Xét theo nghĩa rộng, tự thân của bản ngã là bệnh hoạn, dù nó tồn tại dưới bất
kỳ hình thức nào. Từ pathological (bệnh hoạn) có nguồn gốc từ chữ pathos (khổ
đau) trong cổ ngữ Hy Lạp, rất thích hợp để dùng cho bản ngã, dù từ này thông
thường được dùng để mô tả tình trạng của một căn bệnh. Dĩ nhiên khổ đau là
điều mà Đức Phật đã khám phá ra, cách đây hơn 2.600 năm, như là một đặc tính
của con người.
Một người vẫn còn nằm trong sự khống chế của bản ngã thì tất nhiên sẽ
không nhận ra rằng họ đang tạo ra khổ đau, mà ngược lại, còn cho rằng «Đó là
một cách cư xử rất thích đáng cho trường hợp này ». Bản ngã của họ, trong sự
mù lòa của nó, sẽ không có khả năng nhận ra khổ đau mà nó đang gây ra cho
người khác và cho chính họ. Bất hạnh là một tâm bệnh của bản ngã liên quan đến
cảm xúc và cách bạn nhìn cuộc đời. Ngày nay, nó đã đạt đến quy mô của một
cơn bệnh dịch. Đây là sự ô nhiễm ở bên trong, tương ứng với sự ô nhiễm ở bên
ngoài: môi trường sống trên hành tinh này. Những trạng thái tiêu cực như giận
dữ, lo âu, thù oán, trách móc, bất mãn, ganh tị,... không được bạn nhìn nhận là
những tiêu cực có sẵn trong bạn. Bạn cho đây không phải là những gì bạn đã tự
tạo ra cho chính mình, trái lại bạn tin chắc rằng nỗi bất hạnh của bạn là do người
khác hay một nhân tố nào đó ở bên ngoài tạo ra. Do đó, điều mà bản ngã của bạn
luôn kết luận là "Anh là kẻ chịu trách nhiệm tất cả những khổ đau và bất hạnh ở
trong tôi".
Bản ngã không phân biệt được sự khác biệt giữa tình huống và những phản
ứng và suy diễn của bạn từ tình huống đó. Bạn có thể nói "Thời tiết hôm nay thật
là tồi!" mà không thấy rằng trời lạnh, hay gió, hay mưa,…mà bạn đang phản ứng
thực ra không đến nỗi tồi tệ như bạn nghĩ. Chúng chỉ thể hiện ra như một điều
đương nhiên, nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Những gì thực sự tồi tệ chính là
phản ứng của bạn, sự chống đối ở bên trong và những cảm xúc do sự chống đối
ấy gây nên. Đại văn hào Shakespeare từng nói: "Thực ra chẳng có điều gì là tốt
hoặc xấu, tốt xấu chỉ có do suy nghĩ/phán xét của bạn mà thôi". Hơn nữa, khổ
đau hay tiêu cực thường bị bản ngã của bạn hiểu sai, và nương vào sự vô thức đó
của bạn mà bản ngã tự củng cố sức mạnh của chính nó.
Ví dụ cảm giác giận dữ hay oán ghét người khác làm cho bản ngã của bạn trở
nên mạnh hơn vì thái độ này làm gia tăng cảm giác cách ly, nhấn mạnh sự khác
biệt giữa bạn với người kia và tạo ra một pháo đài: “Tôi đúng, anh sai!” không
thể nào công phá được. Nếu bạn quan sát những thay đổi tâm lý xảy ra trong cơ
thể khi bạn có những cảm giác tiêu cực như thế, chúng tác hại đến tim bạn như
thế nào, tác hại đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bạn cũng như vô số những
cơ quan khác trong cơ thể,… thì rõ ràng những trạng thái tiêu cực đó là nguyên
nhân gây nên bệnh tật cho bạn. Đó là những khuôn mặt khác nhau của khổ đau
chứ không phải là điều dễ chịu.
Khi bạn ở trạng thái tâm lý tiêu cực, thì trong bạn có cái gì đó muốn hướng
về phía tiêu cực, có một cái gì đó ở trong bạn tin rằng “tiêu cực là một điều dễ
chịu”, hay tin là nó sẽ mang lại những thứ mà bạn muốn. Nếu không thì ai lại
muốn đeo bám vào tiêu cực, làm cho chính mình cùng những người chung quanh
đau khổ và tạo ra bệnh tật trong người? Vì thế, khi có tiêu cực ở trong mình, nếu
bạn có thể nhận thức được vào lúc ấy trong bạn có một cái gì đó cảm thấy hài
lòng từ những tiêu cực đang phát sinh, hay tin rằng « tiêu cực phục vụ cho một
mục tiêu hữu ích » thì đó là lúc bạn đang trực tiếp nhận diện sự hoạt động của
bản ngã ở trong mình. Khi điều này xảy ra, tư cách của bạn chuyển từ trạng thái
mê mờ của bản ngã sang trạng thái có ý thức sáng tỏ. Điều này có nghĩa là bản
ngã của bạn sẽ bị co rút lại, suy yếu đi, còn nhận thức thì trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu khi đang có trạng huống tiêu cực mà bạn có thể nhận ra rằng: "Ồ, tôi
đang tạo ra khổ đau cho chính mình trong phút giây này" thì nhận thức này cũng
đủ để đưa bạn vượt ra khỏi giới hạn của trạng thái tiêu cực và những phản ứng bó
buộc của bản ngã. Nó sẽ mở ra những khả năng vô hạn, những khả năng này sẽ
đến với bạn khi bạn có nhận thức, tức là bạn sẽ có những cách xử lý tình huống
thông minh hơn nhiều. Bạn sẽ có tự do để buông bỏ những bất hạnh ngay lúc bạn
vừa nhận ra « đó là một thái độ thiếu sáng suốt ». Tiêu cực tức là thiếu khôn
ngoan, là cách phản ứng quen thuộc của bản ngã ở trong bạn. Bản ngã có thể rất
lém lỉnh, nhưng nó thiếu khôn ngoan. Sự lém lỉnh ấy chỉ để theo đuổi những mục
tiêu nhỏ bé của bản ngã; trong khi sự thông thái thì nhìn thấy bức tranh toàn thể,
rộng lớn hơn trong đó mọi thứ đều liên hệ mật thiết với nhau. Sự lém lỉnh có
động cơ vụ lợi cho riêng mình và rất thiển cận. Đa số các chính khách và các
doanh nhân đều rất lém lỉnh nhưng ít người là khôn ngoan. Những gì bạn có
được do sự lém lỉnh đều chóng phôi pha và rốt cuộc bạn luôn tự làm cho mình
thất bại. Sự lém lỉnh tạo nên chia rẽ, trong khi sự thông thái thì có khả năng đoàn
kết.