ĐỂ Ý ĐẾN KHOẢNG HỞ CỦA IM LẮNG Ở BÊN TRONG
Trong ngày, bạn qua đi một chuỗi những sự kiện thay đổi liên tục mà bạn
nhìn hoặc nghe thấy. Thoạt đầu khi nghe hay nhìn một điều gì - đặc biệt là với
những gì mới lạ đối với bạn - thì trước khi đầu óc bạn có thể đặt tên và suy diễn
về những thứ ấy, bạn sẽ nhận ra có một khoảng trống sáng tỏ của ý thức. Đó là
khoảng không gian im lắng ở nội tâm. Độ dài của khoảng hở này thay đổi tùy
theo từng người. Khoảng hở im lắng ấy rất dễ bị bỏ qua vì ở nhiều người khoảng
hở ấy rất ngắn, khoảng 1 giây hay ngắn hơn.
Quy trình đó có thể mô tả như sau: Khi một quang cảnh hay âm thanh vừa
xảy ra, giây phút đầu tiên khi giác quan của bạn vừa tiếp thu thì dòng suy tư, lo
lắng quen thuộc ở trong bạn được lắng xuống. Lúc đó ý thức của bạn bị tách ra
khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ vì nó bị chi phối bởi đòi hỏi của các giác quan. Cho
nên một cảnh tượng hay âm thanh lạ kỳ có thể làm cho bạn "lặng im" ở bên
trong, tức là tạo một khoảng hở của im lắng dài hơn, trong lúc không hề có hoạt
động của suy tư hay lo sợ gì trong tâm thức bạn.
Số lần xảy ra và độ dài của những khoảng hở im lắng đó quyết định khả năng
thưởng thức đời sống của bạn, giúp bạn cảm thấy gần gũi, thân thiện với người
khác và với thiên nhiên. Nó cũng quyết định mức độ bạn bị bản ngã chi phối, vì
càng bị chi phối, bạn càng không ý thức được chiều không gian im lắng này.
Nếu bạn có ý thức về những khoảng hở của vô niệm13 ấy khi chúng xảy ra thì
chúng sẽ tự kéo dài một cách tự nhiên, và như thế càng ngày bạn sẽ càng có thêm
nhiều niềm vui trong lúc cảm nhận được những gì xảy ra ở chung quanh mà
không có, hoặc có rất ít, sự can dự của suy nghĩ. Thế giới chung quanh bạn lúc
đó sẽ mang vẻ tươi mát và sống động. Trái lại, khi bạn chỉ cảm nhận cuộc sống
qua tấm màn khái niệm và sự trừu tượng hóa của suy tư thì thế giới chung quanh
bạn càng trở nên thiếu sinh khí và nhàm chán.