Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

BIẾT MÌNH VÀ “BIẾT VỀ” MÌNH

   Có thể bạn không muốn tìm hiểu chính mình vì bạn rất sợ những thứ mà bạn

tìm ra. Nhiều người có nỗi sợ hãi thầm kín rằng “họ là một con người xấu xa”.

Thực ra bạn không phải là những gì mà bạn tìm ra về mình. Bạn không phải là

những gì mà bạn “biết về” mình.

   Trong khi nhiều người không muốn biết bản chất của họ vì sợ hãi, thì những

người khác lại muốn vô cùng, họ muốn biết càng nhiều về chính mình càng tốt.

Họ cảm thấy thỏa mãn với chính mình vì đã dành nhiều năm cho lĩnh vực phân

tâm học, tìm tòi vào mọi khía cạnh của thời ấu thơ, hoặc đã phát hiện ra những

nỗi sợ hãi và ham muốn thầm kín, đã tìm ra được rằng nhân cách và cá tính của

mình được cấu thành bởi lắm tầng lớp phức tạp, rối rắm. Sau mười năm thì nhà

chuyên môn về phân tâm có thể đã thấy chán ngấy câu chuyện của đời bạn và

muốn nói với bạn rằng bạn đã làm xong mọi chuyện cần làm. Cũng có thể nhà

tâm lý ấy sẽ tiễn bạn đi với một chồng hồ sơ bệnh lý dày cộm: “Đây. Đây là tất

cả những gì nói “về bạn”. Đây là con người của bạn”. Khi mang chồng hồ sơ ấy

về nhà, nỗi thỏa mãn được biết được “về mình” sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho

cảm giác chưa trọn vẹn, và ở trong bạn bỗng dấy lên một nỗi ngờ vực lẩn khuất ở

đâu đó rằng “Liệu có một điều gì về bản chất của bạn đã chưa được nhận ra?”.

Và quả thực là có nhiều thứ hơn về bạn – không phải là nhiều về số lượng dữ

kiện, mà là nhiều về chiều sâu, phẩm chất của bạn.

     Nếu bạn không lẫn lộn giữa chuyện bạn tự biết mình và những điều bạn “biết

về” mình, thì việc phân tích tâm lý hay tìm hiểu về quá khứ không có gì sai. Tập

tài liệu mấy nghìn trang là những mô tả “về bạn”. Nhưng đó không phải là bạn.

Nó chỉ là phần hình tướng, không phải là bản chất chân thực của bạn. Vượt ra

khỏi bản ngã là bước ra khỏi phần hình tướng. Tự biết mình tức là an nhiên với

chính mình, an nhiên với chính mình là thôi không còn tự đồng hóa mình với

hình tướng nữa.

   Hầu hết mọi người tự định nghĩa mình qua hình tướng trong đời sống của họ.

Những gì bạn cảm nhận, trải qua, nói, nghĩ, làm… đều là hình tướng. Hình tướng

thường thu hút toàn bộ sự chú tâm của con người, vì đó là những gì mà họ tự

đồng hóa với nó. Khi bạn nói “đời tôi” thì bạn đang nói về những cái mà bạn

đang “có”, bạn đang nói về hình tướng, tức là tuổi tác, sức khỏe, ngoại hình, các

mối quan hệ, tài chính, công việc, trạng thái suy nghĩ, cảm xúc… Những tình

huống bên trong và bên ngoài, quá khứ và tương lai, tất thảy đều thuộc lĩnh vực

hình tướng – các sự kiện, tức là những gì đang xảy ra, cũng vậy.

   Vậy ngoài hình tướng thì còn có gì? Chính những gì làm ra hình tướng – là

chiều không gian của nhận thức ở bên trong.

Xem mục lục