Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục
Vậy thì vai trò của các tôn giáo chính thống trong việc hình thành ý thức mới là gì? Nhiều người đã nhận thức được sự khác biệt giữa tâm linh và tôn giáo. Họ đã nhận thấy rằng có được một hệ tín ngưỡng – tập hợp của những tư tưởng mà ta xem là tuyệt đối đúng – sẽ không làm cho bạn có nhiều chất tâm linh hơn người khác, dù đó là tín ngưỡng gì. Thật ra thì khi bạn càng khép mình vào một hệ tư tưởng, vào một tôn giáo thì bạn càng tách rời với chiều không gian tâm linh ở trong bạn. Chúng ta thường dễ bị vướng mắc vào cạm bẫy này khi cho rằng chân lý chỉ là suy tư, nhất là khi bạn hoàn toàn tự đồng nhất mình với những suy tư ở trong đầu mình, hoặc thích tuyên bố rằng “tôi đã nắm được chân lý” khi không ý thức được rằng mình chỉ đang bảo vệ cho một hình ảnh của cá nhân mình. Họ không nhận ra những giới hạn của suy tư. Dưới con mắt họ thì nếu bạn không tin theo hoặc suy nghĩ giống hệt như họ thì phần sai đã nằm về phía bạn và trong quá khứ, cách đây không lâu, họ hẳn sẽ giết bạn mà chẳng thấy có gì sai trái cả. Ngay cả trong thời đại này, vẫn còn rất nhiều người suy nghĩ và hành xử như thế.
 
Một chiều hướng tâm linh mới, tức là sự cải biến nhận thức, đang phát triển trên một quy mô rộng lớn, nằm ngoài cơ cấu của những tôn giáo đã được thể chế hóa hiện nay. Ngay trong các tôn giáo bị lý luận và suy tư chi phối thì vẫn có những nhóm thiên về tâm linh mặc dù hệ thống thứ bậc đã được thể chế hóa luôn cảm thấy bị đe dọa bởi những nhóm này và luôn tìm cách trấn áp. Như vậy, sự khai mở ra một chiều tâm linh có quy mô rộng lớn, thoát ra khỏi những cơ chế tôn giáo là một phát triển hoàn toàn mới. Điều này trước đây có thể là điều không tưởng tượng được, đặc biệt ở phương Tây, nơi trí năng chi phối nhiều nhất, nơi mà giáo hội Cơ đốc có uy quyền rất lớn đối với các trào lưu tâm linh. Ví dụ, bạn không thể tự dưng đứng lên nói chuyện về một đề tài tâm linh mà không có sự thỏa thuận trước với nhà thờ. Họ sẽ làm cho bạn im ngay. Còn giờ đây thì đã có những dấu hiệu thay đổi lớn ngay trong các nhà thờ và các tôn giáo. Đây là điều làm chúng ta rất ấm lòng và cảm thấy tri ân mặc dù đó mới chỉ là chút dấu hiệu cởi mở ban đầu.
 
Phần thì do những giáo huấn phát sinh bên ngoài các tôn giáo hiện thời, phần thì do sự xâm nhập của những giáo huấn cổ từ phương Đông, ngày càng có nhiều tín đồ các tôn giáo truyền thống ở Tây phương cởi bỏ được thái độ tự đồng nhất mình với hình tướng, với những giáo điều và những hệ tín ngưỡng khắt khe và khám phá ra được chiều sâu nguyên thủy trong chính truyền thống tâm linh của họ cũng như trong chính họ. Họ nhận ra rằng sự “giác ngộ về tâm linh” của họ chẳng liên quan gì đến những điều họ cần phải tin mà liên quan lớn đến cách sống của họ. Ngược lại, mức độ chín chắn về tâm linh của bạn sẽ hướng dẫn cách bạn hành xử và giao tiếp với người khác.
 
Những ai không thể vượt qua những hình thức bên ngoài của truyền thống tâm linh của mình thì họ ngày càng lún sâu vào các tín điều, tức là lún sâu vào thói quen suy tư. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến không những một sự thâm nhập chưa từng thấy của một tâm thức mới mà còn là sự cố thủ và chống trả của bản ngã, tức là thứ tâm thức cũ ở trong ta. Một số tôn giáo sẽ mở rộng cửa để chào đón nhận thức mới này, một số khác thì sẽ khép kín để củng cố thêm vị thế suy tư của mình và trở thành một bộ phận của những cơ cấu chống đối còn sót lại, qua đó bản ngã có tính tập thể sẽ tự bảo vệ cho nó, chống lại những gì có vẻ đe dọa cho bản ngã của tập thể ấy. Có những giáo phái tín ngưỡng về căn bản chỉ là những thực thể đầy tính chấp ngã, tự đồng nhất mình một cách cứng nhắc với những vị thế, quan điểm trong cách suy tư của họ, không cho phép những cách suy nghĩ mới đi vào.

Nhưng trước sau gì thì bản ngã cũ ở trong ta rồi cùng sẽ tự phân rã và tất cả những cơ chế đã được thiết lập vững chắc, cho dù đó là các cơ chế tôn giáo, tổ chức… cũng sẽ tự phân rã từ bên trong, dù hiện tại những nền móng ấy có vững chắc đến đâu.

Xem mục lục