Bài Viết (701)


Những Che Chướng Đối Với Thực Tại - Nguyễn Thế Đăng

956

Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng là quan điểm của tất cả Đại thừa, trích Khế kinh nói:

Tất cả chúng sanh từ xưa nay vốn thường trụ trong Bồ-đề Niết bàn, chẳng phải do tu mới có, chẳng phải do làm mới được, rốt ráo không có cái gì chứng đắc, cũng không có tướng gì để thấy”.

Thế mà chúng ta luôn luôn bị chướng ngại, không thấy được thực tại Bồ-đề Niết bàn Chân Như ấy. Như ở trong nước mà kêu chết khát, như ngồi trong kho lúa mà than đói ăn. Chẳng có ai ngăn che chúng ta với thực tại. Các bậc giải thoát không ngăn che chúng ta, cũng chẳng có loại ma quỷ nào ngăn che chúng ta. Tất cả mọi che chướng, mọi tường thành là do chúng ta vì mê mờ, không biết, mà xây dưng nên, từ tế đến thô dày, để tự che chướng mình, tự giam nhốt mình. Rồi cũng vì không biết, chúng ta cứ đổ lỗi những  chướng ngại là ở bên ngoài, chúng ta chỉ là những nạn nhân oan ức của mê lầm và khổ đau.

Trong bài này, chúng ta nghiên cứu những che chướng ấy theo cái nhìn của   Luận Khởi Tín. 

Bất giác có nghĩa là do chẳng như thật biết Chân Như nên tâm bất giác khởi mà có vọng niệm. Nhưng vọng niệm không có tự thể riêng biệt nên chẳng lìa Bản Giác…”

“Lại nữa do bất giác mà sanh ra ba tướng (vi tế), ba tướng này tương ưng và không lìa bất giác.” Ba tướng ấy là gì?

  1. Tướng vô minh sanh nghiệp  (vô minh nghiệp tướng):  Tánh Giác thì không động. Nhưng do bất giác nên tâm động, gọi đó là nghiệp. Có động thì có khổ. Từ nhân động sanh ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân.”

Trước hết, tâm bất giác khởi ra vọng niệm này không thể có ngoài Bản Giác Chân Như. Nếu thấy biết sóng sanh ra và tan mất trong đại dương và cũng chính là nước của đại dương thì người an trụ trong đại dương Chân Như bèn tự do tự tại với các làn sóng khởi niệm.

Nhưng do không thật biết ( bất giác ) Chân Như thì sanh ra che chướng vi tế. Thứ nhất là do bất giác nên tâm động. Tâm động là nghiệp vi tế , nằm ở mức sâu nhất của tâm, không dễ gì thấy. Và có động vi tế thì có nghiệp vi tế. Nghiệp vi tế là nhân của khổ vi tế. Đã có nhân thì có quả. Nhân và quả khổ vi tế ban sơ này nằm sâu trong tâm, thiền định và thiền quán còn cạn thì không thể thấy biết. Đây là cái động ban sơ, cái nghiệp ban sơ, cái vô minh ban sơ.

Kinh Giải Thâm Mật nói về sự động của tâm cực kỳ vi tế như sau:

Thức A đà na này thâm tế

Các chủng tử như dòng nước xiết

Ta không chỉ dạy cho hàng phàm phu

Họ sẽ phân biệt chấp làm ngã. 

  1. Tướng có cái thấy về phần chủ thể  (năng kiến tướng): Do động nên sanh ra cái thấy về phần chủ thể. Nếu không động thì không có cái thấy của chủ thể”.

Từ cái động ban sơ, sanh ra cái thấy từ một chủ thể, từ một trung tâm. Từ đây cái thấy không tách lìa chủ thể, chủ thể là cái thấy, cái thấy là chủ thể. Cái thấy là cái thấy của một chủ thể. Và  chủ thể là chủ thể của một cái thấy.

Thực tại bắt đầu phân chia thành chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh.

  1. Tướng cảnh giới: Vì nương vào có chủ thể thấy nên cảnh giới hiện ra một cách hư vọng. Nếu lìa cái thấy từ một chủ thể thì không có cảnh giới.”

Ngay khi có cái thấy từ một chủ thể thì liền có cảnh giới, có đối tượng. Thấy là thấy đối tượng nào đó, nếu không có đối tượng thì cũng không có cái thấy của một chủ thể.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói trong Kinh Lăng Nghiêm:

Tánh Biển Giác lặng khắp

Sáng trong, Giác nguyên diệu

Nguyên minh, chiếu sanh sở

Sở lập, tánh chiếu vong.

Mê vọng, có hư không

Nương không, lập thế giới

Tưởng đọng thành cõi nước

Hay biết thành chúng sanh.

Không sanh trong Đại Giác

Như một bọt trong biển

Cõi hữu lậu vô số

Đều nương không sanh khởi

Bọt diệt, Không chẳng có

Huống là có ba cõi.

Để hiểu, chúng ta cần đọc các luận giải. Ở đây chỉ chú ý một điều: chính là do có chủ thể “chiếu” mà có đối tượng sanh ra (sanh sở). Một khi đối tượng đã có (sở lập) thì tánh chiếu soi sáng thường hằng và toàn khắp cả Biển Giác bèn mất (tánh chiếu vong).

Cái động ban đầu là sự tách lìa khỏi “Tánh Giác vốn không động”. Sự tách lìa hư vọng này tiếp tục sanh ra hai che chướng vi tế tiếp theo. Tất cả  là do tự tách lìa, tự phân biệt của cái vô minh bất giác. Từ ba che chướng vi tế ấy, các thứ che chướng thô nặng tiếp tục sanh ra, làm che lấp hoàn toàn “tính sáng” (chữ của Vua Trần Nhân Tông) mà thành ra chúng sanh và sanh tử.

“Vì có cảnh giới làm duyên, cho nên lại sanh ra sáu thứ tướng (thô nặng). Sáu thứ tướng ấy là gì?

  1. Tướng cái biết phân biệt (trí tướng): nương nơi cảnh giới, tâm khởi phân biệt, thương ghét…”

Khi chủ thể và khách thể, tâm và cảnh, đã lập thì có cái biết do phân biệt; phân biệt này tùy theo chủ thể, do đó mà có thương-ghét, thích – không thích… Như bức tranh, toàn thể bằng phẳng không có cao thấp, nhưng cái nhìn phân biệt thấy các hình ảnh sâu cạn, cao thấp, đậm nhạt khác nhau, khởi lên các xúc tình, mà quên rằng toàn thể bức tranh là bình đẳng. Như bóng trong gương, tất cả bóng đều là gương, nhưng khi cái nhìn phân biệt khởi lên thì có bóng này thương, bóng kia ghét, chỗ này tối, chỗ kia sáng…mà quên bẵng tất cả bóng đều bình đẳng là gương.

Thành thử đang ở trong Pháp Giới Nhất Chân bình đẳng an bình một vị, chỉ vì một một vọng niệm khởi phân biệt mà tự đày mình vào trong một thế giới sanh tử hư vọng do chính mình tạo dựng. Sự tạo dựng hư vọng ấy bắt đầu từ cái thấy phân biệt chia hai (nhị kiến). Muốn trở lại Pháp Giới Nhất Chân thì phải xóa đi cái thấy phân hai này.

Huệ Trung Thượng Sĩ nói:

Mê lầm sanh không sắc

Ngộ không có sắc – không

Sắc không, mê ngộ ấy

Một thể xưa nay đồng.

Vọng khởi ba nẻo khởi

Chân thông năm mắt thông

Tâm Niết-bàn lặng lặng

Biển sanh tử trùng trùng.

Chẳng sanh lại chẳng diệt

Không thủy cũng không chung

Chỉ mất đi nhị kiến

Pháp Giới trọn bao dung

(Mê ngộ chẳng hai)

  1. Tướng tương tục: nương nơi cái biết do phân biệt, lại sanh khởi các tâm niệm khổ vui… chẳng dứt”.

Có phân biệt, có thương ghét, có muốn cái này, không muốn cái kia …bèn có khổ vui chẳng dứt. Tham muốn mà không có thì khổ, có mà không như ý mình cũng khổ. Ghét bỏ mà cứ tới là khổ. Tất cả những xúc tình này tạo thành con người sanh tử và cõi đời sanh tử: tham, sân, si, đố kỵ, kiêu căng, nghi ngờ…

Tất cả tạo thành “tấn tuồng đời” do mình ta đạo diễn, tự đóng vai, tự khổ vui đủ kiểu. Sự tương tục của đủ loại phiền não này, phiền não lại sanh thêm phiền não, cũng là sự tương tục của mạng lưới sanh tử không ra khỏi mà càng ngày lại càng dày đặc bền chắc hơn. Cuộc đời thay vì chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định để luôn sống trong thực tại, luôn luôn là giải thoát và an vui thì biến thành tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định để biến thành trói buộc khổ đau.

  1. Tướng nắm giữ (chấp thủ tướng): nương nơi sự tương tục, khởi niệm nương theo cảnh giới, bám giữ khổ vui, tâm khởi dính mắc”.

Đã có phân biệt chủ khách, có sự tương tục của thương ghét thì có sự nắm giữ, lấy bỏ. Nắm giữ những gì ta thích, loại bỏ những gì ta ghét. Cái ta thích là cái của ta. Cái ta ghét thì dành cho người, là cái của người.

Nắm giữ là khởi nguồn cho mọi bạo động, từ đó mà phạm vào các điều xấu ác. Nhưng có nắm giữ bao nhiêu rồi cũng có ngày phải mất tất cả: người nào cũng phải chết. Cái chết là sự chiến thắng cuối cùng và trọn vẹn đối với mọi nắm giữ. Cái chết là hiện thân rõ nhất của vô thường. Nhưng sự vô thường mà giác quan và ý thức có thể nhận biết được là sự thấy biết cấp độ thô, chưa đủ sức xóa tan, nhổ gốc rễ của sự nắm giữ. Chỉ có trí huệ điêu luyện thuần thục, sự thấy biết ở cấp độ vi tế, nhỏ nhiệm mới nhổ bật được sự nắm giữ trong tâm. Có là tạm có, dùng là tạm dùng, không bám giữ, cho nên không được, không mất.

  1. Tướng so tính theo danh tự  (kế danh tự tướng): nương nơi sự nắm giữ mê lầm, chúng ta còn gia tăng sự phân biệt và nắm giữ mê lầm này với sự đặt tên cho sự vật. Kết quả chúng ta không chỉ bị ám ảnh và thương ghét những sự vật, những con người, mà chúng ta còn bị ám ảnh và bị điều khiển bởi những danh tự đặt tên cho những đối tượng.

Tiến trình của ngôn ngữ là tiến trình của sự nắm giữ, thương ghét. Quyền lực của ngôn ngữ đưa chúng ta vào những mê lầm dày đặc hơn, những phiền não sâu nặng hơn, những bám luyến và những ác cảm sâu sắc hơn. Ngôn ngữ, một khi được sử dụng với những xúc tình phiền não lại càng làm che lấp và làm méo mó thực tại hơn.

Dần dần chúng ta sống không trực tiếp với đời sống mà bằng ngôn ngữ. Chúng ta là những lời nói mà người khác nói về mình hay chúng ta tự nói về mình. Ai nói chúng ta hay chúng ta tự nói, “anh thông minh, anh kém thông minh, anh cao thượng, anh xấu xa, anh đúng, anh sai…” thì chúng ta thành những thứ đó. Do đó chúng ta sống theo sự khen chê, vinh nhục. Chúng ta có thể làm méo mó sự thực bằng nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói cường điệu… và trong đời sống hằng ngày có quảng cáo, tuyên truyền, kích động chiến tranh…

Tóm lại, nếu không biết, ngôn ngữ là một che chướng thô dày đối với thực tại và giải thoát thực sự phải có phần của việc giải thoát khỏi ám ảnh mê lầm của ngôn ngữ.

  1. Tướng khởi tạo nghiệp: nương nơi danh tự mà tìm cầu bám giữ nên tạo ra đủ thứ nghiệp”.

Thế giới và con người được đan dệt bằng những vọng tưởng phân biệt, thương ghét, lấy bỏ, thành ra méo mó biến dạng. Đời sống trở thành một “cái ta và cái của ta” hư vọng, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của danh tự ngôn ngữ để trở thành cái thấy sai lầm kiên cố, những thành kiến kiên cố, những bám giữ kiên cố. Thế giới sai lầm này là thế giới của nghiệp. Đã thế, trong thế gian sai lầm ấy, với tham sân si điên đảo, chúng ta tiếp tục tạo ra những hành động mê mờ. Nghiệp lại tạo thêm nghiệp trong toàn bộ thân khẩu ý, giam giữ chắc chúng ta trong nhà tù của điên đảo.

Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng, nói về tiến trình phân biệt đưa đến nghiệp như sau:

Không thấy các pháp là có hai

Cũng lại không thấy là chẳng hai

Cả hai chẳng hai thảy đều rời

Biết đó đều là đường ngôn ngữ.

Biết các thế giới đều bình đẳng

Đều là nghiệp của tâm, ngữ, thân

Chúng sanh như huyễn không thật có

Tất cả nghiệp báo từ đây sanh.

  1. Tướng bị nghiệp trói buộc: do nơi nghiệp mà lãnh thọ quả báo, không được tự tại.

Thế nên biết từ gốc vô minh bất giác sanh ra tất cả pháp nhiễm ô, nên tất cả pháp nhiễm ô đều là tướng bất giác”.

Nghiệp là một hành động mê lầm từ một thân tâm mê lầm trong một thế giới mê lầm, không như thật. Nguyên nhân ấy đem lại kết quả là khổ đau.

Như tướng vi tế thứ nhất vô minh sanh nghiệp đã nói, “Tánh Giác thì không động. Nhưng do bất giác nên tâm động, gọi đó là nghiệp. Có động thì có khổ. Từ đó nhân khổ động sanh ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân”. Từ vô minh bất giác ban đầu sanh ra nghiệp và khổ vi tế. Đến cuối quá trình, nghiệp và khổ nay trở thành thô nặng tác động ngay trên thân, không thể nào thấy.

Nhưng ít ai nhận thấy tiến trình do chính mình tự tạo này. Khi khổ đến cụ thể nơi thân thì oán trời trách đất, đổ cho người nọ người kia hay do xui xẻo. Đạo Phật nói: “Không có cái gì có thể xãy ra với mình nếu nơi mình không có cái nhân của cái đó, không từng tạo nhân cho quả đó”. Thế nên, nếu đến đây mà vẫn không biết thì nghiệp khổ càng nặng, không lối thoát. Ai làm cho ta khổ thì ta làm cho người ấy càng khổ hơn (trả thù). Ai hơn ta thì ta làm cho người ấy sụp đổ. Cuộc đời thay vì mười nghiệp thiện thì đã thành mười nghiệp ác, từ đó mà đau khổ trùng trùng.

Tất cả ba lớp che chướng tế và sáu lớp che chướng thô tạo thành con người bị trói buộc trong sanh tử của chúng ta. Chúng ta chính là chín lớp che chướng ấy. Ngoài chín lớp che chướng ấy, không có cái gì gọi là “tôi và cái của tôi” cả.

Cho nên giải thoát có nghĩa là giải thoát khỏi chín lớp che chướng ấy. Nếu không có chín lớp che chướng ấy trói buộc thì cũng không có cái gì để gọi là giải thoát, giác ngộ.

Theo Luận Khởi Tín, chúng ta sẽ loại bỏ, phá trừ chúng để thực tại hiển lộ trước mắt chúng ta. Che chướng càng ít đi thì thực tại hiển lộ càng nhiều. Giải thoát được bao nhiêu, giác ngộ được bao nhiêu tùy theo những che chướng ấy còn lại bao nhiêu.  Những  cấp bậc của con đường giải thoát giác ngộ được tạm thời thiết lập tùy theo sự còn ít hay nhiều những che chướng. Đây là con đường chung của Phật giáo, con đường phá trừ phiền não chướng và sở tri chướng, từ Thập tín đến Thập địa và đến mức giác ngộ hoàn toàn, tức là Phật quả.

Khi thấy rõ không ai, không cái gì ngoài chính chúng ta đang tạo nghiệp chướng, nghĩa là đang xây dựng những che chướng để tự mình ngăn cách với Bản Giác Phật tánh của mình, chúng ta sẽ không làm cho những che chướng đó dày thêm nữa. Trái lại, nếu thiết tha với sự toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của mình, chúng ta sẽ dùng chánh niệm tỉnh giác, dùng thiền định thiền quán và những pháp môn khác nữa để phá tan những chướng ngại vọng tưởng ấy.Bất cứ lúc nào, chúng ta cần chánh niệm tỉnh giác nhìn thấy mình đang tự xây nhà tù để giam nhốt mình như thế nào. Chánh niệm tỉnh giác nhìn thấy những vọng tưởng của mình, nguyên nhân từ đâu chúng sanh ra, chúng được tiếp sức như thế nào, tại sao chúng tồn tại, chúng trói buộc che chướng chúng ta như thế nào, và dù không làm gì cả thì chúng cũng tan biến, và tan biến đi đâu. Hiểu rõ bản chất từng vọng tưởng che chướng, ngay khi nó khởi lên, ở đó, và chìm mất, đó là sự thực hành. Cởi thoát được một che chướng là chúng ta giải thoát được một bước, tự do thêm một bước. Sự hiểu biết thường xuyên này dần dần biến thành trí huệ, nghĩa là không có vọng tưởng nào trói buộc, đánh lừa chúng ta được nữa, không còn vọng tưởng nào có thể thiết lập trong trí huệ.

Con đường của đạo Phật thật khó khăn mà cũng thật dễ dàng: chớ tự trói buộc mình, chớ tự che chướng mình, chớ tự lừa dối mình..

Tác Giả: Nguyễn Thế Đăng

Theo: Tạp chí VHPG

956

2. Con đường Thuận tánh khởi tu

Luận Đại thừa Khởi tín có nói về điều này. Mà thực ra, mọi kinh luận Đại thừa đều có nói về con đường hay những cấp độ tương ưng với tánh.

1,079
THUYẾT NHÂN QUẢ - Thích Thông Huệ

THUYẾT NHÂN QUẢThích Thông Huệ Thuyết nhân quả của nhà Phật, nói đủ là nhân-duyên và quả là một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không

19,850
66 CÂU THIỀN NGỮ CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI Thích Nhật Từ biên tập

66 CÂU THIỀN NGỮ CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI Thích Nhật Từ biên tập Chi chú: Nguyên tác Hoa ngữ của “66 cầu thiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinh điển

15,793
TỊNH ĐỘ THẬP NGHI LUẬN Trí Khải Ðại Sư - Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm biên soạn

Thiên Thai Tông Trí Khải Ðại Sư TỊNH ĐỘ THẬP NGHI LUẬN  Bảy Trăm Câu Kệ Tụng Từ Hoa biên soạnI Vấn Ðại bi làm đạo nghiệp Hằng sa Phật xưa nay

22,111
Một Bức Thơ Tán Thán Tánh Không (Khenpo Jamyang Dorje cho Mẹ ngài)

Con kính lễ dưới chân sen của Tenpai Nyima, Người không tách lìa với Pháp Vương Longchenpa Rabjam, Và thấy biết trạng thái tự nhiên của tánh Không  Của đại dương vô

1,416
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,392
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,813
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,719
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,507
Chùa Việt
Sách Đọc