Một bản ngã khi muốn có được cái gì từ người khác - kể cả những thứ nó
không thật sự muốn - thường thích đóng vai một nhân vật nào đó để làm cho nhu
cầu của nó được đáp ứng. Nhu cầu đó có thể là lợi lộc vật chất, cảm thấy có
quyền hành, thấy mình cao trội, đặc biệt hơn người khác, hoặc một nhu cầu thỏa
mãn nào đó về thể chất hay tâm lý. Thông thường người ta không ý thức được
vai tuồng mà họ đang diễn bởi vì họ chính là vai diễn đólx. Một số vai thì rất tế
nhị và khó nhận biết, nhưng một số vai khác lại rất hiển nhiên đối với người
khác, ngoại trừ người đang diễn. Một số vai diễn chỉ cốt gây được sự chú ý của
người khác. Vì bản ngã sống được là nhờ sự chú ý của người khác, mà sự chú ý
này chung quy là một dạng năng lượng của tâm mà bản ngã bạn cần để được
nuôi sống. Bản ngã không biết rằng tất cả năng lượng mà bạn cần đều phát sinh
từ bên trong bạn, nên nó thường chạy đi tìm kiếm ở bên ngoài. Bản ngã không
cần loại chú ý không mang hình tướng tức là năng lực của sự Hiện diện, vì loại
chú ý bản ngã cần là loại khiến nó cảm thấy đang được thừa nhận, được ngợi
khen, khâm phục, hay để bản ngã bạn được thừa nhận là nó đang tồn tại.
Một người có tính nhút nhát, sợ hãi trước sự quan tâm của người khác không
phải là người đã thoát ly khỏi sự khống chế của bản ngã; mà thực ra bản ngã của
những người có cá tính nhút nhát như thế là thứ bản ngã có hai chiều: một mặt họ
vừa muốn được chú ý, mà lại vừa sợ người khác quan tâm đến họ. Họ cảm thấy
sợ vì sự quan tâm của người khác có thể là ở dạng chê bai hay bài bác, tức là hạ
thấp cảm nhận của họ về chính bản thân họ hơn là điều giúp củng cố cho bản ngã
ở trong họ. Cho nên đối với một người nhút nhát, cảm giác sợ hãi sự chú ý của
người khác lớn hơn nhu cầu được người khác quan tâm. Tính nhút nhát thường đi
kèm với một quan điểm về bản thân mà quan điểm này chủ yếu là tiêu cực, ví dụ
người ấy tin rằng mình yếu kém, chưa đạt yêu cầu. Nhưng bất kỳ cảm giác nào
về bản thân - tức là xem mình là người có cá tính này hay cá tính kia - đều chỉ là
biểu hiện của bản ngã, dù cho cảm giác đó chủ yếu là tích cực (“Tôi là người giỏi
nhất!”) hay tiêu cực (“Tôi là một kẻ chẳng ra gì!”). Đó là vì đằng sau mỗi khái
niệm về bản thân có tính tích cực là một nỗi sợ hãi rằng mình chưa đạt so với yêu
cầu, và đằng sau khái niệm về bản thân mang tính tiêu cực là niềm mong ước
rằng mình giỏi nhất hoặc hơn người khác. Đằng sau cái bản ngã rất tự tin, luôn
ham muốn không ngừng để vượt trội, ưu việt hơn người là một nỗi sợ hãi rằng
mình chỉ là một kẻ thấp hèn, thua sút người khác. Ngược lại, đằng sau cái bản
ngã rất nhút nhát và nhiều mặc cảm tự ti là một con người có ham muốn ngấm
ngầm để vượt trội hơn người khác. Nhiều người thường dao động giữa hai thái
cực này: cảm giác tự tôn và mặc cảm tự ti, điều này tùy thuộc vào tình huống hay
mỗi người mà họ tiếp xúc. Điều mà bạn cần và quan sát ở trong chính mình là:
Khi nào bạn cảm thấy siêu việt hay thua kém ai thì đó chỉ là sự biểu hiện của bản
ngã ở trong bạn.