể tìm hiểu lĩnh vực này. Đến khi đó, cách nhìn chung cuộc của chúng ta về những vấn đề như thế này sẽ tốt hơn hay vẫn còn lơ lửng.


1. Udāna. V.3; VIN 11,238-66
2. Sn AI.239
3. Sn A. I.230-66
4. S.I.207-66
5. VIN I, 196; Thag 866-89
6. Udāna. VIII.8
7. GS. III, 267
8. DhA., Kisāgotamiyā vatthu kothā
9. Therigāthā,131-8
10. DhP., Paṭācārāvatthu kathā
11. VIN, 1-3
12. Udāna, V
13. Udāna, II
14. M.I.415- 417
15. Cf. Ānanda Gurege, Nārada Felicitation Volume, 1979, 55
16. A. III, 10; theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.
17. Theragāthā 7.1.4
18. Theragāthā VU. 283-286; Vimānavatthu, VI. 12
19. VIN, 295-296
20. DhA., Pūtigatta – Tissa Aṭṭhakathā
21. KSI, iii
22. A.III, 26-28
23. DhA, IV, 180
24. A.I, 25
25. DhA. Khemāvaithu
26. DhP. 147; theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
27. S.I.175-177
28. DhA.180
29. VIN. II, 284-66
30. BD. II, 389
31. 31.148; AAI, 172
32. A.V. 137; cf.A III.80
33. M I.479-481
34. A.II 112-113
35. J.26
36. J.tr.I 189

Xem mục lục