Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 38
GIẢI THÍCH: MƯỜI TÁM PHÁP KHÔNG CHUNG
 
            Mười tám pháp không chung[1] là:
            1. Các đức Phật không lỗi.
            2. Miệng không lỗi.
            3. Niệm không lỗi.
            4. Không có dị tưởng.
            5. Không có tâm bất tịnh.
            6. Không có điều không biết đã bỏ.
            7. Dục không giảm.
            8. Tinh tấn không giảm.
            9. Niệm không giảm.
            10. Tuệ không giảm.
            11. Giải thoát không giảm.
            12. Giải thoát tri kiến không giảm.
            13. Tất cả thân nghiệp hành theo trí tuệ.
            14. Tất cả khẩu nghiệp hành theo trí tuệ.
            15. Tất cả ý nghiệp hành theo trí  tuệ.
            16. Trí tuệ biết đời quá khứ vô ngại.
            17. Trí tuệ biết đời vị lai vô ngại.
            18. Trí tuệ biết đời hiện tại vô ngại.
            Hỏi: Ba mươi sáu pháp (Mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp không chung) đều là Phật pháp, sao chỉ có mười tám pháp là không chung (chỉ riêng Phật có)?
            Đáp: Trong mười tám pháp trước (Mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí), Thanh văn, Bích-chi-phật có phần, trong mười tám pháp sau hàng Thanh văn, Bích-chi-phật vô phần. Như Xá-lợi-phất hay phân biệt các pháp, diễn nói một câu, thông suốt không ngại, Phật khen rằng: Khéo thông pháp tánh,[2] còn A-nê-lô-đậu (A-na-luật) thì thiên
 

[1] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại-tỳ-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 143, tr.  735 c16-18;quyển 17,tr. 85a26-27;quyển 120,tr. 624a14-15; T. 28: Tạp A-tỳ-đàm tâm luận (雜阿毘曇心論), quyển 6, tr. 922c15-17; T. 29: A-tỳ-đạt-ma thuận chánh lý luận (阿毘達磨順正理論), quyển 75, tr. 746a11-15; T. 29: A-tỳ-đạt-ma tạng hiển tông luận (阿毘達磨藏顯宗論), quyển 36, tr. 955 b2-3; T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), (401-600), quyển  490, tr. 489b4-14; T. 31: Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận (大乘阿毘達磨雜集論), quyển 14, tr. 761c5-15.
[2] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 14, kinh 345, tr. 95c11-15: Phật bảo các tỳ-kheo: Xá-lợi-phất tỳ-kheo thật có thể nói pháp một ngày một đêm, cho đến dị cú, dị vị, bảy đêm hỏi nghĩa đều có thể đáp, cho đến bảy đêm, dị cú, dị vị mà giải thoát. Vì sao? Vì tỳ-kheo Xá-lợi-phất khéo nhập pháp giới vậy. 
 

* Trang 183 *
device

nhãn bậc nhất.[1] Các Thanh văn đều có phần như vậy. Đối với bốn việc không sợ có phần là, như Phật nói trong hàng đệ tử, người có thể rống tiếng rống sư tử thì Tân-đầu-lô-phả-la-đỏa-thệ (Piṇḍola) là bậc nhất[2]. Xá-lợi-phất cũng tự thề rằng: Ta trong bảy ngày bảy đêm có thể diễn nói một nghĩa khiến cho không cùng tận. Bốn phân biệt tuệ, các A-la-hán, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Phú-lâu-na, A-nan, Ca-chiên-diên v.v... cũng biết được nghĩa, tên gọi, ngữ ngôn, vui nói. Do vậy mười tám pháp trước chẳng gọi là không chung.
            Hỏi: Sao Phật không có thân lỗi, miệng lỗi?
            Đáp: Trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp Phật trì giới thanh tịnh nên thân nghiệp, khẩu nghiệp không lỗi. Còn các A-la-hán như Xá-lợi-phất trì giới không lâu, cực nhiều là 60 kiếp[3] cho nên có lỗi. Phật trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp nhóm các giới thanh tịnh được thành tựu, thường hành thiền định rất sâu, được tất cả trí tuệ vi diệu, khéo tu tâm đại bi, cho nên niệm không lỗi.
            Lại nữa, Phật nhổ hết các nhân duyên gốc tội, cho nên không lỗi. Nhân duyên gốc tội có bốn: 1. Nhân duyên tham dục. 2. Nhân duyên sân nhuế. 3. Nhân duyên sợ hãi. 4. Nhân duyên ngu si. Nhân duyên và tập khí gốc tội đều đã nhổ. A-la-hán, Bích-chi-phật tuy nhổ nhân duyên tội mà tập khí đang còn, nên hoặc khi có lỗi. Phật đối với hết thảy pháp thường thành tựu trí tuệ biết khắp viên mãn. Nếu không biết nên có lỗi. Như Xá-lợi-phất với 500 Tỳ-kheo du hành đến một ngôi chùa vắng ở lại đêm, lúc ấy gặp ngày thuyết giới, không biết
 

[1] T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 7: Hoả diệt phẩm (火滅品), kinh 9, tr. 581b12-13: Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Trong số đệ tử Thanh-văn của Ta, A-na-luật Tỳ-kheo đắc thiên nhãn đệ nhất; quyển 3: đệ tử phẩm đệ tứ  (弟子品第四), tr. 557 b9-10: Thiên nhãn đệ nhất, có thể thấy mười phương, đó là A-na-luật Tỳ-kheo.
 
[2] Tân-đầu-lô-phả-la-đỏa-thệ (Piṇḍola), gọi đầy đủ là Tân-đầu-lô-bạt-la-đọa-xà (Piṇḍola-bhāradvāja). T. 2: Phật thuyết A-la-hán cụ đức kinh (佛說阿羅漢具德經),quyển 1, tr. 831a13-b4:  Trong số thanh-văn đại đệ tử của Ta, xả bỏ vương vị sau đó xuất gia. Sớm ngộ đạo, phạm hạnh đệ nhất, Kiều-trần-như tỳ-kheo … Lại có Thanh-văn thuyết pháp âm thanh như sư tử hống là Tân-đầu-lô-phả-la-đỏa-thệ tỳ-kheo; lại có Thanh-văn khéo giải kinh luật, có thể luận nghị là Ca-chiên-diên tỳ-kheo.
[3] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論), tr. 366c11-13; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 101, tr. 525b19: Thanh-văn thừa, trãi qua 60 kiếp được giải thoát, như Xá-lợi-phất.
 

* Trang 184 *
device

việc nội giới ngoại giới, thế nào mới bạch Phật, Phật dạy tại trú xứ chỉ ở một đêm rồi bỏ, thời không giới. Thời không giới, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng với 500 Tỳ-kheo lúc trở về lại,to tiếng ồn ào, Phật đuổi đi ra ngoài, ấy là miệng có lỗi.[1] Lại Xá-lợi-phất không biết pháp ăn phải bình đẳng, Phật dạy ông ăn đồ bất tịnh trái pháp. Như vậy là thân, miệng có lỗi. Các phiền não tập khí Phật sạch hết cho nên không có lỗi như vậy.
            Lại nữa, hết thảy thân nghiệp, khẩu nghiệp của Phật đều hành theo trí tuệ cho thân không lỗi, miệng không lỗi. Do các nhân duyên như vậy nên thân không lỗi, miệng không lỗi.
            Niệm không lỗi: Tâm khép bốn niệm xứ suốt ngày đêm, khéo tu thiền định thâm sâu, tâm không tán loạn, khéo dứt dục ái và pháp ái, đối các pháp tâm không nhiễm trước, được chỗ tâm an ổn đệ nhất, nếu tâm bồn chồn vội vàng thì niệm có chỗ quên mất. Tâm Phật không có được mất, vì vậy nên không lỗi. Phật có túc mạng thông, tam minh, mười lực ba thứ trang nghiêm niệm được thành tựu không lỗi, vì niệm phần nhiều dụng ở quá khứ.
            Lại nữa, niệm căn niệm lực vô biên vô tận nên niệm không lỗi.
            Lại nữa, hết thảy ý nghiệp của Phật hành theo trí tuệ nên niệm không lỗi. Mỗi mỗi niệm đều theo ý hành. Như vậy gọi là niệm không lỗi. Như trong kinh Thiên vấn nói:
 

[1] Trung bộ kinh I, tr. 456-457; T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增ㄧ阿含經), quyển 41: Mã vương phẩm đệ tứ thập ngũ (馬王品第四十五), tr. 770c-771a.
 

* Trang 185 *
device

                        “Người nào không lỗi lầm?
                        Người nào không mất niệm?
                        Người nào thường nhất tâm?
                        Làm được việc đáng làm,
                        Chánh biết hết thảy pháp,
                        Thoát hết tất cả chướng.
                        Thành tựu các công đức,
                        Chỉ có một mình Phật.”
            Không dị tưởng: Phật đối với chúng sanh không có phân biệt, không có tưởng xa gần dị biệt: Người ấy quí có thể nói cho, người kia hèn không thể nói cho. Như mặt trời xuất hiện chiếu khắp vạn vật, ánh sáng đại bi của Phật bình đẳng thương xót cứu độ hết thảy chúng sanh, người cung kính, người không cung kính, oán, thân, quí, tiện, tất cả đều bình đẳng, như người hốt phân Phật cũng hóa độ cho thành đại A-la-hán, như cư sĩ Đức Hộ (Śrīgupta) làm hầm lửa bỏ độc vào đồ ăn muốn để hại Phật, liền trong ngày ấy được trừ ba độc, diệt lửa tà kiến. Như vậy, không có tưởng dị biệt.
            Lại nữa, đối với Xá-lợi-phất, Di-lặc Bồ-tát v.v... thuận theo Phật pháp tu hành, Phật cũng không thiên ái, đối với Đề-bà-đạt-đa, Phú-lâu-na ngoại đạo, lục sư tà kiến v.v... Phật cũng không ghét, ấy là Phật huân tu tâm trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp nên là báu ở giữa chúng sanh, như chơn kim không thể làm cho biến khác được.

* Trang 186 *
device

            Lại nữa, Phật dùng Phật nhãn ngày đêm sáu thời quán hết thảy chúng sanh ai có thể độ, không bỏ mất thời. Phật bình đẳng quán chúng sanh nên không có tưởng dị biệt.
            Lại nữa, Phật dùng các nhân duyên, khen thiện pháp chê bất thiện pháp, tâm cũng không tăng giảm, đối với thiện ác, chỉ vì độ chúng sanh nên mới có sự phân biệt, ấy là không có tưởng dị biệt.
            Lại nữa, như trong Kinh tất cả không làm (Nhất thiết bất hành kinh)[1] nói: Phật quán hết thảy chúng sanh như thân mình, việc cần làm đã làm xong, không đầu, không giữa, không cuối, ấy gọi là không có tưởng dị biệt.
            Lại nữa, Phật quán hết thảy chúng sanh và các pháp, từ xưa lại nay không sanh không diệt, thường thanh tịnh như Niết-bàn; ấy gọi là không có tưởng dị biệt.
            Lại nữa, vào cửa pháp bất nhị là cửa các pháp thật tướng. Dị tướng tức là hai pháp, hai pháp tức là tà đạo. Phật là người không dối pháp, không nên hành dối pháp, thường hành vào cửa pháp bất nhị. Dối pháp tức là dị tướng. Như vậy gọi là không có tưởng dị biệt.
            Không có tâm bất định: Định là nhất tâm không loạn, trong tâm loạn không thể thấy được sự thật, như nước dậy sóng không thể trông thấy mặt, như đèn giữa không thể soi tỏ. Do vậy Phật nói không có tâm bất định.
            Hỏi: Định là từ Vị-đáo-địa cho đến Diệt-tân-định; vào trong các định không thể khởi thân nghiệp, khẩu nghiệp, nếu
 

[1] T. 15: Phật thuyết chư pháp bổn vô kinh (佛說諸法本無經), quyển hạ, tr. 772 c20-773 a4; T. 15: Chư pháp vô hành kinh (諸法無行經),tr. 751a28-29.
 

* Trang 187 *
device

Phật thường định, không có lúc nào tâm không định thời làm sao du hành các nước, đủ bốn oai nghi, vì đại chúng dùng đủ nhân duyên, thí dụ mà thuyết pháp? việc như vậy, tâm thuộc Dục giới và ở Phạm thế không vào định mới có thể có việc ấy?
            Đáp: Không có tâm bất định có nhiều nghĩa. Định là thường nhiếp tâm ở trong thiện pháp, Phật định ở trong các pháp thật tướng, không thối không mất, ấy gọi là không có tâm bất định.
            Lại nữa, ở trong Dục giới có định, vào trong định ấy có thể thuyết pháp. Vì vậy nên trong A-tỳ-đàm nói: Hệ thuộc Dục giới có các công đức thù diệu là bốn thánh chủng, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, Vô tránh tam-muội[1], nguyện trí[2], bốn trí vô ngại. Phật vào định ở trong Dục giới nên gọi là không có tâm bất định. Các Thanh văn, Bích-chi-phật từ định khởi dậy nếu lại vào vô ký tâm hoặc vào thiện tâm, hoặc thối lui vào cấu tâm, còn Phật từ định khởi dậy liền vào định Dục giới, không hề có lúc nào tâm tán loạn, do vậy nên gọi là không có tâm bất định.
            Lại nữa, như ở trong pháp Thanh văn, hóa nhân thuyết pháp thì hóa chủ không thuyết, hóa chủ thuyết pháp thì hóa nhân không thuyết. Phật thời không như vậy, hóa chủ hóa nhân đều có thể cùng thời thuyết pháp[3]. Tâm định cũng có thể khác. Thanh văn vào định thời không thuyết, Phật ở trong định cũng có thể thuyết pháp, cũng có thể du hành, như tâm mật trong kinh Phật-Tích dạy: Chư Phật tâm thường ở trong
 

[1] Vô tránh tam muội là khiến cho tâm người khác không khởi tranh chấp, nhiếp năm xứ, đó là dục giới và tứ thiền.
[2] T. 32: Thành thật luận (成實論), quyển 1, tr. 369b4-7: Nguyện trí là: đối với các pháp vô chướng ngại trí, gọi là nguyện trí. Hỏi rằng: Nếu như vậy, chỉ có Phật Thế-tôn mới có đầy đủ nguyện trí này? Đáp rằng: đúng như vậy, chỉ có Phật Thế-tôn mới có đầy đủ nguyện trí này, người khác tuỳ lực sở cập được vô chướng ngại; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論),quyển 179, tr. 897c28-898a5.
[3] T. 26: Thi thiết luận (施設論), quyển 6, tr. 526a8-20; T 29: Câu-xá luận (俱舍論), quyển 27, tr.144b10-18.
 

* Trang 188 *
device

định, tâm cũng có thể thuyết pháp.[1]
            Lại nữa, pháp làm tâm tán loạn là các kiết sử, nghi, hối, Phật không có các thứ đó. A- la-hán không còn lý Tứ đế, nhưng đối hết thảy pháp chỗ chỗ có nghi, Phật đối với hết thảy pháp, thường định không nghi, vì không có trí tuệ bất định.
            Lại nữa, Thanh văn còn có các phiền não tập khí, có thối pháp cho nên tán loạn, Phật đối với chỗ nhất thiết trí, trí viên mãn cho nên không loạn; như trong bình nước đầy thời không động không tiếng.
            Lại nữa, chỉ một mình Phật là không dối pháp, tối thượng giữa ba hạng người kiên cố[2], khổ vui tâm không đổi khác, tướng nhất, tướng dị, tướng sanh diệt, tướng đoạn thường, tướng đi lại, các pháp tướng như vậy, đều là pháp hư dối, pháp hòa hợp hư vọng làm ra, Phật an trú trong các pháp thật tướng nên tâm không có bất định. Không bất định nên tâm không đổi khác.
            Lại nữa, trong năm pháp bất khả tư nghì,[3] Phật lực bất khả tư nghì. Mười tám pháp không chung ấy là tạng thậm thâm của Phật, ai tự nghĩ được. Do vậy, Phật không có tâm bất định, việc chắc chắn phải như vậy. Phật tuy thường nhập định, không có thô tâm giác quán, nhưng có trí tuệ bất khả tư nghì cho nên cũng có thể thuyết pháp; ví như nhạc trời, tùy theo trời muốn, các tiếng
 

[1] T. 11: Đại bảo tích kinh (大寶積經),quyển 11: Mật tích kim cang lực sĩ hội đệ tam chi tứ (密迹金剛力士會第三之四),tr. 59c6-60a11; T. 11: Phật thuyết Như–lai bất tư nghì bí mật đại thừa kinh (佛說如來不思議祕密大乘經): Như-lai tâm mật bất tư nghì phẩm đệ cửu (如來心密不思議品第九), tr. 724c9- 725a1.
[2] T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 12: Tam cúng dường phẩm (三供養品) tr. 607a2-12: Ba hạng người: (1) Như-lai, Chí Chơn, Đẳng-chánh-giác; (2) Như-lai đệ tử lậu tận A-la-hán và (3) Chuyển luân thánh vương.
[3] Năm pháp bất khả tư nghì: đó là chúng sanh đa thiểu bất khả tư nghì, nghiệp quả báo, tọa thiền nhân lực, long lực và Phật lực bất khả tư nghì; T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 21: Khổ lạc phẩm đệ nhị thập cửu (苦樂品第二十九), tr. 657a20-21.
 

* Trang 189 *
device

ứng ra, cũng là vô tâm, cũng là pháp vô thức, do nhân duyên phước đức của chư thiên nên có được như vậy. Như nhạc trời vô tâm, vô thức mà hay cảm ứng vật, huống Phật hữu tâm mà không thuyết pháp. Do vậy nói Phật không có tâm bất định.
            Không có điều không biết đã xả: Chúng sanh có ba thọ là thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Thọ khổ sanh sân, thọ vui sanh ái, thọ không khổ không vui sanh ngu si. Ba thọ ấy thọ khổ sanh khổ, ở trong khổ thì mất vui, thọ vui thọ sanh vui, ở trong vui thì mất khổ, còn thọ không khổ không vui thì không biết là khổ, không biết là vui, những người độn căn phần nhiều biết thọ khổ thọ vui, còn đối với thọ không khổ  không vui, không hay không biết mà chỉ có tâm xả, ấy bị kiết sử sai khiến. Phật đối với thọ không khổ không vui biết rõ khi nó sanh, biết rõ khi nó tụ, biết rõ khi nó diệt. Do vậy nói Phật không có tâm không biết đã xả.
            Hỏi: Trong đây thế nào gọi là xả? không khổ không vui tức là xả? hay xả giác chi trong bảy giác chi? hay xả trong bốn tâm vô lượng gọi là xả?
            Đáp: Không khổ không vui tức là xả. Xả trong hai chỗ kia cũng như vậy vì sao? Vì các người khác đối thọ không khổ không vui, trong mỗi niệm khi sanh, khi trụ, khi diệt, thật lâu mới rõ, xả giác chi trong bảy giác chi, nếu tâm chánh đẳng không trầm không động, lúc ấy là xả. Nếu khi trầm thì hành tinh tấn tưởng, nếu khi động thì hành nhiếp tâm tưởng. Các Thanh văn, Bích-chi-

* Trang 190 *
device

phật hoặc có khi nhiếp tâm sai, tâm động chưa được chánh đẳng liền xả, còn Phật ở trong mỗi niệm tâm thô, tế cạn sâu đều biết hết, biết rồi mới xả.
            Hỏi: Nếu như vậy, sao Phật vì Nan-đà nói, bảo các Tỳ-kheo rằng: Nan-đà đối với các thọ khi sanh giác biết, khi trụ giác biết, khi diệt giác biết. Các tưởng các giác cũng như vậy?[1]
            Đáp: Giác biết có hai:
            1. Giác biết trong tâm khổ thọ sanh biết khổ thọ sanh, khổ thọ trụ biết khổ thọ trụ, khổ thọ diệt biết khổ thọ diệt; lạc thọ sanh biết lạc thọ sanh, lạc thọ trụ biết lạc thọ trụ, lạc thọ diệt biết lạc thọ diệt. Bất khổ bất lạc thọ cũng như vậy. Chỉ biết được tướng tổng quát, không biết được tướng riêng biệt.   2. Trong mỗi niệm có khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ đều giác đều biết. Trong mỗi niệm có tâm số pháp, không điều không biết mà bỏ qua, do vậy nói Phật không có điều không biết đã xả.
            Lại nữa, có khi Phật bỏ chúng sanh, để vào thiền định thậm thâm một tháng hai tháng. Có người nghi Phật vì độ chúng sanh mà ra đời, cớ sao thường nhập định? Phật dạy: Ta có đủ nhân duyên biết rồi nên xả, chứ chẳng phải không biết đã xả.
            Hỏi: Thế nào là nhân duyên biết rồi mới xả?
            Đáp: Đối với đại chúng mệt nhọc nhàm chán nên tạm nghỉ.
            Lại nữa, Phật đời đời thường ưa hạnh viễn ly, khi Bồ tát ở trong thai mẹ, mẹ cũng ưa hạnh viễn ly, đi khỏi thành
 

[1] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 11, kinh 275, tr. 73b20-27: Này các thiện nam tử Nan-đà biết các thọ khởi, biết các thọ trụ, biết các thọ diệt, chánh niệm an trú, không khiến tán loạn. Biết các tưởng khởi, biết các tưởng trụ, biết các tưởng diệt, biết các giác khởi, biết các giác trụ, biết các giác diệt, chánh niệm tâm trú, không khiến tán loạn.
 

* Trang 191 *
device

40 dặm ở trong vườn Lâm-tỳ-ni đản sanh, khi thành đạo, tại trong rừng Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) một mình ở dưới cây thành Phật, lúc ban đầu chuyển pháp luân cũng ở tại rừng Nai chỗ tiên nhân ở, lúc vào Niết-bàn thì ở dưới cây Ta-la song thọ, luôn luôn ưa hành hạnh viễn ly. Do vậy nên Phật vào thiền định.
            Lại nữa, Phật thường thành tựu tâm xả, cho nên vào thiền định.
            Lại nữa, Phật thường xa lìa chỗ ồn ào tạp ngữ, tự quán công đức tạng của chư Phật, hưởng thọ cái vui thanh tịnh đệ nhất, cho nên vào thiền định.
            Lại nữa, khi Phật thuyết pháp xong thường dạy các Tỳ-kheo nên tọa thiền, để sau khỏi hối hận, Phật dạy như vậy và cũng tự hành, cho nên vào thiền định.
            Lại nữa, chán ghét cúng dường, biết chúng sanh kẻ đáng được độ, vào thiền định làm hóa nhân đi đến độ.
            Lại nữa, có chúng sanh định ít tuệ nhiều, nên thân thị hiện hành thiền để giáo hóa.
            Lại nữa, có người vì thường thấy Phật nên sanh tâm nhàm chán, Phật tạm xa lánh để khiến họ khao khát trông thấy.
            Lại nữa, Phật muốn thuyết pháp cho chư thiên, nên ở chỗ nhàn tịnh.
            Lại nữa, Phật muốn làm phép tắc cho đời sau, cho nên tọa thiền.

* Trang 192 *
device

            Lại Phật tự chuyển pháp luân xong, đem việc ấy giao phó lại đệ tử, nên vào thiền định.
            Lại nữa, thị hiện hai đạo để nhiếp hóa chúng sanh: 1. Thiền định, 2. Trí tuệ. Phật thuyết pháp ở giữa đại chúng, là thị hiện trí tuệ, ở chỗ vắng nhiếp tâm là thị hiện thiền định.
            Lại nữa, chúng sanh đối với 6 trần có ba cách hành xử: Thấy sắc đẹp sanh vui mừng, thấy sắc xấu sanh ưu khổ, thấy sắc không đẹp không xấu sanh xả tâm, cho đến ý biết pháp cũng như vậy. Phật đối với 6 trần rất tự tại, ở chỗ vui mừng ưu khổ đều sanh xả tâm, như được trong đoạn Thánh như ý.
            Như vậy, do các nhân duyên nên vào thiền định, chẳng phải không biết đã xả.
            Dục không giảm: Phật biết cái ân của thiện pháp, nên thường muốn nhóm các thiện pháp, ham muốn ấy không giảm sút. Tu tập các thiện pháp, tâm không biết nhàm đủ, ấy là dục không giảm, thí như một trưởng lão Tỳ-kheo mù mắt, tự vá áo Tăng-già-lê, xâu kim không được nói với mọi người rằng: “Ai ham muốn phước đức, hãy xâu kim dùm tôi.” Bấy giờ Phật hiện ở trước mặt, nói rằng: “Ta là người ham muốn phước đức không biết nhàm đủ hãy đưa kim ông đây” lại Tỳ-kheo ấy cố gắng thấy được ánh sáng của Phật, lại biết âm thanh của Phật, bạch Phật rằng: Biển công đức của Phật vô lượng đều tận cùng biên tế, cớ sao không biết nhàm đủ.
            Phật bảo Tỳ-kheo: “Quả báo công đức rất sâu, không có ai như ta biết phần ân công đức. Ta tuy đã tận cùng biên tế

* Trang 193 *
device

công đức, mà vì ta ham muốn không nhàm đủ nên được thành Phật, thế nên nay vẫn ham không ngừng. Tuy không có công đức khả đắc, mà tâm ham muốn của ta cũng không thôi.”
            Chư thiên, người đời kinh ngạc, tỉnh ngộ, Phật đối với công đức còn không biết nhàm đủ, huống gì người khác.
            Phật nói pháp cho Tỳ-kheo ấy, bấy giờ mắt thịt sáng ra, tuệ nhãn được thành tựu.
            Hỏi: Như Phật tướng, đã dứt ham muốn đối với hết thảy thiện pháp, cớ sao nay nói ham muốn không giảm?
            Đáp: Nói dứt ham muốn đối với hết thảy thiện pháp là chưa được muốn được, được rồi muốn tăng ích, Phật thì không còn ham muốn như vậy, hết thảy công đức Phật đã đầy đủ, không có công đức gì không được, cũng không tăng ích. Nay nói ham muốn là như trước nói Phật tuy có đủ hết thảy công đức vẫn không thôi; ví như ngựa báu, tuy đi đến nơi mà tâm muốn đi không ngừng, đến chết mới thôi. Phật bảo cũng như vậy.
            Lại như lửa lớn lúc kiếp tận, đốt cháy hết tam thiện đại thiên thế giới, mà thế lửa vẫn không ngừng, lửa trí tuệ của Phật cũng như vậy, đốt cháy hết phiền não, chiếu rõ các pháp rồi mà lòng ham muốn tương ưng với trí tuệ vẫn không tận.
            Lại nữa, Phật đầy đủ hết thay công đức thiện pháp, mà chúng sanh chưa độ hết nên tâm muốn độ không ngừng nghỉ.

* Trang 194 *
device

            Hỏi: Nếu Phật muốn độ chúng sanh chưa ngừng nghỉ. Cớ sao Ngài vào Niết-bàn?
            Đáp: Độ chúng sanh có hai lối: Hoặc có người hiện tiền đắc độ, hoặc có người sau khi Phật Niết-bàn đắc độ, như trong kinh Pháp Hoa dạy: Thầy thuốc chế thuốc đưa cho các đệ tử, đệ tử bỏ không dùng, vì thế nên vào Niết-bàn.[1]
            Lại nữa, có chúng sanh căn độn đức mỏng, không thành đại sự được, chỉ có thể gieo nhân duyên phước đức, vì thế nên vào Niết-bàn.
            Hỏi: Sau khi Phật diệt độ, cũng có người chứng được A-la-hán, cớ sao nói chỉ có thể gieo nhân duyên phước đức?
            Đáp: Tuy có người chứng được A-la-hán, nhưng ít nên không nói. Như lúc Phật còn ở đời, một lần thuyết pháp, có vô số chúng sanh trong mười phương đắc đạo, sau khi Phật diệt độ thời không như vậy, ví như nước lớn đi chinh phạt, tuy được chút ít thì không gọi là được. Vì vậy nên tuy chúng sanh chưa hết mà Phật vào Niết-bàn.
            Lại nữa, trong kinh Đại thừa Thủ-lăng-nghiêm dạy: Phật ở thế giới trang nghiêm, sống lâu 700 A-tăng-kỳ kiếp, độ thoát chúng sanh.[2] Do vậy nên nói Phật có dục không giảm.
            Tinh tấn không giảm: Như nói nghĩa ham muốn ở trong phần nói về dục không giảm ở trên, chính là tinh tấn.
            Hỏi: Nếu như vậy thời không có mười tám pháp không chung. Lại nữa, dục và tinh tấn là hai tâm số khác nhau, cớ
 

[1] Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīkasūtra), chương 15: Như-lai thọ lượng (Tathāgatāyuṣpramāṇaparivarta), tr. 191-192 (k320-323): Tathāgatasya eṣa kulaputrā dharmaparyāyo yad evaṃ vyāharati, na asti atra tathāgatasya mṛṣāvādaḥ. Tad yatha api nāma kulaputrāḥ kaścit eva vaidyapuruṣo bhavet paṇḍito vyakto medhāvī sukuśalaḥ sarvavyādhipraśamanāya …….. api tu khalu punaḥ kulaputrāḥ aham antara antaram evaṃ rūpāṇi upāyakauśalyāni sattvānām upadarśayāmi vinaya artham, na ca me kaścid atra sthāne mṛṣāvādo bhavati.; T. 5: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 5, Như-lai thọ lượng phẩm đệ thập lục (如來壽量品第十六), tr. 43a7-b10.
[2] T. 15: Phật thuyết thủ lăng nghiêm tam muội kinh (佛說首楞嚴三昧經), quyển 2, tr. 645a3-10.
 

* Trang 195 *
device

sao nói dục chính là tinh tấn?
            Đáp: Dục là mới khởi hành, dục tăng trưởng gọi là tinh tấn. Như Phật dạy: “Hết thảy pháp, dục là căn bản.”[1] Dục như người khát muốn được uống, tinh tấn như nhân duyên phương tiện, tìm đạt được dục. Dục là tâm muốn được, tinh tấn là thành được việc ấy. Dục thuộc ý nghiệp, tinh tấn thuộc ba nghiệp. Dục là trong, tinh tấn là ngoài. Sai khác nhau như vậy.
            Lại nữa, tinh tấn là điều chư Phật ưa, như đức Thích-ca Mâu-ni-phật do sức tinh tấn mà vượt được chín kiếp, mau chứng đắc chánh đẳng chánh giác.
            Lại nữa, như nói: Một lần Phật bảo A-nan: ông hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, Ta đau lưng tạm nghỉ một lát. Rồi Thế Tôn gấp y Uất-đa-la-tăng thành bốn lớp trải dưới, lấy y Tăng-già-lê gối đầu nằm. Khi ấy A-nan thuyết về ý nghĩa bảy giác phần, đến tinh tấn giác phần, Phật nghe bỗng ngồi dậy nói với A-nan: ông tán thán tinh tấn ư? A-nan thưa: Tán thán! như vậy nói ba lần.
            Phật khen: Lành thay! lành thay! khéo tu tinh tấn, cho đến khi chứng được chánh đẳng chánh giác, huống gì chứng đạo khác.[2] Do nghĩa ấy, Phật tinh tấn không giảm. Lúc bệnh còn không nghĩ huống là không bệnh.
            Lại nữa, Phật vì độ chúng sanh nên bỏ cái vui trong thiền định thậm thâm, dùng chủng chủng thân, chủng chủng ngữ ngôn, chủng chủng phương tiện để độ thoát chúng sanh, có khi đi qua đường hiểm ác, có khi ăn đồ ăn dỡ, có khi chịu lạnh, nóng,
 

[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (中阿含經), quyển 28: Lâm phẩm chư pháp bổn kinh đệ thất (林品諸法本經第七), tr. 602c2-4: Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Nếu như có các dị học đến hỏi các Thầy rằng, tất cả các pháp lấy gì làm căn bổn? các thầy phải nên đáp với họ rằng, hết thảy pháp lấy dục làm căn bản.
[2] T. 2: tạp A-hàm kinh (雜阿含經),quyển 27, kinh 727, tr. 195c1-16; T. 1: Bát-nê-hoàn kinh (般泥洹經), quyển 2, tr. 184b14).
 

* Trang 196 *
device

có khi gặp kẻ tà kiến nạn vấn, miệng dữ mắng nhiếc, vẫn nhẫn chịu không ngán. Phật Thế tôn tuy đã tự tại đối với các pháp, mà hành việc ấy không giải đãi, như Phật độ chúng sanh xong, ở giữa rừng Ta-la nằm dưới cây song thọ. Phạm chí Tu-bạt-đà-la (Subhadra) nói với A-nan: “Tôi nghe đấng Nhất thiết trí, sẽ Niết-bàn đêm nay. Tôi muốn gặp Phật.” A-nan ngăn lại nói: “Phật thuyết pháp cho mọi người, Ngài đang mệt lắm.”
            Phật từ xa nghe tiếng, bảo A-nan để cho ông Tu-bạt-đà vào, đây là đệ tử cuối cùng của Ta.”
            Tu-bạt-đà được vào, hỏi Phật chỗ nghi, Phật theo ý thuyết pháp, Tu-bạt-đà dứt nghi, được đạo, nhập Vô dư Niết-bàn trước Phật.
            Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng: Thế tôn rất là hy hữu! cho đến cuối cùng còn thương xót Phạm chí ngoại đạo, mà cùng nói năng.
            Phật dạy: Ta chẳng phải chỉ đời nay lúc cuối cùng còn hóa độ, mà đời trước khi chưa đắc đạo, lúc cuối cùng cũng hóa độ. Vô lượng A-tăng-kỳ kiếp quá khứ, có rừng cây lớn, có nhiều cầm thú, lửa nội đến đốt cháy, ba phía lửa đỏ, chỉ còn một phía mà lại cách một dòng nước, cầm thú cùng quẩn bức bách, không nơi trốn mạng, Ta lúc bấy giờ là con trai thân to nhiều sức, lấy chân trước gác qua một bờ, chân sau chống một bờ, khiến các cầm thú đạp trên lưng mà đi qua, da thịt ta rã hết, vì sức từ bi nên nhẫn chịu cho đến chết, sau chót một con thỏ đi đến, khí lực Ta đã kiệt, tự gắng nổ lực, khiến nó qua được, qua xong, lưng Ta gãy, rơi xuống nước mà chết!

* Trang 197 *
device

Việc như vậy có từ lâu, chứ chẳng phải chỉ có ngày nay.[1] Những con thú được qua trước là các đệ tử hiện nay, còn con thỏ qua cuối cùng là Tu-bạt-đà vậy.[2]
            Phật đời đời vui tu tinh tấn nay vẫn không ngừng, do vậy nên nói tinh tấn không giảm.
            Niệm không giảm: Hết thảy trí tuệ tương ưng với pháp của chư Phật ba đời, nên niệm đầy đủ không giảm.
            Hỏi: Trước đã nói niệm không lỗi, nay lại nói niệm không giảm. Niệm không lỗi, niệm không giảm là một hay khác? Nếu một thì sao nay còn lập lại, nếu khác thì khác thế nào?
            Đáp: Thất niệm là sai lầm, giảm niệm là chẳng kịp. Thất niệm là sai lầm trong các oai nghi cúi ngước đi lại, niệm không giảm là trú trong thiền định thần thông niệm quá khứ, hiện tại, thông suốt không chướng ngại.
            Hỏi: Cớ sao niệm không giảm chỉ riêng Phật có?
            Đáp: Thanh văn, Bích-chi-phật, khéo tu bốn niệm xứ nên niệm được kiên cố, niệm tuy kiên cố nhưng cũng còn giảm thiểu, chướng ngại không thông suốt, như trong đoạn trí lực túc mạng nói: Thanh-văn, Bích-chi-phật, niệm về túc mạng cực nhiều trong 8 vạn kiếp, đối với rộng, lớn thì có giảm, cũng như đối với trong kiến đế đạo, không thể mỗi niệm phân biệt, còn Phật ở trong mỗi niệm đều phân biệt rõ ba tướng. Tâm Phật không có một pháp nào đi qua mà không nghĩ nhớ, vì vậy nên chỉ riêng Phật có niệm không giảm.
 

[1] T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 39, tr. 7b21-c13; T. 3: Lục độ tập kinh (六度集經), tr. 32c11-33a5.
[2] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 35, kinh 979, tr. 254a10-21; T. 4: Phật bổn hành kinh (佛本行經), quyển 7: Đại diệt phẩm đệ nhị thập cửu (大滅品第二十九), tr. 106b22-107a21; T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 38, tr. 396a11-398b28.
 
 

* Trang 198 *
device

            Lại nữa, trí lực túc mạng tuy theo niệm mà biết, Phật đối với việc ấy có lực, Thanh-văn, Bích-chi-phật còn không có niệm lực ấy huống gì người khác!
            Lại nữa, Phật do có Nhất thiết trí vô ngại giải thoát thủ hộ niệm, cho nên niệm không giảm. Do các nhân duyên như vậy, Phật có niệm không giảm.
            Tuệ không giảm: Phật được hết thảy trí tuệ nên tuệ không giảm. Trí tuệ ba đời vô ngại nên tuệ không giảm.
            Lại nữa, mười lực, bốn việc không sợ, bốn trí vô ngại thành tựu nên niệm không giảm.
            Lại nữa, ví như dầu đầy, tim đèn tốt, thời ánh sáng mạnh tỏ, Phật cũng như vậy, dầu Tam-muội vương các Tam-muội thiền định, tim đèn niệm trong sạch không giảm, nên ánh sáng trí tuệ vô lượng không giảm.
            Lại nữa, từ sơ phát tâm trong vô lượng vô số kiếp chứa nhóm hết thảy trí tuệ, thâm tâm vì pháp, đầu mắt tủy não, bỏ hết vật sở hữu trong ngọai mà bố thí, nhảy vào lửa, gieo xuống núi, lột da cắt thân, như vậy không có khổ gì không nhẫn chịu, nhất tâm vì chứa nhóm trí tuệ nên tuệ không giảm.[1]
            Lại nữa, trí tuệ của Phật nhờ hết thảy công đức trì giới, thiền định giúp thành, nên tuệ không giảm.
            Lại nữa, đời đời tìm hết thảy kinh sách, pháp đời, pháp Phật, thô tế, thiện bất thiện đều học biết hết nên tuệ không giảm.
 

[1] T. 4: Phật bổn hành kinh (佛本行經), quyển 1: Xưng thán Như-lai phẩm (稱歎如來品),tr. 57 b13- b21.
 

* Trang 199 *
device

            Lại nữa, từ chỗ mười phương vô lượng chư Phật, nghe pháp, tụng đọc, tư duy, tu tập, vấn nạn, nên tuệ không giảm.
            Lại nữa, vì hết thảy chúng sanh, vì tăng ích hết thảy thiện pháp, phá hết thảy vô minh, nên tuệ không giảm.
            Lại nữa, trí tuệ ấy thật biết tướng các pháp không sanh không diệt, không sạch, không nhơ, không tác, không hành, không phân biệt là trí chẳng phải trí, biết các pháp nhất tướng bình đẳng, thanh tịnh như hư không, không nhiễm, không trước, không dùng hai pháp nên được pháp tướng bất nhị nhập. Pháp tướng bất nhị nhập vô lượng vô biên thế nên tuệ không giảm. Các nhân duyên như vậy, tuệ không giảm.
            Giải thoát không giảm: Giải thoát có hai: Hữu vi giải thoát, vô vi giải thoát. Hữu vi giải thoát là giải thoát tương ưng với trí tuệ vô lậu. Vô vi giải thoát hết thảy tập khí phiền não đều dứt hết không còn. Phật đối với hai giải thoát không giảm, vì cớ sao? Vì Thanh-văn, Bích-chi-phật trí tuệ không lớn không nhạy bén, phiền não không dứt hết nên trí tuệ có giảm, còn Phật trí tuệ nhạy bén đệ nhất, tập khí phiền não sạch vĩnh viễn không còn, cho nên giải thoát không giảm.
            Lại nữa, như trong đoạn lậu tận lực nói, giải thoát của Phật và Thanh-văn, có khác nhau. Phật được lực lậu tận nên giải thoát không giảm, nhị thừa không có lực ấy nên giải thoát có giảm.
            Giải thoát tri kiến không giảm: Phật đối với các giải thoát, trí tuệ thanh tịnh vô biên vô lượng, gọi là giải thoát

* Trang 200 *
device

tri kiến không giảm.
            Hỏi: Phật đối với hết thảy không giảm, cớ sao chỉ trong 6 việc không giảm?
            Đáp: Đối với hết thảy việc tự lợi, lợi tha, bốn việc có thể làm cho đầy đủ: Dục cội gốc của việc mong cầu hết thảy thiện pháp. Tinh tấn khả năng thật hành. Niệm khi năng thủ hộ, như người giữ cửa, người thiện cho vào, người ác chận lại. Tuệ soi hết thảy pháp môn, dứt hết thảy phiền não. Dùng bốn pháp ấy, việc được thành tựu.
            Quả báo của bốn pháp ấy có hai: 1. Giải thoát. 2. Giải thoát tri kiến. Nghĩa giải thoát như trước đã nói. Còn nghĩa giải thoát tri kiến là dùng giải thoát tri kiến ấy biết hai tướng giải thoát ấy là hữu vi và vô vi giải thoát.
            Biết các tướng giải thoát, đó là thời giải thoát, bất thời giải thoát, tuệ giải thoát, câu giải thoát, hoại giải thoát, bất hoại giải thoát[1], tám giải thoát, bất khả tư nghì giải thoát, vô ngại giải thoát v.v... Phân biệt các tướng giải thoát bền chắc không bền chắc, ấy là giải thoát tri kiến không giảm. Như trong đoạn nói về niệm Phật, Phật thành tựu năm vô lậu uẩn, giải thoát tri kiến uẩn, trong đó có nói rộng.
            Hỏi: Giải thóat tri kiến, chỉ nói biết, sao còn nói kiến?
            Đáp: Nói biết, nói kiến, sợ được bền chắc, ví như hai giây hiệp làm một thời bền chắc.
            Lại nữa, nếu chỉ nói biết thời không thu nhiếp hết thảy tuệ, như Luận tạng dạy: Tuệ có ba thứ: Có thứ biết chẳng
 

[1] T. 32: Thành thật luật (成實論), quyển 3: Bất thối phẩm đệ nhị thập cửu (不退品第二十九), tr. 258 a13-15: A-la-hán chứng bất hoại giải thoát, gọi là Bất thối; lại A-la-hán đối với trong Phật pháp được lợi ích kiên cố, gọi là Bất hoại giải thoát.
 

* Trang 201 *
device

phải thấy, có thứ thấy chẳng phải biết, có thứ cũng thấy cũng biết. Biết chẳng thấy là tận trí, vô sanh trí, trí tương ưng năm thức. Thấy chẳng phải biết là tám nhẫn (Khổ pháp nhẫn, tập pháp nhẫn, diệt pháp nhẫn, đạo pháp nhẫn, khổ loại nhẫn, tập loại nhẫn, diệt loại nhẫn, đạo loại nhẫn-N.D chú), thế gian chánh kiến, năm tà kiến. Cũng biết cũng thấy là các tuệ còn thừa lại.[1] Nếu nói biết thời không bao gồm kiến, nếu nói kiến thời không thu nhiếp tri. Vì vậy nói tri kiến thời đầy đủ.
            Lại nữa, như tụng đọc, phân biệt, trù lượng theo người gọi là tri, tự mình chứng được gọi là kiến, ví như tai nghe việc ấy, vẫn còn hồ nghi, ấy là tri, chính tự mắt thấy, rõ ràng không nghi, ấy là kiến tri và kiến đối với giải thoát cũng sai khác như vậy.
            Lại nữa, có người nói: “A-la-hán còn nghi đối với giải thoát của chính mình, không thể tự biết rõ là A-la-hán.” Phật vì phá tà kiến ấy nên nói các Thánh nhân đối với giải thoát cũng biết cũng thấy. Các A-la-hán tuy được giải thoát tri kiến, mà giải thoát tri kiến có giảm vì không được Nhất thiết trí, vì không thành tựu trí tuệ căn thượng thượng, vì không phân biệt được biệt tướng các pháp khi sanh khi diệt trong mỗi niệm; còn Phật thành tựu trí tuệ căn thượng thượng, biết biệt tướng các pháp sanh diệt trong mỗi niệm, nên giải thoát tri kiến không giảm.
            Lại nữa, thành tựu đầy đủ pháp nhãn thanh tịnh như đã nói ở trong nghĩa pháp nhãn[2]. Biết chúng sanh ấy do cửa không giải thoát vào Niết-bàn, chúng sanh ấy do cửa vô
 

[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論),quyển 95, tr. 490b-c.
[2] T. 8: Đại phẩm Bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 2: Trú sanh phẩm đệ tứ (往生品第四), tr. 227c2-229 a16; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 2: Học ngũ nhãn phẩm đệ tứ (學五眼品第四), tr. 9a19-b21; T. 8: Quang tán Bát-nhã kinh (光讚般若經), quyển 2: hành không phẩm đệ tam (行空品第三), tr. 158c15-159b7.
 

* Trang 202 *
device

tướng giải thoát vào Niết-bàn, chúng sanh ấy do cửa vô tác giải thoát vào Niết-bàn; biết chúng sanh ấy do cửa quán năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, do các pháp môn như vậy được giải thoát.
            Phật đối với giải thoát tri kiến biết hết biết khắp, thế nên nói. Phật giải thoát tri kiến không giảm.
            Hết thảy thân nghiệp, hết thảy khẩu nghiệp, hết thảy ý nghiệp, hành theo trí tuệ: Phật hết thảy khẩu, ý nghiệp trước biết rồi sau theo chỗ biết mà hành. Thân, khẩu, ý nghiệp của chư Phật, mọi hành động đều lợi ích chúng sanh, cho nên gọi là trước biết rồi sau theo trí tuệ mà hành. Như trong Kinh dạy: Chư Phật cho đến thở vào thở ra còn lợi ích chúng sanh huống gì thân, khẩu, ý nghiệp cố làm mà không lợi ích? các chúng sanh oán ác nghe hương khí hơi thở ra vào của Phật, đều được tín tâm thanh tịnh, ưa vui nơi Phật; chư thiên nghe hương khí hơi thở của Phật cũng đều bỏ năm dục, mà phát tâm tu thiện. Do vậy, nói thân, khẩu, ý nghiệp hành theo trí tuệ. Thanh-văn, Bích-chi-phật không có việc ấy. Tâm cố làm thiện rồi sau thân, khẩu nghiệp mới thiện, mà ý nghiệp có khi vô ký, không theo trí tuệ mà tự sanh, huống gì người khác, như Tỳ-kheo Kiều-phạm-ba-đề (gavāpati) tuy chứng được A-la-hán, tự nhã đồ ăn ra rồi ăn lại;[1] nghiệp ấy không theo trí tuệ.
            Lại như Tỳ-kheo A-la-hán Ma-đầu Ba-tư-đà nhảy trên xà nhà, gác, trên vách, cây.[2]
            Lại như Tỳ-kheo Tất-lăng-già-bà-ta (Pilinda-vatsa) mắng nữ thần
 

[1] T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 38, tr. 273c4-11: Phật ở tại nước Xá-vệ, có Tỳ-kheo tên là Ngưu ha (Kiều-phạm-ba-đề), nhã đồ ăn ra rồi ăn lại. Chư Tỳ-kheo thấy ăn phi thời,  liền nói với nhau rằng, Tỳ-kheo này ăn phi thời, Chư Tỳ-kheo nghe điều đó tâm sầu muộn không vui, liền đem sự việc đó bạch Phật. Phật vì nhân duyên này nhóm họp các Tỳ-kheo tăng, bảo các Tỳ-kheo rằng: chớ có nói Tỳ-kheo ấy ăn phi thời, vì sao? Vì Tỳ-kheo đó trong 500 đời trước, thường sanh trong loài bò, Tỳ-kheo ấy tuy được làm thân người, tập khí còn lưu lại. Phật dạy rằng: Nếu nhã đồ ăn ra rồi ăn lại, nên ở chỗ vắng, không nên ăn lại ở trước mọi người; T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 5, tr. 227c23-228a2.
[2] T. 28: A-tỳ-đàm tỳ-bà-sa luận (阿毘曇毘婆沙論), quyển 49, tr. 372a13-27; T. 1: Trung A-hàm kinh (中阿含經), quyển 8,  (26): Vị tằng hữu pháp phẩm (未曾有法品), Vị tằng hữu pháp kinh đệ nhất (未曾有法經第一), tr.471a16-29; T. 4: Kinh Hiền ngu (賢愚經), quyển 12, tr. 430b10-24.
 

* Trang 203 *
device

sông hằng rằng: Con bé![1] Như vậy là thân khẩu nghiệp trước không có trí tuệ cũng không theo trí tuệ mà hành. Phật không có việc ấy.
            Hỏi: Nếu như vậy sao Phật có khi thân khẩu nghiệp in tuồng không theo trí tuệ hành, vì sao? Vì là khi Phật vào trong chúng ngoại đạo thuyết pháp mà họ đều không tín thọ? Lại có lần Phật ở giữa đại chúng thuyết pháp, bày ngực cho Ni-kiền-tử thấy? Lại vì một người nghi không thấy hai tướng mà Phật ở giữa đại chúng mà bày tướng lưỡi và tướng âm tàng? Lại mắng các đệ tử các ngươi là người ngu cuồng! mắng Đề-bà-đạt-đa ngươi là người cuồng, người chết; người nhổ mửa! Phật kết giới không cho phép giữ tám thứ bình bát, chỉ cho Tỳ-kheo dùng hai thứ bình bát hoặc bằng ngói hoặc bằng thiết, mà Phật lại tự dùng bát đá?[2] Có khi ngoại đạo nạn vấn, Phật im lặng không trả lời?
            Lại Phật ở chỗ này nói hữu ngã, chỗ kia nói vô ngã; chỗ này nói các pháp có, chỗ kia nói các pháp không. Như vậy thân khẩu nghiệp của Phật in tuồng không theo trí tuệ mà hành. Thân khẩu nghiệp không lìa ý nghiệp, ý nghiệp cũng phải có khi không theo trí tuệ hành, vậy cớ sao nói Phật thường theo trí tuệ hành?
            Đáp: Nói như vậy không đúng. Đối với các việc ấy đều trước có trí tuệ, rồi sau các nghiệp theo trí tuệ mà hành, vì cớ sao? Vì Phật vào giữa chúng ngoại đạo, tuy biết đời nay họ không tin không thọ, mà vì để gieo nhân duyên lớn cho đời sau. Lại để ngăn ngoại đạo phỉ báng nói Phật tự cao mạng, vì
 

[1] T. 22: Ma-ha Tăng-kỳ luật (摩訶僧祇律), quyển 30, tr. 467c19-23; T. 28: A-tỳ-đàm tỳ-bà-sa luận (阿毘曇毘婆沙論), quyển 9, tr. 63b13-14.
[2] T. 24: Tỳ ni mẫu kinh (毘尼母經), quyển 2, tr. 809c26-27: Pháp cất giữ bát, trừ bình bát bằng ngói bằng thiết, ngoài ra tất cả bình bát đều không được cất giữ; T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 52, tr. 951c28-952c23; T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 26, tr. 192b6-7: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta trước cho phép dùng hai thứ bình bát hoặc bằng thiết hoặc bằng ngói, tám loại bình bát không được cất giữ; T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 2, tr. 213c22-27: Bát có bốn thứ: vàng, bạc, lưu ly, pha lê làm thành. Lại có bốn loại bát, đó là bát đá, đồng đỏ, đồng trắng và bát làm bằng các loại gỗ.
 

* Trang 204 *
device

vậy Phật tự đi vào trong chúng đó. Lại ngoại đạo nói: Phật tự cho có tâm đại bi tế độ khắp tất cả, mà chỉ vì bốn chúng thuyết pháp,[1] còn chúng ta đây cũng người xuất gia cầu đạo mà không thuyết cho! Lại như trong kinh này[2] dạy: Phật đi đến giữa chúng ngoại đạo thuyết pháp, họ không nói là không tín thọ. Phật từ xa trông thấy ngoại đạo đại hội, lớn tiếng luận nghị, định đến nơi khác, lại xoay lại đi vào đây, các luận nghị sư từ xa thấy Phật đi đến, tự nói với chúng mình rằng: Các ngươi hãy im lặng! Phật là người ưa tịch tịnh, thấy các người im lặng, Ngài có thể đến đây. Cả chúng liền im lặng. Phật đi vào giữa chúng ấy thuyết ba đế cho Bà-la-môn,[3] chúng ngoại đạo đều im lặng. Phật nghĩ rằng người cuồng bị ác ma che lấp, pháp này vi diệu, cho đến không có một người thử làm đệ tử. Nghĩ vậy, rồi từ tòa đứng dậy đi, những người ấy thoát khỏi ma che, liền tự nghĩ: Chúng ta được nghe pháp mầu, tại sao không lấy làm tự lợi, liền cùng đi đến chỗ Phật, làm đệ tử Phật, chưùng đạo, lìa khổ.
            Lại nữa, đệ tử ngoại đạo lo sợ thầy họ nên không dám đến Phật, cho nên Phật tự đi vào giữa chúng ấy thuyết pháp, họ tin thọ kiên cố, không còn lo sợ thầy họ, lại được làm đệ tử Phật hoặc đắc dấu đạo. Có các nhân duyên trí tuệ như vậy, nên đi vào chúng ngoại đạo.
            Lại nữa, Tát-giá-kỳ-ni-kiền-tử lấy lá đồng rịt bụng, tự thề rằng: “Không có người nào bị ta nạn vấn mà không toát mồ hôi bại hoại. Voi lớn cho đến cỏ cây ngói đá, nghe tiếng
 

[1] T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 18: Tứ ý đoạn phẩm (四意斷品), tr. 639a2-10.
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 35, kinh 972, tr.  251a20-21; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 11, tr. 400b5-451a10; T. 29: Thuận chánh lý luận (順正理論), quyển 58, tr. 667c2-21.
[3] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 35, tr. 251b1-15: Đức Phật bảo các bà-la-môn xuất gia, có ba loại Bà-la-môn chơn đế. Ta từ khi giác ngộ thành đẳng chánh giác, lại vì chúng sanh diễn thuyết, các ông Bà-la-môn xuất gia nói như vậy rằng: không hại tất cả chúng sanh, đó là bà-la-môn chơn đế, không phải là hư vọng. Các người Bà-la-môn kia nói Ta tối thắng, nói tương tợ, nói Ta thấp kém, đối với chơn đế kia không trói buộc chấp trước, đối với tất cả thế gian khởi sắc tướng từ tâm, ấy gọi là đệ nhất Bà-la-môn chơn đế. Ta từ khi giác ngộ thành đẳng chánh giác, vì chúng sanh diễn thuyết. Lại nữa, Bà-la-môn nói như vậy rằng: nếu có sự tập hợp pháp đều có diệt pháp, đây là chơn đế, không phải hư vọng, cho đến đối với chơn đế kia không đo lường và chấp thủ, đối với tất cả thế gian quán sát sanh diệt, ấy gọi là đệ nhị Bà-la-môn chơn đế.  Lại nữa Bà-la-môn nói rằng không có ngã xứ sở và pháp vô sở hữu, đây thời là chơn đế, không phải hư vọng. Như trước nói, cho đến đối với chơn đế kia không trói buộc chấp trước, tất cả thế gian vô ngã tướng loại, ấy gọi là đệ tam Bà-la-môn chơn đế; T. 42: bách luận sớ (百論疏), quyển 1, tr. 259b18-25.
 

* Trang 205 *
device

nạn vấn của ta cũng đều toát mồ hôi!” thề như vậy rồi đi đến chỗ Phật; luận nghị với Phật. Phật gạn hỏi, đều không đáp được, mồ hôi đổ xuống đất, cả mình như ngâm. Phật bảo Ni-kiền, trước ông thề rằng: Không người nào nghe ta nạn vấn mà không đổ mồ hôi, nay chính ông đổ mồ hôi xuống đất. Ông thử xem Phật thấy có mồ hôi chăng? Khi ấy Phật cỡi y Uất-đa-la-tăng (uttarāsaṅga) chỉ cho ông và hỏi: Mồ hôi chỗ nào?[1]
            Lại nữa, có người nói hoặc có khi đầu đổ mồ hôi thân không đổ, Phật tuy đầu không mồ hôi mà thân chắc có mồ hôi, vì vậy Phật cỡi y Uất-đa-la-tăng bày thân ra, nhân đó ngoại đạo rất tin hướng Phật, đều được vào trong Phật pháp. Ấy là nhân duyên về trí tuệ, thân nghiệp hành theo.[2]
            Phật bày tướng lưỡi, tướng âm tàng là vì có người nghi hai tướng của Phật, mà người ấy là người có thể  đắc đạo, chỉ vì nghi nên không đắc, vì vậy Phật bày hai tướng cho thấy. Le lưỡi ra phủ cả mặt, lưỡi tuy lớn mà trở vào trong miệng cũng không chướng ngại, người ấy thấy rồi hết nghi. Có người thấy tướng lưỡi le ra, hoặc sanh tâm khinh mạn, le lưỡi như con nít, khi thấy lưỡi trở vào miệng không ngại, thuyết pháp không ngại, liền khởi tâm cung kính, khen chưa từng có.
Có người nghi tướng âm tàng của Phật không hiện. Bấy giờ Thế tôn hóa làm voi báu, ngựa báu; có tướng âm tàng, chỉ cho thấy và nói: Tướng âm tàng của Phật không hiện, cũng giống như vậy. Có người nói, Phật bày tướng âm tàng, chỉ cho một người thấy để dứt nghi của họ.[3] Các luận nghị sư
 

[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 30: Lục trọng phẩm (六重品), tr. 716b4-7.
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 5, kinh 110, tr. 35a17- 37b25; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 30: Lục trọng phẩm (六重品), tr. 716a20- b7.
[3] T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 35, tr. 379c7-13.
 

* Trang 206 *
device

nói: Phật có tâm đại bi, hoặc có người do thấy tướng âm tàng của Phật mà có thể chứa nhóm thiện căn, phát tâm đại bồ đề và sanh tâm rất vui mừng tín kỉnh, cho ba hạng người bị ngăn che[1] này được thấy, dứt nghi tâm của họ, ngoài ra không đều không được thấy!
            Phật vì tâm đại bi độ chúng sanh nên đối ba hạng người trên tạm bày ra cho họ thấy nhanh như điển chớp, các chúng sanh ấy thấy rồi, tin Phật có tâm đại bi, chư Phật đối với giới pháp không thủ không đắm trước. Do nhân duyên như vậy nên hiện bày hai tướng[2] chứ chẳng phải đùa cợt, chẳng phải không biết hổ.
            Phật nói lời khắc khổ với các Tỳ-kheo: Các ông là người ngu cuồng. Lời khắc khổ có hai loại:
            1. Tâm ô cấu sân giận mắng nhiếc.
            2. Vì thương xót chúng sanh muốn giáo hóa.
            Người ly dục còn không có tâm ô cấu sân giận mắng nhiếc, huống gì Phật! Phật vì thương xót giáo hóa nên nói lời khắc khổ. Có chúng sanh nghe lời giáo huấn êm dịu hiền lành không đưa vào khuôn phép đạo được, phải dạy lời khắc khổ thô kịch mới đưa vào đạo được, như ngựa hay thấy bóng roi liền chạy, còn lừa ngu phải bị quất đau mới đi. Cũng như có thứ ghẻ được thuốc êm dịu, phun thoa liền lành, có thứ ghẻ phải lấy dao xẻ lấy thịt thúi ra, xức thuốc dữ mới lành.
            Lại nữa, lời nói khắc khổ có năm:
            1. Nói thêu dệt.
            2. Miệng nói dữ và cũng thêu dệt.
            3. Miệng nói dữ và cũng dệt, vọng ngữ.
            4. Miệng nói dữ và cũng thêu dệt, vọng ngữ, hai lưỡi.
            5. Tâm không phiền não mà nói lời khắc khổ để giáo
 

[1] T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 58, tr. 996b20: Có ba loại phú  (ngăn che): phú phá giới, phú phá kiến và phú phá oai nghi. (有 三 種 覆:覆 破 戒、覆 破 見、覆 破 威 儀).
[2] T. 4: Hiền ngu kinh (賢愚經), quyển 12, tr. 433b2-11; T. 28: A-tỳ-đàm tỳ-bà-sa luận (阿毘曇毘婆沙論), quyển 43, tr. 322a11-17.
 

* Trang 207 *
device

hóa đệ tử, phân biệt điều thiện bất thiện, nhổ chúng sanh ra khỏi đất khổ nạn. Đủ bốn thứ ác ngữ tội rất nặng. Ác ngữ thứ ba, hai, nhất tội nhỏ nhẹ lần. Hàng cư sĩ đệ tử Phật chứng đắc đạo quả thứ nhất, thứ nhì sai khiến, nô tỳ với lời nói ác, chẳng phải đạo bất thiện.
            Nhiếp luật nghi có hai thứ: Hoặc nói thêu dệt, hoặc nói ác và thêu dệt. A-na-hàm, A-la-hán, không có phiền não khởi, miệng nói ác, chỉ do tịnh tâm, cần nói ác để giáo hóa nên nói ác và nói thêu dệt. A-na-hàm, A-la-hán còn không có phiền não khởi miệng nói ác huống gì Phật.
            Lại nữa, nếu Phật có lời nói khắc khổ, không nên nghi, không nên nạn vấn cho là Phật cho là Phật có ác tâm phát ra lời nói khắc khổ, vì cớ sao? Vì ác tâm Phật đã dứt lâu rồi, chỉ vì thâm tâm nghĩ tới chúng sanh như cha lành dạy con, tuy có lời khắc khổ, cũng vì chỉ thành tựu cho con, chẳng phải là ác tâm. Lúc Phật còn làm Bồ tát, ba độc chưa hết, làm tiên nhân tên là Sằn-đề bị vua ác cắt tai, mũi, tay, chân mà không sanh tâm ác, không nói lời ác. Bấy giờ chưa đắc đạo, còn không có ác tâm, huống gì khi được thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ba độc đã hết, đầy đủ tâm đại từ bi đối với chúng sanh, sao được nghi Phật có ác tâm, nói lời khắc khổ.
            Lại nữa, Phật nói người là người ngu cuồng, thì ấy là lời êm dịu, lời nói thật, vì sao? Vì ba độc phát sanh gọi là ngu cuồng, đem việc lành làm lợi ích cho mà không khấn chịu, không hiểu ý tâm Phật, không lãnh thọ lời Phật, ấy là ngu cuồng.

* Trang 208 *
device

            Lại nữa, Phật bên trong thường hành trí tuệ vô ngã, bên ngoài quán các pháp không, như vậy thì làm sao có ác khẩu? đó chỉ do chúng sanh không hiểu tâm Phật, nên tìm chỗ dỡ nơi lời nói của Phật, nếu chúng sanh hiểu lấy thâm tâm thương xót thời giả sử khiến nhảy vào lửa lớn liền nhảy vào, như người bị nóng bức nhảy vào ao nước mát, huống gì chỉ nói mà không lãnh thọ. Chúng sanh bị ác ma che lấp nên không biết, nên Phật đem thâm tâm nghĩ tới, mà không lãnh thọ lời Phật. Vì vậy, Phật nói ngươi là người ngu cuồng.
            Lại nữa, có người nghe lời nói khắc khổ thì vui mừng nói: Vì thương ta nên nói như vậy. Vì vậy, Phật nói ngươi là người ngu cuồng.
            Phật nói Đề-bà-đạt ngươi là người cuồng, người chết, người khạc nhổ. Người cuồng là Đề-bà-đạt (devadatta) tội nặng sẽ sa vào địa ngục A-tỳ, cho nên nói ba lời khắc khổ. Người chết là tợ như người mà không thể chứa nhóm các điều thiện. Lại Đề-bà-đạt cạo đầu mặc áo pháp, tợ như Thánh nhân, mà bên trong không có tuệ mạng, nên gọi là người chết. Như người chết được trang sức đủ thứ mà dần dần tiêu hoại, không thể làm cho sống được, Đề-bà-đạt cũng như vậy, Phật ngày ngày giáo hóa cho đủ cách mà ác tâm càng mạnh, pháp ác bất thiện ngày càng tăng, cho đến gây ba tội nghịch, vì vậy nên gọi là người chết, người súc nhổ là Đề-bà-đạt vì tham lợi dưỡng mà hóa làm thân trời, trẻ nít,[1] ở tay ôm vua A-xà-thế, vua than miệng ông, nhổ nước miếng bảo súc
 

[1] T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 36, tr257c4-12; T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 13: Tức chơn thân hiện như (即真身現如), tr. 168c7-16; T. 22: Di-sa-tắc bộ hoà ê ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律), quyển 3, tr.  17c21-25; T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 4, tr.  592a9-18; T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 47: Phóng ngưu phẩm (放牛品), tr. 802c21-24.
 

* Trang 209 *
device

miệng. Vì vậy nên gọi là súc nhổ.[1]
            Hỏi: Đề-bà-đạt đã được thiền định, đã lìa dục, cớ sao súc miệng bằng nước miếng của người khác?
            Đáp: Người ấy ác tâm cũng sâu, căn kia cũng nhạy bén, lìa dục cho nên có thể biến hóa, khi súc nước miếng liền mất, vì căn nhạy bén nên khi tìm lại liền được, vì vậy nên gọi là người súc nhổ.[2] Nghĩa cuồng như đoạn trước đã nói.
            Lại nữa, vì Đề-bà-đạt bạch Phật: Phật đã già yếu, thường ưa nhàn tịnh, Ngài có thể vào rừng tự vui, tăng chúng có thể giao cho tôi.
            Phật dạy: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v... có trí tuệ lớn, là người hiền thiện, nhu hòa, thanh tịnh. Ta còn không nhiếp tăng, huống gì ngươi là người cuồng, người chết, người súc nhổ.[3]
            Có các nhân duyên như vậy, Phật đối với các pháp tuy không nhiễm trước mà vì giáo hóa nên nói lời khắc khổ.
            Phật không cho Tỳ-kheo dùng tám thứ bình bát: Những bát châu báu vàng, bạc v.v... vì vật báu bị người tham, khó kiếm được, sanh tham đắm, nên không cho cất giữ bảo vật đó, cho đến không được lấy tay cầm, cũng không được cất giữ các danh bảo, nếu có làm phép tịnh thí, thời được dùng, vì giá trị không còn quí. Bát gỗ dùng dễ sanh cấu bẩn, bất tịnh nên không cho dùng. Ba thứ bát khác (ngói, thiết, đá) không có các việc như vậy.
            Hỏi: Bát ngói, thiết cũng dễ bị cấu bẩn không khác bát gỗ, tại sao cho phép dùng?
 

[1] T. 24: Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 13, tr. 169b25-29: Tại sao ông vô trí nghi nhơn súc miệng bằng nước miếng. Lúc bấy giờ Đề-bà-đạt-đa nghe lời nói này, liền suy nghĩ rằng. Đức Thế Tôn nay tán thán Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… chê trách ta.  Mắng rằng: người vô trí súc miệng bằng nước miếng, thời Đề-bà-đạt-đa, ở nơi chỗ Phật, liền khởi bảy loại nghịch tâm; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 85, tr. 442a5-7: Đề-bà-đạt-đa tham lợi dưỡng, súc miệng bằng nước miếng, cho nên Phật quở trách rằng ông là người chết súc miệng bằng nước miếng.
[2] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 85, tr. 442a1-7.
[3] T. 22: Di-sa-tắt bộ hòa ê ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律), quyển 3, tr. 18b19-20: Đức Phật dùng lời ngăn cản Đề-bà-đạt-đa rằng, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, còn không thể thay Ta nhiếp đồ chúng, huống gì ngươi là người ngu si, người súc nhổ; T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 4, tr. 592b12-14: Đức Phật dạy rằng: Ta còn không đem chúng tăng giao phó cho Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, huống nữa là ông (Đề-bà-đạt-đa), người ngu si, thân súc nhổ, làm thế nào có thể phó chúc cho ông;  T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 36, tr. 258b6-7: Đức Phật dạy rằng: Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có đại trí tuệ, thần thông, Phật còn không đem chúng tăng giao phó cho họ, huống ông là người súc nhổ, người ngu si, người chết.
 

* Trang 210 *
device

            Đáp: Bát ngói, thiết, nếu không hun khói cũng không được phép dùng, do hun khói nên không bị cấu bẩn. Bát đá có thô, tế. Đá mịn láng cũng không bị cấu bẩn cho Thế tôn dùng. Nhưng Phật không cho Tỳ-kheo dùng vì nó nặng, sức của Phật hơn vạn con voi trắng, nên không cho là nặng. Vì thương các Tỳ-kheo nên không cho phép dùng.
            Hỏi: Thị giả La-đà, Du-thiện-ca, Tu-na-sát-la-đa, Na-già-ta-bà-la, A-nan v.v... thường hầu Phật bưng bình bát, cớ sao Phật không thương xót?
            Đáp: Các thị giả tuy bưng bát của Phật, song vì oai đức của Phật và vì tâm cung kính tôn trọng Phật nên không biết nặng. Lại thân lực A-nan cũng to lớn.
            Lại nữa, vì bát đá mịn láng khó kiếm được, còn thô xám thì bị dính cấu bẩn, nên không cho phép dùng.
            Bát đá của Phật tự nhiên sanh ở bốn chót núi của bốn thiên vương, các người khác không có bát tự nhiên ấy, nếu tìm cho có để làm rất khó, bị trở ngại mất công nhiều, nên Phật không cho phép dùng.
            Lại muốn cho bát của Phật khác với đệ tử, nên Phật dùng bát đá.
            Lại như quốc vương, mọi người tôn trọng, thì đồ dùng để ăn cũng khác. Có người thấy bát của Phật, càng thêm tôn trọng cúng dường, sanh tín tâm thanh tịnh.
            Hỏi: Nếu bình bát đã phải khác sao y lại đồng?

* Trang 211 *
device

            Đáp: Y của Phật cũng khác. Khi Phật mới thành đạo, biết y của Phật Ca-diếp trước, thích hợp với Phật mang. Y của Phật Ca-diếp giá trị mười vạn lượng vàng. Sau đó lương y Kỳ-vức (Jīvaka) dâng cho Phật cái y Thâm-ma-căn-kiết-ba[1] cũng giá trị mười vạn lượng vàng.[2] Phật dạy A-nan đem y ấy cắt may thành y Tăng-già-lê. May xong Phật nhận mang, ầy là khác.
            Hỏi: Phật nhân đó bảo các Tỳ-kheo từ nay nếu có vị Tỳ-kheo nào nhất tâm cầu Niết-bàn, trái bỏ thế gian, hoặc muốn mặc thì cho phép mặc y giá trị mười vạn lượng vàng, cũng cho phép ăn đồ ăn trăm vị, đồ ăn khác, y mặc khác mà sau cho phép, sao riêng bình bát không cho phép?
            Đáp: Trước tôi đã nói nhân duyên về bát đá, nay nói thêm: Bát của Phật không thọ nhận từ người. Khi Phật mới thành đạo, muốn ăn cần đồ đựng, bốn vua trời biết tâm niệm Phật, đem bốn bình bát dâng Phật. Phép của Phật ba đời đều dùng bình bát của bốn vua trời,[3] lúc bấy giờ chưa có chúng tăng, làm sao nói cho phép, về sau nói cho phép, lại không ai cúng cho bát đá. Lại cõi Diêm-phù-đề không ưa bát đá, cho nên không ai cúng cho.
            Lại nữa, Phật dạy Tỳ-kheo thường nên che dấu công đức, nếu thọ nhận bát đá, người đời sẽ nói bát ấy từ trời rồng mà có được, nếu bảo người làm thì công phu quá khó. Lại sợ người ta nói Tỳ-kheo này muốn ngang công với Phật, vì vậy nên Phật không cho phép. Còn y, hoặc có người nói Phật ở giữa tăng thọ nhận y tốt của đàn-việt để mặc riêng mà không cho phép Tỳ-kheo mặc, vì vậy Phật cho phép mặc. Nhưng
 

[1] Thâm-ma-căn y: người trì luật gọi là thượng giá y.
[2] T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 27, tr. 194b24-c11.
[3] T. 3: Phật bổn hành kinh tập (佛本行集經), quyển 32: Nhị thương phụng thực phẩm hạ (二商奉食品下), tr. 801c23-802a1; T. 22: Di-sa-tắt bộ hòa ê ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律), quyển 15, tr. 103a22-27.
 

* Trang 212 *
device

Tỳ-kheo cũng tự không mặc, vì người thí khó có nên người mặc khó được. Nếu Tỳ-kheo không thanh tịnh thời người ta không cúng, nếu Tỳ-kheo thanh tịnh thì ít muốn biết đủ nên không mặc. Phật dứt nghi hoặc của người nên cho phép mặc y, còn đối bình bát. Không có so sánh nên không cho phép dùng.
            Hỏi: Như trong kinh dạy: Phật Kim-cang thân, không nhờ cậy đồ ăn, thì cần gì giữ bát?[1]
            Đáp: Phật pháp có hai đạo:
            1. Thanh-văn đạo. 2. Phật đạo.
            Theo pháp Thanh văn, Phật tùy theo cách thức lệ của con người có sự ăn dùng, còn theo pháp Đại thừa, phương tiện vì người nên thị hiện có ăn, mà kỳ thật không ăn.
            Hỏi: Thế nào là phương tiện?
            Đáp: Phật muốn độ người nên thị hiện làm theo cách thức con người, nếu không như vậy, người ta sẽ nói Phật chẳng phải người; chúng ta làm sao thực hành được pháp của Phật.
            Lại nữa, có người nhân bố thí mà đắc độ, vì hạng người ấy nên Phật thọ nhận đồ ăn của họ, họ liền nghĩ rằng đồ ăn của chúng ta giúp ích thân Phật, nên tâm họ rất hoan hỷ, do tâm hoan hỷ mà tín thọ lời Phật dạy, như đại quốc vương hạ thần mời ăn, vua tuy không cần, nhưng vì thâu nhiếp người ấy mà ăn ít nhiều, để cho họ hoan hỷ. Do các nhân duyên như vậy Phật thị hiện thọ thực.
 

[1] T. 4: Tăng-già-la sát sở tập kinh (僧伽羅剎所集經), quyển 2, tr. 130a18-22.
 

* Trang 213 *
device

            Hỏi: Nếu Phật không ăn thì vật Phật lãnh thọ để ở đâu?
            Đáp: Phật sự bất khả tư nghì, không nên hỏi.
            Lại nữa, có người được đồ ăn của Phật mà đắc độ, có Thanh văn thấy sắc, chạm thân, nghe hương mà đắc độ. Cần đồ ăn mà đắc độ thì Phật lấy đồ ăn cho. Như trong kinh Mật-tích Kim-cang dạy: Phật lấy đồ ăn để trong miệng, đưa cho vị trời cầu Phật đạo, đem đến mười phương thí cho.
            Hỏi: Nếu như vậy, trong đoạn nói về Niệm tăng, đồ ăn của Phật không có chúng sanh nào có thể ăn, nghĩa ấy thế nào?
            Đáp: Phật không cho thì không ai có thể ăn, nay Phật cho nên được ăn, vì sao biết? Khi Phật ăn mã mạch, đưa đồ ăn cho A-nan, có Sa-môn Nhị-thập-ức dâng canh ngon cho Phật, Phật lấy canh thừa cho vua Tần-bà-ta-la, do vậy nên Phật thọ dụng rồi đem cho thời được ăn, không cho thời không thể tiêu hóa được.
            Lại nữa, vì Phật thiết đặt đồ ăn, người khác ăn không tiêu hóa được, đồ ăn thừa Phật cho ăn thời tiêu hóa được. Vì vậy, nên tùy thật Phật không ăn mà vì độ người nên thị hiện thọ thực, cất bình bát.
            Phật không đáp mười bốn nạn vấn là, Phật có 4 cách đáp:[1]
            1. Đáp bằng cách quyết định chắc chắn.
            2. Đáp bằng cách phân biệt nghĩa lý rõ ràng.
            3. Đáp bằng cách hỏi ngược lại.
            4. Đắp bằng cách bỏ qua.
            Mười bốn nạn vấn ấy,
 

[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 19, tr. 103a23-28: Hỏi có bốn cách đáp. thế nào là bốn? Tụng đáp: Đáp bằng cách nhất hướng, Đáp bằng cách phân biệt, Đáp bằng cách hỏi ngược lại, Đáp bằng cách bỏ qua;  T. 28: Tạp A-tỳ-đàm tâm luận (雜阿毘曇心論), quyển 1, tr. 874c11-26.
 

* Trang 214 *
device

đúng phép nên đáp bằng cách bỏ qua.
            Lại nếu có việc lợi ích thời đáp. Ngoại đạo hỏi không phải vì Niết-bàn, chỉ tăng trưởng nghi hoặc, cho nên dùng lối đáp bằng cách bỏ qua. Biết chắc việc có ích thời phân biệt rõ ràng đáp; còn không có ích gì thì bỏ qua không đáp. Do nhân duyên ấy, biết Phật là bậc Nhất thiết trí.
            Lại nữa, Phật nói ba loại pháp là pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp bất khả thuyết, thế là đã nói hết thảy pháp.
            Lại nữa, các ngoại đạo ấy, nương dựa thường kiến, nương dựa đoạn diệt kiến, nên hỏi thường, hỏi đoạn diệt. Thật tướng không có thường, đoạn, nên Phật không đáp. Như ngoại đạo thấy thường, thấy vô thường, không có việc ấy, vì cớ sao? Chỉ vì ngoại đạo thủ tướng nên vướng vào thường, đoạn, còn Phật tuy nói thường, nói vô thường, chỉ vì để đối trị mà dùng thôi.
            Lại nữa, nếu người nói không là có; có là không, người như vậy là tội lỗi. Phật không đáp thời không lỗi, như mặt trời chiếu thiên hạ, không thể làm cho cao thành thấp, thấp thành cao, chỉ có làm cho hiển hiện mà thôi. Phật cũng như vậy, không làm gì đối với các pháp, các pháp có thời nói có, không thời nói không, như nói: Sanh làm nhân duyên cho lão, tử, cho đến vô minh làm nhân duyên cho hành, có Phật không Phật, pháp nhân duyên ấy tương tục thường ở thế gian, chư Phật ra đời, vì chúng sanh chỉ bày pháp ấy cho thấy.[1]
            Lại nữa, nếu đáp thường hay đoạn đều có lỗi, như hỏi
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 12: kinh 296, tr. 84b-c.
 

* Trang 215 *
device

đứa con của con gái đá, con của kẻ hoàng môn là cao hay thấp, đen hay trắng, loại gì? những câu hỏi ấy không nên đáp. Mười bốn nạn vấn cũng như vậy, chỉ lấy thường, đoạn làm gốc để hỏi. Vì không thường không đoạn nên Phật không đáp.
            Do các nhân duyên như vậy, Phật không đáp 14 nạn vấn, không lỗi.
            Phật ở nhiều nơi nói có ngã, nhiều nơi nói không ngã: [1] Nếu với người hiểu nghĩa Phật pháp biết giả danh, thời nói có ngã, nếu với người không hiểu nghĩa Phật pháp không biết giả danh, thời nói không ngã.
            Lại nữa, Phật vì chúng sanh sắp đọa vào đoạn diệt kiến thời nói có ngã chịu quả báo tội phước đời sau. Nếu người sắp đọa vào thường kiến thời vì họ nói không có ngã, không có người làm, không có người chịu, lìa năm uẩn giả danh thì không có một pháp gì tự tại.
            Hỏi: Nếu như vậy, thì những gì là thật?
            Đáp: Vô ngã là thật. Như trong ba pháp ấn nói: Hết thảy hành (tác pháp) vô thường, hết thảy pháp vô ngã, tịch diệt là Niết-bàn an ổn. Pháp ấn là thật tướng các pháp.[2] Nếu người thiện căn chưa thục, trí tuệ không lanh lợi, Phật không nói pháp vô ngã thâm sâu cho họ. Nếu nói họ liền đọa vào trong đoạn diệt kiến.
            Hỏi: Nếu như vậy, như trong lời Ca-diếp (Kaśyapa) hỏi, Phật nói ngã là một bên, vô ngã là một bên, lìa hai bên ấy là trung đạo,[3]
 

[1] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經),quyển 2, kinh 45, tr. 11b2-8: Đức Thế-tôn bảo các Tỳ-kheo: có năm thọ ấm. Thế nào là năm? sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn thấy có ngã, tất cả đối với năm thọ ấm này thấy có ngã. Các Sa-môn, Bà-la-môn thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, ngã ở trong thức, thức ở trong ngã, người ngu si vô văn phàm phu do vì vô minh, thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, tương tại, nói ngã chơn thật không bỏ, chấp chặt không bỏ.
[2] T. 25: Đại trí độ luận (大智度論), quyển 22, tr. 223a23-b8.
[3] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 12: kinh 296, tr. 84c25-29; T. 11: Đại bảo tích kinh (大寶積經), quyển 112: Phổ minh Bồ-tát hội (普明菩薩會), tr.633c11-18: Ngã là nhất biên (một bên), vô ngã là nhất biên, lìa ngã vô ngã là trung đạo. Vô sắc, vô hình, vô minh, vô tri, ấy gọi là quán thật tướng các pháp trung đạo. Lại nữa, này Ca-diếp! nếu tâm có thật là nhất biên, nếu tâm phi thật là nhất biên, nếu vô tâm thức cũng vô tâm sổ pháp, ấy gọi là quán thật tuớng các pháp trung đạo.  Thiện pháp bất thiện pháp như vậy, thế pháp xuất thế pháp, hữu tội pháp vô tội pháp, hữu lậu pháp vô lậu pháp, hữu vi pháp vô vi pháp, cho đến hữu cấu pháp vô cấu pháp cũng lại như vậy. Lìa nhị biên, không thể thọ cũng không thể thuyết, ấy gọi là quán thật tướng các pháp trung đạo.
 

* Trang 216 *
device

sao nay nói vô ngã là thật, có ngã là phương tiện nói?
            Đáp: Nói vô ngã có hai:
            1. Chấp thủ tướng vô ngã, dính mắc vô ngã.
            2. Phá ngã không chấp thủ vô ngã, cũng không dính mắc vô ngã, tự nhiên lìa bỏ. Như vậy trước nói vô ngã là một bên, sau nói vô ngã là trung đạo.
            Lại nữa, Phật nói hữu ngã vô ngã có hai nhân duyên:
            1. Dùng theo thế tục thì nói hữu ngã.
            2. Dùng theo Đệ nhất thật tướng thì nói vô ngã.
            Như vậy, nói hữu ngã, vô ngã như vậy không lỗi.
            Phật ở nhiều nơi nói các pháp có, ở nhiều nơi nói các pháp không.
            Hỏi: Không nên nói riêng các pháp có, không. Vì có tức là có ngã, không tức là không ngã, sao còn nói lại?
            Đáp: Không phải vậy. Phật pháp có hai thứ không:
            1. Chúng sanh không.
            2. Pháp không.
            Nói vô ngã là nói chúng sanh không. Nói không pháp ngã sở là chỉ pháp không. Nói có ngã là chỉ cho biết tướng giả danh, đối người không chấp trước trong năm uẩn, vì phá cái chấp trước ngã đó nên chỉ nói chỉ có năm uẩn vô thường, khổ, không, vô ngã. Tịch diệt Niết-bàn ấy gọi là có.
            Lại nữa, có hai thứ đoạn kiến:
            1. Vì hạng tà kiến cho rằng không có thọ quả báo tội phước khổ, vui đời sau mà nói có ngã từ đời này đến đời sau thọ quả bảo tội phước.
            2. Vì hạng tà kiến chấp trước hết thảy trống không, hư vô, mà nói

* Trang 217 *
device

có hết thảy pháp. Đó là pháp hữu vi, vô vi.
            Lại nữa, đối chúng sanh căn không lanh lợi lắm nói vô ngã, đối chúng sanh căn lanh lợi, trí tuệ sâu xa nói các pháp rốt ráo không, vì cớ sao? Vì nếu vô ngã thời bỏ hết các pháp, như kệ nói:
                        “Nếu rõ biết vô ngã,
                        Có người như thế ấy,
                        Nghe có pháp không mừng,
                        Nghe không pháp không lo.”
            Nói ngã là, cho nương của hết thảy pháp, nếu nói vô ngã là, hết thảy không có cho nương.
            Lại nữa, Phật pháp có hai cách nói: Nếu nói rõ ràng thời nói hết thảy pháp không, nếu phương tiện nói, thời nói vô ngã. Hai cách thuyết pháp ấy đều đưa vào Bát-nhã Ba-la-mật, vì vậy trong Kinh Phật dạy: Con đường đi đến Niết-bàn đều chung một hướng, không có nẽo khác.
            Lại nữa, có ngã có pháp, phần nhiều nói cho người tại gia, có cha mẹ, có nghiệp báo tội phước lớn nhỏ, vì người tại gia phần nhiều không cầu Niết-bàn, nên đắm trước nơi quả báo đời sau. Đối người xuất gia, phần nhiều nói vô ngã vô pháp, vì người xuất gia phần nhiều hướng đến Niết-bàn. Người cầu Niết-bàn thì không thọ lãnh hết thảy pháp, tự nhiên tịch diệt ấy là Niết-bàn.
            Lại nữa, có người chưa thành thục các căn tín v.v... trước

* Trang 218 *
device

cầu được  những điều có tướng (hữu sở đắc) vậy sau mới xả. Vì hạng người đó Phật dạy làm các thiện pháp, bỏ các việc ác. Những người đã thành thục các căn tín v.v... đối với các pháp họ không cầu được điều có tướng (hữu sở đắc) mà chỉ cầu đạo xa lìa sanh tử. Vì hạng người đó Phật dạy các pháp là không, vô sở hữu. Hai việc đó đều thật, như ngón tay vô danh cũng dài cũng ngắn, so với ngón giữa thì ngắn; so với ngón tay út thì dài. Dài ngắn đều thật, nói có nói cũng không như vậy. Nói có, có khi là thế tục, có khi là Đệ nhất nghĩa; nói không, có khi là thế tục, có khi là Đệ nhất nghĩa. Phật nói có ngã, không ngã, đều là thật.
            Hỏi: Nếu hai việc ấy đều thật, tại sao Phật phần nhiều tán thán không mà hủy báng có?
            Đáp: Không, vô sở hữu là pháp tạng của mười phương hết thảy chư Phật, Hiền thánh. Như trong phẩm Chúc-Lụy của kinh Bát-nhã Ba-la-mật dạy: Bát-nhã Ba-la-mật là pháp tạng của chư Phật ba đời, mười phương. Bát- nhã Ba-la-mật tức là không vô sở hữu. Có khi Phật nói có để giáo hóa chúng sanh, lâu về sau đều sẽ vào trong pháp tạng Vô sở hữu.[1]
            Hỏi: Nếu như vậy, sao trong kinh Bát-nhã Ba-la-mật dạy: Nếu quán năm uẩn không vô sở hữu, chẳng phải là đạo?
            Đáp: Trong kinh Bát-nhã Ba-la-mật ấy dạy: “Có và Không đều không.” Như trong kinh Trường Trảo Phạm chí nói có ba thứ tà kiến:
            1. Hết thảy Có.
            2. Hết thảy Không.
            3. Nửa Có nửa Không.
 

[1] T. 8: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 20: Lục ba-la-mật thị chư Phật vô tận pháp tạng (六波羅蜜是諸佛無盡法藏), tr. 363b4.
 

* Trang 219 *
device

            Phật bảo Phạm chí Trường-trảo (Dīrgha-nakha) rằng: Hết thảy hữu kiến là bị dục nhiễm, bị sân nhuế, ngu si trói buộc, hết thảy vô kiến, là không nhiễm, không sân, không si, không đắm, không buộc. Nữa có nữa không, có thời đồng bị buộc như trên, không thời đồng không bị buộc như trên. Đối ba thứ kiến ấy, Thánh đệ tử nghĩ rằng: Nếu ta chấp thọ biết hết thảy hữu kiến, thời cùng với hai hạng người kia tranh, đó là hạng người chấp hết thảy không và hạng người chấp nữa có nữa không. Nếu ta chấp thọ hết thảy vô kiến, cũng cùng với hai hạng người kia tranh, đó là hạng chấp hết thảy có và hạng người chấp nữa có nữa không. Nếu chấp thọ nữa có nữa không, cũng cùng với hai hạng người kia tranh, đó là hạng người chấp hết thảy có và hạng người chấp hết thảy không.[1] Vì đấu tranh nên phỉ báng nhau. Vì phỉ báng nhau nên phiền não. Vì thấy sự đấu tranh phiền não ấy nên bỏ vô kiến, và các kiến khác cũng không chấp thọ. Không chấp thọ nên liền được vào đạo.
            Nếu không chấp trước hết thảy các pháp không, thời tâm không nổi lên đấu tránh, chỉ dứt trừ kiết sử, ấy gọi là thật trí. Nếu chấp thủ tướng không của các pháp thời nỗi lên đấu tránh, không diệt được các kiết sử, nương dựa trí tuệ ấy, là chẳng phải thật trí. Như Phật dạy: Vì độ chúng sanh cho nên nói pháp, tất cả đều thật, chỉ vì chúng sanh đối với pháp ấy có chấp trước không chấp trước nên có thật với không thật.
            Do các nhân duyên như vậy, thân, khẩu, ý nghiệp của Phật không có tội lỗi. Thế nên nói Phật thân, khẩu, ý trước đã
 

[1] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 34, kinh 969, tr. 249b1-c6.
 

* Trang 220 *
device

biết rõ, vậy sau theo trí tuệ đó mà hành.
            Hỏi: Lúc đầu nói Phật thân không lỗi, miệng không lỗi, ý không lỗi, nay lại nói thân khẩu ý theo trí tuệ mà hành, có nghĩa gì sai khác?
            Đáp: Trước nói ba thứ không lỗi, không nói đến nhân duyên, nay nói nhân duyên vì theo trí tuệ mà hành nên không lỗi; nếu trước không trù lượng mà khởi lên thân khẩu ý thời có lỗi. Phật trước dùng trí tuệ khởi thân, khẩu, ý nghiệp nên có lỗi.
            Lại nữa, Phật thành tựu ba thứ tịnh nghiệp; ba thứ tịch tịnh nghiệp, ba thứ bất hộ nghiệp.[1]
Có người nghi nói: Do nhân duyên gì Phật thành tựu nghiệp như vậy. Vì vậy nên Phật nói Ta hết thảy thân, khẩu, ý trước do trí tuệ, vậy sau theo trí tuệ đó mà hành.
            Phật lấy trí tuệ biết quá khứ, vị lai, hiện tại, thông suốt không chướng ngại: Ba thứ trí tuệ ấy đối với ba đời thông suốt không chướng ngại, nên ba nghiệp theo trí tuệ mà hành.
            Hỏi: Các pháp quá khứ đã diệt đã tận, không còn có gì; các pháp vị lai hiện chẳng đến chẳng sanh, chưa hòa hợp, cho đến trong một niệm cũng không có lúc trụ lại, làm sao mà có thể biết ba đời thông suốt không chướng ngại?
            Đáp: Phật nói quá khứ, vị lai, hiện tại, thông suốt
 

[1] T. 25: Đại trí độ luận (大智度論), quyển 18, tr. 195b2-3: Chư Phật tam bất hộ: thân nghiệp bất hộ, khẩu nghiệp bất hộ, ý nghiệp bất hộ; T. 26: A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc luận (阿毘達磨集異門足論), quyển 4, tr. 381c19-25; T. 31: Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận (大乘阿毘達磨雜集論), quyển 14, tr.761b14-20.
 

* Trang 221 *
device

không chướng ngại, lời nói đó đâu phải hư dối.
            Lại nữa, nếu không có quá khứ, vị lai, chỉ có khoảnh khắc một niệm trong hiện tại, thời Phật cũng không thành tựu được vô lượng công đức. Như mười trí là mười lực, khi ấy cũng không thể một tâm có mười trí được. Nếu như vậy, Phật cũng không được đầy đủ mười lực. Do nhân duyên ấy, biết có quá khứ, vị lai.
            Hỏi: Nếu quá khứ, vị lai, hiện tại đều có, vậy những gì là không? Phật nói bốn đế, về khổ đế quán tướng vô thường v.v... vô thường là sanh diệt, bại hoại, bất khả đắc. Nếu pháp quá khứ nay thật có thời không gọi là vô thường, bại hoại, bất khả đắc. Lại nữa, nếu quá khứ, vị lai, hiện tại đều có thì đọa vào thường kiến, vì sao? Vì Pháp ấy chắc chắn sẳn có ở trong vị lai, chuyển từ vị lai đến hiện tại, từ hiện tại trôi vào quá khứ, như người từ một phòng, đi vào một phòng, không gọi là mất người?
            Đáp: Nếu không mất, có lỗi gì?
            Hỏi: Nếu không vô thường, thời không tội không phước, không sanh không tử, không trói không mở. Tội là mười nghiệp đạo bất thiện sát v.v... Nếu không vô thường thời không có tội sát. Như trong chỗ phân biệt tà kiến nói, lưỡi dao đi qua giữa bảy phần của thân, không gây não hại.[1] Phước là mười nghiệp đạo thiện bất sát v.v...
 

[1] Trường bộ kinh I: Kinh Sa-môn quả, tr. 56-57.
 

* Trang 222 *
device

Vô thường là phân biệt sanh tử, nếu không vô thường thời cũng không có sanh tử, cũng không trói, không mở. Như vậy sai lầm vô cùng?
            Đáp: Các pháp trong ba đời đều có tướng riêng, pháp quá khứ có tướng quá khứ, pháp vị lai có tướng vị lai, pháp hiện tại có tướng hiện tại. Nếu pháp quá khứ, vị lai mà có tướng hiện tại, thì nên có lời nạn vấn ấy. Nay quá khứ, vị lai, hiện tại đều có tướng riêng.
            Lại nữa, nếu thật có quá khứ, vị lai thời cũng có luật nghi xuất gia, vì cớ sao? Vì nếu hiện tại trụ trong ác tâm, quá khứ lại không có thọ giới, ấy là chẳng phải Tỳ-kheo. Lại tâm bậc Hiền thánh ở trong thế tục, khi ấy phải là phàm phu; vì không có đạo ở quá khứ, vị lai, hiện tại. Như vậy cũng không có tội ngũ nghịch, vì cớ sao? Vì tội nghiệp ngũ nghịch đã qua đi, khi người chết đã vào địa ngục, tội ngũ nghịch ở vị lai không có nghiệp nên không có báo, còn thân hiện tại không phải là tội nghịch. Nếu không có quá khứ thời không có tội nghịch, nếu không có tội nghịch, thời đâu có tội khác. Phước cũng như vậy, nếu không tội phước, ấy là tà kiến, khác gì cầm thú!
            Lại nữa, ta không nói quá khứ, vị lai có như tướng hiện tại có, ta nói quá khứ tuy diệt mà có thể nhớ tưởng, phát sanh tâm tâm số pháp, như lửa tắt ngày qua, ngày nay có thể nhớ tưởng lại, không thể nói vì nhớ tưởng tới được mà có

* Trang 223 *
device

lửa hiện ra. Nếu thấy đốt lửa cũng sanh tâm tưởng biết sẽ đốt lửa. Lửa ngày mai như lửa đã qua, không thể cho nay có tâm nghĩ tới lửa mà lửa liền có. Các việc vị lai cũng như vậy. Tâm hiện tại, tuy không trụ lại trong một niệm, song tương tục sanh cho nên có thể biết các pháp. Bên trong do ý hiện tại làm nhân, bên ngoài do các pháp làm duyên, từ nhân duyên ấy phát sanh ý thức, dùng ý thức tự tại biết pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, chỉ không tự biết tâm tâm số pháp hiện tại, ngoài ra đều biết được.
            Hỏi: Trong phẩm như tướng[1] kinh Bát-nhã Ba-la-mật dạy: Ba đời chỉ một tướng, đó là vô tướng, tại sao nói trí tuệ Phật biết ba đời thông suốt không chướng ngại?
            Đáp: Chư Phật có hai lối thuyết pháp: Trước phân biệt các pháp, sau nói rốt ráo không. Nếu nói các pháp ba đời, thông suốt không chướng ngại, ấy là phân biệt nói, nếu nói ba đời một tướng vô tướng, ấy là nói rốt ráo không.[2]
            Lại nữa, chẳng phải bậc Nhất thiết trí, đối với ba đời trí tuệ có ngại, cho đến các bậc Hiền thánh Quán-thế-âm (Avalokiteśvara), Văn-thù-sư-lợi (mañjuśrī), Di-lặc (Maitreya), Xá-lợi-phất (Śāriputra) đối với ba đời trí tuệ, đều có chướng ngại. Do nhân duyên ấy, nói trí tuệ đối với ba đời thông suốt không chướng ngại, không vì vô sự mà nói.
            Lại nữa, có người đối với ba đời sanh tà kiến, cho rằng pháp quá và chúng sanh có ban đầu, không có ban đầu. Nếu có ban đầu thời có chúng sanh mới sanh. Các pháp cũng không nhân không duyên mà sanh. Nếu không ban đầu,
 

[1] T. 8: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 16: Đại như phẩm đệ ngũ thập tứ (đan bổn đại như tướng phẩm (大 如 品 第 五 十 四 - 丹 本 大 如 相 品), tr. 334c16-339a7; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 12, tr. 84a18-21; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật kinh (大般若波羅蜜多經) quyển 467, tr. 364a24-26: trong tất cả pháp dị tướng  thi thiết nhất tướng, đó là vô tướng và nhất tướng, trong pháp vô tướng thi thiết tất cả pháp tướng sai biệt (一切異相法中施設一相,所謂無相及於一相,無相法中施設一切差別法相).
[2] T. 8: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 5, tr. 250c2-4: Thế nào là rốt ráo không? Rốt ráo gọi là các pháp; rốt ráo không thể đắc, phi thường phi diệt. Vì sao? Vì tự tánh là như vậy, ấy gọi là rốt ráo không.
 

* Trang 224 *
device

cũng không cuối cùng, đoạn giữa cũng không. Có ban đầu là có giữa, có sau, không có trước; có cuối cũng là có đầu, có giữa, không có sau; có giữa là có đầu có sau. Nếu chúng sanh và các pháp không có ban đầu thời cũng không giữa không sau. Nếu không ba đời, thời hoàn toàn không có gì.
            Lại nữa, nếu không có ban đầu, làm sao có bậc Nhất thiết trí? vì phá các tà kiến như vậy nên nói các pháp ba đời nhất tướng, đó là vô tướng; chứ không phá trí tuệ của Phật ba đời.
            Hỏi: Vô tướng là hữu biên?
            Đáp: Nếu vô tướng tức là vô biên, là pháp không thể nói không thể nạn làm sao nói là hữu biên.
            Nếu trong vô tướng mà chấp thủ tướng, chẳng phải là vô tướng, vô tướng ấy gọi là bất khả đắc không, trong ấy vô tướng cũng bất khả đắc, không cũng bất khả đắc. Cho nên gọi là bất khả đắc không.
            Lại nữa, Phật có hai đạo:
            1. Phước đức đạo. Có người nghe Phật có mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp không chung, sanh tâm cung kính tin vui,
            2. Trí tuệ đạo. Có người nghe nói các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, nên không có tự tánh, liền lìa bỏ các pháp, đối với không tâm không chấp trước, như mặt trăng hay làm thấm vật, mặt trời hay làm chín vật, nhờ hai nhân duyên ấy vạn vật được thành. Phước đức và trí tuệ cũng như vậy. Phước đức đạo hay sanh các công đức, trí tuệ đạo đối với phước đức đạo

* Trang 225 *
device

hay lìa các tà kiến chấp trước. Vì vậy, Phật tuy nói rốt ráo không, mà cũng nói thông suốt ba đời không chướng ngại, mà không bị lỗi.
            Như vậy, đã lược nói nghĩa của mười tám pháp không chung của Phật.
            Hỏi: Nếu như vậy, sao Ca-chiên-diên Ni-tử nói mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm đại bi, ba niệm gọi là mười tám pháp không chung? nếu trước đó vừa nói mười tám pháp không chung là chân nghĩa, thì sao Ca-chiên-diên Ni-tử cũng nói mười tám pháp không chung như vậy?
            Đáp: Vì vậy nên gọi là Ca-chiên-diên Ni-tử (Kātyāyanīputra), còn nếu là Thích-tử thì không nói như vậy “Thích-tử nói là nói pháp không chung thật. Phật pháp vô lượng, 36 pháp ấy (mười lực, bốn vô úy, tứ vô ngại trí mười tám pháp không chung-N.D) chỉ là một giọt nước trong biển cả Phật pháp, pháp cũng không ít, cớ sao trùng số mười tám?
            Lại nữa, các A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát cũng có mười lực biết được đúng đạo lý không đúng đạo lý, phân biệt nghiệp quả báo ba đời, và các thiền định cho đến lậu tận trí v.v... cớ sao nói (Ca-chiên-diên Ni-tử nói mười tám pháp ấy - N.D) là pháp không chung?
            Hỏi: Thanh-văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát không thể biết hết biết khắp, chỉ có thông và minh, không có lực, riêng Phật mới biết hết biết khắp, nên nói là không chung, như trong mười lực nói?

* Trang 226 *
device

            Đáp: Phật nói nghĩa mười lực, không nói biết hết biết khắp, chỉ nói biết đúng đạo lý không đúng đạo lý. Nói biết hết biết khắp là các luận nghị sư nói.
            Hỏi: Ông trước tự nói trong kinh Đại thừa[1] nói: Phật vì hàng Bồ-tát mà tự nói biết hết biết khắp?
            Đáp: Trong kinh Đại thừa nói, ích gì cho ông, ông không tin Đại thừa, không nên dẫn làm chứng. Ông nên tự nói ra pháp Thanh văn làm chứng.
            Lại nữa, Phật tuy biết hết biết khắp, mà Thanh-văn, Bích-chi-phật có được ít phần, còn mười tám pháp không chung thời Thanh-văn, Bích-chi-phật trước sau đều vô phần. Vì vậy nên gọi là pháp không chung thật.
            Hỏi: mười tám pháp không chung Nhị thừa cũng nên có phần, chỉ Phật thân khẩu niệm thường không lỗi, còn Nhị thừa thân khẩu ý niệm cũng có không lỗi. Như vậy đều nên có phần?
            Đáp: Không phải, vì cớ sao? Vì thường không lỗi mới gọi là không chung, không phải chỉ do không lỗi mà gọi là không chung. Thanh- văn, Bích-chi-phật, đối với thường không lỗi, vô phần.
            Lại nữa, ở các A-la-hán nói có lực, không có chỗ nào nói A-la-hán nói có lực, không có chỗ nào nói A-la-hán có pháp không chung. Ông không tin Đại thừa nên không thọ nhận mười tám pháp không chung thật, mà lại trùng số mười lực v.v... việc ấy không thể được. Như 80 vẻ đẹp của ông tin, mà trong tam tạng không có, cớ sao
 

[1] T. 25: Đại trí độ luận (大智度論), quyển 27, tr. 258b18-19; T. 8: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 1, tr. 219a17-25.
 

* Trang 227 *
device

không nói lại?
            Hỏi: Chúng tôi phân biệt mười tám không chung, không trùng số. Những gì là mười tám?
            1. Biết thật tướng các pháp, gọi là Nhất thiết trí.
            2. Tướng các công đức của Phật khó hiểu, nên công đức vô lượng.
            3. Thân tâm thương niệm chúng sanh, nên gọi là đại bi.
            4. Được trí không ai sánh bằng, nên trí tuệ tự tại.
            5. Khéo hiểu tâm tướng, nên định tự tại.
            6. Được có phương tiện độ chúng sanh, nên biến hóa tự tại.
            7. Khéo biết nhân duyên các pháp, nên ký biệt vô lượng.
            8. Nói thật tướng các pháp, nên ký biệt không hư dối.
            9. Phân biệt trù lượng mới nói, nên nói không lỗi.
            10. Thành tựu được mười lực, nên trí tuệ không giảm.
            11. Trong hết thảy pháp hữu vi, chỉ quán pháp tụ vô ngã nên thường tu hạnh phóng xả.
            12. Khéo biết phải thời không phải thời, an lập tam thừa vì thường quán chúng sanh.
            13. Thường nhất tâm, nên không thất niệm.
            14. Thiện tâm sâu xa trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp nên không có tập khí phiền não.
            15. Được trí chân tịnh nên không ai có thể đúng như pháp nêu lỗi được.
            16. Đời đời kính trọng bậc tôn quý nên có tướng đảnh không thể thấy.
            17. Tu tâm đại từ bi, nên an tường để chân, dưới chân nhu nhuyến, chúng sanh gặp được liền được vui.
            18. Được thần thông Ba-la-mật nên chuyển tâm chúng sanh là cho hoan hỷ đắc độ; như khi đi vào thành, hiện lực thần biến?
            Đáp: mười tám pháp không chung như vậy, chẳng phải trong tam tạng nói. Các kinh khác cũng không nói. Vì có

* Trang 228 *
device

người tìm kiếm pháp ấy, nên các luận nghị sư Thanh văn lượm lặc chỗ nọ, chỗ kia soạn tập lại. Tán thán công đức Phật. Như nói: Nói không lỗi, tuệ không lỗi, niệm không lỗi, đều là từ mười tám pháp bất cọng trong Đại thừa dẫn ra để luận nghị. Tuy có tướng đảnh không thấy, dưới chân nhu nhuyến, như vậy rất nhiều, không nên để ở trong mười tám pháp không chung. Pháp không chung đều lấy trí tuệ làm ý nghĩa. Thân lực của Phật như lực mười vạn bạch tượng và lực thần thông đều không nói, vì vậy nên biết trong mười tám pháp không chung chỉ nói đến công đức trí tuệ, không nói đến quả báo tự nhiên.
            Lại nữa, mười tám không chung ấy, trong A-tỳ-đàm phân biệt thu nhiếp vào năm uẩn. Thân, miệng không lỗi, thân miệng theo trí tuệ hành, thì nhiếp vào sắc uẩn. Không dị tưởng thì nhiếp vào tưởng uẩn, không có tâm bất định thì nhiếp vào thức uẩn, còn lại thì nhiếp vào hành uẩn. Đều ở trong bốn thiền. Phật ở trong bốn thiền đắc đạo, đắc Niết-bàn.
            Có người nói: Bốn pháp không chung thuộc sắc pháp (thân không lỗi, miệng không lỗi, thân nghiệp, khẩu nghiệp theo trí tuệ hành - N.D) thì nhiếp vào Sắc giới, Dục giới, các pháp không chung khác thì nhiếp vào chín địa, đều là thiện; đều là pháp vô lậu. Bốn pháp thuộc sắc do nhân duyên và tăng thượng duyên sanh, các pháp còn lại do bốn duyên sanh, bốn pháp không duyên, mười bốn pháp có duyên.[1] Bốn pháp theo tâm hành, không tương ưng với tâm, mười ba pháp[2] tương
 

[1] Mười bốn pháp có duyên (hữu duyên): Niệm không lỗi, vô dị tưởng, vô bất định tâm, vô bất tri dĩ xả, dục vô giảm, tinh tấn vô giảm, niệm vô giảm, tuệ vô giảm, giải thoát vô giảm, giải thoát tri kiến vô giảm, nhất thiết ý nghiệp tùy trí huệ hành, trí tuệ tri quá khứ thế vô ngại, trí tuệ tri vị lai thế vô ngại, trí tuệ tri hiện tại  thế vô ngại.
[2] Mười bốn pháp có duyên (hữu duyên) trừ vô bất định tâm.
 

* Trang 229 *
device

ưng với tâm cũng theo tâm hành, một[1] pháp không tương ưng với tâm cũng không theo tâm hành. Các nghĩa như vậy đều có phân biệt trong A-tỳ-đàm.
            Ban đầu phân biệt như vậy, vào trong Bát-nhã Ba-la-mật, thật tướng các pháp thảy đều một tướng, đó là vô tướng. Vào tâm Phật tất cả tướng đều diệt.
(Hết cuốn 26 theo bản Hán)

____________
 

[1] Một pháp không tương ưng với tâm : Vô bất định tâm.
 

* Trang 230 *
device

Xem mục lục